CHƯƠNG I
Mặt đường đất khô quằn như tro nham thạch, đen sì sì, đen hơn cả bầu trời khô khốc đang lặng thinh nhìn nó. Cứ ngỡ một ngọn gió sà xuống cũng có thể bị mài mòn đến tiếc thương. Ấy vậy mà nó dài tít tắp, kéo từ chân trời bên này tới tít tận bên kia. Không có ai dám chặn nó lại khỏi hướng đi mà nó đang tiến tới. Thậm chí là hòn sỏi bé tí hay ngọn cỏ dại mới nhú ven đường. Vạn vật xung quanh nín cả thở.
Cứ cách vài giây thì tiếng quạ lại vang lên trong những bụi cây khô khẳng khiu. Bên cạnh con đường, sừng sững rừng cây cao to như bọn quản ngục chưa tỉnh rượu, chọc đao kiếm tứ bề lên không trung. Mặt đất cằn cỗi đã mài giũa cho chúng cái mã thô cứng, không dung thứ cho một hơi thở của sự sống hào nhoáng xuất hiện nơi đây. Chúng ngả nghiêng bỡn cợt trước bài ca thảm thiết của kẻ tù nhân bị trói buộc bởi số phận mà nó không thể thoát khỏi.
Một đốm lửa được bật lên trong bóng tối ấy, bất thình lình. Nó thổi ra cái đụm khói nhỏ ngoằn ngoèo, tan vào nền không khí đen đặc và tĩnh mịch. Nó khiến người ta ngờ rằng một sự sống nhỏ nhoi đã được tìm thấy, nhưng có lẽ sẽ vội vàng vịn lấy nó với một chút hy vọng. Vài phút sau, cái đốm lửa trôi xuống hững hờ, rồi rơi trên mặt đất. Ánh lửa thoi thóp đó bị dập tắt ngay tức khắc, dưới đôi giày da bóng lộn đắt tiền.
Vodka thở mạnh, hì hục lôi cái bao tải to lớn hơn hắn ra khỏi cốp chiếc Porsche 356A. Tấm vải bố dày nhàu nát đã bị nhuộm thấm sắc máu một mảng. Cảnh tượng trông chẳng được đẹp đẽ cho lắm, nhưng hắn không quan tâm, đến ngần này rồi thì chẳng cần thá gì phải kĩ lưỡng nữa. Cái mùi mục rữa đã len lỏi đến được đầu mũi của hắn, trong bộ óc bây giờ chẳng còn nghĩ được gì ngoài nín nhịn cái nỗi h.am m.uốn nôn thốc nôn tháo xuống cổ họng. Nhưng khi nhìn thấy vết ố xuất hiện ngay chính giữa tấm thảm không chút bụi mịn của cái cốp, hắn nuốt nó xuống một cái ực.
"Vodka, trong đầu mày chứa cái mẹ kiếp gì... Mày biết tao đã phải trả cho lão Kasuo bao nhiêu để làm sạch nó không!?"
"Ối không, đại ca cho em xin..." Hắn vội trăn trối, trước khi kịp nhận ra chẳng ai thèm để ý đến lời nói của hắn.
"Im mồm lại và làm cho xong việc đi."
Thân hình thô thiển kia cun cút trở lại, còng mình xuống tiếp tục lôi cái xác thổ tả của một tên xấu số mà hắn phải mang ra đặt ở khoảng đất trống cạnh bìa rừng. Đất cát có khó đào tới mức nào, hắn cũng phải chịu, chứ ai có đủ gan mà nhờ vả đại ca kia chứ. Cái nấm mồ có thể sẽ trở thành của hắn như chơi. Hắn nhanh nhẹn cúi gằm người mà làm, cố gắng tỏ ra là một tên đầu sai được việc. Cái huyệt sâu hoắm và đẹp đẽ một cách lạ thường.
Bỗng thấy sống lưng lạnh ngắt, hắn sởn da gà. Từng bước từng bước... Đế giày giậm trên nền đất khô khốc thật chậm rãi, nghe rõ mồn một như cây đàn Steinway đang buông ra những hợp âm trầm ma quái mở đầu, dần tiến đến cao trào cho câu nhạc chủ đề đầy kịch tính. Thang âm vang vọng xung quanh hắn như muốn nuốt chửng mọi sinh khí trong cơ thể. Bất ngờ, một que diêm bên cạnh khuỷu tay hắn bật lên ngọn lửa sáng rực trên bàn tay to lớn đầy vết chai sần, nó quỷ quyệt nhảy múa. Cái bóng bên cạnh hắn cao sừng sững. Hắn phải lùi lại một bước, quan sát cái ánh sáng chói mắt đã dần dà vươn lên, thâu tóm gọn đôi mắt xám ngoét tàn nhẫn dưới vành mũ fedora. Và khi ngọn lửa tí tách trên que diêm được thả tự do, nó thổi bùng lên mạnh mẽ, như tiếng cười sảng khoái của quỷ dữ thắp sáng ngùn ngụt một mảng trời tối đen.
Gã đại ca Gin nhận ra một giọt máu đậu trên đôi giày da mới coóng của mình, hắn rút ra chiếc khăn tay, cúi xuống lau sạch, và rồi trở vào chiếc Porsche độc mã đang đỗ trên con đường dài.
¤
Luigi luôn biết, để làm món mì pasta alla Norma cho một gã có gốc gác từ Sicily không bao giờ là dễ. Nhưng ông không có vẻ gì lo lắng. Cả căn bếp của ông dậy lên mùi phô mai ricotta gầy gậy. Nồi váng sữa khổng lồ luôn sôi sục cái màu vàng kem béo bở. Và ông có những gã nghệ sĩ với đôi bàn tay thiện nghệ nhất cho những cọng mì pasta macaroni thật dẻo và xinh xắn.
" Xắt cà tím thật mỏng vào. Nhớ chỉ chiên đến khi nó hơi chuyển màu vàng nâu và bắc xuống liền. Hong cho ráo dầu để cà không bị ỉu. Nghe chưa?"
Ông luôn miệng nhắc nhở phụ bếp, còn chính mình thì đang đổ một ít dầu oliu và vài tép tỏi đã được xào qua thơm phức vào chỗ sốt cà chua trên chảo. Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt vẫn chính xác đến từng hạt muối. Cái chỗ sốt sền sệt đó có màu đỏ tươi roi rói, bốc nghi ngút lên một mùi thơm khó cưỡng.
Peppone's Dining là một nhà hàng có tiếng lâu năm tại quận Little Italy, thành phố New York. Kỳ lạ rằng nó không hề nằm ở đường chính và chẳng đếm xỉa đến chuyện treo lên một cái bảng hiệu màu mè nào để người ta dễ thấy. Luigi Peppone nổi tiếng ở cái tính cao ngạo đó. Đồ ăn, thức uống của ông ta ngon tới nỗi người ta không cần mời chào mà phải tự tìm đến. Nhà hàng rộng với một quầy bar hào phóng rượu chỉ nằm vỏn vẹn phía sau một cánh cửa nhỏ bằng đồng đóng màu rêu xanh, giấu nhẹm trong con hẻm lớn với những bức tường lát gạch nung. Quán luôn có một gã béo ngồi canh cửa rất chặt, mắt gã chòng chọc nhìn qua cái cửa sổ tí hin trên cánh cửa mỗi khi có khách đến.
Nhiêu đó cũng đủ thấy, Peppone's Dining không thết đãi những kiểu khách bình thường. Mở từ năm 1932, quán đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc mưu sát nhau của các băng đảng. Chúng dùng súng Tommy xả vào bảng hiệu và cửa giả, quăng lựu đạn tùy tiện vào trong quán, phá sập cái kệ đầy rượu quý và đuổi sạch khách đi... Dần dà cũng chịu hết nổi, ông nội Luigi đã dặn kỹ cháu mình không nên sử dụng cửa gỗ hay cửa sổ ốp kính, bởi tiền tu sửa lỗ đến cả tháng làm ăn. Từ khi chuyển đến chỗ kín đáo hơn, quán được tin tưởng trở thành nơi bàn bạc họp hành của những kẻ có máu mặt, hoặc những người khách quen muốn hoài cổ về quê nhà Sicily,... Nhưng như thế cũng không có nghĩa trên những bức tường gạch đỏ nung kia không có tàn dư của những cuộc ám sát về sau này. Ánh sáng vàng mờ trong quán vẫn điểm lóe lên một số viên đạn còn cắm chặt vào tường, như vết tích danh vọng của những kẻ máu lạnh điên cuồng thời xa xưa.
"Chà Luigi, vẫn tuyệt hảo như mọi khi! Đĩa pasta alla Norma trông thật hấp dẫn làm sao!"
"Buon appetito, ngài Salieri."
Luigi đặt đĩa mỳ ống nóng hổi trước mặt ông khách, không quên rót mời một ly vang đỏ Amarone bên cạnh. Một đầu bếp có tiếng và tài như Luigi Peppone khi thết đãi vị khách quý này lại có chút nhún nhường. Khuôn mặt trông lịch thiệp lạ. Sau khi đảm bảo vị khách sẽ được thưởng thức một bữa tối trọn vẹn nhất theo đúng kiểu nhà Peppone, ông ta mới rời đi.
Chẳng phải một gã phàm ăn, Leon Salieri có dáng người tuy nhỏ thấp nhưng vẫn cân đối. Leon cũng biết thế nào là một đĩa pasta ngon. Và ông ta biết chẳng có nhà hàng Ý nào ở New York có phô mai Ricotta và nước sốt cà chua ngon bằng Peppone's Dining. Để món mì ra cái chất Sicily thì chỉ có Luigi làm được. Mỗi lần cho một cọng macaroni vào miệng, rồi nhấp chút vang đỏ, cứ như được đưa trở về nhà... Bởi tất cả những lý do này, ông luôn chọn nhà hàng Peppone làm điểm gặp mặt bàn chuyện làm ăn. Ông diện sẵn một bộ suit cổ điển, không có một nếp gấp sai chỗ, cung cách cầm dĩa muỗng tài tình không chê vào đâu được. Da mặt đã hằn lên nét già nua nhưng cái mắt, cái miệng vẫn còn tinh nhanh lắm. Nay Salieri cũng có chuyện quan trọng cần giải quyết nên mới tới đây.
"Kì quái, cậu định uống hết chỗ Scotch đó thay cho bữa tối hả Rye? Ít ra hãy để tôi gọi một cặp Cannoli cho cậu. Bánh ở đây làm ngon hết sảy!"
"Tôi xin khiếu, ông Leon. Tôi không muốn gặp đối tác mà miệng còn dính kem."
"Chà, công nhận. Cậu thật biết cách tô vẽ thêm cái chất kịch tính cho câu chuyện. Rất nghệ sĩ đấy." Nói xong ông ta đưa một muỗng mì và sốt vào miệng. Chẳng biết có phải cạnh khóe gì hay không.
"Coi nào, tôi không cố gắng đến thế đâu."
Leon cười khà. Ông ta quen lắm cái cuộc đối thoại tung hứng nhau như giải quần vợt Wimbledon này. Cậu Rye này cũng khá, nhất là cái tật chối bay chối biến mà mặt mày cứ tỉnh rụi như không, chẳng gặp khó khăn gì. Mà đòi cậu ta mở miệng nói cũng khó, vớ va vớ vẩn thì chỉ có ăn lườm thôi. Kiểu người này Leon khoái lắm, bởi sinh ra đã có sẵn luật im lặng Omertà chảy trong dòng máu rồi mà chẳng mất thời gian thề thốt dài dòng. Chỉ không biết rằng ai sẽ có đủ may mắn được cậu ta trao nó cho. Điểm này là quan trọng cực kì, vì các gia đình tội phạm căm nhất bọn chuột chỉ điểm. Nhớ lại cái thời năm 1945 ở Manhattan xưa, thằng bạn chí cốt của ông—Henri Tostasimo bị hội Tam Hoàng ám sát vì bị lộ đuôi chuột. Đúng 13 nhát dao vào người ngay giữa thanh thiên bạch nhật Central Park cơ mà. Kinh hãi làm sao. Luật Omertà được sinh ra đều có lí do cả.
Rye mang cái vẻ ung dung của mình đi khắp nơi. Trên người, bộ suit đen tuyền bằng vải len lông cừu tỉ mỉ từng insơ, phô bày những đường nét cơ thể chắc nịch, mê hoặc đến quá bằng huênh hoang. Cái áo vest đen khoác ngoài, thờ ơ mở tung ra. Bên trong là ghi-lê ôm gọn với hàng nút corosso thẳng tắp... Ấy thế nếu có ai hỏi nguồn gốc của bộ suit, anh ta sẽ chỉ khoác tay mà bảo "Nó là một công cụ làm ăn thôi". Người ta cứ tưởng anh chối đây đẩy như thế là để giấu cái thói hợm hĩnh kiểu Anh đi, dù gì cũng là để khen mà cũng không chịu nhận. Nhưng đâu, thực hư là bởi vì anh ta có một trải nghiệm khá rợn người với ông già thợ may tài hoa này. Ổng cứ luôn miệng khen anh chàng khi đang còn trong giai đoạn đo đạc và thiết kế bộ suit, dụ khị anh nhập cái hội bí ẩn nào đó với các lão già mặc suit khác. Nhưng khổ, ông ta có nhún nhường tặng không bộ suit này cho Rye, anh cũng chẳng cần. Vì ngay từ ban đầu, túi tiền anh đã chẳng bị xâm phạm. Bộ suit nằm trong những khoản đã được thanh toán bởi Ông Trùm bởi ông ta nhất quyết yêu cầu ai cũng phải có. Một bộ suit đẹp là rất cần thiết trong giới làm ăn, dù là việc làm kinh doanh đoan chính hay dưới cống ngầm như giới mafia.
Ngay bây giờ Rye một tay nhét trong túi quần, bên kia thủng thẳng đưa ly rượu lên môi. Cặp mắt xanh lục hờ hững giương lên cái đèn vàng bám bụi ở góc nhà hàng, rồi lướt qua mấy bàn tay thô kệch đang vung vẩy vô tội vạ đã say hơi men. Chóp mũi anh hơi ửng đỏ. Mùi xì gà và nước hoa đủ loại pha lẫn vào nhau trong quán, từ loại rởm đời nhất cho đến mùi Tom Ford Noir thoang thoảng, đã cho Rye đủ thông tin về các kiểu người ở đây rồi. Chẳng mấy ai tốt đẹp gì cho cam. Anh thở dài lần thứ mười một, ngả lưng vào chiếc ghế da ọp ẹp và châm lên một điếu thuốc mới. Không có thói quen phàn nàn, nhưng khuôn mặt anh đanh lại và quai hàm siết chặt, tỏ vẻ bất bình thấy rõ. Đầu ngón tay gõ nhịp lên ly rượu Scotch đồng điệu với kim chỉ giây sáng lóe của chiếc đồng hồ đeo trên tay.
Leon kết thúc bữa ăn bằng một nhấp vang đỏ Amarone cuối cùng. Ông dặm cái miệng sạch bong của mình qua bằng chiếc khăn ăn rồi quay sang Rye mà tiếp chuyện.
"Có vẻ cậu cũng đang nhắm đến gã này chớ? Xem chừng địa vị của gã rất có thuận lợi."
Gã người Ý có mật danh Dolcetto— caporegime của quận Little Italy này, chính là kẻ sẽ đến đây bàn giao một cuộc làm ăn với Rye. Điểm then chốt ở đây, gã có vị trí ngang hàng với Gin ở nhà chính Tokyo.
Chẳng cần nói nhiều, ánh mắt nhạy bén của Leon và Rye gửi cho nhau cũng đủ khiến đôi bên hiểu tường tận. Rye khẽ nhếch môi đắc chí. Phải.
"Kìa, trông như gã đến rồi."
Đúng như Leon nói, cái chỏm mũ trắng xuất hiện. Một gã đàn ông phệ nệ ẩn hiện sau dãy bàn ăn đông đúc. Thân hình gã phá hỏng tệ hại phom dáng sang trọng của bộ suit màu ngà gã đang mặc. Khuôn mặt chảy xệ với bộ ria mép to sụ dưới mũi, không khỏi làm người ta tiếc thương cho bà vợ phải chịu đựng tất cả những thứ này. Ấy đúng là Dolcetto rồi. Chính ngay lúc này, Leon cảm thấy không khí bao quanh ông ta lạnh đi. Còn cặp mắt xanh của Rye hóa kim loại, sắc như dao. Đầu ngón tay siết chặt quanh cái ly pha lê Tiệp Khắc trở nên trắng dã. Thấy gã capo tiến tới, vậy mà Rye chẳng thèm động đậy, cả thân người vẫn dựa trên chiếc ghế da đỏ thẫm, chân vắt chéo. Tiếng lanh canh của ngón tay gõ trên cái ly nhịp nhịp mỗi lúc một rõ, không khỏi khiến người ta nghĩ nó là cách đếm giờ kiểu riêng trước một cuộc đấu súng rất dai dẳng sẽ xảy ra vài giây nữa.
"Ô hô, rất lâu rồi mới gặp chiến sĩ. Hay ho thật. Ối cha!" Gã reo hò, rồi giật mình khi nhìn thấy ông già Leon Salieri ngồi cạnh. Cặp mặt gã trố lồi ra. "Le...Leon Salieri? Consigliere nhà Vinci làm gì ở đây?"
"Chớ lo, tôi già cả rồi. Vả lại ông sợ quái gì ở một gã luật sư đã về hưu như tôi hả... Dolcetto? Phải không?"
Leon ngồi dậy, lịch thiệp chìa tay ra bắt. Khớp tay Dolcetto có chút tái xanh, nhưng gã vẫn giả vờ cười khùng khục. Âu là vì gã là người đã ra tay triệt hạ ông trùm nhà Vinci mấy năm về trước và lập công to để giành địa bàn quận Little Italy cho Tổ Chức. Nay thấy lão consigliere ngồi chễm chệ trước mặt nên đâm lo. Nhưng công nhận gã khá, sắc mặt vẫn hồng hào, tươi tắn lắm. Chẳng biết phía sau gã đang mưu mô gì được. Chào Leon một tiếng, gã trở lại Rye, cũng mong đợi lại một cái bắt tay đầy thiện chí như thế. Bàn tay béo múp của gã giơ giữa không trung.
"Muộn những 44 phút. Xem ra nhận email trực tiếp từ Ông Trùm cũng không xi nhê."
Mặc kệ gã, Rye với đến chai Scotch vơi quá nửa, rót vào ly cho chính mình. Còn không mặc đến gã tới một giây. Dolcetto đành tui hủi rút bàn tay lại. Bộ ria mép xem chừng xù lên. A cái thằng này gan, làm ăn với cấp trên mà thích cự lại như thế đấy. Gã gặp ai như vậy rồi nhỉ? Đúng thế, là tên hung thần Gin. Làm gì thì làm, nói gì thì nói, hắn cứ lạnh toát khuôn mặt. Thế mà được Ông Trùm trọng dụng quá thể. Nhưng đấy là vì gã và hắn ngang hàng nhau. Một thằng quân tốt như Rye dám trơ trơ ra với hạng capo như Dolcetto thế này, gã không quen. Mà thực ra gã cũng nghe nói về chuyện Gin và thằng Rye này nhiều rồi. Nổi lắm chứ chẳng chơi. Cái thằng Rye này là nhân vật hiếm hoi có sở thích và sở đoản tung hứng tên Gin rất tài cơ mà. Thú vị tới độ Ông Trùm có một thời gian nhất nhất cho cả hai hợp tác làm nhiệm vụ để bản báo cáo thêm phần giải trí hơn cho ổng. Tuy nhiên sau nhiều lần đụng độ, sự thù hằn giữa Gin và Rye nổi tiếng tới nỗi cả lũ ruồi nhặng ngoài Tổ Chức cũng nghe tới chuyện, còn Ông Trùm thì khiếp vía vì phải trả biết bao nhiêu tiền thuốc nổ, đạn dược, xe cộ... chỉ để hai tên này làm thú mua vui vô bổ cho chính ông ta. Ối trời, Ông Trùm quả có mắt, giao một tên lính khôn lỏi nhưng cứng đầu đến làm việc cho gã. Đúng chuyên môn quá rồi còn gì, khó mà đọ độ mafioso được với tay gốc Ý như Dolcetto này.
Không cần mời mọc, gã ngồi xuống phía đối diện chiếc bàn gỗ tròn. "Cho tao một ly Whistle Pig 10 năm tuổi." Gã nhấn thật mạnh cái tên Whistle Pig với người bồi bàn, trong khi mặt đối mặt với Rye, cái miệng như hai miếng thịt bò khoái trá vểnh lên. Đó là rượu whiskey Rye chứ đâu. Rye hiểu gã có ý gì, nhưng mặt vẫn cứ tỉnh bơ. Ánh mắt chẳng có ý cười, cũng chẳng thá tỏ ra nóng nảy. Anh ta ngửa cổ uống một mạch hết chỗ Scotch vừa rót ra rồi cứ thế mà vào việc.
"Nghe bảo ông có việc cần nhờ vả Tổ Chức? Xin mời, cứ vào thẳng vấn đề."
"Phải. Đây cũng không phải chuyện gì to tát nhưng Ông Trùm cứ nhất thiết muốn giúp tao một tay. Là thế này: Một toán băng đảng nhỏ chuyên làm loạn ở phố Mulberry có khiến số tiền tao kiếm được từ con phố sầm uất nhất gặp chút thất thoát... Nhưng cái đó không trầm trọng lắm cho tới tuần vừa rồi."
Gã Dolcetto khơi được chuyện, rồi cứ thế mà lầm bầm, kể dông kể dài. Rye và ông già consigliere bên cạnh cũng chẳng thiết ngăn lại. Cả hai cùng ngồi nghe như hai tên bạn nhậu cùng bàn với gã. Thi thoảng Leon gật gù ra chiều đồng cảm. Chẳng qua xưa kia ông đã phải giải quyết mấy chuyện này rồi, vụn vặt thôi nhưng cũng vì thế mà khó dứt điểm. Nhóm côn đồ vớ vẩn nên ngóc ngách New York nào cũng phải có. Bọn này thì hèn, chạm mặt mấy ông lớn là sợ xanh mặt ngay, nhưng sau lưng thì cứ thích tỏ vẻ gan cùng mình, rằng ta đây chẳng nể nang thằng nào. Về phần Rye, anh ít nhiệt tình hơn, nhưng đôi mày vẫn nheo lại như đang xử lí từng chi tiết nhỏ trong lời nói của gã đối tác.
Gã Dolcetto kể tới đây rồi đập tay xuống bàn một cái rõ to, hai má chảy xệ coi bộ tím ngắt lại vì tức không để đâu cho hết.
"Đêm hôm thứ sáu kia chúng đã đến chỗ Bruno —người giữ két của tao, thó một khoản tiền cùng số kim cương rất có giá trị mà tao tích cóp được trong mười mấy năm nay, và gây chiến với người của tao. Chúng bắt thằng Paolo nhà Bruno làm con tin và khi ổng nhất quyết không xì ra chỗ để cái két, bọn nhãi chết giẫm đó giở chiêu trò đẩy nó xuống đường ray tàu điện. Nát bét. Tao vừa mất thằng tay sai thân cận, vừa mất tiền, vừa phải xì một đống ra để dọn dẹp hiện trường và bịt mồm bọn liên quan. Keo này, thù không trả không phải là đấng trượng phu."
Bực bội quá, gã giật ngay lấy ly rượu vừa được đặt xuống bàn, uống ừng ực như khát lắm. Vẻ tinh tường ban đầu cũng mất hút cùng với ngụm rượu đó. Leon ngầm hiểu vì sao lão Renya Karasuma không an tâm để yên cho một gã đã mất hết lý trí đi xử chuyện riêng. Giận quá mất khôn. Lỡ đâu gã làm to chuyện, khiến mọi thứ từ vấn đề cá nhân mà trở thành một cái hố to tướng. Nhiều lắm khả năng thành cái mồ chôn của Tổ Chức. Chuyện này mà vỡ lở giữa thanh thiên bạch nhật Manhattan thì chỉ có tạo cơ hội cho bọn feds nhào vô giật mồi thôi. Ông ta liền ngó qua Rye, vẫn ngồi khoác tay lên thành ghế thư thả, lại bắt đầu châm lên một điếu thuốc nữa.
"Nghe đây. Tao muốn thằng nhãi trẻ trâu đó biến mất cùng với đồng bọn của hắn. Phải cho chúng biết hậu quả khi làm ăn phi pháp trên đất của Dolcetto này. Mang tất cả số kim cương về đây cho tao, và tao muốn bọn Barbarro ấy tan thành cỏ rác."
Gã người Ý với đôi mắt đen hoang dại đang long lên, phối hợp với cặp môi dày thô bỉ méo xệch, bật ra từng mệnh lệnh cho kẻ đối diện. Ngón tay trỏ ngắn tròn trùng trục của gã chỉ đồm độp xuống mặt bàn gỗ.
"Phần trăm của Tổ Chức là bao nhiêu?" Giọng Rye vang lên đanh thép khiến gã Dolcetto giật mình.
"Cái gì!?"
"Phần trăm của Tổ Chức." Nhắc lại. Rye vẫn giữ nguyên thái độ dứt khoát. Cánh tay trái vác hờ lên thành ghế rời khỏi vị trí thoải mái mà cầm lấy điếu thuốc vốn còn đung đưa nhẹ trên môi, rồi rũ vài đốm lửa tàn rơi xuống. Phong thái vẫn thật thường tình. "Coi, tôi đâu có đi làm từ thiện?"
Dolcetto ngã người ra ghế tỏ vẻ bất bình. Gã cứ nghĩ là 'người nhà' thì làm gì có chuyện... Mà Tổ Chức thì tiền đâu có thiếu? Hà cớ gì lại phải đòi vài đồng mẹt của gã. Hay thằng lính này muốn vòi vĩnh gì gã đây? Mà cũng không quan trọng, đến nước này rồi, gã đành thẳng tay. "Thôi được, mười ngàn!"
Rye cười nhạt. Mười ngàn ấy hả? Nhiều thật. Nhưng so với túi tiền Ông Trùm chỉ là một đồng bạc cỏn con. Nếu mình cứ khơi khơi nhận vơ thì có khác gì một tên sát thủ làm thuê đang bị đói ăn đâu? Nực cười. Rye cũng chẳng ham tiêu tiền bẩn, nói chi rước về thêm.
Ngay phía trên chiếc bàn gỗ tròn, ngọn đèn vàng đánh cái ánh sáng mờ xỉn của nó xuống hai bàn tay đang đan xen vào nhau. Những đường gân guốc lạnh lùng chạy dọc trên mu bàn tay càng vẽ nên cái nét tàn nhẫn mà chúng thường tung hoành. Vết chai lì hằn hẳn lên từ từng đốt đến đầu mỗi ngón tay thuôn dài. Ắt hẳn đã mài giũa cho lì lợm và dẻo dai ghê lắm. Dolcetto bỗng dưng xa xẩm mặt mày, gã bắt gặp cái ánh mắt lạnh căm của kẻ đang ung dung chống khuỷu lên bàn, với đôi bàn tay đan chặt kiên định Như để mở màn cho một câu chuyện rùng rợn, anh ta chặc lưỡi một, hai, rồi ba cái. Lần lượt như thần chết từ từ điểm lại danh sách nghiệp chướng của kẻ đối diện.
"Tiền không phải vấn đề của tôi, ông Dolcetto ạ. Nhưng những lời dối trá của ông thì có."
Gã Dolcetto thấy tai mình bỗng dưng ù hẳn đi, vang vọng trong đầu gã chỉ có giọng nói trầm ma quỷ xoáy vào hai con chữ "dối trá", quay cuồng tựa một luồng gió lốc nhẹ mà có cảm giác như một cú thúc mạnh vào lồng ngực đang phập phồng của mình. "Ý mày là gì Rye?!"
"Bà vợ của lão trùm Esposito vừa chết vì chơi thuốc quá liều. Bây giờ lão đang lồng lên với Tổ Chức, dọa rằng sẽ bung bét chuyện này ra cho bọn feds. Nhưng ông biết đấy, Ông Trùm không bao giờ làm ăn với những kẻ buôn ma túy cả. Vậy thì tại sao lại có lỗ hổng này, thưa ông Dolcetto?"
"Tao chẳng biết mày đang nói về cái gì." Gã trả lời tỉnh bơ, mắt vẫn long lên sòng sọc.
"Ma túy, một thứ chất trắng mang lại lợi nhuận nhiều vô kể, nhưng mạo hiểm và lộ liễu. Dò tìm ra tung tích của nó không hề khó. Hóa ra lại quá dễ dàng. Một tên tay sai khi thấy bà trùm của hắn lăn ra đất, máu mũi chảy ròng và miệng sủi bọt, liền nhanh nhẹn chở bà ta đến nơi đã bán thứ thuốc đó để cầu cứu. Rồi ông đoán xem, bà trùm nhà Esposito lăn ra chết ngay trên bãi cỏ nhà người ta. Ông Dolcetto kính mến, đó là sân trước nhà ai?"
Dolcetto không nói không rằng, chỉ đổ thêm rượu ra li, đổ nhiều đến mức tràn cả ra ngoài. Không cần nhìn cũng biết tay gã đang run lên. Mặt mày tím lịm.
"Chính là ông bạn tin thương Bruno của ông, Dolcetto. Và thằng con Paolo nhà hắn đã bán ma túy cho bà ta."
Ức quá! Khuôn mặt nặng sù sụ chuyển từ tím sang đỏ. Gã đập bàn một phát ầm trời. Bị dồn vào đường cùng, trông gã caporegime oai phong lẫm liệt bây giờ chẳng khác gì một con chó bull khổng lồ đang dựng lông tự vệ. Cái ghế gỗ ngã chỏng quèo, lăn dăm ba vòng trên sàn nghe chát chúa. Dolcetto gầm lên một câu chửi thề bẩn thỉu nhất hiện lên trong đầu gã ngay lúc ấy, rồi rút trong áo vest ra một khẩu tám li, toan giương thẳng vào giữa trán Rye.
Leon Salieri, nãy giờ chỉ ngồi cạnh bên mà mỉm cười, lúc này cũng thế. Cây súng văng đánh vèo sang bên phải, va vào cái đèn vàng cổ lỗ sĩ chớp nháy ở trên tường. Vỡ choang. Y như những gì ông dự tính.
Xoa nhẹ khớp tay của mình vài giây xong, Rye rút hộp thuốc lá Treasurer khỏi áo vest— loại thuốc lá được anh ta luôn sử dụng như một phương thức thương lượng. Anh mời mọc vị đối tác đang vã mồ hôi hột trước mặt. Đôi mắt Rye vẫn lặng như tờ. Dolcetto ngoài việc đành phải chấp nhận điếu thuốc, cũng chẳng biết phải làm gì hơn. Gã đã đi quá trớn rồi. Nào còn đường lui?
"Dù sao, tôi cũng mang tới một tin vui cho ông đây," Thêm một điếu thuốc nữa được mồi lửa, Rye tiếp tục diễn giải qua làn khói đặc lơ lửng. Trong khi gã Dolcetto mãi không đốt cháy được đầu lọc vì tay quá run. "Bởi không ai biết thằng Paolo và Bruno là người của ông, nên hiện chỉ có tôi và người của ông Salieri đây biết được thực hư và nguồn gốc câu chuyện mà thôi. Ông Trùm chưa hay gì, vậy là tốt."
"Được. Được. Muốn gì được hết. Tao chấp. Mày cứ nói đi." Gã xuề xòa, vẫn ngoan cố giữ nguyên cái vẻ ngạo mạn lúc ban đầu. Thật đáng nể phục làm sao.
"Tôi sẽ giữ toàn bộ số kim cương mà tôi lấy lại từ tay bọn Barbarro."
"Cái gì!? Mày...!"
"Tôi nói rồi, tôi không tự dưng làm bất cứ thứ gì nếu nó không mang lại thuận lợi. Nếu ông không cam chịu, thì chỉ ba ngày sau sẽ có phán quyết cuối cùng. Ông sẽ tiêu đời trên đống tiền bẩn của mình. Hiểu không? Nào nào... Ngay lúc này đây tôi có thể cho ông ăn một viên đạn vào mồm cơ, nhưng tôi đâu có làm thế."
Thôi rồi, thế là thằng nhãi Rye này nó chơi gã một vố. Thật đau đớn. Cái này còn đau hơn cả ăn một viên kẹo đồng vào họng ngay bây giờ. Từ bỏ chỗ tài sản kếch xù này không khác gì nhượng lại cái ghế ông lớn quyền thế của quận Little Italy cho thằng Rye. Còn gã thì thành bù nhìn. Gã không có tiền thì còn ai sợ, ai phục tùng cho nổi nữa? Già rồi, đâu có xông pha được như trước, đâu có cầm súng lên mà đi thanh trừng dễ như bỡn giống mấy thời năm 60. Thời buổi nay khác hẳn, mọi cách thức làm việc đều cổ lỗ sĩ cả. Gã chỉ còn chỗ tiền mà gã ra sức "kinh doanh" để làm uy thôi.
Những tưởng dưới tay áo Rye là con Chuồn, nhưng nào giờ nó luôn là con Át Bích.
Dolcetto đã quá xem thường Rye. Bị một thành viên cấp thấp hơn dắt mũi mà không hay. Nhục, nhục quá là nhục! Nốc cạn li rượu đầy, Dolcetto gằn chỗ giọng khàn đặc vẫn còn một chút uy lực của mình, trỏ tay vào khuôn mặt ngạo nghễ đối diện. "Rye.... Rye... Rye. Thằng chó má! Mày sẽ biết tay tao."
Nói rồi, gã quay đi, khập khiễng bước ra khỏi cánh cửa đồng màu xanh rêu. Rời thẳng khỏi quán Peppone's Dining.
Thở ra nhẹ bẫng, nụ cười nửa miệng ma mãnh vẽ lên trên môi Rye. Cái màu xanh lục trong mắt trông chừng đã sáng quắc. Anh nâng điếu thuốc tuyệt hảo lên khuôn miệng cao ngạo, hít đầy khoang phổi cái mùi vị chiến thắng thật tanh tưởi làm sao.
Ông thấy chưa, ông Salieri?
Non ducor, duco.
¤
Gin không bao giờ thích việc phải đi bộ xuyên qua cánh rừng đầy bùn bằng đôi giày da Tom Ford của mình. Nhưng vì Ông Trùm, hắn đành ngả mình kính cẩn mà đi.
Thung lũng Iya nằm ngay trái tim của hòn đảo Shikoku, một nơi hẻo lánh tách biệt khỏi chốn thành thị nước Nhật. Căn biệt thự gỗ sồi đòi hỏi người ta phải đi qua một chiếc cầu treo bện bởi cây nho cũ kĩ, sau đó đi bộ xuyên qua một khe núi giữa hai sườn dốc đá cheo leo mới may mắn gặp được nó. Hoạ chăng chỉ có số ít người biết được một con đường đỡ gập ghềnh hơn, và con số đó thực chỉ đủ trên đúng mười ngón tay.
Căn biệt thự thoạt nhìn như một ngôi nhà hoang già nua ở nông thôn nước Đức. Nhưng nếu nhìn kĩ, cái cách những ngọn cây nho chết khô ôm lấy bờ tường gỗ của căn nhà thực tinh tế, nó vừa có đủ độ uốn lượn để khiến người ta phải trầm trồ, vừa có sự sắc bén đẩy họ lùi xa trở lại. Một vẻ đẹp phương Tây kiểu cô độc và chết chóc. Renya Karasuma không bỏ tiền thuê một người làm vườn chuyên nghiệp đến căn biệt thự, vì hẳn người đó sẽ ngất lên ngất xuống sau khi thấy tình trạng cây cối xung quanh căn nhà cứng như tượng đá cả. Ông ta nhờ người trồng cây bonsai ở địa phương đến uốn nắn chúng theo ý mình. Không đề cập gì đến với họ, nhưng ông ta có lần ghé tai Gin mà tâm đắc: "Cái gì cũng có thể trở nên đẹp đẽ, ngay cả cái chết".
Ông Trùm Renya là một người biết thưởng thức cái đẹp. Nhiều lúc, người ta thấy ông tán dương những thứ kì lạ một cách thái quá khiến ông trở nên lập dị trong mắt họ. Nhưng không ai chối cãi được rằng nhờ sự "lập dị" đó mà ông ta xây dựng nên cả một Tổ Chức lớn, có uy quyền và làm mưa làm gió khắp nơi. Cả hàng trăm con người, trong đó có những kẻ tài tình nhất của mọi lĩnh vực đều có một sợi dây gắn liền với từng cử động ở đầu ngón tay ông ta.
Tiếng sàn gỗ ọp ẹp của hiên nhà không khiến bản tứ tấu dây vang vọng nguội lạnh đi. Gin bước tới cánh cửa gỗ có tay nắm bằng đồng khắc tạc tỉ mỉ, lầm bầm với bản thân rằng thế quái nào lão già có thể khiến một tứ tấu dây đi qua bấy nhiêu lầy lội bẩn thỉu, chỉ để đến đây đàn cho lão nghe mà thôi. Chậc! Nhìn xuống đôi giày và ống quần mình, đầy bùn, hắn chặc lưỡi ngao ngán.
Bước qua cánh cửa đã có ngay bà giúp việc hớt ha hớt hải đón tiếp. Bà lão mặt mũi còn tinh lắm, đầu vấn một cái khăn hoa xinh đẹp, nụ cười đôn hậu hiền lành, cứ thế mang ngay một đôi dép đi trong nhà để trước mặt Gin, rồi bảo hắn cởi giày ra để chùi lau. Mà nhiêu đó thì làm sao khiến hắn nghe lời được. Thiết nghĩ, đã bắt mình đi đến tận đây mà còn không được đi giày xịn vào nhà, hắn đi thẳng một mạch vào trong mà không đoái hoài bà lão. Dù gì cũng đã giũ hết bụi đất ngoài hiên rồi. Còn muốn đòi hỏi gì hơn?
Gin bước dứt khoát, nhấn gót giày lên cầu thang gỗ coi bộ đã khá mỏng manh. Một lần nữa, mặc kệ bà giúp việc láo liên ra hiệu cho hắn đi đứng im lặng nhất có thể, nhưng có vẻ như tiếng cọt cà cọt kẹt chỉ có to lên thì phải. Hắn quen rồi, cái kiểu bước chân rất rõ rành, như đinh đóng cột. Đây là dấu hiệu cho nạn nhân của hắn biết rằng số phận của mình đã tại hạn , là "tiếng gõ cửa định mệnh" mà Ông Trùm luôn ví von. Ông ta khoái lắm, nên Gin vừa lên đến căn phòng gác xép màu đỏ đun với dãy kệ sách đã dày kín, chương nhạc ráo riết vừa rồi kết thúc tức khắc.
Bốn nhạc công nhìn hắn bằng một kiểu ánh mắt trách móc. Cái mũi ông violinist bè trưởng hếch lên để nhìn hắn qua gọng kính bạc, còn ông cellist ra chiều sốt ruột như phải chờ đợi một vị khách đến muộn, ai cũng lườm nguýt một cái xuống vệt đất cát vương trên thảm... Nghệ sĩ thể loại nhạc này chúa khó tính, nếu là người bình thường thì đã chột dạ, nhưng với Gin, hắn gỡ mũ xuống trước ngực, nhếch môi một cái, vậy đã quá là lịch thiệp rồi.
"Tôi đã xong việc." Gin nói.
"Chậc, thằng học trò của của tôi đây rồi!"
Một ông già nhỏ thó tiến đến, cao đến đúng bả vai Gin, ông ta dang rộng đôi tay như muốn ôm chầm lấy hắn, còn hắn chỉ đứng nghiêm sừng sững như pho tượng thạch cao lạnh toát. Đoạn, người đàn ông trông lệch hẳn Gin về sức vóc lại có thể đẩy tên sát thủ máu lạnh này bước thêm hai bước nữa.
"Bây giờ không phải là lúc để bàn chuyện làm ăn. Nào nào."
Ông ta đẩy Gin về phía cây đàn piano ở góc phòng. Chỉ là một cây đàn cơ nhỏ thó, bốn chân, không xa hoa gì, nhưng lần hiếm hoi người ta thấy trong mắt gã hung thần bất kham này có chút lo lắng. Bàn tay to già còm của Ông Trùm chỉ đặt nhẹ lên lưng hắn mà trông như cả cơ thể bị trói chặt và đẩy miễn cưỡng đến cây đàn. Thế lực nào có đủ sức nặng để hù dọa Gin kiểu này, có nhóm tứ tấu hiểu rõ, nhưng họ cũng chỉ nhìn nhau một cái mà thôi.
"Cậu ấy sẽ đàn bản Concerto số 20 của Mozart. Xin mời quý vị!"
Gin ngồi xuống, chỉ kịp vứt cái áo măng tô sang một bên mà nhóm tứ tấu đã bắt đầu đầu một nốt Rê đầy khí chất hăm dọa. Trên đời này có cái chi còn dữ dằn hơn hắn? Chỉ có tiếng nhạc vang lên dưới bàn tay điêu luyện của các nhạc công thôi. Câu nhạc dạo đầu lan ra khắp căn phòng, khi đó, hắn thấy Ông Trùm ung dung ngồi trên cái ghế bành nhung êm ái, ánh mắt trở lại đăm chiêu như ngày nào.
Với những ai chưa gặp ông Karasuma, người ta cứ nghĩ ông ta phải ghê gớm lắm. Nói lời nào oang oang lời đó, phải rõ ràng, to lớn. Mặt mày phải phát xít lên. Thế mà ông ta chỉ cười khà khi nghe người ta kể lại như câu chuyện thần thoại, rồi bảo là "Hơi đâu mà phí sức". Phổi thì cũng đã bị thủng vài lỗ đạn thời xưa, tim cũng đã bị đặt stent dăm lần,... Ông già thành ra có cái giọng khàn khàn, thều thào méo mó, bỏ đống hiệu ứng đổi giọng đi thì người ta sẽ thất vọng não nề mất. Ấy vậy Ông Trùm cũng chẳng lấy làm ngại ngùng, ông ta vẫn thích ví von, nói chuyện như hội. Bà giúp việc quý ổng lắm, cả mấy ông thợ trồng cây bonsai nữa... Ông già giỏi buôn chuyện quá, tuy thẳng thừng mà lại còn có chút ân cần, không ngon ngọt hay giả tạo tí nào cả. Ổng có uy nhưng lại ra vẻ mặn nồng, chứ không câng câng như mấy gã doanh nhân ăn xổi ở thì. Thế nên người ta cứ mặc nhiên tin tưởng ông, kệ xác những kẻ ra vào cửa nhà ông mỗi ngày trông rõ là găngx-tơ. Ngược lại, gã caporegime yêu quý nhất của Ông Trùm thì đã nhìn thấu hết mọi thứ. Xưa nay Gin cạch nhất mồm miệng của ổng vì nó vừa khéo mà vừa đểu, y hệt như cái thằng Rye. Cả ông già và nó chẳng khi nào mở miệng nói mấy, thế mà phát biểu một phát người ta cứ thế mà nghe theo răm rắp. Bởi vậy nghe tin thằng đó chặn được họng mình, ông ta lệnh cho nó á hoại công việc của hắn suốt. Ổng khoái lắm mà. Rõ khổ!
Nói chung, ổng là một người có vẻ ngoài tầm thường như bao tỉ phú giàu có khác. Mái tóc bạc trắng. Khuôn mặt vuông bành bạnh mà hóa ra khôn nức. Ánh mắt sắc bén như quạ đen. Ổng có thể ra chỉ thị thủ tiêu ai đó, trong lúc ổng đang trò chuyện vui vẻ về cái bánh triffle mà bà giúp việc làm cho, ngon nứt đố đổ vách. Ổng có thể vẽ ra một kế hoạch khổng lồ để đưa số hàng buôn lậu về nước an toàn với nụ cười nham nhở, sai người đánh bom khủng bố tòa tháp truyền hình Tokyo khi ngồi chơi cờ vua với thằng cháu đích tôn... Làm tất cả những điều đó với trạng thái nhẹ bẫng tựa lông hồng. Nhưng bộ não thiên tài đó không thể che giấu nổi cái sự già nua của cơ thể. Yếu đuối đến độ đôi cẳng chân già không thể nhấc nổi thân người, đi lại khó khăn... Ông Trùm nhiều lúc ôm khư khư lấy cái quyền trượng có đầu quạ mạ bằng vàng mà tổ tiên để lại, đau xót lắm mà phải dặm nó xuống đất để chống đỡ cho đôi chân yếu. Phần lớn thời gian ông ta cũng dành trên chiếc xe lăn đầy đủ mọi tiện nghi của mình. Nhưng nếu không phải sử dụng chúng, ông nhất định không dùng. Lúc nào cũng tỏ ra rằng ta đây còn trẻ khỏe chán.
Cái gì ra cái đấy. Công việc, khác. Việc nhà, khác. Tám chuyện với hàng xóm, khác. Ông Trùm có thái độ rạch ròi về âm nhạc—cái mà như ông ta nói, là nốt lặng quý giá giữa dòng đời xô bồ, nơi con người chỉ biết chạy đua theo những thứ phù du như giành giật quyền lực, tiền bạc, và sự tôn trọng. Chúng vắt kiệt tâm hồn ổng, mà ở đâu đó chỉ có tiếng đàn là thứ thuốc hữu hiệu có thể cứu chưa được. Thứ âm nhạc đó nói lên nỗi lòng bị giấu sâu thẳm trong tim ông ta. Một cách trần trụi nhất.
Ánh mắt Renya Karasuma trở nên nghiêm nghị hơn rất nhiều mỗi khi có một âm thanh nhỏ phát ra từ chiếc đài radio trên xe, khi bà giúp việc đặt một chiếc đĩa than cũ mèm lên cái máy hát ở phòng khách, khi ngón tay thô cứng của Gin gõ lên phím đàn... Chúng không chỉ quan trọng với ông ta đến thế, mà còn dã man gợi lại một thực tế đau đớn rằng, ông ta không còn đủ sức để chơi đàn như trước. Ông ta không thể nói những điều mình muốn nói nữa. Mọi thứ ứ đọng lại trong buồng phổi, trong trí óc và trong trái tim héo quắt của ông ta. Ôi cái tuổi già chết tiệt!
Thứ đầu tiên mà Renya Karasuma dạy cho Gin, một thằng bé năm tuổi vắt mũi chưa sạch, không phải là bắn súng, không phải chiêu trò kinh doanh, cũng càng không phải những trận đòn roi nhẫn tâm nhằm ấp ủ một con quỷ máu lạnh bên trong cơ thể trẻ con... Mà là học đàn.
Có thể nói, một phần cái sự chai lì của Gin được hình thành từ những lần học nhạc với Ông Trùm. Hồi xưa hắn không biết vì sao ông ta nhất quyết muốn dạy hắn từ lúc trẻ con với lí do gì, nhưng bây giờ thì hắn đã hiểu. Chẳng có cái gì khiến hắn sợ, dù là họng súng hay gông kìm. Từng nốt nhạc đã mài giũa cho ngón tay hắn, lôi xềnh xệch lòng tự trọng của hắn từ nơi tuyệt vọng nhất cho đến hào quanh ngắn ngủi, và rồi kéo ngược lại nơi bắt đầu... Từng cái cách ông già áp đặt tất cả những kỹ thuật khó nhằn lên đôi tay hắn cho đến những câu rubato của bản nhạc khiến mỗi lần học mệt đến kiệt sức. Hắn nhớ như in những lần thức trắng đêm để rèn giũa lại bản thân trên phím đàn, những lần thức trắng để đòi lại được một cái gật gù bằng lòng, nhưng tất cả hắn nhận được vào ngày hôm sau là tiếng chửi thậm tệ và cái đánh đầu đau điếng. Hắn bị từ chối, hắn thất bại, và hắn không thích điều đó. Hắn cảm thấy nỗi tức giận của mình chẳng thể nào được thể hiện, càng chẳng khiến ai có thể thấu. Nhìn lại phím đàn, hắn lại thấy màu máu nhuộm đỏ từ những ngón tay và cảm xúc sôi sục trong lòng hắn, nhưng không ai ngoài hắn có thể thấy được.
Giết chóc, thì có thể.
Người ta run rẩy khi thấy hắn, trào nước mắt khi hắn đọc thơ, và khi thấy hắn giương súng thì họ sẽ cúi xuống mà cầu xin hắn bằng cả lòng tự trọng hèn mọn kia. Và cái tên của hắn được ca tụng vì điều đó. Hắn đã được nếm cái mùi vị của sự sùng kính thật gần.Vậy mà khốn thay, khi hắn đặt tay lên một cây đàn, tất cả những gì hắn nhận được chỉ là một nỗi nhục nhã. Cái thứ hắn ghét nhất trần đời. Hắn ta ám ảnh bởi nó và tuyệt vọng đấu tranh cho sự tôn trọng đến nỗi từng ngón tay và quả tim hắn trở nên chai lì và héo quắt lại, và chúng chẳng còn màng đến bất cứ nỗi sợ nào khác ngoài nỗi sợ bị coi thường nữa.
"Cậu nghĩ Vladimir Holowitz sẽ nói gì lúc này, hả Gin?"
Ông Trùm từ tốn hỏi. Chương một mới kết thúc nhưng bàn tay của ông ta đã giơ lên, chặn lại luồng âm thanh còn vang vọng.
"Barenboim sẽ nói gì? Pletnev sẽ nói gì?..." Bằng hết sức bình sinh, ông đứng phắt dậy, quát lớn.
Gin ngồi thừ bất động, tay đã rời khỏi phím đàn, hắn đặt chúng trên đùi như đã bất lực. Sử dụng tấm lưng khổng lồ của mình là một cái khiên kiên cố, nó bảo vệ hắn khỏi bất cứ lời chỉ trích nào của lão già đang run lên vì giận, với đôi chân chẳng còn giữ nổi thăng bằng.
"Chẳng nói được gì nữa cả... Bất lắm rồi! Hỡi ôi, ai lại có thể chơi Mozart với đôi bàn tay thô bạo như thế."
Ông ta ngồi thụp xuống ghế trở lại, khuôn mặt vùi trong đôi bàn tay đầy vết chàm. Cả căn phòng lúc này lặng đi...
Ông ta chẳng còn biết trách ai ngoài bản thân. Chuyện ắt phải thế rồi. Ông ta đã tha hóa hắn. Trong mắt hắn thì trên đời này còn có cái gì là đẹp đẽ, là mong manh, là tinh tế? Đôi bàn tay hắn đã nhúng quá sâu xuống vũng máu của người khác rồi.
"Cậu có hiểu không? Đôi tay của cậu cứng nhắc, thô bạo với cây đàn quá! Cậu giáng vào màng nhĩ người nghe những thứ bạo lực ghê tởm. Nhắc cho người ta rằng những con quỉ xấu xí luôn luôn là xấu. Không có gợi mở, cũng chẳng có lời giải đáp... Người ta sẽ tự khắc cầm súng bắn tung não mà không cần cậu phải mở miệng hăm dọa. Đúng vậy, với chính thứ âm thanh cậu vừa chơi đấy. Tưởng tượng đi, cái xác không hồn mà cậu vừa thiêu rụi không khác mẹ gì nó."
Giọng nói Ông Trùm thều thào, gần giống một cái máy radio hỏng. Lẫn vào đó là sự bất mãn tột cùng nên nó lại càng trầm xuống, khàn đặc. Như thể bấy lâu nay ông ta đã ém nhẹm cảm xúc quá nhiều đến mức ức chế. Thực ra là đúng như vậy. Ông ta muốn nói. Nhưng ở địa vị thế này thì không thể chỉ toẹt ra là xong. Xưa nay cây đàn ọp ẹp này chính là nơi để đổ tràn mọi nỗi lòng vào. Bây giờ nó được vang lên, nhưng thứ âm nhạc rót vào tai không đúng ý lão già Karasuma tí nào. Thế nên ông ta tức, tức lắm!
"Này, xưa nay tôi với Mozart có hạp nổi nhau à? Ông biết rõ điều đó như trở lòng bàn tay. Ông đòi hỏi tôi, móc mỉa tôi, như vậy là có ý gì cơ?" Gin, cái giọng đằng đằng sát khí của hắn vực dậy như một con rắn hổ mang lao ra tự vệ. Mặc dù có bị dẫm đạp cho tơi bời, hiển nhiên nó vẫn luôn mang trong mình cái dòng nọc độc chết chóc. Gin đốp lại lão già cộc lốc, và vặn hỏi trở lại. Hắn đứng dậy. Cái cặp mắt lạnh toát như viên kẹo đồng. Rồi nắn xoa từng khớp tay nghe kêu răng rắc, chẳng có ý giấu đi những vết sẹo chằng chịt trên ấy. Oleg Marinov, vị nhạc công violin bất giác nhìn thấy, mắt ông liền nhăn nhó cả lại. Trời đất ơi, ông thấy ngón tay mình như rụng rời cả. Một đôi bàn tay dài, dày và khỏe, y như mơ ước của bất kì nghệ sĩ piano nào, nhưng trông chúng chẳng có dáng vẻ gì là của một người chơi đàn. Cậu ta có coi trọng đôi tay của mình không thế?
"Chà chà," Lão Karasuma cười khà, ngược lại hẳn phản ứng tự nhiên của con người khi bị một gã hung thần ghê gớm như Gin chĩa mũi dùi. Cái mắt ông ta nheo lại, ngụ ý như muốn dằn mặt kẻ đối diện. Ngay cả khi hắn đã đứng sừng sững trước mặt ông ta, và cái bóng khổng lồ của hắn bao trùm lên cả thân hình lọt thỏm trên chiếc ghế. "Ta biết cậu muốn nó lắm. Concerto số 2 của Rachmaninov. Ta biết. Cậu nghĩ ta không nghe thấy những lúc cậu lén lút gõ vài nốt tại cái nhà hát cũ ấy sao? Trời ạ. Ta biết hết, con trai."
"Nhưng ông vẫn không để tôi chơi nó cho đường hoàng."
"Những vấn đề ở Mozart cậu còn chưa giải quyết xong thì làm sao ta để cậu chơi Rachmaninov cho được?"
Ô hô, hắn chẳng trả lời được câu hỏi ấy. Ông Trùm thắng. Mà ổng có bao giờ thua đâu? Trước giờ hắn luôn biết là đi cạnh ông ta thì chớ mà mở miệng cãi, thà là cứ im ỉm còn hơn, vẫn bảo toàn được lòng tự trọng. Ở đây, hắn lỡ miệng rồi. Nhận phải câu này thì có khác gì bị chê thậm tệ. Hắn vẫn cứ đứng yên, cặp mắt hoang tàn vẫn chẳng thay đổi ý mềm mỏng đi, cứ ương bướng không chịu chào thua. Nhưng cái môi mỏng mím chặt lại, chẳng đáp trả được gì.
"Cậu thấy không Gin? Âm nhạc nói lên con người. Và cậu không thể chơi Mozart vì đơn giản là cậu không thể. Ta đã biến cậu thành con người như vậy đấy. Vô tâm, lạnh lẽo và tàn nhẫn. Thật cay đắng làm sao, rằng ta chủ ý làm như vậy. Nhưng nó thể hiện rõ cậu là một caporegime mà ta có thể tin tưởng. Ta biết cậu sẽ cầm súng lên vì ta, giết người vì ta, và thậm chí còn làm tốt hơn những gì ta mong đợi. Không một chút do dự, bởi vì chẳng có một ký ức đẹp hay sự thấu hiểu nào có thể ngăn chặn cậu. Thứ cảm xúc xa xỉ kia sẽ chẳng bao giờ khiến cậu chịu cúi đầu làm nô lệ. Cậu chớ hề bị chi phối bởi những thứ mà người nghệ sĩ thường bị chi phối đâu. Con trai à, cậu là một sát thủ hoàn hảo. Lòng trung thành của cậu với Tổ Chức này là tuyệt đối."
"Ông thật biết cách mổ xẻ tôi." Hắn nói với hàm răng nghiến chặt. "Điều này có khiến ông cảm thấy tốt hơn không? Phải chăng ông để tôi chơi thứ mình không giỏi để ông có thể cảm thấy mình cao quý hơn?"
Karasuma cười ha hả, ông ta gảy gảy ngón trỏ đắc thắng. Nhưng rồi cũng chẳng thèm trả lời câu hỏi móc mỉa của Gin.
"Nghe này, ta chỉ chấp nhận gặp mặt những kẻ có thể hiểu thấu đáo âm nhạc như cái cách chúng hít thở. Ta muốn xem chúng tự phô bày bản chất thật của mình ra và mổ xẻ chúng như cái cách ta làm với cậu ngày hôm nay. Tìm kẻ đó cho ta đi Gin. Ta chán ngấy cậu rồi. Chán cả Rum lẫn Vermouth,... Đi đi. Tiếp tục gieo rắc ác mộng đi, cái thứ cậu giỏi nhất ấy."
Hắn cười nhạt. Không cần thấy cái phẩy tay của Ông Trùm Karasuma, Gin chẳng nói chẳng rằng, chộp lấy cái áo măng tô và mũ, đi một chặp thẳng khỏi căn phòng gác xép màu đỏ đun. Không ngoái nhìn. Bản tứ tấu lại tiếp tục nổi lên, mặc kệ sự khó ở của hắn.
Ta sẽ luôn tin tưởng vào lòng trung thành của cậu, con trai. Là lời khen duy nhất mà hắn có.
Xem kìa, hắn có nên tự hào hay không?