Nữ sinh nhà nghèo học bổ túc thi đỗ thủ khoa

rio_sp

Cầu bao nuôi, hứa sẽ ngoan
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/11/2011
Bài viết
14.548
(Dân trí) - Nghỉ học 5 năm để đi làm phụ giúp gia đình, em Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1989, học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Huế) vừa đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Tiểu học, ĐH Sư phạm - ĐH Huế.
>> Vừa học vừa kết cườm giúp mẹ, vẫn đỗ thủ khoa


Nghỉ học để nhường chị đi học và phụ gia đình
Sau khi có được thông tin từ ĐH Huế về thủ khoa đặc biệt này, chúng tôi tức tốc chạy xe máy ngay trong sáng 31/7 về vùng quê ở cuối huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Đến ngôi nhà ở thôn 2 (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang), chúng tôi không thấy Huyền đâu. Em của Huyền chạy vào gọi chị khi Huyền đang nấu nồi cám heo. Chân đất, chạy tất tả lên nhà, sau mấy phút nói chuyện, khi được chúng tôi thông báo, Huyền mới biết là mình đậu thủ khoa ngành Sư phạm Tiểu học thuộc ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế).
Câu chuyện bắt đầu với những cảm xúc buồn khi em nhớ lại cái ngày mình quyết định không học tiếp cấp 3, vào Nam làm thợ may để nhà khỏi lo tiền học cho em, cũng như nhường người chị đang học lớp 10 tiếp tục được học cùng 3 đứa em sau.
3173-f433b.jpg

Lệ Huyền không tin mình đỗ thủ khoa.
“Ngày đó, mẹ em bị mổ u xơ nang, nhà nghèo lắm, ba mẹ lo không đủ cho cả 5 đứa em. Nên em tự nghỉ học sau khi có tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, và vào Sài Gòn để đi may đồ cho một xưởng tư nhân được bà con giới thiệu. Sau 2 năm, em đã có tay nghề, được nhận vào công nhân may ở một công ty ở Bình Dương.
Thuở ấy, em nhớ bạn bè, thầy cô, trường lớp lắm anh ạ. Có nhiều đêm, em đi làm về mà nằm khóc ướt hết cả gối vì nhớ tuổi học trò. Đi xa, cực khổ, làm quần quật cả ngày, lương được nhận không tương xứng với sức lao động nhưng em cố gắng dành dụm để gửi về một ít cho cha mẹ để nuôi mấy đứa em”.
Mẹ em - dì Nguyễn Thị Vân (48 tuổi, làm ruộng) nghe con nói đến đây bèn òa khóc. “Ngày nó bỏ học, dì và chị nó khóc nhiều lắm. Chị nó biết em mình hy sinh không đi học nữa để chị có cơ hội học tiếp, chị nó khóc dữ lắm. Nhưng nó quyết tâm, không để ai buồn vì nó” - dì Vân nói.
3175-f433b.jpg

Niềm vui của Huyền và mẹ. "Ở nhà việc chi nó cũng làm, nó làm còn giỏi hơn chị" - dì Vân tự hào nói về con.

Nét buồn lộ ra trên mặt Huyền, em run run kể tiếp: “Sau khi đã quen việc, em mua một bộ sách giáo khoa lớp 10 về để rảnh thời gian là tự mày mò đọc và xem có học được không. Vì lúc ấy ở quận Thủ Đức có học bổ túc đêm nên em gắng để có kiến thức vào học. Được 5 năm tròn làm ở Nam, chị em lúc đó đã vào được ĐH Sư phạm Huế bèn khuyên em về để học lại vì em rất thích học, em lúc đó quyết định ra Huế”.
Những tháng ngày rèn luyện lại đầy gian khó
Quyết định quay trở lại học, Huyền nộp đơn vào hệ bổ túc để bắt đầu học chương trình cấp 3. Những mơ ước, niềm vui phải đối diện với sự khó khăn khi mà Trung tâm GDTX Phú Vang nằm ở cách nhà rất xa. Xe máy không có, em đăng ký vào học ở Trung tâm GDTX Huế để ở trọ cùng chị. Cứ mỗi tuần, 2 chị em lóc cóc đạp xe về quê để chở gạo, mắm muối, trứng và ít thịt lên Huế. Sau một thời gian, đứa em trai thứ ba cũng lên để ở trọ và học với 2 người chị. Khó khăn chồng chất nhưng không bao giờ Huyền từ bỏ việc học - con đường mà em đã dang dở.
Mất kiến thức căn bản vì nghỉ học quá lâu, Huyền phải mua sách cấp 2 về để ôn lại. Dự định thi Y khoa, nhưng nghĩ lại, vì mình không quá đủ sức và điều kiện học không cho phép, khi mà mẹ em hay tâm sự: “Mấy đứa gắng học ngành nào ít tốn kém chứ ba mẹ không đủ sức nuôi cả 5 chị em ăn học”. Thế là em chọn ngành Sư phạm như chị gái.
Xác định 3 môn thi đại học, em tập trung vừa học vừa ôn. Ở trường, em chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi chép cẩn thận. Về nhà, em học thuộc bài từng ngày, ghi ý chính để nhớ và dán những nội dung cần học, nội dung ghi nhớ của các môn học lên tường. Mỗi khi rảnh là nhìn lên để gợi lại bài học.
3177-f433b.jpg

Thi đại học xong là Huyền về quê phụ việc nhà cùng cha mẹ. Trong ảnh: Lấy rơm đi bón ở mảnh vườn trồng rau trước nhà.
Tuy nhiên, do chương trình Giáo dục thường xuyên được giảm tải so với THPT bình thường, nên có những vấn đề khó không có trong lúc học. Huyền biết được điều này và tìm cách khắc phục. Thời gian học cấp 3, em có kết thân với một số bạn học các trường công lập khác. Em mượn vở bạn, hỏi bạn có tài liệu và sách gì hay rồi mượn về nhà để học thêm. Dần dà, em đã một lúc học được chương trình bổ túc lẫn phổ thông trung học.
Những tháng cuối cùng lớp 12, em xin chị và nhà tiền để đi học thêm môn Toán. Nguyễn Thị Ái Hương - chị ruột của Huyền lúc này vừa đạt bằng đỏ ra trường, được nhận về dạy môn Văn ở Trường THPT Đặng Trần Côn tại TP Huế. Sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, Huyền xin đi học thêm 1 tháng môn Sử - môn học em rất yêu thích. Môn Văn thì đã có chị kèm trong phòng trọ. Môn Địa thì em tự học. Ý chí quyết tâm và chịu khó, cuối cùng "quả ngọt" đã đến với em.
"Em muốn làm cô giáo cấp 1"
“Vì trí nhớ em có giảm hơn cấp 2 do mất 5 năm đi làm, nên em phải đặt quyết tâm phải đậu trong năm đầu tiên. Cơ hội được học so với các bạn khác khi nhìn vào hoàn cảnh gia đình mình của em rất ít. Em có đăng ký thêm ngành CĐ Sư phạm Tiểu học nữa. Khi thi tốt nghiệp, em run hơn vì áp lực cả 2 kỳ thi, còn lúc vào thi đại học em đã bình tĩnh hơn. Thể hiện hết những gì đã học, em ước chừng được hơn 20 điểm. Em không có thời gian để dò lại điểm vì phải phụ giúp cha mẹ cắt cỏ, cho lợn gà ăn, làm các việc. Quê em lại không có gian hàng Internet nên em không biết chính xác điểm” - Huyền tâm sự.
Ngày biết kết quả với tổng số điểm 25, trong đó cả 2 môn Sử và Địa đều được 9,5. Còn môn Văn được 6 điểm - điều mà đến nay Huyền vẫn còn hơi “sợ” vì chị dạy mình học nhưng làm bài không tốt. Nguyễn Thị Lệ Huyền đã ghi danh thủ khoa ngành ở ĐH Huế, tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử các kỳ tuyển sinh tại Huế khi thủ khoa là thí sinh học bổ túc.

31712-c595b.jpg

Cô thủ khoa ngành Sư phạm Tiểu học - ĐH Sư phạm Huế với gương mặt sáng, hiền hậu.

Niềm vui đỗ thủ khoa chưa qua, Huyền lại lo khi vào học sẽ đối diện với nhiều thử thách. “Em sẽ gắng học giỏi để có bằng đỏ như chị cho dễ xin việc và có học bổng. Em cũng sẽ đi làm thêm để đỡ đần mẹ, cha và các em” - Huyền nói.

Được biết, người em trai thứ ba của Huyền năm nay cũng thi vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng đạt 17 điểm. Người em trai thứ 4 trong năm tới cũng chuẩn bị thi đại học. Em trai út học lớp 5 cũng có lực học rất tốt.

Trước đây, gia đình Huyền thuộc hộ cận nghèo của xã nghèo Vinh Hà. Nhờ cha em - bác Nguyễn Dừa, 48 tuổi, làm nghề thợ hồ cùng vợ chăm chỉ nên nhà đã có “của ăn của để” - tuy gọi là vậy nhưng trong căn nhà trống hoắc chỉ có 1 cái tivi là có giá trị, không có bàn học, các con phải ngồi học trên gi.ường hay dưới đất, căn nhà xây bằng gạch bờ-lô đã lâu nhưng vẫn không có tiền để tô.
Khi được hỏi “Em giờ đã đi học rồi, có muốn đi làm công nhân may như lúc trước nữa không?”, Huyền lắc đầu quầy quậy, bảo: “Em sợ lắm, không muốn nữa mô”. Cô thủ khoa tâm sự: “Em muốn được làm cô giáo cấp 1, dạy và truyền ước mơ cho những thế hệ trẻ em nghèo như em lúc trước”.
Đại Dương
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom