Thuận Thiên mở mắt ra, một gương mặt nam nhân đập vào tầm mắt, rất gần nàng. Nàng hoảng hồn đẩy y ra xa, sợ sệt nhìn y.
Trước mặt nàng là một nam nhân chững chạc, dù gương mặt vẫn còn khá non, nhưng vóc người và nước da đặc trưng của người miền biển không lẫn vào đâu được, ngũ quan hài hòa, dung mạo cũng thuộc hàng xuất chúng. Y ăn mặc dân dã, không viên lĩnh cổ chéo, chỉ một màu nâu thêm thắt lưng da và một tấm áo choàng lông thú, hình như là thợ săn. Thuận Thiên liền lập tức mất cảm tình, xưa nay nàng quen mắt với hình ảnh tươm tất và chải chuốt rồi, tên nam nhân trước mặt quá xồm xõa.
-Ngươi là ai?
Thấy ánh mắt nàng có vẻ khó chịu, nam nhân kia cũng không vui.
-Là người vừa cứu cô.
-Cứu ta?
-Phải, trước mặt là đầm lầy, cô không thấy sao?
Nàng vội quay ra sau nhìn xuống, quả thật là đầm lầy, đã vậy lại vô cùng lún, chỗ nàng đang đứng thôi cũng đã lún được mấy phân rồi, nàng vội chạy ra sau lưng nam nhân ấy.
-Quả là đầm lầy.
Người đó lắc đầu rồi quay lại.
-Vậy vị tiểu thư xinh đẹp, chẳng hiểu sao cô lọt được vào chốn rừng thiêng nước độc này, để tôi đưa cô ra.
-Ngươi đừng có mà lợi dụng!
Người đó tròn mắt nhìn nàng.
-Gì cơ?
-Ngươi muốn đưa ta đi đâu?
Y tức lắm, chẳng lẽ nhìn mặt y không có một tia người tốt hay sao?
-Ta không phải dạng háo sắc, lợi dụng người ta sa cơ thất thế mà giở trò, chỉ là muốn giúp cô thôi.
Nàng nhìn quanh, thật ra nếu không có anh ta đưa nàng ra khỏi đây, nàng chết chắc. Lúc này Thuận Thiên mới hạ thấp giọng xuống một chút.
-Vậy phải gọi anh thế nào đây?
-Trần Liễu!
Vừa lúc đó, Trần Cảnh từ xa đi lại, trên lưng vác một bó củi to tướng, trên trán y lăn tăn những giọt mồ hôi nhưng gương mặt vẫn hồng hào anh tuấn.
-Ủa? Anh!
Trần Cảnh vừa gọi, Thuận Thiên liền quay lại nhìn. Giây phút nàng thu vào tầm mắt mình gương mặt y, nàng tự nhiên thấy ngạt thở. Trên đời này lại có thể có nam nhân hoàn mĩ đến thế. Từ ngũ quan đến thân hình, một chỗ chê cũng không tìm ra. Chàng vấn tóc gọn gàng, gương mặt mồ hôi nhễ nhại, tay gồng lên đỡ bó củi nặng nề phía sau, lộ ra bắp tay cứng cáp nam tính của một chàng trai vùng biển.
-Cảnh, đã xong rồi đấy à?
-Anh, người này là?
Lúc này Thuận Thiên mới nghênh mặt.
-Ta là Thuận Thiên công....À, tên ta là Thuận Thiên.
Hai người gật gù.
-Anh cứu được nàng ta ở bãi lún này, suýt nữa thì toi!
-Ai cần anh cứu?
Nàng dùng dằng bỏ đi, làm nàng mất mặt trước Trần Cảnh rồi!
Cảnh nhìn Liễu chưa hiểu, y nhún vai rồi đuổi theo Thuận Thiên. Cảnh xốc lại bó củi rồi cũng đi theo hai người họ.
Cả một bờ đá nháo nhào lên tìm người. Nô tì đi theo cạnh Thuận Thiên khó khăn lắm mới kiếm được đường ra, mếu máo chạy tới thỉnh tội với Lý Huệ Tông. Thiên Hinh lập tức cùng Đàm Thu xông vào rừng thông tìm người. Lý Huệ Tông can mãi, nhưng Thiên Hinh nhất định phải đi. Người liền phát thị vệ đuổi theo bảo vệ. Thiên Hinh đi chưa được bao lâu thì quân lính chạy lại chỗ Huệ Tông, báo Thuận Thiên công chúa an toàn ra khỏi rừng cùng hai người đàn ông không rõ lai lịch. Cặp chân mày Huệ Tông liền chau sát lại, tỏ vẻ không hài lòng.
-Mau đi tìm Thiên Hinh công chúa về.
-Vâng!
Thuận Thiên thấy binh lính và cả vị công công già e dè nhìn mình, lòng bất giác thấy sợ hãi.
-Người nhà cô là quan to à? Đi thưởng ngoạn mà lắm gia nhân đi theo thế?
Trần Liễu nhìn quanh, thoáng có chút nghi ngờ, gia nhân gì mà tên nào tên nấy mặt lạnh như băng, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trần Cảnh thì có chút thong dong, chàng chẳng quản đâu mấy chuyện cỏn con này, chỉ muốn nhanh về nhà cho đỡ nặng gánh củi sau lưng.
Lý Huệ Tông mặc viên lĩnh nâu tối, eo thắt đai đen, ngồi hơi ngả ra sau trên chiếc ghế mây, đối mặt ra biển. Người không muốn để bị nhìn thấy mặt.
Thấy Thuận Thiên cúi người chào, hai nam nhân kia cũng lúng túng chào theo.
-Phụ...À, cha! Con đi vào rừng chơi, chẳng may bị lạc, may mà có hai anh em họ đi ngang qua đưa con về, mong cha thứ tội.
Huệ Tông không muốn giáo huấn con cái trước người ngoài, bèn phất tay.
-Được rồi, trở về là tốt. Hai thanh niên đây trượng nghĩa giúp người, giúp con gái ta, ta rất lấy làm cảm động.
Trần Liễu chấp hai tay kính lễ.
-Lão gia đây quá khách sáo rồi, hai anh em tôi chỉ là đi ngang qua thấy tiểu thư đây bị lạc, giúp cũng là lẽ thường tình.
Huệ Tông gật gù, lời lẽ khí chất, hẳn là không phải dân đen như binh sĩ miêu tả.
-Hai cậu tên họ là chi? Để ta còn cho người báo đáp.
Trần Cảnh nhìn Trần Liễu, Liễu cúi mặt cười rồi lắc đầu.
-Chỉ là chút chuyện cỏn con, hà chi báo đáp. Anh em tôi họ Trần.
Lập tức mắt Huệ Tông lóe sáng, đôi chân mày chau lại.
-Tôi là Liễu, đây là em trai tôi, Cảnh.
Huệ Tông thở hắt ra. Hải Ấp là đất nhà họ Trần, đi gặp một hai người cũng có gì là lạ. Người tự trấn an mình chỉ là quá nhạy cảm với cái họ đó mà thôi.
-Được, đây là chút quà mọn lão ta muốn gửi hai cậu, mong hai cậu nhận lấy.
Người đưa mắt nhìn vị công công già, ông cúi đầu rồi chạy lại đưa Liễu một tay nải.
Huệ Tông phất tay rồi nhìn vị công công.
-Lão gia đã đến giờ nghỉ ngơi rồi, xin cảm ơn hai vị thiếu hiệp ra tay giúp đỡ, mời đi lối này.
Thuận Thiên nãy giờ vẫn nhìn Trần Cảnh không rời, nghe thấy hai người được tiễn về, vội buồn bã, nhưng sao Cảnh chẳng để ý đến nàng. Trần Liễu nhìn nàng rồi chào, nàng chẳng quan tâm, giận dỗi quay đi mất.
Được nửa canh giờ, đoàn người của Thiên Hinh cũng rời khỏi rừng. Thiên Hinh lập tức chạy lại chỗ Thuận Thiên.
-Chị, chị về rồi sao?
Thuận Thiên chán ghét nhìn Thiên Hinh rồi bỏ đi chỗ khác. Huệ Tông thở dài rồi quay lại nhìn Thiên Hinh, phát hiện bàn tay nàng chảy máu.
-Rốt cuộc là đã có chuyện gì?
Đàm Thu cúi đầu không nói, y cũng có một vết xước rỉ máu trên mặt.
Lúc nãy trong rừng, Thiên Hinh trượt ngã, Đàm Thu đỡ lấy nàng, hai người lăn hết mấy vòng trên con dốc.
Thiên Hinh nhìn tay mình rồi phe phẩy, cười nói.
-À, con trượt ngã nên bám vào thân cây, trầy xước chút mà. Người đừng lo phụ hoàng!
-Con bé này!
Người lo lắng nắm lấy bàn tay bé nhỏ hồng hào của con gái rồi thổi vào vết thương. Ai trông thấy cảnh tượng đó đều không nhìn ra đâu là một quốc vương uy quyền, đâu là một người cha thương con hết mực.
-Hai đứa có thể ngưng làm điều vô bổ này đi không hả?
Một tiếng vỡ của tách trà vang lên chói tai. Tất cả gia nhân trong phủ đều cúi đầu sợ sệt. Hai thanh niên quỳ dưới đất, gương mặt ngoan cố, khó bảo.
