Tìm ra cách biến trứng luộc thành... trứng sống

Katherin

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
30/1/2015
Bài viết
257

Thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng các nhà khoa học vừa tìm ra một cách biến một quả trứng đã luộc chín kỹ trở lại trạng thái lỏng như trứng tươi. Đột phá này có thể mang lại các lợi ích lớn cho nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như sản xuất pho mát và nghiên cứu ung thư.

20150128104407-trung.jpg

Trong một thử nghiệm được khuyến nghị không nên tự thực hiện tại nhà riêng, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng urê - một trong những thành phần chính của nước tiểu, và một "thiết bị chất lưu xoáy lốc" để đảo ngược trạng thái luộc chín kỹ của một quả trứng gà.

Các chuyên gia đã luộc quả trứng khoảng 20 phút, rồi tập trung vào việc đưa một loại protein trong lòng trắng trứng trở về trạng thái ban đầu của nó. Mục đích của thử nghiệm này là nhằm giải quyết các khó khăn nảy sinh khi các protein "cuộn gấp sai", buộc các nhà khoa học phải sử dụng những phương pháp tiêu tốn thời gian để gỡ rối hoặc những phương pháp đắt đỏ để bảo đảm các protein không bị gấp rối ở giai đoạn đầu.

"Có rất nhiều trường hợp protein có nhựa dính, khiến bạn phải mất nhiều thời gian để cạo sạch chúng khỏi các ống nghiệm của mình. Và bạn cũng muốn có phương tiện nào đó để khôi phục vật liệu ấy. Trong công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi đã tìm ra một thiết bị gỡ các protein bị rối và cho phép chúng cuộn gấp lại", Gregory Weiss, giáo sư chuyên ngành hóa học, sinh vật học phân tử và hóa sinh tại Đại học California Irvin (Mỹ), cho biết.

Theo báo cáo nghiên cứu, đầu tiên, chất urê được cho thêm vào để biến lòng trắng trứng đã đông cứng do luộc chín trở lại trạng thái lỏng. Chất lỏng này sau đó được cho vào thiết bị chất lưu xoáy lốc, nơi các protein bị rối sẽ được vặn xoắn và bóc tách nhẹ nhàng cho tới khi chúng cuộn gấp thành cấu trúc phù hợp.

Toàn bộ quá trình trên được coi là đột phá, vì nó chỉ diễn ra trong vài phút. Các phương pháp gỡ rối protein trước đây có thể mất vài ngày và để tránh điều đó, các nhà khoa học thường phải dựa vào các kỹ thuật sản xuất đắt tiền. Chẳng hạn như, khi tạo ra các kháng thể ung thư, các nhà khoa học phải sử dụng những tế bào buồng trứng chuột hamster đắt đỏ, vì họ thường không gỡ rối các protein.

Các chuyên gia nghiên cứu ung thư, hãng dược, ngành nông nghiệp và công nghiệp cũng có thể tiết kiệm được phần lớn chi phí trong khoảng 160 tỉ USD tiêu tốn vào các protein mỗi năm.

"Tôi không thể dự đoán phương pháp mới sẽ giúp tiết kiệm bao nhiêu tiền, nhưng tôi có thể nói chắc rằng, nó sẽ giúp tiết kiệm vô khối thời gian và thời gian luôn là tiền bạc", chuyên gia Weiss nhấn mạnh.

Tuấn Anh (Theo Guardian)
từ: vietnamnet.vn
 
Quay lại
Top Bottom