Thay đổi nguyên tắc giá gốc thành giá trị hợp lý

nghiepvugec

Thành viên
Tham gia
2/2/2015
Bài viết
0
Trong chuyên mục này chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn những nội dung cơ bản trong sửa đổi bổ sung của luật kế toán dự kiến thông qua vào tháng 5/2015 và áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Một trong những thay đổi đầu tiên và quan trong của luật kế toán có ảnh hưởng khá lớn đến công tác kế toán mà chúng tôi đề cập ở lần này là sửa đổi nguyên tắc giá gốc thành giá trị hợp lý.


Luật Kế toán 2003 :

“Giá trị của tài sản được tính theo giá gốc, bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Đơn vị kế toán không được tự điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Dự kiến sửa đổi luật kế toán 2015:

“Giá trị của tài sản được tính theo giá gốc, bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Đơn vị kế toán không được tự điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với một số loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường thì đơn vị kế toán được hạch toán theo giá gốc hoặc theo giá trị hợp lý theo quy định của Bộ Tài chính.”

* Hạch toán theo giá gốc: Hiện tại Luật Kế toán 2003 quy định duy nhất theo nguyên tắc giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập báo cáo tài chính. Việc hạch toán theo giá gốc có những hạn chế sau:

- Hạch toán theo giá gốc không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

- Ở Việt Nam kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, cơ chế kinh tế thị trường đang hoàn chỉnh. Vì vậy việc hạch toán theo giá gốc là chưa phù hợp với thông lệ phổ biến trên thế giới và các chuẩn mực kế toán quốc tế.

- Một số lĩnh vực kinh doanh như tín dụng, chứng khoán nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không thấy được thực chất của vốn, tài sản trong kinh doanh.

- Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá).

* Hạch toán theo giá trị hợp lý:(giá trị thị trường) cũng sẽ không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vì một số yếu tố kinh tế thị trường vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh, theo đó có loại tài sản nếu hạch toán theo giá trị hợp lý thì không có đủ cơ sở xác định giá để hạch toán và báo cáo.

* Hướng thay đổi: đối với một số loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường và có cơ sở định giá thì đơn vị kế toán được hạch toán theo giá trị hợp lý do Bộ Tài chính quy định.

* Ưu điểm:Về quy định hạch toán theo giá trị hợp lý, dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng hạch toán theo giá trị hợp lý đối với một số loại tài sản có thể xác định được giá trị hợp lý, nhằm đánh giá đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo và để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Ảnh hưởng của sự thay đổi đến việc hạch toán của doanh nghiệp:

Ảnh hưởng của sự thay đổi nguyên tắc đã trình bày ở trên đến công tác hạch toán của doanh nghiệp sẽ được bộ tài chính sửa đổi trong chế độ kế toán doanh nghiệp sau khi luật được chính thức ban hành và chính phủ có nghị định hướng dẫn.

Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một số thay đổi khi hạch toán đối với các khoản đầu tư tài chính:

+ Áp dụng phương pháp ghi nhận theo giá gốc cuối kỳ kế toán: Nếu chứng khoán giảm giá, DN sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng.

+ Nếu áp dụng nguyên tắc kế toán giá trị hợp lý (giá thị trường), thì :

Tại thời điểm phát sinh, việc ghi nhận giá trị khoản đầu tư ban đầu cũng tương tự như phương pháp giá gốc, nhưng cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp vẫn tiếp tục nắm giữ khoản đầu tư tài chính đó, thì giá trị khoản đầu tư sẽ được ghi nhận theo giá thị trường. Có nghĩa là:

- Nếu thị giá chứng khoán tại thời điểm đó thấp hơn giá mua ban đầu thì doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận khoản giảm giá,

- Nếu thị giá chứng khoán cao hơn giá trị đầu tư ban đầu thì doanh nghiệp sẽ được ghi nhận khoản lãi. Phương pháp này sẽ phản ánh đúng hơn giá trị tài sản thực tế của doanh nghiệp.

Nguồn: https://www.gec.edu.vn/BAI-VIET/thay-doi-nguyen-tac-gia-goc-gia-tri-hop-ly.html
 
×
Quay lại
Top Bottom