Nghĩ từ “Có được là người” của Primo Levi

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Có những cuốn sách không chỉ là sách mà được công nhận là “di sản của loài người”, và “Có được là người” chắc chắn nằm trong số đó. Giá trị của nó có thể thấy được qua những lần xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, qua sự nổi tiếng trên toàn thế giới, và qua những bình luận có trích dẫn đến cuốn sách như một tác phẩm kinh điển về hoàn cảnh sống của con người.
22070.bld





Qua câu chuyện kể về trải nghiệm hãi hùng trong trại tập trung của phát-xít Đức, Primo Levi như muốn làm sáng tỏ những bản năng và những cách xử sự tưởng như đã bị xóa bỏ trong quá trình văn minh hóa của con người. Cuốn sách được viết ra để lưu lại bằng chứng về sự man rợ, và để tránh cho những sự man rợ ấy không còn cơ hội quay lại nữa.


Sau những sự man rợ của thế kỷ trước và những tàn dư vẫn còn đeo bám chúng ta đến tận thế kỷ này, đọc Levi trở nên thiết yếu để thích ứng lại với sự phức tạp của việc là một con người”.
Jonathan Rosen - The New York Times

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay, chúng ta vẫn còn phải chứng kiến những cuộc chiến bất tận giết chóc người vô tội, nhưng những cuộc chiến đó không còn man rợ về mức độ phân biệt chủng tộc, về số lượng nạn nhân, cũng như không có kiểu quyết tâm chính trị sắt đá, tàn nhẫn nhằm diệt chủng cả một dân tộc như trong câu chuyện của Levi. Vì thế, ai đó có thể nghĩ rằng ngoài những giá trị văn học và lịch sử thì bài học mà Levi đưa ra không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ những hiện tượng xã hội mới thì mới hiểu lời cảnh báo của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Ở châu Âu, sự lo lắng bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế và các cuộc nhập cư mới đã khiến tư tưởng phân biệt chủng tộc bắt đầu xuất hiện và ngày càng thể hiện rõ ở một số đảng phái. Và vì giờ đây không còn những đảng đối lập có khả năng đưa ra chiến lược chính trị khác thuyết phục hơn, những tư tưởng đó càng được đà phát triển. Nguy cơ này không có ở Việt Nam - đất nước đã anh hùng chiến thắng những thế lực man rợ và hiện đang sống trong hoà bình và phát triển. Nhưng một nguy cơ khác, nguy cơ về sự phân cấp xã hội đang bùng nổ khắp nơi, tại các nước đang phát triển cũng như các nước công nghiệp hóa, cũng đã bắt đầu cả ở Việt Nam.

Ở nhiều nước phát triển chất lượng sống đang gặp phải nhiều vấn đề, rất nhiều những quyền con người đã từng có đang bị đưa ra tranh luận và có nguy cơ bị giảm bớt hay thậm chí loại bỏ. Còn ở các nước đang phát triển, kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vì sự tăng trưởng kinh tế chưa được phân bố bình đẳng nên các nước đó phải đối đầu với sự xuống cấp của mặt bằng chung xã hội, những giá trị dân tộc lâu đời bị mai một, tình đoàn kết bị rạn nứt trong khi bất công xã hội, chênh lệch thu nhập, ô nhiễm môi trường tăng lên. Những vấn đề đó xảy ra vì công cuộc phát triển xã hội thường phải nhường chỗ cho phát triển kinh tế, do kinh tế vốn được coi là đầu tầu mang lại phúc lợi cho toàn thể cộng đồng. Một số người coi những vấn đề xã hội đi kèm là những “hậu quả không tránh khỏi”, và có thể là hơi quá nếu chúng ta coi những hậu quả đó là “man rợ”, nhưng nếu suy ngẫm về những gì đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới thì có thể thấy nguy cơ của một thời kỳ văn minh thụt lùi không phải là không tưởng. Đó là cái giá mà nhân loại đang phải trả, một vấn đề lớn mà tương lai con cháu chúng ta sẽ phải đương đầu.

Việt Nam hiện nay đang ở trong bối cảnh mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: tiến hành một cuộc chiến có thể dễ nhưng lãnh đạo một đất nước thì rất khó. Thực tế cho thấy sau khi đã chiến thắng các thế lực man rợ nhờ vào tình đoàn kết và lý tưởng được toàn dân tộc chia sẻ, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm và thâm độc hơn nhiều, khác xa với những đội quân xâm lược hùng mạnh trước đây. Giờ đây đất nước này sẽ phải làm sao để tránh làm mất đi, mai một đi những giá trị xã hội và dân tộc đã từng làm nên sức mạnh Việt Nam, những cảnh quan thiên nhiên, những giá trị môi trường v.v. dưới danh nghĩa vì thành tựu kinh tế.

“Có được là người” của Primo Levi là một cuốn sách – một di sản. Mà di sản là nơi lưu lại những giá trị để chúng ta suy ngẫm, để ghi nhớ những điều tốt đẹp và gìn giữ. Và như nhà báo Johathan Rosen đã nhận định, đọc Levi để hiểu và để thích ứng với việc là một con người!


Carlo Cibo, Giám đốc Chương trình Hợp tác phát triển -
Đại sứ quán Italia ở Việt Nam

Nguồn: Tiasang Online



 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom