Tại sao trắc nghiệm MBTI lại hoàn toàn vô nghĩa

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824
image12.jpg


Chỉ số phân loại Myers-Briggs (Myers-Briggs Type Indicator) có thể là trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trên thế giới.

Ước tính khoảng 2 triệu người làm trắc nghiệm này hàng năm theo yêu cầu của bộ phận Nhân sự doanh nghiệp, trường đại học và cả các cơ quan chính phủ. Công ty thực hiện và kinh doanh trắc nghiệm này thu về khoảng 20 triệu USD mỗi năm.

Vấn đề duy nhất? Trắc nghiệm này hoàn toàn vô nghĩa

“Không có bằng chứng nào cho trắc nghiệm này” theo Adam Grant, tâm lý gia thuộc ĐH Pennsylvania, người vừa viết về những hạn chế của MBTI. Những tính cách được đo bởi trắc nghiệm gần như không có năng lực dự đoán mức độ hài lòng trong một tình huống, khả năng thực hiện công việc hay hạnh phúc hôn nhân của bạn.”

Trắc nghiệm nói rằng, dựa trên 93 câu hỏi, nó có thể nhóm toàn bộ dân số thế giới thành 16 “kiểu loại” riêng biệt – nhờ vậy, có chức năng như “một khung làm việc mạnh mẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn, mang đến thay đổi tích cực, thúc đẩy cải tiến và đạt đến sự hoàn hảo”. Đa số những người tin dùng trắc nghiệm này chủ yếu xem nó như một công cụ giúp đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Tuy nhiên trắc nghiệm được xây dựng từ những năm 40 dựa trên những lý thuyết chưa kiểm chứng của nhà tâm lý phân tích lỗi thời Carl Jung, đồng thời nó cũng đã bị cộng đồng tâm lý học loại bỏ hoàn toàn. Ngay cả Jung cũng cảnh báo rằng “kiểu loại” nhân cách của ông cũng chỉ là các xu hướng giản đơn mà ông quan sát được chứ không hẳn là những phân loại chặt chẽ. Một vài phân tích đã cho thấy trắc nghiệm hoàn toàn vô dụng trong việc dự báo khả năng thành công trong nhiều công việc khác nhau, đồng thời, một nửa số người khi làm trắc nghiệm hai lần thì mỗi lần lại cho một kết quả khác nhau.

Tuy vậy, có thể bạn vẫn đã từng nghe có người nói với bạn rằng họ là nguoi ENJF (hương ngoại, trực giác, cảm xúc và suy xét), là INTP (hướng nội, trực giác, lý trí, cảm nhận), hay là một trong 16 loại khác được kết luận sau khi làm trắc nghiệm, và thậm chí bạn cũng có thể đã từng được cho làm trắc nghiệm này trong một môi trường chuyên nghiệp. Sau đây là lý giải cho việc tại sao những nhãn mác này lại vô nghĩa đến thế – và lý do tại sao các tổ chức trong thế kỷ 21 lại không nên dựa vào trắc nghiệm này trong bất kỳ việc gì.

MBTI HOÀN TOÀN DỰA TRÊN NHỮNG LÝ THUYẾT CHƯA ĐƯỢC KIỂM CHỨNG

Vào năm 1921, Jung xuất bản cuốn sách Các kiểu Nhân cách. Trong đó, ông đề cập đến vài lý thuyết lôi cuốn, thiếu chứng minh khác nhau về cách thức bộ não con người vận hành.

Trong số đó, ông giải thích rằng con người đơn thuần được chia thành hai kiểu chính: người cảm nhận và người suy xét. Nhóm đầu sau đó có thể chia thành người thích cảm giác và nguời ưa trực giác, trong khi nhóm sau sẽ phân thành người lý trí và người cảm xúc, tất cả cho ra bốn loại người khác nhau. Thêm vào đó, cả bốn kiểu này, dựa trên thái độ, được phân thành hướng nội và hướng ngoại. Vơi những phân loại này, Jung viết: “mỗi cá nhân là một ngoại lệ của quy tắc trên”

Ngay cả những phân loại giản đơn này cũng không được đúc kết từ những thực nghiệm hay dữ liệu có kiểm soát. “Nó xuất hiện trước khi tâm ly học là một ngành khoa học thực nghiệm”, Grant nói, “ Jung chỉ đơn thuần tạo ra chúng dựa trên kinh nghiệm cá nhân”. Thế nhưng, ảnh hưởng của Jung thời đó với ngành non trẻ này là rất lớn và ý tưởng “kiểu loại” lại đặc biệt khá “vui tai”.

