- Tham gia
- 31/7/2018
- Bài viết
- 407
Một vài sếp chọn hét vào mặt nhân viên hoặc thử thách kiểu "thương cho roi cho vọt". Nhưng không gì có thể hơn được sự thật: khi nhân viên của bạn hạnh phúc, công việc kinh doanh của bạn cũng hiệu quả hơn.
Nhân viên hạnh phúc nghĩa là khách hàng hạnh phúc
Dù sản phẩm có tuyệt vời, ý tưởng kinh doanh có xuất sắc tới đâu, nếu khách hàng quay lưng, thì doanh nghiệp của bạn vẫn thất bại. Điều đáng chú ý là lòng trung thành của khách hàng tịnh tiến với mức độ vui vẻ và gắn bó của nhân viên với công ty.
Khi gặp đại diện một đối tác - người không vui vẻ và hài lòng với công việc của họ, bạn cảm thấy như thế nào? Phần lớn cuộc gặp giống như đang làm phí thời gian của cả hai bên, thực sự tẻ nhạt và khó chịu. Vì thực tế là nếu nhân viên không hài lòng với công việc hoặc nơi làm việc của họ, nhiều khả năng họ sẽ đối xử hời hợt với khách hàng. Bạn khó có thể kỳ vọng là khách hàng sẽ quay trở lại.
Ngược lại, nếu nhân viên hoặc người đại diện cho một nhãn hàng/ công ty thực sự vui vẻ, họ sẽ hào hứng quảng bá sản phẩm hơn. Và khi khách hàng có cảm tình, cảm thấy được chú ý và trân trọng, thì khả năng ra quyết định mua hàng/ dịch vụ cũng tăng lên.
Nhân viên hạnh phúc có năng suất làm việc cao hơn
Trong một thí nghiệm trên 148 người về “niềm vui bất chợt”: một nhóm 74 người được nhận “niềm vui bất chợt”. Có thể là một video hài dài 10 phút hoặc nhận đồ uống và đồ ăn nhẹ giữa quá trình. Kết quả cho thấy những cá nhân này sau đó có "năng suất cao hơn xấp xỉ 12%” so với nhóm 74 người khác không nhận được gì.
Cụ thể là các nhiệm vụ của họ được hoàn thành ở cấp độ cao hơn và chính xác hơn. Điều này chứng tỏ rằng tâm trạng tích cực có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của mọi người. Những nhân viên không nhận được niềm vui trong công việc khả năng gặp nhiều kiệt sức và căng thẳng hơn.
Chúng ta cũng vậy thôi. Một buổi sáng ra khỏi nhà không có niềm vui nào, phải lái xe vòng quanh các bãi đậu xe để tìm chỗ đỗ, thậm chí bị đổ cà phê vào áo khi vội vào văn phòng thì cũng khó giữ tâm trạng “làm hết sức, chơi hết mình”. Nhân viên cũng là con người, và tâm trạng tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của họ. Chủ doanh nghiệp không thể kiểm soát việc họ bị đổ cà phê vào áo, nhưng có thể kiểm soát môi trường làm việc mà họ trải qua hàng ngày.
Nhân viên hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kiếm nhiều hơn
Một nghiên cứu xem xét các công ty lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp mà người lao động yêu thích của Fortune từ 1998-2005 đã phát hiện: các công ty trong danh sách đã tăng 14% giá cổ phiếu, so với mức trung bình 6% trên thị trường.
Sự khác biệt này đủ lớn, đúng không? Đây là con số thực tế, bởi khảo sát được trả lời bởi những nhân viên đang làm việc thực sự tại đó. Công ty của bạn không thể lọt vào danh sách Top 100 đó nếu không có những nhân viên hạnh phúc.
Giá cổ phiếu tăng rõ ràng cho thấy các công ty thực sự hoạt động tốt hơn. Theo nhà tâm lý học Noelle Nelson: “Khi nhân viên cảm thấy rằng công ty lấy lợi ích của họ làm trọng tâm, thì nhân viên sẽ lấy lợi ích của công ty làm trọng tâm”.
Thay đổi để nhân viên được hạnh phúc
Không dễ dàng để ra những quyết sách thay đổi môi trường công sở, trừ khi bạn là CEO. Điều đó không có nghĩa là các cấp quản lý không thể hành động. Dưới đây là năm điểm khác biệt mà bạn có thể tạo ra để cấp dưới hạnh phúc hơn trong công việc:
Chấm dứt nạn bắt nạt
Một điều hài hước là những nhân viên hay to tiếng, mạt sát hoặc chọc ghẹo các thành viên khác nhiều khi được coi là người có tính cách quyết đoán, mạnh mẽ hoặc… vui tính. Đó là từ góc độ của người làm quản lý, vì một số lý do nào đó. Nhưng thực tế, một kẻ bắt nạt gây khó chịu, tiêu cực và tổn hại nghiêm trọng đến không khí hạnh phúc trong bộ phận của bạn.
Trả lương công bằng cho nhân viên
Cơ cấu trả lương của công ty dựa trên nhiều khía cạnh, nhưng không khó để nhân viên của bạn tự khảo sát mức lương chung trên thị trường cũng như mức của những người cùng trình độ và khối lượng công việc trong công ty. Vậy bạn có thể tác động gì đến quyền lợi của những người dưới quyền trong khả năng cho phép? Bạn có thể đề xuất cấp trên các khoản hỗ trợ, gói quyền lợi… với các lý do hợp lý không?
Đánh giá mang tính xây dựng
Cấp trên muốn nhân viên hạnh phúc không có nghĩa là không phê bình họ. Vì nếu nhân viên không biết mình nên phấn đấu ra sao, thì tình trạng đó thậm chí mang lại sự thất vọng.
Nhân viên nghiêm túc muốn biết kết quả công việc của họ. Vì vậy, chỉ ra kết quả tốt và chưa tốt, cũng như lời khuyên để họ có thể làm tốt hơn là điều cần thiết. Không ai thích bị tụt lùi trong công việc.
Tạo điều kiện xứng đáng
Thỉnh thoảng, ở một số diễn đàn đánh giá doanh nghiệp, bạn sẽ đọc được đâu đó nhận xét rằng: “Quản lý A chỉ biết lo cho thân mình, không quan tâm đến nhân viên”. Thực tế là việc giúp cấp dưới của mình phát triển và tỏa sáng sẽ giúp họ có động lực làm việc. Và như một phần thưởng, sau đó bạn cũng có được danh tiếng tích cực trong việc đào tạo và phát triển nhân viên.
Giữ thái độ lịch sự, chuyên nghiệp và dễ chịu
Điều nghe có vẻ cơ bản này hóa ra lại bị nhiều nhà quản lý bỏ qua. “Tôi nóng tính”, “Tôi nhiều trách nhiệm nên khá áp lực, không thể yêu cầu tôi nhẹ nhàng với người khác”, hoặc “Đó là cá tính của tôi”.
Sự lựa chọn là của bạn, nhưng không nhân viên nào có ý định chịu đựng một vị sếp khiến họ cảm thấy bị coi thường. Bạn có thể giải quyết các vấn đề một cách rõ ràng, rốt ráo theo đúng trách nhiệm cần thiết, nhưng hãy đảm bảo rằng ấn tượng tổng thể của cấp dưới về bạn là tử tế, dễ chịu và chuyên nghiệp.