Tai nạn kinh hoàng - Graham Greene

xuanhung_xd9

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/12/2011
Bài viết
1.979
Jerome bị gọi vào phòng giáo viên chủ nhiệm vào thời gian nghỉ giữa giờ học thứ hai và thứ ba trong buổi sáng thứ năm.

Jerome không sợ sẽ gặp rắc rối bởi cậu là người đứng đầu lớp, là một cái tên mà giám đốc và hiệu trưởng của ngôi trường tiểu học có học phí rất cao này thường đưa ra để làm gương cho những cậu bé lớp dưới (một lớp trưởng tiêu biểu mà khi rời trường sẽ trở nên thành viên của những trường cao giá cỡ như Marlborough và Rugby).

Thầy chủ nhiệm Wordsworth ngồi phía sau bàn với dáng vẻ lúng túng và e sợ. Khi bước vào, Jerome có cảm giác kỳ quặc rằng cậu là nguyên nhân của sự sợ hãi ấy.

- Ngồi xuống đi Jerome - ông Wordsworth nói - Môn lượng giác học ổn cả chứ?

- Thưa thầy, vâng.

- Tôi vừa nhận được một cú điện thoại, Jerome. Cô của em gọi. Tôi sợ rằng phải báo tin xấu cho em.

- Thưa thầy…?

- Cha của em gặp tai nạn.

- Ồ…

Ông Wordsworth nhìn cậu, hơi ngạc nhiên:

- Một tai nạn nghiêm trọng.

- Chuyện gì vậy, thưa thầy?

Jerome tôn thờ cha. Đúng là như vậy. Như con người lặp lại hành động của Chúa Trời, Jerome lặp lại cha cậu - từ một tác giả góa vợ rất năng động cho đến một nhà du hành bí ẩn từng đi đến nhiều nơi xa xôi: Nice, Beirut, Majorca, thậm chí cả quần đảo Canary ở tây bắc châu Phi. Vào thời điểm sinh nhật lên tám, Jerome bắt đầu tin rằng cha cậu hoặc buôn lậu súng hoặc là nhân viên của Sở Gián điệp Anh. Bây giờ thì xảy ra việc cha cậu sẽ có thể bị thương vì một tràng đạn súng máy!

Ông Wordsworth vân vê cây thước trên bàn, dường như không biết phải tiếp tục bằng cách nào. Ông nói:

- Em có biết cha em đang ở Naples?

- Thưa thầy, vâng.

- Cô của em nghe được tin từ bệnh viện hôm nay.

- Ồ…

Ông Wordsworth nói với sự tuyệt vọng:

- Đó là một tai nạn giao thông.

- Vâng, thưa thầy? - Với Jerome, dường như người ta hoàn toàn có thể gọi đó là một tai nạn giao thông. Đương nhiên là cảnh sát sẽ bắn trước, cha cậu sẽ không giết người trừ phi đó là phương sách cuối cùng.

- Tôi sợ rằng cha em thật sự bị thương rất nặng.

- Ồ…

- Jerome, thật ra ông ấy đã chết ngày hôm qua. Hoàn toàn không đau đớn.

- Có phải họ đã bắn vào ngực cha em?

- Xin lỗi, em nói gì, Jerome?

- Có phải họ đã bắn vào ngực ông?

- Không ai bắn ông cả, Jerome. Một con heo rơi trúng ông!

Một sự rối loạn không thể giải thích được lấn áp toàn bộ nghị lực trên khuôn mặt ông Wordsworth. Trong một khoảnh khắc, trông ông gần như sắp bật cười. Ông nhắm mắt lại, kiềm chế bản thân và nói thật nhanh như thể hết sức cần thiết phải tống câu chuyện ra càng nhanh càng tốt:

- Cha em đang đi bộ dọc theo một con phố ở Naples thì một con heo rơi trúng ông. Một tai nạn khủng khiếp. Hình như ở những khu phố nghèo ở Naples, người ta nuôi heo trên ban công. Con heo này ở tầng thứ năm, nó đã được nuôi vỗ quá béo. Ban công bị sụp. Con heo rơi trúng cha em.

Ông Wordsworth mau lẹ rời bàn giấy và đi về phía cửa sổ, quay lưng lại phía Jerome. Ông hơi run vì xúc động.

Jerome hỏi:

- Con heo có sao không ạ?





Về phía Jerome, đó không phải là sự nhẫn tâm, như lời ông Wordsworth đã giải thích với các đồng nghiệp của ông (ông thậm chí tranh cãi với họ, liệu rằng có thể Jerome lúc ấy đã bị đóng khung vào vai trò một lớp trưởng). Jerome chỉ cố gắng hình dung ra cái cảnh tượng kỳ lạ ấy để có những chi tiết xác thực. Jerome cũng chẳng phải là một cậu trai ưa khóc lóc, đó là một học sinh hay suy tư nghiền ngẫm và một tình cảnh khôi hài như cái chết của cha cậu chưa bao giờ xảy ra trong ngôi trường tiểu học này.

Đó cũng là một phần trong sự bí mật của cuộc đời. Và sau đó, trong học kỳ thứ nhất của trường trung học công lập, khi cậu kể câu chuyện này cho người bạn thân nhất, cậu mới bắt đầu nhận ra rằng nó đã tác động đến người khác ra sao. Và đương nhiên, sau sự giãi bày tâm sự này, cậu được gọi một cách khá vô lý là “Heo”.

Không may là bà cô của cậu lại không có tính hài hước chút nào. Có một tấm ảnh chụp vội của cha cậu được phóng lớn đặt trên chiếc đàn dương cầm - một người đàn ông to lớn, buồn bã mặc một bộ quần áo màu sậm không phù hợp, chụp ở Capri, che dù (để tránh cho ông khỏi bị say nắng) với những tảng đá faraglion làm nền phía sau.

Vào tuổi 16, Jerome mới nhận thức rõ là tấm ảnh chân dung ấy trông giống tác giả của các cuốn sách Ánh nắng và bóng mát và Ngao du trong Balearics hơn là một nhân viên mật vụ. Cùng lúc với việc yêu quí những kỷ niệm về người cha của mình, cậu còn sở hữu một cuốn album đầy những tấm bưu ảnh (những con tem đã bị gỡ đi từ lâu cho một bộ sưu tập khác của cậu), và nó làm cậu đau đớn khi bà cô thuật lại cho người lạ nghe câu chuyện về cái chết của cha cậu.

“Một tai nạn kinh hoàng”, bà sẽ bắt đầu như vậy, và người lạ ấy sẽ thêm thắt những cảm nhận của riêng họ vào nội dung thực tế nhằm bày tỏ sự xót thương hay thú vị. Cả ai phản ứng ấy đương nhiên đều sai, nhưng thật là kinh khủng với Jerome khi thấy bài thuyết trình tràng giang đại hải ấy của bà cô thình lình ngắt ngang, sự quan tâm trở nên xác thực: “Tôi không hiểu sao một chuyện như thế có thể được cho phép trong một đất nước văn minh”.

Bà cô sẽ nói: “Tôi cho rằng có thể xem nước Ý là một nước văn minh. Người ta được chuẩn bị cho mọi thứ ngoài trời. Đương nhiên anh tôi là một dân du lịch ngoại hạng. Anh ấy luôn mang theo một bình nước lọc. Bạn biết đó, như thế rẻ hơn nhiều so với việc mua các chai nước khoáng. Anh tôi luôn nói cái bình lọc nước của anh đã trả tiền rượu cho bữa ăn tối. Bạn thấy đó, anh ấy cẩn thận biết bao, nhưng ai mà có thể nghĩ rằng khi anh ấy đi bộ dọc theo phố Via Dottore Manuelle Panucci để đến Bảo tàng Thủy văn học, một con heo có thể rơi trúng anh?”. Đó là lúc mà sự hứng thú trở nên vô cùng chân thực.

Cha của Jerome vốn không phải là một nhà văn xuất sắc, nhưng dường như cái thời thường tới sau cái chết của nhà văn, khi có một người nào đó nghĩ rằng ông thật xứng đáng và viết một lá thư cho phụ trang Thời Báo Văn Học để thông báo về việc chuẩn bị viết tiểu sử ông và yêu cầu bạn bè của người quá cố, ai có thư từ, tư liệu hoặc giai thoại gì hãy gửi về. Và hầu hết các tiểu sử, tất nhiên chẳng bao giờ được in ra.

Còn Jerome, giờ đã là một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản, sống xa cách thế giới văn chương. Anh không nhận ra mối đe dọa ấy thật sự nhỏ bé biết bao, hoặc giả sự thiếu tên tuổi của cha anh đã qua rất lâu. Đôi khi, anh nhẩm lại cách thức kể lại chi tiết về cái chết của cha để giảm đến tối đa yếu tố hài hước. Sẽ không có tác dụng gì khi chối bỏ các thông tin, bởi trong trường hợp này người tìm hiểu tiểu sử chắc chắn sẽ đến gặp cô của anh, một người sống rất thọ và không hề có dấu hiệu gì là sẽ suy yếu đi.

Dường như đối với Jerome, có hai phương án khả thi - thứ nhất là cách từ từ dẫn đến tai nạn, để theo thời gian nó sẽ được diễn tả với một người nghe đã được chuẩn bị kỹ rằng cái chết của cha anh thật ra không có cao trào gì cả. Nguy cơ chủ yếu gây cười trong một câu chuyện kiểu như vậy luôn luôn đột ngột. Khi anh nhẩm lại phương án này, Jerome bắt đầu chán ngán.

“Bạn có biết Naples và những tòa nhà chung cư này không? Có người nói với tôi rằng cư dân Naples luôn cảm thấy thân thuộc khi sống ở New York, cũng như một người ở Turin cảm thấy London giống như nhà mình bởi vì ở hai thành phố này sông chảy theo cùng một kiểu như nhau. Tôi ở đâu ư? Ồ! Đương nhiên là Naples. Bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên, không biết họ chứa những gì trên những cái bancông của những căn nhà chọc trời tại các khu phố nghèo này. Bạn biết đấy, những thứ như thú nuôi, gà và thậm chí cả heo nữa không hề tắm rửa hoặc nghỉ ngơi gì cả. Đương nhiên những con heo chẳng được đi lại gì cả và mau chóng trở nên mập ú”.

Lúc này anh có thể tưởng tượng được đôi mắt của những thính giả của anh mờ đi ra sao. “Tôi chẳng có ý kiến gì, bạn nghĩ sao về chuyện một con heo nặng tới bao nhiêu? Nhưng những tòa nhà cũ kỹ này đã quá cần phải sửa chữa. Một cái bancông trên tầng năm đã sụp xuống dưới sức nặng của một trong những con heo ấy. Trên đường rơi xuống nó đã đập vào bancông của tầng ba và nảy lên trước khi rớt xuống mặt đường. Cha tôi đang đi đến Viện bảo tàng Thủy văn học thì bị con heo rơi trúng. Với độ cao và góc rơi ấy, ông bị gãy cổ”. Đó quả là một nỗ lực bậc thầy để làm cho một đề tài hấp dẫn như vậy trở nên buồn chán.

Phương án còn lại của Jerome có ưu điểm là ngắn gọn.

- Cha tôi qua đời bởi một con heo.

- Thật không? Ở Ấn Độ à?

- Không, ở Ý.

- Lạ nhỉ, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng ở Ý có chuyện đi săn heo rừng. Cha của anh chắc là thích chơi polo lắm?

***

Thời gian trôi đi, chẳng quá sớm cũng chẳng quá muộn, dù vậy với khả năng của một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản, Jerome đã học được môn thống kê và tính toán đã đến lúc anh đính hôn và cưới vợ: một cô gái 25 tuổi, khuôn mặt tươi tắn dễ thương, có cha là một bác sĩ ở Pinner. Tên cô là Sally, tác giả được cô ưa thích vẫn là Hugh Walpole, và suốt từ lúc lên năm tuổi khi được tặng một con búp bê biết nhắm mắt và khóc cho đến bây giờ cô luôn yêu thích các em bé. Quan hệ giữa họ không nồng cháy lắm nhưng êm đẹp, bởi chuyện tình của một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản sẽ không bao giờ thành nếu bị những con số ngăn trở.

Tuy nhiên có một ý nghĩ vẫn làm Jerome lo lắng. Trong vòng một năm nữa anh có thể sẽ trở thành một người cha, tình yêu thương của anh với người cha quá cố trỗi dậy; anh nhận ra cái tình cảm đã thấm vào những tấm bưu ảnh. Anh cảm thấy ao ước được bảo vệ ký ức của mình và băn khoăn tự hỏi tình yêu thầm lặng ấy của anh có còn tồn tại không nếu Sally vì quá vô tâm mà cười ầm lên khi nghe được câu chuyện về cái chết của cha anh. Chắc chắn là nàng sẽ nghe được câu ch.uyện ấy nếu Jerome đưa nàng đến dùng bữa với bà cô anh. Nhiều lần anh cố gắng tự kể cho nàng nghe, bởi nàng hồn nhiên tha thiết muốn biết tất cả những gì liên quan đến anh.

- Chắc khi cha chết anh còn bé lắm nhỉ?

- Mới chín tuổi.

- Tội nghiệp anh.

- Anh đang ở trường. Họ báo tin cho anh.

- Anh có đau khổ lắm không?

- Anh không nhớ nữa.

- Anh chưa bao giờ kể với em chuyện xảy ra như thế nào.

- Rất đột ngột. Một tai nạn trên đường phố.

- Anh sẽ không bao giờ lái xe nhanh, phải không Jemmy? (Nàng đã bắt đầu gọi anh là Jemmy).

Đã quá trễ để áp dụng phương pháp thứ hai, phương pháp về chuyện săn heo rừng.

Họ sẽ tiến hành hôn lễ một cách êm ả tại một văn phòng đăng ký hôn nhân và hưởng tuần trăng mật tại Torquay. Anh tránh đưa nàng đến gặp bà cô anh cho đến một tuần trước đám cưới, nhưng khi đêm đến anh không thể không tự vấn rằng liệu sự e sợ của anh đối với kỷ niệm về người cha nhiều hơn hay sự an toàn cho tình yêu của anh nhiều hơn.

Thời khắc ấy đến quá nhanh. “Có phải đó là cha của Jemmy không hả cô?” - Sally hỏi, cầm tấm hình người đàn ông che dù lên.

- Đúng rồi, cháu cưng. Làm sao con biết?

- Ông có đôi mắt và lông mày giống Jemmy, phải không cô?

- Jerome có cho con mượn sách của ông không?

- Không.

- Cô sẽ cho con một bộ để mừng đám cưới. Ông ấy viết rất tinh tế về các chuyến du lịch.

Cuốn sách cô thích nhất là Những ngóc ngách và vết nứt. Lẽ ra ông sẽ có một tương lai rạng rỡ. Cái tai nạn khủng khiếp ấy thật quá tồi tệ.

- Sao hả cô?

Jerome ao ước được rời khỏi căn phòng và không trông thấy khuôn mặt đáng yêu ấy nhăn lại vì sự hào hứng không cưỡng lại được.

- Cô có rất nhiều thư độc giả của ông gửi đến sau khi con heo rơi trúng ông - cô của Jerome chưa bao giờ hấp tấp đến như vậy.

Và rồi phép lạ hiện ra. Sally không cười. Sally ngồi với đôi mắt mở to hoảng sợ trong khi bà cô anh kể chuyện, và cuối cùng nàng nói: “Khủng khiếp quá! Chuyện xảy ra như vậy thật không thể tin là có được trên đời này”.

Trái tim Jerome tưng bừng niềm vui, như thể nàng đã làm nguôi đi nỗi sợ của anh mãi mãi. Trên taxi đi về nhà, anh hôn nàng, say sưa hơn bao giờ hết và nàng đã đáp trả. Tựa như có những em bé ở trong đồng tử mắt màu xanh nhạt của nàng, những em bé chớp mắt lia lịa và biết khóc.

- Một ngày tuyệt vời - Jerome nói, và nàng siết chặt tay anh - Em đang nghĩ gì vậy, cưng?

- Em đang tự hỏi con heo tội nghiệp đó có sao không?

- Chắc chắn là họ sẽ xơi nó thôi! - Jerome đáp thật hạnh phúc và hôn cô bé đáng yêu của mình lần nữa.
 
×
Quay lại
Top Bottom