Tháng Chạp về

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Tháng Chạp về, lại nghĩ về những thân phận tha hương nơi đất khách quê người. Chắc không ai nghĩ nhiều về tháng Chạp như những người đi làm ăn xa quê.


13filtered-318179-1368145905-500x0.jpg

Ảnh Minh họa

Tháng Chạp, đó là tháng cuối cùng của một năm Âm lịch, người ta không gọi đó là tháng mười hai mà thay bằng cái tên quá đỗi thân thương. Một tháng gợi bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu lo toan, bao nhiêu cố gắng của cả một năm dài.

Những ngày đầu tháng chạp, trời vẫn lất phất những hạt mưa sa. Cái lạnh mùa đông vẫn còn kéo dài âm ỉ, người người xuýt xoa nhau thở dài trong một năm quá nhiều khắc nghiệt. Cơn rét đậm kéo dài, gió thốc qua từng con phố, gió thốc cả vào tim, vào lòng người. Rét buốt, mẹ dặn nhớ giữ ấm, người thương dặn dò nhớ giữ ấm. Giữ thế nào cho ấm nổi những cơn gió lạnh trong lòng?

Tháng Chạp. Phố thị đông đúc và chật hẹp, chỉ có người và xe, đua nhau ồn ào và vội vã. Giật mình tự hỏi, đã sắp hết một năm rồi ư? Thời gian trôi nhanh quá đỗi, đi qua bao nhiêu vô thường mới biết mình vô nghĩa trước một đường chân chim. Bao nhiêu thanh xuân đi qua, ồn ào có, lặng lẽ có. Giờ có muốn níu giữ, cũng chẳng được nữa rồi. Phố những ngày cuối năm, tất bật đến lạ thường. Người người dường như đang chạy đua với thời gian, tất bật lo toan chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Chưa biết một năm sắp đến vui hay buồn, nhưng tháng Chạp là tháng người ta luôn muốn làm việc hết mình vì tất cả những gì tốt đẹp ở phía trước.

Tháng Chạp. Nhớ về những ngày còn bé, theo mẹ ra đồng trong cái rét mơn man. Bao nhiêu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông chỉ có người nhà nông mới thấu hết khi bước chân xuống ruộng đồng mà lạnh đến nỗi hơi thở cũng pha phả làn khói mỏng trong sương sớm. Người nông dân cực nhọc phải lo cày đồng gieo sạ cho xong mới yên tâm ăn Tết. Cả một đời người nhà nông vẫn khổ như thế, cho đến những ngày cuối cùng của một năm.


Khi đã trưởng thành, rời khỏi quê hương mới thấm thía những ngày mưa sương rét buốt của tháng Chạp như thế. Rồi bất giác, mong một ngày tháng Chạp chạy về giữa cánh đồng lam lũ ngày xưa, nhúng đôi chân trần giá lạnh giữa ruộng đồng tháng Chạp để biết rằng chẳng có giá lạnh nào so được với cái lạnh mà mẹ cha đã từng chịu đựng…


1-4816-1422253042.jpg

Ảnh minh họa
Tháng Chạp về, miên man nhớ về những ngày đi chợ Tết. Lúc còn bé, đi chợ Tết ở quê là một cái gì đó háo hức đến lạ thường. Như bao nhiêu đứa trẻ con khác, thích thú được mẹ dẫn ra chợ sắm cho bao nhiêu quần áo mới. Chỉ biết thế là vui lắm, hạnh phúc lắm. Chợ Tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Đứa con xa quê cả năm về ăn Tết, mẹ bảo đi chợ cùng, cốt cũng là để hỏi han những người quen đã lâu chưa có dịp thấy mặt, cốt cũng để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm sắp đến. Người nhà quê vẫn ấm áp tình nghĩa, vẫn đôn hậu như thế bao đời rồi.

Tháng Chạp về, lại nghĩ về những thân phận tha hương nơi đất khách quê người. Chắc không ai nghĩ nhiều về tháng chạp như những người đi làm ăn xa quê. Họ tất bật cả một năm chỉ đợi tháng Chạp về đoàn viên với gia đình. Người có kinh tế, làm ăn khấm khá không nói. Người cả năm long đong lận đận, thì tháng Chạp về với họ là bao nhiêu nỗi niềm mang theo. Nghe bạn tâm sự không có tiền về quê ăn tết, sao mà thấy thương! Chỉ là một hành trình từ B trở về A, mà sao xa đến lạ thường! Thời buổi đồng tiền đi trước, không có tiền thì đường về nhà cũng trở nên cách biệt như thế sao? Thôi thì cứ quăng hết những sân si và sĩ diện ở trong lòng mà chạy về với mẹ cho kịp đêm 30!

Tháng Chạp về, ngồi ở một quán cà phê trên cao giữa thành phố, nghe gió thốc vào lòng. Thành phố rộng và cô đơn giữa những ồn ào cuối năm. Ánh đèn điện lung linh nhưng vẫn mờ ảo, như chính cảm xúc của một con người. Mờ, nhạt và hoang. Có những lo lắng cũng chỉ để đó mà thôi. Thời gian không thể níu giữ những điều tốt đẹp ở trong lòng!

Vậy nên, muốn gọi tên tháng Chạp đừng trôi. Muốn gọi tên tháng Chạp chầm chậm thôi.

Theo Ngôi Sao
 
×
Quay lại
Top Bottom