Muốn yêu ai đó, hãy thực hiện thí nghiệm này

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824
11LOVE-blog427.jpg


Mandy Len Catron / The New York Times
Dịch Việt Ngữ bởi CBKN

Hơn 20 năm trước, nhà tâm lý học Arthur Aron đã thành công trong việc khiến hai người không quen biết yêu nhau trong phòng thí nghiệm của ông. Mùa hè năm ngoái, tôi áp dụng phương pháp của ông vào cuộc sống của mình, đó là lý do vì sao tôi thấy mình đứng trên một cây cầu vào lúc nửa đêm, nhìn chằm chằm vào mắt của một người đàn ông trong bốn phút.

Tôi sẽ giải thích điều này. Trước đó vào buổi tối, người đàn ông ấy đã nói: "Anh nghĩ rằng, tìm được một vài điểm chung, chúng ta có thể yêu bất cứ ai. Nếu vậy, làm thế nào để chọn được người đó? "

Anh là một người quen của tôi ở trường đại học, chúng tôi thỉnh thoảng chạm mặt nhau trong phòng tập leo núi và tôi đã nghĩ, "Nếu như?" Tôi đã đọc lướt qua trạng thái của anh trên Instagram. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có một cuộc hẹn thân mật hai người.

"Trên thực tế, các nhà tâm lý học đã thử làm cho hai người yêu nhau," tôi nói, nhớ đến nghiên cứu của Tiến sĩ Aron. "Nghe thật hấp dẫn. Em đã luôn muốn thử nó. "

Tôi đọc về nghiên cứu này lần đầu tiên khi tôi vừa mới chia tay bạn trai. Lúc đó mỗi khi nghĩ đến việc từ bỏ, trái tim tôi luôn chiến thắng lý trí. Tôi cảm thấy bế tắc. Vì vậy, như một học giả, tôi tìm đến khoa học với hy vọng tìm ra câu trả lời để yêu thông minh hơn.

Tôi giải thích nghiên cứu này cho anh. Một người đàn ông và người phụ nữ đi vào phòng thí nghiệm qua hai cánh cửa riêng biệt. Họ ngồi đối mặt nhau và trả lời một loạt các câu hỏi với mức độ riêng tư tăng dần. Sau đó, họ im lặng nhìn nhau trong bốn phút. Điều thú vị nhất là: Sáu tháng sau, họ đã kết hôn với nhau. Hai người đã mời toàn bộ phòng thí nghiệm đến đám cưới.

"Chúng ta hãy thử xem sao", anh nêu ý kiến.

Phải thừa nhận rằng thử nghiệm của chúng tôi không đáp ứng các điều kiện của cuộc nghiên cứu trên. Đầu tiên, chúng tôi thực hiện nó trong một quán bar thay vì trong phòng thí nghiệm. Thứ hai, chúng tôi không phải là người lạ. Không chỉ có vậy, tôi nhận thấy rằng một người sẽ không đồng ý tham gia một thử nghiệm với hy vọng tạo ra một tình yêu lãng mạn nếu không thực sự mở lòng với cơ hội này.

Tôi google các câu hỏi của tiến sĩ Aron; có tất cả 36 câu. Chúng tôi dành hai giờ tiếp theo chuyền nhau chiếc iPhone, luân phiên đặt câu hỏi cho nhau.

Cuộc nói chuyện bắt đầu nhẹ nhàng: "Bạn có muốn được nổi tiếng không? Theo cách nào?" Và "Lần cuối cùng bạn hát một mình, hát cho người khác nghe là khi nào?”

Nhưng các câu hỏi nhanh chóng mang tính thăm dò hơn.

Trả lời câu hỏi, "Kể ra ba điểm chung giữa bạn và bạn đồng hành," anh nhìn tôi và nói, "Anh nghĩ rằng chúng ta cuốn hút nhau."

Tôi cười và nhấp bia khi lắng nghe anh liệt kê thêm hai điểm chung mà tôi nhanh chóng quên mất. Chúng tôi kể cho nhau nghe về lần cuối cùng mình khóc, và tiết lộ điều mình muốn hỏi thầy bói. Chúng tôi cũng kể về mối quan hệ với mẹ của mình.

Những câu hỏi làm tôi liên tưởng đến thí nghiệm nổi tiếng về con ếch trong nước sôi, trong thí nghiệm con ếch không cảm thấy nước trở nên nóng dần lên cho đến khi đã quá muộn. Với chúng tôi, bởi vì mức độ riêng tư của câu hỏi tăng lên từ từ, tôi không nhận thấy cả hai đã trở nên thân mật hơn từ lúc nào, một quá trình mà thông thường phải cần đến vài tuần hoặc vài tháng.

Tôi thích hiểu hơn về mình thông qua các câu trả lời của bản thân, nhưng tôi thậm chí thích tìm hiểu về con người của anh hơn. Quán bar vốn trống không khi chúng tôi đến, đã trở nên đông khách khi chúng tôi tạm dừng cuộc trò chuyện để ghé phòng vệ sinh.

Tôi ngồi một mình ở bàn, cảm nhận không gian xung quanh lần đầu tiên sau một giờ đồng hồ, và tự hỏi liệu có ai đó nghe thấy câu chuyện của mình. Cho dù là có, tôi cũng không hay biết. Và tôi cũng không để ý lúc khách trong quán thưa dần khi đêm dần khuya.

Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện để kể về bản thân khi gặp một người lạ hay người quen, nhưng các câu hỏi của tiến sĩ Aron vượt xa những câu chuyện đó. Cuộc trò chuyện của chúng tôi như trải nghiệm tạo ra sự gần gũi nhanh chóng mà tôi nhớ lúc ở trại hè, thức suốt đêm cùng một người bạn mới, kể cho nhau nghe từng chi tiết trong cuộc sống của mình. Lần đầu tiên xa nhà lúc 13 tuổi, nhu cầu muốn nhanh chóng biết rõ một người nào đó là rất tự nhiên. Tuy nhiên cuộc sống của một người trường thành hiếm khi cho ta những cơ hội như vậy.

Giây phút tôi cảm thấy không thoải mái nhất không phải là khi tôi phải tiết lộ điều gì đó về bản thân, mà là lúc tôi phải nói lên suy nghĩ của mình về anh. Ví dụ như: "Lần lượt chia sẻ năm đặc điểm mà bạn cho là tích cực về người bạn đồng hành" (Câu 22), và "Nói cho người kia biết bạn thích họ ở điểm nào; hãy thành thật nói ra những điều bạn thường không nói với người vừa mới gặp" (Câu 28).

Phần lớn các nghiên cứu của Tiến sĩ Aron tập trung vào việc tạo ra sự gần gũi giữa các cá nhân. Đặc biệt, một vài nghiên cứu xem xét về cách chúng ta kết hợp người khác vào ý thức về bản thân. Dễ dàng để thấy cách các câu hỏi khuyến khích cái gọi là "sự tự mở rộng." Chia sẻ những thứ như, "Em thích giọng nói của anh, cách anh chọn bia, cách bạn bè nhìn anh ngưỡng mộ," rõ ràng làm cho những phẩm chất tích cực thuộc về một người trở nên có giá trị với người kia.

Thật đáng kinh ngạc khi nghe những gì người khác ngưỡng mộ về bạn. Tôi không biết tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian hơn để khen tặng những người xung quanh.

Chúng tôi kết thúc lúc nửa đêm, lâu hơn hẳn khoảng thời gian 90 phút của thí nghiệm gốc. Nhìn quanh quán bar, tôi cảm thấy như thể vừa tỉnh khỏi giấc mộng. "Trải nghiệm không tệ," tôi nói. "Chắc chắn là thoải mái hơn so với phần nhìn sâu vào mắt nhau."

Anh ngập ngừng hỏi tôi. "Em nghĩ rằng chúng ta có nên thực hiện phần đó luôn không?"

"Ở đây?" Tôi nhìn quanh quầy bar. Dường như quá kỳ lạ, quá công khai.

"Chúng ta có thể đứng trên cầu," anh nói, quay đầu về phía cửa sổ.

Trời đêm ấm áp và tôi rất tỉnh táo. Chúng tôi đi bộ đến điểm cao nhất, sau đó quay lại đối mặt nhau. Tôi loay hoay cài đặt giờ trên điện thoại.

"O.K.," tôi nói, hít một hơi thật sâu.

"O.K.," anh mỉm cười.

Tôi từng trượt dốc đứng và treo mình trên mặt đá bằng một sợi dây thừng ngắn, nhưng việc im lặng nhìn chăm chú vào mắt của ai đó trong bốn phút còn hồi hộp và đáng sợ hơn. Tôi dành vài phút đầu tiên chỉ để cố gắng để hít thở bình thường. Chúng tôi mỉm cười ngại ngùng nhiều lần trước khi thực hiện.

Tôi biết đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng mấu chốt của trải nghiệm này không phải là tôi đang thực sự nhìn rõ một người, mà là tôi đang nhìn thấy một người thực sự nhìn rõ tôi. Một khi nhận ra điều này và để nỗi sợ hãi lắng xuống, tôi như lạc đến một thế giới khác.

Tôi trở nên can đảm hơn và thấy mình trong một trạng thái kỳ diệu. Một phần của điều kỳ diệu là do được chạm đến những ngõ ngách sâu kín nhất của bản thân và phần còn lại là cảm giác khai sáng mà bạn nhận được khi lặp lại một từ nhiều đến mức từ đó mất hết ý nghĩa và trở về với bản chất thật là một tập hợp của các âm thanh.

Chính đôi mắt, không phải là cửa sổ đến bất cứ điều gì mà là một tập hợp các tế bào hữu ích. Các cảm xúc gắn liền với đôi mắt biến mất và tôi sửng sốt bởi cấu trúc sinh học kỳ diệu của nó: hình cầu của nhãn cầu, các cơ có thể thấy được của mống mắt cũng như bề mặt trong suốt ướt mịn của giác mạc. Thật kỳ lạ và tinh tế.

Khi đồng hồ báo giờ rung, tôi ngạc nhiên – và có chút nhẹ nhõm. Nhưng cũng cảm thấy một cảm giác mất mát. Tôi bắt đầu nhìn lại buổi tối vừa trải qua bằng lăng kính hồi tưởng siêu thực và mơ hồ.

Hầu hết chúng ta nghĩ về tình yêu như một cái gì đó xảy ra với mình. Ta rơi vào lưới tình. Ta bị sét đánh.

Nhưng điều khiến tôi thích nghiên cứu này là bởi nó cho rằng tình yêu là hành động. Nó khẳng định những gì quan trọng đối với đối tác của tôi cũng quan trọng với tôi bởi vì chúng tôi có ít nhất ba điểm chung, bởi vì chúng tôi có mối quan hệ gần gũi với mẹ mình, và vì anh đã cho tôi nhìn thấy anh.

Tôi tự hỏi điều gì sẽ đến từ tương tác này. Chí ít, tôi sẽ có một câu chuyện hay để kể. Nhưng giờ đây tôi thấy rằng đây không phải là câu chuyện về chúng tôi; nó là câu chuyện về việc để tâm muốn biết rõ về một người, câu chuyện về ý nghĩa của việc thực sự được thấu hiểu.

Sự thật là bạn không thể chọn người yêu bạn, mặc dù tôi đã từng hy vọng là có thể, và bạn không thể tạo ra những cảm xúc lãng mạn dựa trên sự thuận lợi nào đó. Khoa học cho chúng ta biết sự quan trọng của yếu tố sinh học; các pheromone và hormone có vai trò rất lớn phía sau hậu trường.

Nhưng bất chấp tất cả những điều này, tôi đã bắt đầu nghĩ rằng tình yêu là một điều dễ xảy ra hơn chúng ta vẫn nghĩ. Nghiên cứu của Arthur Aron dạy tôi rằng có thể - thậm chí là đơn giản - để tạo lòng tin và sự gần gũi, những cảm xúc mà tình yêu cần có để thăng hoa.

Có lẽ bạn tò mò liệu anh và tôi có yêu nhau sau đó. Vâng, chúng tôi đã đến với nhau. Mặc dù khó có thể nói đó hoàn toàn là kết quả của thí nghiệm (mọi chuyện có thể xảy ra dù không thực hiện thí nghiệm này), trải nghiệm này đã mở ra một con đường để chúng tôi chủ động đến với nhau. Chúng tôi đã trải qua nhiều tuần trong không gian thân mật mà mình tạo ra đêm đó, chờ đợi sự tiến triển của mối quan hệ.

Tình yêu không xảy ra với chúng tôi. Chúng tôi yêu nhau bởi vì mỗi người lựa chọn điều đó.

Tác giả Mandy Len Catron dạy viết tại Đại học British Columbia ở Vancouver và đang viết một cuốn sách về sự nguy hiểm của những câu chuyện tình.


Link bài viết gốc: https://www.nytimes.com/2015/01/11/fashio....html?_r=0
 
×
Quay lại
Top Bottom