- Tham gia
- 3/3/2013
- Bài viết
- 4.056
Làm gia sư, bồi bàn, phát tờ rơi, chạy xe ôm... với sinh viên là “chuyện thường ngày ở huyện”. Những năm gần đây, khi kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa, thực phẩm... leo thang, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra các hình thức kinh doanh rất “độc”, rất lạ. |
Nữ sinh nhỏ bé ngồi lọt thỏm giữa rừng thú bông “Anh ơi, mua tặng bạn gái một con gấu bông đi, này là gấu bông “động lực” đó” – Trần Huệ Thanh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM niềm nở mời chào khi có hai bạn sinh viên đi qua “cửa hàng lề đường” của mình, ngay trên đường vào Ký túc xá ĐH Quốc gia, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Tất bật chào mời, giúp khách lựa đồ, tính toán giá cả... nhưng thỉnh thoảng Thanh cũng dành vài phút để kể về công việc làm thêm của mình. Huệ Thanh cho biết, việc lựa chọn ra bán hàng buổi tối là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ quá vất vả để lo cho mình ăn học... Ban đầu, thấy cô bạn cùng phòng đi bán thú bông cho cô chủ nhà trọ vào ban đêm, bán gần trường nên Thanh xin bán thử, cũng là để tập buôn bán, kinh doanh. “Khi ấy, một đêm em bán tính theo tiếng, một tiếng là 7.000 đồng. Có hôm trời đẹp thì làm được 3 tiếng, hôm nào trời mưa thì vừa dọn ra đã phải dọn vào, coi như không có đồng nào. Sau những hôm bỏ công không, về nhà em nghĩ tại sao mình không nhận thêm gấu, tự nhồi, tự bán cho bạn bè nào có nhu cầu.” – Thanh chia sẻ. Tối muộn, một vị khách thắc mắc “Sao lại là gấu bông động lực?” thì Huệ Thanh tươi tắn: “Vì những con gấu này chính là nguồn thu nhập để tụi em phụ giúp ba mẹ, là động lực cho tụi em cố gắng học tập và cũng là động lực giúp cho những ai sở hữu nó sẽ luôn mạnh mẽ trong cuộc sống”. “Trà chanh chạy” và kẹo tình yêu Huệ Thanh phải mất 2 tháng phụ bán cho cô chủ nhà trọ để tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng rồi cùng bạn bè hùn hạp mở “cửa hàng” riêng, còn Hòa, sinh viên năm 2 ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM bắt đầu làm thêm ở vai trò “ông chủ nhỏ” một quán trà chanh trên đường Ngô Quyền, quận 9. Hòa nói rằng, “trà chanh chém gió” đã “bùng nổ” tại Hà Nội được vài năm. Thấy ở TPHCM bắt đầu lác đác mở ra, được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nên Hòa và nhóm bạn hùn nhau làm thử. Vốn ít, không có mặt bằng đàng hoàng, “cửa hàng” của các bạn là công viên. Chỉ “chiếm cứ” một góc nhỏ, nhưng vì công viên cấm bán hàng rong nên quán thường xuyên bị “hốt”. Chủ chạy, khách cũng vừa uống vừa chạy. “Nhóm em mới ra bán, “chạy” chưa quen nên hay bị tịch thu đồ. Sau này, khi mấy anh trật tự biết hoàn cảnh sinh viên nên châm chước, nhắc nhở chứ không thu nữa” – Hòa cười. Trí kẹo và đồng nghiệp Lâm Huỳnh Thiên Trí học ĐH Kinh Tế TPHCM. Tối tối, Thiên Trí đều cùng các “đồng nghiệp” bán kẹo ở khu “café bệt” bên hông Nhà thờ Đức Bà (quận 1). Tầm 20 giờ, các nam sinh, nữ sinh ăn mặc gọn gàng, trẻ trung, trên tay là chiếc giỏ chứa đầy những chiếc kẹo nhiều màu sắc cùng nhau đon đả chào khách, nhất là các cặp nam nữ đi bát phố. Trên môi họ không bao giờ tắt nụ cười. Có lẽ vậy mà không nhiều người ghé qua từ chối mua kẹo tặng bạn bè, con nhỏ... Trí “kẹo” chia sẻ: “Mình bán kẹo đã gần 4 năm để phụ ba mẹ lo học hành. Làm ở đây, tiếp xúc với nhiều người, khách du lịch nước ngoài nên mình học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm sống, giao tiếp, ngoại ngữ... Thêm nữa, việc làm thêm cho mình bản lĩnh sống, sẵn sàng đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, có niềm tin để gắng học tập, xây dựng tương lại.” Với nghề bán kẹo, các bạn sinh viên cũng có thu nhập 3, 4 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng theo bạn Chi “kẹo” đang học Trung cấp quân y, kinh tế chỉ là yếu tố thứ 2, quan trọng là các thành viên rèn giũa được cách giao tiếp, chia sẻ, phân công công việc hợp lý, đoàn kết và thương nhau. Với mục tiêu đó, nhóm sinh viên bán kẹo luôn sẵn sàng kết nạp nếu các bạn sinh viên nào muốn thử sức. |