Nghe có ý thức

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Từ ngày 1/11/2012, việc thu phí bản quyền nhạc số có hiệu lực. Theo đó, một số trang web nhạc số sẽ bắt đầu có thu phí người dùng khi tải bài hát trên mạng. Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, đã tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn xoay quanh việc “nghe nhạc trả tiền”. Sinh Viên Việt Nam trao đổi với nhạc sĩ Quốc Trung về vấn đề bản quyền âm nhạc và việc nghe nhạc thu phí.

Thế nào là “nghe có ý thức”?

Trong một số sự kiên âm nhạc gần đây, khán giả thường gặp thông điệp “Nghe có ý thức”, do nhóm nghệ sĩ phát động. Thưa anh, ý tưởng của “Nghe có ý thức” có từ bao giờ?

Trước hết, mọi người hiểu và có ý thức về bản quyền tác phẩm âm nhạc hiện đang bị xâm phạm như thế nào, tác động tiệu cực đến đời sống âm nhạc ra sao. Cách đây một tháng, tôi và nhạc sĩ Huy Tuấn đã bàn nhau phải làm một điều gì đó để có được sự quan tâm và ủng hộ của mọi người. Sau khi đưa ra nhiều phương án và ý tưởng, chúng tôi chọn thông điệp “ÅNghe có ý thức”, do nhạc sĩ Huy Tuấn đề xuất, để cùng thực hiện. Nó chính thức được phát động tại chương trình Bài Hát Việt và Bài Hát Yêu Thích, đầu tháng 10/2012. Từ khi đưa ra thông điệp, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Thông điệp “Nghe có ý thức” đã trở nên quen thuộc và được sử dụng rộng rãi.

Khi đưa ra thông điệp, các anh đón nhận những phản ứng nào?

Về thông điệp này, có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, trong đó, có cả sự ngụy biện của một số người liên quan. Tôi cho rằng, việc đổ lỗi cho thói quen của công chúng được hình thành bấy lâu nay là rất vô lý. Chúng ta cần phải rõ ràng trắng đen, đúng hay sai luật. Nếu sai thì phải sửa và chịu trách nhiệm của người làm sai. Không thể lợi dụng tình trạng nhập nhèm để lấy cớ cho việc tiếp tục kinh doanh hay hợp thức hóa việc làm sai trái.

Phải mất bao lâu để công chúng có thể “nghe có ý thức”, cụ thể là tôn trọng bản quyền tác phẩm âm nhạc, thưa anh?

Để thay đổi quan niệm hay ý thức về bản quyền tác phẩm âm nhạc thì cần thời gian, nhất là khi nó đã trở thành thói quen. Nhưng nó cũng có thể thực hiện được ngay nếu có sự đồng lòng và quyết tâm của các nhà quản lý. Ít nhất, nó cũng khiến cho người ta thấy, vi phạm bản quyền hay ăn cắp một cách trắng trợn, ngang nhiên không thể xem là chuyện bình thường trong đời sống.

655891-nhac-si-quoc-trung.jpg

Luật pháp phải nghiêm và đồng bộ!

Là một người làm nhạc, anh có chia sẻ gì về tình trạng bản quyền nhạc Việt từ trước đến nay?

Bản quyền tác phẩm âm nhạc hay những bất cập của nó với đời sống không phải là mối nguy hại hiển hiện và có tác động tức thời tới đời sống như an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường hay tai nạn giao thông. Chính vì vậy mà nó chưa bao giờ có được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng và nhà quản lý. Kinh doanh nhạc số rất khác so với phương thức truyền thống như bán băng đĩa nhưng nó cũng cần tuân thủ những quy chế bảo vệ, minh bạch để hạn chế nạn vi phạm bản quyền. Những trang nghe nhạc online hiện nay cũng đang thay thế dần các kênh radio truyền thống nhưng họ phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ngay ở Mỹ, trước đây chỉ có iTunes và sau này là Amazon và một ít website được phép kinh doanh nhạc số.

Việc một số nhãn hàng lớn chủ động chấm dứt quảng cáo ở các trang nhạc số vi phạm bản quyền cũng như quyết định thu phí bản quyền từ ngày 1/11/2012 có ý nghĩa như thế nào trong làng nhạc Việt?

Mọi người trong làng nhạc đều đã biết những việc kinh doanh trái phép đó từ lâu và đều bức xúc. Một số thì thỏa hiệp để tồn tại và vớt vát được phần nào hay phần đó. Nhưng một số rất ít thì lợi dụng việc đó như là một cơ hội để quảng bá hình ảnh của mình. Giới nghệ sĩ đều hiểu đấu tranh với việc này thật sự khó khăn.