Những nguyên tắc của Jung về sau được chuyển thành trắc nghiệm bởi Katherine Briggs và con gái, Isabel Briggs Myers, hai người Mỹ hoàn toàn không được đào tạo chính thức về tâm lý. Để học kỹ thuật xây dựng test và phân tích thống kê, Briggs làm việc với Edward Hay, nhà quản trị nguồn nhân lực của một ngân hàng tại Philadelphia.

Họ bắt đầu kiểm tra “Chỉ số kiểu loại” vào năm 1942. Nó sao chép những kiểu hình của Jung nhưng có thay thế thuật ngữ chút ít, đồng thời điều chỉnh sao cho một người chỉ có một trong hai khả năng trong cả 4 phân loại, dựa trên việc trả lời một loạt những câu hỏi chỉ có hai đáp án.

Cấp số nhân hai (số khả năng trong mỗi phân loại) cho bốn năng lực (số phân loại), bạn sẽ có 16 loại người khác nhau trên thế giới. Myers và Briggs đặt tên cho mỗi loại người, như Người thực hiện, Người chăm sóc, Nhà khoa học và Nhà lý tưởng.

Trắc nghiệm đã phát triên danh tiếng một cách chóng mặt suốt những năm qua – đặc biệt là từ khi nó được công ty CPP mua lại vào năm 1975 – tuy nhiên, có rất ít thay đổi được thực hiện. Nó vẫn phân bạn thành kiểu loại với 4 chữ cái đại diện cho kết quả bạn đạt được trong 4 phân loại:

MBTI SỬ DỤNG ĐÁP ÁN NHỊ PHÂN SAI LẦM VÀ NHIỀU HẠN CHẾ

Với hầu hết những nét tính cách, con ngươi rơi vào nhiều điểm khác nhau trên một phổ. Nếu bạn hỏi một người liệu họ thích suy nghĩ hay tin vào cảm xúc, hoặc liệu họ thích suy xét hay cảm nhận, số đông sẽ nói rằng họ thích mỗi thứ một ít. Chính Jung cũng thừa nhận điều đó, ông cho rằng phân thành hai là cách nghĩ thuận tiện về con người, nhưng ông lại viết: “không có chuyện thuần hướng ngoại hay chỉ hướng nội. Người như vậy cần được đưa vào viện tâm thần.”

Tuy nhiên trắc nghiệm lại hoàn toàn được xây dựng dựa trên nền tảng cho rằng con người chỉ mang tính cách nay hay tính cách kia. Nó đi đến kết luận bằng cách đưa ra cho chúng ta các câu hỏi như “Bạn thường thông cảm với người khác?” và câu trả lơi chỉ có “Có” và “Không”.

Nếu có một lý do thực nghiệm đủ tốt cho kiểu trả lời nhị phân lạ lùng không mô tả đúng thực tế này, thì ta cũng nên suy xét nó một cách nghiêm túc. Nhưng sự thật là nó được xây dựng bởi những lý thuyết hiện bị loại bỏ của một nhà tư tưởng đầu TK 20, người tin vào siêu giác quan (ESP) và vô thức tập thể.

Số liệu thực tế cho biết những tính cách này không có phân phối song cực. Ví dụ, khi theo dõi tương tác của một nhóm người với người khác cho thấy, đúng như Jung viết, họ thực sự không chỉ đơn thuần hướng ngoại hay hướng nội, nhưng đa phần lại rơi vào khúc giữa.

Cả bốn phân loại trong MBTI đều vướng phải các vấn đề tương tự, và các nhà tâm lý cho rằng nó không phải là cách hữu hiệu để phân biệt những loại nhân cách khác nhau. “Những nhà khoa học xã hội hiện đại thường hiếm khi nghiên cứu những việc như liệu bạn ra quyết định dựa trên cảm giác hay trên tính toán hợp lý – vì tất cả chúng ta đều sử dụng cả hai”. Grant nói “Những phân loại này đều tạo ra sự chẻ đôi, thế nhưng, tính cách trên mỗi cực lại không phụ thuộc vào nhau và đôi khi còn song hành với nhau” Ngay cả dữ liệu của chính trắc nghiệm MBTI cũng cho thấy trong mỗi phân loại đa phần con người đều nằm đâu đó ở giữa, nhưng cuối cùng lại bị phân vào một trong hai.

