Nhẫn thạch' - những ám ảnh hiện đại

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Tháng 11/2008, giải thưởng văn chương danh giá của Pháp Goncourt được trao cho tiểu thuyết "Syngué Sabour" của nhà văn Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi bởi “chất văn học tuyệt vời, tính hiện đại, khắc nghiệt, độ chính xác và lối viết không chút cường điệu”.
[SIZE=+0]Đoàn Dương - [/SIZE]​
Syngué Sabour nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới Pháp đến với công chúng 29 ngôn ngữ khác trên thế giới. Ở Việt Nam, ngày 8/4, bản dịch của Nguyên Ngọc với nhan đề Nhẫn thạch dã được ra mắt.

“Tiếng nói bị vùi nén từ hàng nghìn năm”

Trang bìa cuốn sách.
Lấy ý tưởng từ một huyền thoại Ba Tư về hòn nhẫn thạch (hòn đá kiên nhẫn), ai đau khổ chỉ cần đặt hòn đá trước mặt rồi kể lể hết nỗi khổ đau của mình, những điều mà không thể thổ lộ được với ai khác, bí mật ấy được chất chứa đến một lúc nào đó làm hòn đá nổ tung thì người ta sẽ được giải thoát khỏi nỗi bất hạnh, Atiq Rahimi đã dựng nên câu chuyện thống thiết xúc động của mình. Một người phụ nữ Hồi giáo ngồi trong căn phòng của một thành phố mà bốn bề hỗn chiến tương tàn chăm sóc người chồng, một chiến binh trong cuộc chiến tranh ấy, đang phải sống đời sống thực vật vì một viên đạn găm vào gáy. Mấy tuần phải chứng kiến sự chết dần mòn của người chồng, sự hỗn loạn của đời sống chiến tranh, sự u mê của con người và tôn giáo… cô không chịu đựng được nữa, cô từ bỏ cầu kinh và bấu víu vào huyền thoại hòn đá ma thuật, coi người chồng là hòn nhẫn thạch của mình để tâm sự về tất cả nỗi thống khổ, những khát khao, những ẩn ức, những bí mật mà bấy lâu cô kìm nén, cất giấu… Nhưng đặt trong bối cảnh tiểu thuyết, tiếng nói ấy không chỉ là khát vọng yêu, khát vọng sống của riêng cô mà còn là “tiếng nói bị vùi nén từ hàng nghìn năm”. “Khởi thủy là lời”
Nhẫn thạch còn là nỗi ám ảnh về lời, về sự bất lực và tha hoá của ngôn ngữ. Cả tiểu thuyết ưu thắng cho lời độc thoại nội tâm của người phụ nữ. Lời của người kể chuyện rất ngắn gọn, giống như lời ghi chú để hướng dẫn cho hành động kịch mà người phụ nữ là nhân vật duy nhất trên sàn diễn. Giản tiện bối cảnh (chỉ là một căn phòng không trang trí), giản tiện nhân vật (người chồng chỉ có một hành động duy nhất vào cuối vở kịch, khi “nổ tung” để bẻ gẫy cổ vợ mình), điều đó làm nổi bật tiếng nói của người phụ nữ. Trên chất nền trầm đều của lời khấn nguyện thỉnh thoảng xen vào một tiếng bom nổ, là dòng ngôn ngữ bấn loạn, nhức nhối, hoảng loạn của người phụ nữ trước những áp lực đang đè nặng lên tâm can mình.
Văn học thế giới đầu thế kỷ XX chứng kiến sự bùng dậy mãnh liệt của ngôn ngữ. Phát hiện ra ngôn ngữ, các nhà văn không chỉ dùng nó như một công cụ để tư duy, chuyển tải thông tin mà còn dùng chính ngôn ngữ như một thuộc tính của sáng tạo nghệ thuật. Đến nửa sau thế kỷ, với sự xuất hiện của phong trào tiền phong, chủ nghĩa hoài nghi và phi lý, ngôn ngữ mới bị tước mất vai trò thống trị của nó trong nghệ thuật. Văn học hậu hiện đại đánh dấu chấm hết cho thời đại văn học “duy ngữ”, mở cửa cho các loại hình nghệ thuật khác tràn vào văn học.

Ngôn ngữ thân xác
Khi phương tiện giao tiếp language với vỏ bọc ngôn từ thất thế, signal và body language trỗi dậy. Nhưng ở một cấp độ mới, tự thân xác con người cũng có vai trò như một ngôn ngữ, trở thành nguồn gốc của ngành nghệ thuật mới như kịch hình thể (Theatre of Images), nghệ thuật hình thể (Bodyart), nghệ thuật biểu diễn (Performance art)... Phương thức biểu hiện này có được bệ đỡ của chủ nghĩa nữ quyền nghiễm nhiên đã biến th.ân thể phụ nữ thành phương tiện để sáng tác. Cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã bắt đầu từ đấy, từ sự phát hiện ra th.ân thể phụ nữ, ý thức và quyền sở hữu nó của người phụ nữ để chống lại nỗi thống khổ và thân phận nô lệ hàng ngàn đời của họ trước nam giới. Nó bắt đầu ở phương Tây từ cách mạng t.ình d.ục (1968) và nhanh chóng lan nhanh ra toàn thế giới, tiêu biểu là “th.ân thể sáng tác” của các nhà văn linglei Trung Quốc.
Nhẫn thạch là một tuyên ngôn thẳng thắn về điều này. Từ lời đề từ “từ thể xác qua thể xác cùng thể xác đến thể xác” đến những khát vọng tình yêu, nhục dục của người phụ nữ, Nguyên Ngọc có lý khi ông cho rằng chiều sâu nhân sinh của tác phẩm là đã phát hiện ra bên cạnh cái đầu lý trí của đàn ông, thân xác của phụ nữ cũng phải có phần của nó trong lịch sử thế giới.

Chung tay cho mục tiêu toàn cầu
“Đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác”. Lời đề từ ấy đã khẳng định tính chất ẩn dụ của tác phẩm. Nó không chỉ là một tác phẩm viết về thế giới Hồi giáo, về khủng bố, về chiến tranh tôn giáo - sắc tộc, về ranh giới và giao thoa văn hoá Đông - Tây. Nó thuộc về toàn bộ thế giới này ở tính nhân sinh phổ quát của nó. Nói như Cao Việt Dũng, bi kịch của thân phận trong tác phẩm là một “bi kịch hiện đại”, thuộc về hiện đại.

Thế giới sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã ngoặt vào một tình thế mới, phải chung gánh những vấn nạn toàn cầu. Sau 11/9, yêu cầu cảm thông, chia sẻ và tin tưởng, đồng thuận càng trở nên cấp thiết trong việc xoá đi những độc đoán và cực đoan. Văn học nghệ thuật đã tỏ ra nhạy cảm. Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionaire) của các nhà sản xuất Anh, xoáy vào các vấn đề từ Ấn Độ, giành giải Oscar 2009 ở Mỹ. Giải Nobel văn chương hai năm liên tục dành cho Orhan Pamuk (2007) và J.M. Gustave Le Clézio (2008) như là tiêu biểu cho sự kết hợp các truyền thống văn hoá. Và nay, là sự nhất trí hiếm thấy ở Goncourt cho Atiq Rahimi, với tác phẩm có thể coi là tổng hợp chặng đường đương đại của nhân loại, cảnh tỉnh và thắp lên niềm tin vào tương lai con người.
 
×
Quay lại
Top Bottom