Nước lũ rút rồi, mẹ khóc!

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Từ tầng 2 trường tiểu học nhìn về, mẹ quệt nước mắt và nói: “Mất hết rồi con ơi, rồi đây lấy cái gì mà đủ ngày 2 bữa?”. Tôi nhìn dòng nước trôi mà lòng chùng xuống. Nỗi đau này có gì lạ đối với dân miền Trung!
210111010-lu-rut.jpg

Cơn lũ qua rồi, mẹ ơi...

Mẹ về nhà, dáng đi thất thểu, xiêu vẹo như người mất hồn. Nước rút rồi, nắng đã ấm lên nhưng lòng người như tím tái. Mẹ chạy xộc vào nhà lôi từng bao lúa ướt sũng ra sân: “Gắng phơi để còn hạt mà ăn con ạ”. Bàn tay mẹ nhăn nheo, đôi mắt thâm quầng.

Cuộc sống áo cơm ngày thường cũng đã làm nên bao cơ cực, nay cơn vần vũ của đất trời càng làm đôi vai mẹ nặng thêm. Tôi pha gói mì tôm bằng bát nước ít ỏi xã vừa cứu trợ: “Gắng ăn đi mẹ, hai ngày nhai mì sống rồi còn gì”. “Ăn uống gì con, thứ gì cũng mặn đắng, kể cả nước mắt”.

Tôi nhớ đến những mùa lụt xa xưa, khi ba còn sống. Mỗi lần nước bắt dầu dâng lên là tôi được ba cho ngồi trên vai và di tản bằng cách đi bộ đến trú ngụ ở nơi cao hơn. Năm nào cũng có một vài lần chạy lụt như vậy. Ở xứ Quảng nếu năm nào không lụt, đó là điều ngạc nhiên đối với người dân. Bởi vậy nên mẹ tôi thường hay cất trữ thức ăn như cá khô, mắm thính hay bầu phơi khô. Cứ mỗi lần nước ngoài sông dâng lên là cả nhà dìu dắt nhau lên cái gác nằm sát nóc nhà. Cái gác này tôi đã hơn 10 lần trú ngụ, nhai gạo sống trên đó. Cái gác này chỉ dùng cho những năm lụt nhỏ thôi, chứ như cơn đại hồng thuỷ năm nay thì không thể ở trên đó khi nước lấp xấp nóc nhà.

Bởi vậy ba tôi thường nhìn con nước, thấy không ổn là chuẩn bị thuyền để “di cư”. Tôi đã từng nhìn bầu trời với mưa giăng, gió bão qua những viên ngói ba giở ra, vẫy tay ra hiệu gọi thuyền cứu hộ phát lương khô hay mì tôm. Nếu có một khung trời kỷ niệm trong những mùa lụt của tuổi thơ, có lẽ nhìn bầu trời qua những lỗ ngói là ký ức không thể nào phai nhạt. Những lúc đó, tôi thường nghĩ về vùng núi cao, nơi nước không thể nào dâng tới được. Có lẽ ở đó, người ta sẽ chẳng biết lụt là gì. Thế mà giờ đây tôi đã vỡ lẽ khi biết người miền núi cũng dìu dắt nhau trốn vào hang động như thời thượng cổ. Cũng chính ở trên cái gác trốn lụt này, tôi biết thế nào là sự thịnh nộ của thiên nhiên và cũng biết rằng mỗi hạt gạo của người nhà nông không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Bão, lũ quét, nắng hạn cứ thay nhau “cày cấy” trên lưng người nông dân mà chẳng bao giờ có một mùa bội thu của đất trời.

Ba tôi thường nói, ngày xưa dân ta giỏi đánh giặc vì… đất nước hay có giặc. Bởi thế nên có câu “giặc năm nay… dễ đánh”. Giờ thì người người hay bảo: “Lụt năm nay cũng thường”. Nói vậy nhưng ai cũng khóc vì nó, nói để mà nghe, để mà thấy cái “bình thường” của lụt, không năm nào không đến, không năm nào trốn thoát. Đó cũng là thể hiện bản lĩnh của người miền Trung trong việc đối chọi với thiên nhiên, sự gan lì, chai sạn của những cái đã là hiển nhiên khi sống trên dải đất hẹp, cái eo của hình chữ S gánh hai đầu Bắc Nam.

Khi nước đã rút, đói khát rồi cũng thế, vẫn dìu dắt nhau qua ngày khốn khó. Rồi ruộng vẫn cứ cày, cá vẫn cứ thả; lúa vẫn mọc, hoa màu vẫn xanh tươi đấy thôi.

Yên Mã Sơn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom