Muôn vẻ vừa làm vừa học

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
b61c2f03be2b6826ef6f9124dd34e86d_L.jpg

Sinh viên hệ tại chức nhốn nháo trong giờ kiểm tra giữa kỳ.

Sinh viên tranh thủ đến lớp điểm danh, làm việc riêng, bận quá thì thuê người học hộ, rồi hối hả thi cho xong; chương trình tranh thủ rút ngắn, các nhà quản lý tranh thủ kiểm tra... Ðó là những nét phác họa cơ bản của bức tranh đào tạo tại chức.


Bức tranh xấu !


Trước cổng một trường đại học đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) lúc trời nhá nhem tối, lác đác những gương mặt căng thẳng, hấp tấp táp xe máy vào gửi, rồi lỉnh kỉnh nào cặp nào túi xách tìm lên giảng đường. Một phòng học rộng sáng đèn, chen chúc tới gần trăm SV theo hệ vừa làm vừa học. Trên bục, một giảng viên còn khá trẻ giọng đều đều thuyết trình về kỹ thuật thi công móng cầu. Số ít SV lớn tuổi có vẻ chăm chú ghi bài, còn lại là mỗi người mỗi việc, ồn ào át cả tiếng thầy. "Hùng ơi, thầy đang dạy môn gì đấy nhỉ, mấy học trình?" Phía cuối lớp: "Thuyết hỏi chị Lan xem khóa mình là K mấy để còn bổ sung hồ sơ?". Bên cạnh, một anh trả lời điện thoại: "Dạ, em đang tranh thủ soạn hợp đồng đây, sáng mai gửi sếp sớm"...

Ở một phòng khác, cô giáo đang điểm danh, thỉnh thoảng lại thêm một SV "Thưa cô cho em vào lớp". Lê Ðại là SV năm cuối ngành văn hóa đang dán mắt vào cuốn "Trăm năm cô đơn", chợt giật mình "có ạ" khi cô gọi tên: Vương Quang Thiệp. Ngước lên bảng cậu mới biết tối nay thi hết học phần. Ðại kéo tôi lủi ra ngoài. "Anh Thiệp à, chết rồi, tối nay thi mà anh quên ư?..." - cúp điện thoại, Ðại quay sang tôi: "Thôi đi về, ông ấy bận đi công trình tận Lào Cai bảo sẽ có cách xử lý rồi". Ðại cho biết đây là "chuyện thường ngày ở huyện", "mấy đứa chơi với nhau đứa nọ bảo đứa kia, SV bí tiền phải đi học thuê kiếm đồng ra đồng vào, chứ đến lớp điểm danh xong ngồi đấy, chán lắm".

Trong vai người học, chúng tôi tìm đến lớp VLVH ngành Quản trị Kinh doanh của ÐH Tài chính - Marketing (trường có quy mô đào tạo hệ tại chức hằng năm trên dưới 3.000 SV). Quang cảnh lớp học khá nghiêm túc, tuy nhiên phần lớn là thầy giảng trò chép chứ không thấy cảnh SV làm tiểu luận, thuyết trình về bài học như ở các lớp chính quy. Tiếp tục đến một lớp của ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, vẫn là cảnh thầy "tự biên tự diễn" còn trò thì thoải mái làm việc riêng. "Bọn em đến lớp để điểm danh vì nếu vắng ba buổi sẽ bị cấm thi. Còn những kiến thức thầy giảng thì đã có hết trong sách, đến lúc thi cả lớp cũng có phương án đối phó rồi" - SV Thanh Duy (lớp QTKD 10) dừng tay nhắn tin điện thoại, quay sang tôi nháy mắt đầy ngụ ý.

Thực tế đang đòi hỏi gì?

Khi chúng tôi đem những chuyện "mắt thấy tai nghe" từ các lớp học tại chức ra chia sẻ, đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Tựu trung đều là những mong muốn phải đổi mới chương trình, quy chế, kỷ luật sao cho đáp ứng đòi hỏi của đời sống: học thật, chất lượng thật.

GS Phạm Phụ, giảng viên ÐH Bách khoa (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), thẳng thắn: "Chất lượng của hệ đào tạo tại chức yếu kém đã quá rõ ràng. Vì các trường từ nhiều năm nay đã coi hệ đào tạo này như "nồi cơm" nên phát triển tràn lan về số lượng, liên kết đào tạo bát nháo và buông lỏng quản lý. Chất lượng đầu vào thấp, SV thiếu kinh nghiệm thực tế, nhưng lại học chương trình rút ngắn của hệ chính quy. Ðó là chưa kể nhiều chương trình liên kết đào tạo tổ chức ở các địa phương được thực hiện dễ dãi từ khâu tuyển sinh, giảng dạy đến thi tốt nghiệp".

Thực tế cho thấy, một vài năm gần đây quy mô đào tạo các hệ không chính quy ở những ÐH lớn cũng phải thu hẹp do nhu cầu giảm như trường ÐH Kinh tế quốc dân, ÐH Bách khoa, ÐH Giao thông vận tải, ÐH Luật,... Phó Hiệu trưởng ÐH Xây dựng Phạm Duy Hòa cho biết: "Ðầu năm học 2012-2013, nhà trường được giao chỉ tiêu đào tạo tại chức 1.400 SV nhưng thực tế chỉ tuyển được 630 SV (đạt 45%). Sang năm nay chỉ tiêu vẫn được giữ nguyên, nhưng ngay đợt tuyển sinh hồi tháng tư, trường đã phải hoãn lại vì số hồ sơ quá ít. Cuối năm nhà trường còn một đợt tuyển sinh lần hai, nhưng chắc cũng không có gì khả quan. Tuy nhiên, với nhà trường quan trọng nhất vẫn là chất lượng, còn số lượng SV phụ thuộc vào nhu cầu người học".

Một tín hiệu đáng mừng trong khoảng hai năm gần đây là gia tăng những SV đang làm công nhân mong muốn được nâng cao trình độ. Họ học thật và cũng buồn thật. Bạn Nguyễn Thu Phương (công nhân KCN Phố Nối - Hưng Yên) cho biết: "Ở công ty đang thiếu người làm thủ kho nên ban lãnh đạo động viên mình đi học. Nói thật, bản thân và nhiều bạn bè khác cũng biết hệ này kém chất lượng nhưng nếu không vừa làm vừa học thì chẳng biết ra sao". Ðưa cho chúng tôi tờ chương trình học, gạt mồ hôi, Phương giải thích thêm: "Mình học tại chức Kế toán liên thông từ cao đẳng lên đại học, theo chương trình phải mất hai năm, nộp đủ học phí đến tháng 2-2014 mới tốt nghiệp. Thực tế nhà trường đã dạy xong từ tháng 6-2013 rồi, các thầy nói là để dành thời gian thực tập, nhưng thực tập chỉ ba tháng là cùng. Mình cần kiến thức để làm việc nên phải mua sách tự học, còn nhiều bạn chơi cả nửa năm chờ lấy bằng".

Nhận ra những bất cập, từ năm 2007, trước làn sóng dư luận phản ứng với chất lượng đào tạo tại chức, Bộ GD-ÐT cũng đã đưa ra một vài ý tưởng nhằm thay đổi cung cách quản lý, siết chặt việc thi cử,... Song những giải pháp ấy đều không mấy hiệu quả. Chỉ khi số lượng SV theo hệ VLVH gần đây giảm đáng kể, nhiều địa phương lên tiếng "tẩy chay" với bằng tại chức; cho đến đầu năm 2013, Bộ GD-ÐT mới yêu cầu các trường giảm chỉ tiêu đào tạo các hệ không chính quy. Theo đó, chỉ tiêu đào tạo hệ tại chức, văn bằng hai theo hình thức VLVH giảm còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo, nhằm tập trung nâng cao chất lượng.

* Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ðại học Bùi Anh Tuấn

Tuy mới chỉ là hiện tượng, nhưng ý kiến của một vài địa phương phản ứng với chất lượng hệ tại chức đã là lời cảnh báo, đòi hỏi cơ quan quản lý các cấp và các cơ sở giáo dục phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết, yếu kém để khắc phục. Bộ GD-ÐT đang và sẽ tiếp tục siết chặt khâu kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo của các trường, trường nào vi phạm sẽ kiên quyết xử lý. Cùng với đó xây dựng lộ trình quy định "chuẩn đầu ra" cho các trường, căn cứ trên cơ sở những tiêu chí chung về "chuẩn trình độ" của Bộ.
Theo nhandan.org
 
×
Quay lại
Top Bottom