Nếu thu phí không đồng bộ, nhiều người nghe nhạc vốn đã quen “dùng chùa” nhạc mạng sẽ lùng sang các trang miễn phí để tránh bị thu phí?

Người sử dụng luôn muốn tiết kiệm chi phí của mình. Họ sẽ vẫn như vậy, một khi còn những trang web vi phạm bản quyền đó. Nhưng ít nhất, nó phải được coi là việc phi pháp thay vì công khai. Những trang web đó phải coi là những kẻ cướp thay vì là được tôn vinh là những “doanh nghiệp thành đạt” hay “chiến sĩ văn hóa vì cộng đồng”.

Hiện tại, vẫn có những trang web nhạc cung cấp nhạc được coi là có bản quyền và miễn phí (tuy có thể không hoàn toàn là “nhạc sạch”). Vậy, việc thu phí tải nhạc sẽ có tác động nào đến họ?

Đó chỉ là sự đối phó, hợp thức hóa và trở nên "sạch" hơn thôi. Tôi chẳng tin trong chuyện kinh doanh nhạc số tại Việt Nam có ai sẽ tồn tại và kinh doanh được, khi mà luật không làm một cách đồng loạt và đồng bộ.

Với quy định thu phí tác quyền, các website âm nhạc vi phạm sẽ phải “thích nghi” thế nào?

Tại sao lại phải thích nghi? Bạn có thể chấp nhận sự sửa chữa của một người ăn cắp là anh ta sẽ “sửa” dần dần, thay vì ăn cướp thì sẽ đi ăn trộm, thay vì trộm lớn thì sẽ trộm vặt rồi dần dần sẽ chấm dứt? Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận những thứ chưa "sạch", tức là chấp nhận sự sai phạm trong xã hội? Nếu chúng ta chấp nhận điều đó thì còn ai muốn "sạch" nữa và điều đó khác gì cổ xúy cho việc làm sai trái!

Theo anh, việc thu phí 1.000 đồng khi tải một bài hát có phải là mức thu hợp lý hiện nay?

Vấn đề không phải là bao nhiêu. Nếu 1.000 đồng mà số lượng bằng 0 và không minh bạch thì có hơn 500 đồng mà số lượng hàng triệu không?

Nếu không thể thống nhất được mức phí thì ai muốn bán bao nhiêu là việc của họ. Nhưng điều quan trọng là người chủ sở hữu sản phẩm phải là người quyết định việc đó chứ không phải bất cứ ai khác. Nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể bán rẻ hay cho không sinh viên để quảng bá hình ảnh và tạo dựng khán giả và nó phải mang lại lợi ích cho họ chứ không phải ai đó làm hộ việc đó để lấy cớ bán quảng cáo hàng tỷ đồng. Chúng tôi cần những thoả thuận minh bạch, công bằng và có hiệu lực rộng rãi để cùng nhau phát triển.

Nghệ sĩ cũng cần sự hỗ trợ để quảng bá cho sản phẩm của mình từ các mạng âm nhạc nhưng nó cần được hợp tác với những kế hoạch và sự tôn trọng chứ không phải cứ cho nghe không đúng lúc, đúng chỗ, đúng sản phẩm, dẫn đến tác dụng quảng bá đôi khi lại ngược lại: Lợi nhuận không những không có mà còn hủy hoại toàn bộ các kế hoạch kinh doanh khác.

Điều chỉnh bằng luật pháp và kêu gọi ý thức của người sử dụng, cái nào quan trọng hơn trong thực trạng tác quyền hiện nay?

Muốn xây dựng ý thức thì cần phải dựa vào pháp luật, ngoài việc vận động và giáo dục. Đừng trông chờ nhiều vào sự tự giác.

Anh có nhắn nhủ gì với giới trẻ, các bạn sinh viên đang coi việc nghe miễn phí nhạc như một điều bình thường?

Giới trẻ cần phải được hướng đến sự đúng đắn và hiểu được xã hội sẽ không thể phát triển khi chúng ta chỉ chực “chôm” của người khác thay vì tôn trọng và cùng nhau phát triển. Tác phẩm âm nhạc cũng như mọi sản phẩm khác trong xã hội, cần được tôn trọng đúng mức.

Đặc biệt, các bạn sinh viên luôn là tương lai và là lớp khán giả quan trọng của nghệ sĩ. Bất cứ nghệ sĩ hay nhà sản xuất nào cũng đều muốn đến với sinh viên. Sinh viên cần tự tin và trang bị kiến thức, thẩm mỹ và cả sự tôn trọng để cũng nhận được sự tôn trọng trong xã hội. Đó luôn là bài học đầu tiên cho sáng tạo và phát triển.

Xin cảm ơn anh!

Công ty CP Tập đoàn MV (MVCorp) - đơn vị kết nối với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và các website nghe nhạc khác để thu tiền người sử dụng khi tải nhạc. Từ trưa 1/11/2012, 7 website nhạc số lớn (trong hàng trăm website âm nhạc) tại Việt Nam đồng loạt thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số, với mức giá 1.000 đồng/bài. Việc thu phí được khởi động với 100 album chọn lọc đầu tiên do MVCorp và RIAV cung cấp.

Các website âm nhạc tham gia đợt thử nghiệm thu phí tải nhạc: Zing.vn (VNG), Nhaccuatui.com (NCT), Nhac.vui.vn (24h), Keeng.vn (Viettel), Music.vnn.vn (VDC), go.vn (VTC) và Yeucahat.com. Các bài hát trong đợt thu phí thử nghiệm này được chuẩn hóa 320 kbps stereo, đầy đủ ảnh bìa album, ID3 tags (thông tin bài hát, ca sĩ, hãng sản xuất, năm phát hành...). Hình thức thanh toán chủ yếu là tin nhắn và thẻ cào. Dự kiến giai đoạn thử nghiệm kéo dài đến hết năm nay, áp dụng hình thức thu phí đồng bộ trên từng lượt tải. Phương án thu phí qua hình thức thuê bao tháng sẽ được áp dụng vào đầu năm tới, sau khi thị trường tải nhạc được hình thành.

Vũ Văn Đô (khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Nguyễn Tất Thành): Thu phí là khả thi

Mình thường tải nhạc tại trang mp3.zing.vn. Mình nghĩ, việc tải nhạc miễn phí là hành vi vi phạm bản quyền. Theo mình, Việt Nam nên thu phí bản quyền khi tải nhạc trên mạng. Việc thu phí bản quyền khi tải nhạc mạng là khả thi. Nếu lựa chọn giữa việc tải bài hát chất lượng cao mà phải trả tiền và tải bài hát đó với chất lượng thấp hơn mà không phải trả tiền thì mình chọn nhạc chất lượng cao có trả tiền. Thanh toán qua tin nhắn là hình thức mình lựa chọn.

Trần Thị Giang (năm thứ ba, lớp Xuất nhập khẩu 14E, khoa Thương mại Quốc tế, trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, TP.HCM): Phí 1.000 đồng/lượt tải là đắt

Mình đọc báo thấy rằng, ở nước ngoài, việc tải nhạc miễn phí là vi phạm bản quyền nhưng Việt Nam chưa áp dụng nên mình vẫn nghĩ hành vi đó không vi phạm. Theo mình, việc thu phí bản quyền là đúng, phù hợp với Công ước Bern. Hơn nữa, lại ghi nhận công sức của các nghệ sĩ đã thu âm, đầu tư kinh phí quay music video. Theo mình, thời gian đầu sẽ hơi khó để mọi người thích ứng, vì tâm lý chung vẫn thích dùng những thứ miễn phí. Nhưng nếu áp dụng đại trà thì mọi người sẽ quen dần. Đây mới chỉ là thời gian thử nghiệm nên phí 1.000 đồng/lượt tải là khá đắt. Theo mình, chỉ nên thu 500 đồng/lượt tải.

Nếu lựa chọn giữa việc tải bài hát chất lượng cao mà phải trả tiền và tải bài hát đó với chất lượng thấp hơn mà không phải trả tiền, mình chọn phương án đầu. Nó phù hợp với thông lệ trên thế giới, khi ra nước ngoài sẽ không bỡ ngỡ. Mình biết, một số bạn du học sinh Việt Nam quen với việc dùng "chùa" nên khi qua các nước khác đã bị phạt. Mặt khác, theo mình, khi đóng phí thì sẽ nhận được những bản thu chất lượng tốt, qua đó cũng giúp nghệ sĩ có động lực tạo ra các sản phẩm tốt hơn.

Dương Thị Xuân Quỳnh (lớp 30, khóa 38, trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Sẽ mua nếu việc thanh toán thuận tiện

Việc thu phí ở Việt Nam, theo mình nghĩ sẽ khả thi, nếu các điều kiện thu phí hợp lý và ổn định. Âm nhạc cũng là một phần đời sống của giới trẻ nên các bạn sẽ không tiếc một số tiền được xem là thỏa đáng để nghe nhạc một cách đúng đắn. Và thói quen này nên được phổ biến để giới trẻ có ý thức hơn về vấn đề bản quyền khi các hiện tượng vi phạm bản quyền trên nhiều phương diện đang tràn lan ở Việt Nam. Mình sẽ mua nhạc chất lượng cao và trả tiền nếu hình thức thu phí không quá rắc rối. Mình và đa số các bạn trẻ chỉ e ngại những vấn đề rắc rối liên quan khi gửi tin nhắn tới tổng đài.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top Bottom