[Sưu tầm] "Con nhà người ta..."

Christine Amarnag

Nhất định hạnh phúc!
Tham gia
20/2/2018
Bài viết
15
Hôm nay, con muốn nói về sự so sánh. Nếu như trong trường học, so sánh là một thủ pháp đưa chủ thể- cái được so sánh bật rõ giá trị của mình, thậm chí là đề cao những giá trị ấy thì trong trường đời, so sánh ngày càng vượt xa ý nghĩa tích cực ban đầu của nó, nếu như con không muốn nói nó đang đi ngược lại hoàn toàn. Bài ca “ Con nhà người ta” mà ba mẹ, gia đình, xã hội dành cho chúng con đang là một áp lực rất lớn, tạo nên những ảnh hưởng trái chiều không chỉ cho chúng con mà còn cho nhiều đối tượng khác nữa.

Vì sao con nói như vậy?

Con đi từ những nguyên cớ sâu xa nhất để giải thích cho nhận định đó. Con muốn nhắc đến chủ thể “con” ở đây được mở rộng ra từ tư cách là một đứa trẻ trong gia đình cho đến một học sinh, sinh viên trong nhà trường và sau cùng, là một công dân của một đất nước. Bởi lẽ, từ “con” được mở rộng tỉ lệ thuận với việc mọi người dùng bài ca “con nhà người ta” ngày càng mở rộng hơn, trong nhiều không gian, bối cảnh hơn. Chẳng có một lời buộc tội hay khiển trách gì khi con suy nghĩ nhiều về chủ đề ấy. Vì con biết, tất cả mọi người so sánh chúng con với một đối tượng khác cũng chỉ vì mục đích tốt đẹp. Mọi người mong chúng con phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, không ỷ lại để thành công hơn nữa, mong chúng con nhận thấy niềm tin, hi vọng của mọi người dành cho chúng con là vô bờ, vô tận.

Nhưng, một khi bị so sánh với cường độ quá nhiều, quá mạnh, chúng con như muốn buông xuôi và không còn động lực để cố gắng!

Ai cũng có lòng tự trọng và cái tôi của riêng mình. Cộng hưởng với việc nỗ lực phấn đấu suốt cả một hành trình nhưng vẫn bị đem ra so sánh với con nhà người ta sẽ dẫn đến biết bao cảm xúc tiêu cực trong chính bản thân họ. Nỗi buồn, sự tự ti, mặc cảm, thấy mình kém cỏi là điều dễ dàng xuất hiện trong tâm lí mỗi người. So sánh quá nhiều làm mỗi người dần không nhận ra giá trị của mình, không chủ động nắm bắt nhứng cơ hội và không thể phát huy hết khả năng nội tại của bản thân. “Con nhà người ta” không thể tránh trường hợp chỉ là được “tô vẽ”, “xây dựng” nên. Và điều chắc chắn là con người sẽ mãi không thể vươn tới hình tượng quá hoàn hảo như thế. Đôi khi, con người vì sợ việc phải so sánh quá nhiều với người khác mà dần trở thành cái bóng, cố trở thành bản sao của hình tượng “con nhà người ta”. Còn đâu là giá trị riêng của mỗi người nữa. Và con muốn nói với ba mẹ, gia đình, thầy cô rằng: rồi sẽ có trường hợp con người ta tìm mọi cách để đạt được điều mà mọi người mong muốn, bất chấp mọi thủ đoạn. Vì lẽ gì?

suy-nghi-cau-noi-con-nha-nguoi-ta.jpg


Con muốn nhìn ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với bản thân người bị so sánh mà còn với cả người được lấy làm hình mẫu so sánh và người thực hiện việc so sánh. Khi bị đem ra làm chuẩn mực cho người khác nhiều lần, chắc chắn con cũng sẽ mệt mỏi, áp lực vì luôn phải giữ vững và vượt qua cái hình tượng mà mọi người đang xây dựng cho con. Hay có đôi lúc con sinh tâm lí tự kiêu, cho mình hơn người. Lại có đôi khi, con buộc phải nhận những thái độ ganh ghét, bất mãn của các bạn bị đem ra so sánh với con. Vô tình, việc tác động đến người phía bên kia “cái cân” lại cũng tác động nhiều đến con ở khía cạnh tiêu cực. Là cha mẹ, gia đình, thầy cô cũng dễ có mối quan hệ xấu đi chúng con- chủ thể được so sánh. Con đã thấy nhiều bạn khiển trách, căm ghét ba mẹ mình :” Vì sao không nhận thấy sự nỗ lực của con mà luôn luôn so sánh con với người khác?” Rất nhiều mối quan hệ trở nên xấu đi !

Khi mang quá nhiều tảng đá nặng trên vai: là sự kì vọng quá lớn của mọi người, là thái độ tự trách bản thân kém cỏi, là sự buồn chán, là hình tượng con nhà người ta mình cần đạt được, …, nó làm chúng con sụp đổ! Buông xuôi. Lúc này, ai là người chịu thiệt? Là chính con, người đánh mất giá trị nơi mình. Là ba mẹ, gia đình, thầy cô , người buồn bã, thất vọng vì không dạy dỗ con thành người tốt. Là xã hội, người gánh thêm một gánh nặng vì một người trẻ không có ý chí cầu tiến, không giúp ích cho xã hội mà có thể còn “ăn bám”, phạm pháp,…

Mọi người so sánh khi chúng con thất bại, không làm được điều gì đó. Nhưng tại sao cả khi chúng con đạt được và thành công rồi, bài ca ấy vẫn được đem ra? “Lòng tham con người là vô đáy”- Đó là triết lí đôi khi quá tàn nhẫn. Con hiểu, con người sống luôn cần sự phát triển và vươn lên, không được tự thỏa mãn, kiêu căng vì chút thành tích cá nhân. Vậy thì, suy cho cùng, mục đích của bài ca “Con nhà người ta” không phải không tốt. Nó không sai. Có lẽ, chúng ta sai ở cách thể hiện.

Có một video ghi lại cảnh một đứa trẻ Nhật Bản thất bại bốn lần môn nhảy sào thể dục. Cô giáo vẫn kiên nhẫn cho em thêm một cơ hội nữa, bạn bè đứng hai bên vẫn không ngừng hò reo cổ vũ em. Và em đã nhảy qua thành công ở lần thứ năm sau cái ôm chân thành, lời khuyến khích của các bạn. Những đứa trẻ ấy mới chỉ học mẫu giáo! Cô gái bật khóc vì thấy nghị lực con người sao kiên cường quá, vì biết sức mạnh của bản thân đến từ những người xung quanh, từ những người yêu thương ta nhất. Cách truyền “lửa”, động viên khuyến khích của nhiều người Việt liệu có thành công như vậy? Và nếu như, mọi người thay đổi thái độ khi ca “bài ca” ấy: không còn bực tức, khiển trách, không hài lòng mà chính là sự đồng cảm, thấu hiểu, hi vọng , tin tưởng chúng con, thì, có lẽ “Con nhà người ta” không trở thành một nỗi ám ảnh. Nếu như, mọi người thay câu “ Con phải…” bằng “Con có thể…”, thì, chắc chắn, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng và đầy hứng khởi hơn.

Có bao giờ, các Người so sánh chúng con với người khác còn vì để được người đời tung hô, hay để viết tiếp ước mơ các Người còn dang dở,…?

Một khi hiểu được nỗi lòng các Người, chúng con sẽ không thấy hờn trách . Một khi hiểu được nỗi lòng chúng con, các Người sẽ không đặt áp lực quá lớn một cách vô tình qua câu “Con nhà người ta” !
NGUỒN:
Nguyễn Xuân Mai
Lớp Du lịch K08 – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn



 
cũng không biết nói sao. may là ba mẹ mình cũng không đặt nặng chuyện con nhà người ta. nhưng nếu có xui mà bị so sánh thì chắc cãi lại :)). dù vậy, đứng ở góc độ của một người ngoài,

nhìn thuần túy về mặt vật chất thì việc đặt gánh nặng cho con mình có lẽ cũng khá công bằng: đơn giản tiền ba má nuôi mình ăn học hơi bị nhiều :). nếu chuyện đơn giản là học cho ba má nở mày nở mặt mà không làm được thì nữa tiền đâu mà trả lại... :(

còn nhìn ở góc độ :"ba mẹ thương con" thì... okay bài viết phản ánh đầy đủ :3

ba mẹ thì nói thương con nhưng lại tính theo kiểu vật chất. con thì muốn được sống cuộc đời của mình, nhưng có khi lại không nhìn thấy ba mẹ lo cho mình nhiều thế nào.

tất nhiên cuộc sống không đơn giản chỉ có 2 màu trắng đen như vậy. trong thực tế có lẽ là sự đan xen lẫn nhau giữa 2 góc độ... cho nên, lựa chọn vẫn ở mọi người( sorry đang đọc vụ Hong Kong cái nhảy qua đây :))) mà sự thực thì 2 bên cũng không liên quan lắm :3. có vẻ một phần nào đó hơi giống giống. cuộc sống mà.... mỗi người mỗi lựa chọn. chủ yếu là chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình
 
×
Quay lại
Top Bottom