- Tham gia
- 17/12/2011
- Bài viết
- 5.437
Tôi là Bêtô được Nguyễn Nhật Ánh kể với ngôn ngữ của nhân vật chính, tức là ngôn ngữ của trẻ. Chứ không phải là ngôn ngữ của một người kể nào đó ở ngôi thứ ba chắc chắn sẽ làm cho truyện vừa dài ra, vừa khô đi mà không chứa nổi mọi chuyện tươi xanh của cuộc đời. Nhưng làm sao mà tránh được sự có mặt của Nguyễn Nhật Ánh, người điều hành toàn bộ câu chuyện, người đã qua Bêtô mà kể lại câu chuyện trong một thứ văn phong theo tôi là rất gọn, rất hay; một văn phong chứng tỏ người viết rất thuộc và rất yêu đối tượng khảo sát của mình. Phải nói đó là loại văn rất thích hợp cho thiếu nhi ở một lứa tuổi đang rất cần rèn giũa cho sự giàu có, tinh tế và ăn ý giữa ý và lời. Và, không chỉ là khảo sát mà còn là sự đúc kết cho con trẻ quen dần với các suy tưởng, kể cả triết lý về cuộc sống, vốn lúc nào cũng hiện hữu quanh chúng như ánh sáng, như khí trời, để cho chúng vừa chóng lớn, lại vừa không mất đi tất cả những gì là quà tặng của tuổi thơ, rồi sẽ cùng chúng đi suốt hành trình của đường đời con người.
Một cách kể tự nhiên về những chuyện của đời thường không tẻ nhạt, có sức chứa những ý tưởng mới mẻ và những triết lý hồn nhiên, nhằm mở rộng sự sống của thế giới trẻ thơ, và gieo trồng những tình cảm đặc trưng cho bước chuyển từ trẻ con sang người lớn, từ gia đình ra xã hội - đó là cái hay, cái hấp dẫn của Tôi là Bêtô. Đã lâu lắm, tôi mới lại được đọc một truyện thú như thế!
Nhẹ nhàng và thâm thúy, cuốn hút từ đầu tới cuối, cuốn truyện làm bật cười con trẻ và làm trầm tư người lớn.
Những trải nghiệm buồn vui, những mất mát cay đắng, những ảo mộng tan vỡ, những thức ngộ xót xa cứ bảng lảng, cứ ẩn hiện phía sau những câu chữ bình dị, trong một giọng kể hồn nhiên, ngây thơ.
Có thể nói đây là cuốn sách người lớn nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bất cứ lúc nào đem ra đọc cũng được. Đọc một mình, cười khóc một mình. Và rồi ai đọc xong cũng có thể nói: Tôi là Bêtô.
“Tôi là Bêtô” là xâu chuỗi những câu chuyện được kể dưới con mắt quan sát và suy nghĩ của “một chú cún tên Bêtô”. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Bêtô, với chị Ni – chủ của chú, với Binô, Laica, lão Hiếng – những đồng loại và cũng là những người bạn của chú. “Tôi là Bêtô” thông qua những mẩu đối thoại, những tình huống và cách cư xử đời thường, giản dị để gửi gắm những thông điệp hữu ích không chỉ với trẻ em: thông điệp về tình bạn, về mối quan hệ với những người thân trong gia đình (Sưu tầm)
1
Tên tôi là Bêtô. Đó là cái tên chị Ni đặt cho tôi. Đúng ra, cái tên ban đầu là Bêbêtô. Bạn có biết Bêbêtô là gì không? Chắc bạn nghĩ đó là một loại củ cải? Trật lất rồi, bạn ơi. Đó là tên của một cầu thủ đội Brazil.
Chị Ni đặt cho tôi cái tên đó chính xác là vào ngày 15 tháng 7 năm 1994, tức là đúng nửa tháng sau ngày đội tuyển Brazil đoạt chức vô địch giải bóng đá thế giới lần thứ 15.
Đó cũng chính là ngày tôi đặt chân đến nhà tôi. Tất nhiên là nhà tôi hiện nay. Nhà tôi hiện nay tất nhiên là nhà tôi đang ở.
Phải nói rõ như vậy, vì thông thường, khi nhắc đến hai chữ "nhà tôi" người ta đang nghĩ đến cái nhà người ta đã rời xa.
Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó một trăm mét và lo lắng nói:
- Mưa thế này, không biết nhà tôi có dột không.
Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó một ngàn mét và buồn bã nói:
- Không biết giờ này ở nhà tôi mọi người đang làm gì.
Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó nửa vòng trái và lần này thì người ta sụt sùi:
- Chẳng biết chừng nào tôi mới được về thăm lại nhà tôi.
Ngày đầu tiên về thăm quê từ một nơi xa lăng lắc, chính bà nội của chị Ni vừa khóc vừa kể như vậy. Lúc đó tôi đang nằm gặm xương dưới gầm bàn chứ đâu.
2
Bêbêtô! Cái tên cũng hay đấy chứ? Nhưng dài quá.
Đầu tiên chị Ni gọi tôi:
- Bêbêtô.
Sau đó, anh Nghé, anh chị Ni, gọi tôi:
- B... bêtô.
Đến lượt ba chị Ni và mẹ chị Ni gọi tôi:
- Bêtô.
Bạn thấy chưa, càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.
Thế là tôi trở thành Bêtô.
May mà bà nội chị Ni về chơi ít ngày, chưa kịp gọi đến tôi. Nếu không tên tôi có khi chỉ gọn lỏn:
- Tô.
Mà như thế thì thật buồn cười.
3
Tôi chưa thấy ai mê bóng đá như chị Ni. Tôi biết cái trò đó. Thậm chí biết rành hơn những người không biết.
Hai mươi hai người chia làm hai phe, rất dễ phân biệt vì họ mặc quần áo khác màu nhau, cùng tranh giành một vật tròn tròn được gọi là quả bóng. Và một người thứ hai mươi ba lon ton chạy theo, với cái còi ngậm trên miệng. Đó là ông trọng tài.
Bọn cún chúng tôi cũng hay chơi cái trò nhí nhố này. Nhưng thay vì quả bóng, tụi tôi giành nhau khúc xương, có khi chỉ là cái đuôi cá nhỏ xíu.
Tất nhiên tụi tôi không chia làm hai phe. Mà vô số phe. Có năm thằng cún là năm phe. Và mười phe, nếu từ đâu đó chạy tới năm thằng nữa.
Tụi tôi cũng không cần trọng tài. Nếu có thằng nào tự xưng là trọng tài thì hắn cũng nói cho oai thế thôi. Vì ngay sau đó lập tức tự hắn cũng thành một phe.
Khúc xương tất nhiên hấp dẫn hơn quả bóng. Vì ăn được. Và vì giành nhau một thứ ăn được, tụi tôi choảng nhau quyết liệt hơn so với các cầu thủ gấp trăm lần. Nhiều khi nước mắt. Đôi khi máu. Và trên cái nền thường trực là những tiếng rên.
Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả.
4
Tôi đã thấy chị Ni nhảy cao như thế nào (y như lũ cún bọn tôi lúc giành được khúc xương) khi đội Brazil đoạt Cúp vàng năm 1994. Và tôi cũng chứng kiến chị Ni đã buồn bã như thế nào vào cái ngày đội bóng thân yêu của chị bị thất trận trước đội Pháp bốn năm sau đó.
Chị bỏ ăn một ngày, bỏ ngủ ba ngày và khóc suốt một tuần lễ liền. Chị kêu Zidane là tên đầu hói đáng ghét, kêu Aimé Jacquet là lão già khùng.
Ba chị bảo:
- Ăn một miếng đi con.
Chị lắc đầu.
Mẹ chị năn nỉ:
- Ngủ một chút đi con.
Chị lắc đầu.
Trước trận chung kết, sáng nào hai cha con cũng chúi mũi đọc các báo thể thao.
Sau trận chung kết, ba chị ôm chăn gối nằm ngủ ngay chỗ cửa ra vào, chặn hết các tờ báo sớm tuồn qua khe cửa vào tờ mờ sáng hôm sau, đọc vội đọc vàng sau đó vò lại thành một quả bóng bằng giấy và quẳng hết vào thùng rác.
Ba chị không nỡ để chị xem các bài báo ca ngợi kẻ thù và các hình ảnh đăng quang của đội bóng vô địch.
Nhưng tôi chưa kịp lôi các tờ báo vo tròn đó ra khỏi thùng rác để nghịch thì chị đã nhặt sạch.
Buổi trưa đi làm về, ba chị sững sờ khi thấy chị đang ngồi mê mải trước những tờ báo nhàu nát.
Ba chị không biết, nhưng tôi biết: trong thể thao, tình yêu bao giờ cũng cao hơn hận thù.
5
Ba chị Ni không biết rất nhiều thứ: chẳng hạn trong thế giới cún chúng tôi, bướng bỉnh và phá phách bao giờ cũng quyến rũ hơn là đóng vai ngoan ngoãn.
Tôi không thể cắt nghĩa được tại sao trò chơi ưa thích nhất của tôi là gặm tất cả những gì có thể gặm, xé những gì có thể xé.
Hễ thấy bất cứ vật gì ngay mõm là răng tôi ngưa ngứa.
Tôi nghe người ta nói "mỡ để miệng mèo". Câu đó có lẽ đúng với cái bọn chẳng ra gì đó. Lũ cún chúng tôi không vậy. Một tảng mỡ đối với tôi không phải lúc nào cũng hấp dẫn bằng một quyển sách, một cái đồng hồ hay một chiếc giày.
Bạn thử gặm một chiếc giày đi, vừa nhá vừa nhay nhay, vừa lắc mạnh đầu cho nó nảy qua nảy lại. Thật mê ly. So với cảm giác tuyệt vời này, nhấm nháp một miếng bít-tết chỉ là thú vui rẻ tiền của bọn mèo bình dân.
Miếng bít-tết sẽ chui tọt vào bụng trong nháy mắt nhưng một chiếc giày hay một quyển sách thì không vậy. Nó vẫn ở với bạn, cùng chơi với bạn cho đến khi bạn mệt nhoài còn nó thì lam nham những dấu răng hoặc rách bươm ra.
6
Thành tích của tôi thật đáng nể: Từ khi tôi bắt đầu sống trong nhà tôi, tôi đã xé rách tám cuốn tập, mười hai cuốn sách, làm hỏng bốn chiếc đồng hồ các loại, làm cho không sử dụng được năm đôi giày, sáu đôi dép và đặc biệt là làm biến mất hàng chục đôi vớ của tất cả thành viên trong nhà, với sự cộng tác chặt chẽ của bọn cún hàng xóm.
Ba chị Ni nhún vai:
- Thằng ranh!
Mẹ chị Ni lắc đầu:
- Đúng là kẻ cướp!
Chị Ni xoa đầu tôi:
- Lớn lên tí nữa, cún nhà ta sẽ thôi phá phách.
Bà cố chị Ni đến chơi, cười móm mém:
- Cún thế mới là cún chứ. Một con cún không nghịch ngợm là một con cún bỏ đi.
Tôi nằm nơm nớp dưới gầm gi.ường, cảm động lấy mũi của mình cạ cạ vào chân bà. Lời ăn tiếng nói của người già mới sâu sắc làm sao! Tôi muốn hét to lên điều đó nhưng có một con đê vô hình chắn ngang ước muốn được bộc lộ của tôi.
Một lúc sau, tôi nhận ra mình đang đứng ở giữa nhà, mặc dù tôi không hề nhớ là tôi đã chui ra khỏi chỗ ẩn nấp từ khi nào. Có lẽ là niềm phấn khích đã dẫn tôi đi.
Chẳng ai nói gì tôi hết. Mọi cặp mắt đều lặng lẽ nhìn tôi.
7
Một con cún không nghịch ngợm là một con cún bỏ đi. Bà cố chị Ni nói đúng. Nhưng một con cún nghịch ngợm quá mức có khi còn bỏ đi sớm hơn. Ở đây tôi muốn nói đến chuyến du hành vào một thế giới mà tôi tin là vô cùng lạnh lẽo và hoang vắng.
Tại sao tôi lại nói như thế?
Đó là vì những chiếc áo và những chiếc quần. Bạn đã nghe tôi khoe thành tích ở trên kia. Tôi đã phá hỏng rất nhiều thứ: giày dép, sách vở, những đôi vớ. Và cả những chiếc đồng hồ. À, sẽ không thừa nếu tôi bổ sung thêm vào bảng liệt kê đầy ấn tượng của mình thành tích mới nhất: Mới hôm qua đây thôi, tôi đã kịp biến chiếc điện thoại cầm tay của ba chị Ni thành một thứ rất thích hợp nằm trong thùng rác.
Nhưng còn những chiếc áo và những chiếc quần, chúng cũng đáng để tôi nhâm nhi lắm. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội. Đó là thứ con người thích treo trên những mắc áo cao thật cao. Một ý thích thật là bệnh hoạn. Trong khi tôi thì quá thấp bé để có thể lôi chúng xuống.
Dĩ nhiên thỉnh thoảng tôi cũng cắn được những cái gấu quần lúc mọi người lượn lờ trước mặt tôi. Nhưng chẳng có gì đáng kể. Tôi chưa kịp nhay cho thỏa thích đã bị giật ra. Những lúc đó, tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm.
Khi bạn không được làm điều bạn muốn làm, có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị tước đoạt.
8
Như vậy, vấn đề không nằm ở những chiếc áo và những chiếc quần. Chúng chỉ là phương tiện để tôi thể hiện sự tự do và nghiền ngẫm về tự do khi tôi không nhay được chúng.
Nhưng tôi có cách của tôi. Không ai chịu ban cho tôi cơ hội thì tôi tự tạo ra.
Tôi đến gần những cái mắc áo đính chặt vào tường khi cả nhà đi vắng. Và dùng mõm ủi một chiếc ghế con vào sát tường.
Trên đó, tôi nhảy chồm chồm. Vẫn hoàn toàn tuyệt vọng. Khi tôi nhảy lên, mõm tôi và những chiếc lai quần không quá xa nhau. Chỉ cách một gang tay. Có khi chỉ nửa gang.
Nhưng nửa gang tay phù du đó, tôi biết là khoảng cách vời vợi cho đến chừng nào tôi lớn thêm chút nữa.
Hôm đó, tôi đánh vật với độ cao mệt nhoài, chẳng được tích sự gì.
Cuối cùng, như có ai thắp nến dưới da tôi. Lòng tự ái của tôi được đốt cháy. Cú nhảy cuối cùng, tôi phóng bằng tất cả sức lực mà tôi vét được đến gam cuối cùng.
Tôi táp được chiếc quần. Nó và tôi cùng rơi xuống.
Tôi rơi nhanh hơn chiếc quần, hoàn toàn không kiểm soát được thăng bằng. Đầu tôi chúc xuống, không giống kiểu cún, và va thật mạnh vào mép chậu sành bên dưới.
Máu phụt ra, tôi đoán thế, vì vừa rên ư ử tôi vừa dõi mắt theo một vệt gì đó màu đỏ đang chảy ngoằn ngoèo trên nền nhà. Trước khi thiếp đi, dường như tôi đang đau đớn nghĩ: Lẽ nào để có được chút xíu tự do, tôi phải trả giá bằng máu?
9
Chị Ni về, lúc tôi vẫn chưa tỉnh dậy. Nhưng chắc là tôi rên lên trong giấc mơ.
Trong giấc mơ, tôi thấy tôi được bế lên trong vòng tay dịu dàng. Rồi tôi thấy tôi được đặt trên một vật gì đó ấm áp và mượt mà, có vẻ là một tấm chăn. Sau đó, có mười cục bông gòn mềm mại bò trên đầu tôi, đó là những ngón tay dịu dàng của chị Ni.
- Cưng khờ quá, cún ngoan của chị.
Dường như chị Ni nói thế, hoặc là tôi tưởng tượng đã nghe thấy những lời như thế. Trong một thoáng, tôi thấy vết thương trên đầu dịu đi mặc dù chị Ni bắt đầu bôi một thứ thuốc gì đó khiến d.a thịt tôi bỏng rát như có ai áp vào một miếng sắt nung đỏ. Bạn cũng thế thôi, trong cơn đau đớn hoặc sầu muộn, những lời như thế sẽ làm bạn thấy ấm lòng xiết bao! Cảm giác đau đớn đột ngột lùi xa và sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu cuối cùng nó biến mất.
Những ngày sau đó, tôi để ý thấy trên sàn nhà luôn có một chiếc áo và một chiếc quần. Dĩ nhiên là áo cũ và quần cũ, chị Ni đặt sẵn ở đó, có lẽ chị không muốn tôi đổ máu chỉ để chinh phục thứ tự do treo trên những mắc áo.
10
Tôi đã có dịp viếng thăm nhà bà cố chị Ni.
Đó là một căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm, hàng rào kết bằng những dãy hoa giấy đỏ hồng. Chui ra chui vào qua các lỗ hổng dưới chân dãy rào đó quả là một trò chơi hấp dẫn với bọn cún chúng tôi. Nằm trên tay chị Ni, ngọ nguậy đầu và rướn cổ nhìn thoáng qua, tôi đã xuýt xoa thầm về phát hiện đó.
Phía sau dãy rào là một vuông sân nhỏ, với một cây ổi và một cây mận. Cả hai đều sai trái vào ngày tôi đến. Hoa ổi và những trái mận bé tí đêm hôm trước bị gió đánh rụng, rải rác đầy sân như những mảnh sao vỡ.
Chị Ni rất yêu mến và tự hào về bà cố của mình. Lý do là bạn cùng lớp với chị chẳng người nào còn bà cố hay ông cố. Tất cả các bậc lão trượng đó đều đã qua đời.
Đám bạn chị đến nhà, gặp lúc bà cố đang ở chơi, bao giờ chị cũng giới thiệu một cách hãnh diện:
- Bà cố mình đó.
Những lúc ấy đám bạn chị tròn xoe mắt, há hốc miệng ra.
Sau đó, tất cả bỗng nhiên nói năng khe khẽ, đi lại rón rén. Tôi nằm trong góc nhà quan sát họ, thấy họ không ngừng len lén ngắm bà, ánh mắt hiếu kỳ như đang chiêm ngưỡng một kỳ quan. Thậm chí vẻ mặt họ còn toát lên vẻ thành kính, giống như họ đang đứng trước một ngôi miếu thờ được dựng lên từ trăm năm trước.
"Bà cố", thật là quý hiếm. Cho nên cũng thật là tuyệt.