Tin nhắn rác “cướp tiền”, Cơ quan chức năng không biết?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Gần đây, những kiểu tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng liên tục xuất hiện, dội vào ĐTDĐ dù đêm hay ngày, bất chấp sự phản ứng của các chủ thuê bao. Nội dung tin nhắn rác rất đa dạng, về bói toán, cờ bạc, s.ex, đến đủ các thứ dung tục…

Và có vẻ như Nghị định 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 chưa đủ sức nặng nên đến thời điểm này tin nhắn rác lại bùng phát. Tin nhắn rác khủng bố người dùng ĐTDĐ cả ngày lẫn đêm trước sự bất lực của cơ quan chức năng…

aa0Daydau.jpg

Điên đầu vì tin nhắn rác.

Bom tin nhắn

Gần đây, những kiểu tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng liên tục xuất hiện, dội vào ĐTDĐ của bất cứ ai, dù đêm hay ngày, bất chấp sự phản ứng của các chủ thuê bao. Nội dung tin nhắn rác rất đa dạng, về bói toán, cờ bạc, s.ex, đến đủ các thứ dung tục… Nội dung cụ thể như “chúc mừng thuê bao 0906xxx được người bạn gái tên H tặng một món quà cùng lời ghi âm, gọi 19006812 để nghe và biết tên người ấy”; “Theo ngũ hành, các tháng cuối năm số thuê bao 09155 xxx không gặp may mắn về tiền bạc, vận hạn về công danh, sức khỏe. Để biết cách phòng tránh giải hạn, soạn QUE gui 8713”; “Gọi gấp 19006900 để biết sợ vợ... cực sướng”; “Hôm nay em buồn, hãy gọi cho em vào số 1900xxxx”; “Xem teen Hà Nội tung ảnh tự sướng, hãy click vào liên kết xxxx”...

Những người mới sử ĐT như học sinh, thanh thiếu niên mới lớn, người cao tuổi… chưa có kinh nghiệm hoặc tò mò trả lời tin nhắn theo cú pháp hướng dẫn là lập tức “ăn đòn”. Bà Lê Thị Hải, quê Thanh Hóa, ra Hà Nội giúp việc kể lại: “Bà chủ nhà mua cho tôi cái ĐT cũ và nạp cho 100.000 đồng để liên lạc với con cái. Một hôm thấy có tin nhắn nói là tôi gặp vận hạn, sợ quá tôi nhắn lại 2 lần thì bị trừ mất mấy chục ngàn đồng. “Nó” trả lời linh tinh. “Nó” nói tôi gặp trắc trở tình duyên. Trời đất, tôi già rồi, lại chỉ là người giúp việc, bận từ sáng đến đêm thì tình duyên cái nỗi gì. Đúng là quân lừa đảo”.

Anh Quân, ở quận Hà Đông cho biết: “Ngày nào tôi cũng bị khủng bố bởi tin nhắn rác. Có hôm đang ngủ thì có tin nhắn, mở ra xem thì là tin nhắn của 8713 dụ bói toán, mời xem ảnh nữ sinh thoát y. Có hôm đang nằm với vợ thì ĐT trong túi rung bần bật, chỉ sợ cô nào nhắn tin trêu đùa thì nát nhà nên không dám xem. Ai dè vợ tôi biết nhưng cứ nằm im. Hôm sau cô ấy mang con về nhà ngoại để lại mấy chữ “em biết anh có bồ, tối qua anh có tin nhắn mấy lần nhưng không dám xem vì sợ lộ…”. Tôi phải mất cả tháng để thanh minh. Có lần vợ tôi tức quá nhắn tin chửi lại thì bị trừ 15.000 đồng. Thế mới điên. Mấy “thằng” 8713, 8781, 6747, 8725… hành gia đình tôi suốt ngày”.

