Siết chặt quản lý đào tạo tại chức

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
7f4c1cfe576c8f8924f410bbdd3fc196_L.jpg

Giờ lên lớp tại một khóa đào tạo tại chức. Ảnh: NAM SƯƠNG

Tại chức hay vừa làm vừa học (VLVH) đáng lẽ là một loại hình đào tạo rất hay, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và xã hội hóa học tập. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy hệ đào tạo này đã có nhiều bất cập, không đáp ứng nhu cầu xã hội, và trong cơ chế hiện nay sẽ rất khó để có thể đổi mới.


Sự kỳ thị đối với tấm bằng tại chức không còn là vấn đề mới mẻ. Còn nhớ năm 2010, dư luận đã một phen xôn xao khi báo chí đưa tin Sở Nội vụ của TP Ðà Nẵng từ chối tuyển dụng các viên chức có bằng tại chức. Rất nhanh sau đó, Bộ GD-ÐT đã có chủ trương siết chặt việc quản lý đào tạo tại chức, bằng cách giao chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực thực hiện của trường (trước đó cách làm này chỉ áp dụng đối với hệ chính quy). Tuy nhiên, tình trạng "tẩy chay" bằng tại chức không hề giảm đi mà tiếp tục tăng lên, danh sách các địa phương được bổ sung thêm Nam Ðịnh năm 2011, Quảng Nam năm 2012 và hiện nay là hàng loạt các địa phương khác như Quảng Bình, Hà Nam, Hải Dương và cả Thủ đô Hà Nội. Nhưng dù xảy ra ở địa phương nào thì lý do để các tỉnh "nói không" với bằng tại chức cũng chỉ có một thôi, đó là: chất lượng kém!

Sự tồn tại của hệ đào tạo tại chức rõ ràng là đã từng và hiện vẫn đang còn cần thiết để tạo điều kiện cho những người ngoài độ tuổi đi học truyền thống nâng cao trình độ và cải thiện cơ hội nghề nghiệp. Vậy phải có cách nào để vừa duy trì hệ đào tạo tại chức (hoặc một hệ đào tạo nào khác bên cạnh hệ đào tạo chính quy) theo chủ trương học tập suốt đời, đồng thời chấm dứt việc tẩy chay người có bằng tại chức, giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí thời gian, công sức của người học vì có bằng mà không sử dụng được như hiện nay?

Ðã có nhiều ý kiến hay quanh vấn đề này. Gần đây nhất, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nêu quan điểm về các giải pháp cần thực hiện như sau: (1) Kiểm soát tốt đầu vào, tuyển sinh ở một quy mô vừa phải, căn cứ trên khả năng của cơ sở đào tạo; (2) Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy cần phù hợp với đối tượng sinh viên (SV), không bắt buộc phải giống hệt với SV chính quy; (3) Chú trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người học và của thị trường lao động.

Ba giải pháp nêu trên là khá hợp lý và toàn diện, vì chúng có liên quan đến chất lượng của cả ba khâu trong quá trình đào tạo gồm: đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra. Ðiều quan trọng là cần đánh giá xem các giải pháp vừa nêu có thể khả thi trong điều kiện của chúng ta hay không?

Trước hết, có thể thấy việc kiểm soát quy mô đầu vào đang được Bộ GD-ÐT tiến hành suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại về giáo dục thì đầu vào không phải là yếu tố tác động có tính quyết định đến chất lượng. Ðúng ra, với đối tượng SV trưởng thành (mature students - khái niệm gần tương đương với SV tại chức của Việt Nam, để chỉ những SV đã quá độ tuổi đi học đại học, thường tính từ 24 tuổi trở lên) thì không nên quá khắt khe như với SV học đúng tuổi.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, thí dụ như ở Mỹ và ở Ô-xtrây-li-a, yêu cầu đầu vào đối với các SV trưởng thành rất linh hoạt, thậm chí chấp nhận cả những người chưa hoàn tất bậc THPT, nếu xét thấy quá trình làm việc và các kỹ năng đã tích lũy có thể bảo đảm việc học thành công của SV. Và một khi đã được nhận vào học thì hoàn toàn không hề có sự phân biệt nào giữa các SV, tất cả mọi SV ra trường đều được cấp cùng một loại bằng như nhau.

Trong khi đó, khả năng cải thiện nội dung và phương pháp giảng dạy hệ tại chức, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả người học và thị trường lao động là rất thấp, nếu không có một điểm tựa nào để đột phá. Chương trình thiếu cập nhật, quá thiên về lý thuyết, không gắn với thị trường lao động, phương pháp giảng dạy lạc hậu, đó chính là những điểm yếu trầm kha của giáo dục đại học Việt Nam, không chỉ riêng với hệ tại chức mà còn cả với hệ chính quy. Ðặc biệt, nhìn từ góc độ nhà trường và giảng viên thì rõ ràng đa số các chương trình đào tạo tại chức chỉ được coi là "chương trình hạng hai", là "nồi cơm" của các thầy và của nhà trường, nơi trò không muốn học và thầy không muốn dạy, chỉ làm việc quấy quá cho xong. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì hệ tại chức như hiện nay thì viễn cảnh trước mắt sẽ là sự tiếp tục gia tăng tẩy chay đối với bằng tại chức, không chỉ từ phía các nhà tuyển dụng mà còn từ các SV, vì đi học để làm gì khi tấm bằng tốt nghiệp không thể sử dụng?

Tình trạng hiện nay của hệ tại chức đang đặt cơ quan chức năng trước một số lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là không can thiệp gì cả, mà để cho cơ chế thị trường tự điều chỉnh. Ðiều này có nghĩa là nếu các cơ sở đào tạo nào không có khả năng đáp ứng thị trường lao động thì đương nhiên sẽ không còn thu hút được người học, và hệ tại chức của cơ sở ấy sẽ phải tự đóng cửa. Thực ra, đây là điều đang diễn ra ở nước ta. Tuy nhiên, nếu tình trạng lộn xộn không được giải quyết, sẽ gây lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc và công sức của cả thầy và trò, đồng thời sẽ gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Lựa chọn thứ hai là Nhà nước giúp các trường duy trì hệ đào tạo tại chức bằng cách xử lý nghiêm những trường hợp tẩy chay bằng tại chức. Cách làm này không sai về mặt pháp lý, nhưng thiếu tính nhân văn và sai về phương pháp vì không thể ép người sử dụng lao động chấp nhận những nhân viên kỹ năng kém làm việc cho họ. Vả lại, nếu bắt ép thì có lẽ Nhà nước cũng chỉ có thể buộc các cơ quan và đơn vị công lập phải nhận SV tại chức thôi, chứ không thể bắt ép các doanh nghiệp tư nhân. Ðiều đó tạo ra một nghịch lý là bằng tại chức học ra chỉ để vào làm cho cơ quan nhà nước.

Lựa chọn cuối cùng, và cũng là lựa chọn hợp lý nhất nếu có thể thực hiện được, đó là tìm ra được một khâu đột phá trong cách quản lý hệ đào tạo này, từ đó cải thiện nó để nó tồn tại một cách xứng đáng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Nhưng khâu đột phá đó có thể là gì?

Không phải là ngẫu nhiên mà các nước có nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng khâu kiểm định chất lượng. Có thể nói, kiểm định chất lượng là bí quyết để thực hiện thành công các giải pháp đã nêu ở phần trên. Cần biết rằng, kiểm định chất lượng có hai cấp độ với các mục tiêu khác nhau là kiểm định cấp trường là điều mà hệ thống giáo dục Việt Nam đã quen, và kiểm định nghề nghiệp (còn gọi là kiểm định cấp chương trình đào tạo) có liên quan trực tiếp đến chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp thì ở Việt Nam hoàn toàn chưa hề tồn tại.

Chính kiểm định cấp chương trình mới là khâu đột phá nhằm giải quyết vấn đề nan giải liên quan đến hệ tại chức tại Việt Nam. Các tổ chức kiểm định nghề nghiệp có gắn kết rất chặt chẽ với các hiệp hội nghề nghiệp nên họ hiểu rất rõ nhu cầu thị trường lao động. Khi một chương trình được kiểm định thì tất cả những thông tin về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá người học, cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu, sự hài lòng của SV, khả năng kiếm việc làm và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của cựu SV... đều được xem xét kỹ lưỡng, được đánh giá và đưa ra những yêu cầu cải thiện nếu có. Có thể nói, kiểm định chương trình chính là cơ chế kiểm soát bên ngoài để giúp các chương trình đào tạo luôn đi đúng hướng và đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra.

* Ðể hệ tại chức có thể được cải thiện thì Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập hệ thống kiểm định nghề nghiệp, đồng thời đưa yêu cầu về kiểm định thành một điều kiện bắt buộc về năng lực. Có như vậy mới nâng cao chất lượng loại hình đào tạo tại chức.

760675560.jpg

Sinh viên Trung tâm Ðại học tại chức TP Cần Thơ trong giờ thực hành vi tính. Ảnh: THANH VŨ (TTXVN)​
Theo nhandan
 
Cái gì cũng cấp phép tràn lan, hỏi sao mà không bất cập, cách quản lý còn yếu kém mà không sửa từ cái gốc rễ nên mới vậy. nền giáo dục nước ta cứ thế mà đi xuống. đáng buồn thay!
 
cơ chế: Xin thì cho, không cho thì nộp tiền vào lại cho. bao nhiêu năm nay ròi, cứ bảo thắt chặt, buộc chặt. buộc vài chục năm chẳng chặt tý nào mà toàn thấy sắp tuột thôi
 
×
Quay lại
Top Bottom