Những câu chuyện: suy nghĩ về “mối quan hệ”

Sohana

Thành viên
Tham gia
13/8/2011
Bài viết
10
Người Việt nam cũng như đa số người ở khu vực Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật…) trong công việc thường rất xem trọng các mối quan hệ. Ở Việt Nam, trong một lần hội thảo về kinh doanh, tôi đã đưa ra nhận định “ Ở Việt Nam, làm được không bằng được làm”. Điều đó có nghĩa là ở Việt Nam, dù cho bạn có khả năng làm được việc nhưng bạn không được phép làm thì mọi chuyện cũng như không, chẳng bằng những người không có khả năng làm việc nhưng được phép làm việc đó để từ đó bán cái, sang nhượng lại cho những người làm được.

Do đó, mấu chốt trong thành công ở Việt nam thường nằm ở “những mối quan hệ”. Nếu những mối quan hệ bạn đủ mạnh, đủ bền chặt, những đầu mối quan hệ của bạn có chức, có quyền, có cửa làm ăn lớn thì bạn sẽ thành công dễ dàng hơn rất nhiều người khác.
Từ việc đó dẫn đến văn hóa cả nể, lấy lòng nhau, “ được anh, được ả, được cả hai bên”. Vì để vuốt ve, nói khéo, tránh mích lòng nhau mà mọi việc tại Việt nam thường không được xử lý đến nơi, đến chốn; nhiều căn bệnh không được xác định đúng nguyên nhân dẫn đến phương thức trị bệnh cũng sai.
Trong những cuộc họp, đúng ra là nơi những ý kiến công khai, minh bạch, rõ ràng, thẳng thắng phải được thể hiện thì đa số người lại vì sợ mích lòng nhau, vì sợ người khác, cấp dưới đánh giá sự thống nhất của Ban điều hành cho nên những phát biểu chưa thực sự đóng góp, thiếu tính quyết liệt cần thiết, chưa thể hiện được quan điểm thật sự của người trình bày. Người ta thường để dành những ý kiến đúng ra phải nói cho các tập thể cùng nghe, đem đi “ nói riêng”, “nói sau”… đa số vì sợ mất mối quan hệ.
Văn hóa tôn trọng người trên, dĩ hòa vi quý cũng có những đặc điểm tốt, thể hiện nét đẹp của văn hóa dân tộc nhưng xét về lâu dài thì có thể những hậu quả nặng nề về mặt xã hội và kinh tế.

Hai trong những chuyện rất thường gặp trong cuộc sống liên quan đến mối quan hệ là quan điểm “bằng vai phải lứa” và “đem cảm xúc cá nhân vào công việc”. Tại Việt Nam, không phải bạn có được sức khỏe, trí tuệ và quyết tâm là bạn có thể thành công trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ ở tần “ trung trung” thì bạn sẽ không bao giờ có được các mối quan hệ chất lượng ( với quan chức, đại gia, doanh nhân…) trừ khi bạn cho họ thấy những lợi ích rõ ràng nào đó. Điều này còn có nghĩa là khi xây dựng mối quan hệ, thông thường người Việt nam mình rất coi trong việc “bằng vai phải lứa”, tức là đòi hỏi đối tác phải có tuổi tác tương đương, chức vụ, địa vị xã hội, tiền bạc ngang tầm nhau thì mới chịu kết nối. Điều này gây khó khăn cho một số bạn tuy có khát vọng, có độ chân thành nhưng lại không thể kết nối với bậc cha chú, khiến cho công việc không thành. Đó cũng dẫn đến chuyện ở Việt Nam là nhân tài trẻ ít được sử dụng và coi trọng đứng mức.
Ở việc thứ hai “đem cảm xúc cá nhân vào công việc” thì chúng ta nên nhìn nhận thế này. Ở Việt Nam, muốn được giao việc hay làm ăn chung, đòi hỏi phải có quan hệ. Tuy nhiên kể cả với những người thoáng đạt nhất, thì việc có cảm xúc cá nhân không tốt, dẫn đến việc không muốn kết giao với một ai đó là chuyện thường hay xảy ra. Đại loại như “ thằng này ở dơ, tôi không muốn gặp”, “đời tôi ghét ai mắt hý”…. Ngay trong những trường hợp này, việc dùng cảm xúc cá nhân để ảnh hưởng đến công việc cũng để lại nhiều thiệt hại không tốt. Tại công sở, nhất là những nơi có nhiều nữ làm việc, việc yêu, ghét, soi mói đời sống cá nhân… dần dần dẫn đến sự đổ vỡ những mối quan hệ và dẫn đến việc hoàn thành tiến độ công việc bị ảnh hưởng là một điều rất đáng lưu ý.

Tóm lại bài viết này, tôi cho rằng việc tư duy lại về mối quan hệ trong văn hóa và công việc kinh doanh cần được xem xét lại. Chỗ nào cần thực dụng hơn, chúng ta phải thực dụng hơn, chỗ nào cần kính nể nhau, chúng ta nên kính nể nhau. Những công việc nào cần thân tình, chúng ta vẫn thân tình. Những công việc nào cần xem xét công bằng, khách quan, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng và khách quan.

Nếu muốn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh, có lẽ nên bắt đầu dạy cho trẻ cấp 2 một loại tư duy mới về “quan hệ”.


Nguyễn Phi Hải
 
×
Top Bottom