Có ai đi rước đèn hông ^^?
Ở các quốc gia châu Á, ngày 15/08 Âm lịch hàng năm là ngày Tết Trung thu. Tết trung thu còn gọi là Tết Trông trăng vì diễn ra đúng vào ngày rằm tháng 8, giữa một mùa đẹp nhất trong năm. Vào ngày này, ánh trăng rằm tỏa sáng lung linh, trong trẻo, biểu hiện mối giao cảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Tết Trung thu, Tết của tình thâm - (Ảnh minh họa: Internet)
Gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8 tại Việt Nam không rõ từ bao giờ. Nhiều sử liệu cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông trăng.
Như vậy, thoạt kỳ thủy, người lớn bày ra tết này để để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Ngày nay, Tết Trung thu trở thành Tết Trẻ em hay Tết Nhi đồng, người lớn chỉ dự phần trong đó. Trong dịp này, trẻ em được ăn bánh trung thu, múa lân và rước đèn kéo quân, tha hồ vui chơi múa hát trong tiếng cười của gia đình, bạn bè.
Biểu tượng của Tết Trung thu với vầng trăng tròn và mang ý nghĩa mùa thu ấm áp biểu hiện qua hình ảnh của bánh trung thu. Tết Trung thu, nhà nào cũng nên ăn một ít bánh dẻo, bánh nướng đón ngày vui này. Người nghèo cũng cố mua cho con cái một vài cái bánh, không có bánh dẻo, bánh nướng tức là không có Tết. Người ta còn mua bánh làm quà cho ân nhân, khách quý, bạn thân... Bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ, gợi hình mặt trăng, sự tròn đầy.
Bánh trung thu là biểu tượng của sự đoàn viên - (Ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra, trong đêm trung thu, các em còn được tham gia rước đèn, múa sư tử. Ngày trước, có tục rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Gọi là đèn kéo quân vì đèn có hình đoàn quân, cứ liên tục kéo đi, chạy đi không ngừng hết vòng nọ đến vòng kia. Chỉ khi nào đèn hết dầu (nến), đèn tắt thì các tán không quay nữa. Đèn có bốn mặt, hình ảnh xem ở mặt nào cũng được. Đèn kéo quân hình vuông, cao khoảng 80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm. Bốn mặt đều phết giấy Tàu bạch như giấy bóng mờ hiện nay. Phía trên và phía dưới có đường viền sặc sỡ. Bên trong có một tán giấy hình tròn. Khi đốt đèn, hơi lửa bốc lên, tán giấy xoay quanh. Ngày nay, đèn trung thu có nhiều dáng vẻ khác nhau như đèn xếp, đèn ông sao, đèn cá chép,…
Múa lân - nét đẹp của văn hóa cổ truyền - (Ảnh minh họa: Internet)
Tết Trung thu không thể thiếu múa lân. Ngoài Bắc gọi là múa sư tử, trong Nam gọi là múa lân. Lân còn gọi là kỳ lân. Kỳ là tên con đực, lân là tên con cái. Lân là con vật đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Lân là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người tốt mới nhìn thấy nó được. Thoạt nhìn, đầu lân giống đầu sư tử. Do vậy, người ta còn gọi múa lân là múa sư tử.
Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la, cờ ngũ sắc náo nhiệt, tưng bừng khiến lòng con trẻ thêm hớn hở, rộn ràng :
"
Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang "
- Bài Múa sư tử
Người Việt ta thường tổ chức múa lân trong dịp Tết Trung thu, người Hoa không có phong tục này, họ hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Truyền thuyết Hằng Nga là một trong vô số câu chuyện liên quan đến ngày rằm tháng 8 - (Ảnh minh họa: Internet)
Ngày Tết Trung thu bày cỗ trông trăng, còn có tục hát trống quân do hai đội nam nữ hát đối đáp nhau, theo truyền thuyết, tục này có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung thu của người Hoa cũng không có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.
Có thể nói, vầng trăng của rằm tháng 8 đã gắn liền với nhiều thần thoại, huyền thoại, chuyện cổ tích lưu truyền cho tới ngày nay. Song, đấy là những câu chuyện thần thoại. Thực chất, Tết Trung thu là đoạn ngắt của chuỗi chu kỳ liên tục tháng, năm. Theo âm lịch, mỗi năm có 24 tiết; đó là quy luật tự nhiên xoay chuyển của Thái dương hệ. Từ đó, trong dân gian có kinh nghiệm trông trăng rằm tháng 8 để tiên đoán vận mệnh quốc gia và thời tiết, thắng thua mùa vụ bởi công việc sản xuất của người nông dân rất gắn bó với trăng, nên họ phải theo dõi rất sát nông lịch để cấy trồng theo thời vụ...
Tỏ trăng mười bốn được tằm
Đục trăng hôm rằm thì tốt lúa chiêm
Nếu trăng quầng và khi có hiện tượng nguyệt thực thì dân gian xưa cho rằng mặt trăng đã bị gấu ăn nên gõ mâm, chậu để xua đuổi điều rủi ro. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…
Tết Trung thu ở một số nước châu Á khác:
Trung Quốc
Rằm tháng tám hay rằm Trung thu là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất ở Trung Quốc. Người Trung Quốc thường đặt tên cho con gái là Nguyệt với mong ước chúng sẽ đáng yêu và xinh đẹp như trăng vậy.
Ở Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về chị Hằng. Nếu nhìn lên Mặt trăng đúng ngày rằm Trung thu, trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng, và khi đó nếu có ước nguyện sẽ được toại nguyện.
Hiện tại, Trung Quốc muốn đưa Tết trung thu vào di sản văn hóa thế giới - (Ảnh minh họa: Internet)
Người Trung Hoa tổ chức lễ mừng trăng vào đêm rằm tháng 8. Đêm trung thu, người Hoa bày tiệc cùng ông bà, cha mẹ và quây quần ăn bánh trung thu. Sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui chơi như múa lân, rước đèn cá chép hay đèn kéo quân. Tương truyền, đèn cá chép do ông Bao Công nghĩ ra để trừ yêu quái do cá chép biến thành, thường hiện ra vào các đêm trăng. Mặt trăng cũng là chủ đề cho những bài thơ, đêm đó cũng dành cho những cuộc hẹn hò đôi lứa, là lúc bạn hữu gặp nhau. Ngày rằm tháng tám mang một ý nghĩa thật đặc biệt cho tất cả những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên của Mặt trăng.
Nhật Bản
Mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Lần thứ nhất vào ngày trăng tròn giữa mùa thu tính theo Âm lịch, lần thứ hai vào ngày 13 /10. Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo.
Màu sắc tươi tắn của bánh Wagash - (Ảnh minh họa: Internet)
Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Theo truyền thống, mâm cỗ ngắm trăng gồm: bánh nhân táo, Wagash, bánh bao, bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác được bày trên một bệ đứng hoặc bàn, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần cửa sổ. Người Nhật Bản cho rằng có Thỏ Ngọc sinh sống trên mặt trăng, vì vậy khi ngắm trăng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang ăn bánh bao.
Hàn Quốc
Chusok hay còn gọi là Lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc.
Mâm cỗ thịnh soạn, tươm tất không kém gì mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người Việt - (Ảnh minh họa: Internet)
Nếu như nước ta có ngày Lễ Vu Lan là ngày lễ tạ ơn, báo hiếu đối với tổ tiên, bậc sinh thành thì ở Hàn Quốc ngày Rằm Trung thu - Chuseok lại được coi là ngày lễ tạ ơn đối với người đã khuất. Lễ hội diễn ra suốt vụ mùa, vì thế đây là dịp để người dân lễ tạ tổ tiên - người đã mang lại cho họ lúa gạo và quả ngọt. Trong dịp này, người Hàn Quốc luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn.
Hãy giữ lại cho mình một chút cảm xúc trẻ thơ nhé
Khôi Nguyên
Pilot.vn
(Tổng hợp)