Đây là lý do mà các tâm lý gia đã chuyển từ việc bàn luận các nét nhân cách sang trạng thái nhân cách- và là lý do vì sao cực kỳ khó để tìm ra một nhà tâm lý sử dụng MBTI với thân chủ ở bất kỳ đâu.

Cũng có một vấn đề khác có liên quan đến những chọn lựa bị giới hạn này:nhìn vào những miêu tả của MBTI, bạn sẽ không thấy những chữ như “ích kỉ”,”lười biếng” hay “xấu tính” xuất hiện. Bất kể kiểu loại nào được phân vào, bạn sẽ nhận được những miêu tả tâng bốc bản thân như “người suy tưởng”, “người biểu diễn”, hay “người nuôi nấng”.

Đây không phải là một trắc nghiệm được thiết kế để phân loại chính xác con người, nhưng là một trắc nghiệm được thiết kế để khiến ta cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi làm. Đây chính là một trong những lý do giúp MBTI tồn tại lâu dài trong giới doanh nghiệp mặc cho bị giới tâm lý không thừa nhận.

MBTI CUNG CẤP NHỮNG KẾT QUẢ THIẾU NHẤT QUAN VÀ KHÔNG CHÍNH XÁC

Chúng ta có thể chấp nhận sự thật là MBTI gặp những hạn chế trong việc định nghĩa con người theo phân loại nhị phân, nhưng vẫn lấy được những giá trị vê mặt lý thuyết vì nó xác định chính xác chúng ta gần cực nào nhất?

Ý tưởng này khá là khó nuốt khi biết được thực tế rằng trắc nghiệm này nổi tiếng là thiếu nhất quán. Nghiên cứu đã cho thấy 50% người làm sẽ cho kết quả khác khi họ làm lần thứ hai, ngay cả khi hai lần cách nhau chỉ 5 tuần.

Đó là vì những nét này không phải là điều khác biệt một cách nhất quán đối với mọi người. Đa số chúng ta thay đổi những nét này theo thời gian – nó tùy thuộc vào tâm trạng khi ta làm trắc nghiệm, ví dụ, chúng ta có thể nghĩ hay không nghĩ rằng mình đồng cảm với người khác. Nhưng trắc nghiệm chỉ đơn giản cho chúng ta biết liệu chúng ta đang “suy nghĩ” hay “cảm nhận” dựa trên cách ta trả lời những câu hỏi nhị phân, hoàn toàn không có trung gian.

Theo một số phân tích khác, một chỉ báo thiếu chính xác nữa của MBTI chính là việc dự báo không hiệu quả khả năng thành công của ứng viên trong nhiều công việc khác nhau.

Nếu trắc nghiệm đưa cho chúng ta những kết quả thiếu chính xác, vậy tại sao nhiều người vẫn sử dụng nó? Một trong những lý do là vì những miêu tả tâng bốc, mơ hồ giành cho các kiểu loại rất hay bị trùng lặp nên mỗi người có thể thấy mình phù hợp với nhiều kiểu cùng lúc.

Đây được gọi là hiệu ứng Forer, kỹ thuật từ lâu đã được sử dụng bởi những nhà chiêm tinh, bói toán và các kiểu ngụy khoa học nhằm thuyết phục con người rằng họ có thông tin chính xác về bản thân mình.

MBTI BỊ LOẠI BỎ BỞI PHẦN LỚN CÁC NHÀ TÂM LÝ

Những điều trên là lý do tại sao các nhà tâm lý – những người tập trung vào việc tìm hiểu và phân tích hành vi của con người- lại hoàn toàn không nhìn nhận MBTI trong các nghiên cứu hiện nay.

Tìm kiếm trên những tạp chí tâm lý học danh tiếng về chủ đề phân tich các trắc nghiệm tâm lý, bạn sẽ thấy những bàn luận về nhiều hệ thống khác nhau được phát triển trong các thập kỷ vừa qua kể từ khi trắc nghiệm được giới thiệu, nhưng sẽ không có chính MBTI. Bên cạnh một vài nghiên cứu chứng minh MBTI không chính xác, gần như không có bất kỳ một tạp chí tâm lý học lớn nào xuất bản những nghiên cứu về trắc nghiệm – hầu hết chỉ đến từ những ấn phẩm không đáng tin như The Journal of Psychological Type, được đăc biết tạo ra cho kiểu nghiên cứu này.

CPP, công ty phát hành trắc nghiệm, có 3 nhà tâm lý dẫn đầu trong ban điều hành, nhưng không ai trong số hạ sử dụng MBTI trong nghiên cứu của mình. “Nó sẽ bị các đồng nghiệp của tôi đặt câu hỏi” Carl Thoresen, tâm lý gia được đào tạo tại Stanford và là thành viên của ban điều hành CPP, thú nhận trên Washington Post vào năm 2012.

Ngoại trừ phương diện hướng nội/ hướng ngoại của MBTI, những trắc nghiệm mới hơn và có định hướng thực nghiệm tập trung vào cách phân loại hoàn toàn khác. Mô hình Năm Yếu tố đo đạc mức độ cởi mở, nhận thức, hướng ngoại, dễ chịu và lo lắng của con người – những yếu tố mà dữ liệu cho ta thấy thật sự khác biệt trên mọi người. Đồng thời có một vài bằng chứng rằng mô hình này có khả năng tiên đoán trong việc xác định năng lực thành công trong nhiều công việc và tình huống khác nhau của con người.

Nó chỉ không có một thứ: Cỗ máy kiếm tiền xung quanh Myers-Briggs

VẬY TRẮC NGHIỆM ĐƯỢC SỬ DỤNG LÀM GÌ?

MBTI hữu hiệu trong một chuyện: giải trí. Hoàn toàn không có gì sai nếu ta làm trắc nghiệm cho vui, giống làm BuzzFeed.

Nhưng có gì đó sai với việc CPP quảng cáo trắc nghiệm là “đáng tin và chính xác, được ủng hộ bởi nghiên cứu trên toàn cầu và đầu tư phát triển đương thời”. Công ty kiếm được 20 triệu USD một năm với MBTI là lá cờ đầu. Công ty thu phí 15 và 40 USD mỗi người làm trắc nghiệm và 1700 USD mỗi người muốn trở thành người hướng dẫn làm trắc nghiệm có chứng nhận.

Tại sao lại có người trả nhiêu đó tiền để trở thành người hướng dẫn thực hiện một trắc nghiệm không chính xác? Vì một khi bạn có chức danh này, bạn có thể cung cấp dịch vụ cho những người tìm việc và hàng ngàn công ty lớn khác dưới danh nghĩa người huấn luyện nghề nghiệp. Có MKinsey & Co., General Motors và 89 công ty trên danh sách Fortune 100 hiện đang dung trắc nghiệm để phân định nhân viên và những ứng viên tiềm năng thành các “kiểu”, đồng thời chỉ định họ vào những chương trình huấn luyện và nhiệm vụ thích hợp. Một khi được chứng nhận, người hướng dẫn thực hiện trắc nghiệm sẽ trở thành người cổ vũ cho MBTI, đảm bảo rằng việc sử dụng công cụ lỗi thời này được tiếp tục.

Ngay cả các cơ quan như Bộ Ngoại giao, CIA cũng đang lãng phí tiền vào trắc nghiêm này. Quân đội đặc biệt dựa vào MBTI để quyết định thăng cấp, và EPA cho 25% trong số 17000 nhân viên của mình thực hiện trắc nghiệm.

Bây giờ là năm 2014, hàng ngàn nhà tâm lý chuyên nghiệp đã đánh giá MBTI, trắc nghiệm trăm tuổi, và tìm ra rằng nó không chính xác và rất tài phán, đồng thời họ đã biến đổi những hệ thống khác cho việc đánh giá nhân cách. Hãy dừng việc sử dụng trắc nghiệm lỗi thời này, một trắc nghiệm mà độ đặc hiệu của nó chỉ bằng dấu hiệu chiêm tinh của bạn, và chuyển sang thứ gì đó khác.


https://www.vox.com/2014/7/15/5881947/mye...are-bottom

Nguồn dịch:https://hanhlangtamly.blogspot.com/2014/07/tai-sao-trac-nghiem-mbti-lai-hoan-toan.html
 
×
Quay lại
Top Bottom