Nhiều thay đổi trong giáo dục đại học

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Từ 1.1.2013, luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ có nhiều quy định về giáo dục đại học phải chỉnh sửa và thay đổi. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề này.

Đổi cách đánh giá về chất lượng

Theo ông, hiện còn tồn tại những quy định nào chưa phù hợp với luật Giáo dục đại học và Bộ sẽ sửa đổi như thế nào?
Luật được xây dựng trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nên khi thực hiện sẽ có nhiều thay đổi trong hệ thống với mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Những tồn tại, hạn chế lâu nay sẽ phải thay đổi cho phù hợp với luật. Đầu tiên là công tác quản lý, phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở giáo dục đại học để phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ quản lý các nhà trường.

giao-duc-doi-moi-702025-3780.jpg

Sắp tới việc đánh giá kết quả đào tạo không phải bằng số lượng các môn học đã hoàn thành, mà bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy qua mỗi chương trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cách tiếp cận quản lý chất lượng cũng thay đổi theo quan điểm không đánh giá kết quả đào tạo bằng số lượng các môn học đã
hoàn thành, mà bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy được qua mỗi chương trình. Hệ thống giáo dục đại học cũng thay đổi theo mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng. Từ đó chương trình đào tạo của các trường cũng sẽ được thiết kế theo những hướng khác nhau. Tiêu chí xác định cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận sẽ được cụ thể hóa và các chế độ, chính sách đối với các trường này cũng được xác định rạch ròi... Bộ đang soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật mới và điều chỉnh các văn bản hiện hành cho phù hợp với yêu cầu của luật.

Thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội


Luật cũng cho phép các trường được tự chủ trong nhiều lĩnh vực. Vậy quyền tự chủ đại học sẽ được giao cho những trường như thế nào, Bộ có ban hành tiêu chí để các trường được tự chủ không?

Khi hệ thống các văn bản dưới luật được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức các trường đã được thực hiện theo quy định của luật thì các trường được tự chủ theo đúng tinh thần của luật. Bộ sẽ ban hành các văn bản liên quan đến việc này gồm: tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, thông tư quy định về tổ chức kiểm định chất lượng. Ngoài ra, hội đồng trường được thành lập và hoạt động theo đúng chức năng quy định. Các văn bản mới sẽ ban hành cùng cơ chế giám sát của hội đồng trường sẽ đảm bảo tính thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội. Trước mắt, các trường đã được giao quyền tự chủ trước đây sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thưa ông, việc tự chủ trong tuyển sinh sẽ được tiến hành ra sao? Có được thực hiện ngay trong năm 2013?

Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn phương thức tuyển sinh theo thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Năm ngoái, các trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhưng có một số điểm chưa thật yên tâm nên chưa triển khai được. Năm nay, các trường này tiếp tục hoàn thiện phương án. Bộ cùng với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang xem xét cụ thể và sẽ có quyết định thực hiện hay không trong thời gian tới. Từ nay đến 2015, kỳ thi tuyển sinh không có gì thay đổi lớn. Chỉ có những thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Những điểm mới

Tự do lựa chọn chương trình

Điểm đổi mới căn bản trong giáo dục đại học lần này là Bộ sẽ không quy định chương trình khung như trước đây mà chỉ quy định thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Bộ cũng quy định rõ hướng đào tạo ở mỗi bậc học: Trình độ CĐ được xây dựng theo hướng ứng dụng. ĐH, thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp. Tiến sĩ được xây dựng theo hướng nghiên cứu.

Siết chặt đào tạo không chính quy

Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học, Bộ đã đưa ra những quy định nhằm siết chặt đào tạo không chính quy. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên (gồm hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa) để cấp bằng khi bảo đảm một số điều kiện như: đã được mở ngành đào tạo tương ứng ở trình độ CĐ, ĐH; có đội ngũ giảng viên đủ số lượng, đạt chuẩn và đồng bộ về cơ cấu để thực hiện đồng thời nhiệm vụ giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên...

Giao một số quyền tự chủ

Bộ giao quyền tự chủ về việc in phôi bằng và đề xuất mẫu văn bằng. Cụ thể: ĐH quốc gia, ĐH vùng, các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được in phôi văn bằng trên cơ sở mẫu văn bằng do Bộ trưởng ban hành. ĐH Quốc gia được thí điểm đào tạo các chương trình mới, mô hình tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học mới chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sau khi có ý kiến của Bộ và các bộ, ngành có liên quan.

Trường tư cũng được cấp kinh phí

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận được hưởng chính sách khuyến khích của nhà nước. Cụ thể: được ưu đãi thuế suất, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...; được hỗ trợ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình của nhà nước; được chia sẻ, sử dụng, khai thác và miễn, giảm kinh phí chia sẻ, sử dụng, khai thác tài nguyên chung do nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở trung ương và địa phương cho nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...

Sinh viên trường tư cũng được miễn giảm học phí

Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên học trường ngoài công lập cũng được miễn giảm học phí.

Tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc

Dự thảo nghị định và hướng dẫn thi hành một số điều của luật quy định: Giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học khi đến tuổi nghỉ hưu có thể được xem xét kéo dài thời gian để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục.
Theo Thanhnien
 
×
Quay lại
Top Bottom