Tiểu thuyết hương và hoa

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078


Tác giả: Ariyoshi Sawako

Chương 1

PHỤ TRƯƠNG , Chương 1 , Chương 2 , Chương 3 , Chương 4 , Chương 5 , Chương 6 , Chương 7 , Chương 8 , Chương 9 , Chương 10 , Chương 11 , Chương 12 , Chương 13 , Chương 14 , Chương 15 , Chương 16 , Chương 17 , Chương 18 , Chương 19 , Chương 20 , Chương 21 , Chương 22 , Chương 23 , Chương 24 ,
Ồ, Tomoko, bà cứ tưởng là cháu đang chơi một mình cơ đấy! Cháu may cái gì thế?
Nghe giọng bà ngoại, Tomoko ngước cặp mắt tròn lên nhìn bà và trả lời, môi dưới bặm lại do làm việc quá tập trung:
– Cháu may mấy cái nệm bà ạ.
– Nệm à? Cho búp bê của cháu phải không?
– Bà ơi! Bà cho cháu một ít bông.
– Mai bà đưa cho.
– Bà cho cháu một ít bông để nhồi, bà ạ!
– Bông để nhồi, có đúng không?
Bà ngạc nhiên và vui mừng về tiết kiệm bẩm sinh của đứa cháu ngoại.
Người phụ nữ xấp xỉ bốn mươi này đang trong thời kỳ giới tính nở rộ, với những đường cong nhẹ nhàng và làn da trắng mịn, trông hãy còn trẻ mà đã là bà rồi.
Tsuna, bà ngoại, góa chồng từ hai năm nay, Ikuyo, con gái duy nhất của bà, phải lòng Seikichi, cậu con trai độc nhất của nhà Tazawa, một gia đình khá giả làng bên, thôn Umehara. Nhưng vì cả hai đều là con một, nên cả hai gia đình đều không muốn thấy con mình rời nhà ra đi. Cha của Ikuyo thì một mực đòi giữ bằng được con gái mình, còn Seikichi thì cứ khăng khăng đòi cưới Ikuyo, và cuối cùng thì đám cưới đã được quyết định với điều kiện là đứa bé đầu tiên sinh ra sẽ là người thừa kế của nhà Sunaga. Vì vậy, nếu Ikuyo sẽ là Ikuyo Tazawa thì Tomoko lúc sinh ra sẽ mang họ của nhà Sunaga. Vì đứa trẻ và cha mẹ nó mà cả ba đều sống chung dưới mái nhà Sunaga.
Nhưng lúc nó chưa đầy ba tuổi thì cha nó bị viêm phổi cấp tính và qua đời, Ikuyo góa chồng lúc xấp xỉ hai mươi và đến nay thế là vừa tròn ba năm.
Tomoko quá bé nhỏ so với tuổi, nhưng vẻ mặt nhìn nghiêng xinh xắn, đôi mắt to tròn và môi dưới bặm lại không hợp với bộ mặt của một bé gái:
trông nó có vẻ nghiêm nghị, điều hiếm thấy ở tuổi thơ.
Thế rồi Ikuyo, lúc này mới hai mươi ba tuổi, đã quyết định đi thêm bước nữa với Keisuke, con trai ông trưởng thôn và sẽ từ giã nơi nàng sinh ra và lớn lên để đi theo chồng, tin này đã làm cả làng phải ngạc nhiên.
Bà Tsuna không ngớt lời than phiền, chắc chắn là bà không hiểu con gái mình lắm. Đời thuở nhà ai lại tái giá để rồi đến sống với người chồng góa vợ trong một căn nhà buồn bã, quạnh hiu, thay vì ở lại nhà với bà.
– Nếu Tomoko làm vướng chân mẹ thì con sẽ mang nó đi theo, Ikuyo đáp.
Gia đình người ta cũng đã chấp nhận điều này rồi. Còn con, nếu như con cố ý để nó ở lại đây, là vì nó thuộc nhà Sunaga. Xin mẹ đừng hiểu sai ý định của con.
– Thế mày không nghĩ rằng mày không có quyền làm như vậy với thằng Seikichi đáng thương đã chết rồi sao?
– Anh ấy đã ra đi trước con và bỏ con ở lại một mình. Lỗi là ở anh ấy!
– Và để đến sống ở một cái nhà đầy ắp trẻ con, mày không biết là mày sẽ gặp bao nhiêu chuyện rắc rối ư.?
– Anh ấy đã hứa với con là sẽ không làm điều gì để con phải lo lắng.
– Cho dù nó có thề thốt, hứa hẹn nhiều, muốn nói gì thì nói, hễ cưới xong là mày không tránh khỏi rắc rối với bố mẹ chồng mày đâu. Có lẽ là mày không tin rằng mọi việc rồi cũng sẽ dễ dàng như hồi mày còn sống ở đây với Seikichi?
– Mẹ!
Ikuyo đột ngột ngừng may và ngẩng đầu lên:
– Mẹ ghen với con nên mới nói với con như thế, phải không nào?
Hai gò má Ikuyo một thoáng đỏ ửng. Tsuna nín thở, rồi im bặt.
Một mối hận thù hừng hực cháy giữa hai mẹ con đều là những người đàn bà góa bụa. Bà tự hỏi đã có lần nào trong đời mình được đứa con gái trái chứng, trái nết luôn làm phiền lòng bà, luôn đòi bà sắm cho những kimono mới đối xử như một người mẹ chưa? Ikuyo được thừa hưởng của dòng dõi những người phụ nữ nhà Sunaga cái gien khéo léo trong thêu may, nhưng khi từ còn bé nàng luôn may vá là chỉ để cho mình dùng. Ngay cả sau cái chết của Seikichi, những lần gã bán vải đưa hàng đến nhà, nàng luôn say sưa chọn vải, chọn màu, mắt sáng lên vì thích thú. Và cách ăn mặc kỳ quặc của nàng với những chiếc kimono mô-đen nhất đã làm cho cả làng trố mắt ngạc nhiên. Bà Tsuna ngồi lặng yên, đôi mắt hằn học nhìn soi mói chiếc kimono màu sắc rực rỡ, đặt trên đầu gối của Ikuyo. Trong lần đám cưới đầu của con gái, bà vui vẻ, nhanh nhẹn sử dụng cây kim mũi chỉ để giúp nàng chuẩn bị bộ áo xống trong ngày tân hôn, nhưng lần này, bà đã tự hứa với mình là sẽ không giúp nàng gì nữa hết để may chiếc kimono của cô dâu.
Không hay biết gì về mối bất hòa giữa mẹ và bà ngoại, Tomoko, mặt quay về phía vườn rực sáng ánh chiều tà, say sưa khâu nệm cho búp bê. Nó có nghe phong phanh về chuyện tái hôn của mẹ, nhưng chẳng hình dung được những ảnh hưởng mà sự kiện này có thể gây ra cho nó, và điều nó sung sướng nhất trong chuyện cưới xin này là mẹ đã hào phóng cho nó những mảnh vải vụn đẹp nhờ vậy mà nó đã có thể hoàn thành được chiếc gi.ường mà lâu nay nó hằng mong muốn sắm cho búp bê của mình.
Tomoko đương mải mê ngắm nhìn con búp bê nằm dài trên gi.ường nệm thì bỗng có tiếng ông chú ruột Shinya:
– Người nhà Tazawa có đến gặp tôi để nhờ tôi nói với chị trả Tomoko cho họ, vì nó là đứa cháu nội duy nhất của họ.
– Nhưng mọi việc đã được định đoạt trước khi sinh Tomoko. Nó sẽ là người thừa kế của nhà Sunaga! Giọng bà ngoại the thé.
– Nhưng họ nói rằng bây giờ ch.uyện ấy phải thay đổi. Người nhà Tazawa không ngờ là Seikichi lại chết trẻ đến thế.
– Tôi cũng không ngờ. Nếu nó không chết sớm thì con Ikuyo đã không phải tái giá làm gì!
Nói xong bà Tsuna liền cao giọng gọi cháu:
– Tomoko! Cất búp bê. Tốt, cháu bà ngoan lắm.
Bà ngoại không muốn để Tomoko nghe người ta nói xấu về mẹ nó.
Về phần Tomoko, nó ngoan ngoãn vâng lời bà, thu dọn đồ chơi và đi về phòng của ngoại. Hai bà cháu ngủ chung một phòng. Đã từ lâu nó không ngủ chung phòng với mẹ nữa, nó muốn ngủ và thức dậy bên cạnh ngoại Tsuna.
Khi đi ngang qua một cái phòng tối tăm trong đó kê bàn thờ, nó đặt bàn tay lên tấm vách trượt trên bánh xe, nhưng nó đột ngột dừng lại, sửng sốt vì một mùi hương lạ tỏa trong phòng. Mắt nó quen dần với bóng tối, nó nhìn về phía phòng của mẹ, đặt túi đồ chơi xuống đất và rón rén đến gần. Hé mở các tấm vách, nó nhìn vào trong.
– Tomoko! Gì thế? Ikuyo kỏi khi trông thấy con gái đẩy các tấm vách và đi vào phòng.
– Mẹ, khói! ....
Người mẹ trẻ bật cười, rồi đột ngột nhíu lông mày và bảo Tomoko kéo tấm vách lại.
– Đúng là khói chứ gì nữa, tao đốt hương để xông áo kimono của tao đấy.
Bị ngẹt thở vì khói, Tomoko đưa mắt nhìn mẹ với vẻ trách móc – Hừm, thơm đấy chứ?
Một mùi hương thơm dìu dịu lan tỏa khắp phòng. Có lẽ mũi của Tomoko đã quen dần với hương nồng đó, nhưng tâm trí nó thì bâng khuâng.
Nó nhìn gương mặt xinh đẹp của mẹ qua màn trắng:
mũi dọc dừa khảm trên một cái mặt thanh tú, cặp mắt hình quả hạnh nhân, lông mi đen và dày. Đôi môi mỏng với những đường cong đều tựa như phác hoạ bởi bút lông và làm lu mờ thiếu sót nhỏ nhoi của một cái cằm hơi ngắn. Nhưng đáng chú ý nhất là bộ tóc đen như mun của nàng. Tomoko ngất ngây trước sắc đẹp lộng lẫy đó và sung sướng có một người mẹ đẹp.
– Con nói cái gì mà kỳ quặc thế ...
Ikuyo khẽ nói khi thấy Tomoko ngắm nghía mình một cách nghiêm nghị, rồi nàng lại miệt mài xem xét áo kimono của mình. Tự hào về cắt may giỏi, nàng tự tay may lấy hết mọi áo xống của mình mà không phải nhờ vả bất cứ ai. Không bao giờ nàng để ý đến bếp núc, nhà cửa hoặc giặt giũ, còn chuyện kim chỉ thì khỏi phải hối thúc nàng. Từ hồi thơ ấu, và khi đã là người vợ, người mẹ, và cả khi goá bụa, nàng luôn miệt mài cắt may mà chẳng bao giờ thấy chán mệt.
Ngay từ khi chưa lấy chồng, Ikuyo Sinaga đã có thói quen gọi người bán vải rong đến nhà. Và chính từ gã nầy mà dân làng biết được là cậu con trai của gia đình Keisuke Kosaka đã phải lòng Ikuyo từ lâu nay. Và ngay sau khi vợ chết, để anh ở lại một mình với ba đứa con, Keisuke vội vã một lần nữa xin cưới nàng.
Hôn lễ được ấn định vào ngày giỗ đầu của chồng trước của Ikuyo. Nhưng điều kỳ lạ là không phải Keisuke bị dân làng chỉ trích, mà lại là nàng, có lẽ thái độ của người đàn bà đó đã chọc tức họ từ lâu nay.
– Như vậy là nó mặc áo cưới màu trắng ba lần cả thảy! Các bà mỉa mai nhận xét.
Tuy nhiên trong lần đám cưới đầu tiên của Ikuyo, cách đây bảy năm, nàng là người đầu tiên ở làng mặc áo dài trắng, và đã được các dân làng thực tình chiêm ngưỡng. Các bà trong làng còn nhớ như in những bộ quần áo tang mà nàng mặc trong ngày chôn chất Seikichi Tazwa. Ở giữa những phụ nữ đủ mọi lứa tuổi và ăn mặc toàn đồ đen đó, Ikuyo với chiếc áo tang truyền thống đã nổi bật lên do tuổi thanh xuân và sắc đẹp của mình. Chiếc kimono trắng đó nói lên quyết định của nàng sẽ không bao giờ tái hôn nữa, đã khiến nàng thu hút cảm tình của toàn thể dân làng. Mọi người trong nháy mắt đã quên hết những lời đàm tiếu nhắm vào Ikuyo khi cô còn bé để hết lời ngợi khen nàng như một người phụ nữ đức hạnh nhất làng. Người duy nhất còn nhớ đến hình ảnh người vợ trẻ đã không nhỏ giọt nước mắt nào trong buổi mai táng chồng mình, đó là bà Tsuna. Chính bà Tsuna đó đã cúi đầu trước bộ áo tang trắng của con gái mình và tự nhủ là kể quá cố Seikichi thật là may mắn đã có một người vợ tiết hạnh, rồi bà khóc than cho số phận hẩm hiu của con gái từ nay về sau sẽ phải sống cô đơn trên thế gian này. Hiệu quả do chiếc kimono tinh khiết đó gây nên mạnh mẽ đến mức là lúc đó chính bản thân mẹ nàng cũng không nghĩ rằng Ikuyo goá bụa còn quá trẻ để có thể giữ trọn được suốt đời tiết hạnh của mình.
Sau khi mặc chiếc kimono trắng trong ngày cưới, tượng trưng cho người phụ nữ sẵn sàng theo chồng một cách trung thành, rồi lại mặc chiếc kimono trắng tang tóc, nói lên lòng quyết tâm không bao giờ tái hôn của nàng, trước mắt mọi người, Ikuyo đã trở thành một phụ nữ mà từ nay cho đến hết đời sẽ chỉ có một cuộc sống, cuộc sống của một người mẹ toàn tâm toàn ý che chở cho đứa con gái bất hạnh mà người chồng quá cố đã bỏ lại.
Bởi vậy khi mà đến lượt mình trở thành goá bụa, đầu óc bà Tsuna còn rất xa vời với ý nghĩa là một ngày nào đó có thể là Ikuyo sẽ rời bỏ gia đình. Hôm mai táng chồng, bà không mặc kimono trắng. Bà cảm thấy xấu hổ nếu bà bắt chước con gái mình, và ở tuổi bà làm gì có chuyện tái hôn cơ chứ. Bà có cảm tưởng như mình được giải thoát trước cái chết của chồng, hơn bà những hai mươi tuổi, và rốt cuộc bà nghĩ rằng bà đã hiểu tại sao Ikuyo không nhỏ một giọt nước mắt nào trong lúc mai táng Seikichi. Có lẽ bà Tsuna cảm thấy phấn khích được tự do và một tương lai xán lạn đương mở ra trước mắt hai mẹ con bà. Đã nhiều lần, sau cái chết của chồng mình, bà đã mơ tưởng đến một mái ấm với nhiều phụ nữ, trong một bầu không khí gia đình rực rỡ bay vút lên không trung và lượn lờ giữa các tầng mây, tựa như bà vừa giải quyết được một điều bí ẩn và cuối cùng đã hiểu được tại sao Ikuyo đã ngừng than khóc hoặc biểu lộ sự buồn bã từ khi chồng chết, và tỏ ra rất sung sướng trước công việc may vá.
Vậy cho nên bà đã đứng lặng và miệng há hốc khi Ikuyo báo với bà ý định bỏ mặc bà ở lại với những cảm nghĩ về tự do của bà; và bằng một giọng rất tự nhiên, tựa hồ như đương tuyên đoạn một bức thông điệp, nàng cho mẹ biết ý định của nàng tái hôn với con trai ông trưởng thôn. Rồi, không cần được sự đồng ý của mẹ, nàng bắt đầu nói với bà ta về những dàn xếp cần thiết. Chính vào lúc này, người bán vải rong đến chào bà Tsuna, vừa siết chặt tay bà vừa cười và nói:
– A, tin vui, xin chúc mừng!
Ngày hôm đó, cả làng được biết tin qua miệng người bán vải rong.
Ikuyo hình như chẳng quan tâm gì đến những khả năng nghề nghiệp của Keisuke, vì hôm qua bà Tsuna hỏi nàng để biết do đâu nàng có ý định lấy anh ấy, thì câu trả lời thật là quá rõ:
– Anh ấy biết Tôkyô!
Nhưng trước đó thì nàng trả lời với mẹ:
– Keisuke là người duy nhất hỏi con làm vợ trong khi con đang buồn rục xương trong cô đơn.
Bà Tsuna cứ nghĩ con gái mình sung sướng và hài lòng khi được may thoả thích những chiếc áo kimono mà nàng muốn. Thật là lầm to. Làm sao bà có thể tin được rằng một con chim xinh đẹp đủ lông đủ cánh để bay vút lên trời xanh lại có thể đỗ yên trên cành cây được? Không sớm thì muộn con chim đó sẽ bay đi.
Vào thời kỳ này, ngoài cái mặt đẹp của mẹ mình sau màn khói hương, bé Tomoko còn giữ được kỷ niệm về những tiếng lải nhải của bà ngoại về chuyện đám cưới. Thực vậy, không chút giữ ý giữ tứ, bà Tsuna tuôn ra trước mặt cô cháu gái nỗi đắng cay của mình.
– Tomoko, mẹ cháu sắp rời bỏ bà cháu ta, bỏ lại đây mẹ già của nó!
Tomoko có cảm tưởng như là mối thù hận sâu kín của bà ngoại đã xâm nhập vào cơ thể ấu thơ của nó. Lời lẽ của bà có một tiếng vang đáng thương hại đến lạ kỳ. Những tiếng khóc than của bà để lộ rõ dụng ý than thân trách phận bị con gái bỏ rơi. Bà đã trút tất cả nỗi thống khổ của chính mình lên đầu đứa cháu gái còn quá trẻ để có thể hiểu đươc. Về phía Tomoko, nó bắt đầu quan sát cái thế giới của những người lớn tuổi và em tự hỏi tại sao đám cưới của con gái lại làm cho người mẹ bị choáng đến như thế. Nhìn thấy bà ngoại khóc lóc và than vãn như vậy, tâm hồn ngây thơ của nó nghĩ suy một cách trực giác rằng thái thái đọ của mẹ nó không đậm đà tình mẫu tử cho lắm. Do không tự kiềm chế mình được mà bà Tsuna đã nói thẳng thừng rằng Ikuyo đã mất hết đức tính của một người mẹ.
Mặc dù cha cháu đã sống ở đây, trong nhà này của bà, nhưng Ikuyo vẫn không nghe lời mẹ nó. Đứa con gái không xứng đáng đó sẵn sàng từ bỏ nhà của mẹ nó! Bây giờ chồng nó đã chết, nó cốc cần gì đến mẹ! Nó chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của nó.
Đồ con bất hiếu! “Đồ con bất hiếu”, những từ đầy hận thù và hằn học đó đã để lại trong tâm trí của Tomoko một dấu ấn sâu sắc, và luôn luôn ám ảnh nó trong suốt cả cuộc đời.
– Bà ơi! Bà đừng khóc nữa, có cháu đây mà.
Tsuna càng khóc dữ, và khi đã khóc chán, bà trở lại lắng dịu và bắt đầu nghĩ đến áo xống mà Tomoko sẽ mặc trong ngày cưới của mẹ nó.
– Bà sẽ tô son và đánh phấn cho cháu để cho mẹ cháu nhớ nó chút đỉnh là nó còn đứa con gái. Cháu có cái mũi thật giống như mũi bố cháu, Tomoko à!
Hôm đám cưới, bà trang điểm cho cháu bà thật hết ý, và khi cô trông thấy Tomoko, mọi người đều trầm trồ:
– Ồ, con bé kháu khỉnh quá! Như một con búp bê!
– Nó đẹp mê hồn với chiếc kimono ấy! Ai đã may cho cháu chiếc áo đẹp này thế? A ha, bà cháu may à! Ừ hừ!
Những lời ngợi khen Tomoko chứa đựng những ác ý đối với cô dâu.
Điều làm phật ý quan viên hai họ nhất, đó là trán của Ikuyo không có chiếc băng vải truyền thống của các cô dâu. Ông chú Shinya, ngồi cạnh bà Tsuna, buột miệng hỏi to:
– Thế chiếc mũ cưới của cô dâu đâu?
Tsuna trả lời, lòng dạ ê chề nhục nhã:
– Tất cả những việc này, tôi chẳng có hay biết gì hết!
– Thế bác không biết tí gì về lễ phục đám cưới của chính con gái bác sao?
Còn tôi, phải chăng là tôi phải đợi đến cái tuổi cổ lai hy này để trông thấy cảnh cô dâu không chít khăn vải trên trán chăng?
Cả những lời ong, tiếng ve của bà con hai họ lẫn những cảm nghĩ của ông chú Shinya đều không lọt khỏi mắt Ikuyo. Nhưng nàng vẫn giữ được bình tĩnh, một sự bình tĩnh uy nghiêm, và tiếp tục phớt lờ tất cả mọi người. Qua Keisuke, nàng biết được rằng ở Tôkyô không một cô dâu nào chít khăn vải ở trán. Và nàng tin một cách lờ mờ vào sự hiểu biết của chàng về điều này. Đây là lần đầu tiên nàng tìm kiếm một chỗ dựa nội tâm của con người sẽ là chồng nàng đó.
Bữa tiệc kết thúc nhưng những lời đàm tiếu vẫn còn rôm rả.
– Một cô dâu không chít khăn, ai lại thế bao giờ cơ chứ!
– Phải, à mà lại một đám cưới thứ hai của cô ta nữa chứ lị!
– Nghe đâu, cô ta đã hai lần mặc áo cưới màu trắng?
– À, À phải, vận đồ trắng lần đám cưới thứ hai của mình! Rõ là kỳ quặc!
Đây cũng là đám cưới thứ hai của cậu con trai ông trưởng thôn, cho nên nghi lễ đơn giản đi nhiều. Nhưng ai không trách móc gì họ, thấy cả cô dâu lẫn chú rễ đều là những rổ rá cặp lại và gia đình của cô dâu cũng không được bằng vai phải vế với gia đình của chú rể, hai vợ chồng đều đã có con, đám cưới đơn giản là chuyện bình thường. Nhưng Ikuyo lại ăn mặc quá lòe loẹt, không tương xứng với một đám cưới quá giản tiện, đầu lại không chít khăn vải, cho nên ai cũng tỏ vẻ bất bình. Và khi nàng thay chiếc kimono lộng lẫy với những tay áo dài sát đất thì tất thảy, kể cả bà Tsuna, đều há hốc cả mồm r:
chỉ những cô gái còn trẻ mới mặc kimono với những ống tay áo dài sát đất.
Từ xa Tomoko nhìn vóc dáng tuyệt vời của mẹ mình, mắt không hề chớp.
Phải chăng người phụ nữ đẹp cực kỳ đó lại là mẹ nó? Phải chăng đó là hình ảnh “người con gái bất hiếu”?
Sau lễ Phật, Tomoko đã cùng Keisuke uống cạn một ly rượu saké nhằm thắt chặt mối quan hệ mới giữa cha và con.
Cái nhìn mà nó khao khát chờ đợi nay đang hướng về nó, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc mà thôi. Rồi với một nụ cười thanh thản và một cái gật đầu khe khẽ, Ikuyo đứng dậy để đi thay áo cưới lần thứ ba. Nàng đã cười với con gái, với những người đến mời nàng thay áo, hay nàng cười vì thích thú được trưng ra chiếc kimono mới? Nào ai biết được.
 
×
Quay lại
Top Bottom