-Ta đường đường là Nội thị phán thủ, là Liệt Hầu, người người kính sợ, họ Trần chúng ta là ai chứ, hai đứa lại suốt ngày ở Hải Ấp làm tiều phu, làm chài lưới! Ta đã bao lần bảo hai đứa lên kinh học hành làm quan, chẳng lẽ lời người cha này như gió thổi qua tai sao?
Trần Cảnh thở dài.
-Con vốn không thích làm quan, không thích sống cuộc sống đó.
-Vậy thì mày đi đốn củi mà sống đi! Tới lúc đó sẽ thấy giá trị của đồng tiền! Biết bao kẻ muốn được lên kinh học hành mà không được?
Trần Cảnh cúi đầu, đó không phải là hướng đi của y, không phải cuộc sống mà y mong muốn. Trần Liễu thấy Cảnh bị mắng, bèn đỡ lời.
-Cha, mấy năm nay con và Cảnh luôn cố gắng học hành, chỉ là không muốn sống xa hoa, muốn được sống cuộc sống người dân quê mình.
Trần Thừa ngồi xuống chiếc ghế gỗ chạm khắc hoa văn tinh xảo, xoa xoa thái dương. Thế lực họ Đàm coi như đã bị triệt tiêu, nhưng họ Trần đâu chỉ có toan tính độc quyền trong triều mới dẹp bỏ hết những thế lực cát cứ khác. Thái úy Trần Tự Khánh yếu rồi, chắc là không qua nổi mùa đông năm nay, cũng đến lúc củng cố nhân lực cho họ Trần trong triều.
-Được rồi, hai con đứng lên đi.
Cả hai vẫn ngoan cố quỳ dưới đất.
-Họ Trần ta không giống người thường, không thể sống cuộc sống của họ đâu...
Trần Cảnh mím môi. Y không cam tâm, cùng lắm y bỏ đi thật xa, nơi thế lực họ Trần không với tới được.
Trần Liễu hiểu chính sự hơn Cảnh, cũng biết nhà họ Trần không giống người thường ở chỗ nào. Liễu cúi đầu thưa.
-Cha, cha ở kinh thành lo thế sự, con và Cảnh ở nhà cũng phụ giúp chuyện trong nhà, cũng học hành tử tế, rèn luyện sức khỏe, người nên mừng mới phải.
Trần Thừa nhọc lòng nhìn hai đứa con trai.
-Hai đứa con là anh lớn trong nhà, cũng là hai đứa ta thương yêu nhất, biết trách phạt thế nào mà không thấy xót xa, đứng lên đi.
Liễu đứng dậy, kéo theo Cảnh.
-Hai đứa cũng trưởng thành rồi, cũng nên rời khỏi đây, đến Kinh thành tìm đường công danh.
Trần Cảnh vội nhìn cha, lòng không nỡ rời xa nơi thanh bình này.
-Được rồi, về thu xếp đi, đầu tháng sau chuyển đến phủ Nội thị ở Thăng Long sống. Ta sẽ không để hai đứa phí cả cuộc đời ở nơi này.
Chùa Chân Giáo, mùa xuân năm Kiến Gia thứ mười bốn, Giáp Thân, 1224.
Khói tỏa nghi ngút từ lư hương vàng lớn đặt ở ngưỡng cửa đại điện, tỏa trắng một vùng chùa Chân Giáo. Nắng xuyên qua lớp khói hương, chạm đến những bậc thềm còn vương sương mới mùa xuân. Vạn vật như có làn da mới, bóng bẩy và mỡ màng, từ chiếc lá non vừa mới nhú, đến cánh chim yến sải cánh dưới trời xuân.
Mùa xuân, đúng là mùa khiến cho con người ta thấy mình trà trề sức sống, tràn trề hi vọng.
Từ dưới chân những bậc tam cấp cao và gồ ghề, một bóng nữ nhân bé nhỏ, người trùm một chiếc áo choàng màu đỏ tươi dài đến gót, lướt đi thanh thoát như một tiên nữ. Làn da của nàng vốn đã trắng, lại thêm màu đỏ tươi, sắc xuân càng thêm mặn mà. Nàng quả thật như lời Đàm Thái hậu, càng ngày càng xinh đẹp, đến nỗi có thể gọi là Điêu Thuyền của Đại Việt.
Xuân năm nay, nàng mười bảy, phơi phới như một đóa phù dung, nghiêng nước nghiêng thành. Triều thần đã bắt đầu đả động đến chuyện cưới xin của nàng, cũng như đã bắt đầu gây sức ép trước chuyện huyết thống đứt đoạn của họ Lý.
Nàng chắp tay quỳ giữa đại điện, đã nửa canh giờ rồi, nàng vẫn im lìm như trước. Nửa năm qua, nàng lớn thêm nhiều, suy nghĩ cũng trưởng thành hơn, nàng hiểu rõ hơn nhiều điều, cũng căm thù thêm nhiều người. Nửa năm qua, cuộc đời nàng đã gặp bao sự đổi dời.
