Phía sau nụ cười của bà

hatthoc30

Đang từng ngày lớn lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/12/2010
Bài viết
2.416
Năm 2004 chúng tôi về thực tập tại một vùng trung du của tỉnh Thanh Hoá. Một vùng quê có những nét rất riêng và thú vị. Đó không phải là cái không khí ồn ào hay tĩnh lặng, bình yên hay xáo động mà điều đặc biệt là sự phân công lao động được biểu hiện khá rõ rệt ở nơ đây. Trong làng có bao nhiêu người đàn ông thì gần như có bấy nhiêu người công nhân làm đá. Điều đặc biệt tất cả họ đều đi trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, tàn tạ giống nhau. Và cứ thế ngày nào cũng vậy họ vẫn ngông nghênh ca hát trên đường tới xưởng làm. ở ngã rẽ còn lại là duy nhất những người phụ nữ, họ trò chuyện rôm rã về những thửa ruộng của mình và mong chờ một mùa bội thu mới.
Không như những sinh viên sư phạm khác. Phần lớn kỉ niệm để lại sau mỗi kỳ thực tập là hồi ức đẹp về mái trường, về những em học sinh. Với tôi thực tập cũng là khoảng thời gian để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng Nhưng nó không phải là cảm xúc về ngôi trường hay những em học sinh mà đó là cảm xúc về một người bà - Người đem lại cho tôi nhiều hạnh phúc nhưng cũng không ít những day dứt cho tới giờ.

* * *
Do nhà trường không có khu tập thể cho giáo viên nên chúng tôi phải ở trọ nhà dân. Nơi chúng tôi đến là một ngôi nhà nhỏ nằm ngay cạnh con rạch chạy quanh làng. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là một bà lão tuổi đã ngoài bảy mươi với những nếp nhăn đan chằng chéo trên mặt, nhìn khắc khổ nhưng lại rất hay cười. Người dân ở đây vẫn hay gọi bà với cái tên gần gủi. Bà Chuyện
Ngôi nhà của bà tuy nhỏ nhưng mọi thứ đều được sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Ngay đến những cây trồng trong vườn dường như cũng được trồng theo một trật tự nhất định, nhìn chúng đùa vui trong gió tôi biết chúng thích thú và mãn nguyện với sự chăm sóc của bà.
Bữa cơm đầu tiên ở nhà bà thật ngon và ấm cúng mặc cho trên mâm chỉ là rau muống luộc, một bát cà muối và mấy con cá rô phi đồng. Tôi thầm cảm ơn bà vì nhờ bữa cơm giản dị của bà mà tôi mới có được cái cảm giác ấm áp và gần gủi của gia đình. Một thứ hơi ấm mà những đứa đi học xa nhà như chúng tôi luôn thèm khát.
Bà hay cười là thế nhưng đằng sau nụ cười ấy là những chuổi ngày dài đau khổ và cùng cực. Nghe kể về cuộc đời bà tôi có cảm giác đó là cả một biển khổ vô tận mà ở đó ta có cố xoà tay xuống cũng không thể nào có hi vọng mong vớt được những niềm vui, cho dù đó là những niềm vui nhỏ nhất còn sót lại.
* * *

Bà mồ côi mẹ từ nhỏ. Cha đi bước nữa với người đàn bà khác. Kể từ đó bà phải sống trong cảnh dì ghẻ con chồng. Làm việc quần quật cả ngày. Vất vả và cực nhọc là vậy nhưng “phần thuởng” mà mụ dì ghẻ dành cho bà là những trận đòn roi tím tái. Mụ ta giáng lên người bà tất cả những gì vớ được trên tay. Lúc là roi mây, khi là cán chổi, lúc là cạp rổ, khi lại là chiếc đòn gánh cứng chắc.
Không chịu đựng nỗi cuộc sống nô lệ ấy. Bà bỏ nhà đi làm công nhân, ở đó bà gặp ông và cùng ông xây dựng mái ấm gia đình.
Khi bà sinh cô con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của ông bà sau này, cũng là lúc ông nhận đươc giấy gọi nhập ngũ. Như bao người phụ nữ khác bà ở nhà nuôi con chờ ngày ông trở về. Và ông đã trở về thật theo đúng ước nguyện của bà.. ở cái thời mà âm thanh cuộc sống chỉ là tiếng bom đạn, mấy ai ra đi mà dám nghĩ tới ngày trở về. Ông may mắn hơn đồng đội vì không phải nằm lại ở chiến truờng – nơi rừng thiêng nước độc.
Ông trở về nguyên vẹn th.ân thể nhưng lại mang trong mình những dấu tích của chiến tranh. Đó là những mảnh đạn găm khắp cơ thể và bệnh sốt rét mà năm tháng ở rừng ông mắc phải.
Chưa kịp hưởng trọn niềm vui của ngày giải phóng, Bà lại phải bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến âm ĩ giữa thời bình. Nó là hậu quả kinh khủng, tàn nhẫn của chiến tranh để lại. Nếu như trong chiến tranh nỗi đau và sự chia sẽ là của cả dân tộc thì giờ đây những buốt nhức chỉ là của riêng bà. Trong khi mọi nhà tất bật chạy xuôi, chạy ngược lo miếng cơm, manh áo thì bà lại phải ở nhà gánh chịu những trận đòn dã man vô thức của ông. Những ngày trái gió trở trời vết thương ở đầu tái phát, do không kiểm soát và ý thức được những hành động của mình, ông đã lấy bà ra hành hạ. Điều trớ trêu là ông coi bà như kẻ thù trong những trận chiến do ông mường tượng ra trong lúc hoảng loạn. Cuộc chiến là giả nhưng nỗi đau là thật. Vết sẹo dài ở đuôi mắt trái của bà là dấu tích của những ngày nghiệt ngã ấy. Vô hình chung ông đã trở thành chiếc bàn đạp cho chiến tranh gieo rắc thêm những nỗi đau.

* * *
Từ ngày ông mất, bà chỉ còm cõi có một mình vì cô con gái duy nhất đã đi lấy chồng. Tuy đã ở vào cái tuổi chân chậm mắt mờ nhưng ngày nào cũng vậy bà vẫn đạp xe một quãng đường dài để đèo những bao tải cà ra chợ. Có lần tôi thắc mắc. Tại sao bà có tuổi rồi mà vẫn làm được những việc nặng nhọc như thế. Bà cười nói, ai rơi vào hoàn cảnh của bà rồi cũng sẽ làm được hết thôi. Sau những chuyến đi ấy, bà lại cất thêm mấy thứ hàng vặt về bán cho bà con và trẻ em trong xóm. Mục đích không phải là lời lãi mà cái chính là mà muốn có tiếng người ra vào ngôi nhà cho bớt cảnh lạnh lẽo.
Vì cuộc sống một mình quá cô đơn nên một trong những niềm vui của bà là được tới nơi cửa phật cho khuây khoả. Có lần bà giao nhà cho chúng tôi rồi theo bản hội tới tận Nam Định để được vãn cảnh chùa Phủ Giày - một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta. Khi đi bà không quên ghi lại tuổi và địa chỉ của chúng tôi. Bà nói phải làm như vậy thì mới cầu duyên, cầu tài cho chúng tôi được
* * *

Những ngày sống bên bà, tôi như được trở về với miền cổ tích ngày xưa khi nội tôi còn sống. Tôi líu lo kể cho bà nghe bao nhiêu là chuyện ở kí túc xá, rồi luyên thuyên những chuyện ở quê mình. Những lúc quấn quýt bên bà, tôi chẳng khác nào một đứa trẻ. Thích nhất là những hôm tôi trốn mọi người chui tọt vào buồng ngủ với bà, để được bà xoa lưng và hát chèo văn cho nghe. Hơi ấm từ tình thương bao la của bà thật ngọt ngào và dễ chịu.
* * *
Ngày chia tay, Bà mặc chiếc áo mới do chúng tôi tặng. Trông bà thật phúc hậu. Bà cười trong nước mắt.
- Mấy đứa học nhanh rồi lấy chồng, để bà còn được mặc chiếc áo mới này đi dự đám chứ.
Tôi ôm bà khóc nức nở mà không thể nào bật thành tiếng những điều bấy lâu nay mình ấp ủ. Với tôi bà mãi là người bà “anh dũng” và thánh thiện nhất.
* * *
Hà Đông bây giờ trời về chiều rất dễ chịu. Những cơn giớ thổi về từ cánh đồng khiến con nguời ta cảm thấy thanh nhàn, nhẹ nhõm và tin yêu hơn vào cuộc sống. Cầu mong những cơn gió ấy sẽ xoa dịu sự cô đơn, đau khổ trong cuộc đời bà.

 
×
Quay lại
Top Bottom