Những di chứng tai biến mạch máu não thường gặp và phương pháp hồi phục

haap2023

Thành viên
Tham gia
9/2/2023
Bài viết
23
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một bệnh lý nguy hiểm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, có thể để lại những di chứng nặng nề nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu những di chứng tai biến mạch máu não thường gặp qua bài viết dưới đây để có cái nhìn và kiến thức tốt nhất để chăm sóc bệnh nhân sau tai biến.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não hay còn được gọi là đột quỵ, là bệnh lý xảy ra khi các mạch máu não rơi vào tình trạng bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra dẫn đến thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não, khiến các tế bào não không nhận đủ lượng oxy cũng như dinh dưỡng cần thiết. Điều này dẫn đến các tế bào não bị tổn thương, thiểu năng tuần hoàn máu não, chết não, gây nên các hậu quả, di chứng nặng nề, thậm chí là nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

di-chung-tai-bien-mach-mau-nao-1


Tai biến mạch máu não là tình trạng các tế bào não không nhận đủ máu và oxy
Tai biến mạch máu não được chia làm 3 loại chính là:

  • Tai biến do thiếu máu cục bộ: Là loại tai biến mạch máu não phổ biến nhất với 87% số ca mắc trên tổng số trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do động mạch bị tắc nghẽn khiến máu không thể lưu thông cung cấp oxy cho não.
  • Tai biến do xuất huyết não: Nguyên nhân xảy ra là khi một động mạch não bị vỡ do phình to hoặc do sự dị dạng của hệ thống mạch máu não, có thể xảy ra ở trong não hoặc giữa não với hộp sọ.
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thiếu máu não thoáng qua xuất hiện khi sự lưu thông máu đến một phần của não không đủ trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là trường hợp không quá nguy hiểm và ít để lại những biến chứng nghiêm trọng. Não sẽ hoạt động bình thường trở lại khi nhận đủ được lượng máu cung cấp.

Những biến chứng tai biến mạch máu não thường gặp

Hậu quả của tai biến mạch máu não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân và tuổi của người bệnh, thời gian được cấp cứu và điều trị… Theo đó, 5 di chứng tai biến mạch máu não thường gặp nhất là:

Di chứng liệt vận động

Một trong những di chứng tai biến mạch máu não phổ biến là liệt vận động, tức là người bệnh bị mất khả năng vận động ở một cơ quan hoặc một phần cơ thể. Gần 90% người bệnh bị liệt vận động như: liệt mặt, liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ não, tê bì chân tay… Hậu quả sau tai biến mạch máu não khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, những biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra đối với những bệnh nhân bị liệt kéo dài ví dụ: cứng khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, lở loét…

di-chung-tai-bien-mach-mau-nao-2


Khả năng vận động bị suy giảm là di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não

Di chứng rối loạn ngôn ngữ

Một di chứng tai biến mạch máu não mà người bệnh có thể gặp là các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối cho chức năng ngôn ngữ với biểu hiện như: không nói được, không diễn đạt được, hoặc nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi,…

Trong trường hợp này, người thân hãy giúp người bệnh kiên trì học lại kỹ năng giao tiếp, giúp họ không còn cảm thấy buồn chán vì không được giao lưu với người xung quanh. Bạn có thể nói những câu chuyện vui, những lời động viên hoặc khích lệ để thôi thúc tinh thần. Sự vui vẻ sẽ giúp người bệnh không còn cảm thấy bị cô lập và sẽ nhanh phục hồi lại sức khỏe hơn.

Di chứng suy giảm nhận thức

Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến tình trạng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức ở người bệnh. Người bệnh thường có các biểu hiện như: suy giảm trí nhớ, mất tập trung, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, không nhận biết được người thân, gia đình, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, hoặc không hiểu được lời nói của người khác…. Nhiều bệnh nhân mất nhiều thời gian để hồi phục và không thể thực hiện các công việc đòi hỏi trí tuệ minh mẫn và phức tạp như trước đây.

di-chung-tai-bien-mach-mau-nao-3


Người bệnh có thể bị rối loạn nhận thức sau tai biến mạch máu não

Di chứng trầm cảm

Hậu quả của tai biến mạch máu não khiến bệnh nhân mất khả năng hoặc không thể tự chăm sóc bản thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân, cùng với sự rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp với người khác, không thể tham gia các hoạt động trước đây,… điều này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, cảm xúc thay đổi thất thường,…

Rối loạn tiểu tiện

Người bị tai biến mạch máu não thường bị tình trạng rối loạn cơ vòng. Ngoài ra, rối loạn cảm giác và nhận thức khiến bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện, khiến người bệnh tiểu tiện không tự chủ.

Điều trị di chứng tai biến mạch máu não

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não là biện pháp giúp người bệnh có thể tự thực hiện được các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của bản thân. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào tình trạng và mức độ của di chứng sau tai biến mạch máu não. Dưới đây là một số biện pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não:

  • Tiến hành phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân bằng các bài tập vật lý trị liệu. Đặc biệt, việc cho bệnh nhân tập luyện đi lại thường xuyên và tăng dần theo từng mức độ giúp bệnh nhân có thể tự đi lại được là liệu pháp được sử dụng nhiều nhất đối với các trường hợp sau tai biến mạch máu não.
  • Điều trị phục hồi chức năng theo phương pháp y học cổ truyền như: xoa bóp bấm huyệt kết hợp tập luyện, châm cứu, thủy châm, điện châm,…
  • Điều trị dự phòng tai biến mạch máu não bằng thuốc điều trị dự phòng nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tái phát bệnh.
di-chung-tai-bien-mach-mau-nao-4


Các bài tập vận động vật lý trị liệu giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng vận động.
Ngoài các phương pháp nhằm phục hồi chức năng, người thân cần quan tâm đến các yếu tố như:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học hợp lý: Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn dạng lỏng dễ tiêu hóa, đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin, chất xơ cho người bệnh và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Thường xuyên chia sẻ, quan tâm, động viên và khích lệ, giúp người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, tích cực, hạn chế nguy cơ lo âu, tự ti, trầm cảm.
  • Thăm khám định kỳ để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, dự phòng tái phát đột quỵ.
Có thể nói, những di chứng tai biến mạch máu não để lại là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới cả sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, việc điều trị và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng là vô cùng cần thiết, giúp người bệnh khỏe mạnh và sinh hoạt như bình thường.
 
×
Quay lại
Top Bottom