Từ đề thi tuyển sinh vào ĐH, suy nghĩ về sách giáo khoa Lịch sử!

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Sau ba bài tranh luận về Đề thi và Đáp án môn Lịch sử khối C Đại học mà Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp xung quanh câu chuyện này. Chúng tôi xin được đăng nguyên văn bài viết của PGS, TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN về vấn đề trên.

551ef894e40327.img.jpg


Mỗi đợt thi tuyển sinh, đề và đáp án môn lịch sử luôn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình. Cho dù là khen hay chê, đúng hay sai, những ý kiến đó đều thể hiện sự quan tâm rộng rãi, mang tính thường xuyên của xã hội đến môn học, trực tiếp nói lên tầm quan trọng của môn lịch sử ở nhà trường phổ thông. Phải chăng đây cũng là một hạnh phúc của đội ngũ thầy, cô giáo môn lịch sử?

Tôi hoàn toàn chia sẻ với những đánh giá rằng đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2013 nằm trong chương trình lớp 12, đề thi không khó, ngôn từ bám sát sách giáo khoa. Đáp án (thực chất là hướng dẫn chấm bài, chứ không phải là một bài làm như một số người quan niệm) được làm rất công phu, chia điểm thành phần rất chi tiết, có hướng dẫn cho điểm những trường hợp có cách làm khác (nhưng đúng) hoặc có kiến thức ngoài đáp án (nhưng đúng).

Như vậy, với những bài làm bình thường, như sách giáo khoa vẫn được điểm tối đa, còn những bài làm có tính sáng tạo sẽ được vận dụng quy chế thưởng điểm, đảm bảo được quyền lợi của học sinh.

Kiến thức cần sử dụng để trả lời mỗi câu hỏi khá gọn, không liên quan đến nhiều bài khác nhau; thậm chí nhiều ý kiến cho rằng chỉ ngang tầm một đề thi tốt nghiệp, học sinh chỉ cần học thuộc lòng cũng làm được bài. Một số giáo viên phổ thông cho biết thêm: "trừ câu 4a, những câu còn lại trong đề thi tuyển sinh đại học chỉ cần dùng sách giáo khoa lịch sử 9 cũng làm được".

Tôi đã xem lại sách giáo khoa lịch sử 9, quả là nhận xét đó không quá đáng, vì sự chênh lệch chỉ ở một số chi tiết mà thôi (nhưng vẫn có nhiều bài làm dưới điểm trung bình, kể cả điểm không).

Xin đừng đổ lỗi cho Ban Đề thi của Bộ, những người phải chịu quá nhiều sức ép từ nhiều phía, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và phải giữ nguyên tắc bám sát chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Điều cần khẳng định là: Cả đề thi và đáp án đều đảm bảo nghiêm túc những kiến thức có trong sách giáo khoa. Kiến thức của các thí sinh là kiến thức được học trong sách giáo khoa, chứ không phải là kiến thức của các nhà nghiên cứu lịch sử (tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ).

Vì thế, chúng ta cần bình tĩnh xem xét lại nội dung chương trình và sách giáo khoa lịch sử theo cấu trúc đồng tâm hiện hành. Không chỉ có sự trùng lặp giữa hai bậc học THCS và THPT, mà ngay trong một cuốn sách giáo khoa. Lịch sử 12 chẳng hạn, cũng có nhiều nội dung trùng nhau. Phải chăng sự trùng lặp nội dung là một trong những nguyên nhân làm cho môn lịch sử trở nên thiếu hấp dẫn người học và chưa đạt được kết quả mong muốn?

Sách giáo khoa là tài liệu chủ yếu để dạy, học và kiểm tra, đánh giá, nên có ảnh hưởng quyết định đến đề thi và đáp án. Điều đáng suy nghĩ là sách giáo khoa lịch sử đã thực sự giữ được vai trò đó hay chưa?

Có những nội dung lịch sử quan trọng nhưng chưa được nhấn mạnh đúng mức, ví dụ như sự "chuyển biến" về giai cấp trong xã hội Việt Nam (Bài 13) chỉ được viết rất gọn: "cơ cấu giai cấp của xã hội Việt Nam có những chuyển biến mới".

Sự chuyển biến (mang tính lịch đại, tính quá trình) thể hiện ở biến đổi về cơ cấu giai cấp. Nhưng quá trình biến đổi "cơ cấu" đó diễn ra như thế nào, thì sách giáo khoa lại chưa làm sáng tỏ, mà đi ngay vào mô tả tình hình từng giai cấp, tầng lớp (mang tính thời điểm cụ thể). Vì vậy, đáp án cho Câu 1 của đề thi yêu cầu "Trình bày sự chuyển biến về giai cấp trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất" chỉ đơn thuần là trình bày "tình hình" từng giai cấp.

Trong sách giáo khoa có những kiến thức sai lệch. Chỉ những học sinh giỏi, có kiến thức vững chắc mới có khả năng lập luận và trình bày theo thực tế, còn nhìn chung sẽ chỉ viết theo kiến thức đã được học theo sách. Ví dụ:

Sách Lịch sử 12 viết: "Bước vào đông - xuân 1953 - 1954, Pháp - Mĩ âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định nhằm "kết thúc chiến tranh trong danh dự" (tr. 145) và nêu câu hỏi: "Âm mưu mới của Pháp - Mĩ ở Đông Dương khi bước vào Đông - Xuân 1953-1954 như thế nào?" (Bài 23, tr. 146).

Khi kiến thức và câu hỏi này được sử dụng ra đề thi, đã gây ra những tranh luận. Trên thực tế, Pháp - Mỹ chỉ có âm mưu và kế hoạch Nava khi bước vào Hè - Thu 1953, với hai bước tiến công chiến lược, bước 1 được thực hiện từ Thu - Đông năm 1953, nhưng rồi không thành công, nên cuối năm 1953 (hay khi bước vào Đông - Xuân 1953-1954) họ có sự thay đổi bằng việc xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương (thực chất là một kế hoạch với âm mưu hoàn toàn mới, trái ngược với kế hoạch ban đầu). Đáp án Câu 2 của đề thi tuy không sát thực tiễn lịch sử, nhưng hoàn toàn đúng với sách giáo khoa.

Âm mưu "chia cắt nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương và Đông Nam Á", chỉ được diễn đạt trong sách giáo khoa như một âm mưu nhất thời "Ngay sau Hiệp định Giơnevơ, Mĩ liền thay thế Pháp dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam..." (Lịch sử 12 tr. 159; Lịch sử 12 Nâng cao, tr. 211), chứ không được nhấn mạnh như một âm mưu chủ yếu, xuyên suốt tất cả các chiến lược chiến tranh của Mỹ.

Bởi vậy đáp án Câu 3 của đề thi tuyển sinh chỉ trình bày âm mưu cụ thể của "Chiến tranh đặc biệt" là "Dùng người Việt đánh người Việt" (0,5 điểm), mà bỏ qua âm mưu chủ yếu của Mỹ. Tuy nhiên, những bài làm có trình bày âm mưu này vẫn được xem là đúng.

Để làm đáp án câu 4b phải căn cứ vào hai mục: "Sự hình thành hai hệ thống đối lập" (Bài 1) và "Mâu thuẫn Đông - Tây và sự khởi đầu Chiến tranh lạnh" (Bài 10). Tuy nhiên, mục "Sự hình thành hai hệ thống đối lập" được "giảm tải"(do trùng lặp sự kiện rải rác trong nhiều bài khác).

Đáp án chỉ còn căn cứ vào mục "Mâu thuẫn Đông - Tây và sự khởi đầu Chiến tranh lạnh", làm rõ được "quá trình xác lập trật tự hai cực", mà chưa thật rõ quá trình xác lập "hai phe". Những bài làm của thí sinh trình bày những sự kiện về quá trình xác lập hai phe được xem là kiến thức vượt đáp án (nhưng đúng).

Trên đây chỉ là một số suy nghĩ về sách giáo khoa lịch sử từ ảnh hưởng của nó đến một đề thi và đáp án cụ thể, nhưng cũng đủ cho cho thấy không nên sử dụng sách giáo khoa như một khuôn vàng, thước ngọc, không chỉ trong dạy, học, mà cả trong làm đề thi và đáp án. Trước mắt, đội ngũ thầy, cô chúng ta phải tìm mọi cách để cách khắc phục những bất cập tương tự.

Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Kính đề nghị cơ quan hữu trách sớm chỉ đạo biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa lịch sử cho tương xứng với vai trò, vị trí của môn học, đáp ứng mong mỏi của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh; góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo chủ trương của Đảng được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.
Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top Bottom