Tan tác một mùa tôm

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Mùa tôm năm 2011 ở các tỉnh vùng ĐBSCL chính thức bước vào vụ nuôi từ sau Tết. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay, tôm sú nuôi bị chết trên diện rộng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với tổng diện tích gần 30.000 ha, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Sóc Trăng hơn 19.233 ha, chiếm 76% diện tích thả nuôi.

Những vuông tôm chết

Chúng tôi về Sóc Trăng những ngày cuối tháng 5-2011 khi thời tiết đang vào lúc giao mùa. Những buổi chiều đã lác đác có những cơn mưa giông kéo dài. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong suốt 20 năm qua, chưa năm nào thời tiết bất thường như năm nay. Vì thế, dù người nuôi có chuẩn bị khá tốt so với mọi năm nhưng tôm nuôi vẫn bị thiệt hại trên diện rộng, khó kiểm soát được. Những hộ nghèo vay tiền ngân hàng mua con giống thả nuôi có người đến lần thứ ba nên nay thực sự trắng tay. Những trang trại nuôi công nghiệp cũng bị thiệt hại.

tom1.jpg

Kiểm tra tôm nhiễm bệnh

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (MTSA), tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trước đó, tôm thả khoảng 30-40 ngày mới chết. Nhưng càng về sau, thời gian tôm chết càng nhanh và hiện có người thả chỉ 6-7 ngày... tôm cũng chết luôn. Tính ra, trong số hơn 2.600 ha mà các thành viên Hiệp hội đã thả đến giờ này, số chết đã trên 99% rồi! Thiệt hại ước tính đã trên 100 tỉ đồng”.
Chúng tôi về xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên) – được xem là “cái nôi” của phong trào nuôi tôm, ông Võ Thành Quân, Bí thư Đảng ủy xã bộc bạch: Toàn xã thả nuôi được 800 ha thì tỷ lệ thiệt hại coi như gần hết. Hiện tại người nuôi rất lo lắng. Anh Huỳnh Thanh Dững – nông dân nuôi tôm “nòi” ở Ngọc Tố cho biết: “Chi phí cho xử lý ao, con giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng, tôm chết nhiều nên người nuôi cầm chắc lỗ nặng”.



tom2.jpg

Chuẩn bị vụ nuôi tôm mới

Giải pháp nào cứu vùng tôm


Theo kết quả điều tra, phân tích, xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng kết hợp với Viện Nghiên cứu thủy sản 2 thì tác nhân gây bệnh do vi khuẩn thuộc nhóm gamma-Proteobacteria. Các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo nông dân cần chuẩn bị kỹ ao nuôi; xử lý nền đáy ao bằng vôi, formol, chlorin để diệt vi khuẩn, giáp xác. Theo ông Nguyễn Văn Khởi thì dù các nhà khoa học đã có kết luận tôm sú ở Sóc Trăng chủ yếu mắc bệnh hoại tử trên gan, tụy nhưng địa phương không thể công bố dịch, bởi theo quy định hiện nay, chỉ có 3 loại bệnh trên tôm được công bố dịch là đốm trắng, đầu vàng và taura.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT theo dõi tình hình, hỗ trợ hóa chất cho các địa phương phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn các hộ bị thiệt hại xử lý môi trường và cải tạo lại ao nuôi, tạm ngưng thả nuôi tôm... Để kịp thời hỗ trợ các hộ nuôi tôm giải quyết khó khăn, khôi phục lại diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, UBND tỉnh đã thống nhất chi ngân sách 10 – 12 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nuôi tôm; đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do bị thiên tai; qua đó, để hỗ trợ cho tất cả hộ nuôi tôm trên diện tích thực tế bị thiệt hại.

TS. Nguyễn Văn Hảo (Viện Nghiên cứu thuỷ sản 2) cho rằng: Một trong những nguyên nhân bùng phát khuẩn trên là do quy trình xử lý đất, nước và việc quản lý môi trường nuôi thời gian qua chỉ phù hợp với việc phòng trị các bệnh đốm trắng, thân đỏ, đầu vàng... chứ không loại trừ được ký chủ trung gian Protozoa mang vi khuẩn Gamma-Proteobacteria. Mặt khác, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh cũng là “con dao hai lưỡi” vì không loại trừ trong số những chế phẩm vi sinh được sử dụng có chứa Protozoa ở ngay trong đất nuôi tôm. Người nuôi tôm nếu có thả lại nên chú trọng đến việc xử lý đất trong nền đáy ao nuôi bằng Formaline và vôi. Vì đây là hai chất diệt Protozoa rất hiệu quả. Người nuôi tôm cần thận trọng hơn với các chế phẩm vi sinh để tránh làm phát sinh thêm ký chủ trung gian Protozoa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Bộ sẽ khẩn trương cử cán bộ các viện, trường hỗ trợ, hướng dẫn, giúp dân chống dịch; dành kinh phí đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm đồng thời bổ sung qui họach nuôi tôm thẻ chân trắng để tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản. Ngoài ra, tỉnh cần khẩn trương đầu tư cơ sở nhân giống tôm bởi với diện tích nuôi tôm hiện nay của Sóc Trăng, nguồn tôm giống không đủ cung ứng cho các hộ nuôi tôm.
(moitruong.com)


P/s: Đó là ảnh hưởng từ môi trường với nông nghiệp và ngành thuỷ sản.trực tiếp và nguy hại!! :KSV@07:


 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom