Văn Suy nghĩ về người lớn

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
Đề bài: “Tôi và người lớn”

Bài làm
Trong những cuộc thảo luận gia đình giữa bố và mẹ, tôi rất ít khi được tham gia. Đôi lúc, không thể kiềm chế sự tò mò, tôi đã bật lên những câu hỏi. Đáp lại, bố mẹ tôi chỉ phẩy tay “Trẻ con không nên tham gia chuyện người lớn”. Hồi nhỏ tôi không thực sự hiểu câu nói đó lắm. Nhưng càng ngày tôi càng nghiệm ra. Và tôi chợt nhận thấy rằng còn một đoạn đường khá xa nữa trước khi đặt chân tới cái ngưỡng gọi là “người lớn”.


“Người lớn” là những người trưởng thành cả thể xác lẫn tinh thần, từng trải qua những thử thách cuộc đời ở một mức độ nào đó. Họ đủ sức đưa ra những quyết định hệ trọng và tự chịu trách nhiệm về nó. Họ có lí trí và tình cảm để xét đoán hay thấu hiểu trước một vấn đề. Họ tương tự như những cái cây cứng cáp, vươn thẳng lên đương đầu với gió bão, sống tự lập thoát khỏi sự dựa dẫm. Tôi và “người lớn” ở hai thế giới khác nhau. Dù cho tôi đã 16 tuổi không còn bị gọi là trẻ con nữa nhưng chưa có nghĩa là tôi đã trở thành “người lớn”, ở cái tuổi này người ta chưa thực sự trưởng thành nhưng lại không bao giờ có thể chấp nhận điều đó. “Người lớn” và chúng tôi có những suy nghĩ khác nhau. Trước một lời mời gọi hứa hẹn tốt đẹp hay những kết quả đến quá dễ dàng, chúng tôi thường cho là điều hiển nhiên. Chúng tôi vui thích, sục sôi và hi vọng. Nhưng “người lớn” thì thường chau mày, băn khoăn, đắn đo, suy nghĩ xem có cám dỗ nào đằng sau búc màn màu hồng ấy không. Đứng trước một quyết định chúng tôi thường hành động theo cảm tính, nhưng họ thì ngược lại lí tính vẫn là trước nhất. Chúng tôi sống hồn nhiên, sẵn sàng lao về phía trước, máu nóng rần rật trong huyết quản. Tất cả điều đó được phơi bày ra bên ngoài không hề che giấu. Còn với “người lớn”, họ cũng đam mê sống nhưng luôn khoác ra ngoài vẻ lãnh đạm. Tôi băn khoăn tự hỏi – tại sao họ trầm tĩnh đến vậy? “Người lớn” không hiểu tôi. Và tôi cũng không hiểu họ. Điều đó thật dễ hiểu khi có quá nhiều điểm khác nhau giữa hai thế hệ. Hồi trước, tôi đã từng mắc vào cái gọi là “chứng trầm cảm” (có lẽ ở cái tuổi ẩm ương ấy ai cũng có thể như vậy). “Người lớn” và tôi chưa hề có bất cứ lời chia sẻ nào. Và mỗi khi có ý định thì dường như hai chúng tôi không cùng một ngôn ngữ. Có nhiều lúc, tôi bắt gặp một ánh nhìn của “người lớn” hay một tiếng thở dài, nhưng dù cố gắng đến mấy, hai chúng tôi không thể cùng chung một nhịp. Và dần dần, “người lớn” và tôi đã xa lại càng xa hơn.

Tôi muốn trở thành “người lớn”! Đó là điều mà bất cứ người nào ở lứa tuổi tôi cũng ao ước. Tôi đang bị phụ thuộc, tôi không thể đưa ra bất cứ sự lựa chọn nào cho riêng mình. Tôi không nhận được sự tin tưởng hoàn toàn ở “người lớn” và tôi muốn trưởng thành để chứng tỏ mình, Tôí muốn lớn lên, đủ cứng cáp để đương đầu với thế giới và sẵn sàng tàm một điều gì đó để thay đổi thế giới. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn tồn tại sự mâu thuẫn. Tôi muốn lớn lên, trưởng thành nhưng cũng sợ sệt trước nỗi lo phải lớn. Tôi bỡ ngỡ trước thế giới mà tôi chưa từng biết với những bon chen vất vả. Tôi không muốn mất đi sự vô tư yên lành dưới đôi cánh che chở an toàn. Tôi như con chim đang đứng trước cửa lồng đã mở, khao khát được bay ra ngoài để đón nhận tự do nhưng còn đắn đo không biết điều gì đang chờ mình ở phía trước. Ai đó đã nói rằng “Cuộc sống nhiều khi không nằm trong dự tính của bạn. Nó không phải chỉ mang toàn một màu hồng. Đừng quá hi vọng kẻo giấc mộng bất cứ lúc nào cũng có thể tan vỡ”. Nhưng dù tôi có sợ sệt tới mức nào, tôi vẫn cần lớn, đâu có ai trẻ thơ mãi được. Chính vì vậy tôi muốn chuẩn bị mọi thứ cho cái ngày bắt đầu cuộc hành trình cuộc sống trên con đường đời. Với sức trẻ, tôi cảm thấy như mình có thể làm được tất cả, không có điều gì có thể khiến tôi sợ hãi. Người lớn có thể nghĩ chúng tôi là lũ trẻ ngạo mạn xuẩn ngóc về cuộc đời nhưng chúng tôi vẫn hài lòng và hạnh phúc vì cảm thấy mình đang được sống. Người lớn chán ghét sự ồn ào, ganh đua nhưng chúng tôi thì lại thèm khát điều đó. Mọi thử đều nằm trong dự tính, êm đềm trôi đi thì thật chẳng khác gì có con gián gặm nhấm tâm hồn. Cuộc sống thật vô vị nếu nó không cho ta những cú vấp. Một ngày nào đó, chúng tôi cũng có thể làm được những việc to lớn, vĩ đại của người lớn, chứng tỏ bản thân mình, mở rộng đôi tay đón lấy ngọn gió tự do, một ngày nào đấy, một ngày nào đấy…

Chúng tôi tràn đầy tin tưởng vào cuộc đòi bởi vì chưa ai từng nếm trải sự tuyệt vọng thực sự, chưa từng trả giá cho bất cử thứ gì cùng như sống bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi cũng trở thành “người lớn”, ngồi bên cửa sổ ngẫm nghĩ về thời gian đã qua, có thể mỉm cười hay buồn rầu, mãn nguyện hay tiếc nuối về một thòi trẻ dại đã trôi qua và nhớ rằng chúng tôi đã từng một thời không phải là “người lớn”. Thế hệ theo sau chúng tôi, một ngày không xa cùng sẽ giống như tôi bây giờ ngồi đây để viết về “người lớn”. Họ sẽ cho rằng chúng tôi và họ ở hai thế giới khác nhau và tỏ ra buồn bực vì không hiểu họ. Không sao, chúng tôi cũng đã từng như vậy. Chỉ xin một điều hãy nhớ rằng: Tôi đã từng sục sôi sống, khao khát tự do, tin tưởng vào cuộc đời. Xin đừng quên thế hệ của chúng tôi!

Chuyện tương lai hãy để cho tương lai. Giờ đây tôi lại muốn trở về với chính mình, là một kẻ lơ lửng chân không tới đất, đầu không chạm đến trời. Tôi và “người lớn” tuy hai nhưng mà một, tưởng rằng xa vời vợi nhưng có những liên kết không thể tách rời. “Người lớn” vần bên tôi, thầm lặng làm những công việc vì tôi, yêu thương tôi với tất cả tấm lòng. Tôi yêu những “người lớn” của tôi!

Lê Phương Thảo

Lớp 10 Văn – THPT chuyên Bắc Ninh – Bắc Ninh
 
×
Quay lại
Top Bottom