- Tham gia
- 24/6/2010
- Bài viết
- 590
"Có lẽ nên thay đổi lại định nghĩa của "hy sinh”, hoặc mỗi người nên có cái nhìn thoáng hơn về khái niệm này, bởi từ trước đến giờ, chúng ta luôn gắn sự hy sinh cho các mỹ từ vĩ đại, tốt đẹp", H.T. Trang (*) nêu ý kiến trong bài viết về sự hy sinh.
Hy sinh, là hành động đánh đổi một thứ quan trọng với bản thân cho một điều khác được coi là đáng quí hơn. Không phải chỉ trong những thảm họa như động đất ở Nhật Bản người ta mới thấy được sự hi sinh, mà nó vẫn thường diễn ra ở bất cứ ngóc ngách nào của cuộc sống.
Trong tự nhiên, ong đực chết đi sau một lần giao phối với ong chúa để tiết kiệm mật cho cả đàn. Trong đời sống hàng ngày, ta cũng có thể thấy những hành động hy sinh, cho dù rất nhỏ: hành khách nhường chỗ ngồi cho một bà cụ, cha mẹ hy sinh thời gian để đưa đón đứa con đi học xa đến vài chục cây số, hay những thợ đào đường ban đêm để không làm ảnh hưởng đến sinh họat của người dân. Nhờ những sự hy sinh nhỏ bé này, mà một tập thể, xã hội mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững.
Thế nhưng không phải hành động hy sinh nào cũng được biểu dương, ca ngợi hết lời. Lý do là vì sự hy sinh cũng có nhiều nguồn gốc, nguyên nhân. Người ta có thể bỏ qua quyền lợi của mình vì trách nhiệm, nhiệm vụ, vì các quan niệm truyền thống, hay nói chung là vì những áp lực từ bên ngoài.
Một người làm cái việc thu gom rác rưởi, bị người khác coi thường có phải vì anh ta nghĩ nghề đó sẽ giúp ích cho xã hội không? Những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có đáng được coi là anh hùng không khi họ bị đẩy ra ngoài chiến trận, ngầm mắng chửi thứ chiến tranh phi lý đã hủy hoại cuộc đời họ?
Tồi tệ hơn, lại có những thứ hy sinh giả tạo, tưởng như là hy sinh nhưng thực chất lại để mua tiếng tốt về mình. Một cô diễn viên Hàn Quốc đi đến một khu ô chuột nghèo khổ, nơi vốn là bãi rác thải của thành phố và có công đồng người vô gia cư sống vất vưởng ở đó.
Cô đã đến rất nhiều nhà, đi bới rác cùng các em nhỏ, tắm rửa cho các em, và một mình nấu cơm cho cả trăm người.
Quả là một sự hi sinh lớn lao cho một diễn viên cao quí. Nhưng không biết các thước phim có bao phần đã được viết kịch bản, những giọt nước mắt của cô có bao phần là nước lã. Chỉ biết là sau đó cô lần lượt lên các loại talk show, các trang nhất, và được tôn vinh là người đẹp có tấm lòng nhân hậu.
Nguy hiểm nhất có lẽ là việc chúng ta tự cho rằng mình đang hi sinh vì người khác. Có những người trong chúng ta sống cả đời hết lòng giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn, và sau đó nghĩ mình là người tốt.
Thật ra, những người đó có mất gì đâu khi cứu giúp người khác, nếu như họ quan niệm một lời khen ngợi, lòng biết ơn của người khác đáng giá hơn tiền bạc và thời gian.
Có thể xếp họ vào những người háo cái danh hão, những người như thế không quan tâm đến việc sự giúp đỡ của họ hiệu quả đến đâu, có tác dụng thế nào, chỉ cần để người khác biết là mình đã hy sinh vì họ.
Một số người chủ ý làm vậy, nhưng một số khác hoàn toàn không nhận thức được bản chất sự hy sinh của mình. Tuy nhiên, tôi muốn nói tiếp về sự hi sinh mà chắc chắn ai cũng phải thừa nhận là đầy chất nhân văn cao cả.
Đâu là sự hi sinh vĩ đại nhất? Một em bé ngây thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, mất cha mất mẹ và đói rét đã hy sinh bao lương khô cho người khác? Người đàn ông hy sinh tính mạng vì những con người xa lạ? Người cảm tử quân lao mình vào ổ địch dù biết chắc mình sẽ chết, hy sinh vì độc lập dân tộc? Hay những nhà khoa học dám đương đầu với định kiến của toàn nhân loại để bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý?
Thật khó để tìm được câu trả lời cho sự hi sinh vĩ đại nhất, nhưng sự hi sinh đau khổ nhất thì có lẽ. Chắc chắn, đó không phải sự hi sinh về thể xác, hay tiền bạc.
Tôi xin kể lại một clip đã từng được xem. Đoạn phim kể về người bố làm nhân viên điều khiển cầu mỗi khi có tàu hỏa qua lại, và người con trai yêu dấu duy nhất, vốn rất thích thú với các chuyến tàu và các hành khách trên đó.
Có lẽ nên thay đổi lại định nghĩa của từ “hy sinh”, hoặc mỗi người nên có cái nhìn thoáng hơn về khái niệm này, bởi từ trước đến giờ, chúng ta luôn gắn sự hy sinh cho các mỹ từ vĩ đại, tốt đẹp.
Một lần, không may bộ phận điều khiển tự động gặp trục trặc đúng lúc có một đoàn tàu sắp đến. Người trên tàu không ai hay biết gì, ông bố cũng không để ý. Chỉ có cậu bé đang chơi gần đó, hiểu ra vấn đề và đã cố gắng dùng cần gạt tay để hạ cầu xuống. Đến khi người cha nhận ra thì đã quá muộn. Con ông bị mặc kẹt bên dưới gầm cầu. Trong chưa đầy một phút nữa thôi, ông sẽ phải quyết định, hoặc để cả đoàn tàu bị chết, hoặc hạ cần điều khiển tay xuống, và con trai ông sẽ bị nghiền nát. Người đàn ông đã hạ cần gạt.
Kết thúc phim tưởng chừng là bi kịch, nhưng ông ta lại nhìn thấy được những gương mặt ngời sáng, những đứa trẻ xinh xắn đã được ông ta cứu sống, những số phận đã được thắp lên niềm tin khi biết mình vừa thoát khỏi tử thần. Và rồi người đàn ông đó lại có thể nở một nụ cười trên môi.
Nhưng đoạn phim ngắn đó chỉ phản ánh được một lát cắt của cuộc đời, và nó thuần túy hư cấu cũng như mang tính giáo dục. Về phương diện xã hội, ông ta là anh hùng, đã cứu sống hàng trăm mạng người và phải hy sinh đứa con trai quí yêu quí.
Cho dù vậy, chính tay ông ta đã giết con trai. Dù ông ta biết, và ai cũng biết, hành động của ông là đúng đắn, nhưng rồi cả cuộc đời mình, sẽ có những lúc cô đơn, những lúc hụt hẫng, người đàn ông bất chợt nhớ lại khoảnh khắc nhấc th.ân thể đứa con nát bét từ dưới gầm cầu lên, mang xác con trên tay và gào thét vào đám người ngơ ngác không hiểu nổi nỗi đau đớn mà ông đang phải chịu đựng. Rồi sẽ có lúc ông quên mất những con người ông đã cứu sống, và chìm đắm vào nỗi đau mất mát. Sẽ có những lúc ông hối hận, tự nguyền rủa bản thân vì quyết định trong quá khứ.
Lúc xem phim, tôi không dám tự hỏi bản thân nếu là người cha sẽ quyết định thế nào. Và đến bây giờ, tôi cũng không biết mình sẽ quyết định thế nào.
Sự hy sinh mà sau đó người ta có thể chết ngay trong vinh quang, có thể chịu đựng trong hãnh diện thì vẫn là sự hy sinh sung sướng. Nhưng sự hy sinh mà sau đó người ta ngờ vực chính quyết định của mình, nhưng lại phải sống trong sự dằn vặt và day dứt ấy cả cuộc đời mới chính là sự hy sinh đau khổ nhất.
Trong những ngày tháng này, tôi hướng đến Nhật Bản với những tình cảm đặc biệt và chân thành nhất. Chính họ mới là những người thấu hiểu sự hy sinh hơn ai hết. Họ sẽ không đem sự hy sinh ra bàn, ra viết thành những bài văn lời lẽ hoa mỹ. Họ sẽ làm thật, giúp đỡ hết mình, và hy sinh bản thân vì cộng đồng.
Còn mỗi chúng ta, những đứa con một dân tộc với truyền thống lá lành đùm lá rách, liệu có thể thẳng thắn thừa nhận sự thật về một lỗ hổng văn hóa lớn, và học tập được những gì?
(*) Bài viết của Hoàng Thùy Trang (Lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Theo Vietnamnet