Khổng Tử – 1770 ( Bộ sưu tập giới thiệu ra công chúng của Wikimedia tại New York)
Khổng tử nói: Về tri thức văn hóa, chẳng qua ta cũng chỉ bằng người khác. Tận lực làm người quân tử, ta vẫn chưa làm được. (Luận ngữ – Thuật nhi)
Đó chính là những lời khiêm nhường của vị vạn thế sư biểu khi nói về bản thân mình.
Hai tiếng “quân tử” không lạ lẫm gì đối với người Á Đông, người quân tử của châu Á cũng giống các gentlemen ở phương Tây vậy. Tại Việt Nam, với nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho học ngay từ rất sớm, hai tiếng quân tử này cũng trở nên rất đỗi thân thuộc, vừa là một từ để tôn xưng, vừa là một từ để… châm chọc kiểu như giọng điệu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày).
Chúng tôi xin phép được nói về sự hài hước trong một đề tài khác. Ở đây chỉ xin lạm bàn về những “chân quân tử” đích thực của Nho gia.
Ông tổ của Nho gia, đức Khổng phu tử nói gì về người quân tử? Chúng ta có thể tham cứu qua cuốn Luận ngữ, một trong bốn kinh điển quan trọng của nhà Nho.
Chúng tôi đã thử thống kê, trong Luận ngữ chữ quân tử 君子được nhắc đến khoảng 76 lần trong tất cả các tiết chương. Các học giả thuần Marxist luôn cho rằng chữ quân tử vốn mang một ý nghĩa giai cấp nào đấy vào thời Xuân Thu – Chiến quốc, chẳng hạn như họ căn cứ vào câu nói này trong thiên Công Dã Tràng: Khổng tử nói Tử Sản có bốn điều là đạo người quân tử: Việc mình làm phải khiêm cung, hầu hạ người trên phải kính trọng, nuôi dân thì ban ơn huệ, sai khiến dân phải theo nghĩa. Họ cho rằng, để có thể sai khiến được dân thì “quân tử” phải thuộc tầng lớp cầm quyền trong xã hội, nhưng ta đều thấy, cái mà Khổng tử muốn nhấn mạnh ở đây là nhân cách của người cầm quyền, chứ không phải là địa vị giai cấp.
Đối với Nho gia, người quân tử chưa phải là con người ở trạng thái phẩm cách hoàn thiện như thánh hiền, vì bản thân của người quân tử vẫn vấp phải lỗi lầm: Người quân tử mắc lỗi như mặt trời mặt trăng bị che khuất. Có lỗi, người ta đều trông thấy, sửa lỗi đi, người ta đều kính mến.
Tài năng và đức độ của người quân tử là để tu dưỡng và phụng sự xã hội chứ không mưu cầu sung túc, lúc nào cũng “ăn không cầu no, ở không cầu yên, gắng sức trong việc làm mà thận trọng trong lời nói, đến với người có đạo đức để trở nên chính đáng.”
Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử
Người quân tử là một thể hòa hợp giữa nội hàm và ngoại biểu, giữa nhân cách và tài năng, giữa tu dưỡng và rèn luyện . Ở họ có một sự thống nhất tuyệt vời giữa con người xã hội và nhân cách hướng thiện, Khổng tử cho rằng: Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kệch cỡm, văn vẻ và chất phác hài hòa, đó mới là người quân tử.
Chất là phạm trù về bản tính tiên thiên, về bản chất. Nho gia luôn quan niệm con người luôn có sẵn một lương tri, bản tính này tương thông với tự nhiên, nhờ đó mà con người mới có thể nhận thức được vạn vật (cách vật), từ đó con người mới có thể hướng đến sự hiểu biết đến tột cùng (trí tri), nhờ hiểu biết tột cùng ý chí mới thành thực (thành ý), tâm tính được ngay chính (chính tâm). Ý chí thành thực, tâm tính ngay chính thì có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Con đường tu dưỡng của nhà Nho nhất quán từ nội tại đến xã hội là như vậy
Văn với nghĩa ban đầu là những vết vằn vện trên th.ân thể của cầm thú chim muông, tức là phạm trù về cái biểu hiện, là vẻ bề ngoài. Sau này chữ “văn” lại có thêm một nghĩa phái sinh khác là “văn tự” (chữ viết), rồi đến “văn chương”, “văn hóa”. Không chỉ có con người, vạn vật trong vũ trụ đều có phạm trù “văn” của riêng mình, về bản chất thì là đại đồng, nhưng về văn vẻ thì mỗi loài một khác, nên Tử Cống nói: Da của hổ báo giống với da của dê chó sao?.(Luận ngữ – Nhan Uyên).