Chủ nhân số thuê bao 01626688xxx cho biết: “Tôi bỏ 50 triệu đồng để mua số ĐT đẹp của Viettel. Người ta nói dùng Viettel ít bị tin nhắn rác nhưng không phải vậy, số của tôi bị hành cả ngày lẫn đêm. Chủ yếu các tin nhắn lừa đảo, dụ đánh bạc từ đầu số 8713. Có ngày tôi nhận được đến 10 tin nhắn kiểu “Phát tài với 500D. Đây là lời khẳng định của L1 8713. Theo là 100% ăn ba càng + toàn bộ giải. Thông tin lấy từ Tăng Bạt Hổ. 500/sms. Soạn L1 gửi 8713”; “Xin thử 1 lần, không về ba càng không bao giờ làm phiền bạn nữa. Ăn tuyệt đối ba càng… Nhắc lại, ăn 300%. Ăn to hôm nay. Soạn L8 gửi 8713”… Đầu số 8713 đã lừa đảo trắng trợn, sử dụng chính đường truyền của các nhà mạng để tra tấn khách hàng. Đầu số 8713 nhắn tin giá 500 đồng 1 tin nhắn nhưng thực tế đã nhắn đến 8713 là bị trừ 15.000 đồng. Trắng trợn hơn, đầu số 8713 khẳng định lấy thông tin mật từ Hội đồng quay xổ số Tăng Bạt Hổ, ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng quay xổ số và làm mất trật tự, an toàn xã hội…”.

New-Picture.JPG

Những tin nhắn lừa đảo của đầu số 8713.

Phạt quá nhẹ…

Một đại diện Thanh tra Bộ TT&TT đã khẳng định với báo chí: “Trong các trường hợp nêu trên, nếu người sử dụng soạn G gửi 8781 hoặc QT gửi 6747 lập tức tài khoản thuê bao di động sẽ bị trừ 15.000đồng và không nhận được gì cả hoặc lại nhận được tin quảng cáo. Đặc biệt nếu nhắn bất kỳ nội dung gì, không cần đúng cú pháp và gửi đến đầu số như vậy vẫn bị trừ tiền”. Nghe thông tin này thật buồn. Nhiều người phải đặt câu hỏi: Vậy các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đang làm gì? Tại sao có chế tài trong tay mà không thể xử lý những kẻ sử dụng chính đường truyền của các mạng viễn thông để lừa đảo, khủng bố khách hàng?

Cuối năm 2012, hy vọng hé mở đối với những người sử dụng ĐTDĐ khi Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13-8-2008 về chống thư rác được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Nội dung Nghị định này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các đầu số nội dung. Một trong số đó là quy định: “Cá nhân, tổ chức chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý rõ ràng trước đó của người nhận”; và không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7-22g mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Trước đó, để thể hiện quyết tâm quét tin nhắn rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý SIM, tin nhắn rác... và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 77/2012/NĐ-CP.

Quyết tâm của Bộ TT&TT là vậy nhưng người tiêu dùng vẫn bị dội bom tin nhắn không mong muốn và không cần được sự đồng ý như quy định của Nghị định 77. Có người mất ngủ, có gia đình cãi nhau đến bất hòa, có người vỡ nợ do đánh lô, đề vì tin vào “tin mật” từ Hội đồng quay xổ số… Và có kẻ đứng đầu các trung tâm đầu số đút túi hàng chục tỷ đồng/năm nhờ vào lừa đảo các chủ thuê bao mà vẫn “bình chân như vại”?! Nhiều người kiến nghị, mức phạt chưa tương xứng với thu nhập và hành vi của các DN quản lý các đầu số tung tin nhắn rác.

Luật sư Vũ Lợi, GĐ Cty luật Hòa Lợi cho biết, theo quy định của Điều 139 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009 thì hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý theo Điều 139 BLHS. Nếu số tài sản bị lừa đảo trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì mức hình phạt là 20 năm tù hoặc chung thân. Nếu chứng minh được những DN tung tin nhắn lừa đảo đề để thu lợi bất chính từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố trách nhiệm hình sự. Chỉ xử lý hình sự mới đủ sức răn đe các DN tung tin nhắn lừa đảo. Và chỉ có mạnh tay mới bảo vệ được sự nghiêm minh của pháp luật.

Không lẽ bất lực?


Qua tìm hiểu, các đầu số như 8713, 7710, 6723 là những đầu số của các DN cung cấp dịch vụ nội dung trong nước và có thể khẳng định việc xử lý những DN quản lý các dịch vụ nội dung này nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Đây là các DN quản lý các đầu số tung tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác cho khách hàng nhiều nhất trong những năm qua. Có thông tin khẳng định, “quan hệ” của lãnh đạo các Cty quản lý các đầu số này “khủng” lắm nên họ mới không bị sờ gáy.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, gần đây đã có 4 DN nội dung số bị xử phạt vì phát tán tin nhắn rác, với tổng số tiền lên đến hơn 1,7 tỷ đồng. Cty Tinh Vân Telecom bị phạt gần 700 triệu đồng. 3 Cty còn lại có sự liên kết làm ăn gồm Cty Hà Thành, E-WAY và Lạc Hồng bị phạt hơn 1 tỷ đồng... Số tiền phạt này quá nhỏ so với những gì các Cty này “kiếm” được (doanh thu của một Cty chỉ vài nhân viên lên tới 27 tỷ đồng/năm) nên tin nhắn rác vẫn hoành hành, gây phản ứng dữ dội trong dư luận…

Không trả lời tin nhắn rác:


Đại diện Bộ TT&TT chia sẻ, việc phát hiện và xử lý không dễ dàng vì những DN này tìm đủ mọi cách để che đậy hoạt động của mình. Lực lượng thanh tra đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) và Cục Viễn thông mới có thể tiến hành công việc và xử phạt các Cty trên. Vậy, không lẽ cuộc chiến với nạn tin nhắn rác sẽ không có hồi kết? Bạn Lê Sang, sinh viên Học viện Viễn thông chia sẻ kinh nghiệm: “Để tự cứu mình, người sử dụng ĐTDĐ tuyệt đối không nhắn tin trả lời, nhắn tin chửi bới đến các đầu số được gợi ý tin nhắn rác gửi đến. Trong trường hợp bị lừa đảo nhiều lần thì làm đơn gửi đến các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone hoặc Thanh tra Bộ TT&TT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam –VNCERT để nhờ can thiệp”.


Phải quản lý chặt chẽ đầu số


Theo thống kê gần đây, ở Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp nội dung số hoạt động. Việc 4 doanh nghiệp bị xử phạt như trên chỉ như muối bỏ bể. Với mức xử phạt như hiện hành thì không thể xóa bỏ được tin nhắn lừa đảo, tin nhắn cờ bạc, tin nhắn s.ex… Do sự phức tạp trong việc quản lý, xử lý các DN tung tin nhắn rác, Thanh tra Bộ TT&TT từng có kiến nghị lên Bộ TT&TT, cùng các cơ quan liên quan cân nhắc lại vấn đề quản lý đầu số, nhằm hạn chế tối đa tình trạng bùng phát tin nhắn rác, lừa đảo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc quản lý, xử lý tin nhắn rác chưa có hiệu quả rõ rệt…


… Kiểu gì cũng mất tiền!


Một kỹ thuật viên ngành Viễn thông cho biết, các Cty dịch vụ đầu số nội dung đã sử dụng các tin nhắn wappush gửi đến điện thoại có thể khiến người dùng di động mất cước dù không thực hiện thao tác tải về. Với các điện thoại dòng smartphone, tin nhắn dạng này giống như các SMS thông thường, nhưng với điện thoại phổ thông, khi mở tin thì máy sẽ tải nội dung về. Cho dù người dùng nhắn tin với cú pháp từ chối nhận quảng cáo gửi đến tổng đài cũng không có hiệu lực bởi đây không phải nội dung do nhà mạng cung cấp. Biện pháp ngăn chặn tin nhắn này cũng khó thực hiện.
Theo phapluatxahoi.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom