Nguyễn Duy Phương: Tự lập, tự lo

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
Cuộc đời Nguyễn Duy Phương là một chuỗi lận đận. Nhà nghèo, ba mẹ phải thường xuyên xa nhà, nên đến lớp 7 Phương vẫn phải dùng giấy khai sinh của cô em gái để đi học; dù học giỏi nhưng vẫn không được gia đình ủng hộ, đến nỗi phải lén ba mẹ đi thi đại học; đậu đại học rồi lại phải bươn chải kiếm tiền trang trải học phí... Nhưng chừng ấy nỗi gian truân cũng không thể cản bước cậu học sinh ham học và muốn đổi đời.

Gia đình nghèo, có đến chín người con, ba mẹ phải thường xuyên xa nhà nên anh chị em Phương cứ “lớn nuôi nhỏ” mà lớn lên. Vốn ham học nên dù nhiều lần ba mẹ bắt nghỉ, Phương vẫn lén đến trường và suốt 12 năm học phổ thông, cậu đều là học sinh giỏi. Không được ba mẹ cho tiền đóng học phí, Phương phải đi phụ hồ kiếm tiền trong ba tháng hè suốt từ năm lớp 8 đến lớp 11.

khoi-nghiepnguyen-duy-phuong-1.jpg

Phương đang hướng dẫn nhân viên làm việc
Đến bây giờ Phương vẫn nhớ những ngày đầu tháng Bảy năm 2003 cùng anh trai rời quê nhà An Giang lên TP.HCM thi đại học, trong túi chỉ đủ tiền xe và tiền cơm. Không có tiền thuê phòng trọ, anh em phải ngủ ở bến xe Miền Tây ba ngày vì bảo vệ không cho ở lại trường.
Nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Kinh tế TP.HCM là niềm vui và cũng là nỗi buồn, vì đường đến giảng đường đại học đầy thử thách với một sinh viên xuất thân từ gia đình nông dân. Theo kế hoạch của gia đình, Phương sẽ được ba mẹ chia phần một công ruộng để nối nghiệp nhà nông. Phương kể: “Ba mẹ cứ bảo, học chi cho lắm rồi cũng lấy vợ sinh con. Ở nhà cày cấy kiếm vốn cưới vợ cho xong”.

Gia cảnh khó khăn, lại tự chọn đường đi cho mình, nên mọi chi phí sinh hoạt trong thời gian học đại học, Phương phải tự lo. May mắn là mỗi tháng Phương được chị gái chu cấp 400.000 đồng cộng với 10 ký gạo, một bình dầu ăn, một bịch bột ngọt và một lít nước mắm. Ở TP.HCM, số tiền đó chỉ đủ để Phương đóng tiền thuê nhà hằng tháng, mọi khoản chi tiêu khác phải xoay xở bằng việc làm thêm.

Bốn năm đại học là bốn năm Phương “tự thân vận động” kiếm tiền ăn học, từ làm bảo vệ, giữ xe, phục vụ nhà hàng đến tiếp tân, nhân viên tiếp thị... Và chính sự năng nổ đó đã giúp Phương có được việc làm chính thức ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Nhưng cơ hội thăng tiến trong công việc lại buộc Phương phải lựa chọn giữa bảo vệ luận văn tốt nghiệp và một chuyến công tác xa. Cuối cùng, Phương quyết định chọn công việc vì “Cơ hội không đến với mình lần thứ hai”, Phương tỏ rõ quyết tâm. Nhưng sau quyết định đó, Phương vẫn quyết tâm có được tấm bằng đại học...

Khi đã quyết định làm một việc gì đó thì Phương phải làm cho bằng được mới thôi, nên khi thành lập Công ty New Ideas, dù tiền trong túi chỉ đủ tiếp khách, Phương vẫn không ngại. Trời không phụ lòng người, chỉ sau vài tháng hoạt động, New Ideas đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. Hiện tại, tuy không quá nổi tiếng trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, nhưng New Ideas được khách hàng đánh giá cao. Nhiều tên tuổi lớn như Parkson, Nasco, Duty Free Store (DFS), Duy Anh, Nowzone, Phonak, MSD, Alcon... từng là khách hàng của New Ideas.

Công ty trẻ, giám đốc trẻ, nhân viên trẻ và mọi hoạt động của New Ideas cũng theo phong thái trẻ: Mỗi khi có dự án, cả giám đốc và nhân viên, như những người bạn, cùng lăn xả vào công việc. Trong khi các đối thủ lấy giá cả để cạnh tranh thì Phương lấy chất lượng dịch vụ làm thế mạnh. Có những hợp đồng, giá của New Ideas cao hơn các công ty khác khá nhiều, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì New Ideas mang đến sự hài lòng cho họ.

Để có được sự chia sẻ từ nhân viên, ngay khi họ mới vào công ty, Phương đã trang bị các phương tiện làm việc tốt nhất có thể. Khi tôi hỏi: “Người mới vào chưa chắc đã trụ được ở Công ty, bạn không sợ mất laptop khi họ nghỉ làm à?”. Phương cười tươi: “Chẳng đáng bao nhiêu chị ơi, nếu ai đó vì chút tài sản đánh đổi lòng tự trọng, thì khi ra đời cũng chẳng thành công đâu. Đến bây giờ, sau hơn hai năm hoạt động, chưa có bạn nào rời bỏ Công ty cả”, Phương chia sẻ.

NGÂN HÀO​
 
×
Quay lại
Top Bottom