Anê Ngọc Hạnh
Thành viên
- Tham gia
- 15/1/2016
- Bài viết
- 6
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
PHẦN I. LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ LUẬT DÂN SỰ, CHỦ THỂ CỦA LUẬT DÂN SỰ
1. Khái niệm chung về Luật dân sự
Luật dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm các quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân.
1.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự
Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự (BLDS) được xác định tại Điều 1 BLDS 2005: “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác; quyền nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (được gọi chung là quan hệ dân sự)”.
Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự là những nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa... nhằm thoả mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần của các chủ thể. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự bao gồm hai nhóm quan hệ là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
* Nhóm quan hệ tài sản
Quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự là quan hệ giữa người và người thông qua một tài sản nhất định như: Tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng hoặc các quyền về tài sản. Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn liền với một tài sản hoặc một quyền tài sản nhất định.
* Nhóm quan hệ nhân thân
Đó là những quan hệ được hình thành từ một giá trị tinh thần của một cá nhân hoặc một tổ chức và luôn gắn liền với cá nhân hoặc tổ chức đó. Các quan hệ nhân thân do Luật dân sự điều chỉnh có thể chia thành hai nhóm sau đây:
+ Nhóm các quan hệ nhân thân có mối liên hệ trực tiếp với các quan hệ tài sản.
+ Nhóm các quan hệ nhân thân không có liên quan đến các tài sản.
1.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự
Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự là những biện pháp, cách thức phù hợp mà thông qua đó pháp luật tác động đến xử sự của các chủ thể trong các quan hệ xã hội. Nhờ có sự tác động này, các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân đã phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt theo ý chí của Nhà nước được thể hiện trong các quy phạm pháp Luật dân sự cụ thể.
1.3. Các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự
Nguyên tắc của Luật dân sự là phương châm chỉ đạo cho các chủ thể khi vận dụng các quy phạm pháp Luật dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt đối với việc áp dụng pháp luật của những cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài những nguyên tắc chung, trong Bộ luật dân sự có các nguyên tắc riêng cho mỗi phần, mỗi chế định. Bộ luật Dân sự có các nguyên tắc cơ bản sau:
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận;
- Nguyên tắc bình đẳng;
- Nguyên tắc thiện chí, trung thực;
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự;
- Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp;
- Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự;
- Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Nguyên tắc tuân thủ pháp luật;
- Nguyên tắc hoà giải.
2. Chủ thể của Luật dân sự
Chủ thể của Luật dân sự rất đa dạng, có thể là cá nhân, có thể là tổ chức... Để tham gia quan hệ pháp Luật dân sự thì các chủ thể phải có tư cách chủ thể - được xác định bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Theo qui định của Bộ luật dân sự, chủ thể của Luật dân sự bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
2.1. Cá nhân:Năng lực chủ thể của cá nhân được xác định bởi hai yếu tố là năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
- Năng lực pháp luật của cá nhân.
Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự” (Khoản 1 Điều 14 BLDS). Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân là tiền đề pháp lí cần thiết để cá nhân tham gia các quan hệ pháp Luật dân sự. Năng lực pháp luật của cá nhân có những đặc điểm sau đây:
+ Các cá nhân là chủ thể của Luật dân sự đều được bình đẳng về năng lực pháp Luật dân sự.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân được pháp Luật dân sự ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân mới chỉ là khả năng, để biến thành quyền dân sự phải căn cứ vào sự kiện pháp lý nhất định.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân có từ lúc người đó sinh ra và gắn liền với một cá nhân suốt đời cho đến khi chết. Trong một số trường hợp cần thiết Luật dân sự còn công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi.
- Năng lực hành vi dân sự của cá nhân.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự chính là khả năng của cá nhân để tiến hành các hành vi nhằm thực hiện năng lực pháp luật. Do đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực pháp luật, dựa trên năng lực pháp luật và có sau năng lực pháp luật.
Bộ luật Dân sự phân chia năng lực hành vi dân sự thành các mức độ sau đây:
+ Người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự:
Là những người từ 18 tuổi tròn trở lên nếu không bị Toà án tuyên bố là người hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự.
+ Người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ:
Những người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là những người có năng lực hành vi chưa đầy đủ. Những người này khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ những giao dịch nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
+ Người không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự:
Trẻ em dưới 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Những người bị bệnh tâm thần, mất trí... bất kể họ ở lứa tuổi nào bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện.
* Tuyên bố mất tích, tuyên bố chết
- Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là mất tích theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan khi người đó biệt tích đã hai năm liền mà không có tin tức xác thực là còn sống hay đã chết. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được giao cho người được người mất tích uỷ quyền quản lý; đối với tài sản chung do chủ sở hữu chung còn lại quản lý. Nếu vợ (chồng) người mất tích đã chết, hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ quản lý nếu không còn ai nêu trên thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản. Nếu người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn, Tòa án giải quyết cho ly hôn. Khi giải quyết cho vợ (chồng) của người bị tuyên bố mất tích ly hôn, tài sản của người bị tuyên bố mất tích được giao cho con đã thành niên quản lý hoặc cha mẹ của người bị tuyên bố mất tích quản lý nếu không có những người này thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
- Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan khi người đó biệt tích đã năm năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là còn sống; hoặc khi quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực ba năm mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; người bị mất tích trong chiến tranh sau 5 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; người bị mất tích do tai nạn, thảm họa, thiên tai sau một năm kể từ ngày tai nạn, thảm họa, thiên tai kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuỳ từng trường hợp Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố chết căn cứ vào các điều kiện để Toà án tuyên bố chết nêu trên. Người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố chết có quyền đi kết hôn với người khác. Tài sản của người bị tuyên bố chết được chia theo qui định của pháp luật về thừa kế.
* Hộ tịch và nơi cư trú
- Hộ tịch của cá nhân:
Hộ tịch của cá nhân là tổng hợp những sự kiện pháp lí để xác nhận cá nhân là chủ thể của các quan hệ xã hội và là chủ thể của Luật dân sự. Đó là các sự kiện: Sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nuôi con nuôi, thay đổi họ tên, quốc tịch, xác định dân tộc... được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo một trình tự, thủ tục nhất định. Mỗi cá nhân đều phải có nghĩa vụ đăng ký hộ tịch tại nơi người đó cư trú.
Các giấy tờ chứng thư hộ tịch ghi nhận các sự kiện pháp lí để cá biệt hoá cá nhân, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Các giấy tờ hộ tịch đã xác định như: Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, nhận nuôi con nuôi... sẽ là những bằng chứng pháp lí cần thiết có liên quan đến quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân.
- Nơi cư trú của cá nhân:
Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống (Điều 52 BLDS).
Nơi cư trú là một trong những quyền dân sự của cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và bảo vệ các quyền của cá nhân, bảo đảm sự quản lí về mặt nhà nước với cá nhân; là nơi Toà án theo thẩm quyền tống đạt các giấy tờ khi có tranh chấp dân sự mà cá nhân đó là bị đơn.
Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền lựa chọn nơi cư trú hoặc có thể chọn một nơi khác với nơi cư trú để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ (nếu cha, mẹ có nơi cú trú khác nhau) mà người chưa thành niên thường xuyên sinh sống. Tương tự, nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. Người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên có thể có nơi cư trú khác, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của quân nhân là nơi đơn vị của quân nhân đóng quân. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của những người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi thường xuyên sinh sống. Đối với người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiên hành nghề lưu động khác thì nơi cư trú là nơi đăng ký các phương tiện nếu họ không có nơi cư trú khác.
2.2. Pháp nhân
* Khái niệm pháp nhân
Khái niệm pháp nhân được hiểu là: Một tổ chức thống nhất, độc lập, được thành lập một cách hợp pháp. Tổ chức đó có tài sản riêng, chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
* Các điều kiện của pháp nhân
Các điều kiện của pháp nhân được quy định tại Điều 84 BLDS. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập một cách hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2.3. Hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 116 BLDS thì: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Như vậy, có thể coi hộ gia đình là chủ thể hạn chế của quan hệ pháp Luật dân sự.
Trong hộ gia đình, tài sản chung của hộ là tài sản chung hợp nhất và là một thể thống nhất được tạo dựng bởi công sức của các thành viên, được tặng cho, thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung. Pháp Luật dân sự quy định: Quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình là tài sản chung của hộ.
Tư cách chủ thể của hộ gia đình phát sinh đồng thời với việc hình thành hộ gia đình (điều này có tính chất tương tự như pháp nhân). Theo quy định của Điều 106 BLDS, hộ gia đình chỉ được tham gia các quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, vay vốn ở Ngân hàng để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ.
Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do chủ hộ, hoặc người đại diện theo uỷ quyền của chủ hộ đã xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình (Điều 110 BLDS). Khi phải chịu trách nhiệm tài sản, thì tài sản đó là tài sản chung của hộ. Nếu tài sản chung của hộ không đủ để chịu trách nhiệm dân sự, thì các thành viên trong gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trách nhiệm dân sự, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm như cá nhân. Nghĩa là trách nhiệm của hộ gia đình là trách nhiệm vô hạn.
2.4. Tổ hợp tác
Theo quy định tại Điều 111 BLDS thì: “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”.
Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây: Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác; Họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên; Mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên; Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác; Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác.
Theo qui định của pháp luật, có thể hiểu tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp Luật dân sự khi có các điều kiện sau đây:
- Thành viên của tổ hợp tác tối thiểu phải là 3, các cá nhân này phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Tài sản của tổ hợp tác do các thành viên đóng góp. Tài sản này được dùng để chịu trách nhiệm dân sự cho quan hệ dân sự mà tổ hợp tác tham gia;
- Hợp đồng hợp tác phải được chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở.
Hoạt động của tổ hợp tác được thực hiện thông qua đại diện của tổ. Bộ luật dân sự quy định đại diện của tổ hợp tác trong giao dịch dân sự là tổ trưởng do các tổ viên cử ra. Tổ trưởng có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ. Việc uỷ quyền của tổ trưởng cũng phải tuân theo các quy định của Luật dân sự về uỷ quyền. Các giao dịch dân sự do người đại diện xác lập (bao gồm cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền) thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ, được đa số tổ viên nhất trí sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của cả tổ hợp tác.
Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện (tổ trưởng hay đại diện uỷ quyền) xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác. Khi phải chịu trách nhiệm tài sản, thì tài sản chung của cả tổ là cơ sở để xác định trách nhiệm. Trong trường hợp tài sản chung của tổ không đủ để thực hiện nghĩa vụ, thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đã đóng góp bằng tài sản riêng của mình. Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác cũng là trách nhiệm vô hạn (Điều 117 BLDS).
II. TÀI SẢN VÀ QUYỀN SỞ HỮU
1. Tài sản, các loại tài sản
1.1. Khái niệm tài sản
Điều 163 BLDS không định nghĩa thế nào là tài sản mà chỉ quy định mang tính liệt kê: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
1.1.1. Vật
Vật là loại tài sản nhiều nhất, phổ biến và thông dụng nhất trong đời sống con người. Vật phải đáp ứng ba yêu cầu sau:
- Là một bộ phận của thế giới vật chất;
- Con người kiểm soát được;
- Đáp ứng lợi ích cho con người.
1.1.2. Tiền
Giá trị của hàng hoá được xác định bằng lượng lao động kết tinh để sản xuất ra hàng hoá đó. Tiền là thước đo giá trị chung, là giá trị đại diện cho giá trị thực của hàng hoá và là phương tiện lưu thông trong giao lưu dân sự. Với vai trò quan trọng như vậy, tiền được coi là một tài sản quý. Ngoài ra, tiền còn có một khía cạnh chính trị pháp lý đặc biệt, thể hiện tư cách đại diện cho chủ quyền quốc gia. Nhà nước có quyền ấn định giá trị của tiền, phát hành tiền, quản lý việc lưu thông tiền... Người có tiền (chủ sở hữu) khi sử dụng tiền phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Nhà nước.
1.1.3. Giấy tờ có giá
Ngoài tiền có giá trị thanh toán, các loại giấy tờ trị giá được bằng tiền như cổ phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, séc... được sử dụng tương đối rộng rãi, góp phần làm cho giao lưu dân sự trở nên đa dạng, sôi động và phong phú hơn. Những giấy tờ này quy định những khoản tiền cụ thể mà chủ thể được hưởng khi xuất trình trước một tổ chức có trách nhiệm (ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng ...).
1.1.4. Các quyền tài sản
Quyền tài sản phải thoả mãn hai điều kiện là trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Đây là những quyền gắn liền với tài sản mà khi thực hiện các quyền đó chủ sở hữu sẽ có một tài sản. Ví dụ: Quyền đòi nợ, quyền sở hữu công nghiệp...
1.2. Các loại tài sản
Tài sản được phân biệt thành nhiều loại khác nhau dựa theo những căn cứ khác nhau. BLDS phân biệt các loại tài sản sau đây:
1.2.1. Bất động sản và động sản
BLDS Việt Nam đã căn cứ vào tính chất vật lý của tài sản, đồng thời sử dụng phương pháp loại trừ để quy định bất động sản, động sản. Theo phương pháp này, trước hết người ta liệt kê cụ thể các tài sản là bất động sản, sau đó khẳng định “những tài sản không phải bất động sản là động sản”. Điều 174 BLDS quy định bất động sản và động sản như sau:
“1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:
a- Đất đai.
b- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó.
c- Các tài sản khác gắn liền với đất đai.
d- Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
1.2.2. Hoa lợi và lợi tức
Hoa lợi là những vật mới thu được do sự phát triển hữu cơ của một vật mà có, như hoa quả của cây, sữa, trứng, con giống từ con mẹ... Người chủ sở hữu được hưởng hoa lợi theo mối liên hệ nguồn gốc phụ thuộc giữa vật chủ ban đầu với hoa lợi đó.
Lợi tức là món lợi bằng tiền hoặc hiện vật mà chủ sở hữu thu được do việc cho người khác sử dụng tài sản hoặc thực hiện quyền dân sự đối với tài sản.
1.2.3. Vật chính và vật phụ
Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. Vật chính và vật phụ tạo thành một đối tượng thống nhất nên khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ khi có thỏa thuận khác.
1.2.4. Vật chia được và vật không chia được
Về mặt pháp lý, vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng. Ví dụ: Các loại lương thực như gạo, bột mỳ; nhiều vật dụng khác như xăng, dầu, vôi, cát... là vật chia được. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: Tivi, đài, gi.ường, tủ, xe đạp, xe máy... Khi cần phân chia vật không chia được (chia tài sản thừa kế, chia tài sản ly hôn...) thì phải trị giá bằng tiền để chia.
1.2.5. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu: Xà phòng, xi măng, vôi, các loại thực phẩm... Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu: Ti vi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy...
Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn tài sản.
1.2.6. Vật cùng loại và vật đặc tính
Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị do lường thông dụng như kg, lít... Ví dụ: Thóc, gạo, vải vóc, xi măng, vôi, cát... Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.
Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí: nhà ở, xe máy...
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó (mua bán, thuê, mượn tài sản...).
1.2.7. Vật đồng bộ
Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
1.3. Chế độ pháp lý đối với tài sản
Căn cứ vào chế độ pháp lý của tài sản, tài sản được phân biệt theo các chế độ: Tài sản cấm lưu thông, tài sản hạn chế lưu thông và tài sản tự do lưu thông.
1.3.1. Tài sản cấm lưu thông
Những tài sản cấm lưu thông có vai trò to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đối với an ninh quốc phòng hoặc trật tự, trị an xã hội... Nhà nước cấm mua bán, dịch chuyển... Các tài sản này không thể là đối tượng của các giao dịch dân sự. Ví dụ: Ma túy, vũ khí, quân dụng, pháo nổ, các loại động vật hoang dã thuộc danh mục bảo tồn...
1.3.2. Tài sản hạn chế lưu thông
Những tài sản hạn chế lưu thông có ý nghĩa quan trọng khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, an ninh, quốc phòng... Nhà nước thực hiện sự kiểm soát chặt chẽ quá trình dịch chuyển tài sản này bằng những quy định riêng của pháp luật. Những tài sản này có thể là đối tượng của các giao dịch dân sự nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện luật định. Ví dụ: Vàng bạc, ngoại tệ, thuốc chữa bệnh...
1.3.3. Tài sản tự do lưu thông
Tài sản tự do lưu thông là những tài sản mà Nhà nước không có một quy định cụ thể nào xác định trực tiếp đối với việc dịch chuyển tài sản. Đối với những tài sản này, chủ thể được phép tự do mua bán, dịch chuyển chỉ cần đảm bảo tuân thủ những quy định chung của pháp luật về quyền tự do kinh doanh. Đó hầu hết là những tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt tiêu dùng thông thường.
2. Khái niệm quyền sở hữu, nội dung quyền sở hữu
2.1. Khái niệm quyền sở hữu
Khái niệm quyền sở hữu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó quyền sở hữu là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và các tài sản khác trong xã hội.
Ở một góc độ khác, quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự - khi bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ xã hội về sở hữu. Theo nghĩa này, quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố cấu thành là chủ thể, khách thể, nội dung như bất kỳ một quan hệ pháp luật dân sự nào khác.
2.2. Nội dung quyền sở hữu
Xét theo những phương diện khác nhau, chủ sở hữu có đủ ba quyền năng đối với tài sản: Về mặt thực tế chủ sở hữu có quyền chiếm hữu tài sản, về mặt kinh tế chủ sở hữu có quyền sử dụng tài sản, về mặt pháp lý chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản. Ba quyền năng này hợp thành nội dung của quyền sở hữu.
2.2.1. Quyền chiếm hữu
Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản (Điều 182 BLDS).
Thông thường chủ sở hữu tự mình chiếm hữu tài sản. Các trường hợp này chiếm đa số làm người ta dễ dàng đồng nhất người chiếm hữu tài sản với chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp một người đang thực tế chiếm hữu tài sản nhưng lại không phải là chủ sở hữu tài sản đó. Ví dụ: Người thuê, người mượn tài sản... Vì vậy cần có các căn cứ để xem xét việc chiếm hữu của họ có hợp pháp hay không, từ đó áp dụng biện pháp bảo vệ quyền sở hữu một cách phù hợp. Tương ứng như vậy pháp Luật dân sự phân biệt hai hình thức chiếm hữu là chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
- Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
Là việc chiếm hữu tài sản phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
+ Chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản theo ý chí của mình nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
+ Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
+ Người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự;
+ Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
+ Người phát hiện gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc;
+ Các trường hợp khác do pháp luật quy định như việc chiếm hữu tang vật phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án theo chức năng và thẩm quyền luật định của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án.
- Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật
Là việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể đó là việc chiếm hữu tài sản của một người mà không thuộc về bất cứ trường hợp nào của việc chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật.
Trong thực tế, một người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật một tài sản sẽ được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình nếu người đó không biết và không thể biết việc chiếm hữu đó là không có căn cứ pháp luật. Mặt khác, nếu người đó biết hoặc tuy không biết nhưng buộc phải biết việc chiếm hữu đó là không có căn cứ pháp luật mà vẫn chiếm hữu sẽ bị coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình.
2.2.2. Quyền sử dụng
Quyền sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản (Điều 198 BLDS).
Như vậy, thực hiện quyền sử dụng chính là việc con người khai thác những lợi ích của tài sản để thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần phát sinh trong đời sống của mình. Việc khai thác những lợi ích này bao gồm cả việc con người thu nhận những kết quả do tài sản mang lại như thu hoạch hoa, quả, hưởng trứng của gia cầm, hưởng tiền do cho người khác thuê tài sản...
Việc sử dụng một tài sản thông thường do chủ sở hữu thực hiện theo ý chí và phù hợp với lợi ích riêng của mình, đồng thời phải đảm bảo không gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là nguyên tắc quan trọng đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích riêng của chủ sở hữu với lợi ích chung của xã hội khi tiến hành khai thác công dụng, giá trị của tài sản.
Ngoài ra, người không phải chủ sở hữu nào cũng có quyền sử dụng tài sản trong trường hợp được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng thông qua giao dịch dân sự hoặc theo quy định của pháp luật. Những người này có quyền sử dụng tài sản theo đúng tính năng, công dụng của tài sản, đúng phương thức như đã thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc do luật định.
2.2.3. Quyền định đoạt
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó (Điều 195 BLDS).
Như vậy, có hai hình thức định đoạt tài sản:
- Định đoạt số phận thực tế của tài sản: Là việc chủ sở hữu bằng hành vi của mình làm cho tài sản không còn trong thực tế... Ví dụ: tiêu dùng hết, hủy bỏ tài sản...
- Định đoạt số phận pháp lý của tài sản: Là việc chủ sở hữu dịch chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác thông qua các giao dịch dân sự như bán, trao đổi, tặng cho tài sản...
Chủ sở hữu có thể tự mình thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản nhưng cũng có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền định đoạt tài sản chỉ được thực hiện các hành vi trong khuôn khổ được ủy quyền và phù hợp với ý chí của chủ sở hữu.
Tuy vậy, quyền định đoạt của chủ sở hữu cũng bị hạn chế trong một số trường hợp nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp, chính đáng khác.
3. Các hình thức sở hữu
Điều 15 Hiến pháp 1992 quy định: “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”. Như vậy, Hiến pháp đã xác nhận các chế độ sở hữu trong xã hội ta đó là: Sở hữu toàn dân - sở hữu tập thể - sở hữu tư nhân. Trên cơ sở các các chế độ sở hữu mà Hiến pháp quy định, BLDS đã quy định hình thức sở hữu dựa trên những quy định của Hiến pháp về chế độ sở hữu.
3.1. Sở hữu nhà nước
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản thuộc sở hữu toàn dân (Điều 201 BLDS).
* Quyền sở hữu nhà nước hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quy phạm pháp luật xác nhận quan hệ sở hữu toàn dân trong xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu nhà nước bao gồm:
- Xác nhận nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ thể thực hiện quyền của chủ sở hữu với tài sản thuộc sở hữu nhà nước;
- Quy định về nội dung, trình tự, phạm vi cũng như cách thức thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước;
- Quy định những biện pháp thực tế cũng như pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu nhà nước.
* Theo nghĩa hẹp quyền sở hữu nhà nước là quyền của Nhà nước với tư cách là chủ thể có quyền năng của một chủ sở hữu đối với các tài sản: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
- Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ thể của quyền sở hữu nhà nước. Khác với các chủ thể khác khi tham gia vào các quan hệ dân sự, Nhà nước là chủ thể đặc biệt. Nhà nước là tổ chức phức hợp gồm những cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được kết cấu thành một tổ chức thống nhất có phân rõ quyền của các cơ quan nhà nước. Việc phân quyền cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của nhà nước được cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội - quy định bằng những văn bản pháp luật. Khoản 2 Điều 201 BLDS quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân”.
- Khách thể của sở hữu toàn dân: Là những tài sản mà pháp luật quy định thuộc sở hữu toàn dân. Khách thể của quyền sở hữu toàn dân rất đa dạng và không bị hạn chế về loại tài sản. Điều 17 Hiến pháp 1992, Điều 200 BLDS đã ghi nhận một cách khái quát nhất những tài sản thuộc sở hữu nhà nước:
“Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định”.
- Nội dung quyền sở hữu nhà nước
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Cũng như các chủ sở hữu khác Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Khác với các chủ thể khác, Nhà nước thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu bằng việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, trong đó qui định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
3.2. Sở hữu tập thể
Là một phạm trù pháp lý, quyền sở hữu tập thể là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu tập thể, bao gồm những quy định về các căn cứ phát sinh quyền sở hữu tập thể, trình tự chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu tập thể. Thông qua các quy định của pháp luật, nhà nước bảo đảm và tôn trọng quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, không can thiệp vào hoạt động của tập thể. Ngoài ra bằng những chính sách kinh tế, xã hội nhà nước còn tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để giúp kinh tế tập thể phát triển dưới sự quản lý của nhà nước.
- Chủ thể
Chủ thể của sở hữu tập thể là các “hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế tập thể ổn định khác” Điều 208 BLDS. Luật hợp tác xã năm 1996 và các Nghị định của Chính phủ ban hành kèm theo các điều lệ mẫu các loại hình hợp tác xã đã quy định các loại hình tổ chức của kinh tế tập thể.
Mỗi hợp tác xã là một chủ thể riêng biệt - là một pháp nhân và là chủ sở hữu đối với các tài sản của mình. Hợp tác xã là chủ sở hữu thống nhất mà không phụ thuộc vào số lượng thành viên của hợp tác xã. Sở hữu của hợp tác xã không phải là sở hữu chung theo phần của các xã viên bởi nguồn tạo thành của sở hữu chung theo phần của các xã viên không chỉ do các xã viên đóng góp mà còn được tạo lập từ các nguồn khác như: trích phần lợi nhuận để tái sản xuất, tái sản xuất mở rộng, được nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác tạo thành. Khối tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã là một thể thống nhất. Việc thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, do các cơ quan của hợp tác xã quyết định phù hợp với mục đích được quy định trong điều lệ. Việc phân chia thành quả lao động, hoa lợi, lợi tức của hợp tác xã theo phương thức được quyết định bởi cơ quan cao nhất của hợp tác xã.
- Khách thể của sở hữu tập thể
Tài sản thuộc sở hữu tập thể bao gồm tất cả các tư liệu sản xuất phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phụ, các loại vốn, quỹ, các loại tài sản từ nguồn đóng góp của các xã viên, các thu nhập từ các loại hoạt động kinh doanh hợp pháp, từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nội dung của sở hữu tập thể
Mỗi hợp tác xã là một tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có tư cách pháp nhân được thành lập theo trình tự thừa nhận, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng cùng sản xuất, kinh doanh, cùng hưởng lợi.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc sở hữu hợp tác xã cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật phù hợp với điều lệ của hợp tác xã, bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Đại hội xã viên của hợp tác xã quyết định phương hướng sản xuất, kinh doanh, giao các tài sản thuộc sở hữu tập thể cho các thành viên trực tiếp khai thác công dụng, giá trị. Các thành viên khi sử dụng tài sản của hợp tác xã giao cho phải sử dụng đúng mục đích, phải bảo quản, giữ gìn tài sản được chuyển giao, không được dịch chuyển tài sản cho người khác.
Ban quản trị, chủ nhiệm hợp tác xã, cơ quan thường trực giữa các kỳ đại hội xã viên (đại hội đại biểu xã viên, đại hội cổ đông) có kế hoạch quản lý thực hiện các nghị quyết của đại hội xã viên; quản lý, điều hành, kiểm tra việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu tập thể có hiệu quả, phù hợp với điều lệ và pháp luật.
Đối với sở hữu tập thể trong một số lĩnh vực do tính đặc thù là sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân (vốn do nhà nước cấp để xây dựng các công trình công cộng, kết cấu hạ tầng, đất đai...), Chính phủ quy định thể thức sử dụng, quản lý tài sản cho phù hợp với từng loại hình hợp tác xã.
3.3. Sở hữu tư nhân
Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện chính sách kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật. Các doanh nghiệp không phân biệt quan hệ sở hữu đều tự chủ kinh doanh, hợp tác cạnh tranh nhau, bình đẳng trước pháp luật”. Điều này đã được Hiến pháp ghi nhận: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.
* Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu tư nhân là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc quyền sở hữu của mỗi cá nhân.
* Theo nghĩa hẹp, quyền sở hữu tư nhân còn được hiểu là những quyền dân sự cụ thể của một cá nhân cụ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của họ.
- Quyền sở hữu tư nhân bao gồm: Sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân (Điều 211 BLDS). Việc phân định sở hữu tư nhân thành ba loại hình sở hữu khác nhau là căn cứ vào đối tượng sở hữu và cách thức tác động lên đối tượng sở hữu đó: Cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân.
- Chủ thể quyền sở hữu tư nhân
Chủ thể quyền sở hữu tư nhân là từng cá nhân. Bất kỳ cá nhân nào có năng lực pháp luật đều có thể trở thành chủ sở hữu tài sản mà không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi.
- Khách thể quyền sở hữu tư nhân
Khách thể quyền sở hữu tư nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân. Tài sản thuộc sở hữu tư nhân được quy định tại Điều 58 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa ở Điều 212 BLDS: “Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Cá nhân không được sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc sở hữu tư nhân”.
- Nội dung quyền sở hữu tư nhân
Nội dung quyền sở hữu tư nhân là tổng hợp các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt cùng các nghĩa vụ của chủ sở hữu khi thực hiện các quyền năng đó đối với các tài sản thuộc sở hữu của mình.
Nếu như tất cả mọi cá nhân đều có quyền sở hữu đối với tài sản thì vấn đề thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu không phải tất cả mọi người như nhau. Chỉ những cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi mới có đầy đủ các quyền để tự mình thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ.
Khi thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu tư nhân, chủ sở hữu phải “không được gây thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Ngoài ra trong trường hợp do pháp luật quy định, chủ sở hữu còn có những nghĩa vụ khác khi thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt như nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 263 BLDS), nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (Điều 264 BLDS)...
3.4. Sở hữu chung
Sở hữu chung là hình thức sở hữu trong đó hai hay nhiều chủ sở hữu đều là chủ sở hữu đối với một tài sản, một khối tài sản. Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung. Những chủ sở hữu trong quyền sở hữu chung được gọi là các đồng sở hữu chủ.
Theo qui định của pháp luật, có các loại sở hữu chung sau đây:
- Sở hữu chung theo phần
Là hình thức sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung (Điều 216 BLDS). Trong sở hữu chung theo phần, mỗi đồng sở hữu chủ có phần quyền xác định đối với toàn bộ khối tài sản mà không phải là quyền đối với phần tài sản. Phần quyền xác định này có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau và thường được biểu hiện thông qua đơn vị số học xác định 1/2 - 1/4 đối với tài sản. Tỷ lệ này được xác định căn cứ vào phần đóng góp của các đồng sở hữu chủ hoặc phần họ được trong khối di sản thừa kế...
Việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung theo phần của từng đồng sở hữu chủ là việc mỗi đồng sở hữu định đoạt phần quyền của họ trong khối tài sản chung. Nếu các đồng sở hữu chủ có thoả thuận về phương thức định đoạt thì mỗi đồng sở hữu chủ phải định đoạt theo phương thức đó. Trong trường hợp các đồng sở hữu chủ không thoả thuận về phương thức định đoạt thì mỗi đồng sở hữu chủ có quyền định đoạt phần quyền của mình thông qua các hình thức: Bán, tặng cho, trao đổi, thừa kế hoặc từ bỏ quyền sở hữu.
Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền của mình, thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các đồng sở hữu chung nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Nếu một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế, thì phần quyền sở hữu đó thuộc về nhà nước.
Mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, nếu các chủ sở hữu chung có thoả thuận chỉ được chia sau một thời hạn nhất định thì quyền yêu cầu chia tài sản chỉ được thực hiện khi hết thời hạn đó. Khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia. Chủ nợ của một trong các đồng sở hữu chung cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Sở hữu chung hỗn hợp
Sở hữu chung hỗn hợp là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn góp của các chủ sở hữu, lợi nhuận hợp pháp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp phải tuân theo quy định tại Điều 216 của BLDS và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận.
- Sở hữu chung hợp nhất
Là sở hữu chung trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung (khoản 1 Điều 218 BLDS). Các đồng sở hữu chủ có quyền ngang nhau đối với khối tài sản chung trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung nếu không có thoả thuận khác. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
- Sở hữu chung của cộng đồng
Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn ấp, làng bản, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên cộng đồng cùng nhau đóng góp, được tặng, cho chung... nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý sử dụng, định đoạt tài sản chung theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm phần diện tích, trang thiết bị dùng chung (cầu thang, hệ thống điện, nước... ) chủ sở hữu các hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung.
4. Bảo vệ quyền sở hữu
4.1. Khái niệm bảo vệ quyền sở hữu
Có rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu, trước tiên chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ quyền sở hữu của mình bằng những cách thức, biện pháp, phương tiện phù hợp với quy định của pháp luật bao gồm cả các hành vi tích cực nhằm chống trả hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình (phòng vệ chính đáng).
Ngoài ra, các biện pháp pháp lý đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu. Nhà nước sử dụng pháp luật như là một công cụ quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu cũng như ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các chủ thể và giáo dục mọi công dân tôn trọng quyền sở hữu như là một quyền dân sự tuyệt đối. Với ý nghĩa này bảo vệ quyền sở hữu không chỉ đơn thuần là một chế định trong Luật dân sự mà nó còn được thể hiện ở nhiều ngành luật khác.
