- Tham gia
- 6/11/2013
- Bài viết
- 2.443
Khác với nhiều nước trên thế giới khi du khách chỉ có thể ngắm hoa vào một số mùa nhất định thì ở Nhật, dù khách đến vào thời điểm nào cũng sẽ có hoa để ngắm. Sự hoàn hảo trong dịch vụ của người Nhật được thể hiện rất rõ tại chính những công viên hoa.
Câu chuyện về thung lũng hoa Hồ Tây bị "tàn phá" sau 2 ngày mở cửa miễn phí khiến ai nấy đều xót xa. Lỗi đầu tiên thuộc về rất nhiều vị khách thiếu ý thức - đó là điều chắc chắn không phải bàn cãi. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ ít người để ý hơn và có lẽ đó cũng là câu chuyện xa xôi hơn, rằng người chủ ở đây đã chưa thực sự lường được việc thiết kế lối đi giữa các luống hoa như thế nào để vừa thuận tiện cho người thăm, vừa giúp bảo vệ cho hoa của mình.
Đầu tiên các lối đi của vườn hoa quá nhỏ để có thể hấp thụ được lượng người lớn như vậy - cụ thể ở trường hợp này là con số 7000 người. Hơn nữa, các lối vào để chụp ảnh thường thiết kế theo kiểu lối cụt, như vậy nếu những người chụp xong ảnh muốn đi tiếp để nhường chỗ cho người sau vào chụp ảnh cũng sẽ không thể bước tiếp mà chỉ còn cách buộc phải quay lại và như vậy sẽ càng dễ gây ách tắc vườn hoa dẫn đến nhiều người dù không muốn cũng sẽ phải bước xuống vườn hoa để tránh.
Việc mở được một công viên hoa là một điều tốt và đáng khích lệ, thế nhưng rất cần một tư duy quy hoạch tốt để có thể giúp hoa tồn tại lâu, mang đến cơ hội thưởng ngoạn cho nhiều người.
Bài viết này nhằm chia sẻ những điều tôi tìm hiểu được về cách mà người Nhật đã tạo ra được những công viên hoa tuyệt vời, hoàn hảo. Và biết đâu, có thể đem lại những thông tin hữu ích nào đó...
Trồng hoa với số lượng lớn
Văn hóa tập thể, coi trọng cộng đồng của người Nhật có thể nhìn thấy rõ nét trong cách họ trồng hoa. Dù là bất kỳ loài hoa nào, ở địa điểm nào người Nhật cũng luôn trồng với số đông. Ngay từ hoa anh đào, nếu tách riêng từng bông hoa anh đào thì nó cũng sẽ không quá ấn tượng.
Tuy nhiên người Nhật luôn trồng với số lượng rất lớn, ví như cả một con đường hoặc một cái hồ bao xung quanh bằng hoa anh đào hay những con đường hoa anh đào trải rộng trên vài cây số vuông vì vậy nên họ tạo được những phong cảnh rất ấn tượng.
Ví dụ như ở công viên Hitachi Flower Park, họ trồng trong cùng một công viên đến 4,5 triệu cây hoa mắt xanh (baby blue eyes) tỉnh Ibaraki, ngoài ra còn khoảng hơn 10 loại hoa khác được trồng luân phiên theo mùa ở công viên Hitachi. Diện tích của công viên Hitachi lên đến 190 hecta, tức là gần bằng nửa diện tích hồ Tây ở Hà Nội.
Công viên hoa nổi tiếng Ashikaga tỉnh Tochigi gần Tokyo được quy hoạch với số lượng hàng trăm các cây hoa tử đằng, có nhiều cây đã sống trên 100 năm trên diện tích rộng đến 3 nghìn mét vuông.
Đó là còn chưa kể đến rất nhiều những vườn hoa tulip ở khắp nơi trên đất nước Nhật với quy mô mỗi vườn cũng ít nhất đến cả nửa triệu cây hoa tulip các màu các loại được trồng trên diện tích cả vài cây số vuông.
Công viên hoa Hitachi tỉnh Ibaraki.
Phân luống cho hoa, tạo điều kiện cho khách thưởng ngoạn tối đa
Người Nhật rất chú ý đến tạo điều kiện tối đa cho khách thưởng thức hoa. Họ luôn phân luống và có chỉ dẫn rất rõ ràng để khách có thể thoải mái đi lại tự do chụp ảnh mà không phải va chạm vào hoa. Dù là ở bất kỳ vườn hoa nào, lối đi giữa các luống hoa thường ít nhất từ 1 cho đến 1 mét rưỡi. Các lối đi thông với hướng ra khỏi vườn để trong trường hợp quá đông khách không thể quay lại điểm ban đầu được nhưng sẽ vẫn có thể bước tiếp để ra khỏi vườn hoa.
Các lối đi thường được thiết kế theo kiểu mạng nhện. Nếu số lượng khách đông, dòng người cứ thế đi hết đúng chiều của mình là tới lối ra.
Công viên hoa luôn được thiết kế những lối đi rộng rãi, thông nhau, có rào chắn cứng và thấp.
Người dân đến ngắm hoa sẽ đi vào những lối đi riêng ấy.
