Mục đích và phương tiện

killer kiss

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/2/2012
Bài viết
56
Từ khi Iphone 5 ra đời, cậu em 9X của tôi rơi vào tình trạng “ngày nhớ đêm mong” mẫu điện thoại mới mẻ, hiện đại và sành điệu này.

Tiền tiêu vặt bố mẹ cho chẳng đủ tiết kiệm, cậu em làm việc part time như... trâu. Tôi hỏi em làm thêm nhiều vậy làm gì? Câu trả lời sẽ vang lên ngay tắp lự: “Để em mua Iphone 5”. Hỏi tiếp câu nữa: “Em mua Iphone 5 để làm gì?”, cậu em tôi lúng túng, không tìm được câu trả lời trôi chảy. Tôi biết câu trả lời ấy. Cũng giống như phần đông bạn bè mình, em tôi mua mẫu điện thoại mới nhất, đắt tiền nhất chẳng để làm gì ghê gớm cả. Ngoài chức năng nhắn tin, gọi điện thông thường, có lẽ cậu em tôi chụp ảnh, lướt web, chơi game bằng Iphone 5 - những chức năng mà nhiều chiếc smart phone khác cũng hoàn toàn có thể đảm nhận. Thế nhưng, cậu em tôi vẫn kiên quyết phải mua bằng được Iphone 5 chứ không chịu dùng sang loại nào khác. Nhìn em, ôi cứ thầm ao ước, giá như trong những việc khác, như việc học chẳng hạn, em cũng kiên quyết được như thế.

iphone5chen-704862-8939.jpg


Giới trẻ ngày càng trở nên năng động và độc lập hơn trong cuộc sống. Thế nên, chuyện chăm chỉ đi làm thêm, mua đồ công nghệ đắt tiền, đi phượt thăm thú đó đây không phải là chuyện lạ. Tôi đã từng gặp, không ít lần, những cậu bé vác theo những chiếc máy ảnh CANON hay NIKON, dòng máy cho dân chuyên nghiệp, to lớn cồng kềnh đến những địa điểm đẹp trong thành phố để chụp ảnh cho bạn bè. Tôi cũng thấy tràn lan trên các trang facebook của bạn bè mình hình ảnh về những chuyến lang thang, rong ruổi từ rừng đến biển. Những người lớn tuổi nhìn thấy cũng chỉ gật gù: “Tụi trẻ ngày nay sướng thật đấy. Thích làm gì thì làm, mua gì thì mua”. Nhưng đôi lúc tôi vẫn cứ tự hỏi, không hiểu tất cả những đồ công nghệ đắt tiền và những chuyến đi hào hứng ấy thực ra, là để làm gì?

***************

Tôi thích học ngoại ngữ. Nói chính xác hơn, tôi cần học ngoại ngữ để giúp ích cho công việc tương lai. Thế là sau những giờ học chính trên giảng đường, tôi đăng ký học một lớp ngoại ngữ ở trung tâm có tiếng. Lớp tôi hầu hết đều là các anh chị bắt đầu đi làm. Hầu như mọi người đều đã có những trải nghiệm và nhận thức nhất định về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong công việc nên đều có tinh thần học tập rất cầu thị. Chỉ riêng có một bạn sinh viên năm hai đi học bữa có bữa không. Buổi đầu tiên, khi giới thiệu về sở thích cá nhân, tôi đặt cho bạn câu hỏi: “Bạn có thích học ngoại ngữ không?”, câu trả lời là: “Không”. Bạn giải thích, bạn đi học chỉ để giữa năm thi lấy chứng chỉ quốc tế, sau này ra trường cho đẹp hồ sơ xin việc, không cần biết rằng, với công việc tương lai của bạn thì chứng chỉ quốc tế kia có vẻ không phù hợp.

Mục đích học ngoại ngữ của bạn là để lấy chứng chỉ. Trong khi đó, thầy giáo tôi luôn căn dặn, việc rèn luyện kỹ năng để đạt điểm cao trong các kỳ thi lấy bằng cấp quốc tế thực chất là hướng thí sinh đến khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát, thành thạo như người bản xứ. Hay nói cách khác, bằng cấp không phải là mục tiêu chính của những người học như chúng tôi. Mục tiêu cuối cùng phải là khả năng vận dụng ngoại ngữ trong học tập, trong công việc hay cuộc sống chứ không phải chỉ lầ một tờ giấy có ghi họ tên và khả năng được chứng nhận bởi một tổ chức có tên tuổi đi chăng nữa.

Từ cô bạn đi học chỉ để thi lấy chứng chỉ, tôi chợt nhớ đến cậu em 9X của mình và những người bạn vẫn thường tự hào khoe những tấm ảnh từ những chuyến phượt của mình trên facebook.
Tôi vẫn chưa hỏi em mình, chiếc Iphone 5 có mang lại cho em một giá trị nào khác, lớn hơn một chiếc smart phone thông thường mà khiến em phải mệt nhọc? Liệu với chiếc điện thoại mà em mong ước ấy, em có làm được nhiều việc hơn, lớn khôn hơn hay em vẫn chỉ dùng toàn bộ thời gian rảnh rỗi để chơi trò chém hoa quả hay Angry bird? Hay, vì những thông tin được gửi đi từ chiếc điện thoại ấy luôn được đính kèm dòng chữ: “Send from my Iphone”?

Tôi vẫn chưa hỏi những người bạn của mình, trong chuyến đi lên Sapa, các bạn có thấy những em bé người H’mong đứng bên đường, tím tái trong gió lạnh? Có lẽ các bạn không thấy, vì trong những tấm ảnh được chụp lại bằng những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, các bạn vẫn cười rất tươi. Chỉ thấy thấp thoáng hình ảnh những em bé ấy ở phía xa, nụ cười kém tươi một tẹo. Các bạn khoe mình được thưởng thức đặc sản vùng miền, choàng lên người những tấm thổ cẩm rực rỡ và tươi tắn bên những tấm biển hiệu cây số, những cột mốc định vị. Nhưng chỉ cần tôi hỏi xin một câu ca dao hay một phong tục ở một miền đất các bạn đã đi qua thì chẳng ai cho tôi một câu trả lời rõ ràng. Nói chi đến việc cảm nhận và thẩm thấu những nét văn hóa đặc sắc ở những nơi các bạn từng dừng chân lại?

Trước khi đi phượt như các bạn, tôi cũng từng thích mê những chuyến đi. Cứ có dịp nào được khoác ba lô ra khỏi thành phố là tôi tham gia. Cho đến một ngày , đón tôi về sau chuyến đi mệt nhoài là câu phàn nàn của mẹ: “Mày đi chỉ để đi như vậy thôi hả con?” tôi mới giật mình. Hình như, tôi cũng giống lời mẹ nói. Đằng sau những xê dịch ồn ào, tôi chẳng giữ lại được gì cho mình hết. Chuyến đi nào cũng rộn ràng, cũng vui vẻ như nhau nhưng cũng thật nhạt nhẽo. Tôi bắt đầu dừng những chuyến đi xa và di chuyển chậm hơn trong thành phố. Tôi có thể dừng chân, ghi lại hình ảnh của cô bán hàng rong tất tả với gánh muối khi trời chuyển cơn mưa bằng chiếc máy ảnh du lịch. Tôi biết dừng lại, uống một chén trà nóng bên đường trong ngày gió mùa. Tôi cũng bắt đầu tỉ tê hỏi cách đan khăn len sao cho ấm của một bác trên phố lên Đinh Liệt. Cuộc sống cứ thế tràn vào tôi, nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Trong cuộc sống, ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho mình như là việc chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, liên hệ với bạn bè bằng chiếc điện thoại đời mới hay đánh dấu ngày tháng qua bằng những chuyến đi dài. Tuy nhiên, dù bằng cách này hay cách khác, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là sống một cuộc sống trọn vẹn, đúng nghĩa. Phương thức có thể khác nhau nhưng mục đích thì chỉ có một. Đáng tiếc là, nhiều người quên mất mục đích mà chỉ tập trung vào phương tiện. Để rồi, cứ thế, họ mệt nhoài khi chạy theo những giá trị ảo, khi mà phương tiện thay đổi từng ngày từng giờ mà quên mất rằng những trải nghiệm cuộc sống một cách chân thực mới là điều quý giá.
Đừng để mình nhẫm lẫn tai hại như vậy bạn nhé!

Sưu tầm
 
×
Quay lại
Top