- Tham gia
- 25/11/2011
- Bài viết
- 6.101
Nếu chúng ta không tôn trọng tiếng Việt là chúng ta đang quay lưng lại với dân tộc mình.
Sau bữa cơm tối ồn ào chúc mừng sinh nhật lần thứ 75 của ông nội, cả nhà dần dần giải tán, ai về việc nấy. Bầu - tên gọi ở nhà của Thủy Anh - cô cháu gái lớn đã về phòng riêng để học, năm nay là năm đầu tiên Bầu vào cấp ba. Ông nội ngồi lại một mình trên ghế mây ở phòng khách, ông mở gói quà của bé Bầu tặng, một chiếc khăn quàng cổ bằng lụa màu xám. Nhưng niềm vui từ món quà cháu gái tặng không khiến gương mặt ông thoải mái.
Ông lật đi lật lại chiếc bưu thiếp trong tay, trên đó, bé Bầu viết: “Ckau ckuc mug og noj nhan djp sjh nhat! Og bik k, og la nguj ckau iu wij nhat, chjen j ckau kug mun ckja se woj og”.
Nghĩ ngợi hồi lâu, ông quyết định lên tiếng gọi: “Ông cảm ơn Bầu vì con đã tặng cho ông một món quà mà ông rất thích. Nhưng còn cái bưu thiếp này, con viết gì đây hả Bầu?”
Cô cháu gái hồn nhiên đỡ lấy tấm thiếp trang nhã màu xanh nhạt trên tay ông: “À, con quên mất, con quen tay viết thiếp chúc mừng sinh nhật bạn nên viết cho ông cũng thế. Ông không hiểu được à, để con dịch cho nhé: “Cháu chúc mừng ông nội nhân dịp sinh nhật, ông biết không, ông là người cháu yêu quý nhất, chuyện gì cháu cũng muốn chia sẻ với ông”.
Ông ôn tồn nói với cháu gái: “Ông không hiểu con nghĩ gì, nhưng viết thế này là không tôn trọng tiếng Việt, là xúc phạm người khác đấy con ạ. Con nhìn xem, tiếng Việt của mình chữ nào cũng có những nguyên âm tròn đầy, mềm mại, vậy mà trong đoạn văn con viết, nó chẳng khác nào một mớ cành củi khô, ông không muốn nói nặng lời hơn là như một đống rác. Những thanh huyền, hỏi, ngã, nặng, sắc để làm cho con chữ thêm duyên dáng đâu hết rồi? Con nói cho ông biết lý do vì sao con thích viết kiểu chữ này?”
Khuôn mặt xinh xắn của cô cháu gái bắt đầu chảy xị ra, cô nói giọng hờn dỗi: “Bạn bè con đứa nào cũng viết như thế, chúng con đọc hiểu hết mà, có sao đâu ông. Đứa nào không biết viết kiểu ấy thì bị chê là nhà quê. Người mẹ thấy con gái bị ông mắng bèn đỡ lời: “Bố ơi, cả xã hội bây giờ trẻ con nó đều viết thế, chẳng lẽ con bé lại làm khác đi hay sao.
Ông và cháu (Ảnh minh họa).
Ông nội nghiêm nét mặt: “Bầu ơi, con không hiểu rồi, mỗi dân tộc có một tiếng nói, một chữ viết, nếu chúng ta không tôn trọng nó, là chúng ta đang quay lưng lại với dân tộc mình. Con chữ ông bà để lại có tội tình gì mà các con lại làm cho nó méo mó đến như vậy. Con quên rồi ư, hồi bé con đã từng được ông bắt tay luyện cho từng con chữ, chữ o tròn xoe, chữ ô đội nón, chữ ư có móc câu. Ông từng dạy con “nét chữ nết người”.
Năm con học lớp 5, chép được một đoạn thơ lấy từ bài Đất nước đàn bầucủa nhà thơ Lưu Quang Vũ mà ông hay đọc cho con nghe: “Sao bà hát những lời da diết /Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ thương liền với chữ yêu/ Chữ thương đi cùng chữ nhớ/ Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ / Phải thương nhau mới sống được trên đời”. Con quên là con đã vui vẻ nói con yêu những câu thơ về tiếng Việt ấy biết bao hay sao?
Bầu xem chừng đã hiểu ra, cô bé lí nhí trả lời: “Con nhớ rồi ông ạ".
Chờ cho cô bé đi khuất vào phòng, ông mới quay sang người con dâu: “Hôm nay bố không đồng ý với con đâu. Con là mẹ của Bầu, nhưng con lại để cho con gái tự do học theo những trào lưu kỳ quặc của bạn bè nó mà không hề cấm cản, trái lại, con còn bảo xã hội bây giờ nó thế”.
Sống ở trên đời mà không cứng cáp, cứ ngả nghiêng theo thiên hạ, rồi phụ họa theo cả những thói hư tật xấu của thiên hạ thì làm sao dạy dỗ được con cái nên người hả con? Bố chỉ nói thế thôi, bố mong là con sẽ hiểu được lòng bố.
Người con dâu cúi đầu, bị trách mắng nhưng chị không buồn mà rưng rưng xúc động vì nhận được một bài học quý từ cha chồng. Chị thầm hứa, từ giờ sẽ theo sát con gái hơn, để nhắc nhở con lúc nào cũng viết lách chỉn chu bằng thứ tiếng Việt của ông nội”.
ĐVO
Hiệu chỉnh bởi quản lý: