- Tham gia
- 26/8/2010
- Bài viết
- 2.078
Mất điện. Cả căn nhà ngập chìm trong bóng tối. Tôi bật chiếc đèn pin nhỏ, mở hộc tủ tìm nến. Hộc tủ trống trơn. Lần mất điện trước đã thắp hết nến tôi không nhớ, tiệm tạp hóa thì xa. Đèn pin quên sạc điện cũng sáng yếu ớt rồi tắt. Quyết định lên gi.ường đi ngủ sớm mà tôi cứ nằm trằn trọc mãi. Nhắm mắt cố ngủ lại thấy ánh sáng của chiếc đèn dầu quen thuộc những ngày thơ ấu chập chờn, chập chờn...
Chiếc đèn dầu! Đến tận bây giờ, mọi thứ hiện đại hơn, mất điện thì đã có đèn sạc dự trữ hay “bèo” lắm cũng có nến thì tôi vẫn nhớ như in cấu tạo của nó. Chiếc đèn nhà tôi bằng thủy tinh, màu xanh lơ, trong, có thể nhìn thấy cả mực dầu đựng trong bầu. Đoạn bấc dài có một đầu nhúng vào bầu để hút dầu lên, một đầu nhô lên khỏi bầu đèn, được chỉnh bằng núm vặn. Muốn đèn cháy to thì vặn núm cho sợi bấc nhô dài lên, đèn cháy nhỏ thì vặn núm bấc cho ngắn xuống. Ngọn lửa được “che chắn” bằng chiếc bóng thủy tinh, vừa chắn gió, vừa ngăn không cho cháy lớn. Bóng đèn thường xuyên bị ám khói đen sì nên mẹ tôi hay phải nhấc ra lau cho sạch.
Chiếc đèn dầu gắn liền với những buổi tối của gia đình tôi một thuở. Đèn được ưu tiên đặt ở bàn để mấy chị em tôi chụm đầu học bài. Đèn nhỏ, mấy chị em túm tụm vào nhau, cùng chia sẻ ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn cháy tỏa mùi dầu hăng hắc. Thi thoảng, mấy chị em sao nhãng bài vở, thì thào nói với nhau những câu chuyện ở trường, ở lớp rồi cười khúc khích. Nghe tiếng cười, mẹ ngồi khâu lại mấy cái quần xoạc chỉ, vá lại cái áo rách vai ngẩng đầu lên, nhắc nhở bằng giọng hết sức nhẹ nhàng:
- Mấy đứa học bài nhanh rồi còn đi ngủ, mai còn dậy sớm đi học.
Ngày nhỏ, tôi chỉ nghĩ mẹ nghiêm khắc nên nhắc nhở. Biết đâu sau lời nhắc ấy, ngoài việc muốn chúng tôi nghiêm túc học hành đến nơi đến chốn còn có cả sự lo lắng muôn thuở về “cơm áo gạo tiền” của những người phụ nữ nghèo. Tiền dầu không đắt lắm, mua một chai nho nhỏ cũng dùng được vài ngày. Nhưng số tiền nhỏ ấy cũng phải chắt chiu, dành dụm từ những buổi chợ, những buổi làm cỏ, cấy thuê của mẹ. Chúng tôi còn nhỏ, nào có hiểu!
Trẻ con quê nghèo đâu có đồ chơi. Những tối mùa hè mát mẻ còn gọi nhau í ới, cả lũ tập trung ở sân nhà một đứa cùng chơi thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây... Những tối mùa đông rét mướt thì từ chập tối đã không thò chân ra khỏi cửa. Lúc ấy, chiếc đèn dầu lại trở thành “dụng cụ” đắc dụng. Từ ánh sáng của chiếc đèn dầu hắt lên vách tường, chúng tôi lấy tay tạo thành hình thù những con vật ngộ nghĩnh, diễn kịch bằng những “con thú tay” ấy rồi cãi nhau chí chóe xem con nào vô địch. Cũng có lúc, chúng tôi nhìn bóng mẹ sàng gạo. Cái bóng được phóng to lên, chúng tôi tưởng tượng như mẹ là một người khổng lồ, dù dáng mẹ nghiêng nghiêng, nhẫn nại, bờ vai gầy nhấp nhô theo nhịp tay đưa đầy khắc khổ...
Những hôm trời tối, bố có việc sai tôi chạy đi sang nhà này, nhà kia. Nhà ở thôn quê hồi ấy cách xa nhau, tiếng côn trùng lại kêu rả rích, thê lương, ảo não. Tôi vốn sợ ma nhưng chẳng dám cãi lời bố, bước thấp bước cao xách chiếc đèn chạy đi. Chiếc đèn dầu như một người bạn đầy tin tưởng. Đã có lúc, tôi vừa cầm đèn dầu, vừa thấp thỏm, vừa đặt ra các tình huống. Giả sử gặp ma thật, tôi sẽ quăng đèn vào con ma ấy rồi chạy. Con ma chắc sẽ bị lửa thiêu rụi, không thể bám theo tôi nữa. Trẻ con thời nào dường như cũng có cách nhìn và cách giải quyết vấn đề hết sức giản đơn như thế...
Ngọn đèn dầu của những tháng ngày gian khó đã lùi xa, giống như tuổi thơ không thể nào quay trở lại được nữa. Nhưng cái mùi dầu hăng hăng, ánh sáng leo lét và cả những chiếc bóng nhảy nhót trên vách của những năm nảo năm nào cứ sáng mãi trong tôi, không bao giờ tắt.
Đào Thu Hà
(PHUNUVIETNAM)
Chiếc đèn dầu! Đến tận bây giờ, mọi thứ hiện đại hơn, mất điện thì đã có đèn sạc dự trữ hay “bèo” lắm cũng có nến thì tôi vẫn nhớ như in cấu tạo của nó. Chiếc đèn nhà tôi bằng thủy tinh, màu xanh lơ, trong, có thể nhìn thấy cả mực dầu đựng trong bầu. Đoạn bấc dài có một đầu nhúng vào bầu để hút dầu lên, một đầu nhô lên khỏi bầu đèn, được chỉnh bằng núm vặn. Muốn đèn cháy to thì vặn núm cho sợi bấc nhô dài lên, đèn cháy nhỏ thì vặn núm bấc cho ngắn xuống. Ngọn lửa được “che chắn” bằng chiếc bóng thủy tinh, vừa chắn gió, vừa ngăn không cho cháy lớn. Bóng đèn thường xuyên bị ám khói đen sì nên mẹ tôi hay phải nhấc ra lau cho sạch.
Chiếc đèn dầu gắn liền với những buổi tối của gia đình tôi một thuở. Đèn được ưu tiên đặt ở bàn để mấy chị em tôi chụm đầu học bài. Đèn nhỏ, mấy chị em túm tụm vào nhau, cùng chia sẻ ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn cháy tỏa mùi dầu hăng hắc. Thi thoảng, mấy chị em sao nhãng bài vở, thì thào nói với nhau những câu chuyện ở trường, ở lớp rồi cười khúc khích. Nghe tiếng cười, mẹ ngồi khâu lại mấy cái quần xoạc chỉ, vá lại cái áo rách vai ngẩng đầu lên, nhắc nhở bằng giọng hết sức nhẹ nhàng:
- Mấy đứa học bài nhanh rồi còn đi ngủ, mai còn dậy sớm đi học.
Ngày nhỏ, tôi chỉ nghĩ mẹ nghiêm khắc nên nhắc nhở. Biết đâu sau lời nhắc ấy, ngoài việc muốn chúng tôi nghiêm túc học hành đến nơi đến chốn còn có cả sự lo lắng muôn thuở về “cơm áo gạo tiền” của những người phụ nữ nghèo. Tiền dầu không đắt lắm, mua một chai nho nhỏ cũng dùng được vài ngày. Nhưng số tiền nhỏ ấy cũng phải chắt chiu, dành dụm từ những buổi chợ, những buổi làm cỏ, cấy thuê của mẹ. Chúng tôi còn nhỏ, nào có hiểu!
Trẻ con quê nghèo đâu có đồ chơi. Những tối mùa hè mát mẻ còn gọi nhau í ới, cả lũ tập trung ở sân nhà một đứa cùng chơi thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây... Những tối mùa đông rét mướt thì từ chập tối đã không thò chân ra khỏi cửa. Lúc ấy, chiếc đèn dầu lại trở thành “dụng cụ” đắc dụng. Từ ánh sáng của chiếc đèn dầu hắt lên vách tường, chúng tôi lấy tay tạo thành hình thù những con vật ngộ nghĩnh, diễn kịch bằng những “con thú tay” ấy rồi cãi nhau chí chóe xem con nào vô địch. Cũng có lúc, chúng tôi nhìn bóng mẹ sàng gạo. Cái bóng được phóng to lên, chúng tôi tưởng tượng như mẹ là một người khổng lồ, dù dáng mẹ nghiêng nghiêng, nhẫn nại, bờ vai gầy nhấp nhô theo nhịp tay đưa đầy khắc khổ...
Những hôm trời tối, bố có việc sai tôi chạy đi sang nhà này, nhà kia. Nhà ở thôn quê hồi ấy cách xa nhau, tiếng côn trùng lại kêu rả rích, thê lương, ảo não. Tôi vốn sợ ma nhưng chẳng dám cãi lời bố, bước thấp bước cao xách chiếc đèn chạy đi. Chiếc đèn dầu như một người bạn đầy tin tưởng. Đã có lúc, tôi vừa cầm đèn dầu, vừa thấp thỏm, vừa đặt ra các tình huống. Giả sử gặp ma thật, tôi sẽ quăng đèn vào con ma ấy rồi chạy. Con ma chắc sẽ bị lửa thiêu rụi, không thể bám theo tôi nữa. Trẻ con thời nào dường như cũng có cách nhìn và cách giải quyết vấn đề hết sức giản đơn như thế...
Ngọn đèn dầu của những tháng ngày gian khó đã lùi xa, giống như tuổi thơ không thể nào quay trở lại được nữa. Nhưng cái mùi dầu hăng hăng, ánh sáng leo lét và cả những chiếc bóng nhảy nhót trên vách của những năm nảo năm nào cứ sáng mãi trong tôi, không bao giờ tắt.
Đào Thu Hà
(PHUNUVIETNAM)