- Tham gia
- 26/6/2009
- Bài viết
- 2.855
Để thích ứng với xu hướng “Công dân toàn cầu”, đòi hỏi sinh viên (SV) phải có một “nội lực” đủ mạnh mới hội nhập tốt, trong đó không thể thiếu những kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập…
Nhịp sống trẻ đã trao đổi với những đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần 8 về việc trang bị kỹ năng hội nhập cho SV hiện nay.
“Chúng tôi chưa tự tin”
Hoàng Minh cho rằng hội SV phải là nơi tạo điều kiện để các bạn phát huy khả năng thông qua các chương trình hoạt động của mình. Hội cần nắm bắt khả năng của các bạn thông qua kênh thông tin như blog, Email hoặc gần gũi nhất là SV đồng hành cùng SV. Từ những khó khăn của hoạt động tình nguyện, SV sẽ hiểu hơn khả năng xử lý của mình! “Hội nên tận dụng, tạo cơ hội để SV giao lưu với các đoàn SV quốc tế đến VN. Tổ chức diễn đàn để các bạn chia sẻ kinh nghiệm, vấn đề quan trọng là khả năng sử dụng ngoại ngữ” - Minh đề xuất.
Theo bạn Lê Hoàng Minh (phó chủ tịch Hội SV ĐH Bách khoa TP.HCM), phần lớn SV lo học, làm thêm, ít quan tâm đến các hoạt động xã hội. Nhiều SV chưa có khả năng tự giải quyết công việc của chính mình, chưa đủ bản lĩnh xử lý các tình huống.
Những kỹ năng giao tiếp, ứng xử của phần lớn SV thậm chí đang có chiều hướng đi xuống. Lê Hoàng Minh thường cùng một nhóm bạn tham gia rất nhiều cuộc thi để tìm kiếm giải thưởng, dành dụm tiền tổ chức các chuyến du lịch balô trong và ngoài nước. “Khả năng, tiềm năng của nhiều SV chưa trở thành kỹ năng. Muốn hội nhập tốt, SV cần tích lũy cho mình vốn sống nhất định. Qua những chuyến đi như vậy mình đã lớn lên nhiều...” - Minh nói.
Bạn Đỗ Lâm Kiều Chinh (ĐH Quốc tế ĐHQG TP.HCM) thú thật như nhiều SV khác mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Để có nền tảng cơ bản hội nhập thế giới, tiếng Anh là yếu tố cần thiết nhưng đa số SV lại còn yếu. Bản thân là SV ĐH Quốc tế, được rèn luyện tiếng Anh trong từng môn học nhưng “khi giao lưu với SV các nước, tụi mình vẫn bỡ ngỡ, thiếu tự tin…”. Chinh luôn cố gắng có mặt trong rất nhiều hoạt động giao lưu SV quốc tế để bổ túc thêm kỹ năng còn thiếu cho mình.
Thực tế vẫn có bạn biết tìm cách trang bị kỹ năng cho bản thân. Bạn Quang Thụy Quế Thanh (SV năm 2 ĐH Văn Hiến) chẳng hạn, từ năm nhất lên TP trọ học Quế Thanh đã tìm đến các khóa huấn luyện kỹ năng sống. Nhờ “vốn liếng” tích lũy qua các khóa huấn luyện, Thanh tự tin: “Bản thân tôi không còn rơi vào tình trạng lo lắng. Trong mọi tình huống của cuộc sống, tôi cũng tìm ra cách để ứng phó”.
Hội cần đồng hành với cuộc hội nhập
Anh Đặng Tất Dũng (giảng viên ĐH Luật TP.HCM), phó chủ nhiệm CLB Du học sinh (Hội SV TP.HCM), chia sẻ những kinh nghiệm mình trải qua khi du học tại Hàn Quốc. Theo anh Dũng, hiện nay không ít SV cho rằng giỏi sinh ngữ là đã hội nhập. Thật ra để trở thành “SV toàn cầu” cần rất nhiều kỹ năng khác: tin học, suy nghĩ tiếp cận vấn đề rộng hơn để biết cách ứng xử môi trường đa quốc gia... “Sau hơn một năm du học, dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ toàn cầu nhưng tôi vẫn khớp vì thấy các bạn SV thế giới khá năng động, có thể trao đổi rất sâu nhiều vấn đề của thế giới” - anh Dũng cho biết.
Tham gia đại hội này, anh Dũng dự kiến sẽ “đặt hàng” với hội việc đồng hành cùng SV trong quá trình hội nhập: “Không chỉ là ngoại ngữ, phải rèn luyện kỹ năng, tổ chức các chuyên đề về vấn đề quốc tế, thông tin thời sự quốc tế… làm sao để SV tạo được tâm thế tốt trước quá trình hội nhập”.
Quang Thụy Quế Thanh thì đề xuất nên đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào chương trình để mỗi SV đều được học. Nếu được, thời gian tới hội SV các trường nên tìm cách hỗ trợ SV trang bị những kỹ năng cần thiết cho SV tự tin vào đời và hội nhập. Còn Nguyễn Thị Hải Liên (chủ tịch Hội SV ĐH Y dược TP.HCM) cho rằng trong thời kỳ hội nhập, phát triển, cần quan tâm hơn về y tế sức khỏe. Nhưng hiện nay hầu hết SV chưa có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Liên nói: “Hội SV cần có phương hướng nâng cao kiến thức y tế thường thức, kỹ năng sơ cấp cứu trong SV”.