Bây giờ nàng điềm tĩnh hơn nhiều, mất dần đi sự hồn nhiên, dù chỉ ở tuổi mười bảy. Bây giờ nàng đang quỳ ở đây, chỉ cầu một đời bình an.
Nửa năm trước.
Lý Huệ Tông kết thúc chuyến vi hành sớm hơn dự định vì người mắc phải phong hàn dọc đường, thái y đi theo bảo phải hồi cung thôi. Huệ Tông dọc đường bắt gặp một loài hoa nhài thơm, sực nhớ Trần Hoàng hậu có lần bảo muốn ướp hoa nhài vào quần áo cho thơm, bèn cho người nhổ cây đem về trồng, còn dặn binh sĩ không được thông báo để làm Hoàng hậu bất ngờ.
Chiều tà, Huệ Tông về đến hoàng cung sau một tháng du ngoạn. Hôm đó người cùng Thiên Hinh đem cây hoa nhài đến cung Trần Hoàng hậu định đem lại bất ngờ cho bà. Ai ngờ, người bị làm cho bất ngờ chính là hai người họ.
Chiều hôm đó, Thiên Hinh lại bắt gặp cảnh tượng nàng muốn quên nhất trong tuổi thơ của mình.
Chiều hôm đó, Lý Huệ Tông như vô tình giẫm phải một cái gai nhọn và xù xì.
Huệ Tông chẳng nói chẳng rằng, lôi Thiên Hinh đi, chẳng để lại thanh âm gì.
Hai người họ đến cung Trần Hoàng hậu bằng lối qua hoa viên, nên chẳng ai biết họ từng đến đấy.
Huệ Tông tay siết chặt thân cây hoa nhài, lôi xồng xộc Thiên Hinh đi.
Nàng nhìn cánh tay mình đau điếng, nhưng nước mắt thì ào ra mãi, nàng thậm chí không thể khóc thành tiếng.
-Không được khóc!
Huệ Tông gắt, giọng người run lên.
-Ta và con chẳng thấy gì cả, rõ chưa?
-Phụ hoàng?
-Ta không hề hay biết gì cả! Con cũng vậy, nhất định không được để đến tai Thái hậu!
Thiên Hinh lúc này thật sự bật khóc, chẳng phải vì cổ tay nàng đang đau rát, mà là vì người đàn ông trước mắt nàng, sao có thể si tình đến mờ mắt đến thế. Rõ ràng, mẫu hậu nàng đang ngồi trong vòng tay của chú họ nàng, Trần Thủ Độ. Nhưng tại sao đến giây phút này rồi, phụ hoàng nàng dẫu bị lừa dối, vẫn một mực bảo vệ người đã phản bội người, ngay tại chính cung cấm của người. Nàng thật sự không nhẫn tâm nhìn mẫu hậu mình bị xử tử vì làm lọan cung quy, càng không nhẫn tâm nhìn phụ hoàng mình chấp nhận bị lừa dối. Nàng khóc mà không thể thành tiếng, đến cả nỗi đau còn không thốt thành lời được.
Từ ngày hôm đó, bệnh Lý Huệ Tông trở nặng, bao nhiêu thuốc men chạy chữa cũng không khỏi. Rồi mùa đông năm ấy, trời rét, Huệ Tông phát bệnh nặng, thỉnh thoảng có cơn điên, ngập trong rượu chè, buông bỏ triều chính.
Thiên Hinh sợ Trần Thủ Độ thâu tóm quyền lực, ngày thay Huệ Tông nhận tấu sớ các quan gửi đến, đêm lấy cớ đến rửa chân cho Huệ Tông rồi thay người phê chuẩn tấu chương. Đàm Thu tất nhiên càng giúp đỡ, một phần vì thương người con gái mới chút tuổi đầu đã phải gánh vác cả gia tộc họ Lý, một phần không được để họ Trần có cớ lấn át, làm tổn hại họ Đàm. Y chỉ đau lòng, là người trong thiên hạ đều nghĩ Huệ Tông vô dụng đã đành, hai đứa con gái chưa lấy chồng lại càng bất tài hơn. Trong khi, một mình nàng chống đỡ cả cơ nghiệp này.
Cuối năm, Trần Thủ Độ sắp xếp cho Thuận Thiên công chúa lấy Trần Liễu. Hôn lễ cử hành sau rằm tháng Giêng. Họ Trần thâu tóm tất cả quyền lực. Các cự tộc khác đều thất thế, bất lực buông tay. Nhưng nàng hiểu rõ, nàng loay hoay tìm trung thần nhưng rốt cục ngoảnh đi ngoảnh lại, các sứ quân không ai trung thành với nhà Lý mà đều có toan tính riêng.