Những thứ họ mang - Một trong những truyện ngắn hay nhất của Mỹ

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
....Họ mang văn phòng phẩm của USO (**) sản xuất cùng với bút chì, bút mực. Họ mang đồ Sterno, kẹp giấy, đèn pin, đèn hiệu, dây cuộn, dao cạo điện, thuốc lá nhai, nhang và tượng ông Phật cười, nến, bút chì mỡ, cờ sao vạch, bấm móng tay, tờ rơi tâm lý chiến, mũ đi rừng, rìu cỡ bự và nhiều thứ nữa.
KenhSinhVien-nhungthuhomang.jpg


LTS: Những thứ họ mang (The things they carried) - cuốn sách thứ ba viết trên những trải nghiệm sau một năm tham chiến (1969-1970) thuộc đại đội Alpha ở Tây nguyên của Tim O’Brien, vừa được Nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt tái bản thêm hơn 2 triệu bản nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập năm 2010. Cuốn sách gồm 22 câu chuyện nhỏ có liên quan nhau về trước, trong và sau cuộc chiến, là sự pha trộn giữa trí tưởng tượng và những sự thật. Người đọc cảm thấy “bối rối”: một sự trình bày phi trật tự, không theo nguyên tắc nào, như bản chất tàn khốc của chiến tranh với đầy đủ những cung bậc của cảm xúc. Tất cả được thể hiện hư hư thực thực, vừa là trí tưởng tượng, vừa là thực tế, vừa là hồi ức của tác giả, vừa là bình luận về những trải nghiệm chiến tranh và hậu quả tinh thần nặng nề sau đó.
Những thứ họ mang đã được chọn vào tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ năm 1987, Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ những năm 1980, vào vòng chung khảo giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết năm 1991, rồi danh sách bình chọn giải thưởng về phê bình sách quốc gia cùng năm. Rất nhiều lính Mỹ khi tham chiến ở Iraq hay Afghanistan đã đem theo Những thứ họ mang, để khi trở về đã nói “ông đã viết đúng điều mà tôi từng nghĩ là không có thật” về chiến tranh.

Hai lần một tuần, khi trực thăng tiếp tế đến, họ mang đồ ăn nóng đựng trong lon mermite màu xanh lục, rồi thì những túi vải bạt to đựng đầy bia và nước ngọt ướp lạnh.

Họ mang thùng nhựa đựng nước, mỗi thùng dung tích 2 galông. Mitchell Sanders mang một bộ đồ rằn ri dành cho những dịp đặc biệt. Henry Dobbins mang thuốc diệt côn trùng Black Flag. Dave Jensen mang những túi cát rỗng, đêm đến hắn có thể nhồi cát vào đấy để cho công sự cá nhân của hắn an toàn hơn nữa. Lee Strunk mang dầu bôi cho rám nắng. Có vài thứ họ mang chung.
Thay phiên nhau, họ mang cái radio vệ tinh PRC-77 to đùng, nặng 30 pound kể cả pin. Họ cùng mang gánh nặng ký ức. Họ nhận lấy những gì người khác không còn mang nổi. Thường thì họ mang vác nhau, người bị thương hay người yếu. Họ mang mầm truyền nhiễm. Họ mang bàn cờ, trái bóng rổ, từ điển Việt - Anh, phù hiệu cấp bậc, huy chương Sao Bạc và Trái Tim Tía, cái thẻ nhựa trên đó in quy tắc nhà binh.
Họ mang bệnh, trong số đó có sốt rét và kiết lỵ. Họ mang rận và giun và đỉa và tảo đồng và nhiều thứ mốc meo. Họ mang chính xứ sở này - Việt Nam, nơi chốn này, đất đai này - một thứ đất màu đỏ cam mịn như bụi bám đầy bốt đầy áo đầy mặt họ. Họ mang bầu trời. Toàn bộ bầu không khí, họ mang nó, hơi ẩm, những cơn gió mùa, mùi nấm mốc và thối rữa, tất cả, họ mang sức hút của trái đất. Họ đi như những con la. Ban ngày họ bị bắn tỉa, ban đêm họ bị giội đạn cối, nhưng đó không phải giao chiến mà chỉ là hành quân bất tận, làng này qua làng khác, không mục đích, chẳng được gì chẳng mất gì.
Họ hành quân chỉ để hành quân. Họ lê bước chậm rì, ngây dại, khom mình tới trước trong cái nóng, không nghĩ, toàn máu và xương, chỉ những tay lính quèn, đi chiến đấu bằng cặp chân, lặc lè lên đồi, hì hụi xuống đồng qua sông rồi lại lên rồi lại xuống, cứ thế bước, một bước rồi bước nữa rồi thêm bước nữa, nhưng không mong muốn, không ý chí, bởi nó là tự động, nó chỉ là cơ chế giải phẫu học, và cuộc chiến này hoàn toàn chỉ là vấn đề tư thế, vấn đề mang vác, mang vác là tất cả, một thứ sức ì, một thứ trống rỗng, một thứ trì độn về khát vọng về tri thức về lương tâm về hi vọng về tính nhạy cảm của con người.
Nguyên tắc của họ nằm nơi bàn chân họ. Những tính toán của họ thuần mang tính sinh học. Họ không có ý thức gì về chiến lược hay nhiệm vụ. Họ lùng sục các làng mà không biết mình tìm cái gì, không bận tâm, đá tung những hũ gạo, trêu chọc con nít với người già cả, phá toang địa đạo, đôi khi phóng hỏa đôi khi không, rồi tập hợp đội hình và lên đường sang làng kế, rồi những làng khác, mà ở đó rồi cũng luôn luôn y như vậy. Họ mang mạng sống của chính mình. Sức ép thật lớn.
Trong cái nóng ban trưa, họ bỏ mũ cối, cởi áo khoác, đi chân đất, thế là nguy hiểm nhưng mà đỡ căng thẳng. Họ thường vứt bớt đồ đạc trên đường hành quân. Thuần túy để cho thoải mái, họ vứt đi đồ ăn, cho nổ mìn Claymore và lựu đạn, chẳng sao hết, bởi vì khi trời sẩm tối trực thăng tiếp tế sẽ tới mang thêm cho cũng từng đấy thứ, thế rồi một hai ngày sau lại còn nhiều hơn nữa, nào dưa hấu tươi nào thùng đạn nào kính râm với áo len - nguồn cung cấp quả thật là quá tuyệt - pháo xẹt dành cho dịp quốc khánh mồng bốn tháng bảy, trứng tô màu cho lễ Phục sinh - quả là cái két sắt tuyệt vời của nước Mỹ thời chiến - hoa trái của khoa học, những ống khói, những nhà máy đồ hộp, những kho đạn dược ở Hartford, những khu rừng Minnesota, những cửa hàng máy móc, những cánh đồng bắp đồng lúa mì thẳng cánh cò bay - họ mang như những đoàn tàu hàng.
Họ mang nó trên lưng trên vai họ - và dẫu cho tất cả những mập mờ mông lung của Việt Nam, tất cả những huyền bí và điều chưa biết, luôn có ít nhất một điều chắc chắn vĩnh viễn rằng họ sẽ chẳng bao giờ lúng túng không biết phải mang gì...
...Hầu như mọi lúc họ mang bản thân mình với sự điềm tĩnh, một kiểu đường hoàng đầy phẩm cách. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những lúc hoảng loạn, họ hét lên hoặc muốn hét mà không hét được, họ quằn quại và rền rĩ và che đầu và nói lạy Chúa tôi và lồm cồm trên mặt đất và đạn như lũ mù và co rúm lại và khóc thút thít và cầu xin tiếng ồn làm ơn ngưng đi cho và nổi khùng và tự hứa những lời hứa ngu xuẩn với chính mình với Thượng đế với mẹ với cha, mong sao mình không chết.
Bằng những cách khác nhau, chuyện này xảy ra với tất cả họ. Sau đó, khi cuộc bắn nhau chấm dứt, họ lại sẽ nhấp nháy mắt nhòm lên. Họ lại sẽ sờ soạng người mình, thấy xấu hổ, rồi nhanh chóng giấu đi. Họ lại sẽ buộc mình đứng dậy. Như trong phim quay chậm, từng khung hình một, thế giới sẽ mang lấy cái logic như cũ - im lặng tuyệt đối, rồi đến gió, rồi đến nắng, rồi đến những giọng nói.
Đó là cái gánh nặng khi ta còn sống. Vụng về, đám người sẽ tự chỉnh đốn lại, đầu tiên từng người, sau đó là theo nhóm, lại trở thành lính. Họ sẽ sửa những chỗ rò trong mắt họ. Họ sẽ kiểm tra xem thương vong thế nào, gọi trực thăng tới, châm thuốc, ráng mỉm cười, hắng giọng khạc nhổ và bắt tay lau vũ khí.
Sau một hồi ai đó sẽ lắc đầu nói: Không xạo đâu, suýt nữa tao ỉa trong quần rồi, và một người khác sẽ cười rộ, có nghĩa rằng như thế là kém, nhưng rõ ràng thằng cha kia đã không ỉa trong quần, đâu đến nỗi kém thế, và dù thế nào đi nữa làm gì có ai đã làm vậy rồi mà lại đi nói ra cho mọi người nghe. Họ sẽ nheo mắt nhìn vào ánh nắng dày đặc, chói chang.
Trong một thoáng, có lẽ vậy, họ sẽ im lặng, châm một điếu thuốc phiện và nhìn theo nó được chuyền từ người này qua người khác, hít hà, cầm nó mà ngượng ngùng xấu hổ. Thứ này sợ thiệt, một người hẳn sẽ nói. Nhưng rồi một người khác sẽ cười toe toét nhướn mày nói: bà nó, thiếu chút nữa tao bị khoét thêm lỗ đít mới rồi, thiếu chút nữa.
Có nhiều tư thế kiểu như vậy. Một vài người mang bản thân mình với một thứ cam chịu đầy u ẩn, người khác thì với lòng tự hào hay kỷ luật nhà binh cứng nhắc hay khiếu hài hước hay nhiệt huyết kiểu anh hùng mã thượng. Họ sợ chết nhưng còn sợ hơn thế cái việc tỏ ra mình sợ chết...
...Họ mang toàn bộ hành trang cảm xúc của những người có thể chết. Đau đớn, kinh hoàng, yêu thương, mong đợi - đó là những thứ vô hình, song những thứ vô hình có khối lượng và trọng lực riêng của chúng, chúng có sức nặng có thể nhận ra được bằng cơ thể. Họ mang những ký ức ô nhục. Họ mang cái bí mật chung của sự hèn nhát khó mà kìm nén, bản năng bỏ chạy hay đờ ra hay ẩn núp, và trong nhiều phương diện đây là gánh nặng nặng hơn cả, bởi nó chả bao giờ đặt xuống được, nó đòi hỏi sự cân bằng hoàn hảo và tư thế hoàn hảo. Họ mang thanh danh mình.
Họ mang nỗi sợ lớn nhất của người lính, là sợ đỏ mặt. Người ta bị giết, và chết, bởi vì họ ngượng nếu không như thế. Đó mới là cái đầu tiên đã đưa họ đến cuộc chiến này, chứ chẳng phải cái gì tích cực, chẳng ước mơ vinh quang hay danh dự, chỉ là để tránh nỗi ngượng vì mất danh dự. Họ chết để không phải chết vì ngượng. Họ bò vào địa đạo và tiến thẳng tới dưới hỏa lực. Sáng nào cũng vậy, mặc những gì chưa biết, họ buộc chân mình nhúc nhích. Họ chịu đựng. Họ cứ lặc lè tiến.
Họ không chịu buông mình làm cái cách thứ hai kia mặc dù nó sờ sờ đó, là cứ vậy nhắm mắt mà gục xuống. Dễ lắm, thật thế. Cứ đi cà nhắc rồi vấp té trên đất và để cơ bắp mình rời rã hết ra và không nói năng gì, không cục cựa cho tới khi chiến hữu tới nhấc ta dậy đưa ta lên trực thăng rồi trực thăng sẽ gầm rú sẽ cất mũi lên mà mang ta về với thế giới. Chỉ cần té ngã thôi, thế mà không ai té ngã. Thật ra đấy không phải là can đảm, ở đây chẳng phải đức can trường gì. Đúng hơn là họ quá sợ cái chuyện phải làm tên hèn nhát.
Nhìn chung họ mang những thứ đó ở bên trong, duy trì cái mặt nạ điềm tĩnh ung dung. Họ cười khi khí trước những vụ xin nghỉ ốm. Họ nói những lời chua cay về mấy thằng cha được cho về bằng cách tự bắn bay ngón chân ngón tay mình. Đồ gà chết, họ nói. Đồ teo dái. Đó là cách nói riết róng, miệt thị, chỉ phảng phất chút nào đó ganh tị hay kính nể, nhưng dù có vậy đi nữa hình ảnh đó vẫn cứ hiển hiện trong mắt họ.
Họ hình dung cái nòng súng áp vào thịt. Dễ quá: bóp cò, bắn bay một ngón chân. Họ mường tượng chuyện đó. Họ mường tượng cái đau nhanh chóng, ngọt ngào, rồi thì chuyến bay cứu nạn sang Nhật Bản, rồi khách sạn với nệm ấm chăn êm và những nàng y tá geisha xinh xẻo.
Và họ mơ những cánh chim tự do
 
×
Top Bottom