Tiểu thuyết mới của Hồ Bất Khuất: ”Đường về” xốn xang tâm tưởng

Tham gia
14/4/2013
Bài viết
6
Nhà thơ, nhà báo, dịch giả của những vần thơ Nga say đắm, Hồ Bất Khuất vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 2 “Đường về”. Một cái tên sách hiền lành, giản dị nhưng nội dung lại chứa đựng bao biến cố dữ dội đối với nhiều số phận người Việt xa xứ, cũng như đối với đất nước. Đây cũng là tác phẩm được đạo diễn Quốc Trọng sử dụng một số “tứ” cho bộ phim “Hai phía chân trời”.
t8s12-55cfd.jpg

Tác giả Hồ Bất Khuất (phải) và đạo diễn Quốc Trọng (người đã dùng một số "tứ" của tiểu thuyết “Đường về” cho phim “Hai phía chân trời”). Ảnh: T.N.


Số phận buộc với số phận

Cuốn sách gây ấn tượng với độc giả ngay từ bức ảnh minh họa trang bìa. Đôi mắt thăm thẳm của một cô gái, đang như dõi theo hình ảnh một người lữ hành cất bước trở về. Đó là sự trở về trong đời thực với quê hương, đất nước, cũng là lối về trong tâm tưởng với cái nhìn đau đáu thời cuộc.

Lối viết đơn giản, nhưng câu chuyện và số phận nhân vật trong “Đường về” lại hiện lên một cách gai góc, nhức nhối. Có lẽ chính sự gai góc trong tác phẩm khiến nó từng bị nhiều nhà xuất bản trong nước từ chối. Cho đến khi Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chính thức tiếp nhận bản thảo, với những đánh giá nghiêm túc, cẩn trọng, khách quan, sách mới đến được tay độc giả.

Nói về sự ra đời của cuốn sách, tác giả Hồ Bất Khuất thuật lại trong lời đề tựa: “Năm 1993, tại Matxcơva, tôi tình cờ nhìn thấy một cô gái trẻ có dáng vẻ thuần Việt, nhưng rồi tôi thất vọng khi thấy cô cầm trong tay quyển hộ chiếu Hoa Kỳ và nói tiếng Anh rất chuẩn. Tôi hỏi bằng tiếng Nga là cô có nói được tiếng Nga không. Cô trả lời bằng tiếng Việt là cô chỉ nói được tiếng Anh và tiếng Việt. Đấy là điều khá thú vị đối với tôi. Nhưng thú vị hơn cả là cô cho biết cô từ Mỹ sang Nga để học đại học.

Cử chỉ, dáng điệu, giọng nói và mục đích của cô sang Nga ám ảnh tôi mãi. Năm 2002 tôi đặt bút viết tiểu thuyết “Đường về”, trong đó có một tuyến nhân vật là Việt kiều sống ở Mỹ. Viết được mấy trang, tôi mới hiểu là mình chưa biết gì về cộng đồng người Việt sống ở Mỹ. Tôi xếp giấy bút lại.

Tháng 9/2004, tôi sang Mỹ. 11 tháng sống và học tập bên đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại người và hiểu ra rất nhiều vấn đề. Viết về người Việt ở Mỹ không thể không nói tới cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua. Nói tới chiến tranh, không thể không đề cập tới những người lính từ miền Bắc vào Nam để chiến đấu. Thế là sự kiện gọi sự kiện, số phận buộc với số phận, hình thành nên không gian, thời gian đủ để tái hiện hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua”.

Sống và chết giữa biển khơi

Huỳnh Phước Ân Thi, tên nhân vật, cũng là nguyên mẫu của cô gái anh gặp tại Matxcơva ngày nào, được sinh ra vào đêm 30/4/1975 trên biển trong một con tàu cũ kỹ. Má cô chết sau khi cô ra đời được hơn chục tiếng đồng hồ. Ba cô bế cô trên tay, đăm đắm nhìn xác vợ từ từ chìm vào lòng biển... Thế rồi cô lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh trên đất Mỹ. Khi biết quê cha, đất tổ của mình là Việt Nam, cô quyết tâm tìm cách trở về cho bằng được. Hành trình tìm đường từ Mỹ về Việt Nam của cô rất thú vị, vì nó vòng qua Matxcơva. Đây là nơi Huỳnh Phước Ân Thi tiếp xúc với những người đồng hương Việt Nam thuộc “chiến tuyến” khác. Và cô đã chinh phục được họ; hay chính cô bị họ chinh phục? Điều này không quan trọng. Cái quan trọng là cô đã được về Bến Tre, được gặp ông bà nội, được sống ở Thủ đô Hà Nội... và điều có ý nghĩa hơn cả là cô đã “ bắc cầu” để ba cô – một viên tướng bại trận, người không hi vọng có cơ hội trở về Việt Nam nữa – đã trở về.

Đất nước ta từ sau 1975 đến nay trải qua nhiều cung bậc. Trong cái ngổn ngang, quăng quật, khúc khuỷu của cuộc đời có nhiều sự kiện bi hài trong từng số phận. Tác giả không có tham vọng kết luận điều gì; chỉ mở ra, vẽ nên những điều có thực đã được “văn học hóa”. Nhưng như thế cũng chỉ mới nói được một phần của cuộc sống, bởi cuộc sống luôn luôn sâu thẳm và bí ẩn hơn những điều con người biết được.

Viết văn là tâm sự, chia sẻ nhận thức của mình với nhiều người cùng một lúc. Mong rằng những ai đọc “Đường về” sẽ tìm thấy ở đây những điều xốn xang trong tâm tưởng. Cái xốn xang này làm chúng ta đăm chiêu hơn trong cái nhìn để tìm niềm tin trong cuộc sống.

Trần Tuấn Linh
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom