Sự phát triển không giải thích được của một hòn đảo mới, được gọi là Niijima, nằm cách Tokyo, Nhật Bản khoảng 1.000 km – được hình thành như là kết quả của một vụ phun trào núi lửa – đã tạo ra một sự khuấy động lớn trong cộng đồng khoa học.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản dự đoán hiện tượng này là một cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu nguồn gốc của sự sống trên đất khô cằn.
Hòn đảo này là kết quả của hoạt động núi lửa dưới đáy biển Thái Bình Dương, được tạo ra bởi sự phun trào dung nham và tro núi lửa vào ngày 20 Tháng 11 năm 2013. Sự việc đã làm nổi lên một hòn đảo mới gần đảo Nishinoshima (còn được gọi là Đảo Rosario). Bởi vì quá trình phun trào của núi lửa là liên tục, nên hòn đảo này đã lớn thêm lên cho đến khi nó hợp nhất với đảo Nishioshima, như tờ báo Anh Daily Mail đưa tin.
Kích thước ban đầu của hòn đảo mới là 100m từ Đông sang Tây và 200 mét từ Bắc tới Nam. Nhưng ngày nay, Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết hòn đảo đo được từ Đông sang Tây là 1.900 mét, và 1.950m từ Bắc đến Nam, nó cao khoảng 100 mét. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hoạt động núi lửa đã tăng lên và không thể xác định dòng khói và dung nham tuôn ra từ miệng núi lửa sẽ còn kéo dài bao lâu.
Hiện tượng này đã làm các nhà khoa học ngạc nhiên, bởi vì, nhiều lần, các đảo xuất hiện từ những vụ phun trào núi lửa cuối cùng thường chìm xuống biển.
Việc hợp nhất vào đảo Nishinoshima và sự xuất hiện của hoạt động núi lửa có thể giúp nghiên cứu các hiện tượng sinh học xảy ra trong điều kiện không thuận lợi.
Mặc dù hòn đảo này được tạo ra gần như hoàn toàn từ đá núi lửa hình thành từ quá trình làm nguội dung nham, các nhà khoa học dự đoán sự sống sẽ bắt đầu dần dần, ban đầu là thực vật và sau đó, có lẽ là động vật, sẽ đem lại cho giới khoa học một “phòng thí nghiệm tự nhiên”.
Tác giả: Mioara Stoica | Dịch giả: Kim Xuân
Nguồn: ĐẠI KỶ NGUYÊN thời báo - Vietnamese Version - The Epoch Times