Một nông dân ít học sắm vai Bao Công phá 256 vụ án

dALo

Kẻ lang thang đi ngang cuộc đời ...
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/4/2011
Bài viết
4.051
9 năm làm trưởng thôn, ông "thụ lý" 256 vụ kiện cáo và xử đều thành công mỹ mãn. Nhiều chuyện nhạy cảm, tất cả đều được ông đem ra họp dân để xử. Bởi như ông giải thích, việc làng, việc xóm, tất cả đều phải công khai minh bạch. Dân làng trân trọng gọi ông là "Bao Công làng" xử án! Ông là Lê Hồng Danh, 58 tuổi, trưởng thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

BAOCONG626.jpg
Những tấm giấy khen được treo trang trọng trong nhà ông Lê Hồng Danh

“EM VỢ SAI CŨNG XỬ NHƯ DÂN LÀNG”

Ông Danh không được học nhiều vì nhà nghèo, ở nhà cầm cày, cầm cuốc, nhưng với tính tình thẳng thắn, cương trực, lại sống chan hòa nên được bà con mến phục tín nhiệm bầu làm trưởng thôn suốt 9 năm nay.

Khi được hỏi vụ án nào đã thụ lý làm ông khó xử nhất trong hơn 9 năm làm trưởng thôn? Không chút đắn đo, ông Danh bắt đầu kể "vụ án" mà ông cho là đau đầu nhất. Đó là "vụ án" mà ông ngồi ghế chủ tọa để "xét xử" cô em vợ của mình cậy thế anh rể làm trưởng thôn nên làm càn.

Cách đây 2 năm, cô em vợ làm nhà, xây hàng rào lấn chiếm đường đi, lại còn đem đất đá đổ ra đường gây cản trở đi lại của bà con nhân dân trong làng. Nhiều người dân góp ý, vợ chồng cô em vợ ông trưởng thôn bỏ ngoài tai vì cứ nghĩ chẳng ai dám đụng đến. Không chịu nổi, bà con trong tổ đã viết đơn trình báo trưởng thôn Lê Hồng Danh.

Song, nhiều người dân nghĩ chắc ông trưởng thôn sẽ tìm cách bao che cho em vợ mình. Người dân trong thôn bảo nhau chờ xem ông trưởng thôn "xử" thế nào cho đúng. Đây cũng là dịp để thử lòng công minh, chính trực của vị trưởng thôn.

Ông Danh kể: "Nhận đơn buổi sáng, tui bỏ luôn cả buổi cày ở nhà đọc đơn và quyết định họp dân ngay vào tối hôm đó. Trong buổi họp dân để "xét xử em vợ", người dân trong thôn từ già, trẻ, gái, trai kéo nhau đến dự chật nhà sinh hoạt tổ.

Sau khi nghe kiến nghị của người dân và ý kiến đoàn thể, ông Danh phán quyết: "Cô Lan khi làm hàng rào đã lấn ra đường nửa mét, tôi có đến nhắc nhở và yêu cầu làm đúng diện tích đất của mình. Bữa ni có mặt toàn thể bà con ở đây, Ban nhân dân thôn yêu cầu ngay ngày mai cô phải có trách nhiệm dọn dẹp đất đá đã đổ ra đường để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đi lại của bà con. Nếu không dọn dẹp, lỡ gây ra tai nạn, cô Lan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Vậy ông có sợ mất lòng cô em vợ không? Không chút đắn đo, ông nói ngay: "Là công dân ai sai, vi phạm pháp luật đều bị xét xử như nhau. Pháp luật không phân biệt người nhà và người có quyền chức".

PHÁ ÁN NGOẠI TÌNH
Chuyện xảy ra cách đây hơn 3 năm, khi ông đi làm đồng về, chưa đến nhà có một phụ nữ cầm theo lá đơn tìm gặp ông và khóc bù lu bù loa: "Em tui đến nhà ông Ổi coi heo, vợ ổng nghi ngờ chi mà vác đòn gánh phang em tui ngất xỉu. Chuyện ni ông phải xử cho công bằng".

Đọc đơn, thấy tính chất vụ án nghiêm trọng, ông quăng cái cuốc vô bụi tre trước nhà rồi lên xóm trên tìm hiểu vụ việc. Người dân trong làng cung cấp thông tin cho ông rằng: Buổi sáng khi bà Ổi đang giữ trâu ngoài đồng thì thấy chị Mận gánh vôi ra ruộng. Thấy bà, cô vội vàng đổ vôi xuống ruộng rồi chạy về nhà.

Thấy thái độ cô Mận bất thường, nên bà Ổi theo dõi. Khi thấy chị Mận đi về hướng nhà bà. Bà Ổi cột trâu ngoài ruộng, tức tốc về nhà. Đến sân bà Ổi thấy ngay đôi quang gánh của cô Mận...

Đầu óc bà Ổi ù lên, sẵn chiếc đòn gánh của cô Mận ngoài sân, bà với lấy đạp cửa xông vào. Thấy cảnh tượng đang diễn ra trong nhà, bà Ổi phang liền cho Mận mấy cái. Nắm rõ sự tình, ông Danh thông báo trên loa phát thanh thôn mời bà con tối đó ra nhà sinh hoạt thôn họp giải quyết sự việc quan trọng.

Tối đó, bà con kéo đến rất đông để xem ông trưởng thôn xử án. Sau khi nêu rõ lại sự việc, ông Danh nghiêm giọng: "Trước hết, Ban nhân dân thôn phê bình cô Mận có quan hệ bất chính làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác. Đối với bà Ổi, do bức xúc mà đánh người. Nhưng bà cũng phải biết kiềm chế, nếu lỡ tay gây thương tích người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Riêng ông Ổi, đã có vợ con mà không đứng đắn trong quan hệ tình cảm, Ban nhân dân nghiêm khắc kiểm điểm ông trước toàn thôn. Mặt khác, ông Ổi phải chịu mọi chi phí thuốc thang cho cô Mận. Sẵn đây, yêu cầu ông Ổi và cô Mận cam kết trước nhân dân toàn thôn là từ nay không đi lại tòm tem với nhau nữa".

Ông Danh dứt lời, tiếng vỗ tay của bà con vang lên rần rần. Còn ông Ổi và chị Mận thì cúi mặt như biết lỗi của mình.

ĐIỀU TRA & CÔNG TÁC CẢM HÓA ĐỐI TƯỢNG XẤU
Vừa điều tra, vừa xét xử là chuyện thường ngày của ông trưởng thôn Danh. Nhưng chuyện ông điều tra án hình sự khi kể lại không khác chi chuyện công an phá án. Đầu năm ngoái, ông liên tục nhận được trình báo của bà con nhân dân trong thôn chuyện mất cắp gà xảy ra thường xuyên. Không những trộm gà mà chuyện ăn cắp vặt cũng đang là vấn đề nóng trong thôn.

Sau khi tiếp nhận đơn thư và trình báo của nhân dân, ông Danh bắt đầu tổ chức "điều tra". Suốt hơn 1 tuần theo dõi, ông Danh khoanh vùng và xác định một đối tượng khả nghi. Đợi đêm đến, ông Danh đem cuộn chỉ đen chăng ngang trước cổng nhà đối tượng mà ông nghi ngờ gây ra các vụ trộm gà.

Giữa khuya hôm đó, ông nhận được thông tin báo trong làng có nhà bị mất gà. Ngay lập tức ông cùng lực lượng dân phòng bí mật đến nhà đối tượng nghi vấn để kiểm tra thì thấy dây chỉ bị đứt, ông bảo: "Chẳng phải đi đâu xa, cứ phục ở đây là bắt được". Quả nhiên lát sau anh kia ôm gà về. Một dân phòng nôn nóng nhô đầu lên, anh kia phát hiện nên bỏ chạy. Mọi người bảo ông, như vậy là đã đủ chứng cứ, ngày mai mời anh ta ra thôn làm việc. Nhưng ông lắc đầu nói, vụ này để ông "xử".

Sáng hôm sau, ông Danh đến nhà anh trộm gà. Thấy ông, anh ta lúng túng vô cùng. Ông vô nhà ngồi rồi bình thản hỏi chuyện làm ăn, sinh sống của gia đình. Anh kia than nghèo kể khó. Ông gợi ý công việc này, chuyện làm nọ rồi tính đến việc vận động nhân dân trong thôn quyên góp hỗ trợ vốn cho gia đình anh làm kinh tế.

Trước khi đứng lên ra về, ông làm như vô tình, nhắc: "Xóm anh mất gà liên tục, tôi làm trưởng thôn nên có trách nhiệm đi nhắc từng nhà nên để ý bảo ban, đừng để thành viên trong gia đình làm chuyện xấu, tổn hại đến kinh tế người khác và khiến lối xóm nghi ngờ lẫn nhau".

Kể từ buổi sáng hôm đó, anh trộm gà quay sang lo tu chí làm ăn. Thôn xóm không còn chuyện trộm gà cũng như mất trộm vặt như trước nữa. Nhiều vụ án "hình sự" như vậy được ông Danh điều tra "phá án" nhanh hơn công an. Sau mỗi vụ án mà ông điều tra, xử lý đã cảm hóa được đối tượng, đảm bảo được an ninh trật tự trên địa bàn thôn ông quản lý.

Chừng ấy thời gian làm trưởng thôn, ông Lê Hồng Danh đã đứng ra xử lý và hòa giải thành công gần 300 vụ khiếu nại, tranh chấp. Vụ nào ông "xử", cả hai bên cũng đều đồng tình một cách tâm phục khẩu phục. Đó là chưa kể hàng trăm vụ việc uống rượu say gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thôn ông phụ trách.

Lãnh đạo xã Tam Mỹ Tây cho biết: "Trung bình mỗi thôn xảy ra khoảng 50 vụ khiếu nại/năm. Xã có 7 thôn, nếu tất cả đơn thư đều đùn hết lên xã thì không cách chi xử lý hết được. Nếu có được 7 trưởng thôn như ông Danh thì lãnh đạo xã không còn phải lo lắng nữa".

Với thành tích "xử án" của mình, ông Danh được chính quyền xã Tam Mỹ Tây và UBND huyện Núi Thành, Công an huyện Núi Thành tặng hàng chục giấy khen. Mô hình trưởng thôn của ông cũng được chọn để nhân rộng ra toàn huyện.
 
×
Quay lại
Top