Mỗi ngành luật có những cách thức, biện pháp riêng trong việc bảo vệ quyền sở hữu mang đặc thù của phương pháp điều chỉnh của ngành luật đó. Luật dân sự bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những phương thức kiện dân sự nhằm phục hồi tình trạng tài sản của người bị xâm hại. Tuỳ theo các hành vi xâm phạm quyền sở hữu mà áp dụng các hình thức kiện khác nhau và các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng khác nhau như: công nhận quyền sở hữu của một chủ thể, buộc phải chấm dứt hành vi cản trở chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu, đòi lại tài sản bị chiếm hữu bất hợp pháp, yêu cầu bồi thường thiệt hại....
Tuy nhiên, các phương thức kiện dân sự có những ưu điểm riêng và được áp dụng rộng rãi nhất trong thực tế bởi các lý do sau:
- Tạo điều kiện cho chủ sở hữu khắc phục những thiệt hại về vật chất do các hành vi xâm phạm gây ra với mục đích phục hồi tình trạng tài sản như trước khi bị xâm phạm, ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
- Tự người có quyền bị xâm phạm chủ động yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của mình.
- Trong mọi trường hợp đều có thể áp dụng phương thức kiện dân sự; các biện pháp hình sự, hành chính chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật hành chính, hình sự.
4.2. Các phương thức kiện dân sự bảo vệ quyền sở hữu
4.2.1. Kiện đòi lại tài sản
Điều 255 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”. Việc đòi lại tài sản không được áp dụng trong trường hợp quyền sở hữu đã được xác lập theo thời hiệu của người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai đối với tài sản. Việc kiện đòi lại tài sản được áp dụng theo những điều kiện sau:
- Đối với nguyên đơn: Người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
- Đối với bị đơn: Người bị kiện là người đang thực tế chiếm hữu vật bất hợp pháp.
- Đối tượng trong vụ kiện: Vật do người chiếm hữu bất hợp pháp đang chiếm hữu cùng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản trong thời gian chiếm hữu bất hợp pháp. Vật, tài sản là đối tượng của việc kiện đang còn.
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Người chiếm hữu bất hợp pháp nhưng ngay tình chỉ phải trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật, họ được quyền yêu cầu người đã dịch chuyển tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.
Người chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình có quyền yêu cầu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải hoàn trả các chi phí sửa chữa, bảo quản và làm tăng giá trị tài sản.
Người chiếm hữu, sử dụng tài sản được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và không ngay tình phải trả lại tài sản cùng hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
4.2.2. Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
Quyền sở hữu là một quyền tuyệt đối “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 165 BLDS). Mọi chủ thể khác đều phải tôn trọng chủ sở hữu thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, không được làm bất cứ điều gì cản trở chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu của họ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó. Nếu người có hành vi cản trở trái pháp luật không tự nguyện chấm dứt thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp còn có quyền yêu cầu toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn buộc người có hành vi cản trở phải chấm dứt các hành vi đó.
4.2.3. Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Điều 260 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại”. Quy định này được áp dụng trong các trường hợp người chiếm hữu bất hợp pháp đã dịch chuyển tài sản cho người khác hoặc tài sản bị tiêu hủy, hư hỏng do lỗi của người chiếm hữu bất hợp pháp hoặc hành vi cản trở đã gây thiệt hại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra nếu tài sản giao dịch bị tịch thu, sung công qũy nhà nước hoặc buộc phải trả cho người có quyền nhận thì người thứ ba ngay tình cũng có quyền yêu cầu người xác lập giao dịch với mình phải bồi thường thiệt hại.
4.3. Những quy định về nghĩa vụ và quyền của chủ sở hữu
Chủ sở hữu là một loại chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự nhưng đồng thời là chủ thể của quan hệ xã hội nói chung. Bởi vậy quyền của chủ sở hữu bị giới hạn bởi lợi ích của cộng đồng, lợi ích của xã hội và lợi ích của các chủ thể khác. Cho nên, trong một số trường hợp nhất định chủ sở hữu bị hạn chế thực hiện quyền sở hữu. Việc hạn chế chủ sở hữu thực hiện các quyền năng của họ lại là quyền của những chủ sở hữu khác có những quyền nhất định đối với tài sản của người khác. Những hạn chế của chủ sở hữu khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của mình và quyền của một chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác được Bộ luật dân sự quy định trong mục: Những qui định khác về quyền sở hữu.
4.3.1. Nghĩa vụ của chủ sở hữu
- Trong tình thế cấp thiết, khi một người muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn thì chủ sở hữu không được cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản của mình để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra (Điều 262 BLDS).
- Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường không được làm ô nhiễm môi trường, nếu làm ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và phải bồi thường thiệt hại (Điều 268 BLDS).
- Chủ sở hữu phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền sở hữu để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 264 BLDS).
- Khi thực hiện các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản liền kề trên không, ở mặt đất cũng như dưới lòng đất, chỉ được xây dựng, trồng cây, làm các công trình dưới lòng đất trong phạm vi khuôn viên thuộc quyền sử dụng đất của mình đảm bảo không ảnh hưởng đến chủ sở hữu liền kề và xung quanh. Trong trường hợp các công trình xây dựng, cây cối có nguy cơ đe doạ sự an toàn thì chủ sở hữu phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục cần thiết để loại trừ các nguy cơ đó, nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.
4.3.2. Quyền của chủ sở hữu
Để thực hiện các quyền đối với tài sản của mình, trong nhiều trường hợp chủ sở hữu phải sử dụng bất động sản liền kề không thuộc sở hữu của mình thì mới có thể khai thác hoặc khai thác chúng có hiệu quả. Điều 273 BLDS quy định: “Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất, có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để đảm bảo các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước,cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác”. Chủ sở hữu có một số quyền sau:
- Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề;
- Quyền mắc đường dây tải điện;
- Quyền về cấp, thoát nước, tưới tiêu nước; ...
III. NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
1. Khái niệm chung về nghĩa vụ dân sự
1.1. Khái niệm nghĩa vụ dân sự
Khái niệm nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 280 BLDS: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền)”.
Theo quy định trên thì trong quan hệ nghĩa vụ dân sự phải có ít nhất là hai bên (bên có quyền, bên có nghĩa vụ) mỗi bên có thể có một hoặc nhiều chủ thể tham gia. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu của bên có quyền, nếu không thực hiện, thực hiện không đúng yêu cầu thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý nhất định.
1.2. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự
Khi tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ nhất định, các chủ thể sẽ thực hiện quyền yêu cầu của mình và bên kia phải thực hiện đúng các yêu cầu đó. Hành vi của các chủ thể tác động vào một vật cụ thể mà các bên đã thỏa thuận. Vật đó là đối tượng của nghĩa vụ. Trong quan hệ khác hành vi của các chủ thể tác động đến một công việc nhất định. Công việc đã được xác định là đối tượng của nghĩa vụ. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định trước. Khi tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, các chủ thể phải thỏa thuận cụ thể, rõ ràng sẽ chuyển giao vật gì, đã có trong hiện tại hoặc sẽ có trong tương lai; nếu là một công việc, thì công việc gì, chất lượng, kết quả công việc đó như thế nào?
- Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản được phép giao dịch hoặc công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái với đạo đức xã hội.
Nếu đối tượng của nghĩa vụ là vật thì vật này không bị pháp luật cấm giao dịch. Nếu là vật hạn chế giao dịch thì khi chuyển giao cho chủ thể khác phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước về chuyển giao đó (vàng, ngoại tệ...).
1.3. Các yếu tố của nghĩa vụ dân sự
1.3.1. Chủ thể
Với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự, nghĩa vụ gồm ba yếu tố hợp thành: Chủ thể, khách thể, nội dung. Chủ thể của nghĩa vụ là cá nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia vào quan hệ nghĩa vụ mà họ có các quyền, nghĩa vụ do pháp luật quy định hoặc do thỏa thuận. Các chủ thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Nếu bên có quyền hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng quyền hoặc nghĩa vụ của mình thì theo yêu cầu của bên kia phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ đó; trong trường hợp gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại.
Trong quan hệ nghĩa vụ, tư cách của các chủ thể có thể bị thay đổi, tùy thuộc vào quan hệ nghĩa vụ đó là song vụ hay đơn vụ. Trong quan hệ song vụ, nếu một bên chủ thể vừa mang quyền vừa mang nghĩa vụ, thì quyền của chủ thể này tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại.
1.3.2. Khách thể
Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự về nghĩa vụ là các hành vi của các chủ thể như: Chuyển vật, chuyển quyền hoặc thực hiện, không thực hiện một công việc. Hành vi của các chủ thể được thể hiện dưới hai dạng: Hành động và không hành động. Thông qua các hành vi này mà các chủ thể thỏa mãn được nhu cầu của mình. Ngược lại, nếu không thực hiện đúng các hành vi đó sẽ xâm hại đến lợi ích của bên kia. Hành vi của các chủ thể phải phù hợp với quy định của pháp luật và khi thực hiện không được gây thiệt hại cho người khác.
1.3.3. Nội dung
Trong nghĩa vụ, người có quyền sẽ thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với người có nghĩa vụ. Bên kia (người có nghĩa vụ) phải thực hiện các hành vi theo yêu cầu của bên có quyền. Tổng hợp các quyền và các nghĩa vụ của chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật về nghĩa vụ.
Trong quan hệ nghĩa vụ có nhiều chủ thể tham gia, phải xác định mỗi chủ thể được phép thực hiện các yêu cầu nào và ngược lại chủ thể khác phải thực hiện nghĩa vụ đó đến đâu, từ đó mới có thể xác định được chủ thể nào đã thực hiện xong nghĩa vụ và chủ thể nào chưa thực hiện xong nghĩa vụ.
1.4. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ
1.4.1. Hợp đồng dân sự
Hợp đồng là sự kiện pháp lý phổ biến làm phát sinh nghĩa vụ. Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
1.4.2. Hành vi pháp lý đơn phương
Khác với hợp đồng dân sự, hành vi pháp lý đơn phương là hành vi của một chủ thể, họ tự mình thực hiện một hành vi pháp lý. Hành vi này sẽ là căn cứ phát sinh những hậu quả pháp lý, nếu có chủ thể thứ hai tham gia. Ví dụ như: Hứa thưởng, thi có giải…
Trong trường hợp trên, bên tuyên bố hứa thưởng có nghĩa vụ trả thưởng hoặc trao giải thưởng như đã công bố.
1.4.3. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Thông thường, chủ sở hữu tự mình thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc chuyển cho người khác chiếm hữu, sử dụng tài sản (cho mượn, gửi giữ, cho thuê...).
Trong thực tế có nhiều trường hợp người không phải chủ sở hữu có hành vi bất hợp pháp như: Trộm cắp, cướp hoặc mua tài sản bị trộm cắp mà mình biết. Hoặc có trường hợp một người tự nhiên có tài sản mà chính họ cũng không biết tài sản đó là của người khác, họ coi tài sản đó là của mình (nhận thừa tiền của người khác trả...). Những trường hợp trên là căn cứ phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa người đang có tài sản của người khác với chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó và bồi thường thiệt hại nếu có.
1.4.4. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật
Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác thì chủ thể gây thiệt hại có nghĩa vụ khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra như: Chi phí để phục hồi tình trạng sức khoẻ của người bị thiệt hại; sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bồi thường thiệt hại về tài sản bị mất, bị hao hụt hoặc những chi phí khác để khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.
1.4.5. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Trường hợp một người tự thực hiện một công việc nào đó của người khác mà không có ủy quyền của người chủ sở hữu công việc, thì phải thực hiện công việc đó vì lợi ích của người chủ sở hữu công việc. Sau khi thực hiện xong công việc, người tự thực hiện công việc không có ủy quyền phải bàn giao kết quả công việc cho người chủ sở hữu công việc và có quyền yêu cầu chủ sở hữu công việc đó phải hoàn trả cho mình những chi phí cần thiết để thực hiện công việc. Nếu trong quá trình thực hiện, người tự thực hiện công việc không có ủy quyền gây thiệt hại đối với công việc đó thì phải bồi thường thiệt hại cho người chủ sở hữu công việc.
1.4.6. Các căn cứ khác do pháp luật quy định
Các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật.
1.5. Thực hiện nghĩa vụ dân sự
1.5.1. Khái niệm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Sau khi quan hệ nghĩa vụ dân sự đã phát sinh, các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như đã thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Các chủ thể phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình như: đúng về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức...
Trường hợp các bên không thực hiện đúng những nội dung trên thì phải chịu trách nhiệm dân sự.
1.5.2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ
Người có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng thì các bên phải thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của mình do pháp luật quy định đối với loại hợp đồng đó mà các bên tham gia.
Nếu nghĩa vụ ngoài hợp đồng như: Nghĩa vụ phát sinh do gây thiệt hại thì người gây thiệt hại phải khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra...
Bản chất của quan hệ dân sự là tự nguyện và vì lợi ích của các bên. Cho nên, khi đã tham gia vào một quan hệ dân sự nào đó, các bên phải tự giác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình và không được lừa dối, ép buộc nhau để mưu cầu lợi ích cho riêng mình hoặc cho người thứ ba.
1.6. Phân loại nghĩa vụ dân sự
1.6.1. Nghĩa vụ liên đới
Là loại nghĩa vụ mà trong đó bên có nghĩa vụ hoặc bên có quyền có từ hai người trở lên tham gia. Nếu bên có nghĩa vụ có nhiều người thì người có quyền được phép yêu cầu một người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có quyền có nhiều người thì một người có quyền thay mặt tất cả người khác yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi bên có quyền đã tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ do bên có nghĩa vụ thực hiện thì nghĩa vụ liên đới chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ hoàn lại giữa những người có quyền liên đới hoặc có nghĩa vụ liên đới (nếu có). Nghĩa vụ liên đới được phát sinh do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
1.6.2. Nghĩa vụ riêng rẽ
Trường hợp nhiều người cùng tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ mà các quyền hoặc nghĩa vụ của mỗi người độc lập với nhau thì quyền của ai người đó yêu cầu và nghĩa vụ của ai người đó phải thực hiện. Người nào thực hiện quyền yêu cầu của mình xong hoặc thực hiện nghĩa vụ xong thì quan hệ nghĩa vụ chấm dứt đối với người đó.
1.6.3. Nghĩa vụ theo phần
Nếu đối tượng của nghĩa vụ có thể phân chia được thành từng phần để thực hiện thì người có nghĩa vụ phải thực hiện từng phần của nghĩa vụ đúng thời hạn, phương thức, địa điểm như đã thỏa thuận.
Trường hợp người có nghĩa vụ vi phạm phần nghĩa vụ nào thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với phần nghĩa vụ đó và căn cứ vào thời hạn của từng phần nghĩa vụ để xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện về vi phạm nghĩa vụ.
1.7. Trách nhiệm dân sự
1.7.1. Khái niệm trách nhiệm dân sự
Là hậu quả pháp lý được áp dụng đối với người vi phạm nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm dân sự thường mang tính chất tài sản vì hành vi khắc phục hậu quả của người vi phạm liên quan đến một tài sản nhất định (sửa chữa tài sản, bồi thường thiệt hại) hoặc mang tính chất phi tài sản (bồi thường thiệt hại về tinh thần,...). Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người vi phạm nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng tài sản và các quyền, lợi ích ban đầu cho người bị vi phạm.
1.7.2. Phân loại trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
* Trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ
Trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì buộc họ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đó để đáp ứng yêu cầu của bên có quyền. Người có nghĩa vụ có thể không thực hiện đúng về đối tượng, địa điểm, thời gian hoặc phương thức thực hiện nghĩa vụ tuy chưa gây thiệt hại về tài sản cho bên có quyền, nhưng bên vi phạm vẫn phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đó theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (xem thêm phần Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)
Khi một người thực hiện không đúng nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho người có quyền hoặc một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho người khác thì giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại phát sinh một quan hệ nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Có thiệt hại
Người vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của người khác mà gây ra thiệt hại về tài sản cho người bị thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó.
Thiệt hại là sự hao hụt, mất mát về tài sản, giảm sút về sức khỏe, tổn thất tinh thần... Trường hợp thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín nếu làm phát sinh thiệt hại về tài sản thì người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại về tài sản đó.
Thiệt hại về tinh thần không thể xác định được cụ thể giá trị là bao nhiêu, vì vậy, người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
- Người gây thiệt hại có lỗi
+ Lỗi cố ý: Người không thực hiện nghĩa vụ hoặc có hành vi trái pháp luật mà nhận thức được rõ hành vi của mình sẽ gây ra một hậu quả xấu cho người khác, nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Người gây thiệt hại có thể mong muốn hậu quả đó đến hoặc không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng để mặc nó xảy ra.
+ Lỗi vô ý: Khi một người thực hiện một hành vi mà không thấy trước hành vi đó sẽ gây ra thiệt hại mặc dù có thể biết trước hoặc buộc phải biết trước hậu quả sẽ xảy ra.
Ngoài các điều kiện trên, trong khoa học pháp lý còn phân loại dựa trên các yếu tố khác, từ đó xác định chính xác trách nhiệm dân sự của người gây thiệt hại, như: Xét hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
2.1. Cầm cố tài sản
2.1.1. Khái niệm cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ không đúng hạn hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình, thì bên có quyền sẽ xử lý tài sản cầm cố đó để thanh toán nghĩa vụ
2.1.2. Đối tượng của cầm cố tài sản
Đối tượng của cầm cố là tài sản (động sản, bất động sản). Đối tượng của cầm cố là tài sản phải được phép giao dịch và thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố tài sản hoặc người cầm cố có quyền định đoạt tài sản đó (tài sản được người khác cho phép cầm cố, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước).
Những tài sản và quyền tài sản sau đây không được cầm cố:
- Tài sản không được phép giao dịch;
- Tài sản đang bị tranh chấp;
- Tài sản bị niêm phong để thi hành án;
- Tài sản đang bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giữ;
- Các quyền tài sản gắn liền với nhân thân (quyền yêu cầu cấp dưỡng)...
2.1.3. Hình thức của cầm cố
Hình thức cầm cố bằng văn bản. Việc cầm cố có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi ngay vào trong hợp đồng chính (hợp đồng cho vay). Nếu lập riêng văn bản cầm cố thì cần phải thể hiện nội dung cụ thể là bảo đảm cho hợp đồng nào, giá trị hợp đồng là bao nhiêu... Nếu tài sản cầm cố đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ thì phải lập thành nhiều bản và đăng kí cầm cố.
2.1.4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
* Bên nhận cầm cố
Bên nhận cầm cố có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản cầm cố, không được sử dụng tài sản cầm cố. Khi hết hạn của hợp đồng chính, bên nhận cầm cố phải trả lại tài sản cầm cố và các giấy tờ có liên quan mà mình đã nhận. Trường hợp làm hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại.
* Bên cầm cố
Bên cầm cố là người có nghĩa vụ trong hợp đồng chính, có nghĩa vụ chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố giữ. Nếu tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì phải đăng kí việc cầm cố.
Trường hợp người nhận cầm cố phải chi phí bảo quản tài sản cầm cố thì phải thanh toán những chi phí đó.
Bên cầm cố có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố hoàn trả tài sản khi thực hiện xong nghĩa vụ của mình trong hợp đồng chính.
2.1.5. Xử lý tài sản cầm cố
Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ chính mà bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố như đã thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố hoặc có quyền bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
2.2. Thế chấp tài sản
2.2.1. Khái niệm thế chấp tài sản
Thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
2.2.2. Đối tượng của thế chấp
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tài sản đem thế chấp phải là những tài sản được phép lưu thông và phải bán được.
2.2.3. Hình thức của thế chấp
Thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
2.2.4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
* Bên nhận thế chấp:
Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của BLDS phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;
- Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;
- Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
- Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;
- Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 336 của BLDS và được ưu tiên thanh toán.
- Có quyền yêu cầu bên thế chấp chuyển giao các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp. Có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định.
- Bên nhận thế chấp có nghĩa vụ giữ gìn giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp mà bên thế chấp chuyển cho và trả lại giấy tờ đó nếu bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ.
* Bên thế chấp:
Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
- Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp;
- Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của BLDS;
- Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận;
- Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;
- Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán;
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý;
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác như chuyển các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản của mình cho bên nhận thế chấp. Nếu bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu cầu bên nhận thế chấp trả lại giấy tờ mà mình đã chuyển cho. Bên thế chấp có quyền sử dụng tài sản thế chấp nhưng không được định đoạt cho người khác.
2.2.5. Xử lý tài sản thế chấp
Được áp dụng như xử lý tài sản cầm cố.
2.3. Bảo lãnh
2.3.1. Khái niệm
Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
2.3.2. Hình thức của bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
2.3.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh
* Bên nhận bảo lãnh:
Là bên có quyền trong nghĩa vụ chính, có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải đôn đốc, kiểm tra bên được bảo lãnh thực hiện tốt nghĩa vụ đúng kỳ hạn, có quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh như đã thỏa thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá tài sản của bên bảo lãnh khi bên được bảo lãnh thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình.
* Bên bảo lãnh:
Là người thứ ba không trực tiếp tham gia nghĩa vụ chính nhưng sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính (người được bảo lãnh). Bên bảo lãnh có nghĩa vụ phải thực hiện thay cho người được bảo lãnh nếu người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Như vậy, hết hạn phải thực hiện nghĩa vụ mà người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có khả năng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay. Nghĩa vụ được chuyển từ người được bảo lãnh cho người bảo lãnh. Tuy nhiên, quan hệ nghĩa vụ chưa chấm dứt giữa người được bảo lãnh và bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
Nếu một nghĩa vụ có nhiều người cùng bảo lãnh thì cần phải thỏa thuận về phạm vi và phương thức bảo lãnh. Nếu các bên không thỏa thuận thì tất cả những người bảo lãnh có nghĩa vụ liên đới cùng bảo lãnh cho bên có nghĩa vụ. Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu một trong những người bảo lãnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một người bảo lãnh thì những người bảo lãnh còn lại vẫn có nghĩa vụ liên đới thực hiện việc bảo lãnh.
2.3.4. Chấm dứt việc bảo lãnh
Bảo lãnh được chấm dứt trong những trường hợp sau:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Theo thỏa thuận của các bên.
2.4. Đặt cọc
2.4.1. Khái niệm
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị khác để làm tin và đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc được đảm bảo cho giai đoạn nào của một hợp đồng tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Để chuẩn bị cho việc đặt cọc, thông thường những người có tài sản là đối tượng của hợp đồng chuẩn bị kí kết yêu cầu bên kia đặt một số tiền hoặc tài sản để bảo đảm cho việc kí kết hợp đồng. Khi một bên đã đặt tiền hoặc tài sản hoặc đã nhận tiền hoặc tài sản của người khác sẽ kí kết hợp đồng nếu không kí hợp đồng thì sẽ bị xử lý tài sản đặt cọc. Đối với bên đặt cọc khi đặt tiền hoặc tài sản họ thể hiện sự quyết tâm của mình là sẽ tham gia hợp đồng. Vì vậy, đặt cọc vừa là đặt một “niềm tin” vừa là biện pháp đảm bảo cho việc kí kết hợp đồng.
Có thể các bên đã kí hợp đồng rồi vẫn thỏa thuận về việc đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Nếu một bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng, ngoài việc chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng mà còn bị xử lý tài sản đặt cọc.
Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận đặt cọc đảm bảo cho việc kí kết và thực hiện hợp đồng. Trường hợp này, các bên vi phạm ở giai đoạn nào thì xử lý tài sản đặt cọc ở giai đoạn đó.
Tài sản đặt cọc vừa mang tính chất đảm bảo nghĩa vụ, vừa là một số tiền thanh toán nghĩa vụ nếu bên đặt cọc thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
2.4.2. Chủ thể đặt cọc
* Bên nhận đặt cọc:
Bên nhận đặt cọc là bên nhận một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc các vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện, thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng, thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng, thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
* Bên đặt cọc:
Là bên đặt một số tiền, tài sản cho bên kia để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Trường hợp bên đặt cọc không kí kết hoặc thực hiện hợp đồng thì mất số tiền, tài sản đặt cọc. Nếu bên đặt cọc kí hợp đồng và thực hiện hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc trả lại cho mình số tiền, tài sản đặt cọc hoặc sẽ yêu cầu bên nhận đặt cọc trừ vào số tiền phải trả.
2.5. Ký cược
2.5.1. Khái niệm
Là việc một bên (người thuê) phải đặt một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo cho việc thuê tài sản. Thông thường giá trị tài sản kí cược sẽ lớn hơn giá trị tài sản thuê vì khi bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê sẽ xử lý tài sản đó theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để trừ vào tiền thuê và giá trị tài sản cho thuê.
2.5.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Bên kí cược: Là người thuê tài sản có nghĩa vụ đặt cho bên kia (người cho thuê tài sản) một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị khác để đảm bảo cho việc trả tiền thuê, trả lại tài sản thuê.
Trường hợp bên kí cược trả lại tài sản thuê trong tình trạng ban đầu (không tính hao mòn tự nhiên) thì có quyền yêu cầu bên cho thuê phải trả lại tài sản kí cược và thanh toán hợp đồng thuê tài sản.
Bên nhận kí cược: Là người cho thuê tài sản có nghĩa vụ giữ số tiền, tài sản kí cược, không được sử dụng tài sản đó. Khi hết hạn của hợp đồng cho thuê mà bên thuê không trả lại tài sản thuê hoặc làm hư hỏng tài sản thuê thì bên nhận kí cược có quyền xử lý tài sản kí cược như thỏa thuận hoặc theo qui định của pháp luật.
2.6. Kí quỹ
2.6.1. Khái niệm
Kí quỹ là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ bằng cách bên có nghĩa vụ trong một quan hệ nghĩa vụ chính phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý và giấy tờ có giá trị vào một tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho bên kia thì ngân hàng (nơi kí qũy) thanh toán hoặc bồi thường thiệt hại cho bên kia (bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính).
2.6.2. Các bên trong ký quỹ
* Bên kí quỹ:
Là bên có nghĩa vụ trong một quan hệ hợp đồng: Để đảm bảo cho hợp đồng này được thực hiện tốt, bên có nghĩa vụ phải gửi một khoản tiền hoặc một số kim khí, đá quí vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Trường hợp bên kí quỹ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu cầu ngân hàng trả lại tiền hoặc tài sản đã giữ nhưng phải thanh toán các chi phí dịch vụ ngân hàng.
* Bên nhận kí quỹ: Là ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho bên có quyền trong một hợp đồng nếu bên kí quỹ không thực hiện nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại cho bên có quyền.
2.7. Tín chấp
Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
3. Hợp đồng dân sự
3.1. Khái niệm
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, khi các chủ thể thỏa thuận với nhau và trên cơ sở đó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một hoặc nhiều quyền hoặc nghĩa vụ dân sự thì gọi là hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, trong BLDS chỉ quy định những hợp đồng dân sự thông dụng thường xảy ra trong thực tiễn, còn các loại thoả thuận khác được áp dụng những qui định chung về hợp đồng để giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng dân sự, cơ quan áp dụng pháp luật cần phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, vào các quy định của pháp luật về hợp đồng đó, các quy định chung về hợp đồng và các quy định về giao dịch dân sự để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng dân sự.
3.2. Phân loại hợp đồng
- Hợp đồng song vụ
Là hợp đồng mà trong đó các bên đều có quyền và nghĩa vụ. Quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Khi thực hiện hợp đồng song vụ, cần phải xem xét hành vi nào được thực hiện trước, hành vi nào sau và mỗi bên có những quyền và nghĩa vụ gì, từ đó xác định trách nhiệm dân sự của các bên khi vi phạm nghĩa vụ.
- Hợp đồng đơn vụ
Là hợp đồng mà một bên có quyền, một bên có nghĩa vụ. Bên có quyền không phải thực hiện bất cứ một nghĩa vụ nào đối với bên kia. Như vậy, đối với loại hợp đồng này cần phải xem xét trách nhiệm dân sự của bên có nghĩa vụ là chủ yếu.
- Hợp đồng chính
Là hợp đồng tồn tại độc lập mà hiệu lực của nó không phụ thuộc vào các hợp đồng khác. Các chủ thể có thể tham gia vào một hợp đồng nhất định như: Mua bán, cho vay, cho thuê... Đây là những hợp đồng có thể tồn tại độc lập hoặc nếu có các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ kèm theo thì hiệu lực của các hợp đồng trên không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Nếu hợp đồng phụ vô hiệu thì hợp đồng chính vẫn có hiệu lực. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ đã phát sinh từ hợp đồng chính đó.
- Hợp đồng phụ
Là hợp đồng được ký kết nhằm bảo đảm cho hợp đồng chính và hiệu lực của nó hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng chính. Nếu hợp đồng chính vô hiệu thì hợp đồng phụ không có hiệu lực, quy tắc này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Chức năng chủ yếu của hợp đồng phụ là đảm bảo hợp đồng chính. Nếu hợp đồng chính không được thực hiện thì hợp đồng phụ được thực hiện để thanh toán nghĩa vụ cho hợp đồng chính.
- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Thông thường, các bên tham gia hợp đồng vì lợi ích của chính mình như: Sở hữu, sử dụng tài sản... hoặc nhận được các lợi ích phi vật chất khác. Tuy nhiên, có những trường hợp người tham gia hợp đồng không phải vì lợi ích của chính mình mà vì lợi ích của người thứ ba. Người thứ ba không trực tiếp ký kết và thực hiện hợp đồng nhưng được hưởng lợi ích từ hợp đồng do người khác ký kết. Ví dụ như mua hàng hóa chuyển theo địa chỉ nhất định hoặc gửi bưu phẩm, bưu kiện qua bưu điện, mua bảo hiểm cho người thứ ba... Trong các hợp đồng trên các bên đều hướng tới người thứ ba để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho mình. Mặt khác, bên có quyền cũng có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba.
Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ của mình và hợp đồng chấm dứt, các bên hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận và thanh toán hợp đồng.
Nếu người thứ ba từ chối lợi ích sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì hợp đồng được coi là chấm dứt. Người có quyền trong hợp đồng phải thực hiện các cam kết của mình với bên có nghĩa vụ như: Thanh toán các chi phí, trả tiền giá trị của hợp đồng.
IV. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện "gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật". Theo quy định tại Điều 281 và Chương XXI, Phần thứ ba BLDS thì sự kiện gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng với khái niệm nghĩa vụ được quy định tại Điều 280 BLDS: "Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, thì một hoặc nhiều chủ thể (người có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (người có quyền)". Từ quy định này có thể nêu khái niệm về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như sau:
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
Trong quan hệ nghĩa vụ này chủ thể tham gia có thể là công dân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Trong một số trường hợp, các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể trở thành bên có quyền hoặc bên có nghĩa vụ.
Người bị thiệt hại (người có quyền) và người gây ra thiệt hại (người có nghĩa vụ) là các bên tham gia vào các quan hệ nghĩa vụ đó. Bên có quyền cũng như bên có nghĩa vụ có thể có một hoặc nhiều người tham gia. Nghĩa vụ, hoặc quyền của họ có thể là liên đới, riêng rẽ, hoặc theo phần tùy điều kiện hoàn cảnh và đối tượng bị xâm hại.
Khách thể của quan hệ nghĩa vụ này luôn thể hiện dưới dạng “hành động” phải thực hiện hành vi “bồi thường” cho người bị thiệt hại. Cơ sở phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” cho các chủ thể khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thể hiện trong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, để phân biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.
Trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói riêng mang đặc tính của trách nhiệm dân sự. Đó là trách nhiệm tài sản nhằm khôi phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, việc khôi phục tình trạng tài sản bằng biện pháp bồi thường thiệt hại của người gây ra thiệt hại không phải bao giờ cũng đem lại hậu quả như mong muốn. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, người gây ra thiệt hại không thể bồi thường và người bị thiệt hại không thể “phục hồi lại tình trạng tài sản ban đầu” như trước khi bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản của người gây ra thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra cho các chủ thể khác, đặc biệt đối với các hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi.
2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều kiện phát sinh trách nhiệm là những yếu tố, những cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được xem xét trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất và đầy đủ. BLDS không quy định cụ thể tất cả các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm. Xuất phát từ những quy định, những nguyên tắc của pháp luật nói chung và Luật dân sự nói riêng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các điều kiện sau:
2.1. Có thiệt hại xảy ra
Đây là tiền đề của trách nhiệm, bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại. Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức.
- Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lí để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
- Tổn thất về tinh thần. Đời sống tinh thần là một phạm trù rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề và chỉ tồn tại đối với xã hội loài người như đau thương, cảnh góa bụa, mồ côi, sự xấu hổ,... Về nguyên tắc, thiệt hại về tinh thần không thể trị giá được bằng tiền theo nguyên tắc ngang giá trị như trong trao đổi và không thể phục hồi được. Nhưng với mục đích an ủi, động viên đối với người bị thiệt hại về tinh thần, cũng như một biện pháp giáo dục nhằm ngăn chặn người có hành vi trái pháp luật, BLDS quy định: Tòa án có thể buộc người xâm hại bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của người bị thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên thoả thuận, mức tối đa do pháp luật quy định.
- Thiệt hại về tài sản, biểu hiện cụ thể là mất tài sản, giảm sút tài sản, những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản. Đây là những thiệt hại vật chất của người bị thiệt hại.
2.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền tuyệt đối đó. Bởi vậy, Điều 604 BLDS quy định: “Người nào... xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự... mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều luật này xuất phát từ nguyên tắc chung của pháp Luật dân sự được quy định tại Điều 10 BLDS “không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Việc “xâm phạm” mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư...
Hành vi gây thiệt hại thông thường thể hiện dưới dạng hành động. Chủ thể đã thực hiện hành vi mà đáng ra không được thực hiện các hành vi đó.
Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi đó theo nghĩa vụ mà pháp luật hoặc nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện các hành vi đó. Ví dụ: nhân viên phòng chữa cháy có thể phá hủy nhà dễ cháy xung quanh đám cháy; bác sĩ cắt bỏ các bộ phận hoặc làm các phẫu thuật khác... Trong trường hợp này người gây thiệt hại không phải bồi thường; người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc có sự đồng ý của người bị thiệt hại (khoản 1 Điều 613 Điều 614 BLDS). Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường thiệt hại.
2.3. Có lỗi của người gây ra thiệt hại
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Điều 604 BLDS quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý... mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường". Lỗi là thái độ tâm lí của người có hành vi gây ra thiệt hại đối với hành vi, hậu quả của hành vi, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý.
Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Nhưng lỗi trong trách nhiệm dân sự có những trường hợp là lỗi suy đoán. Bởi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Như vậy, đối với người gây thiệt hại họ không phải chịu trách nhiệm nếu họ chứng minh được mình không có lỗi trong khi thực hiện hành vi đó, điều này cũng được thể hiện ở khoản 3 Điều 606 BLDS: “...Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường” (Người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không thể chứng minh được, nếu buộc họ phải chứng minh sẽ bị bất lợi cho họ. Vì vậy, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh).
Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình sẽ không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó. Những người chưa có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi, không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của họ, thì họ không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp trên cha, mẹ, người giám hộ, bệnh viện, trường học là những người theo quy định của pháp luật phải quản lí, chăm sóc, giáo dục... đã có lỗi khi không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên và phải chịu trách nhiệm do lỗi của họ.
Lỗi của pháp nhân, của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng... trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại là lỗi của nhân viên các cơ quan này trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, các cơ quan này phải bồi thường thiệt hại do thành viên của họ gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Lỗi trong trách nhiệm dân sự có những điểm khác với lỗi trong trách nhiệm hình sự. Trong trách nhiệm hình sự hình thức lỗi và mức độ lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh và quyết định hình phạt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định kẻ phạm tội có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại, vấn đề hình thức lỗi, mức độ lỗi ảnh hưởng rất ít đến việc xác định trách nhiệm. Thậm chí người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi (khoản 3 Điều 623 BLDS).
Tuy nhiên, có trường hợp người gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thì không phải bồi thường.
2.4. Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 604 BLDS dưới dạng: “Người nào... xâm phạm... mà gây thiệt hại”, thì phải bồi thường. Ở đây chúng ta có thể thấy hành vi “xâm phạm” đến tính mạng, tài sản... là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, xác định mối tương quan nhân quả là một vấn đề rất phức tạp. Phạm trù nguyên nhân và kết quả là một cặp phạm trù trong triết học. Nhân quả là mối liên hệ nội tại, khách quan và tất yếu giữa các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội, trong đó một là nguyên nhân và sau nó là kết quả. Việc xác định mối quan hệ nhân quả chính là sự liên hệ khách quan đó. Nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả và kết quả là hậu quả của nguyên nhân. Xem xét mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội, trong đó con người sinh sống và hoạt động phức tạp hơn nhiều so với các hiện tượng tự nhiên khác. Bởi vậy, việc xem xét nó chỉ có ý nghĩa khi hành vi của con người và hậu quả của hành vi đó được đánh giá dưới góc độ xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến hành vi của con người, liên quan đến con người vào thời điểm có hành vi và hậu quả xảy ra.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó cần phải xem xét, phân tích đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.
3. Năng lực và nguyên tắc bồi thường thiệt hại
3.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người gây ra thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: Cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước... Nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606 BLDS) mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Bởi vậy, các chủ thể khác luôn luôn có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, BLDS quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ phải tự bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Điều này xuất phát từ “khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và thực hiện nghĩa vụ dân sự” (Điều 17 BLDS) họ phải chịu trách nhiệm do hành vi bất hợp pháp của họ bằng tài sản của chính họ. Tuy nhiên, trong điều kiện này, nhiều người tuy có đầy đủ năng lực hành vi nhưng khả năng về tài sản của họ trên thực tế không có (ví dụ: Người đủ 18 tuổi không có bất cứ khoản thu nhập nào, họ không có tài sản riêng để bồi thường). Vì vậy, khi quyết định bồi thường đối với những người này có thể động viên cha mẹ bồi thường thay cho con em họ, nếu cha mẹ tự nguyện bồi thường, thì ghi nhận sự tự nguyện đó mà không buộc cha mẹ phải bồi thường thay cho con em họ.
Người dưới 18 tuổi là những người không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi. Vì vậy, cha mẹ là người phải bồi thường thiệt hại do con em họ gây ra. Tuy nhiên, cách thức dùng tài sản để bồi thường được quy định đối với những người vị thành niên khác nhau. Đối với người dưới 15 tuổi, thì cha mẹ phải dùng tài sản của mình để bồi thường; nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng, thì lấy tài sản của con để bồi thường. Đối với những người từ 15 đến dưới 18 tuổi, thì áp dụng ngược lại, lấy tài sản của con để bồi thường, cha mẹ chịu trách nhiệm bổ sung phần còn thiếu.
Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện quản lý, thì trường học, bệnh viện phải bồi thường. Nếu các tổ chức nêu trên chứng minh được họ không có lỗi trong quản lý, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường. “Thời gian quản lý” được hiểu là thời hạn trong đó các tổ chức theo quy định về nghề nghiệp có nghĩa vụ giáo dục, chữa bệnh mà họ đã không thực hiện chức năng của họ, do lỗi của họ quản lý không tốt, để người không có năng lực hành vi, người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại cho những người khác (như tổ chức lao động cho các học sinh không tốt, đi tham quan, dã ngoại do trường tổ chức, không có các biện pháp an toàn, bảo hộ, việc nhân viên bệnh viện không có biện pháp quản lí các bệnh nhân bị bệnh tâm thần...).
Người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử đối với những người phải có giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Người giám hộ có nghĩa vụ bổ sung. Tuy nhiên, nếu người giám hộ chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Trong trường hợp này sẽ không có người bồi thường thiệt hại bởi những người được giám hộ không có khả năng về năng lực hành vi dân sự để bồi thường, nếu họ có tài sản, có thể dùng tài sản của họ để bồi thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không còn cha mẹ, cha mẹ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không buộc phải có người giám hộ. Nếu người này có hành vi gây thiệt hại có thể lấy tài sản của họ để bồi thường. Nếu họ không có tài sản, thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
3.2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Xuất phát từ đặc điểm các quan hệ tài sản mà Luật dân sự điều chỉnh cũng như địa vị pháp lí các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự, những điều kiện khách quan cũng như chủ quan của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại, tính khả thi của quyết định bồi thường... BLDS đã quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 BLDS. Nguyên tắc chung là thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ sớm khắc phục tình trạng tài sản khi bị thiệt hại. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của cá nhân bị xâm hại. Việc quyết định bồi thường kịp thời có ý nghĩa to lớn đối với nạn nhân trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại, bởi các chi phí cho việc cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện này nhiều khi vượt quá khả năng của nạn nhân. Cho nên việc quy định về thủ tục tố tụng để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này là rất cần thiết trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự tham gia quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khoản 2 Điều 605 BLDS quy định có thể “giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài” của người gây thiệt hại.
Quy định này chỉ định hình mà không quy định về định tính việc giảm mức bồi thường bao nhiêu? Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại (vô ý nặng, nhẹ). Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường.
Tương tự như trên, thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại là cơ sở để giảm mức bồi thường. Khái niệm “quá lớn” không thể quy định cụ thể bởi cùng thiệt hại với đại lượng không đổi, đối với cá nhân này là rất lớn nhưng với người khác lại không coi là lớn. Mặt khác, cũng cần phân biệt việc giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án, vì trong khi thi hành án người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn thi hành án.
Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại đã thỏa thuận hoặc quyết định có thể bị thay đổi, nếu mức bồi thường “không còn phù hợp với thực tế”. Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, vào thực tế cần phải sự thay đổi mức bồi thường (người được bồi thường tăng thu nhập, người phải nuôi dưỡng phải chi phí thêm để chữa bệnh...). Việc xem xét này do Tòa án xác định căn cứ vào thực tế của các bên tham gia vào quan hệ đó theo yêu cầu của họ. Vì vậy, mức bồi thường có thể tăng nhưng cũng có thể bị giảm.
4. Xác định thiệt hại
Thiệt hại là điều kiện đầu tiên làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại chỉ có thể thực hiện được đầy đủ và chính xác khi xác định “toàn bộ thiệt hại” là bao nhiêu và trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường.
Xác định thiệt hại là một việc rất khó khăn và phức tạp. Mục 2 chương XXI Phần thứ ba BLDS quy định về các loại thiệt hại được bồi thường và cách thức xác định thiệt hại một cách khái quát. Những thiệt hại phải bồi thường là thiệt hại về tài sản (Điều 608 BLDS), thiệt hại về sức khỏe (Điều 609 BLDS), thiệt hại về tính mạng (Điều 610 BLDS), thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 611 BLDS).
4.1. Thiệt hại về tài sản
Điều 608 BLDS quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường bao gồm tài sản “bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản, chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”. Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm phục hồi tình trạng tài sản ban đầu của người bị thiệt hại và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài sản trong thời gian từ khi xảy ra thiệt hại đến khi bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng các cách sau: bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Về nguyên tắc chung các bên có thể thỏa thuận cách thức, mức độ bồi thường như: sửa chữa hư hỏng, thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật, thì trị giá tài sản để bồi thường. Khi trị giá tài sản phải căn cứ vào giá trị thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng tài sản.
Những thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc sử dụng, khai thác tài sản cũng như những chi phí hợp lí để hạn chế và khắc phục thiệt hại phải là những hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được nếu không có thiệt hại xảy ra và những chi phí cần thiết để hạn chế thiệt hại.
4.2. Thiệt hại về sức khỏe
Sức khỏe của con người là vốn quý khó có thể xác định chính xác bằng một khoản tiền. Vì vậy, bồi thường thiệt hại về sức khỏe thực chất có ý nghĩa là đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên và trong một số trường hợp chỉ có ý nghĩa là trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Xác định thiệt hại về sức khỏe bao gồm:
- Chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và các chức năng bị mất, bị giảm sút (tiền thuốc, tiền viện phí và các dịch vụ chữa bệnh khác, tiền bồi dưỡng, tiền tàu xe đi viện, tiền làm các bộ phận giả nếu có). Nếu do yêu cầu chăm sóc nạn nhân, thì chi phí trực tiếp cho người phải chăm sóc nạn nhân theo yêu cầu của cơ sở chữa bệnh.
- Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút trong và sau khi điều trị của người bị thiệt hại và của người phải chăm sóc. Nếu họ không có thu nhập ổn định, thì áp dụng mức trung bình của lao động cùng loại.
Thu nhập bị giảm sút là khoản chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và sau khi điều trị. Những thu nhập này phải là những thu nhập thường xuyên, hợp pháp, thực tế của họ. Ngoài ra khoản bồi thường còn bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân theo quan hệ gia đình phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là một khái niệm trừu tượng. Hiện tại không có mẫu số chung cho tất cả mọi người và không thể tính được thành tiền một cách chính xác. Việc xác định tổn thất tinh thần khi sức khoẻ bị xâm hại phụ thuộc vào từng cá nhân của người bị thiệt hại (tình trạng gia đình, độ tuổi, nghề nghiệp, mức độ thiệt hại và cả bộ phận nào của cơ thể bị thiệt hại...). Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
4.3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại
Tính mạng của con người là vô giá không thể tính thành tiền. Vì vậy, thiệt hại về vật chất do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm: những chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc nạn nhân trước khi chết, chi phí cho việc mai táng phù hợp với phong tục, tập quán.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng (con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động...).
- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
4.4. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân không thể xác định. Thực chất là xác định những tổn thất vật chất do danh dự... bị xâm hại nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị xâm hại bao gồm những chi phí phải bỏ ra và thu nhập bị mất (thu nhập chứng cứ, thời gian phải bỏ ra để khiếu nại, đăng báo cải chính...). Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
5. Thời hạn được bồi thường
Thời hạn được bồi thường là khoảng thời gian mà người được bồi thường được hưởng do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại. Thời hạn được bồi thường xác định dựa vào khả năng người bị thiệt hại tạo được thu nhập hay không? sau khi đã ổn định sức khoẻ, và người được cấp dưỡng còn cần phải cấp dưỡng hay không? căn cứ vào khả năng lao động của họ để xác định thời hạn được hưởng bồi thường.
Nếu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động, thì khoản thu nhập bị giảm sút của họ được bồi thường đến khi họ chết.
Trong trường hợp người bị thiệt hại chết, thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau: Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân; Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Như vậy, Điều 616 BLDS chỉ quy định thời hạn cho việc bồi thường đối với người mất hoàn toàn khả năng lao động và người chết nhưng họ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác, không quy định thời hạn bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại giảm sức lao động, do đó giảm thu nhập cũng như việc cấp dưỡng cho người khác. Không quy định thời hạn bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại giảm sức lao động do đó giảm thu nhập, cũng như việc cấp dưỡng khi họ còn sống mà mất hoàn toàn khả năng lao động. Nhưng căn cứ vào Điều 613 BLDS, thì vẫn có thể áp dụng việc cấp dưỡng trong trường hợp xâm phạm đến sức khoẻ.
V. THỪA KẾ
1. Khái niệm chung về thừa kế
1.1. Thừa kế và quyền thừa kế
Thừa kế và quyền thừa kế là hai phạm trù gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng là hai phạm trù độc lập.
Trong chế độ cộng sản nguyên thủy, vì chưa có pháp luật nên thừa kế chỉ đơn thuần là một quan hệ xã hội mà nội dung kinh tế của nó là thể hiện sự dịch chuyển tài sản của người chết sang những người khác.
Khi nhà nước xuất hiện, có pháp luật, dưới sự tác động của pháp luật vào các quan hệ thừa kế làm cho các quan hệ này trở thành quan hệ pháp luật về thừa kế, trong đó các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật. Nghĩa là, trong xã hội đã có nhà nước và pháp luật, khi nói đến thừa kế, cũng chính là nói đến quyền thừa kế.
Thừa kế là một loại quan hệ xã hội xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu trong bất kỳ một xã hội nào mà nội dung của quan hệ này là sự phản ánh quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất từ những người đã chết sang những người còn sống khác.
Quyền thừa kế là những quy định của pháp luật nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc để lại và nhận các tài sản thừa kế.
1.2. Nguyên tắc cơ bản của quyền thừa kế
Bên cạnh việc phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản được quy định trong phần chung của BLDS, quá trình để lại và nhận tài sản là di sản thừa kế phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
* Các cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế
Xuất phát từ nguyên tắc hiến định:"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp 1992), nguyên tắc này được BLDS ghi nhận tại điều 632: "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Theo quy định trên, trong lĩnh vực để lại tài sản và nhận di sản từ người khác thì mọi người đều có quyền như nhau, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tuổi tác, tôn giáo...;
* Tôn trọng quyền định đoạt của người để lại thừa kế
Theo nguyên tắc này, người để lại thừa kế có quyền bằng ý chí của mình lập di chúc để định đoạt tài sản cho ai, cho mỗi người bao nhiêu, loại tài sản gì, để lại bao nhiêu phần di sản để di tặng hoặc dùng vào việc thờ cúng, đồng thời có quyền thay đổi sự định đoạt của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc.
* Đảm bảo quyền thừa kế hợp pháp của một số người thừa kế theo pháp luật
Trên cơ sở tôn trọng quyền định đoạt của người để lại thừa kế, pháp luật nước ta còn hướng tới quyền lợi thiết thực của một số người thừa kế theo pháp luật. Vì vậy, theo nguyên tắc này quyền tự định đoạt của người để lại thừa kế sẽ bị hạn chế nếu khi họ chết, họ còn có những người mà giữa họ với những người đó có quan hệ gần gũi thiết thực như cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Trong những trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho những người nói trên, pháp luật nước ta không cho phép người để lại thừa kế định đoạt toàn bộ tài sản cho người khác mà phải dành lại cho mỗi người đó một phần di sản bằng ít nhất là 2/3 của một xuất thừa kế theo pháp luật.
* Tôn trọng ý chí tự nguyện của người thừa kế
Theo nguyên tắc cơ bản của BLDS, các chủ thể trong quan hệ dân sự luôn được tự nguyện khi thiết lập và thực hiện các quan hệ mà họ tham gia. Vì vậy, trong quan hệ thừa kế, pháp luật nước ta cũng cho phép chủ thể được hưởng thừa kế có quyền bằng ý chí của mình để quyết định sự lựa chọn: nhận hay không nhận di sản thừa kế. Nguyên tắc này được quy định trong Điều 642 BLDS: Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản.
1.3. Thời điểm mở thừa kế
Thời điểm mở thừa kế là mốc để xác định ai là người thừa kế của người chết, di chúc có hiệu lực từ khi nào, tài sản mà người chết để lại bao gồm những gì... Ngoài ra, thời điểm mở thừa kế còn là thời điểm bắt đầu để xác định thời hạn từ chối nhận di sản, thời hạn khởi kiện về quyền thừa kế. Theo khoản 1 Điều 633 BLDS thì: "Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này”. Quy định trên được hiểu như sau:
- Nếu cái chết của người có tài sản là cái chết thực tế thì thời điểm họ chết chính là thời điểm mở thừa kế. Trong những trường hợp này thông thường thời điểm mở thừa kế được căn cứ vào giấy chứng tử để xác định.
- Nếu người có tài sản bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định theo ngày mà Toà án xác định người đó chết trong bản án, quyết định của Toà án.
1.4. Địa điểm mở thừa kế
Việc xác định thừa kế xảy ra ở nơi nào là cơ sở để xem xét cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký thủ tục từ chối nhận di sản (khoản 2 Điều 645 BLDS), cơ quan nào có thẩm quyền quản lý di sản thừa kế trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý, đồng thời để xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ thừa kế đó khi có tranh chấp.
Khoản 2, Điều 633 BLDS quy định: "Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản".
Như vậy, địa điểm mở thừa kế được xác định thông qua một trong hai căn cứ sau đây:
- Nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản
Đối với người chỉ sống và làm việc ở một nơi cố định thì địa điểm mở thừa kế là nơi người đó chết. Nếu một người đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng tạm trú ở nhiều nơi khác nhau và chết ở nơi đang tạm trú thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp, một người không có hộ khẩu thường trú ở nơi nào cả và họ có nhiều nơi tạm trú khác nhau thì địa điểm mở thời kế được xác định tại nơi họ tạm trú cuối cùng.
- Nơi có tài sản của người chết
Chỉ áp dụng căn cứ này để xác định địa điểm mở thừa kế với những người mà khi họ chết không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của họ là ở đâu. Vì vậy, trong những trường hợp này, nơi nào có tài sản của họ thì nơi đó là địa điểm mở thừa kế. Nếu người chết để lại tài sản ở nhiều nơi khác nhau, thì địa điểm mở thừa kế của người đó được xác định tại nơi mà họ để lại phần lớn tài sản của mình.
1.5. Di sản thừa kế
Là toàn bộ tài sản mà người chết để lại. Di sản thừa kế bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết
Đây là phần tài sản do người đó tạo ra bằng các khoản thu nhập hợp pháp hoặc được người khác tặng cho, để lại thừa kế. Thuật ngữ "tài sản riêng" được dùng trong di sản thừa kế nhằm phân biệt đâu là tài sản riêng của người vợ, người chồng, đâu là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, khi vợ hoặc chồng chết trước thì chỉ được coi là tài sản riêng của người chết nếu tài sản đó là của họ có được trước thời kỳ kết hôn, hoặc được người khác tặng cho riêng hay họ được thừa kế riêng và họ không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng.
- Một nửa tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng
Tất cả các thu nhập mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân cùng với các tài sản mà vợ hoặc chồng đã có trước đây nhưng đã nhập vào khối tài sản chung đều là tài sản chung hợp nhất của vợ và chồng. Khi một bên chết trước, khối tài sản chung này được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu của người đang sống, một nửa là di sản của người đã chết.
- Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác.
- Các quyền về tài sản mà người chết để lại.
- Các quyền về tài sản còn bao gồm quyền đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quyền được hưởng các lợi ích phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, quyền sử dụng đất cũng là một quyền về tài sản được xác định và dịch chuyển thừa kế theo quy định tại Phần thứ V của BLDS.
1.6. Người thừa kế
Là người có quyền nhận di sản mà người chết để lại.
- Người được nhận di sản vì được chỉ định trong di chúc thì được gọi là người thừa kế theo di chúc.
- Người được nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật được gọi là người thừa kế theo pháp luật. Họ bắt buộc phải là người có một trong ba mối quan hệ về hôn nhân, nuôi dưỡng hoặc huyết thống với người đã chết.
Theo quy định tại Điều 635 BLDS thì người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nếu họ sinh ra sau khi người để lại thừa kế chết nhưng đã thành thai trước khi người đó chết thì khi sinh ra nếu còn sống họ cũng là người thừa kế của người đó.
Nếu người thừa kế là cơ quan, tổ chức thì cơ quan tổ chức này phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
1.7. Người quản lý di sản
Là người có quyền quản lý khối di sản mà người chết để lại trong thời gian di sản chưa được chia cho những người thừa kế.
Để di sản không bị mất mát, hư hỏng, pháp luật đã dự liệu nhiều trường hợp cụ thể nhằm qua đó xác định người quản lý di sản là ai, đó là trường hợp sau đây:
- Người quản lý di sản là người được người để lại thừa kế chỉ định trong di chúc.
- Là người do những người thừa kế cùng thoả thuận cử ra.
- Người đang chiếm hữu, sử dụng quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản cho đến hết thời hạn của hợp đồng hoặc đến khi những người thừa kế cử được người khác quản lý di sản đó.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản nếu di sản chưa có ai quản lý và cũng chưa xác định được người thừa kế của người để lại di sản.
1.8. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế của nhau mà chết trong cùng một thời điểm
Khi những người có quyền thừa kế của nhau được xác định là chết cùng một thời điểm thì vụ việc thừa kế này sẽ là một trường hợp vô định không thể kết thúc nếu để họ hưởng tài sản của nhau. Nhằm tránh sự vô lý này trong thực tế, pháp luật nước ta đã quy định nếu những người này được coi là chết cùng thời điểm thì họ không được hưởng tài sản của nhau. Tài sản của người nào sẽ chia cho những người thừa kế của người đó.
1.9. Người không được quyền hưởng di sản
Pháp luật luôn bảo vệ quyền nhận di sản cho những người thừa kế. Tuy nhiên, nếu những người này đã vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến danh dự, uy tín, sức khoẻ, tính mạng của người để lại di sản thì quyền nhận di sản của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ nữa. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 643 BLDS đã quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản;
Những người nói trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
1.10. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
Điều 645 BLDS quy định: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Khi tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế không được tính các thời gian sau đây vào thời hiệu khởi kiện:
- Có sự kiện bất khả kháng làm cho người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện được.
- Người có quyền khởi kiện không đủ năng lực hành vi và cũng chưa có người đại diện.
- Người đại diện của người có quyền khởi kiện chết mà chưa có người đại diện khác thay thế.
2. Thừa kế theo di chúc
2.1. Khái niệm về thừa kế theo di chúc
Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống khác theo ý chí của người đã chết thể hiện trong di chúc mà họ để lại.
Như vậy, trong thừa kế theo di chúc thì ai là người được hưởng di sản, mỗi người hưởng bao nhiêu, loại tài sản gì đều do người lập di chúc quyết định. Tuy nhiên, việc thừa kế chỉ được thực hiện theo di chúc nếu di chúc đó đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo luật định.
2.2. Các điều kiện có hiệu lực của di chúc
Một di chúc có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
* Người lập di chúc có năng lực hành vi
Người lập di chúc phải là người đủ 18 tuổi trở lên, vào thời điểm lập di chúc người đó phải đủ sáng suốt, minh mẫn.
Người đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi vẫn có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
* Người lập di chúc phải tự nguyện
Chỉ khi nào sự định đoạt được thể hiện trong nội dung của di chúc là ý chí tự nguyện của người lập di chúc thì di chúc đó mới có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nếu di chúc được lập ra do người lập di chúc bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì di chúc đó sẽ không có giá trị pháp lý.
* Nội dung của di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
Theo điều kiện này thì tất cả các vấn đề mà người lập di chúc đã định đoạt trong nội dung của di chúc phải phù hợp với ý chí của Nhà nước, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
* Hình thức của di chúc phải tuân thủ trình tự pháp luật đã quy định
Di chúc được thể hiện theo một trong hai hình thức sau đây:
- Di chúc viết (hình thức văn bản): Là loại di chúc mà ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua chữ viết.
- Di chúc miệng: Là di chúc mà ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua lời nói của họ.
Tùy theo di chúc mà người chết để lại là "viết" hay "miệng", pháp luật nước ta đã quy định yêu cầu mỗi hình thức di chúc phải tuân theo thủ tục, trình tự bắt buộc.
- Đối với di chúc viết: Được thiết lập theo một trong bốn trình tự sau đây:
* Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Di chúc viết được lập theo thể thức này thì người lập di chúc phải tự tay viết (không được đánh máy, không được nhờ người khác viết hộ) và ký vào bản di chúc. Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang của di chúc phải được đánh số thứ tự và đều phải có chữ ký của người lập di chúc.
* Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Theo thể thức này, người lập di chúc có thể tự tay viết, có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng. Sau đó những người làm chứng xác nhận chữ ký điểm chỉ của người lập di chúc đồng thời ký vào bản di chúc.
Người làm chứng cho việc lập di chúc phải là những người có năng lực hành vi dân sự, không có quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến nội dung của di chúc.
* Di chúc có công chứng hoặc chứng thực
Người lập di chúc có thể yêu công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn thì phải tuân thủ trình tự sau: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.
Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Những người được quy định tại Điều 659 BLDS không được chứng nhận, chứng thực di chúc.
* Di chúc viết được lập theo thể thức khác cũng có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực nếu di chúc đó được lập ra trong những trường hợp mà Điều 660 BLDS đã quy định.
* Ngoài ra, một di chúc viết không có chứng nhận, chứng thực nhưng vẫn được coi là hợp pháp nếu di chúc đó là do chính người để lại di sản lập ra một cách tự nguyện, trong trạng thái có đủ năng lực hành vi, minh mẫn, sáng suốt và nội dung của di chúc đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
- Đối với di chúc miệng
Di chúc miệng chỉ được thừa nhận nếu đủ các điều kiện sau: Được lập ra trong tình trạng tính mạng của người lập di chúc đang bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể, hoặc không kịp lập di chúc bằng văn bản được. Thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Nếu kể từ khi lập di chúc cho đến ba tháng sau, người lâp di chúc vẫn còn sống và còn minh mẫn thì di chúc miệng nói trên mặc nhiên bị hủy bỏ.
2.3. Quyền của người lập di chúc
Theo quy định tại các Điều 648, 662 BLDS, người lập di chúc có các quyền sau đây.
2.3.1. Chỉ định người thừa kế
Người lập di chúc có quyền chỉ định bất kỳ ai là người thừa kế của mình, người đó có thể là những người ngoài các quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống, thậm chí có quyền chỉ định một cơ quan, tổ chức, nhà nước là người thừa kế di sản của mình.
2.3.2. Truất quyền hưởng di sản
Thông qua quyền này, người lập di chúc có thể phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế theo pháp luật nào đó. Người đã bị truất quyền hưởng di sản sẽ không được thừa kế dù họ có đầy đủ các điều kiện để hưởng di sản theo pháp luật.
2.3.3. Phân định tài sản cho từng người thừa kế
Về nguyên lý, khi người để lại di sản lập di chúc và trong đó đã xác định những người thừa kế thì đã bao hàm cả việc phân định di sản. Tuy nhiên, người lập di chúc còn có quyền phân định một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc di sản là hiện vật gì.
2.3.4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Theo quy định của pháp luật thì người hưởng di sản thừa kế đồng thời là người phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại. Tuy nhiên, người lập di chúc có quyền chỉ định ai trong số những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ, phần nghĩa vụ mà người đó phải thực hiện là bao nhiêu. Vì vậy, nếu người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì chỉ người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2.3.5. Dành một phần di sản để di tặng, thờ cúng
Di tặng là việc người lập di chúc để lại di sản dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng cho người khác sau khi người để lại di sản chết.
Người được nhận di sản theo di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Trừ "trường hợp toàn bộ di sản không đủ thanh toán nghĩa vụ tài sản của người di tặng" (Xem Điều 671 BLDS).
Con người Việt Nam từ xa đến nay vốn coi việcthờ phụng tổ tiên là bổn phận hết sức thiêng liêng và hệ trọng. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống này của dân tộc, BLDS quy định cho người để lại di sản có quyền trích một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền thu hồi nợ của người khác, người lập di chúc không được để di sản dùng vào việc thờ cúng nếu toàn bộ di sản của họ không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản mà họ để lại.
2.3.6. Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc
Để đảm bảo quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó có quyền sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ di chúc đã lập.
Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận (làm thay đổi) một phần di chúc đã lập. Vì vậy, những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực pháp luật, phần di chúc đã bị sửa đổi không còn hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.
Bổ sung di chúc là việc người lập di chúc quy định thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến, nhằm làm cho di chúc cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn. Vì vậy khi người lập di chúc bổ sung di chúc thì cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau.
Nếu di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Hủy bỏ di chúc là việc người đã lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình để truất bãi di chúc đã lập. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau như xé, đốt ....
2.3.7. Quyền thay thế di chúc
Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, khi còn sống, một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu họ thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp thì có quyền lập một di chúc khác để thay thế di chúc đã lập.
Tại khoản 3 Điều 662 BLDS đã quy định: "Trong trường hợp người lập di chúc đã thay thế di chúc bằng một di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Như vậy, khi người lập di chúc đã thay thế di chúc thì những di chúc đã lập trước hoàn toàn không còn hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng chỉ khi nào người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện sau của mình để phủ nhận một ý nguyện trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế thì mới được coi là thay thế di chúc.
2.3.8. Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Để bảo đảm ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, tránh việc di chúc bị hư hỏng, thất lạc, cũng như để di sản không bị mất mát hư hỏng và được phân chia cho những người thừa kế đúng với sự định đoạt của mình trong di chúc thì người lập di chúc có quyền xác định rõ trong di chúc của mình về người giữ di chúc, người quản lý di sản và người phân chia di sản.
2.4. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Bên cạnh việc có quyền lập di chúc định đoạt tài sản cho những ai sau khi mình chết, người để lại di sản còn phải làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình. Người ta không chỉ phải nuôi dưỡng bố, mẹ, con cái lúc còn sống mà còn có bổn phận phải tạo dựng cho họ những điều kiện để đời sống của họ được dễ dàng. Đó chính là nghĩa vụ nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình. Sự nuôi dưỡng đó không chỉ được người có nghĩa vụ trực tiếp thực hiện khi còn sống mà còn được thể hiện thông qua việc để lại di sản sau khi chết. Vì thế, Điều 669 BLDS quy định: "Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
2- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động".
Nội dung của điều luật trên thể hiện một mặt pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản trong việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của họ, mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống, họ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc và nuôi dưỡng.
2.5. Hiệu lực pháp luật của di chúc
Hiệu lực của di chúc có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình dịch chuyển di sản từ người đã chết cho những người khác. Việc xác định một di chúc có hiệu lực pháp luật hay không là cơ sở để quyết định di sản của người chết sẽ được phân chia cho người thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật.
Một di chúc bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc bất hợp pháp toàn bộ thì toàn bộ di sản được giải quyết cho người thừa kế theo pháp luật. Nếu chỉ có một phần di chúc bất hợp pháp thì chỉ phần di sản liên quan đến phần bất hợp pháp cuả di chúc được giải quyết theo pháp luật.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp, một di chúc tuy hợp pháp (vì tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà Điều 652 BLDS yêu cầu) nhưng vẫn không có hiệu lực khi có những nguyên nhân sau:
- Do người lập di chúc thay thế hoặc hủy bỏ di chúc;
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong những trường hợp này, chỉ phần di chúc liên quan đến phần tài sản mà đáng ra người thừa kế theo di chúc, được hưởng nhưng họ đã chết, phần tài sản mà cơ quan, tổ chức được hưởng nhưng không còn tồn tại mới bị coi là không có hiệu lực pháp luật. Phần di chúc còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật.
- Người có tên trong di chúc bị tước quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 BLDS.
- Người có tên trong di chúc khước từ quyền hưởng di sản.
- Di sản được xác định trong di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Để việc giải quyết thừa kế theo di chúc được chính xác, cần phải xác định di chúc đó có hiệu lực từ thời điểm nào.
"Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế" (khoản 1 Điều 667 BLDS).
Theo quy định trên, kết hợp với khoản 1 Điều 633 BLDS thì di chúc được coi là có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết.
Tuy nhiên, cần phải chú ý trong một số trường hợp sau:
- Đối với di chúc chung của vợ, chồng:
Trong trường hợp hai vợ chồng cùng lập di chúc chung để cùng định đoạt tài sản chung của họ thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc cả hai người cùng chết.
- Nếu người lập di chúc có nêu sự kiện hợp pháp và xác định khi sự kiện đó xảy ra thì di chúc mới có hiệu lực pháp luật thì tại thời điểm người đó chết di chúc vẫn bị coi là chưa có hiệu lực pháp luật nếu sự kiện đó chưa xẩy ra.
2.6. Di sản dùng vào việc thờ cúng
Pháp luật nước ta trên nguyên tắc tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân nên tại Điều 670 BLDS đã quy định người lập di chúc có quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng và có quyền chỉ định, giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện việc thờ cúng với nội dung như sau:
Nếu người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định thực hiện việc thờ cúng không thực hiện việc thờ cúng đúng như người lập di chúc đã dặn lại hoặc không đúng như thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền lấy lại tài sản dùng vào việc thờ cúng để giao cho một người khác quản lý để thờ cúng.
Nếu trong di chúc không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử ra một người quản lý di sản thờ cúng đó.
Nếu tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang thực tế quản lý số di sản đó (phải là người trong diện những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản).
Pháp luật nước ta cho phép người để lại thừa kế dùng một phần di sản để thờ cúng là sự ghi nhận và tôn trọng bản sắc văn hoá của dân tộc. Phát huy lòng tôn kính của thế hệ sau đối với những người đã khuất. Vì vậy, về nguyên tắc, di sản dùng vào việc thờ cúng phải được giữ lại từ đời này qua đời khác. Người quản lý di sản thờ cúng không được sử dụng vào mục đích khác và không được định đoạt tài sản này.
3. Thừa kế theo pháp luật
3.1. Khái niệm thừa kế theo pháp luật
Nếu người chết có để lại di chúc thì quá trình dịch chuyển đó sẽ căn cứ vào ý chí của người để lại di sản được thể hiện trong di chúc.
Trong những trường hợp người chết không để lại di chúc, không xác định được ý chí của người để lại di sản thì di sản được dịch chuyển theo các quy định của pháp luật. Điều 674 BLDS quy định: "Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định". Theo quy định trên, người được hưởng di sản là những người được pháp luật xác định theo từng hàng thừa kế dựa trên mối quan hệ thân thích, ruột thịt giữa họ với người chết. Những người này chỉ được hưởng thừa kế với những điều kiện sau:
- Còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
- Sinh ra và còn sống sau khi người có tài sản chết nhưng đã thành thai trước khi người đó chết.
- Không có những hành vi đã được quy định tại Khoản 1 Điều 643 BLDS.
3.2. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật
Điều 675 BLDS quy định:
"1) Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:
a. Không có di chúc;
b. Di chúc không hợp pháp;
c. Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;.
d. Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
2) Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a. Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b. Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực
c. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.
3.3. Diện và hàng thừa kế theo pháp luật
3.3.1. Diện thừa kế theo pháp luật
Diện những người thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người có thể được hưởng di sản của người chết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 676 BLDS thì phạm vi trên được xác định như sau:
- Người có quan hệ hôn nhân với người đã chết: Là quan hệ vợ chồng được xác lập thông qua việc kết hôn. Đây là sự kiện làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng được pháp luật xác định và bảo vệ. Theo mối quan hệ này thì người thừa kế theo pháp luật của người chết là vợ hoặc chồng của người đó.
- Người có quan hệ nuôi dưỡng với người đã chết: Được xác lập thông qua việc nhận nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký và làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch.
- Người có quan hệ huyết thống với người chết. Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc bàng hệ được xác định thông qua sự kiện sinh đẻ. Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật được xác định từ quan hệ huyết thống bao gồm:
+ Huyết thống trực hệ: Các cụ, ông, bà, cha đẻ, mẹ đẻ của người chết; cháu là người thừa kế của ông, bà; chắt là người thừa kế của các cụ .
+ Huyết thống bàng hệ: Anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
3.3.2. Hàng thừa kế theo pháp luật
Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật (diện thừa kế) được xác định thông qua các mối quan hệ nói trên được pháp luật xếp theo từng hàng thừa kế.
Có ba hàng thừa kế theo pháp luật sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội, ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
3.4. Thừa kế thế vị
Điều 677 BLDS quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Theo quy định trên thì: Thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ đẻ nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết trước những người này. Phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế nói trên là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống. Tất cả các cháu, chắt được hưởng một suất nếu bố, mẹ cháu còn sống được hưởng.
3.5. Thanh toán và phân chia di sản
- Họp mặt những người thừa kế
Trước khi phân chia di sản, những người thừa kế cần họp mặt để cùng nhau bàn bạc thỏa thuận và thống nhất những vấn đề liên quan đến việc quản lý và phân chia di sản. Việc thỏa thuận này được quyết định theo đa số.
Mục đích của họp mặt những người thừa kế nhằm tăng cường sự đoàn kết nhất trí của những người thừa kế trong việc cùng nhau hưởng di sản, khuyến khích họ tự giải quyết phân chia di sản một cách hòa thuận, giảm bớt những tranh chấp không đáng có trong thực tế.
Việc họp mặt những người thừa kế được BLDS quy định tại Điều 681. Tuy nhiên, có phải họp mặt để bàn bạc về những vấn đề nói trên hay không hoàn toàn do những người thừa kế quyết định. Họ có thể họp mặt nếu xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, khi đã họp mặt thì những kết quả đã thỏa thuận được phải ghi cụ thể trong một số văn bản như: Biên bản họp mặt những người thừa kế. Đây là bằng cứ pháp lý dự phòng cho những trường hợp tranh chấp về sau này. Vì vậy, trong văn bản phải có đầy đủ chữ ký của tất cả những người thừa kế. Đối với những người thừa kế không có hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thay mặt cho họ ký vào văn bản đó.
Trong cuộc họp mặt, những người thừa kế cần phải thỏa thuận với nhau về những vấn đề gì, tùy theo từng trường hợp cụ thể sau đây:
+ Nếu người để lại di sản đã chỉ định người quản lý di sản, người phân chia di sản thì cuộc họp mặt chỉ cần thỏa thuận về cách thức phân chia và hưởng di sản thừa kế.
+ Nếu người để lại di sản không chỉ định người quản lý, người phân chia di sản thì cuộc họp mặt cần thỏa thuận cử người quản lý di sản trong thời gian di sản chưa được phân chia nhằm tránh hư hỏng mất mát hoặc phân tán di sản thừa kế. Trong cuộc họp mặt này những người thừa kế có thể cử luôn người phân chia di sản và cách thức phân chia nhưng cũng có thể chưa cần bàn đến nội dung này nếu họ xác định đến lúc phân chia di sản sẽ có một cuộc họp mặt tiếp theo.
+ Về nguyên tắc, nếu có người quản lý, người phân chia di sản thì những người thừa kế phải cùng nhau thỏa thuận để xác định với người đó về quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên nếu không xác định thì quyền và nghĩa vụ của những người đó được xác định và thực hiện theo quy định tại các Điều 639, 640 và Điều 682 BLDS.
- Thanh toán di sản thừa kế
Trước khi di sản được phân chia cho những người thừa kế phải dùng di sản đó để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại điều 683 của BLDS như sau:
+ Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
+ Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
+ Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
+ Tiền công lao động;
+ Tiền bồi thường thiệt hại;
+ Thuế và các món nợ khác đối với Nhà nước;
+ Tiền phạt;
+ Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác;
+ Chi phí cho việc bảo quản di sản;
+ Các chi phí khác.
- Phân chia di sản thừa kế
Di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Phân chia di sản theo di chúc
Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế, thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác, thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản, thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
- Phân chia di sản theo pháp luật
Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra, thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra sẽ được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra, thì những người thừa kế khác được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật, thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được, thì hiện vật được bán để chia.
- Hạn chế phân chia di sản
Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định, thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế.
Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
PHẦN II. LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
1. Khái niệm luật tố tụng dân sự Việt Nam
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, Nhà nước bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể. Khi cá nhân, pháp nhân hay chủ thể khác có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì theo thủ tục do pháp luật quy định chủ thể đó được khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ (Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2004) (sau đây viết tắt là BLTTDS). Các Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi chức năng của mình Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác (Điều 1 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002). Do vậy, khi có chủ thể khởi kiện vụ án dân sự thì Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý vụ án và giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Các vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết được gọi là vụ việc dân sự. Trong đó, những việc có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên được gọi là vụ án dân sự; những việc không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên được gọi là việc dân sự. Khi bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án có nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định này nếu đương sự có đơn yêu cầu thi hành án, trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định khác.
Quá trình giải quyết vụ án và thi hành án dân sự bao gồm những hoạt động khác nhau của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, các đương sự và những người tham gia tố tụng. Tất cả các hoạt động của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án và thi hành án dân sự đều phải thực hiện theo đúng trình tự mà pháp luật quy định. Trong khoa học pháp lý, trình tự do pháp luật quy định cho việc giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được gọi là "tố tụng dân sự" . Trình tự này bao gồm các giai đoạn khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự làm phát sinh các quan hệ xã hội giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Các quy phạm pháp luật về tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ xã hội đó để đảm bảo việc giải quyết vụ án và thi hành án được đúng đắn. Tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự hình thành ngành luật tố tụng dân sự.
Như vậy, luật tố tụng dân sự Việt Nam là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án và những người tham gia tố tụng phát sinh trong tố tụng dân sự nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự một cách nhanh chóng, đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước.
2. Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc
Việc xác định thẩm quyền chung về dân sự của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc phân định thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan nhà nước khác. Mặt khác, với sự thành lập một số Tòa chuyên trách khác trong hệ thống Tòa án, như Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính, việc nghiên cứu thẩm quyền xét xử về dân sự còn cho phép phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm giữa các Tòa chuyên trách với nhau.
Theo quy định từ Điều 25 tới Điều 32 của BLTTDS, Toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những tranh chấp, những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
2.1. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự
2.1.1. Những tranh chấp về dân sự
- Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
- Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giữa các cá nhân, tổ chức với nhau mà chỉ một bên có mục đích lợi nhuận hoặc các bên đều không có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về thừa kế tài sản.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
2.1.2. Những yêu cầu về dân sự
- Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
- Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
- Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
2.2. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình
2.2.1. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình
- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
- Tranh chấp về cấp dưỡng.
2.2.2. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình
- Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
- Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
- Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
2.3. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về kinh doanh, thương mại
2.3.1. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: Mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
2.3.2. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại
- Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
2.4. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về lao động
2.4.1. Những tranh chấp về lao động
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:
+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
- Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm:
+ Về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác;
+ Về việc thực hiện thoả ước lao động tập thể;
+ Về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
2.4.2. Những yêu cầu về lao động
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài.
3. Người tham gia tố tụng dân sự
3.1. Đương sự trong tố tụng dân sự
3.1.1. Khái niệm về đương sự trong tố tụng dân sự
Đương sự trong tố tụng dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, lợi ích liên quan trong vụ án dân sự và người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có liên quan trong việc dân sự.
a. Nguyên đơn trong vụ án dân sự
Nguyên đơn là người được giả thiết có quyền, lợi ích hợp pháp đang bị xâm phạm hoặc có tranh chấp nên đã yêu cầu Tòa án bảo vệ hoặc được người khác yêu cầu Tòa án bảo vệ theo qui định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
b. Bị đơn trong vụ án dân sự
Bị đơn là người giả thiết đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc tranh chấp với nguyên đơn và là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện theo quy định của pháp luật.
c. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự
Ngoài đương sự là nguyên đơn và bị đơn tạo thành các bên trong tố tụng dân sự còn có thể có những người khác phải tham gia tố tụng vì việc giải quyết mối quan hệ giữa nguyên đơn, bị đơn sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của họ. Trong tố tụng dân sự họ được gọi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn. Theo Điều 56 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
d. Người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có liên quan trong việc dân sự
Người yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu về giải quyết việc dân sự. Người bị yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng để trả lời về các yêu cầu của việc dân sự. Người có liên quan trong việc dân sự là người tham gia tố tụng vào việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc trả lời về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
3.1.2. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự
Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án;
- Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu;
- Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập;
- Đề nghị Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Toà án tiến hành;
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Tham gia phiên toà;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
- Đề xuất với Toà án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng;
- Tranh luận tại phiên toà;
- Được cấp trích lục bản án, quyết định của Toà án;
- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Bộ luật này;
- Phát hiện và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án;
- Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà;
- Nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;
- Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ tố tụng trên, nguyên đơn còn có các quyền tố tụng như rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; đề nghị Toà án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Bị đơn còn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu; được Toà án thông báo về việc bị khởi kiện.
3.2. Người đại diện của đương sự
3.2.1.Đại diện theo pháp luật của đương sự
Đương sự là cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự không thể tự mình tham gia tố tụng mà phải có đại diện thay mặt tham gia tố tụng. Đối với trường hợp đương sự là pháp nhân hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật thì việc tham gia tố tụng sẽ được thực hiện thông qua hành vi của cá nhân là người đại diện hợp pháp trong các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động. Đại diện này còn được gọi là đại diện đương nhiên của đương sự hay đại diện theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 73 BLTTDS thì người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
Theo qui định tại Điều 141 Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005(BLDS) thì người đại diện theo pháp luật bao gồm:
- Cha mẹ;
- Người giám hộ;
- Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi;
- Người đứng đầu pháp nhân theo qui định của điều lệ pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chủ hộ gia đình;
- Tổ trưởng tổ hợp tác;
- Những người khác theo qui định của pháp luật.
3.2.2. Đại diện do đương sự uỷ quyền
Theo qui định tại Điều 73 BLTTDS, đương sự là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của đương sự, có thể làm uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác thay mặt mình trong tố tụng, trừ việc ly hôn. Trong các trường hợp này, luật sư hoặc “người khác” được uỷ quyền được gọi là người đại diện do đương sự uỷ quyền.
Người uỷ quyền phải là người có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, về nguyên tắc chỉ các đương sự là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì mới được uỷ quyền. Ngoài ra, các đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự cũng có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt trong tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ nội dung của sự uỷ quyền.
3.2.3. Đại diện do Tòa án chỉ định
Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện cho đương sự theo quy định của BLTTDS thì Toà án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
Đại diện do Tòa án chỉ định được thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, được đại diện để bảo vệ quyền lợi của họ.
3.3. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự
Theo qui định tại Điều 63 BLTTDS, người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể là luật sư hoặc người khác không thuộc trường hợp pháp luật cấm không được làm người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải là cá nhân, không thể là cơ quan, tổ chức. Một người có thể bảo vệ quyền lợi cho nhiều người, nếu quyền lợi của những người đó không đối lập nhau. Căn cứ vào Điều 64 BLTTDS, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong tố tụng dân sự có các quyền và nghĩa vụ tố tụng sau:
- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm nếu Toà án xét thấy cần thiết.
- Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Tham gia việc hoà giải, tham gia phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Quyền tham gia tranh luận tại phiên toà, phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án, tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà.
3.4. Người tham gia tố tụng khác
3.4.1. Người làm chứng
Người nào được biết những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được Tòa án triệu tập làm chứng.
Theo Điều 66 BLTTDS thì người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ tố tụng sau đây:
- Cung cấp toàn bộ những thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
- Được nghỉ việc trong thời gian Toà án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức, được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu Toà án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác, phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án.
3.4.2. Người giám định
Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định được các bên đương sự thoả thuận lựa chọn hoặc được Toà án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.
Theo Điều 67 BLTTDS, người giám định có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Được đọc các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Toà án cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc giám định;
- Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan;
- Phải thông báo bằng văn bản cho Toà án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;
- Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Toà án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;
- Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định;
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Phải cam đoan trước Toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
3.4.3. Người phiên dịch
Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được các bên đương sự thoả thuận lựa chọn và được Toà án chấp nhận hoặc được Toà án yêu cầu để phiên dịch.
Theo Điều 70 BLTTDS, người phiên dịch có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa; không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan khi phiên dịch; người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật hoặc khi được Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm lời nói cần phiên dịch;
4. Chứng cứ trong tố tụng dân sự
4.1. Khái niệm chứng cứ
Muốn tìm ra chân lý khách quan của vụ án thì nhiệm vụ của Tòa án là phải làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến vụ án.
Việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các đương sự gắn liền với những sự kiện pháp lý nhất định.
Các sự kiện khi xảy ra trong thực tế thì nhất thiết phải thể hiện dưới những hình thức khác nhau, phải để lại những dấu vết hoặc giữ lại trong trí nhớ của những người chứng kiến.
Để làm sáng tỏ được những tình tiết liên quan đến vụ án, Tòa án cần triệu tập các đương sự, người làm chứng và những người khác để nghe lời khai của họ, phải nghiên cứu những tài liệu khác nhau, xem xét các vật khác nhau. Lời khai cuả các đương sự, người làm chứng, kết luận của người giám định, các tài liệu, các vật có liên quan được Tòa án sử dụng làm phương tiện để xác định những tình tiết cuả vụ án. Tòa án sử dụng chúng như là những phương tiện, vì chúng chứa đựng những tin tức của vụ án. Trong tố tụng dân sự với những phương tiện mà nhờ nó Tòa án xác định được các tình tiết của vụ án được gọi là chứng cứ. Chứng cứ được rút ra từ những phương tiện nêu trên (Điều 82 BLTTDS).
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
4.2. Các đặc điểm của chứng cứ
Chứng cứ có ba đặc điểm sau đây:
4.2.1. Tính khách quan của chứng cứ
Chứng cứ trước hết phải là những gì có thật, tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Chứng cứ hình thành, thay đổi hình thức hay nội dung và có thể mất đi hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của con người. Nếu một ai đó muốn tạo ra một sự kiện giả để đánh lừa Tòa án thì những sự kiện đó không thể là chứng cứ. Tòa án, Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng có thể thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, nhưng không tạo ra chứng cứ.
Một sự kiện tồn tại khách quan muốn được sử dụng trong quá trình chứng minh thì trước hết cần phải được con người phát hiện, nghiên cứu, đánh giá. Như vậy, tuy không tạo ra chứng cứ nhưng con người cần tác động vào sự kiện đó để khai thác chúng như là chứng cứ.
4.2.2. Tính liên quan của chứng cứ
Chứng cứ là những sự kiện thực tế tồn tại khách quan và có liên quan mật thiết đến vụ án mà Tòa án cần giải quyết.
Mỗi một sự kiện thực tế cần phải mang một nội dung thiết thực gắn liền với việc giải quyết vụ án của Tòa án. Những sự kiện không có ý nghĩa đối với vụ án thì không được thu thập và đánh giá như những chứng cứ. Do đó, Tòa án phải biết chọn lọc và chỉ đánh giá những sự kiện có liên quan và có ý nghĩa đối với vụ án.
Tuy vậy, lý luận về chứng cứ cũng thừa nhận trong nhiều trường hợp có những sự kiện không trực tiếp liên quan đến vụ án, nhưng nếu chứng minh được những sự kiện đó có tồn tại thì giúp Tòa án làm sáng tỏ được những tình tiết cần chứng minh trong vụ án. Những sự kiện không trực tiếp liên quan đến vụ án này được gọi là những sự kiện trung gian.
Việc Tòa án sử dụng các sự kiện trung gian trong tố tụng dân sự khác với lý luận về suy đoán chứng cứ.
4.2.3. Tính hợp pháp của chứng cứ
Các sự kiện hợp pháp nêu trên cần phải được thu thập, bảo quản, củng cố, nghiên cứu và đánh giá theo một trình tự do luật định. Các sự kiện thực tế khách quan sẽ mất hết giá trị nếu Tòa án trong qúa trình thu thập, củng cố và đánh giá các sự kiện này vi phạm những quy định của pháp luật. Bản thân những sự kiện này cũng sẽ tự mất đi giá trị thực của nó nếu không được bảo quản và củng cố tốt.
4.3. Phân loại chứng cứ
Việc phân loại chứng cứ đối với thực tiễn xét xử của Tòa án có ý nghĩa quan trọng. Nó giúp Tòa án thu thập, nghiên cứu đánh giá được đầy đủ các chứng cứ của vụ án, bảo đảm việc giải quyết đúng đắn vụ án. Có nhiều cách phân loại, song phổ biến nhất là ba cách phân loại sau:
4.3.1. Phân loại chứng cứ dựa vào nguồn thu nhận chứng cứ
Dựa vào nguồn thu nhận, chứng cứ được phân ra thành chứng cứ theo người và chứng cứ theo vật.
4.3.2. Phân loại chứng cứ căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ
Căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ, chứng cứ được chia thành chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại.
Chứng cứ gốc là những sự kiện thực tế đầu tiên về sự kiện cần chứng minh. Thông tin đó có liên quan trực tiếp đến sự kiện cần chứng minh.
Chứng cứ thuật lại là những chứng cứ được sao chép lại từ những chứng cứ khác. Giữa chứng cứ thuật lại và chứng cứ gốc là một khâu trung gian.
4.3.3. Phân loại chứng cứ căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với những sự kiện cần chứng minh
Căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với sự kiện cần chứng minh, chứng cứ được chia ra thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp
Chứng cứ trực tiếp là những sự kiện, tin tức thực tế mà dựa vào đó Tòa án có thể rút ra được một kết luận xác thực là có hay không có trong thực tế những sự kiện cần chứng minh. Ví dụ: Bản di chúc trong tranh chấp về thừa kế, bản hợp đồng trong tranh chấp về hợp đồng.
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ nếu đứng độc lập thì giúp Tòa án rút ra không phải là một kết luận nhất định nào đó mà là nhiều giả thiết, nhiều giả thiết này nếu được so sánh với các chứng cứ khác thì giúp Tòa án tìm ra được một kết luận nhất định.
II.THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ
1. Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự
1.1. Khởi kiện vụ án dân sự
1.1.1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự
Quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền tố tụng của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác.
Các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 161, 162 BLTTDS. Cụ thể như sau:
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định.Chẳng hạn, yêu cầu Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, cấp dưỡng, chấm dứt việc nuôi con nuôi....
- Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.
- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
1.1.2. Điều kiện thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự
Để thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự, các chủ thể của quyền khởi kiện vụ án dân sự phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Một là phải có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay tranh chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hai là việc khởi kiện vụ án dân sự phải đúng thẩm quyền của Tòa án. Đối với những việc pháp luật quy định phải được cơ quan khác giải quyết trước khi Tòa án giải quyết thì chỉ được khởi kiện khi cơ quan hữu quan đã giải quyết.
Ba là chỉ được khởi kiện đối với những việc chưa được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Bốn là đối với những việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện thì việc khởi kiện phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện.
Ngoài các điều kiện trên, đối với cá nhân muốn khởi kiện vụ án dân sự còn phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, trong trường hợp cần yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì người đại diện theo pháp luật khởi kiện thay. Đối với các tổ chức, muốn khởi kiện phải có tư cách pháp nhân. Với tổ chức không có tư cách pháp nhân, các thành viên của tổ chức có thể cùng khởi kiện.
1.2. Thụ lý vụ án dân sự và trả lại đơn khởi kiện
1.2.1. Thụ lý vụ án dân sự
Thụ lý vụ án dân sự là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết.
Việc thụ lý vụ án dân sự được thực hiện theo trình tự sau:
- Khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải nghiên cứu xem đã rõ ràng chưa, nếu thiếu Toà án có thể yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung;
- Xét xem người khởi kiện có quyền khởi kiện không;
- Trên cơ sở yêu cầu khởi kiện, xác định thẩm quyền của Tòa án đối với việc giải quyết vụ án;
- Sau khi đã nghiên cứu, xem xét kỹ các mặt, nếu thấy đủ điều kiện để thụ lý vụ án thì Tòa án ấn định mức tiền tạm ứng án phí nguyên đơn phải nộp và thông báo cho họ nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án cùng cấp nơi Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án có thể gia hạn nộp tiền tạm ứng án phí thêm một tháng. Hết hạn đó nếu nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án không thụ lý vụ án.
- Khi nguyên đơn xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án vào sổ thụ lý vụ án. Thời hạn chuẩn bị xét xử tính từ ngày thụ lý vụ án. Nếu người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án từ ngày nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 171 BLTTDS).
1.2.2. Những trường hợp trả lại đơn kiện
Đối với những trường hợp sau, theo Điều 168 BLTTDS, Tòa án không thụ lý vụ án mà trả lại đơn kiện cho người khởi kiện:
- Thời hiệu khởi kiện đã hết;
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;
- Hết thời hạn được thông báo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
2. Hoà giải và chuẩn bị xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử
2.1. Hòa giải vụ án dân sự
2.1.1. Khái niệm hòa giải
Theo Điều 10 BLTTDS, để giải quyết vụ án dân sự Tòa án có thể giải thích pháp luật, giúp đỡ đương sự nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, giải quyết những vướng mắc trong tư tưởng tình cảm giữa họ để các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Việc đó được gọi là hòa giải vụ án dân sự. Việc hòa giải vụ án dân sự được Tòa án tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án. Hòa giải vụ án trước khi xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự.
Như vậy, hòa giải là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Việc hòa giải trước hết là do đương sự tiến hành, vì đương sự là chủ thể của các quan hệ pháp luật nội dung cần giải quyết trong vụ án. Đương sự mới có quyền trong việc thương lượng, điều đình giải quyết các vấn đề của vụ án, không ai, dưới bất kỳ hình thức nào có thể cưỡng ép, bắt buộc đương sự thỏa thuận.
Tuy vậy, Tòa án giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hòa giải vụ án dân sự. Quá trình hòa giải vụ án dân sự có kết quả hay không phụ thuộc rất lớn vào Tòa án. Là cơ quan có nhiệm vụ giải quyết vụ án, Tòa án chủ động triệu tập các đương sự đến, giải thích pháp luật cho các đương sự hiểu, giúp đỡ họ tháo gỡ những vướng mắc để thỏa thuận với nhau về giải quyết các vấn đề của vụ án. Trường hợp đương sự thoả thuận được việc giải quyết vụ án, Tòa án cũng cần kiểm tra lại trước khi ra quyết định công nhận.
2.1.2. Phạm vi hòa giải
Theo Điều 181, 182 BLTTDS, Tòa án hòa giải tất cả các việc, trừ những việc sau:
- Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
2.1.3. Thủ tục hòa giải
- Sau khi điều tra lập hồ sơ vụ án, Tòa án đã nắm được nội dung vụ án, những nguyên nhân và điều kiện phát sinh vụ án, những vướng mắc giữa các đương sự thì Tòa án triệu tập các đương sự đến để hòa giải. Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hoà giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải và việc hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải (Điều 184 BLTTDS).
- Khi hòa giải, thẩm phán giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, để các đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề giải quyết trong vụ án. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết vụ án thì thẩm phán kiểm tra lại. Nếu sự thỏa thuận không trái pháp luật thì thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý xác nhận sự thỏa thuận của đương sự, nội dung biên bản phải ghi rõ nội dung việc tranh chấp và những điều các đương sự đã thỏa thuận.
- Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo quyết định này theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 187, 188 BLTTDS)
- Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
2.2. Chuẩn bị xét xử
Từ khi Toà án thụ lý vụ án dân sự, Toà án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu hoà giải không thành Toà án phải củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tại phiên toà. Các công việc chuẩn bị xét xử bao gồm phân công Thẩm phán thụ lý, lập hồ sơ vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên toà.
Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
- Đối với các vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình, thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với các vụ án về kinh doanh, thương mại, lao động thời hạn này là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá một tháng đối với vụ án về kinh doanh, thương mại, lao động và hai tháng đối với vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định như công nhận sự thoả thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu Toà án thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Trưng cầu giám định;
- Quyết định định giá tài sản;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Uỷ thác thu thập chứng cứ;
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
2.3.Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án và đưa vụ án ra xét xử
2.3.1. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án
Căn cứ vào quy định tại 189 BLTTDS, trước khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong những trường hợp sau:
- Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
- Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
- Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế.
- Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.
- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
2.3.2. Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự
Căn cứ vào Điều 168, 192 BLTTDS, trước khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong những trường hợp sau:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
- Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
- Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
2.3.3. Đưa vụ án dân sự ra xét xử
Theo Điều 179 BLTTDS, nếu đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà không có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự thì Tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3. Phiên tòa sơ thẩm dân sự
3.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
Thủ tục bắt đầu phiên toà được quy định tại các điều từ Điều 213 tới Điều 215 BLTTDS.
Trước khi tiến hành phiên tòa, cán bộ Tòa án được phân công làm thư ký phiên tòa kiểm tra những người được triệu tập đã có mặt chưa, nếu có người vắng mặt thì tìm hiểu lý do, sau đó phổ biến nội quy của phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án thì mọi người phải đứng dậy. Thủ tục bắt đầu phiên toà được tiến hành như sau:
- Chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Thư ký Toà án báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt.
- Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và kiểm tra căn cước của đương sự.
- Chủ toạ phiên toà phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
- Chủ toạ phiên toà giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.
- Chủ toạ phiên toà hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không.
- Trong trường hợp có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định
- Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà mà không thuộc trường hợp Toà án phải hoãn phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên toà hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định việc hoãn phiên toà.
- Trong trường hợp lời khai của đương sự và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ toạ phiên toà có thể quyết định cách ly đương sự với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.
3.2. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa
Thủ tục xét hỏi được quy định tại các điều từ Điều 217 tới Điều 231 BLTTDS. Thủ tục này được tiến hành như sau:
- Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe lời trình bày của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp đương sự và nghe ý kiến bổ sung của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện đương sự.
- Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác; trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự.
- Kết hợp với việc xét hỏi, Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, xem xét các tài liệu, vật chứng, kết luận giám định.
3.3. Tranh luận tại phiên tòa
Thủ tục tranh luận được quy định tại các điều từ Điều 232 tới Điều 235 BLTTDS.
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Hội đồng xét xử hướng dẫn các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiến hành tranh luận. Khi tranh luận, những người tham gia tranh luận không trình bày lại sự việc mà trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ, hướng giải quyết vụ án.
Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả việc hỏi tại phiên toà. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
3.4. Nghị án
Hội đồng xét xử nghị án tại phòng riêng, khi nghị án, Hội đồng xét xử xem xét tất cả các vấn đề của vụ án và các yêu cầu của đương sự.
Trong quá trình nghị án, chủ tọa phiên tòa nêu từng vấn đề để các thành viên của Hội đồng xét xử thảo luận. Hội đồng xét xử quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án theo đa số.
Tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu của đương sự hoặc bác toàn bộ các yêu cầu của đương sự.
Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận của từng thành viên Hội đồng xét xử và quyết định của Hội đồng xét xử (Điều 236 BLTTDS).
3.5. Tuyên án
Khi tuyên án chủ tọa phiên tòa phải đứng đọc nguyên văn bản án từ đầu đến cuối. Nếu Tòa án xử kín vụ án thì tùy từng trường hợp, chủ tọa phiên tòa có thể đọc toàn bộ bản án hoặc chỉ tóm tắt nội dung sự việc và nhận định của Tòa án, nhưng phần quyết định của bản án thì phải đọc công khai. Sau khi đã tuyên án, chủ tọa phiên tòa giải thích cho các đương sự về quyền kháng cáo của họ.
Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết (Điều 239 BLTTDS).
PHẦN I. LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ LUẬT DÂN SỰ, CHỦ THỂ CỦA LUẬT DÂN SỰ
1. Khái niệm chung về Luật dân sự
Luật dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm các quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân.
1.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự
Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự (BLDS) được xác định tại Điều 1 BLDS 2005: “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác; quyền nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (được gọi chung là quan hệ dân sự)”.
Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự là những nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa... nhằm thoả mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần của các chủ thể. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự bao gồm hai nhóm quan hệ là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
* Nhóm quan hệ tài sản
Quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự là quan hệ giữa người và người thông qua một tài sản nhất định như: Tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng hoặc các quyền về tài sản. Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn liền với một tài sản hoặc một quyền tài sản nhất định.
* Nhóm quan hệ nhân thân
Đó là những quan hệ được hình thành từ một giá trị tinh thần của một cá nhân hoặc một tổ chức và luôn gắn liền với cá nhân hoặc tổ chức đó. Các quan hệ nhân thân do Luật dân sự điều chỉnh có thể chia thành hai nhóm sau đây:
+ Nhóm các quan hệ nhân thân có mối liên hệ trực tiếp với các quan hệ tài sản.
+ Nhóm các quan hệ nhân thân không có liên quan đến các tài sản.
1.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự
Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự là những biện pháp, cách thức phù hợp mà thông qua đó pháp luật tác động đến xử sự của các chủ thể trong các quan hệ xã hội. Nhờ có sự tác động này, các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân đã phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt theo ý chí của Nhà nước được thể hiện trong các quy phạm pháp Luật dân sự cụ thể.
1.3. Các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự
Nguyên tắc của Luật dân sự là phương châm chỉ đạo cho các chủ thể khi vận dụng các quy phạm pháp Luật dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt đối với việc áp dụng pháp luật của những cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài những nguyên tắc chung, trong Bộ luật dân sự có các nguyên tắc riêng cho mỗi phần, mỗi chế định. Bộ luật Dân sự có các nguyên tắc cơ bản sau:
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận;
- Nguyên tắc bình đẳng;
- Nguyên tắc thiện chí, trung thực;
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự;
- Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp;
- Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự;
- Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Nguyên tắc tuân thủ pháp luật;
- Nguyên tắc hoà giải.
2. Chủ thể của Luật dân sự
Chủ thể của Luật dân sự rất đa dạng, có thể là cá nhân, có thể là tổ chức... Để tham gia quan hệ pháp Luật dân sự thì các chủ thể phải có tư cách chủ thể - được xác định bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Theo qui định của Bộ luật dân sự, chủ thể của Luật dân sự bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
2.1. Cá nhân:Năng lực chủ thể của cá nhân được xác định bởi hai yếu tố là năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
- Năng lực pháp luật của cá nhân.
Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự” (Khoản 1 Điều 14 BLDS). Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân là tiền đề pháp lí cần thiết để cá nhân tham gia các quan hệ pháp Luật dân sự. Năng lực pháp luật của cá nhân có những đặc điểm sau đây:
+ Các cá nhân là chủ thể của Luật dân sự đều được bình đẳng về năng lực pháp Luật dân sự.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân được pháp Luật dân sự ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân mới chỉ là khả năng, để biến thành quyền dân sự phải căn cứ vào sự kiện pháp lý nhất định.
+ Năng lực pháp Luật dân sự của cá nhân có từ lúc người đó sinh ra và gắn liền với một cá nhân suốt đời cho đến khi chết. Trong một số trường hợp cần thiết Luật dân sự còn công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi.
- Năng lực hành vi dân sự của cá nhân.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự chính là khả năng của cá nhân để tiến hành các hành vi nhằm thực hiện năng lực pháp luật. Do đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực pháp luật, dựa trên năng lực pháp luật và có sau năng lực pháp luật.
Bộ luật Dân sự phân chia năng lực hành vi dân sự thành các mức độ sau đây:
+ Người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự:
Là những người từ 18 tuổi tròn trở lên nếu không bị Toà án tuyên bố là người hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự.
+ Người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ:
Những người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là những người có năng lực hành vi chưa đầy đủ. Những người này khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ những giao dịch nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
+ Người không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự:
Trẻ em dưới 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Những người bị bệnh tâm thần, mất trí... bất kể họ ở lứa tuổi nào bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện.
* Tuyên bố mất tích, tuyên bố chết
- Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là mất tích theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan khi người đó biệt tích đã hai năm liền mà không có tin tức xác thực là còn sống hay đã chết. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được giao cho người được người mất tích uỷ quyền quản lý; đối với tài sản chung do chủ sở hữu chung còn lại quản lý. Nếu vợ (chồng) người mất tích đã chết, hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ quản lý nếu không còn ai nêu trên thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản. Nếu người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn, Tòa án giải quyết cho ly hôn. Khi giải quyết cho vợ (chồng) của người bị tuyên bố mất tích ly hôn, tài sản của người bị tuyên bố mất tích được giao cho con đã thành niên quản lý hoặc cha mẹ của người bị tuyên bố mất tích quản lý nếu không có những người này thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
- Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan khi người đó biệt tích đã năm năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là còn sống; hoặc khi quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực ba năm mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; người bị mất tích trong chiến tranh sau 5 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; người bị mất tích do tai nạn, thảm họa, thiên tai sau một năm kể từ ngày tai nạn, thảm họa, thiên tai kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuỳ từng trường hợp Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố chết căn cứ vào các điều kiện để Toà án tuyên bố chết nêu trên. Người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố chết có quyền đi kết hôn với người khác. Tài sản của người bị tuyên bố chết được chia theo qui định của pháp luật về thừa kế.
* Hộ tịch và nơi cư trú
- Hộ tịch của cá nhân:
Hộ tịch của cá nhân là tổng hợp những sự kiện pháp lí để xác nhận cá nhân là chủ thể của các quan hệ xã hội và là chủ thể của Luật dân sự. Đó là các sự kiện: Sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nuôi con nuôi, thay đổi họ tên, quốc tịch, xác định dân tộc... được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo một trình tự, thủ tục nhất định. Mỗi cá nhân đều phải có nghĩa vụ đăng ký hộ tịch tại nơi người đó cư trú.
Các giấy tờ chứng thư hộ tịch ghi nhận các sự kiện pháp lí để cá biệt hoá cá nhân, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Các giấy tờ hộ tịch đã xác định như: Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, nhận nuôi con nuôi... sẽ là những bằng chứng pháp lí cần thiết có liên quan đến quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân.
- Nơi cư trú của cá nhân:
Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống (Điều 52 BLDS).
Nơi cư trú là một trong những quyền dân sự của cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và bảo vệ các quyền của cá nhân, bảo đảm sự quản lí về mặt nhà nước với cá nhân; là nơi Toà án theo thẩm quyền tống đạt các giấy tờ khi có tranh chấp dân sự mà cá nhân đó là bị đơn.
Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền lựa chọn nơi cư trú hoặc có thể chọn một nơi khác với nơi cư trú để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ (nếu cha, mẹ có nơi cú trú khác nhau) mà người chưa thành niên thường xuyên sinh sống. Tương tự, nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. Người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên có thể có nơi cư trú khác, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của quân nhân là nơi đơn vị của quân nhân đóng quân. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của những người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi thường xuyên sinh sống. Đối với người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiên hành nghề lưu động khác thì nơi cư trú là nơi đăng ký các phương tiện nếu họ không có nơi cư trú khác.
2.2. Pháp nhân
* Khái niệm pháp nhân
Khái niệm pháp nhân được hiểu là: Một tổ chức thống nhất, độc lập, được thành lập một cách hợp pháp. Tổ chức đó có tài sản riêng, chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
* Các điều kiện của pháp nhân
Các điều kiện của pháp nhân được quy định tại Điều 84 BLDS. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập một cách hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2.3. Hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 116 BLDS thì: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Như vậy, có thể coi hộ gia đình là chủ thể hạn chế của quan hệ pháp Luật dân sự.
Trong hộ gia đình, tài sản chung của hộ là tài sản chung hợp nhất và là một thể thống nhất được tạo dựng bởi công sức của các thành viên, được tặng cho, thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung. Pháp Luật dân sự quy định: Quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình là tài sản chung của hộ.
Tư cách chủ thể của hộ gia đình phát sinh đồng thời với việc hình thành hộ gia đình (điều này có tính chất tương tự như pháp nhân). Theo quy định của Điều 106 BLDS, hộ gia đình chỉ được tham gia các quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, vay vốn ở Ngân hàng để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ.
Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do chủ hộ, hoặc người đại diện theo uỷ quyền của chủ hộ đã xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình (Điều 110 BLDS). Khi phải chịu trách nhiệm tài sản, thì tài sản đó là tài sản chung của hộ. Nếu tài sản chung của hộ không đủ để chịu trách nhiệm dân sự, thì các thành viên trong gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trách nhiệm dân sự, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm như cá nhân. Nghĩa là trách nhiệm của hộ gia đình là trách nhiệm vô hạn.
2.4. Tổ hợp tác
Theo quy định tại Điều 111 BLDS thì: “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”.
Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây: Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác; Họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên; Mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên; Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác; Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác.
Theo qui định của pháp luật, có thể hiểu tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp Luật dân sự khi có các điều kiện sau đây:
- Thành viên của tổ hợp tác tối thiểu phải là 3, các cá nhân này phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Tài sản của tổ hợp tác do các thành viên đóng góp. Tài sản này được dùng để chịu trách nhiệm dân sự cho quan hệ dân sự mà tổ hợp tác tham gia;
- Hợp đồng hợp tác phải được chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở.
Hoạt động của tổ hợp tác được thực hiện thông qua đại diện của tổ. Bộ luật dân sự quy định đại diện của tổ hợp tác trong giao dịch dân sự là tổ trưởng do các tổ viên cử ra. Tổ trưởng có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ. Việc uỷ quyền của tổ trưởng cũng phải tuân theo các quy định của Luật dân sự về uỷ quyền. Các giao dịch dân sự do người đại diện xác lập (bao gồm cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền) thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ, được đa số tổ viên nhất trí sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của cả tổ hợp tác.
Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện (tổ trưởng hay đại diện uỷ quyền) xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác. Khi phải chịu trách nhiệm tài sản, thì tài sản chung của cả tổ là cơ sở để xác định trách nhiệm. Trong trường hợp tài sản chung của tổ không đủ để thực hiện nghĩa vụ, thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đã đóng góp bằng tài sản riêng của mình. Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác cũng là trách nhiệm vô hạn (Điều 117 BLDS).
II. TÀI SẢN VÀ QUYỀN SỞ HỮU
1. Tài sản, các loại tài sản
1.1. Khái niệm tài sản
Điều 163 BLDS không định nghĩa thế nào là tài sản mà chỉ quy định mang tính liệt kê: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
1.1.1. Vật
Vật là loại tài sản nhiều nhất, phổ biến và thông dụng nhất trong đời sống con người. Vật phải đáp ứng ba yêu cầu sau:
- Là một bộ phận của thế giới vật chất;
- Con người kiểm soát được;
- Đáp ứng lợi ích cho con người.
1.1.2. Tiền
Giá trị của hàng hoá được xác định bằng lượng lao động kết tinh để sản xuất ra hàng hoá đó. Tiền là thước đo giá trị chung, là giá trị đại diện cho giá trị thực của hàng hoá và là phương tiện lưu thông trong giao lưu dân sự. Với vai trò quan trọng như vậy, tiền được coi là một tài sản quý. Ngoài ra, tiền còn có một khía cạnh chính trị pháp lý đặc biệt, thể hiện tư cách đại diện cho chủ quyền quốc gia. Nhà nước có quyền ấn định giá trị của tiền, phát hành tiền, quản lý việc lưu thông tiền... Người có tiền (chủ sở hữu) khi sử dụng tiền phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Nhà nước.
1.1.3. Giấy tờ có giá
Ngoài tiền có giá trị thanh toán, các loại giấy tờ trị giá được bằng tiền như cổ phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, séc... được sử dụng tương đối rộng rãi, góp phần làm cho giao lưu dân sự trở nên đa dạng, sôi động và phong phú hơn. Những giấy tờ này quy định những khoản tiền cụ thể mà chủ thể được hưởng khi xuất trình trước một tổ chức có trách nhiệm (ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng ...).
1.1.4. Các quyền tài sản
Quyền tài sản phải thoả mãn hai điều kiện là trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Đây là những quyền gắn liền với tài sản mà khi thực hiện các quyền đó chủ sở hữu sẽ có một tài sản. Ví dụ: Quyền đòi nợ, quyền sở hữu công nghiệp...
1.2. Các loại tài sản
Tài sản được phân biệt thành nhiều loại khác nhau dựa theo những căn cứ khác nhau. BLDS phân biệt các loại tài sản sau đây:
1.2.1. Bất động sản và động sản
BLDS Việt Nam đã căn cứ vào tính chất vật lý của tài sản, đồng thời sử dụng phương pháp loại trừ để quy định bất động sản, động sản. Theo phương pháp này, trước hết người ta liệt kê cụ thể các tài sản là bất động sản, sau đó khẳng định “những tài sản không phải bất động sản là động sản”. Điều 174 BLDS quy định bất động sản và động sản như sau:
“1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:
a- Đất đai.
b- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó.
c- Các tài sản khác gắn liền với đất đai.
d- Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
1.2.2. Hoa lợi và lợi tức
Hoa lợi là những vật mới thu được do sự phát triển hữu cơ của một vật mà có, như hoa quả của cây, sữa, trứng, con giống từ con mẹ... Người chủ sở hữu được hưởng hoa lợi theo mối liên hệ nguồn gốc phụ thuộc giữa vật chủ ban đầu với hoa lợi đó.
Lợi tức là món lợi bằng tiền hoặc hiện vật mà chủ sở hữu thu được do việc cho người khác sử dụng tài sản hoặc thực hiện quyền dân sự đối với tài sản.
1.2.3. Vật chính và vật phụ
Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. Vật chính và vật phụ tạo thành một đối tượng thống nhất nên khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ khi có thỏa thuận khác.
1.2.4. Vật chia được và vật không chia được
Về mặt pháp lý, vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng. Ví dụ: Các loại lương thực như gạo, bột mỳ; nhiều vật dụng khác như xăng, dầu, vôi, cát... là vật chia được. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: Tivi, đài, gi.ường, tủ, xe đạp, xe máy... Khi cần phân chia vật không chia được (chia tài sản thừa kế, chia tài sản ly hôn...) thì phải trị giá bằng tiền để chia.
1.2.5. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu: Xà phòng, xi măng, vôi, các loại thực phẩm... Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu: Ti vi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy...
Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn tài sản.
1.2.6. Vật cùng loại và vật đặc tính
Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị do lường thông dụng như kg, lít... Ví dụ: Thóc, gạo, vải vóc, xi măng, vôi, cát... Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.
Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí: nhà ở, xe máy...
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó (mua bán, thuê, mượn tài sản...).
1.2.7. Vật đồng bộ
Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
1.3. Chế độ pháp lý đối với tài sản
Căn cứ vào chế độ pháp lý của tài sản, tài sản được phân biệt theo các chế độ: Tài sản cấm lưu thông, tài sản hạn chế lưu thông và tài sản tự do lưu thông.
1.3.1. Tài sản cấm lưu thông
Những tài sản cấm lưu thông có vai trò to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đối với an ninh quốc phòng hoặc trật tự, trị an xã hội... Nhà nước cấm mua bán, dịch chuyển... Các tài sản này không thể là đối tượng của các giao dịch dân sự. Ví dụ: Ma túy, vũ khí, quân dụng, pháo nổ, các loại động vật hoang dã thuộc danh mục bảo tồn...
1.3.2. Tài sản hạn chế lưu thông
Những tài sản hạn chế lưu thông có ý nghĩa quan trọng khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, an ninh, quốc phòng... Nhà nước thực hiện sự kiểm soát chặt chẽ quá trình dịch chuyển tài sản này bằng những quy định riêng của pháp luật. Những tài sản này có thể là đối tượng của các giao dịch dân sự nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện luật định. Ví dụ: Vàng bạc, ngoại tệ, thuốc chữa bệnh...
1.3.3. Tài sản tự do lưu thông
Tài sản tự do lưu thông là những tài sản mà Nhà nước không có một quy định cụ thể nào xác định trực tiếp đối với việc dịch chuyển tài sản. Đối với những tài sản này, chủ thể được phép tự do mua bán, dịch chuyển chỉ cần đảm bảo tuân thủ những quy định chung của pháp luật về quyền tự do kinh doanh. Đó hầu hết là những tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt tiêu dùng thông thường.
2. Khái niệm quyền sở hữu, nội dung quyền sở hữu
2.1. Khái niệm quyền sở hữu
Khái niệm quyền sở hữu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó quyền sở hữu là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và các tài sản khác trong xã hội.
Ở một góc độ khác, quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự - khi bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ xã hội về sở hữu. Theo nghĩa này, quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố cấu thành là chủ thể, khách thể, nội dung như bất kỳ một quan hệ pháp luật dân sự nào khác.
2.2. Nội dung quyền sở hữu
Xét theo những phương diện khác nhau, chủ sở hữu có đủ ba quyền năng đối với tài sản: Về mặt thực tế chủ sở hữu có quyền chiếm hữu tài sản, về mặt kinh tế chủ sở hữu có quyền sử dụng tài sản, về mặt pháp lý chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản. Ba quyền năng này hợp thành nội dung của quyền sở hữu.
2.2.1. Quyền chiếm hữu
Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản (Điều 182 BLDS).
Thông thường chủ sở hữu tự mình chiếm hữu tài sản. Các trường hợp này chiếm đa số làm người ta dễ dàng đồng nhất người chiếm hữu tài sản với chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp một người đang thực tế chiếm hữu tài sản nhưng lại không phải là chủ sở hữu tài sản đó. Ví dụ: Người thuê, người mượn tài sản... Vì vậy cần có các căn cứ để xem xét việc chiếm hữu của họ có hợp pháp hay không, từ đó áp dụng biện pháp bảo vệ quyền sở hữu một cách phù hợp. Tương ứng như vậy pháp Luật dân sự phân biệt hai hình thức chiếm hữu là chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
- Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
Là việc chiếm hữu tài sản phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
+ Chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản theo ý chí của mình nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
+ Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
+ Người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự;
+ Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
+ Người phát hiện gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc;
+ Các trường hợp khác do pháp luật quy định như việc chiếm hữu tang vật phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án theo chức năng và thẩm quyền luật định của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án.
- Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật
Là việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể đó là việc chiếm hữu tài sản của một người mà không thuộc về bất cứ trường hợp nào của việc chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật.
Trong thực tế, một người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật một tài sản sẽ được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình nếu người đó không biết và không thể biết việc chiếm hữu đó là không có căn cứ pháp luật. Mặt khác, nếu người đó biết hoặc tuy không biết nhưng buộc phải biết việc chiếm hữu đó là không có căn cứ pháp luật mà vẫn chiếm hữu sẽ bị coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình.
2.2.2. Quyền sử dụng
Quyền sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản (Điều 198 BLDS).
Như vậy, thực hiện quyền sử dụng chính là việc con người khai thác những lợi ích của tài sản để thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần phát sinh trong đời sống của mình. Việc khai thác những lợi ích này bao gồm cả việc con người thu nhận những kết quả do tài sản mang lại như thu hoạch hoa, quả, hưởng trứng của gia cầm, hưởng tiền do cho người khác thuê tài sản...
Việc sử dụng một tài sản thông thường do chủ sở hữu thực hiện theo ý chí và phù hợp với lợi ích riêng của mình, đồng thời phải đảm bảo không gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là nguyên tắc quan trọng đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích riêng của chủ sở hữu với lợi ích chung của xã hội khi tiến hành khai thác công dụng, giá trị của tài sản.
Ngoài ra, người không phải chủ sở hữu nào cũng có quyền sử dụng tài sản trong trường hợp được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng thông qua giao dịch dân sự hoặc theo quy định của pháp luật. Những người này có quyền sử dụng tài sản theo đúng tính năng, công dụng của tài sản, đúng phương thức như đã thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc do luật định.
2.2.3. Quyền định đoạt
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó (Điều 195 BLDS).
Như vậy, có hai hình thức định đoạt tài sản:
- Định đoạt số phận thực tế của tài sản: Là việc chủ sở hữu bằng hành vi của mình làm cho tài sản không còn trong thực tế... Ví dụ: tiêu dùng hết, hủy bỏ tài sản...
- Định đoạt số phận pháp lý của tài sản: Là việc chủ sở hữu dịch chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác thông qua các giao dịch dân sự như bán, trao đổi, tặng cho tài sản...
Chủ sở hữu có thể tự mình thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản nhưng cũng có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền định đoạt tài sản chỉ được thực hiện các hành vi trong khuôn khổ được ủy quyền và phù hợp với ý chí của chủ sở hữu.
Tuy vậy, quyền định đoạt của chủ sở hữu cũng bị hạn chế trong một số trường hợp nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp, chính đáng khác.
3. Các hình thức sở hữu
Điều 15 Hiến pháp 1992 quy định: “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”. Như vậy, Hiến pháp đã xác nhận các chế độ sở hữu trong xã hội ta đó là: Sở hữu toàn dân - sở hữu tập thể - sở hữu tư nhân. Trên cơ sở các các chế độ sở hữu mà Hiến pháp quy định, BLDS đã quy định hình thức sở hữu dựa trên những quy định của Hiến pháp về chế độ sở hữu.
3.1. Sở hữu nhà nước
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản thuộc sở hữu toàn dân (Điều 201 BLDS).
* Quyền sở hữu nhà nước hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quy phạm pháp luật xác nhận quan hệ sở hữu toàn dân trong xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu nhà nước bao gồm:
- Xác nhận nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ thể thực hiện quyền của chủ sở hữu với tài sản thuộc sở hữu nhà nước;
- Quy định về nội dung, trình tự, phạm vi cũng như cách thức thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước;
- Quy định những biện pháp thực tế cũng như pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu nhà nước.
* Theo nghĩa hẹp quyền sở hữu nhà nước là quyền của Nhà nước với tư cách là chủ thể có quyền năng của một chủ sở hữu đối với các tài sản: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
- Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ thể của quyền sở hữu nhà nước. Khác với các chủ thể khác khi tham gia vào các quan hệ dân sự, Nhà nước là chủ thể đặc biệt. Nhà nước là tổ chức phức hợp gồm những cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được kết cấu thành một tổ chức thống nhất có phân rõ quyền của các cơ quan nhà nước. Việc phân quyền cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của nhà nước được cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội - quy định bằng những văn bản pháp luật. Khoản 2 Điều 201 BLDS quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân”.
- Khách thể của sở hữu toàn dân: Là những tài sản mà pháp luật quy định thuộc sở hữu toàn dân. Khách thể của quyền sở hữu toàn dân rất đa dạng và không bị hạn chế về loại tài sản. Điều 17 Hiến pháp 1992, Điều 200 BLDS đã ghi nhận một cách khái quát nhất những tài sản thuộc sở hữu nhà nước:
“Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định”.
- Nội dung quyền sở hữu nhà nước
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Cũng như các chủ sở hữu khác Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Khác với các chủ thể khác, Nhà nước thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu bằng việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, trong đó qui định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
3.2. Sở hữu tập thể
Là một phạm trù pháp lý, quyền sở hữu tập thể là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu tập thể, bao gồm những quy định về các căn cứ phát sinh quyền sở hữu tập thể, trình tự chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu tập thể. Thông qua các quy định của pháp luật, nhà nước bảo đảm và tôn trọng quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, không can thiệp vào hoạt động của tập thể. Ngoài ra bằng những chính sách kinh tế, xã hội nhà nước còn tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để giúp kinh tế tập thể phát triển dưới sự quản lý của nhà nước.
- Chủ thể
Chủ thể của sở hữu tập thể là các “hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế tập thể ổn định khác” Điều 208 BLDS. Luật hợp tác xã năm 1996 và các Nghị định của Chính phủ ban hành kèm theo các điều lệ mẫu các loại hình hợp tác xã đã quy định các loại hình tổ chức của kinh tế tập thể.
Mỗi hợp tác xã là một chủ thể riêng biệt - là một pháp nhân và là chủ sở hữu đối với các tài sản của mình. Hợp tác xã là chủ sở hữu thống nhất mà không phụ thuộc vào số lượng thành viên của hợp tác xã. Sở hữu của hợp tác xã không phải là sở hữu chung theo phần của các xã viên bởi nguồn tạo thành của sở hữu chung theo phần của các xã viên không chỉ do các xã viên đóng góp mà còn được tạo lập từ các nguồn khác như: trích phần lợi nhuận để tái sản xuất, tái sản xuất mở rộng, được nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác tạo thành. Khối tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã là một thể thống nhất. Việc thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, do các cơ quan của hợp tác xã quyết định phù hợp với mục đích được quy định trong điều lệ. Việc phân chia thành quả lao động, hoa lợi, lợi tức của hợp tác xã theo phương thức được quyết định bởi cơ quan cao nhất của hợp tác xã.
- Khách thể của sở hữu tập thể
Tài sản thuộc sở hữu tập thể bao gồm tất cả các tư liệu sản xuất phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phụ, các loại vốn, quỹ, các loại tài sản từ nguồn đóng góp của các xã viên, các thu nhập từ các loại hoạt động kinh doanh hợp pháp, từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nội dung của sở hữu tập thể
Mỗi hợp tác xã là một tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có tư cách pháp nhân được thành lập theo trình tự thừa nhận, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng cùng sản xuất, kinh doanh, cùng hưởng lợi.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc sở hữu hợp tác xã cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật phù hợp với điều lệ của hợp tác xã, bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Đại hội xã viên của hợp tác xã quyết định phương hướng sản xuất, kinh doanh, giao các tài sản thuộc sở hữu tập thể cho các thành viên trực tiếp khai thác công dụng, giá trị. Các thành viên khi sử dụng tài sản của hợp tác xã giao cho phải sử dụng đúng mục đích, phải bảo quản, giữ gìn tài sản được chuyển giao, không được dịch chuyển tài sản cho người khác.
Ban quản trị, chủ nhiệm hợp tác xã, cơ quan thường trực giữa các kỳ đại hội xã viên (đại hội đại biểu xã viên, đại hội cổ đông) có kế hoạch quản lý thực hiện các nghị quyết của đại hội xã viên; quản lý, điều hành, kiểm tra việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu tập thể có hiệu quả, phù hợp với điều lệ và pháp luật.
Đối với sở hữu tập thể trong một số lĩnh vực do tính đặc thù là sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân (vốn do nhà nước cấp để xây dựng các công trình công cộng, kết cấu hạ tầng, đất đai...), Chính phủ quy định thể thức sử dụng, quản lý tài sản cho phù hợp với từng loại hình hợp tác xã.
3.3. Sở hữu tư nhân
Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện chính sách kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật. Các doanh nghiệp không phân biệt quan hệ sở hữu đều tự chủ kinh doanh, hợp tác cạnh tranh nhau, bình đẳng trước pháp luật”. Điều này đã được Hiến pháp ghi nhận: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.
* Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu tư nhân là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc quyền sở hữu của mỗi cá nhân.
* Theo nghĩa hẹp, quyền sở hữu tư nhân còn được hiểu là những quyền dân sự cụ thể của một cá nhân cụ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của họ.
- Quyền sở hữu tư nhân bao gồm: Sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân (Điều 211 BLDS). Việc phân định sở hữu tư nhân thành ba loại hình sở hữu khác nhau là căn cứ vào đối tượng sở hữu và cách thức tác động lên đối tượng sở hữu đó: Cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân.
- Chủ thể quyền sở hữu tư nhân
Chủ thể quyền sở hữu tư nhân là từng cá nhân. Bất kỳ cá nhân nào có năng lực pháp luật đều có thể trở thành chủ sở hữu tài sản mà không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi.
- Khách thể quyền sở hữu tư nhân
Khách thể quyền sở hữu tư nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân. Tài sản thuộc sở hữu tư nhân được quy định tại Điều 58 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa ở Điều 212 BLDS: “Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Cá nhân không được sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc sở hữu tư nhân”.
- Nội dung quyền sở hữu tư nhân
Nội dung quyền sở hữu tư nhân là tổng hợp các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt cùng các nghĩa vụ của chủ sở hữu khi thực hiện các quyền năng đó đối với các tài sản thuộc sở hữu của mình.
Nếu như tất cả mọi cá nhân đều có quyền sở hữu đối với tài sản thì vấn đề thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu không phải tất cả mọi người như nhau. Chỉ những cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi mới có đầy đủ các quyền để tự mình thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ.
Khi thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu tư nhân, chủ sở hữu phải “không được gây thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Ngoài ra trong trường hợp do pháp luật quy định, chủ sở hữu còn có những nghĩa vụ khác khi thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt như nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 263 BLDS), nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (Điều 264 BLDS)...
3.4. Sở hữu chung
Sở hữu chung là hình thức sở hữu trong đó hai hay nhiều chủ sở hữu đều là chủ sở hữu đối với một tài sản, một khối tài sản. Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung. Những chủ sở hữu trong quyền sở hữu chung được gọi là các đồng sở hữu chủ.
Theo qui định của pháp luật, có các loại sở hữu chung sau đây:
- Sở hữu chung theo phần
Là hình thức sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung (Điều 216 BLDS). Trong sở hữu chung theo phần, mỗi đồng sở hữu chủ có phần quyền xác định đối với toàn bộ khối tài sản mà không phải là quyền đối với phần tài sản. Phần quyền xác định này có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau và thường được biểu hiện thông qua đơn vị số học xác định 1/2 - 1/4 đối với tài sản. Tỷ lệ này được xác định căn cứ vào phần đóng góp của các đồng sở hữu chủ hoặc phần họ được trong khối di sản thừa kế...
Việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung theo phần của từng đồng sở hữu chủ là việc mỗi đồng sở hữu định đoạt phần quyền của họ trong khối tài sản chung. Nếu các đồng sở hữu chủ có thoả thuận về phương thức định đoạt thì mỗi đồng sở hữu chủ phải định đoạt theo phương thức đó. Trong trường hợp các đồng sở hữu chủ không thoả thuận về phương thức định đoạt thì mỗi đồng sở hữu chủ có quyền định đoạt phần quyền của mình thông qua các hình thức: Bán, tặng cho, trao đổi, thừa kế hoặc từ bỏ quyền sở hữu.
Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền của mình, thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các đồng sở hữu chung nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Nếu một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế, thì phần quyền sở hữu đó thuộc về nhà nước.
Mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, nếu các chủ sở hữu chung có thoả thuận chỉ được chia sau một thời hạn nhất định thì quyền yêu cầu chia tài sản chỉ được thực hiện khi hết thời hạn đó. Khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia. Chủ nợ của một trong các đồng sở hữu chung cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Sở hữu chung hỗn hợp
Sở hữu chung hỗn hợp là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn góp của các chủ sở hữu, lợi nhuận hợp pháp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp phải tuân theo quy định tại Điều 216 của BLDS và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận.
- Sở hữu chung hợp nhất
Là sở hữu chung trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung (khoản 1 Điều 218 BLDS). Các đồng sở hữu chủ có quyền ngang nhau đối với khối tài sản chung trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung nếu không có thoả thuận khác. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
- Sở hữu chung của cộng đồng
Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn ấp, làng bản, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên cộng đồng cùng nhau đóng góp, được tặng, cho chung... nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý sử dụng, định đoạt tài sản chung theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm phần diện tích, trang thiết bị dùng chung (cầu thang, hệ thống điện, nước... ) chủ sở hữu các hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung.
4. Bảo vệ quyền sở hữu
4.1. Khái niệm bảo vệ quyền sở hữu
Có rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu, trước tiên chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ quyền sở hữu của mình bằng những cách thức, biện pháp, phương tiện phù hợp với quy định của pháp luật bao gồm cả các hành vi tích cực nhằm chống trả hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình (phòng vệ chính đáng).
Ngoài ra, các biện pháp pháp lý đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu. Nhà nước sử dụng pháp luật như là một công cụ quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu cũng như ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các chủ thể và giáo dục mọi công dân tôn trọng quyền sở hữu như là một quyền dân sự tuyệt đối. Với ý nghĩa này bảo vệ quyền sở hữu không chỉ đơn thuần là một chế định trong Luật dân sự mà nó còn được thể hiện ở nhiều ngành luật khác.
Mỗi ngành luật có những cách thức, biện pháp riêng trong việc bảo vệ quyền sở hữu mang đặc thù của phương pháp điều chỉnh của ngành luật đó. Luật dân sự bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những phương thức kiện dân sự nhằm phục hồi tình trạng tài sản của người bị xâm hại. Tuỳ theo các hành vi xâm phạm quyền sở hữu mà áp dụng các hình thức kiện khác nhau và các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng khác nhau như: công nhận quyền sở hữu của một chủ thể, buộc phải chấm dứt hành vi cản trở chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu, đòi lại tài sản bị chiếm hữu bất hợp pháp, yêu cầu bồi thường thiệt hại....
Tuy nhiên, các phương thức kiện dân sự có những ưu điểm riêng và được áp dụng rộng rãi nhất trong thực tế bởi các lý do sau:
- Tạo điều kiện cho chủ sở hữu khắc phục những thiệt hại về vật chất do các hành vi xâm phạm gây ra với mục đích phục hồi tình trạng tài sản như trước khi bị xâm phạm, ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
- Tự người có quyền bị xâm phạm chủ động yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của mình.
- Trong mọi trường hợp đều có thể áp dụng phương thức kiện dân sự; các biện pháp hình sự, hành chính chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật hành chính, hình sự.
4.2. Các phương thức kiện dân sự bảo vệ quyền sở hữu
4.2.1. Kiện đòi lại tài sản
Điều 255 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”. Việc đòi lại tài sản không được áp dụng trong trường hợp quyền sở hữu đã được xác lập theo thời hiệu của người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai đối với tài sản. Việc kiện đòi lại tài sản được áp dụng theo những điều kiện sau:
- Đối với nguyên đơn: Người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
- Đối với bị đơn: Người bị kiện là người đang thực tế chiếm hữu vật bất hợp pháp.
- Đối tượng trong vụ kiện: Vật do người chiếm hữu bất hợp pháp đang chiếm hữu cùng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản trong thời gian chiếm hữu bất hợp pháp. Vật, tài sản là đối tượng của việc kiện đang còn.
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Người chiếm hữu bất hợp pháp nhưng ngay tình chỉ phải trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật, họ được quyền yêu cầu người đã dịch chuyển tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.
Người chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình có quyền yêu cầu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải hoàn trả các chi phí sửa chữa, bảo quản và làm tăng giá trị tài sản.
Người chiếm hữu, sử dụng tài sản được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và không ngay tình phải trả lại tài sản cùng hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
4.2.2. Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
Quyền sở hữu là một quyền tuyệt đối “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 165 BLDS). Mọi chủ thể khác đều phải tôn trọng chủ sở hữu thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, không được làm bất cứ điều gì cản trở chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu của họ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó. Nếu người có hành vi cản trở trái pháp luật không tự nguyện chấm dứt thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp còn có quyền yêu cầu toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn buộc người có hành vi cản trở phải chấm dứt các hành vi đó.
4.2.3. Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Điều 260 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại”. Quy định này được áp dụng trong các trường hợp người chiếm hữu bất hợp pháp đã dịch chuyển tài sản cho người khác hoặc tài sản bị tiêu hủy, hư hỏng do lỗi của người chiếm hữu bất hợp pháp hoặc hành vi cản trở đã gây thiệt hại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra nếu tài sản giao dịch bị tịch thu, sung công qũy nhà nước hoặc buộc phải trả cho người có quyền nhận thì người thứ ba ngay tình cũng có quyền yêu cầu người xác lập giao dịch với mình phải bồi thường thiệt hại.
4.3. Những quy định về nghĩa vụ và quyền của chủ sở hữu
Chủ sở hữu là một loại chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự nhưng đồng thời là chủ thể của quan hệ xã hội nói chung. Bởi vậy quyền của chủ sở hữu bị giới hạn bởi lợi ích của cộng đồng, lợi ích của xã hội và lợi ích của các chủ thể khác. Cho nên, trong một số trường hợp nhất định chủ sở hữu bị hạn chế thực hiện quyền sở hữu. Việc hạn chế chủ sở hữu thực hiện các quyền năng của họ lại là quyền của những chủ sở hữu khác có những quyền nhất định đối với tài sản của người khác. Những hạn chế của chủ sở hữu khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của mình và quyền của một chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác được Bộ luật dân sự quy định trong mục: Những qui định khác về quyền sở hữu.
4.3.1. Nghĩa vụ của chủ sở hữu
- Trong tình thế cấp thiết, khi một người muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn thì chủ sở hữu không được cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản của mình để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra (Điều 262 BLDS).
- Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường không được làm ô nhiễm môi trường, nếu làm ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và phải bồi thường thiệt hại (Điều 268 BLDS).
- Chủ sở hữu phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền sở hữu để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 264 BLDS).
- Khi thực hiện các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản liền kề trên không, ở mặt đất cũng như dưới lòng đất, chỉ được xây dựng, trồng cây, làm các công trình dưới lòng đất trong phạm vi khuôn viên thuộc quyền sử dụng đất của mình đảm bảo không ảnh hưởng đến chủ sở hữu liền kề và xung quanh. Trong trường hợp các công trình xây dựng, cây cối có nguy cơ đe doạ sự an toàn thì chủ sở hữu phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục cần thiết để loại trừ các nguy cơ đó, nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.
4.3.2. Quyền của chủ sở hữu
Để thực hiện các quyền đối với tài sản của mình, trong nhiều trường hợp chủ sở hữu phải sử dụng bất động sản liền kề không thuộc sở hữu của mình thì mới có thể khai thác hoặc khai thác chúng có hiệu quả. Điều 273 BLDS quy định: “Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất, có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để đảm bảo các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước,cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác”. Chủ sở hữu có một số quyền sau:
- Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề;
- Quyền mắc đường dây tải điện;
- Quyền về cấp, thoát nước, tưới tiêu nước; ...
III. NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
1. Khái niệm chung về nghĩa vụ dân sự
1.1. Khái niệm nghĩa vụ dân sự
Khái niệm nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 280 BLDS: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền)”.
Theo quy định trên thì trong quan hệ nghĩa vụ dân sự phải có ít nhất là hai bên (bên có quyền, bên có nghĩa vụ) mỗi bên có thể có một hoặc nhiều chủ thể tham gia. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu của bên có quyền, nếu không thực hiện, thực hiện không đúng yêu cầu thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý nhất định.
1.2. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự
Khi tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ nhất định, các chủ thể sẽ thực hiện quyền yêu cầu của mình và bên kia phải thực hiện đúng các yêu cầu đó. Hành vi của các chủ thể tác động vào một vật cụ thể mà các bên đã thỏa thuận. Vật đó là đối tượng của nghĩa vụ. Trong quan hệ khác hành vi của các chủ thể tác động đến một công việc nhất định. Công việc đã được xác định là đối tượng của nghĩa vụ. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định trước. Khi tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, các chủ thể phải thỏa thuận cụ thể, rõ ràng sẽ chuyển giao vật gì, đã có trong hiện tại hoặc sẽ có trong tương lai; nếu là một công việc, thì công việc gì, chất lượng, kết quả công việc đó như thế nào?
- Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản được phép giao dịch hoặc công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái với đạo đức xã hội.
Nếu đối tượng của nghĩa vụ là vật thì vật này không bị pháp luật cấm giao dịch. Nếu là vật hạn chế giao dịch thì khi chuyển giao cho chủ thể khác phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước về chuyển giao đó (vàng, ngoại tệ...).
1.3. Các yếu tố của nghĩa vụ dân sự
1.3.1. Chủ thể
Với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự, nghĩa vụ gồm ba yếu tố hợp thành: Chủ thể, khách thể, nội dung. Chủ thể của nghĩa vụ là cá nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia vào quan hệ nghĩa vụ mà họ có các quyền, nghĩa vụ do pháp luật quy định hoặc do thỏa thuận. Các chủ thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Nếu bên có quyền hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng quyền hoặc nghĩa vụ của mình thì theo yêu cầu của bên kia phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ đó; trong trường hợp gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại.
Trong quan hệ nghĩa vụ, tư cách của các chủ thể có thể bị thay đổi, tùy thuộc vào quan hệ nghĩa vụ đó là song vụ hay đơn vụ. Trong quan hệ song vụ, nếu một bên chủ thể vừa mang quyền vừa mang nghĩa vụ, thì quyền của chủ thể này tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại.
1.3.2. Khách thể
Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự về nghĩa vụ là các hành vi của các chủ thể như: Chuyển vật, chuyển quyền hoặc thực hiện, không thực hiện một công việc. Hành vi của các chủ thể được thể hiện dưới hai dạng: Hành động và không hành động. Thông qua các hành vi này mà các chủ thể thỏa mãn được nhu cầu của mình. Ngược lại, nếu không thực hiện đúng các hành vi đó sẽ xâm hại đến lợi ích của bên kia. Hành vi của các chủ thể phải phù hợp với quy định của pháp luật và khi thực hiện không được gây thiệt hại cho người khác.
1.3.3. Nội dung
Trong nghĩa vụ, người có quyền sẽ thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với người có nghĩa vụ. Bên kia (người có nghĩa vụ) phải thực hiện các hành vi theo yêu cầu của bên có quyền. Tổng hợp các quyền và các nghĩa vụ của chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật về nghĩa vụ.
Trong quan hệ nghĩa vụ có nhiều chủ thể tham gia, phải xác định mỗi chủ thể được phép thực hiện các yêu cầu nào và ngược lại chủ thể khác phải thực hiện nghĩa vụ đó đến đâu, từ đó mới có thể xác định được chủ thể nào đã thực hiện xong nghĩa vụ và chủ thể nào chưa thực hiện xong nghĩa vụ.
1.4. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ
1.4.1. Hợp đồng dân sự
Hợp đồng là sự kiện pháp lý phổ biến làm phát sinh nghĩa vụ. Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
1.4.2. Hành vi pháp lý đơn phương
Khác với hợp đồng dân sự, hành vi pháp lý đơn phương là hành vi của một chủ thể, họ tự mình thực hiện một hành vi pháp lý. Hành vi này sẽ là căn cứ phát sinh những hậu quả pháp lý, nếu có chủ thể thứ hai tham gia. Ví dụ như: Hứa thưởng, thi có giải…
Trong trường hợp trên, bên tuyên bố hứa thưởng có nghĩa vụ trả thưởng hoặc trao giải thưởng như đã công bố.
1.4.3. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Thông thường, chủ sở hữu tự mình thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc chuyển cho người khác chiếm hữu, sử dụng tài sản (cho mượn, gửi giữ, cho thuê...).
Trong thực tế có nhiều trường hợp người không phải chủ sở hữu có hành vi bất hợp pháp như: Trộm cắp, cướp hoặc mua tài sản bị trộm cắp mà mình biết. Hoặc có trường hợp một người tự nhiên có tài sản mà chính họ cũng không biết tài sản đó là của người khác, họ coi tài sản đó là của mình (nhận thừa tiền của người khác trả...). Những trường hợp trên là căn cứ phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa người đang có tài sản của người khác với chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó và bồi thường thiệt hại nếu có.
1.4.4. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật
Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác thì chủ thể gây thiệt hại có nghĩa vụ khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra như: Chi phí để phục hồi tình trạng sức khoẻ của người bị thiệt hại; sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bồi thường thiệt hại về tài sản bị mất, bị hao hụt hoặc những chi phí khác để khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.
1.4.5. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Trường hợp một người tự thực hiện một công việc nào đó của người khác mà không có ủy quyền của người chủ sở hữu công việc, thì phải thực hiện công việc đó vì lợi ích của người chủ sở hữu công việc. Sau khi thực hiện xong công việc, người tự thực hiện công việc không có ủy quyền phải bàn giao kết quả công việc cho người chủ sở hữu công việc và có quyền yêu cầu chủ sở hữu công việc đó phải hoàn trả cho mình những chi phí cần thiết để thực hiện công việc. Nếu trong quá trình thực hiện, người tự thực hiện công việc không có ủy quyền gây thiệt hại đối với công việc đó thì phải bồi thường thiệt hại cho người chủ sở hữu công việc.
1.4.6. Các căn cứ khác do pháp luật quy định
Các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật.
1.5. Thực hiện nghĩa vụ dân sự
1.5.1. Khái niệm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Sau khi quan hệ nghĩa vụ dân sự đã phát sinh, các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như đã thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Các chủ thể phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình như: đúng về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức...
Trường hợp các bên không thực hiện đúng những nội dung trên thì phải chịu trách nhiệm dân sự.
1.5.2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ
Người có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng thì các bên phải thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của mình do pháp luật quy định đối với loại hợp đồng đó mà các bên tham gia.
Nếu nghĩa vụ ngoài hợp đồng như: Nghĩa vụ phát sinh do gây thiệt hại thì người gây thiệt hại phải khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra...
Bản chất của quan hệ dân sự là tự nguyện và vì lợi ích của các bên. Cho nên, khi đã tham gia vào một quan hệ dân sự nào đó, các bên phải tự giác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình và không được lừa dối, ép buộc nhau để mưu cầu lợi ích cho riêng mình hoặc cho người thứ ba.
1.6. Phân loại nghĩa vụ dân sự
1.6.1. Nghĩa vụ liên đới
Là loại nghĩa vụ mà trong đó bên có nghĩa vụ hoặc bên có quyền có từ hai người trở lên tham gia. Nếu bên có nghĩa vụ có nhiều người thì người có quyền được phép yêu cầu một người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có quyền có nhiều người thì một người có quyền thay mặt tất cả người khác yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi bên có quyền đã tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ do bên có nghĩa vụ thực hiện thì nghĩa vụ liên đới chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ hoàn lại giữa những người có quyền liên đới hoặc có nghĩa vụ liên đới (nếu có). Nghĩa vụ liên đới được phát sinh do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
1.6.2. Nghĩa vụ riêng rẽ
Trường hợp nhiều người cùng tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ mà các quyền hoặc nghĩa vụ của mỗi người độc lập với nhau thì quyền của ai người đó yêu cầu và nghĩa vụ của ai người đó phải thực hiện. Người nào thực hiện quyền yêu cầu của mình xong hoặc thực hiện nghĩa vụ xong thì quan hệ nghĩa vụ chấm dứt đối với người đó.
1.6.3. Nghĩa vụ theo phần
Nếu đối tượng của nghĩa vụ có thể phân chia được thành từng phần để thực hiện thì người có nghĩa vụ phải thực hiện từng phần của nghĩa vụ đúng thời hạn, phương thức, địa điểm như đã thỏa thuận.
Trường hợp người có nghĩa vụ vi phạm phần nghĩa vụ nào thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với phần nghĩa vụ đó và căn cứ vào thời hạn của từng phần nghĩa vụ để xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện về vi phạm nghĩa vụ.
1.7. Trách nhiệm dân sự
1.7.1. Khái niệm trách nhiệm dân sự
Là hậu quả pháp lý được áp dụng đối với người vi phạm nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm dân sự thường mang tính chất tài sản vì hành vi khắc phục hậu quả của người vi phạm liên quan đến một tài sản nhất định (sửa chữa tài sản, bồi thường thiệt hại) hoặc mang tính chất phi tài sản (bồi thường thiệt hại về tinh thần,...). Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người vi phạm nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng tài sản và các quyền, lợi ích ban đầu cho người bị vi phạm.
1.7.2. Phân loại trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
* Trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ
Trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì buộc họ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đó để đáp ứng yêu cầu của bên có quyền. Người có nghĩa vụ có thể không thực hiện đúng về đối tượng, địa điểm, thời gian hoặc phương thức thực hiện nghĩa vụ tuy chưa gây thiệt hại về tài sản cho bên có quyền, nhưng bên vi phạm vẫn phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đó theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (xem thêm phần Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)
Khi một người thực hiện không đúng nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho người có quyền hoặc một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho người khác thì giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại phát sinh một quan hệ nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Có thiệt hại
Người vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của người khác mà gây ra thiệt hại về tài sản cho người bị thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó.
Thiệt hại là sự hao hụt, mất mát về tài sản, giảm sút về sức khỏe, tổn thất tinh thần... Trường hợp thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín nếu làm phát sinh thiệt hại về tài sản thì người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại về tài sản đó.
Thiệt hại về tinh thần không thể xác định được cụ thể giá trị là bao nhiêu, vì vậy, người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
- Người gây thiệt hại có lỗi
+ Lỗi cố ý: Người không thực hiện nghĩa vụ hoặc có hành vi trái pháp luật mà nhận thức được rõ hành vi của mình sẽ gây ra một hậu quả xấu cho người khác, nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Người gây thiệt hại có thể mong muốn hậu quả đó đến hoặc không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng để mặc nó xảy ra.
+ Lỗi vô ý: Khi một người thực hiện một hành vi mà không thấy trước hành vi đó sẽ gây ra thiệt hại mặc dù có thể biết trước hoặc buộc phải biết trước hậu quả sẽ xảy ra.
Ngoài các điều kiện trên, trong khoa học pháp lý còn phân loại dựa trên các yếu tố khác, từ đó xác định chính xác trách nhiệm dân sự của người gây thiệt hại, như: Xét hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
2.1. Cầm cố tài sản
2.1.1. Khái niệm cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ không đúng hạn hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình, thì bên có quyền sẽ xử lý tài sản cầm cố đó để thanh toán nghĩa vụ
2.1.2. Đối tượng của cầm cố tài sản
Đối tượng của cầm cố là tài sản (động sản, bất động sản). Đối tượng của cầm cố là tài sản phải được phép giao dịch và thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố tài sản hoặc người cầm cố có quyền định đoạt tài sản đó (tài sản được người khác cho phép cầm cố, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước).
Những tài sản và quyền tài sản sau đây không được cầm cố:
- Tài sản không được phép giao dịch;
- Tài sản đang bị tranh chấp;
- Tài sản bị niêm phong để thi hành án;
- Tài sản đang bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giữ;
- Các quyền tài sản gắn liền với nhân thân (quyền yêu cầu cấp dưỡng)...
2.1.3. Hình thức của cầm cố
Hình thức cầm cố bằng văn bản. Việc cầm cố có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi ngay vào trong hợp đồng chính (hợp đồng cho vay). Nếu lập riêng văn bản cầm cố thì cần phải thể hiện nội dung cụ thể là bảo đảm cho hợp đồng nào, giá trị hợp đồng là bao nhiêu... Nếu tài sản cầm cố đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ thì phải lập thành nhiều bản và đăng kí cầm cố.
2.1.4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
* Bên nhận cầm cố
Bên nhận cầm cố có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản cầm cố, không được sử dụng tài sản cầm cố. Khi hết hạn của hợp đồng chính, bên nhận cầm cố phải trả lại tài sản cầm cố và các giấy tờ có liên quan mà mình đã nhận. Trường hợp làm hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại.
* Bên cầm cố
Bên cầm cố là người có nghĩa vụ trong hợp đồng chính, có nghĩa vụ chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố giữ. Nếu tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì phải đăng kí việc cầm cố.
Trường hợp người nhận cầm cố phải chi phí bảo quản tài sản cầm cố thì phải thanh toán những chi phí đó.
Bên cầm cố có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố hoàn trả tài sản khi thực hiện xong nghĩa vụ của mình trong hợp đồng chính.
2.1.5. Xử lý tài sản cầm cố
Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ chính mà bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố như đã thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố hoặc có quyền bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
2.2. Thế chấp tài sản
2.2.1. Khái niệm thế chấp tài sản
Thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
2.2.2. Đối tượng của thế chấp
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tài sản đem thế chấp phải là những tài sản được phép lưu thông và phải bán được.
2.2.3. Hình thức của thế chấp
Thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
2.2.4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
* Bên nhận thế chấp:
Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của BLDS phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;
- Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;
- Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
- Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;
- Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 336 của BLDS và được ưu tiên thanh toán.
- Có quyền yêu cầu bên thế chấp chuyển giao các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp. Có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định.
- Bên nhận thế chấp có nghĩa vụ giữ gìn giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp mà bên thế chấp chuyển cho và trả lại giấy tờ đó nếu bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ.
* Bên thế chấp:
Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
- Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp;
- Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của BLDS;
- Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận;
- Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;
- Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán;
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý;
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác như chuyển các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản của mình cho bên nhận thế chấp. Nếu bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu cầu bên nhận thế chấp trả lại giấy tờ mà mình đã chuyển cho. Bên thế chấp có quyền sử dụng tài sản thế chấp nhưng không được định đoạt cho người khác.
2.2.5. Xử lý tài sản thế chấp
Được áp dụng như xử lý tài sản cầm cố.
2.3. Bảo lãnh
2.3.1. Khái niệm
Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
2.3.2. Hình thức của bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
2.3.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh
* Bên nhận bảo lãnh:
Là bên có quyền trong nghĩa vụ chính, có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải đôn đốc, kiểm tra bên được bảo lãnh thực hiện tốt nghĩa vụ đúng kỳ hạn, có quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh như đã thỏa thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá tài sản của bên bảo lãnh khi bên được bảo lãnh thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình.
* Bên bảo lãnh:
Là người thứ ba không trực tiếp tham gia nghĩa vụ chính nhưng sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính (người được bảo lãnh). Bên bảo lãnh có nghĩa vụ phải thực hiện thay cho người được bảo lãnh nếu người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Như vậy, hết hạn phải thực hiện nghĩa vụ mà người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có khả năng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay. Nghĩa vụ được chuyển từ người được bảo lãnh cho người bảo lãnh. Tuy nhiên, quan hệ nghĩa vụ chưa chấm dứt giữa người được bảo lãnh và bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
Nếu một nghĩa vụ có nhiều người cùng bảo lãnh thì cần phải thỏa thuận về phạm vi và phương thức bảo lãnh. Nếu các bên không thỏa thuận thì tất cả những người bảo lãnh có nghĩa vụ liên đới cùng bảo lãnh cho bên có nghĩa vụ. Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu một trong những người bảo lãnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một người bảo lãnh thì những người bảo lãnh còn lại vẫn có nghĩa vụ liên đới thực hiện việc bảo lãnh.
2.3.4. Chấm dứt việc bảo lãnh
Bảo lãnh được chấm dứt trong những trường hợp sau:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Theo thỏa thuận của các bên.
2.4. Đặt cọc
2.4.1. Khái niệm
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị khác để làm tin và đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc được đảm bảo cho giai đoạn nào của một hợp đồng tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Để chuẩn bị cho việc đặt cọc, thông thường những người có tài sản là đối tượng của hợp đồng chuẩn bị kí kết yêu cầu bên kia đặt một số tiền hoặc tài sản để bảo đảm cho việc kí kết hợp đồng. Khi một bên đã đặt tiền hoặc tài sản hoặc đã nhận tiền hoặc tài sản của người khác sẽ kí kết hợp đồng nếu không kí hợp đồng thì sẽ bị xử lý tài sản đặt cọc. Đối với bên đặt cọc khi đặt tiền hoặc tài sản họ thể hiện sự quyết tâm của mình là sẽ tham gia hợp đồng. Vì vậy, đặt cọc vừa là đặt một “niềm tin” vừa là biện pháp đảm bảo cho việc kí kết hợp đồng.
Có thể các bên đã kí hợp đồng rồi vẫn thỏa thuận về việc đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Nếu một bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng, ngoài việc chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng mà còn bị xử lý tài sản đặt cọc.
Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận đặt cọc đảm bảo cho việc kí kết và thực hiện hợp đồng. Trường hợp này, các bên vi phạm ở giai đoạn nào thì xử lý tài sản đặt cọc ở giai đoạn đó.
Tài sản đặt cọc vừa mang tính chất đảm bảo nghĩa vụ, vừa là một số tiền thanh toán nghĩa vụ nếu bên đặt cọc thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
2.4.2. Chủ thể đặt cọc
* Bên nhận đặt cọc:
Bên nhận đặt cọc là bên nhận một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc các vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện, thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng, thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng, thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
* Bên đặt cọc:
Là bên đặt một số tiền, tài sản cho bên kia để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Trường hợp bên đặt cọc không kí kết hoặc thực hiện hợp đồng thì mất số tiền, tài sản đặt cọc. Nếu bên đặt cọc kí hợp đồng và thực hiện hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc trả lại cho mình số tiền, tài sản đặt cọc hoặc sẽ yêu cầu bên nhận đặt cọc trừ vào số tiền phải trả.
2.5. Ký cược
2.5.1. Khái niệm
Là việc một bên (người thuê) phải đặt một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo cho việc thuê tài sản. Thông thường giá trị tài sản kí cược sẽ lớn hơn giá trị tài sản thuê vì khi bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê sẽ xử lý tài sản đó theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để trừ vào tiền thuê và giá trị tài sản cho thuê.
2.5.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Bên kí cược: Là người thuê tài sản có nghĩa vụ đặt cho bên kia (người cho thuê tài sản) một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị khác để đảm bảo cho việc trả tiền thuê, trả lại tài sản thuê.
Trường hợp bên kí cược trả lại tài sản thuê trong tình trạng ban đầu (không tính hao mòn tự nhiên) thì có quyền yêu cầu bên cho thuê phải trả lại tài sản kí cược và thanh toán hợp đồng thuê tài sản.
Bên nhận kí cược: Là người cho thuê tài sản có nghĩa vụ giữ số tiền, tài sản kí cược, không được sử dụng tài sản đó. Khi hết hạn của hợp đồng cho thuê mà bên thuê không trả lại tài sản thuê hoặc làm hư hỏng tài sản thuê thì bên nhận kí cược có quyền xử lý tài sản kí cược như thỏa thuận hoặc theo qui định của pháp luật.
2.6. Kí quỹ
2.6.1. Khái niệm
Kí quỹ là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ bằng cách bên có nghĩa vụ trong một quan hệ nghĩa vụ chính phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý và giấy tờ có giá trị vào một tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho bên kia thì ngân hàng (nơi kí qũy) thanh toán hoặc bồi thường thiệt hại cho bên kia (bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính).
2.6.2. Các bên trong ký quỹ
* Bên kí quỹ:
Là bên có nghĩa vụ trong một quan hệ hợp đồng: Để đảm bảo cho hợp đồng này được thực hiện tốt, bên có nghĩa vụ phải gửi một khoản tiền hoặc một số kim khí, đá quí vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Trường hợp bên kí quỹ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu cầu ngân hàng trả lại tiền hoặc tài sản đã giữ nhưng phải thanh toán các chi phí dịch vụ ngân hàng.
* Bên nhận kí quỹ: Là ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho bên có quyền trong một hợp đồng nếu bên kí quỹ không thực hiện nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại cho bên có quyền.
2.7. Tín chấp
Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
3. Hợp đồng dân sự
3.1. Khái niệm
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, khi các chủ thể thỏa thuận với nhau và trên cơ sở đó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một hoặc nhiều quyền hoặc nghĩa vụ dân sự thì gọi là hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, trong BLDS chỉ quy định những hợp đồng dân sự thông dụng thường xảy ra trong thực tiễn, còn các loại thoả thuận khác được áp dụng những qui định chung về hợp đồng để giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng dân sự, cơ quan áp dụng pháp luật cần phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, vào các quy định của pháp luật về hợp đồng đó, các quy định chung về hợp đồng và các quy định về giao dịch dân sự để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng dân sự.
3.2. Phân loại hợp đồng
- Hợp đồng song vụ
Là hợp đồng mà trong đó các bên đều có quyền và nghĩa vụ. Quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Khi thực hiện hợp đồng song vụ, cần phải xem xét hành vi nào được thực hiện trước, hành vi nào sau và mỗi bên có những quyền và nghĩa vụ gì, từ đó xác định trách nhiệm dân sự của các bên khi vi phạm nghĩa vụ.
- Hợp đồng đơn vụ
Là hợp đồng mà một bên có quyền, một bên có nghĩa vụ. Bên có quyền không phải thực hiện bất cứ một nghĩa vụ nào đối với bên kia. Như vậy, đối với loại hợp đồng này cần phải xem xét trách nhiệm dân sự của bên có nghĩa vụ là chủ yếu.
- Hợp đồng chính
Là hợp đồng tồn tại độc lập mà hiệu lực của nó không phụ thuộc vào các hợp đồng khác. Các chủ thể có thể tham gia vào một hợp đồng nhất định như: Mua bán, cho vay, cho thuê... Đây là những hợp đồng có thể tồn tại độc lập hoặc nếu có các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ kèm theo thì hiệu lực của các hợp đồng trên không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Nếu hợp đồng phụ vô hiệu thì hợp đồng chính vẫn có hiệu lực. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ đã phát sinh từ hợp đồng chính đó.
- Hợp đồng phụ
Là hợp đồng được ký kết nhằm bảo đảm cho hợp đồng chính và hiệu lực của nó hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng chính. Nếu hợp đồng chính vô hiệu thì hợp đồng phụ không có hiệu lực, quy tắc này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Chức năng chủ yếu của hợp đồng phụ là đảm bảo hợp đồng chính. Nếu hợp đồng chính không được thực hiện thì hợp đồng phụ được thực hiện để thanh toán nghĩa vụ cho hợp đồng chính.
- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Thông thường, các bên tham gia hợp đồng vì lợi ích của chính mình như: Sở hữu, sử dụng tài sản... hoặc nhận được các lợi ích phi vật chất khác. Tuy nhiên, có những trường hợp người tham gia hợp đồng không phải vì lợi ích của chính mình mà vì lợi ích của người thứ ba. Người thứ ba không trực tiếp ký kết và thực hiện hợp đồng nhưng được hưởng lợi ích từ hợp đồng do người khác ký kết. Ví dụ như mua hàng hóa chuyển theo địa chỉ nhất định hoặc gửi bưu phẩm, bưu kiện qua bưu điện, mua bảo hiểm cho người thứ ba... Trong các hợp đồng trên các bên đều hướng tới người thứ ba để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho mình. Mặt khác, bên có quyền cũng có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba.
Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ của mình và hợp đồng chấm dứt, các bên hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận và thanh toán hợp đồng.
Nếu người thứ ba từ chối lợi ích sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì hợp đồng được coi là chấm dứt. Người có quyền trong hợp đồng phải thực hiện các cam kết của mình với bên có nghĩa vụ như: Thanh toán các chi phí, trả tiền giá trị của hợp đồng.
IV. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện "gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật". Theo quy định tại Điều 281 và Chương XXI, Phần thứ ba BLDS thì sự kiện gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng với khái niệm nghĩa vụ được quy định tại Điều 280 BLDS: "Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, thì một hoặc nhiều chủ thể (người có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (người có quyền)". Từ quy định này có thể nêu khái niệm về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như sau:
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
Trong quan hệ nghĩa vụ này chủ thể tham gia có thể là công dân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Trong một số trường hợp, các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể trở thành bên có quyền hoặc bên có nghĩa vụ.
Người bị thiệt hại (người có quyền) và người gây ra thiệt hại (người có nghĩa vụ) là các bên tham gia vào các quan hệ nghĩa vụ đó. Bên có quyền cũng như bên có nghĩa vụ có thể có một hoặc nhiều người tham gia. Nghĩa vụ, hoặc quyền của họ có thể là liên đới, riêng rẽ, hoặc theo phần tùy điều kiện hoàn cảnh và đối tượng bị xâm hại.
Khách thể của quan hệ nghĩa vụ này luôn thể hiện dưới dạng “hành động” phải thực hiện hành vi “bồi thường” cho người bị thiệt hại. Cơ sở phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” cho các chủ thể khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thể hiện trong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, để phân biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.
Trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói riêng mang đặc tính của trách nhiệm dân sự. Đó là trách nhiệm tài sản nhằm khôi phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, việc khôi phục tình trạng tài sản bằng biện pháp bồi thường thiệt hại của người gây ra thiệt hại không phải bao giờ cũng đem lại hậu quả như mong muốn. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, người gây ra thiệt hại không thể bồi thường và người bị thiệt hại không thể “phục hồi lại tình trạng tài sản ban đầu” như trước khi bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản của người gây ra thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra cho các chủ thể khác, đặc biệt đối với các hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi.
2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều kiện phát sinh trách nhiệm là những yếu tố, những cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được xem xét trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất và đầy đủ. BLDS không quy định cụ thể tất cả các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm. Xuất phát từ những quy định, những nguyên tắc của pháp luật nói chung và Luật dân sự nói riêng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các điều kiện sau:
2.1. Có thiệt hại xảy ra
Đây là tiền đề của trách nhiệm, bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại. Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức.
- Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lí để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
- Tổn thất về tinh thần. Đời sống tinh thần là một phạm trù rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề và chỉ tồn tại đối với xã hội loài người như đau thương, cảnh góa bụa, mồ côi, sự xấu hổ,... Về nguyên tắc, thiệt hại về tinh thần không thể trị giá được bằng tiền theo nguyên tắc ngang giá trị như trong trao đổi và không thể phục hồi được. Nhưng với mục đích an ủi, động viên đối với người bị thiệt hại về tinh thần, cũng như một biện pháp giáo dục nhằm ngăn chặn người có hành vi trái pháp luật, BLDS quy định: Tòa án có thể buộc người xâm hại bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của người bị thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên thoả thuận, mức tối đa do pháp luật quy định.
- Thiệt hại về tài sản, biểu hiện cụ thể là mất tài sản, giảm sút tài sản, những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản. Đây là những thiệt hại vật chất của người bị thiệt hại.
2.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền tuyệt đối đó. Bởi vậy, Điều 604 BLDS quy định: “Người nào... xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự... mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều luật này xuất phát từ nguyên tắc chung của pháp Luật dân sự được quy định tại Điều 10 BLDS “không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Việc “xâm phạm” mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư...
Hành vi gây thiệt hại thông thường thể hiện dưới dạng hành động. Chủ thể đã thực hiện hành vi mà đáng ra không được thực hiện các hành vi đó.
Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi đó theo nghĩa vụ mà pháp luật hoặc nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện các hành vi đó. Ví dụ: nhân viên phòng chữa cháy có thể phá hủy nhà dễ cháy xung quanh đám cháy; bác sĩ cắt bỏ các bộ phận hoặc làm các phẫu thuật khác... Trong trường hợp này người gây thiệt hại không phải bồi thường; người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc có sự đồng ý của người bị thiệt hại (khoản 1 Điều 613 Điều 614 BLDS). Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường thiệt hại.
2.3. Có lỗi của người gây ra thiệt hại
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Điều 604 BLDS quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý... mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường". Lỗi là thái độ tâm lí của người có hành vi gây ra thiệt hại đối với hành vi, hậu quả của hành vi, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý.
Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Nhưng lỗi trong trách nhiệm dân sự có những trường hợp là lỗi suy đoán. Bởi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Như vậy, đối với người gây thiệt hại họ không phải chịu trách nhiệm nếu họ chứng minh được mình không có lỗi trong khi thực hiện hành vi đó, điều này cũng được thể hiện ở khoản 3 Điều 606 BLDS: “...Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường” (Người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không thể chứng minh được, nếu buộc họ phải chứng minh sẽ bị bất lợi cho họ. Vì vậy, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh).
Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình sẽ không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó. Những người chưa có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi, không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của họ, thì họ không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp trên cha, mẹ, người giám hộ, bệnh viện, trường học là những người theo quy định của pháp luật phải quản lí, chăm sóc, giáo dục... đã có lỗi khi không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên và phải chịu trách nhiệm do lỗi của họ.
Lỗi của pháp nhân, của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng... trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại là lỗi của nhân viên các cơ quan này trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, các cơ quan này phải bồi thường thiệt hại do thành viên của họ gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Lỗi trong trách nhiệm dân sự có những điểm khác với lỗi trong trách nhiệm hình sự. Trong trách nhiệm hình sự hình thức lỗi và mức độ lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh và quyết định hình phạt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định kẻ phạm tội có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại, vấn đề hình thức lỗi, mức độ lỗi ảnh hưởng rất ít đến việc xác định trách nhiệm. Thậm chí người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi (khoản 3 Điều 623 BLDS).
Tuy nhiên, có trường hợp người gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thì không phải bồi thường.
2.4. Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 604 BLDS dưới dạng: “Người nào... xâm phạm... mà gây thiệt hại”, thì phải bồi thường. Ở đây chúng ta có thể thấy hành vi “xâm phạm” đến tính mạng, tài sản... là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, xác định mối tương quan nhân quả là một vấn đề rất phức tạp. Phạm trù nguyên nhân và kết quả là một cặp phạm trù trong triết học. Nhân quả là mối liên hệ nội tại, khách quan và tất yếu giữa các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội, trong đó một là nguyên nhân và sau nó là kết quả. Việc xác định mối quan hệ nhân quả chính là sự liên hệ khách quan đó. Nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả và kết quả là hậu quả của nguyên nhân. Xem xét mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội, trong đó con người sinh sống và hoạt động phức tạp hơn nhiều so với các hiện tượng tự nhiên khác. Bởi vậy, việc xem xét nó chỉ có ý nghĩa khi hành vi của con người và hậu quả của hành vi đó được đánh giá dưới góc độ xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến hành vi của con người, liên quan đến con người vào thời điểm có hành vi và hậu quả xảy ra.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó cần phải xem xét, phân tích đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.
3. Năng lực và nguyên tắc bồi thường thiệt hại
3.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người gây ra thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: Cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước... Nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606 BLDS) mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Bởi vậy, các chủ thể khác luôn luôn có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, BLDS quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ phải tự bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Điều này xuất phát từ “khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và thực hiện nghĩa vụ dân sự” (Điều 17 BLDS) họ phải chịu trách nhiệm do hành vi bất hợp pháp của họ bằng tài sản của chính họ. Tuy nhiên, trong điều kiện này, nhiều người tuy có đầy đủ năng lực hành vi nhưng khả năng về tài sản của họ trên thực tế không có (ví dụ: Người đủ 18 tuổi không có bất cứ khoản thu nhập nào, họ không có tài sản riêng để bồi thường). Vì vậy, khi quyết định bồi thường đối với những người này có thể động viên cha mẹ bồi thường thay cho con em họ, nếu cha mẹ tự nguyện bồi thường, thì ghi nhận sự tự nguyện đó mà không buộc cha mẹ phải bồi thường thay cho con em họ.
Người dưới 18 tuổi là những người không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi. Vì vậy, cha mẹ là người phải bồi thường thiệt hại do con em họ gây ra. Tuy nhiên, cách thức dùng tài sản để bồi thường được quy định đối với những người vị thành niên khác nhau. Đối với người dưới 15 tuổi, thì cha mẹ phải dùng tài sản của mình để bồi thường; nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng, thì lấy tài sản của con để bồi thường. Đối với những người từ 15 đến dưới 18 tuổi, thì áp dụng ngược lại, lấy tài sản của con để bồi thường, cha mẹ chịu trách nhiệm bổ sung phần còn thiếu.
Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện quản lý, thì trường học, bệnh viện phải bồi thường. Nếu các tổ chức nêu trên chứng minh được họ không có lỗi trong quản lý, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường. “Thời gian quản lý” được hiểu là thời hạn trong đó các tổ chức theo quy định về nghề nghiệp có nghĩa vụ giáo dục, chữa bệnh mà họ đã không thực hiện chức năng của họ, do lỗi của họ quản lý không tốt, để người không có năng lực hành vi, người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại cho những người khác (như tổ chức lao động cho các học sinh không tốt, đi tham quan, dã ngoại do trường tổ chức, không có các biện pháp an toàn, bảo hộ, việc nhân viên bệnh viện không có biện pháp quản lí các bệnh nhân bị bệnh tâm thần...).
Người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử đối với những người phải có giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Người giám hộ có nghĩa vụ bổ sung. Tuy nhiên, nếu người giám hộ chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Trong trường hợp này sẽ không có người bồi thường thiệt hại bởi những người được giám hộ không có khả năng về năng lực hành vi dân sự để bồi thường, nếu họ có tài sản, có thể dùng tài sản của họ để bồi thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không còn cha mẹ, cha mẹ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không buộc phải có người giám hộ. Nếu người này có hành vi gây thiệt hại có thể lấy tài sản của họ để bồi thường. Nếu họ không có tài sản, thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
3.2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Xuất phát từ đặc điểm các quan hệ tài sản mà Luật dân sự điều chỉnh cũng như địa vị pháp lí các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự, những điều kiện khách quan cũng như chủ quan của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại, tính khả thi của quyết định bồi thường... BLDS đã quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 BLDS. Nguyên tắc chung là thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ sớm khắc phục tình trạng tài sản khi bị thiệt hại. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của cá nhân bị xâm hại. Việc quyết định bồi thường kịp thời có ý nghĩa to lớn đối với nạn nhân trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại, bởi các chi phí cho việc cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện này nhiều khi vượt quá khả năng của nạn nhân. Cho nên việc quy định về thủ tục tố tụng để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này là rất cần thiết trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự tham gia quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khoản 2 Điều 605 BLDS quy định có thể “giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài” của người gây thiệt hại.
Quy định này chỉ định hình mà không quy định về định tính việc giảm mức bồi thường bao nhiêu? Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại (vô ý nặng, nhẹ). Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường.
Tương tự như trên, thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại là cơ sở để giảm mức bồi thường. Khái niệm “quá lớn” không thể quy định cụ thể bởi cùng thiệt hại với đại lượng không đổi, đối với cá nhân này là rất lớn nhưng với người khác lại không coi là lớn. Mặt khác, cũng cần phân biệt việc giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án, vì trong khi thi hành án người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn thi hành án.
Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại đã thỏa thuận hoặc quyết định có thể bị thay đổi, nếu mức bồi thường “không còn phù hợp với thực tế”. Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, vào thực tế cần phải sự thay đổi mức bồi thường (người được bồi thường tăng thu nhập, người phải nuôi dưỡng phải chi phí thêm để chữa bệnh...). Việc xem xét này do Tòa án xác định căn cứ vào thực tế của các bên tham gia vào quan hệ đó theo yêu cầu của họ. Vì vậy, mức bồi thường có thể tăng nhưng cũng có thể bị giảm.
4. Xác định thiệt hại
Thiệt hại là điều kiện đầu tiên làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại chỉ có thể thực hiện được đầy đủ và chính xác khi xác định “toàn bộ thiệt hại” là bao nhiêu và trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường.
Xác định thiệt hại là một việc rất khó khăn và phức tạp. Mục 2 chương XXI Phần thứ ba BLDS quy định về các loại thiệt hại được bồi thường và cách thức xác định thiệt hại một cách khái quát. Những thiệt hại phải bồi thường là thiệt hại về tài sản (Điều 608 BLDS), thiệt hại về sức khỏe (Điều 609 BLDS), thiệt hại về tính mạng (Điều 610 BLDS), thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 611 BLDS).
4.1. Thiệt hại về tài sản
Điều 608 BLDS quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường bao gồm tài sản “bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản, chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”. Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm phục hồi tình trạng tài sản ban đầu của người bị thiệt hại và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài sản trong thời gian từ khi xảy ra thiệt hại đến khi bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng các cách sau: bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Về nguyên tắc chung các bên có thể thỏa thuận cách thức, mức độ bồi thường như: sửa chữa hư hỏng, thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật, thì trị giá tài sản để bồi thường. Khi trị giá tài sản phải căn cứ vào giá trị thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng tài sản.
Những thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc sử dụng, khai thác tài sản cũng như những chi phí hợp lí để hạn chế và khắc phục thiệt hại phải là những hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được nếu không có thiệt hại xảy ra và những chi phí cần thiết để hạn chế thiệt hại.
4.2. Thiệt hại về sức khỏe
Sức khỏe của con người là vốn quý khó có thể xác định chính xác bằng một khoản tiền. Vì vậy, bồi thường thiệt hại về sức khỏe thực chất có ý nghĩa là đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên và trong một số trường hợp chỉ có ý nghĩa là trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Xác định thiệt hại về sức khỏe bao gồm:
- Chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và các chức năng bị mất, bị giảm sút (tiền thuốc, tiền viện phí và các dịch vụ chữa bệnh khác, tiền bồi dưỡng, tiền tàu xe đi viện, tiền làm các bộ phận giả nếu có). Nếu do yêu cầu chăm sóc nạn nhân, thì chi phí trực tiếp cho người phải chăm sóc nạn nhân theo yêu cầu của cơ sở chữa bệnh.
- Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút trong và sau khi điều trị của người bị thiệt hại và của người phải chăm sóc. Nếu họ không có thu nhập ổn định, thì áp dụng mức trung bình của lao động cùng loại.
Thu nhập bị giảm sút là khoản chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và sau khi điều trị. Những thu nhập này phải là những thu nhập thường xuyên, hợp pháp, thực tế của họ. Ngoài ra khoản bồi thường còn bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân theo quan hệ gia đình phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là một khái niệm trừu tượng. Hiện tại không có mẫu số chung cho tất cả mọi người và không thể tính được thành tiền một cách chính xác. Việc xác định tổn thất tinh thần khi sức khoẻ bị xâm hại phụ thuộc vào từng cá nhân của người bị thiệt hại (tình trạng gia đình, độ tuổi, nghề nghiệp, mức độ thiệt hại và cả bộ phận nào của cơ thể bị thiệt hại...). Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
4.3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại
Tính mạng của con người là vô giá không thể tính thành tiền. Vì vậy, thiệt hại về vật chất do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm: những chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc nạn nhân trước khi chết, chi phí cho việc mai táng phù hợp với phong tục, tập quán.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng (con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động...).
- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
4.4. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân không thể xác định. Thực chất là xác định những tổn thất vật chất do danh dự... bị xâm hại nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị xâm hại bao gồm những chi phí phải bỏ ra và thu nhập bị mất (thu nhập chứng cứ, thời gian phải bỏ ra để khiếu nại, đăng báo cải chính...). Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
5. Thời hạn được bồi thường
Thời hạn được bồi thường là khoảng thời gian mà người được bồi thường được hưởng do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại. Thời hạn được bồi thường xác định dựa vào khả năng người bị thiệt hại tạo được thu nhập hay không? sau khi đã ổn định sức khoẻ, và người được cấp dưỡng còn cần phải cấp dưỡng hay không? căn cứ vào khả năng lao động của họ để xác định thời hạn được hưởng bồi thường.
Nếu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động, thì khoản thu nhập bị giảm sút của họ được bồi thường đến khi họ chết.
Trong trường hợp người bị thiệt hại chết, thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau: Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân; Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Như vậy, Điều 616 BLDS chỉ quy định thời hạn cho việc bồi thường đối với người mất hoàn toàn khả năng lao động và người chết nhưng họ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác, không quy định thời hạn bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại giảm sức lao động, do đó giảm thu nhập cũng như việc cấp dưỡng cho người khác. Không quy định thời hạn bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại giảm sức lao động do đó giảm thu nhập, cũng như việc cấp dưỡng khi họ còn sống mà mất hoàn toàn khả năng lao động. Nhưng căn cứ vào Điều 613 BLDS, thì vẫn có thể áp dụng việc cấp dưỡng trong trường hợp xâm phạm đến sức khoẻ.
V. THỪA KẾ
1. Khái niệm chung về thừa kế
1.1. Thừa kế và quyền thừa kế
Thừa kế và quyền thừa kế là hai phạm trù gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng là hai phạm trù độc lập.
Trong chế độ cộng sản nguyên thủy, vì chưa có pháp luật nên thừa kế chỉ đơn thuần là một quan hệ xã hội mà nội dung kinh tế của nó là thể hiện sự dịch chuyển tài sản của người chết sang những người khác.
Khi nhà nước xuất hiện, có pháp luật, dưới sự tác động của pháp luật vào các quan hệ thừa kế làm cho các quan hệ này trở thành quan hệ pháp luật về thừa kế, trong đó các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật. Nghĩa là, trong xã hội đã có nhà nước và pháp luật, khi nói đến thừa kế, cũng chính là nói đến quyền thừa kế.
Thừa kế là một loại quan hệ xã hội xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu trong bất kỳ một xã hội nào mà nội dung của quan hệ này là sự phản ánh quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất từ những người đã chết sang những người còn sống khác.
Quyền thừa kế là những quy định của pháp luật nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc để lại và nhận các tài sản thừa kế.
1.2. Nguyên tắc cơ bản của quyền thừa kế
Bên cạnh việc phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản được quy định trong phần chung của BLDS, quá trình để lại và nhận tài sản là di sản thừa kế phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
* Các cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế
Xuất phát từ nguyên tắc hiến định:"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp 1992), nguyên tắc này được BLDS ghi nhận tại điều 632: "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Theo quy định trên, trong lĩnh vực để lại tài sản và nhận di sản từ người khác thì mọi người đều có quyền như nhau, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tuổi tác, tôn giáo...;
* Tôn trọng quyền định đoạt của người để lại thừa kế
Theo nguyên tắc này, người để lại thừa kế có quyền bằng ý chí của mình lập di chúc để định đoạt tài sản cho ai, cho mỗi người bao nhiêu, loại tài sản gì, để lại bao nhiêu phần di sản để di tặng hoặc dùng vào việc thờ cúng, đồng thời có quyền thay đổi sự định đoạt của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc.
* Đảm bảo quyền thừa kế hợp pháp của một số người thừa kế theo pháp luật
Trên cơ sở tôn trọng quyền định đoạt của người để lại thừa kế, pháp luật nước ta còn hướng tới quyền lợi thiết thực của một số người thừa kế theo pháp luật. Vì vậy, theo nguyên tắc này quyền tự định đoạt của người để lại thừa kế sẽ bị hạn chế nếu khi họ chết, họ còn có những người mà giữa họ với những người đó có quan hệ gần gũi thiết thực như cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Trong những trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho những người nói trên, pháp luật nước ta không cho phép người để lại thừa kế định đoạt toàn bộ tài sản cho người khác mà phải dành lại cho mỗi người đó một phần di sản bằng ít nhất là 2/3 của một xuất thừa kế theo pháp luật.
* Tôn trọng ý chí tự nguyện của người thừa kế
Theo nguyên tắc cơ bản của BLDS, các chủ thể trong quan hệ dân sự luôn được tự nguyện khi thiết lập và thực hiện các quan hệ mà họ tham gia. Vì vậy, trong quan hệ thừa kế, pháp luật nước ta cũng cho phép chủ thể được hưởng thừa kế có quyền bằng ý chí của mình để quyết định sự lựa chọn: nhận hay không nhận di sản thừa kế. Nguyên tắc này được quy định trong Điều 642 BLDS: Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản.
1.3. Thời điểm mở thừa kế
Thời điểm mở thừa kế là mốc để xác định ai là người thừa kế của người chết, di chúc có hiệu lực từ khi nào, tài sản mà người chết để lại bao gồm những gì... Ngoài ra, thời điểm mở thừa kế còn là thời điểm bắt đầu để xác định thời hạn từ chối nhận di sản, thời hạn khởi kiện về quyền thừa kế. Theo khoản 1 Điều 633 BLDS thì: "Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này”. Quy định trên được hiểu như sau:
- Nếu cái chết của người có tài sản là cái chết thực tế thì thời điểm họ chết chính là thời điểm mở thừa kế. Trong những trường hợp này thông thường thời điểm mở thừa kế được căn cứ vào giấy chứng tử để xác định.
- Nếu người có tài sản bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định theo ngày mà Toà án xác định người đó chết trong bản án, quyết định của Toà án.
1.4. Địa điểm mở thừa kế
Việc xác định thừa kế xảy ra ở nơi nào là cơ sở để xem xét cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký thủ tục từ chối nhận di sản (khoản 2 Điều 645 BLDS), cơ quan nào có thẩm quyền quản lý di sản thừa kế trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý, đồng thời để xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ thừa kế đó khi có tranh chấp.
Khoản 2, Điều 633 BLDS quy định: "Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản".
Như vậy, địa điểm mở thừa kế được xác định thông qua một trong hai căn cứ sau đây:
- Nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản
Đối với người chỉ sống và làm việc ở một nơi cố định thì địa điểm mở thừa kế là nơi người đó chết. Nếu một người đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng tạm trú ở nhiều nơi khác nhau và chết ở nơi đang tạm trú thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp, một người không có hộ khẩu thường trú ở nơi nào cả và họ có nhiều nơi tạm trú khác nhau thì địa điểm mở thời kế được xác định tại nơi họ tạm trú cuối cùng.
- Nơi có tài sản của người chết
Chỉ áp dụng căn cứ này để xác định địa điểm mở thừa kế với những người mà khi họ chết không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của họ là ở đâu. Vì vậy, trong những trường hợp này, nơi nào có tài sản của họ thì nơi đó là địa điểm mở thừa kế. Nếu người chết để lại tài sản ở nhiều nơi khác nhau, thì địa điểm mở thừa kế của người đó được xác định tại nơi mà họ để lại phần lớn tài sản của mình.
1.5. Di sản thừa kế
Là toàn bộ tài sản mà người chết để lại. Di sản thừa kế bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết
Đây là phần tài sản do người đó tạo ra bằng các khoản thu nhập hợp pháp hoặc được người khác tặng cho, để lại thừa kế. Thuật ngữ "tài sản riêng" được dùng trong di sản thừa kế nhằm phân biệt đâu là tài sản riêng của người vợ, người chồng, đâu là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, khi vợ hoặc chồng chết trước thì chỉ được coi là tài sản riêng của người chết nếu tài sản đó là của họ có được trước thời kỳ kết hôn, hoặc được người khác tặng cho riêng hay họ được thừa kế riêng và họ không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng.
- Một nửa tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng
Tất cả các thu nhập mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân cùng với các tài sản mà vợ hoặc chồng đã có trước đây nhưng đã nhập vào khối tài sản chung đều là tài sản chung hợp nhất của vợ và chồng. Khi một bên chết trước, khối tài sản chung này được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu của người đang sống, một nửa là di sản của người đã chết.
- Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác.
- Các quyền về tài sản mà người chết để lại.
- Các quyền về tài sản còn bao gồm quyền đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quyền được hưởng các lợi ích phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, quyền sử dụng đất cũng là một quyền về tài sản được xác định và dịch chuyển thừa kế theo quy định tại Phần thứ V của BLDS.
1.6. Người thừa kế
Là người có quyền nhận di sản mà người chết để lại.
- Người được nhận di sản vì được chỉ định trong di chúc thì được gọi là người thừa kế theo di chúc.
- Người được nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật được gọi là người thừa kế theo pháp luật. Họ bắt buộc phải là người có một trong ba mối quan hệ về hôn nhân, nuôi dưỡng hoặc huyết thống với người đã chết.
Theo quy định tại Điều 635 BLDS thì người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nếu họ sinh ra sau khi người để lại thừa kế chết nhưng đã thành thai trước khi người đó chết thì khi sinh ra nếu còn sống họ cũng là người thừa kế của người đó.
Nếu người thừa kế là cơ quan, tổ chức thì cơ quan tổ chức này phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
1.7. Người quản lý di sản
Là người có quyền quản lý khối di sản mà người chết để lại trong thời gian di sản chưa được chia cho những người thừa kế.
Để di sản không bị mất mát, hư hỏng, pháp luật đã dự liệu nhiều trường hợp cụ thể nhằm qua đó xác định người quản lý di sản là ai, đó là trường hợp sau đây:
- Người quản lý di sản là người được người để lại thừa kế chỉ định trong di chúc.
- Là người do những người thừa kế cùng thoả thuận cử ra.
- Người đang chiếm hữu, sử dụng quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản cho đến hết thời hạn của hợp đồng hoặc đến khi những người thừa kế cử được người khác quản lý di sản đó.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản nếu di sản chưa có ai quản lý và cũng chưa xác định được người thừa kế của người để lại di sản.
1.8. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế của nhau mà chết trong cùng một thời điểm
Khi những người có quyền thừa kế của nhau được xác định là chết cùng một thời điểm thì vụ việc thừa kế này sẽ là một trường hợp vô định không thể kết thúc nếu để họ hưởng tài sản của nhau. Nhằm tránh sự vô lý này trong thực tế, pháp luật nước ta đã quy định nếu những người này được coi là chết cùng thời điểm thì họ không được hưởng tài sản của nhau. Tài sản của người nào sẽ chia cho những người thừa kế của người đó.
1.9. Người không được quyền hưởng di sản
Pháp luật luôn bảo vệ quyền nhận di sản cho những người thừa kế. Tuy nhiên, nếu những người này đã vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến danh dự, uy tín, sức khoẻ, tính mạng của người để lại di sản thì quyền nhận di sản của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ nữa. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 643 BLDS đã quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản;
Những người nói trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
1.10. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
Điều 645 BLDS quy định: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Khi tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế không được tính các thời gian sau đây vào thời hiệu khởi kiện:
- Có sự kiện bất khả kháng làm cho người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện được.
- Người có quyền khởi kiện không đủ năng lực hành vi và cũng chưa có người đại diện.
- Người đại diện của người có quyền khởi kiện chết mà chưa có người đại diện khác thay thế.
2. Thừa kế theo di chúc
2.1. Khái niệm về thừa kế theo di chúc
Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống khác theo ý chí của người đã chết thể hiện trong di chúc mà họ để lại.
Như vậy, trong thừa kế theo di chúc thì ai là người được hưởng di sản, mỗi người hưởng bao nhiêu, loại tài sản gì đều do người lập di chúc quyết định. Tuy nhiên, việc thừa kế chỉ được thực hiện theo di chúc nếu di chúc đó đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo luật định.
2.2. Các điều kiện có hiệu lực của di chúc
Một di chúc có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
* Người lập di chúc có năng lực hành vi
Người lập di chúc phải là người đủ 18 tuổi trở lên, vào thời điểm lập di chúc người đó phải đủ sáng suốt, minh mẫn.
Người đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi vẫn có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
* Người lập di chúc phải tự nguyện
Chỉ khi nào sự định đoạt được thể hiện trong nội dung của di chúc là ý chí tự nguyện của người lập di chúc thì di chúc đó mới có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nếu di chúc được lập ra do người lập di chúc bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì di chúc đó sẽ không có giá trị pháp lý.
* Nội dung của di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
Theo điều kiện này thì tất cả các vấn đề mà người lập di chúc đã định đoạt trong nội dung của di chúc phải phù hợp với ý chí của Nhà nước, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
* Hình thức của di chúc phải tuân thủ trình tự pháp luật đã quy định
Di chúc được thể hiện theo một trong hai hình thức sau đây:
- Di chúc viết (hình thức văn bản): Là loại di chúc mà ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua chữ viết.
- Di chúc miệng: Là di chúc mà ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua lời nói của họ.
Tùy theo di chúc mà người chết để lại là "viết" hay "miệng", pháp luật nước ta đã quy định yêu cầu mỗi hình thức di chúc phải tuân theo thủ tục, trình tự bắt buộc.
- Đối với di chúc viết: Được thiết lập theo một trong bốn trình tự sau đây:
* Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Di chúc viết được lập theo thể thức này thì người lập di chúc phải tự tay viết (không được đánh máy, không được nhờ người khác viết hộ) và ký vào bản di chúc. Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang của di chúc phải được đánh số thứ tự và đều phải có chữ ký của người lập di chúc.
* Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Theo thể thức này, người lập di chúc có thể tự tay viết, có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng. Sau đó những người làm chứng xác nhận chữ ký điểm chỉ của người lập di chúc đồng thời ký vào bản di chúc.
Người làm chứng cho việc lập di chúc phải là những người có năng lực hành vi dân sự, không có quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến nội dung của di chúc.
* Di chúc có công chứng hoặc chứng thực
Người lập di chúc có thể yêu công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn thì phải tuân thủ trình tự sau: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.
Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Những người được quy định tại Điều 659 BLDS không được chứng nhận, chứng thực di chúc.
* Di chúc viết được lập theo thể thức khác cũng có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực nếu di chúc đó được lập ra trong những trường hợp mà Điều 660 BLDS đã quy định.
* Ngoài ra, một di chúc viết không có chứng nhận, chứng thực nhưng vẫn được coi là hợp pháp nếu di chúc đó là do chính người để lại di sản lập ra một cách tự nguyện, trong trạng thái có đủ năng lực hành vi, minh mẫn, sáng suốt và nội dung của di chúc đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
- Đối với di chúc miệng
Di chúc miệng chỉ được thừa nhận nếu đủ các điều kiện sau: Được lập ra trong tình trạng tính mạng của người lập di chúc đang bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể, hoặc không kịp lập di chúc bằng văn bản được. Thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Nếu kể từ khi lập di chúc cho đến ba tháng sau, người lâp di chúc vẫn còn sống và còn minh mẫn thì di chúc miệng nói trên mặc nhiên bị hủy bỏ.
2.3. Quyền của người lập di chúc
Theo quy định tại các Điều 648, 662 BLDS, người lập di chúc có các quyền sau đây.
2.3.1. Chỉ định người thừa kế
Người lập di chúc có quyền chỉ định bất kỳ ai là người thừa kế của mình, người đó có thể là những người ngoài các quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống, thậm chí có quyền chỉ định một cơ quan, tổ chức, nhà nước là người thừa kế di sản của mình.
2.3.2. Truất quyền hưởng di sản
Thông qua quyền này, người lập di chúc có thể phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế theo pháp luật nào đó. Người đã bị truất quyền hưởng di sản sẽ không được thừa kế dù họ có đầy đủ các điều kiện để hưởng di sản theo pháp luật.
2.3.3. Phân định tài sản cho từng người thừa kế
Về nguyên lý, khi người để lại di sản lập di chúc và trong đó đã xác định những người thừa kế thì đã bao hàm cả việc phân định di sản. Tuy nhiên, người lập di chúc còn có quyền phân định một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc di sản là hiện vật gì.
2.3.4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Theo quy định của pháp luật thì người hưởng di sản thừa kế đồng thời là người phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại. Tuy nhiên, người lập di chúc có quyền chỉ định ai trong số những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ, phần nghĩa vụ mà người đó phải thực hiện là bao nhiêu. Vì vậy, nếu người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì chỉ người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2.3.5. Dành một phần di sản để di tặng, thờ cúng
Di tặng là việc người lập di chúc để lại di sản dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng cho người khác sau khi người để lại di sản chết.
Người được nhận di sản theo di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Trừ "trường hợp toàn bộ di sản không đủ thanh toán nghĩa vụ tài sản của người di tặng" (Xem Điều 671 BLDS).
Con người Việt Nam từ xa đến nay vốn coi việcthờ phụng tổ tiên là bổn phận hết sức thiêng liêng và hệ trọng. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống này của dân tộc, BLDS quy định cho người để lại di sản có quyền trích một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền thu hồi nợ của người khác, người lập di chúc không được để di sản dùng vào việc thờ cúng nếu toàn bộ di sản của họ không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản mà họ để lại.
2.3.6. Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc
Để đảm bảo quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó có quyền sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ di chúc đã lập.
Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận (làm thay đổi) một phần di chúc đã lập. Vì vậy, những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực pháp luật, phần di chúc đã bị sửa đổi không còn hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.
Bổ sung di chúc là việc người lập di chúc quy định thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến, nhằm làm cho di chúc cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn. Vì vậy khi người lập di chúc bổ sung di chúc thì cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau.
Nếu di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Hủy bỏ di chúc là việc người đã lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình để truất bãi di chúc đã lập. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau như xé, đốt ....
2.3.7. Quyền thay thế di chúc
Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, khi còn sống, một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu họ thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp thì có quyền lập một di chúc khác để thay thế di chúc đã lập.
Tại khoản 3 Điều 662 BLDS đã quy định: "Trong trường hợp người lập di chúc đã thay thế di chúc bằng một di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Như vậy, khi người lập di chúc đã thay thế di chúc thì những di chúc đã lập trước hoàn toàn không còn hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng chỉ khi nào người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện sau của mình để phủ nhận một ý nguyện trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế thì mới được coi là thay thế di chúc.
2.3.8. Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Để bảo đảm ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, tránh việc di chúc bị hư hỏng, thất lạc, cũng như để di sản không bị mất mát hư hỏng và được phân chia cho những người thừa kế đúng với sự định đoạt của mình trong di chúc thì người lập di chúc có quyền xác định rõ trong di chúc của mình về người giữ di chúc, người quản lý di sản và người phân chia di sản.
2.4. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Bên cạnh việc có quyền lập di chúc định đoạt tài sản cho những ai sau khi mình chết, người để lại di sản còn phải làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình. Người ta không chỉ phải nuôi dưỡng bố, mẹ, con cái lúc còn sống mà còn có bổn phận phải tạo dựng cho họ những điều kiện để đời sống của họ được dễ dàng. Đó chính là nghĩa vụ nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình. Sự nuôi dưỡng đó không chỉ được người có nghĩa vụ trực tiếp thực hiện khi còn sống mà còn được thể hiện thông qua việc để lại di sản sau khi chết. Vì thế, Điều 669 BLDS quy định: "Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
2- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động".
Nội dung của điều luật trên thể hiện một mặt pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản trong việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của họ, mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống, họ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc và nuôi dưỡng.
2.5. Hiệu lực pháp luật của di chúc
Hiệu lực của di chúc có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình dịch chuyển di sản từ người đã chết cho những người khác. Việc xác định một di chúc có hiệu lực pháp luật hay không là cơ sở để quyết định di sản của người chết sẽ được phân chia cho người thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật.
Một di chúc bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc bất hợp pháp toàn bộ thì toàn bộ di sản được giải quyết cho người thừa kế theo pháp luật. Nếu chỉ có một phần di chúc bất hợp pháp thì chỉ phần di sản liên quan đến phần bất hợp pháp cuả di chúc được giải quyết theo pháp luật.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp, một di chúc tuy hợp pháp (vì tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà Điều 652 BLDS yêu cầu) nhưng vẫn không có hiệu lực khi có những nguyên nhân sau:
- Do người lập di chúc thay thế hoặc hủy bỏ di chúc;
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong những trường hợp này, chỉ phần di chúc liên quan đến phần tài sản mà đáng ra người thừa kế theo di chúc, được hưởng nhưng họ đã chết, phần tài sản mà cơ quan, tổ chức được hưởng nhưng không còn tồn tại mới bị coi là không có hiệu lực pháp luật. Phần di chúc còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật.
- Người có tên trong di chúc bị tước quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 BLDS.
- Người có tên trong di chúc khước từ quyền hưởng di sản.
- Di sản được xác định trong di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Để việc giải quyết thừa kế theo di chúc được chính xác, cần phải xác định di chúc đó có hiệu lực từ thời điểm nào.
"Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế" (khoản 1 Điều 667 BLDS).
Theo quy định trên, kết hợp với khoản 1 Điều 633 BLDS thì di chúc được coi là có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết.
Tuy nhiên, cần phải chú ý trong một số trường hợp sau:
- Đối với di chúc chung của vợ, chồng:
Trong trường hợp hai vợ chồng cùng lập di chúc chung để cùng định đoạt tài sản chung của họ thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc cả hai người cùng chết.
- Nếu người lập di chúc có nêu sự kiện hợp pháp và xác định khi sự kiện đó xảy ra thì di chúc mới có hiệu lực pháp luật thì tại thời điểm người đó chết di chúc vẫn bị coi là chưa có hiệu lực pháp luật nếu sự kiện đó chưa xẩy ra.
2.6. Di sản dùng vào việc thờ cúng
Pháp luật nước ta trên nguyên tắc tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân nên tại Điều 670 BLDS đã quy định người lập di chúc có quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng và có quyền chỉ định, giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện việc thờ cúng với nội dung như sau:
Nếu người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định thực hiện việc thờ cúng không thực hiện việc thờ cúng đúng như người lập di chúc đã dặn lại hoặc không đúng như thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền lấy lại tài sản dùng vào việc thờ cúng để giao cho một người khác quản lý để thờ cúng.
Nếu trong di chúc không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử ra một người quản lý di sản thờ cúng đó.
Nếu tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang thực tế quản lý số di sản đó (phải là người trong diện những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản).
Pháp luật nước ta cho phép người để lại thừa kế dùng một phần di sản để thờ cúng là sự ghi nhận và tôn trọng bản sắc văn hoá của dân tộc. Phát huy lòng tôn kính của thế hệ sau đối với những người đã khuất. Vì vậy, về nguyên tắc, di sản dùng vào việc thờ cúng phải được giữ lại từ đời này qua đời khác. Người quản lý di sản thờ cúng không được sử dụng vào mục đích khác và không được định đoạt tài sản này.
3. Thừa kế theo pháp luật
3.1. Khái niệm thừa kế theo pháp luật
Nếu người chết có để lại di chúc thì quá trình dịch chuyển đó sẽ căn cứ vào ý chí của người để lại di sản được thể hiện trong di chúc.
Trong những trường hợp người chết không để lại di chúc, không xác định được ý chí của người để lại di sản thì di sản được dịch chuyển theo các quy định của pháp luật. Điều 674 BLDS quy định: "Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định". Theo quy định trên, người được hưởng di sản là những người được pháp luật xác định theo từng hàng thừa kế dựa trên mối quan hệ thân thích, ruột thịt giữa họ với người chết. Những người này chỉ được hưởng thừa kế với những điều kiện sau:
- Còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
- Sinh ra và còn sống sau khi người có tài sản chết nhưng đã thành thai trước khi người đó chết.
- Không có những hành vi đã được quy định tại Khoản 1 Điều 643 BLDS.
3.2. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật
Điều 675 BLDS quy định:
"1) Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:
a. Không có di chúc;
b. Di chúc không hợp pháp;
c. Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;.
d. Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
2) Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a. Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b. Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực
c. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.
3.3. Diện và hàng thừa kế theo pháp luật
3.3.1. Diện thừa kế theo pháp luật
Diện những người thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người có thể được hưởng di sản của người chết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 676 BLDS thì phạm vi trên được xác định như sau:
- Người có quan hệ hôn nhân với người đã chết: Là quan hệ vợ chồng được xác lập thông qua việc kết hôn. Đây là sự kiện làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng được pháp luật xác định và bảo vệ. Theo mối quan hệ này thì người thừa kế theo pháp luật của người chết là vợ hoặc chồng của người đó.
- Người có quan hệ nuôi dưỡng với người đã chết: Được xác lập thông qua việc nhận nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký và làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch.
- Người có quan hệ huyết thống với người chết. Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc bàng hệ được xác định thông qua sự kiện sinh đẻ. Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật được xác định từ quan hệ huyết thống bao gồm:
+ Huyết thống trực hệ: Các cụ, ông, bà, cha đẻ, mẹ đẻ của người chết; cháu là người thừa kế của ông, bà; chắt là người thừa kế của các cụ .
+ Huyết thống bàng hệ: Anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
3.3.2. Hàng thừa kế theo pháp luật
Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật (diện thừa kế) được xác định thông qua các mối quan hệ nói trên được pháp luật xếp theo từng hàng thừa kế.
Có ba hàng thừa kế theo pháp luật sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội, ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
3.4. Thừa kế thế vị
Điều 677 BLDS quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Theo quy định trên thì: Thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ đẻ nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết trước những người này. Phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế nói trên là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống. Tất cả các cháu, chắt được hưởng một suất nếu bố, mẹ cháu còn sống được hưởng.
3.5. Thanh toán và phân chia di sản
- Họp mặt những người thừa kế
Trước khi phân chia di sản, những người thừa kế cần họp mặt để cùng nhau bàn bạc thỏa thuận và thống nhất những vấn đề liên quan đến việc quản lý và phân chia di sản. Việc thỏa thuận này được quyết định theo đa số.
Mục đích của họp mặt những người thừa kế nhằm tăng cường sự đoàn kết nhất trí của những người thừa kế trong việc cùng nhau hưởng di sản, khuyến khích họ tự giải quyết phân chia di sản một cách hòa thuận, giảm bớt những tranh chấp không đáng có trong thực tế.
Việc họp mặt những người thừa kế được BLDS quy định tại Điều 681. Tuy nhiên, có phải họp mặt để bàn bạc về những vấn đề nói trên hay không hoàn toàn do những người thừa kế quyết định. Họ có thể họp mặt nếu xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, khi đã họp mặt thì những kết quả đã thỏa thuận được phải ghi cụ thể trong một số văn bản như: Biên bản họp mặt những người thừa kế. Đây là bằng cứ pháp lý dự phòng cho những trường hợp tranh chấp về sau này. Vì vậy, trong văn bản phải có đầy đủ chữ ký của tất cả những người thừa kế. Đối với những người thừa kế không có hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thay mặt cho họ ký vào văn bản đó.
Trong cuộc họp mặt, những người thừa kế cần phải thỏa thuận với nhau về những vấn đề gì, tùy theo từng trường hợp cụ thể sau đây:
+ Nếu người để lại di sản đã chỉ định người quản lý di sản, người phân chia di sản thì cuộc họp mặt chỉ cần thỏa thuận về cách thức phân chia và hưởng di sản thừa kế.
+ Nếu người để lại di sản không chỉ định người quản lý, người phân chia di sản thì cuộc họp mặt cần thỏa thuận cử người quản lý di sản trong thời gian di sản chưa được phân chia nhằm tránh hư hỏng mất mát hoặc phân tán di sản thừa kế. Trong cuộc họp mặt này những người thừa kế có thể cử luôn người phân chia di sản và cách thức phân chia nhưng cũng có thể chưa cần bàn đến nội dung này nếu họ xác định đến lúc phân chia di sản sẽ có một cuộc họp mặt tiếp theo.
+ Về nguyên tắc, nếu có người quản lý, người phân chia di sản thì những người thừa kế phải cùng nhau thỏa thuận để xác định với người đó về quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên nếu không xác định thì quyền và nghĩa vụ của những người đó được xác định và thực hiện theo quy định tại các Điều 639, 640 và Điều 682 BLDS.
- Thanh toán di sản thừa kế
Trước khi di sản được phân chia cho những người thừa kế phải dùng di sản đó để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại điều 683 của BLDS như sau:
+ Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
+ Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
+ Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
+ Tiền công lao động;
+ Tiền bồi thường thiệt hại;
+ Thuế và các món nợ khác đối với Nhà nước;
+ Tiền phạt;
+ Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác;
+ Chi phí cho việc bảo quản di sản;
+ Các chi phí khác.
- Phân chia di sản thừa kế
Di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Phân chia di sản theo di chúc
Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế, thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác, thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản, thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
- Phân chia di sản theo pháp luật
Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra, thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra sẽ được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra, thì những người thừa kế khác được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật, thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được, thì hiện vật được bán để chia.
- Hạn chế phân chia di sản
Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định, thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế.
Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
PHẦN II. LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
1. Khái niệm luật tố tụng dân sự Việt Nam
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, Nhà nước bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể. Khi cá nhân, pháp nhân hay chủ thể khác có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì theo thủ tục do pháp luật quy định chủ thể đó được khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ (Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2004) (sau đây viết tắt là BLTTDS). Các Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi chức năng của mình Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác (Điều 1 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002). Do vậy, khi có chủ thể khởi kiện vụ án dân sự thì Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý vụ án và giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Các vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết được gọi là vụ việc dân sự. Trong đó, những việc có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên được gọi là vụ án dân sự; những việc không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên được gọi là việc dân sự. Khi bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án có nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định này nếu đương sự có đơn yêu cầu thi hành án, trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định khác.
Quá trình giải quyết vụ án và thi hành án dân sự bao gồm những hoạt động khác nhau của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, các đương sự và những người tham gia tố tụng. Tất cả các hoạt động của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án và thi hành án dân sự đều phải thực hiện theo đúng trình tự mà pháp luật quy định. Trong khoa học pháp lý, trình tự do pháp luật quy định cho việc giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được gọi là "tố tụng dân sự" . Trình tự này bao gồm các giai đoạn khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự làm phát sinh các quan hệ xã hội giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Các quy phạm pháp luật về tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ xã hội đó để đảm bảo việc giải quyết vụ án và thi hành án được đúng đắn. Tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự hình thành ngành luật tố tụng dân sự.
Như vậy, luật tố tụng dân sự Việt Nam là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án và những người tham gia tố tụng phát sinh trong tố tụng dân sự nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự một cách nhanh chóng, đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước.
2. Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc
Việc xác định thẩm quyền chung về dân sự của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc phân định thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan nhà nước khác. Mặt khác, với sự thành lập một số Tòa chuyên trách khác trong hệ thống Tòa án, như Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính, việc nghiên cứu thẩm quyền xét xử về dân sự còn cho phép phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm giữa các Tòa chuyên trách với nhau.
Theo quy định từ Điều 25 tới Điều 32 của BLTTDS, Toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những tranh chấp, những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
2.1. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự
2.1.1. Những tranh chấp về dân sự
- Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
- Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giữa các cá nhân, tổ chức với nhau mà chỉ một bên có mục đích lợi nhuận hoặc các bên đều không có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về thừa kế tài sản.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
2.1.2. Những yêu cầu về dân sự
- Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
- Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
- Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
2.2. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình
2.2.1. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình
- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
- Tranh chấp về cấp dưỡng.
2.2.2. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình
- Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
- Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
- Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
- Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
2.3. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về kinh doanh, thương mại
2.3.1. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: Mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
2.3.2. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại
- Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
2.4. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật về lao động
2.4.1. Những tranh chấp về lao động
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:
+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
- Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm:
+ Về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác;
+ Về việc thực hiện thoả ước lao động tập thể;
+ Về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
2.4.2. Những yêu cầu về lao động
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài.
3. Người tham gia tố tụng dân sự
3.1. Đương sự trong tố tụng dân sự
3.1.1. Khái niệm về đương sự trong tố tụng dân sự
Đương sự trong tố tụng dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, lợi ích liên quan trong vụ án dân sự và người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có liên quan trong việc dân sự.
a. Nguyên đơn trong vụ án dân sự
Nguyên đơn là người được giả thiết có quyền, lợi ích hợp pháp đang bị xâm phạm hoặc có tranh chấp nên đã yêu cầu Tòa án bảo vệ hoặc được người khác yêu cầu Tòa án bảo vệ theo qui định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
b. Bị đơn trong vụ án dân sự
Bị đơn là người giả thiết đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc tranh chấp với nguyên đơn và là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khởi kiện theo quy định của pháp luật.
c. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự
Ngoài đương sự là nguyên đơn và bị đơn tạo thành các bên trong tố tụng dân sự còn có thể có những người khác phải tham gia tố tụng vì việc giải quyết mối quan hệ giữa nguyên đơn, bị đơn sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của họ. Trong tố tụng dân sự họ được gọi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn. Theo Điều 56 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
d. Người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có liên quan trong việc dân sự
Người yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu về giải quyết việc dân sự. Người bị yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng để trả lời về các yêu cầu của việc dân sự. Người có liên quan trong việc dân sự là người tham gia tố tụng vào việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc trả lời về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
3.1.2. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự
Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án;
- Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu;
- Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập;
- Đề nghị Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Toà án tiến hành;
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Tham gia phiên toà;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
- Đề xuất với Toà án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng;
- Tranh luận tại phiên toà;
- Được cấp trích lục bản án, quyết định của Toà án;
- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Bộ luật này;
- Phát hiện và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án;
- Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà;
- Nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;
- Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ tố tụng trên, nguyên đơn còn có các quyền tố tụng như rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; đề nghị Toà án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Bị đơn còn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu; được Toà án thông báo về việc bị khởi kiện.
3.2. Người đại diện của đương sự
3.2.1.Đại diện theo pháp luật của đương sự
Đương sự là cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự không thể tự mình tham gia tố tụng mà phải có đại diện thay mặt tham gia tố tụng. Đối với trường hợp đương sự là pháp nhân hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật thì việc tham gia tố tụng sẽ được thực hiện thông qua hành vi của cá nhân là người đại diện hợp pháp trong các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động. Đại diện này còn được gọi là đại diện đương nhiên của đương sự hay đại diện theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 73 BLTTDS thì người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
Theo qui định tại Điều 141 Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005(BLDS) thì người đại diện theo pháp luật bao gồm:
- Cha mẹ;
- Người giám hộ;
- Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi;
- Người đứng đầu pháp nhân theo qui định của điều lệ pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chủ hộ gia đình;
- Tổ trưởng tổ hợp tác;
- Những người khác theo qui định của pháp luật.
3.2.2. Đại diện do đương sự uỷ quyền
Theo qui định tại Điều 73 BLTTDS, đương sự là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của đương sự, có thể làm uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác thay mặt mình trong tố tụng, trừ việc ly hôn. Trong các trường hợp này, luật sư hoặc “người khác” được uỷ quyền được gọi là người đại diện do đương sự uỷ quyền.
Người uỷ quyền phải là người có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, về nguyên tắc chỉ các đương sự là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì mới được uỷ quyền. Ngoài ra, các đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự cũng có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt trong tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ nội dung của sự uỷ quyền.
3.2.3. Đại diện do Tòa án chỉ định
Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện cho đương sự theo quy định của BLTTDS thì Toà án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
Đại diện do Tòa án chỉ định được thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, được đại diện để bảo vệ quyền lợi của họ.
3.3. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự
Theo qui định tại Điều 63 BLTTDS, người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể là luật sư hoặc người khác không thuộc trường hợp pháp luật cấm không được làm người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải là cá nhân, không thể là cơ quan, tổ chức. Một người có thể bảo vệ quyền lợi cho nhiều người, nếu quyền lợi của những người đó không đối lập nhau. Căn cứ vào Điều 64 BLTTDS, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong tố tụng dân sự có các quyền và nghĩa vụ tố tụng sau:
- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm nếu Toà án xét thấy cần thiết.
- Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Tham gia việc hoà giải, tham gia phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Quyền tham gia tranh luận tại phiên toà, phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án, tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà.
3.4. Người tham gia tố tụng khác
3.4.1. Người làm chứng
Người nào được biết những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được Tòa án triệu tập làm chứng.
Theo Điều 66 BLTTDS thì người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ tố tụng sau đây:
- Cung cấp toàn bộ những thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
- Được nghỉ việc trong thời gian Toà án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức, được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu Toà án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác, phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án.
3.4.2. Người giám định
Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định được các bên đương sự thoả thuận lựa chọn hoặc được Toà án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.
Theo Điều 67 BLTTDS, người giám định có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Được đọc các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Toà án cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc giám định;
- Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan;
- Phải thông báo bằng văn bản cho Toà án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;
- Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Toà án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;
- Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định;
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Phải cam đoan trước Toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
3.4.3. Người phiên dịch
Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được các bên đương sự thoả thuận lựa chọn và được Toà án chấp nhận hoặc được Toà án yêu cầu để phiên dịch.
Theo Điều 70 BLTTDS, người phiên dịch có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa; không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan khi phiên dịch; người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật hoặc khi được Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm lời nói cần phiên dịch;
4. Chứng cứ trong tố tụng dân sự
4.1. Khái niệm chứng cứ
Muốn tìm ra chân lý khách quan của vụ án thì nhiệm vụ của Tòa án là phải làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến vụ án.
Việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các đương sự gắn liền với những sự kiện pháp lý nhất định.
Các sự kiện khi xảy ra trong thực tế thì nhất thiết phải thể hiện dưới những hình thức khác nhau, phải để lại những dấu vết hoặc giữ lại trong trí nhớ của những người chứng kiến.
Để làm sáng tỏ được những tình tiết liên quan đến vụ án, Tòa án cần triệu tập các đương sự, người làm chứng và những người khác để nghe lời khai của họ, phải nghiên cứu những tài liệu khác nhau, xem xét các vật khác nhau. Lời khai cuả các đương sự, người làm chứng, kết luận của người giám định, các tài liệu, các vật có liên quan được Tòa án sử dụng làm phương tiện để xác định những tình tiết cuả vụ án. Tòa án sử dụng chúng như là những phương tiện, vì chúng chứa đựng những tin tức của vụ án. Trong tố tụng dân sự với những phương tiện mà nhờ nó Tòa án xác định được các tình tiết của vụ án được gọi là chứng cứ. Chứng cứ được rút ra từ những phương tiện nêu trên (Điều 82 BLTTDS).
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
4.2. Các đặc điểm của chứng cứ
Chứng cứ có ba đặc điểm sau đây:
4.2.1. Tính khách quan của chứng cứ
Chứng cứ trước hết phải là những gì có thật, tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Chứng cứ hình thành, thay đổi hình thức hay nội dung và có thể mất đi hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của con người. Nếu một ai đó muốn tạo ra một sự kiện giả để đánh lừa Tòa án thì những sự kiện đó không thể là chứng cứ. Tòa án, Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng có thể thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, nhưng không tạo ra chứng cứ.
Một sự kiện tồn tại khách quan muốn được sử dụng trong quá trình chứng minh thì trước hết cần phải được con người phát hiện, nghiên cứu, đánh giá. Như vậy, tuy không tạo ra chứng cứ nhưng con người cần tác động vào sự kiện đó để khai thác chúng như là chứng cứ.
4.2.2. Tính liên quan của chứng cứ
Chứng cứ là những sự kiện thực tế tồn tại khách quan và có liên quan mật thiết đến vụ án mà Tòa án cần giải quyết.
Mỗi một sự kiện thực tế cần phải mang một nội dung thiết thực gắn liền với việc giải quyết vụ án của Tòa án. Những sự kiện không có ý nghĩa đối với vụ án thì không được thu thập và đánh giá như những chứng cứ. Do đó, Tòa án phải biết chọn lọc và chỉ đánh giá những sự kiện có liên quan và có ý nghĩa đối với vụ án.
Tuy vậy, lý luận về chứng cứ cũng thừa nhận trong nhiều trường hợp có những sự kiện không trực tiếp liên quan đến vụ án, nhưng nếu chứng minh được những sự kiện đó có tồn tại thì giúp Tòa án làm sáng tỏ được những tình tiết cần chứng minh trong vụ án. Những sự kiện không trực tiếp liên quan đến vụ án này được gọi là những sự kiện trung gian.
Việc Tòa án sử dụng các sự kiện trung gian trong tố tụng dân sự khác với lý luận về suy đoán chứng cứ.
4.2.3. Tính hợp pháp của chứng cứ
Các sự kiện hợp pháp nêu trên cần phải được thu thập, bảo quản, củng cố, nghiên cứu và đánh giá theo một trình tự do luật định. Các sự kiện thực tế khách quan sẽ mất hết giá trị nếu Tòa án trong qúa trình thu thập, củng cố và đánh giá các sự kiện này vi phạm những quy định của pháp luật. Bản thân những sự kiện này cũng sẽ tự mất đi giá trị thực của nó nếu không được bảo quản và củng cố tốt.
4.3. Phân loại chứng cứ
Việc phân loại chứng cứ đối với thực tiễn xét xử của Tòa án có ý nghĩa quan trọng. Nó giúp Tòa án thu thập, nghiên cứu đánh giá được đầy đủ các chứng cứ của vụ án, bảo đảm việc giải quyết đúng đắn vụ án. Có nhiều cách phân loại, song phổ biến nhất là ba cách phân loại sau:
4.3.1. Phân loại chứng cứ dựa vào nguồn thu nhận chứng cứ
Dựa vào nguồn thu nhận, chứng cứ được phân ra thành chứng cứ theo người và chứng cứ theo vật.
4.3.2. Phân loại chứng cứ căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ
Căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ, chứng cứ được chia thành chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại.
Chứng cứ gốc là những sự kiện thực tế đầu tiên về sự kiện cần chứng minh. Thông tin đó có liên quan trực tiếp đến sự kiện cần chứng minh.
Chứng cứ thuật lại là những chứng cứ được sao chép lại từ những chứng cứ khác. Giữa chứng cứ thuật lại và chứng cứ gốc là một khâu trung gian.
4.3.3. Phân loại chứng cứ căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với những sự kiện cần chứng minh
Căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với sự kiện cần chứng minh, chứng cứ được chia ra thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp
Chứng cứ trực tiếp là những sự kiện, tin tức thực tế mà dựa vào đó Tòa án có thể rút ra được một kết luận xác thực là có hay không có trong thực tế những sự kiện cần chứng minh. Ví dụ: Bản di chúc trong tranh chấp về thừa kế, bản hợp đồng trong tranh chấp về hợp đồng.
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ nếu đứng độc lập thì giúp Tòa án rút ra không phải là một kết luận nhất định nào đó mà là nhiều giả thiết, nhiều giả thiết này nếu được so sánh với các chứng cứ khác thì giúp Tòa án tìm ra được một kết luận nhất định.
II.THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ
1. Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự
1.1. Khởi kiện vụ án dân sự
1.1.1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự
Quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền tố tụng của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác.
Các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 161, 162 BLTTDS. Cụ thể như sau:
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định.Chẳng hạn, yêu cầu Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, cấp dưỡng, chấm dứt việc nuôi con nuôi....
- Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.
- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
1.1.2. Điều kiện thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự
Để thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự, các chủ thể của quyền khởi kiện vụ án dân sự phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Một là phải có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay tranh chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hai là việc khởi kiện vụ án dân sự phải đúng thẩm quyền của Tòa án. Đối với những việc pháp luật quy định phải được cơ quan khác giải quyết trước khi Tòa án giải quyết thì chỉ được khởi kiện khi cơ quan hữu quan đã giải quyết.
Ba là chỉ được khởi kiện đối với những việc chưa được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Bốn là đối với những việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện thì việc khởi kiện phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện.
Ngoài các điều kiện trên, đối với cá nhân muốn khởi kiện vụ án dân sự còn phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, trong trường hợp cần yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì người đại diện theo pháp luật khởi kiện thay. Đối với các tổ chức, muốn khởi kiện phải có tư cách pháp nhân. Với tổ chức không có tư cách pháp nhân, các thành viên của tổ chức có thể cùng khởi kiện.
1.2. Thụ lý vụ án dân sự và trả lại đơn khởi kiện
1.2.1. Thụ lý vụ án dân sự
Thụ lý vụ án dân sự là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết.
Việc thụ lý vụ án dân sự được thực hiện theo trình tự sau:
- Khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải nghiên cứu xem đã rõ ràng chưa, nếu thiếu Toà án có thể yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung;
- Xét xem người khởi kiện có quyền khởi kiện không;
- Trên cơ sở yêu cầu khởi kiện, xác định thẩm quyền của Tòa án đối với việc giải quyết vụ án;
- Sau khi đã nghiên cứu, xem xét kỹ các mặt, nếu thấy đủ điều kiện để thụ lý vụ án thì Tòa án ấn định mức tiền tạm ứng án phí nguyên đơn phải nộp và thông báo cho họ nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án cùng cấp nơi Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án có thể gia hạn nộp tiền tạm ứng án phí thêm một tháng. Hết hạn đó nếu nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án không thụ lý vụ án.
- Khi nguyên đơn xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án vào sổ thụ lý vụ án. Thời hạn chuẩn bị xét xử tính từ ngày thụ lý vụ án. Nếu người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án từ ngày nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 171 BLTTDS).
1.2.2. Những trường hợp trả lại đơn kiện
Đối với những trường hợp sau, theo Điều 168 BLTTDS, Tòa án không thụ lý vụ án mà trả lại đơn kiện cho người khởi kiện:
- Thời hiệu khởi kiện đã hết;
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;
- Hết thời hạn được thông báo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
2. Hoà giải và chuẩn bị xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử
2.1. Hòa giải vụ án dân sự
2.1.1. Khái niệm hòa giải
Theo Điều 10 BLTTDS, để giải quyết vụ án dân sự Tòa án có thể giải thích pháp luật, giúp đỡ đương sự nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, giải quyết những vướng mắc trong tư tưởng tình cảm giữa họ để các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Việc đó được gọi là hòa giải vụ án dân sự. Việc hòa giải vụ án dân sự được Tòa án tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án. Hòa giải vụ án trước khi xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự.
Như vậy, hòa giải là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Việc hòa giải trước hết là do đương sự tiến hành, vì đương sự là chủ thể của các quan hệ pháp luật nội dung cần giải quyết trong vụ án. Đương sự mới có quyền trong việc thương lượng, điều đình giải quyết các vấn đề của vụ án, không ai, dưới bất kỳ hình thức nào có thể cưỡng ép, bắt buộc đương sự thỏa thuận.
Tuy vậy, Tòa án giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hòa giải vụ án dân sự. Quá trình hòa giải vụ án dân sự có kết quả hay không phụ thuộc rất lớn vào Tòa án. Là cơ quan có nhiệm vụ giải quyết vụ án, Tòa án chủ động triệu tập các đương sự đến, giải thích pháp luật cho các đương sự hiểu, giúp đỡ họ tháo gỡ những vướng mắc để thỏa thuận với nhau về giải quyết các vấn đề của vụ án. Trường hợp đương sự thoả thuận được việc giải quyết vụ án, Tòa án cũng cần kiểm tra lại trước khi ra quyết định công nhận.
2.1.2. Phạm vi hòa giải
Theo Điều 181, 182 BLTTDS, Tòa án hòa giải tất cả các việc, trừ những việc sau:
- Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
2.1.3. Thủ tục hòa giải
- Sau khi điều tra lập hồ sơ vụ án, Tòa án đã nắm được nội dung vụ án, những nguyên nhân và điều kiện phát sinh vụ án, những vướng mắc giữa các đương sự thì Tòa án triệu tập các đương sự đến để hòa giải. Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hoà giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải và việc hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải (Điều 184 BLTTDS).
- Khi hòa giải, thẩm phán giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, để các đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề giải quyết trong vụ án. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết vụ án thì thẩm phán kiểm tra lại. Nếu sự thỏa thuận không trái pháp luật thì thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý xác nhận sự thỏa thuận của đương sự, nội dung biên bản phải ghi rõ nội dung việc tranh chấp và những điều các đương sự đã thỏa thuận.
- Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo quyết định này theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 187, 188 BLTTDS)
- Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
2.2. Chuẩn bị xét xử
Từ khi Toà án thụ lý vụ án dân sự, Toà án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu hoà giải không thành Toà án phải củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tại phiên toà. Các công việc chuẩn bị xét xử bao gồm phân công Thẩm phán thụ lý, lập hồ sơ vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên toà.
Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
- Đối với các vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình, thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với các vụ án về kinh doanh, thương mại, lao động thời hạn này là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá một tháng đối với vụ án về kinh doanh, thương mại, lao động và hai tháng đối với vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định như công nhận sự thoả thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu Toà án thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Trưng cầu giám định;
- Quyết định định giá tài sản;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Uỷ thác thu thập chứng cứ;
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
2.3.Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án và đưa vụ án ra xét xử
2.3.1. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án
Căn cứ vào quy định tại 189 BLTTDS, trước khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong những trường hợp sau:
- Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
- Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
- Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế.
- Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.
- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
2.3.2. Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự
Căn cứ vào Điều 168, 192 BLTTDS, trước khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong những trường hợp sau:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
- Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
- Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
2.3.3. Đưa vụ án dân sự ra xét xử
Theo Điều 179 BLTTDS, nếu đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà không có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự thì Tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3. Phiên tòa sơ thẩm dân sự
3.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
Thủ tục bắt đầu phiên toà được quy định tại các điều từ Điều 213 tới Điều 215 BLTTDS.
Trước khi tiến hành phiên tòa, cán bộ Tòa án được phân công làm thư ký phiên tòa kiểm tra những người được triệu tập đã có mặt chưa, nếu có người vắng mặt thì tìm hiểu lý do, sau đó phổ biến nội quy của phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án thì mọi người phải đứng dậy. Thủ tục bắt đầu phiên toà được tiến hành như sau:
- Chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Thư ký Toà án báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt.
- Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và kiểm tra căn cước của đương sự.
- Chủ toạ phiên toà phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
- Chủ toạ phiên toà giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.
- Chủ toạ phiên toà hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không.
- Trong trường hợp có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định
- Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà mà không thuộc trường hợp Toà án phải hoãn phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên toà hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định việc hoãn phiên toà.
- Trong trường hợp lời khai của đương sự và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ toạ phiên toà có thể quyết định cách ly đương sự với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.
3.2. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa
Thủ tục xét hỏi được quy định tại các điều từ Điều 217 tới Điều 231 BLTTDS. Thủ tục này được tiến hành như sau:
- Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe lời trình bày của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp đương sự và nghe ý kiến bổ sung của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện đương sự.
- Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác; trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự.
- Kết hợp với việc xét hỏi, Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, xem xét các tài liệu, vật chứng, kết luận giám định.
3.3. Tranh luận tại phiên tòa
Thủ tục tranh luận được quy định tại các điều từ Điều 232 tới Điều 235 BLTTDS.
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Hội đồng xét xử hướng dẫn các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiến hành tranh luận. Khi tranh luận, những người tham gia tranh luận không trình bày lại sự việc mà trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ, hướng giải quyết vụ án.
Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả việc hỏi tại phiên toà. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
3.4. Nghị án
Hội đồng xét xử nghị án tại phòng riêng, khi nghị án, Hội đồng xét xử xem xét tất cả các vấn đề của vụ án và các yêu cầu của đương sự.
Trong quá trình nghị án, chủ tọa phiên tòa nêu từng vấn đề để các thành viên của Hội đồng xét xử thảo luận. Hội đồng xét xử quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án theo đa số.
Tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu của đương sự hoặc bác toàn bộ các yêu cầu của đương sự.
Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận của từng thành viên Hội đồng xét xử và quyết định của Hội đồng xét xử (Điều 236 BLTTDS).
3.5. Tuyên án
Khi tuyên án chủ tọa phiên tòa phải đứng đọc nguyên văn bản án từ đầu đến cuối. Nếu Tòa án xử kín vụ án thì tùy từng trường hợp, chủ tọa phiên tòa có thể đọc toàn bộ bản án hoặc chỉ tóm tắt nội dung sự việc và nhận định của Tòa án, nhưng phần quyết định của bản án thì phải đọc công khai. Sau khi đã tuyên án, chủ tọa phiên tòa giải thích cho các đương sự về quyền kháng cáo của họ.
Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết (Điều 239 BLTTDS).
Hiệu chỉnh bởi quản lý: