Phân tích Người Lái Đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, con Sông Đà Hung bạo.

ElLyy

Thành viên
Tham gia
1/1/2023
Bài viết
1
Nhắc về các tác giả lớn của văn học Việt Nam, đọng lại trong bạn là những ai? Phải chăng bạn ấn tượng, say mê trước những dòng thơ tình đắm say của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hay xúc cảm trước ngòi bút có cái gai góc, lạnh lùng của Nam Cao khi viết về người nông dân. Có rất nhiều tác giả chọn cho mình một đề tài để sáng tác mà ta gọi đó là sở trường và trở thành dấu ấn của riêng tác giả. Nhưng khi nói đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đã nhận xét rằng:” Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ nghệ thuật. Là người sinh ra để tôn thờ nghệ thuận với hai chữ viết hoa”. Nguyễn Tuân được biết đến là một cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời khao khát, say mê tìm kiếm vẻ đẹp, cái thật của cuộc sống. Lối văn chương của ông tự do, phóng túng, ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút “Người lái đò sông Đà”, là thiên tùy bút rút trong tập “Sông Đà” (1960). Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi thực tế đến Tây Bắc năm 1958, gian khổ và hào hứng. Hình ảnh con sông Đà hiện lên thật to lớn, hùng vĩ, dữ dội khiến ta thấy bản thân thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
Sông Đà được nhà văn xây dựng thành một "nhân vật" có mặt suốt từ đầu đến cuối thiên tùy bút, tạo nên một giá trị vô cùng đặc sắc cho tác phẩm này. Dưới ngòi bút uyên bác và tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà đã trở thành một vật sống có cá tính, tâm trạng, hoạt động chứ không phải vô tri, vô giác. Con sông hiện lên trước mắt ông như là một sự hùng vĩ của thiên nhiên. Tác giả đã cho người đọc như được chứng kiến tận mắt khung cảnh sông Đà, thỉnh thoảng lại dừng lại những pha "cận cảnh" thật tiêu biểu về sự dữ dằn này. Trước hết là cảnh đá bờ sông “dựng vách thành”, hình ảnh hiện lên to lớn, sừng sững, khiến cho người ngồi trên thuyền rợn ngộp, sợ hãi. Chỉ khi nào đến giữa trưa đúng giờ ngọ, mặt trời rọi đúng đỉnh đầu, chỗ ấy mới được đón nắng, lúc này đay ta chỉ thấy mặt sông hẹp, lòng sông chảy bị thu hẹp đến mức mà đứng bờ bên này nhẹ tay ném hòn là đã có thể qua đến bờ bên kia, hẹp đến mức con hổ, con nai nhảy nhẹ là đã có thể vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia mà không hề tốn nhiều chút sức lực, cảm giác rợn ngộp, lạnh lẽo, tăm tối. Cách so sánh trên của tác giả đã gây được một ấn tượng sâu đậm trong trí óc người đọc về sự thẳng đứng của vách đá với độ cao ngút trời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè nóng bức mà cũng cảm thấy lạnh run người, như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào từ cái tầng nhà thứ mấy nào vừa phụt đèn điện. Nhà văn đã kết hợp hài hòa giữa các giác quan khác nhau để có thể so sánh, nhân hóa, liên tưởng phong phú làm nổi bật lên vẻ đẹp của vách đá thật mới mẻ, táo bạo. Vách thành dựng đứng gợi lên sự hiểm trở, hùng vĩ đầy bí ẩn, sợ hãi như đang tham gia trò chơi mạo hiểm, lòng sông lại hẹp gợi lên được những dòng nước chảy với vận tốc ghê gớm, dữ dằn của thác lũ.
Tính chất hung bạo của dòng sông còn được tác giả thể hiện qua cái dữ dằn của ghềnh sông với hợp sức của gió, của sóng và của đá. Dường như chúng là những mảnh ghép hoàn hảo phối hợp với nhau đầy ăn ý để tăng thêm sự đe dọa, uy hiếp tính mạng của những con người đi qua đây: quãng một ghềnh Hát Loong, “dài hàng cây số”, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, em cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng chực lấy mạng bất kỳ người lấy đò nào đi ngang qua đây. Người lái đó đi qua đoạn này phải hết sức khéo léo, cao độ và có kinh nghiệm. Cách sử dụng từ láy cuồng cuộn và động từ mạnh gùn ghè có thể cho thấy sự chọn lọc từ nghĩ tinh tế của tác giả. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với động từ mạnh để làm nổi bật những con sóng mạnh, lớn, dữ tợn, luôn luôn đe dọa và gây nguy hiểm cho người lái đò. Ở đây, một phần câu văn như bị ngắt đứt ra thành từng khúc ngắn, gọn, điệp cấu trúc và tăng tiến, tạo sự thúc đẩy dồn nén, gấp gáp thúc đẩy sự hồi hộp, tò mò trong lòng người đọc.
Những cái hút nước khủng khiếp làm cho sông Đà thêm hung bạo phần nào: trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. “Trên mặt thì hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ từ những cánh quạ đàn”, câu văn cho ta thấy hình ảnh hết sức giản dị bầy quạ đi ăn bay vòng tròn, con người thì lợi dụng sức nước gắn cánh quạt lợi dụng sức nước để sản xuất điện. Vì nước bị hút quá mạnh nên xoáy thành từng vòng, phát ra những âm thanh hãi hùng được tác giả nhân cách hóa như tiếng thở của nước và kêu như cửa cống cái bị sặc do nước rất rợn người. Người lái đò nếu muốn vượt qua phải “chèo nhanh lướt quãng sông”, rất nguy hiểm cho người lái đò, nên khi muốn qua đoạn này người lái đò phải thật sự tài ba, giàu kinh nghiệm thì mới giữ được mạng. Để làm gia tăng thêm sự hiểm nguy mà cái hút nước tạo ra, nhà văn đã kết hợp hài hòa giữa "tả" và "kể". Ở đây, yếu tố tự sự góp phần quan trọng kích thích, mở mang trí tưởng tượng đầy phong phú của người đọc.
Nói đến sự tàn bạo, dữ tợn của sông Đà tất không thể thiếu đến sự dữ dằn của những con thác. Nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, sẵn sàng đánh trả, cướp lấy mạng sống của người lái đò, lái mảng, đặc biệt với những người nào xuôi dòng, ở những nơi này, sông Đà được tác giả miêu tả như có cả một bầy thuỷ quái xung quanh vừa độc ác, hung bạo, xảo quyệt. Lúc thì thác nước chế nhạo, khiêu khích, khi thì lại gầm rú, gào thét như tiếng một con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá luống rừng. Âm thanh rùng rợn, khủng khiếp, bằng biện pháp so sánh và liên tưởng làm ta nhớ đến cảnh động đất thời tiền sử.
Cái hung bạo của con sông Đà không những chỉ được thể hiện qua sự hung bạo của những con thác, mà còn quang cảnh bao la, rộng lớn với vẻ đẹp bí ẩn đầy hoang sơ của dòng sông chảy giữa núi rừng Việt Bắc cũng góp phần không nhỏ vào thể hiện điều này. Thác nước như được nhân đôi sức mạnh, sức tàn phá, tăng thêm sự nguy hiểm đối với sự sống của người lái đò vì sự góp mặt thêm của hàng ngàn tảng đá, to nhỏ khác nhau. Mỗi hòn đá được khắc họa như một quái vật từ ngàn năm vẫn kiên trì phục kích nơi này để bày thạch trận trong lòng sông. Mỗi lần thấy một con thuyền nào đi ngang qua là chúng lập tức vồ lấy thuyền.Thoạt nhìn qua đã thấy mặt sông trắng xóa cả một chân trời đá. Những hòn, tảng tưởng như nó đứng ngồi đầy tự nhiên. Nhưng quả thực không phải vậy, chúng đã được bày binh bố trận mục đích nhằm lấy mạng những con người đi ngang qua đây. Chúng giàn ba vòng vây cực kỳ nguy hiểm. Mỗi vòng vây, chúng lại mở rất nhiều cửa tử nhưng lại chỉ có duy nhất một cửa sinh. Cửa sinh đó lại được bố trí vô cùng hiểm trở đầy lắt léo, lúc bên phải, lúc bên trái, khi thì ở giữa. Vòng đầu, nó tỏ ra vẻ chủ quan, dễ tính đầy sơ hở để dụ những con thuyền tiến vào sâu bên trong sau đó tung ra đòn chí mạng là cú đánh khuýp quật vu hồi. Khi con thuyền đã bị sập bẫy, đá thác và sông nước nhất tề xông lên, cùng tác chiến, đánh hội đồng. Chúng đánh tới tấp, dồn dập, liên tục những đòn hiểm độc. Chúng âm mưu phá tan tất cả thuyền trưởng và thủy thủ ngay ở chân thác. Qua trí tưởng tượng vô cùng phong phú của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên nguyên hình con thủy quái khổng lồ xảo quyệt, hung dữ, đầy dã tâm độc ác. Cứ thế, sự hiểm ác của sông Đà - kẻ thù số 1 của những con người nơi Tây Bắc cứ nhân lên gấp vạn trong liên tưởng của người đọc. Đọc những trang văn của Nguyễn Tuân mà ta như lạc vào những trận địa thiên la địa võng. Tác giả nhân cách hóa và thổi sự sống vào cho những hòn đá vô tri, vô giác, gợi cho người đọc tưởng tượng ra được vẻ thô bạo, táo tợn của chúng như một lũ giặc khát máu điên cuồng. Nguyễn Tuân còn sử dụng ngôn ngữ của nhiều lĩnh vực như điện ảnh, quân sự “giáp lá cà…”, thể thao “hàng tiền vệ…”, võ thuật “đánh khuýp quật vu hồi’.
Bằng ngòi bút tài hoa uyên bác, cách sử dụng ngôn ngữ sống động, tổng hợp trên nhiều vốn tri thức, vốn văn hóa về nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, từ hội họa, điển ảnh đến quân sự, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Nghệ thuật viết tùy bút bậc thầy khiến con sông đã hung bạo, độc hiểm cũng phải hiện hình rõ nét trên trang giấy của Nguyễn Tuân.
Tóm lại, khi ta đến với tác phẩm “ “Sông Đà” thấy trữ lượng cái đẹp, chất vàng mười của đất nước và con người Việt Nam trong cuộc sống quả là nhiều vô kể”, Phan Thị Nhài. Qua việc nhìn nhận, khám phá, miêu tả thiên nhiên Sông Đà. Nguyễn Tuân đã khẳng định tài năng uyên bác và ngòi bút tài hoa của mình. “Người Lái Đò Sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên, và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.
 
×
Quay lại
Top Bottom