Ngoài ra, người Nhật cũng rất chu đáo khi ở bất kỳ một khu vực nào có nhiều hoa, họ thường ngắm luôn cho khách địa điểm chụp ảnh đẹp nhất và đặt sẵn bảng hiệu thông báo nơi chụp ảnh cùng máy ảnh dịch vụ ở đó để chụp ảnh nếu khách cần. Tất nhiên dịch vụ này sẽ phải trả tiền. Tuy nhiên nếu bạn không muốn trả tiền mà chỉ muốn mượn chỗ chụp ảnh, người thợ ảnh cũng sẽ sẵn sàng chụp cho bạn với một thái độ niềm nở hết sức.
Công viên hoa tulip với gần 1 triệu bông Tulip ở tỉnh Niigata.
Dịch vụ hoàn hảo của người Nhật còn thể hiện ở việc họ sẽ trang bị cho khách luôn cả những bộ quần áo phù hợp với loại hoa mà họ đang thưởng ngoạn. Nổi bật nhất có thể nói đến rất nhiều những bộ đồ truyền thống Hà Lan được người Nhật chuẩn bị cho khách thuê với chi phí rất rẻ để khách mặc chụp với vườn hoa tulip.
Trong những vườn hoa tulip trên đất Nhật, sẽ luôn luôn có khá nhiều cối xay gió, nhà truyền thống kiểu Hà Lan. Và tất nhiên dù ý thức người dân Nhật rất cao, sẽ không có tình trạng chen lấn xô đẩy nhưng ở tất cả những địa điểm chụp ảnh này sẽ luôn có một người giữ vị trí điều phối để đảm bảo cho mọi người đều có cơ hội chụp ảnh như nhau.
Ngắm hoa cả ngày lẫn đêm và mùa nào cũng có hoa để ngắm
Nếu bạn nghĩ rằng công viên hoa chỉ là nơi để chơi ban ngày thì chắc chắn bạn đã tưởng tượng sai lầm với những công viên hoa ở Nhật. Tại Nhật, sau khi đã chơi chán chê vườn hoa vào ban ngày thì đến ban đêm bạn như bước vào một thế giới khác. Tất cả những cây hoa sẽ được thắp lên bừng sáng.
Và bỗng nhiên bạn nhận ra rằng trong ánh đèn của buổi tối, kết hợp với những ngọn đèn truyền thống lung linh khắp nơi thì công viên hoa sẽ khiến bạn muốn ngồi lâu thêm chút nữa. Vừa thưởng hoa vừa sử dụng dịch vụ ăn uống ngay gần là một trong những cách giải trí rất phổ biến của người Nhật.
Vườn hoa anh đào ở Tokyo buổi đêm bừng sáng rực rỡ, du khách vì vậy cũng chẳng ai muốn về
Khi đến chơi các công viên hoa ở Nhật, bạn sẽ chỉ muốn quay lại đó thật nhiều lần, bởi vì mùa nào cũng sẽ có hoa để ngắm. Hãy thử tham khảo lịch hoa của công viên Hitachi dưới đây bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên khi mà từ tháng 1 đến hết tháng 12, không bao giờ bạn cảm thấy nhàm chán buồn tẻ cả vì lúc nào cũng sẽ có rất nhiều hoa để xem mà.
Trong những mùa mà thời tiết quá khắc nghiệt để trồng hoa (tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các tỉnh khu vực miền Trung và phía Bắc nước Nhật), người Nhật vẫn có công viên hoa cho khách. Họ trồng hoa trong nhà kính và rồi khi hoa nở đẹp, hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn chậu cây hoa với hàng triệu bông hoa đang độ nở đẹp sẽ được mang đến công viên cho khách tham quan.
Tận dụng tối đa mọi địa bàn để làm công viên hoa
Nhật bản nổi tiếng là đất nước có địa hình vô cùng nhiều đồi núi, với hơn 70% diện tích là đồi núi khô cằn và diện tích đất nông nghiệp khó canh tác. Thế nhưng điều đó không cản trở người Nhật trong việc phát triển các công viên hoa trên địa bàn đầy phức tạp khó khăn này. Và bởi nguyên tắc phát triển công viên hoa trên diện tích lớn nên chỉ những vùng xa xôi mới có thể có đủ đất.
Có thể kể đến một số công viên hoa nổi tiếng theo dạng này như công viên Hitsujiyama Park tỉnh Saitama, công viên Shirai Omachi Fuji Park tỉnh Hyogo hay một số công viên hoa ở Hokkaido.
Công viên hoa Hitsujiyama Park thuộc tỉnh Saitama với hơn 400 nghìn bông hoa của 8 loại khác nhau thu hút khách du lịch quanh năm
Trên thực tế rất nhiều công viên hoa của Nhật được xây dựng trên địa hình đồi núi vô cùng phức tạp và thậm chí nằm ở khu vực xa xôi trung tâm. Dù giá vé rất rẻ, nếu tính ngang giá sức mua với Việt Nam thì giá vé vào cửa chỉ tương đương một que kem Tràng Tiền ở Hà Nội và học sinh có thể được miễn phí, nhưng khi khách du lịch muốn đi được đến công viên hoa, họ đã phải đóng góp cho nước Nhật một số tiền không nhỏ để đi lại, và như vậy thì người Nhật vẫn có nguồn thu tốt để quay vòng đầu tư phát triển hạ tầng mới.
Nguồn: YanNews