Văn do chất, chất cũng do văn. Nội hàm con người như thế nào thì bề ngoài sẽ biểu hiện ra như thế ấy, cầm thú cũng có văn vẻ riêng của nó, con người cũng lấy văn của mình để xác lập nơi xã hội.
Một biểu hiện cụ thể cho mối quan hệ giữa văn và chất là quan hệ giữa nhân cách và tài năng. Nhờ nhân cách, tài năng mới được dùng đúng chỗ, nhờ tài năng, nhân cách mới biểu hiện được giá trị. Sau khi gốc rễ nhân cách đã được lập, người quân tử phải dốc sức trau dồi tri thức: Người quân tử học rộng về văn hóa (bác học ư văn), ước thúc mình bằng lễ (ước chi dĩ lễ); cũng có thể giải trừ được điều trái vậy (Luận ngữ – Ung Dã).
Văn của người quân tử còn là tri thức, không ngừng học tập và phụng sự chính là nghĩa vụ của người quân tử. Người quân tử phải lấy điều nghĩa làm mục tiêu (nghĩa vi dĩ chất), lấy lễ làm mực thước cho hành động (lễ dĩ hành chi), lấy sự tôn trọng làm điểm xuất phát (tôn dĩ xuất chi), lấy niềm trung tín làm thành tựu (tín dĩ thành).
Vậy nên, đạo người quân tử có bốn: Việc mình làm phải khiêm cung, hầu hạ người trên phải kính trọng, nuôi dân thì ban ơn huệ, sai khiến dân phải theo nghĩa.
Quân tử ưu đạo bất ưu bần
Người quân tử của Nho gia có một tinh thần tu dưỡng và công hiến vô tư, không vụ lợi. Họ là những người đặt tiêu chuẩn đạo đức lên trên lợi ích vật chất: quân tử ăn không cầu no, ở chỉ cốt yên ổn, nhanh nhẹn trong việc làm, cẩn trọng trong lời nói, ngay chính ở lẽ đạo, như thế có thể gọi là hiếu học vậy. (Luận ngữ – Học nhi).
Nhan Uyên luôn là người học trò nhận được nhiều lời khen ngợi từ Khổng tử, cuộc sống và nhân cách của người đệ tử nghèo này là bằng chứng thiết thực nhất cho bản lĩnh của con người trước nghịch cảnh:Hiền thay! Trò Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở tại hẻm hóc, người khác không chịu nổi cái khó khăn ấy thế mà trò Hồi chẳng gì đổi được vẻ hòa vui. Hiền thay! Trò Hồi!
Thử thách lớn nhất đối với con người chính là khi con người đó phải lựa chọn giữa lợi ích và nhân cách, đó cũng là phương thức mà con người định vị thang giá trị cho chính bản thân mình. Thực tiễn luôn luôn là thước đo công minh nhất cho quá trình rèn luyện, tu dưỡng nhân cách. Khổng tử không coi trọng vẻ ngoài hay sở kiến mà luôn coi trọng những giá trị thực tiễn mà một con người có được, người quân tử có thể vụng về trong lời nói, mà nhanh nhẹn trong việc làm (Luận ngữ – Lý nhân).
Giữ vững phẩm cách “hòa nhi bất đồng”
Lý tưởng của Nho gia là tu dưỡng và xác lập phẩm cách của con người ngay trong xã hội. Người quân tử phải biết quân bình giữa đạo đức và nghĩa vụ. Thực tế lịch sử cho thấy, thầy trò Khổng môn đã từng tham gia chấp chính và họ đã đóng rất nhiều vai trò chủ chốt trong chính cục thời bấy giờ. Giữa những mối quan hệ lợi ích chằng chịt của các tập đoàn phong kiến, và những âm mưu đấu đá chính trị của “liệt quốc” thì việc lựa chọn một chỗ đứng phù hợp và có thể giữ vững được phẩm cách của mình là rất quan trọng. Có thể “hòa hợp” với thời cục mà không đánh đồng làm mất đi bản tính của mình, đó là một thử thách lớn trong quá trình “tu, tề, bình, trị” của Nho gia.
Người quân tử phải biết mềm dẻo điều hòa các mối quan hệ, nhưng không được đánh đồng bản tính với người đời (quân tử hòa nhi bất đồng). Đó là điểm khác biệt với kẻ tiểu nhân, bởi kẻ tiểu nhân luôn đánh đồng với người khác mà không hề hòa hợp được với một ai (đồng nhi bất hòa).
Yến tử từng bình luận với vua Tề Cảnh công về hai chữ “hòa” và “đồng” như sau:
Tê hầu (Tề Cảnh công) đi săn trở về, Yến tử đứng bên cạnh Tề hầu nơi Thuyên Đài, khi đó, Tử Do (Lương Khâu Cứ) đánh xe nhanh chạy tới.
Tề hầu nói: “Chỉ có Cứ là hòa với ta.”
Yến tử nói: “Cứ cũng chỉ đồng với ngài mà thôi, sao gọi là hòa được?”
Tề hầu hỏi: “Hòa và đồng khác nhau ư?”
Yến tử đáp: “Khác nhau chứ, hòa giống như món canh. Ngài có nước, lửa, dấm, nước cốt thịt cá, muối, quả mận, để nấu với thịt cá. Đầu bếp lấy củi nấu nó và hòa các vật liệu đó. Cân đối chúng để tạo hương vị món canh, tăng vị chưa đủ, giảm vị thái quá. Người chủ ăn món canh này để bình tâm của mình. Vua và bầy tôi cũng y như thế…
Đoạn, Yến tử nói tiếp:
“Cái mà vua cho là có thể nhưng trong đó có cái không thể, bầy tôi sẽ nêu ra cái không thể trong đó để cái có thể được hoàn bị. Cái mà vua cho là không thể nhưng trong đó có cái có thể, bầy tôi sẽ nêu ra cái có thể trong đó để khử bỏ cái không thể. Cho nên, khi nền cai trị hòa bình nhưng không trái lễ nghi, thì dân chúng không có lòng tranh chấp nhau. Vậy Kinh thi mới chép rằng: “Cũng như canh được nêm nếm ngon, năm vị đầy đủ và độ đậm thích hợp, thần linh đến hưởng không lời chê trách, trên dưới không tranh, tâm bình khí hòa.” … Lấy nước thêm vào nước, ai có thể dùng được? Nếu đàn cầm và đàn sắt y hệt nhau, ai có thể nghe được?”
Vậy nên, hòa tức là sự nhịp nhàng, phù hợp biến chuyển tựa như sự vận hành của âm dương trong Dịch lý, hòa không có nghĩa là sự vật phải giống nhau (như đàn cầm, đàn sắt nếu cả hai như một thì không thể hòa nên âm cho ai nghe được). Đồng thì cùng tính chất. Tư duy này được áp dụng triệt để trong nguyên tắc hành xử của người quân tử. Người quân tử luôn luôn tôn trọng nguyên tắc hòa; trong việc làm với người khác phải tôn trọng sự thống nhất (nhưng đồng thời phải tôn trọng sự khác biệt) mới có thể thành sự. Trong đời sống nhân sinh phải biết biến chuyển phù hợp với xã hội nhưng không làm mất đi phẩm cách của bản thân. Còn kẻ tiểu nhân thì dễ dàng a dua đồng nhất với số đông mà không hòa hợp với một ai cả.
Chính vì vậy người quân tử lúc nào vẻ ngoài cũng thư thái, phóng khoáng. Quân tử làm bất cứ việc gì cũng chu toàn mà không thiên lệch hay tị nạnh (Khổng tử nói: Người quân tử chu đáo nhưng không so đo, tiểu nhân luôn so đo mà không chu đáo – Luận ngữ, Vi chính), thư thái mà không kiêu ngạo (Quân tử thư thái mà không kiêu ngạo, tiếu nhân kiêu ngạo mà không thư thái – Luận ngữ, Tử Lộ), không chấp nhặt lỗi lầm người khác (Người quân tử chỉ nhớ cái hay của người khác, không câu chấp cái dở người khác; tiểu nhân thì ngược lại – Luận ngữ, Nhan Uyên), không nuôi tâm thế đua tranh, giành giật hay câu kết bè phái (Khổng tử nói: người quân tử kính trọng mà không tranh đua, hợp quần mà không bè phái – Luận ngữ, Vệ Linh Công). Người quân tử luôn luôn tránh cực đoan trong đời sống, lúc nào cũng theo đạo trung dung, không bài bác điều gì, cũng không a dua điều gì, chỉ theo việc nghĩa. Bởi thái độ như thế người quân tử luôn thành thực trong các mối quan hệ, luôn có nhiều thân hữu trong khắp thế gian.
Sưu tầm từ báo Đại Kỷ Nguyên: https://vietdaikynguyen.com/v3/47493-nao-la-nguoi-quan-tu/
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy truy cập vào bài gốc và chia sẻ nó với bạn bè