Sáng tạo của sinh viên

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012. Trong số các sản phẩm đoạt giải nhất, có hai sản phẩm được nhiều người quan tâm, đó là xe không người lái và chất cách nhiệt.

Xe không người lái

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo xe tự hành chuyên chở hành khách” của các sinh viên Lê Phan Hưng, Phạm Văn Thuận, Đỗ Hoàng Tú (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) lại có hướng áp dụng thực tiễn khác. Đề tài xuất phát từ việc tại các sân bay, khu vui chơi, du lịch… có xe để chuyên chở du khách nhưng luôn phải có một người vận hành. Điều này dẫn đến lãng phí nhân lực và gặp nhiều khó khăn khi phải đưa đón khách liên tục. Người vận hành các xe này cũng không thể làm việc liên tục 24/24 giờ được.
sangtao1-713075-2253.jpg

Ba sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trên chiếc xe tự hành do mình thiết kế - Ảnh: Đ.N
sangtao2-713075-4680.jpg

Sinh viên Phạm Thế Hiếu trong ngày nhận giải
Vì vậy, nhóm sinh viên trên đã nghiên cứu chế tạo một chiếc xe có thể tự động di chuyển trong các khu vực này. Xe có một màn hình chính và chở được 4 người. Khi du khách muốn đến đâu, chỉ cần nhấn vào khu vực đó trên màn hình thì xe sẽ tự động di chuyển với tốc độ khoảng 5 - 10 km/giờ. Sẽ có một trung tâm điều khiển để nhận lệnh, xác định qua camera đặt trên xe xem có khách hay không và cho xe chạy.

Cơ chế hoạt động chính của loại xe tự hành này là dùng cảm biến và GPS (hệ thống định vị). Xe sẽ dựa trên hệ thống này để di chuyển đến vị trí được yêu cầu. Đặc biệt, vì chạy bằng năng lượng điện nên hệ thống tuyệt đối an toàn và không gây ô nhiễm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh (giảng viên hướng dẫn), khó khăn lớn nhất của các sinh viên là phải đi lùng mua từng khung sườn, phụ tùng khắp nơi để gia công lại. Vì thế, hiện chiếc xe vẫn có hình dáng, khối lượng khá kềnh càng và nặng nề. Sắp tới, chiếc xe này sẽ được cải tiến theo hướng gọn nhẹ hơn để có thể chuyển giao cho những nơi có yêu cầu.

Tìm tòi chất mới

Trong một lần đến tham quan Công ty cách nhiệt Sài Gòn, Phạm Thế Hiếu (sinh viên năm cuối, ngành công nghệ hóa thực phẩm, Trường ĐH Lạc Hồng) đã nhận ra hướng nghiên cứu cho mình. Trước đây, các sản phẩm cách nhiệt sử dụng tác nhân tạo bọt FREON 11, nhưng vì bị cấm từ năm 2010 do ảnh hưởng sức khỏe, sau này các công ty thay bằng chất HCFC141B. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này có nhược điểm là làm cho chất lượng sản phẩm giảm vì sản phẩm làm ra không cứng như FREON 11. Để đảm bảo chất lượng khi sử dụng HCFC141B, các công ty buộc phải pha thêm 10 - 15% hóa chất, dẫn đến giá thành sản phẩm đội lên khá lớn. Từ đây, Hiếu bật lên suy nghĩ nghiên cứu vật liệu có thể thay thế lượng hóa chất này.

Được sự ủng hộ của giảng viên hướng dẫn, Hiếu bắt đầu hành trình tìm ra nguyên liệu thay thế HCFC141B. Điều khó khăn lớn nhất là lĩnh vực này hoàn toàn mới, tài liệu rất hiếm hoi. Hiếu phải dành thêm thời gian, trực tiếp đến các doanh nghiệp để tìm hiểu. Cuối cùng, chàng sinh viên ham tìm tòi và đưa ra sản phẩm vật liệu cách nhiệt POLYURETHANE của mình. Đây là hướng đi đầu tiên tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Kết quả là sản phẩm được tạo ra có chất lượng ngang với các công ty chế tạo vật liệu cách nhiệt khác nhưng lại không sử dụng hóa chất. Số tiền đầu tư để tạo ra sản phẩm được giảm xuống đáng kể. Nếu tính theo số lượng sản phẩm lớn, một công ty áp dụng cách của Hiếu có thể tiết kiệm được một lượng kinh phí cực lớn.

Công trình được nghiên cứu trong vòng 6 tháng trời và đã được trao giải nhất. Theo tiến sĩ Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, ngoài giải nhất này, trường còn có một giải nhất của giảng viên và nhiều giải khác. Trước nay mọi người thường nghĩ việc thi robocon của trường là “gà chọi”, không xuất phát từ việc nghiên cứu khoa học mạnh. Nhưng thành công lần này đã trực tiếp chứng minh điều ngược lại.
Theo Thanhnien
 
×
Quay lại
Top Bottom