Miền Tây cạn nước

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa miền Tây đang bị nước mặn và khô hạn bao vây. Trên nhiều nhánh sông, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào trong đất liền gần 50 km. Hàng chục ngàn ha lúa bị ảnh hưởng nặng. Nhiều nơi người dân không có nước ngọt để dùng.
116.000 đồng/m3 nước ngọt
Do nguồn nước ngầm trong khu vực bị nhiễm phèn, mặn rất nặng nên cứ vào mùa khô hằng năm, hơn 600 hộ dân ở ấp 3 và ấp 6 (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau) lại phải vừa lo chạy gạo, vừa lo... chạy nước. Năm nay, giá nước ngọt ở đây tăng theo giá xăng dầu, giá điện, nên nhiều hộ suốt cả mùa khô không ai được rửa mặt bằng nước sạch.


Năm nay nước mặn xâm nhập sớm hơn mọi năm, nên 5 công lúa của tôi bị lãnh đủ. Lúa trổ không đều, bị lép gần một nửa, chỉ có nước quăng cho gà vịt ăn - ông Bành Văn Hà, một nông dân ở ấp 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng)
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Danh Văn Tài, một người dân ở ấp 6, xã Khánh Lâm, cho biết “cứ bước vào mùa khô lại phải mua nước uống”. Ông Tài kể, năm trước, thời điểm này giá 1 can nước 30 lít chỉ có 2.000 đồng, nhưng năm nay dân “lái nước” nói do giá xăng dầu, giá điện đều tăng, nên giá nước ngọt cũng tăng lên 3.000- 3.500 đồng/can, có hôm lên đến 4.000 đồng/can. “Cứ khoảng 10 ngày, gia đình tôi phải mua 5 lu nước, trung bình mỗi lu là 6 can 30 lít. Tính ra mỗi tháng tốn hơn 300 ngàn đồng”, ông Tài nói.
Theo cách tính của ông Hữu Văn Minh, Phó ban nhân dân ấp 6, với giá 3.500 đồng/can 30 lít như hiện nay, tính ra giá nước ngọt năm nay đã lên đến 116.000 đồng/m3. Với giá cao như vậy thì hằng tháng bình quân mỗi gia đình trong ấp phải mất từ 300- 500 ngàn đồng mua nước ngọt sinh hoạt.

Tình cảnh “chạy nước” của bà Trương Thị Diễm (ở ấp 3) còn khổ hơn. Nhà bà có 3 người, nếu chỉ uống và nấu ăn thôi thì 2 tuần cũng hết 6 can 30 lít. Nhà nghèo, lo cái ăn đã khó, giờ lại phải chạy thêm tiền mua nước, càng khó hơn. “Chưa bao giờ vào mùa khô, nhà tôi dám dùng nước ngọt rửa mặt. Mọi người phải buông việc này, bắt việc kia để kiếm tiền mua nước uống, nhưng cũng chỉ đủ lo nước từng bữa, làm gì có tiền mua nước trữ. Bởi vậy, bữa nào người đổi nước ngọt kẹt việc gia đình không đi đổi, tôi lại phải chạy đi mượn nước về uống và nấu ăn”, bà Diễm than.
giengnuoc.jpg
Hiện nay, người dân ở khu vực Tà Lọt (xã Lê Trì, H.Tri Tôn, An Giang) hằng ngày phải đi vét nước giếng về sử dụng - Ảnh: Bảo Vân

Tại ấp 3, ông Trưởng ấp Dương Thanh Bé kể: “Nước ngọt mua về chỉ để uống, còn mọi sinh hoạt khác đều sử dụng nước dưới ao. Nhưng ao, đìa cạn dần nên nước bị vẩn đục, người dân phải múc từng thau nhỏ chứa vào lu chờ lắng trong để sử dụng. Nhà nào có đám tiệc thì tiền mua nước ngọt cũng muốn bằng phân nửa tiền đi chợ mua thực phẩm đãi khách”.
Trong khi đó, ông Tăng Văn Tập, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xã Khánh Lâm, có nhà ở ấp 6, cho biết các mạch nước ngầm ở khu vực này cũng đều bị nhiễm mặn rất nặng, độ mặn đo được tại các giếng lên đến 8‰, có nơi trên 10‰. Gia đình ông đã khoan 4 giếng nước, dù đã cố khoan sâu hơn lần trước nhưng nước ở các giếng này đều không sử dụng được.
Rừng khô, ruộng khát
Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn chẳng những khiến cho đời sống, sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL bị xáo trộn, mà còn là mối đe dọa đối với rừng và các cây trồng, vật nuôi khác, nhất là cây lúa.
mientaycannuocnb.jpg
Khô hạn khiến nhiều nông dân như ông Kim Hel, ấp Nước Mặn 3, xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng làm ruộng cơ cực, tốn kém hơn - Ảnh: Thanh Dũng

Vùng Bảy Núi - An Giang có hơn 9.600 ha rừng. Vào mùa khô này, những cánh rừng dọc theo tỉnh lộ 948 từ huyện Tịnh Biên sang huyện Tri Tôn đều đã nhuốm màu vàng úa. Theo cảnh báo của ngành kiểm lâm An Giang, hiện các cánh rừng trên khắp vùng Bảy Núi đều nằm trong cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ cháy cao. Trong đó, khu vực rừng Tà Lọt ven núi Cấm (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) là “điểm nóng” khô hạn. Hầu hết cây rừng ở đây đều rụng hết lá, tạo nên một thảm lá khô dưới chân rừng. Những người dân quanh khu vực này cho biết, thảm lá khô này là “mồi lửa” hết sức nguy hiểm, chỉ cần một tàn thuốc đánh rơi cũng có thể gây nên hỏa hoạn lớn.
Ông Lương Văn Liếng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết ngành kiểm lâm An Giang đã bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện túc trực phòng chống cháy rừng, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chống chọi với… giặc lửa!


Tại huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nông dân trồng hành tím đang đối mặt với nỗi lo mất mùa vì thiếu nước tưới. Không đủ nước, người dân phải khoan giếng sâu hơn và thức sớm hơn để tranh thủ lấy nước. Tình hình này đã diễn ra nhiều năm gần đây nhưng năm nay là căng thẳng nhất. Sở TN-MT tỉnh cho biết, mỗi năm mực nước ngầm của Vĩnh Châu giảm 30 - 40 cm. Do vậy việc bơm nước ngầm tưới cho hành ngày càng khó khăn hơn.

Tại Sóc Trăng, ông Bành Văn Hà, một nông dân ở ấp 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú, nói với chúng tôi: “Năm nay nước mặn xâm nhập sớm hơn mọi năm, nên 5 công lúa của tôi bị lãnh đủ. Lúa trổ không đều, bị lép gần một nửa, chỉ có nước quăng cho gà vịt ăn”. Tiếng là nằm dọc theo tuyến nam sông Hậu, nhưng nhà nông trên các cánh đồng của huyện này phải trông chờ nước ngọt đến mỏi mòn. Những mảnh ruộng khô nứt nẻ, những trà lúa trổ bông đang sắp héo khô vì thiếu nước ngọt cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, chúng tôi bắt gặp lão nông Kim Hên đang ngồi giữa cánh đồng nhìn đám lúa chỗ vàng, chỗ xanh. Năm nay ông trồng 25 công lúa, nhưng chỉ thu hoạch được 18 công, do nước dưới con kênh dẫn vào ruộng bị nhiễm mặn.

Cánh đồng ở ấp Nước Mặn 3 bị khô nặng hơn, đất dưới chân lúa đã bắt đầu nứt nẻ. Lão nông Nguyễn Văn Hải thở dài: “Mấy hôm trước trời chuyển mưa, ai cũng mừng hy vọng mưa lớn cứu lúa. Ai dè mưa rớt vài hột rồi ngưng luôn”. Theo ông Hải, lúa xuân hè sớm ở ấp này bị tổn thất nặng nhất ở xã Long Phú. “Nhìn đám lúa xanh tốt vậy, nhưng do thiếu nước nên bông trổ héo quắt, xem như bỏ quá một nửa. Tôi đoán, vụ này bị thất hơn 60% vì không ngờ xâm mặn xảy ra nhanh quá, người dân trở tay không kịp””, ông Hải chỉ đám lúa đang trổ bông, nói.
Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, tính đến giữa tháng 3.2011, riêng huyện Long Phú đã có hơn 55 ha lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, năng suất ước giảm từ 30 - 60%. Với tình trạng thời tiết nắng nóng như hiện nay, chắc chắn diện tích lúa bị ảnh hưởng mặn sẽ tăng nhanh từng ngày.


Giá nước ở vùng sâu cao gấp 28 lần thành phố
Ông Nguyễn Văn Nở, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước - công trình đô thị Cà Mau, cho biết hiện công ty đang bán nước với giá 4.100 đồng/m3 cho hộ sinh hoạt; hộ kinh doanh là 6.500 đồng/m3. Như vậy, nếu so sánh với giá nước giếng khoan ở ấp 3 và ấp 6, xã Khánh Lâm, thì bà con ở đây phải mua với giá cao gấp 28 lần so với nước mà Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước - công trình đô thị Cà Mau bán cho người dân ở thành phố. Trong khi đó, thu nhập của những hộ dân ở đây trông chờ vào vụ lúa trong năm do nguồn nước bị nhiễm phèn mặn nên khó trồng và nuôi được con gì để tăng thu nhập. Và nguồn nước mà bà con ở ấp 3 và 6 xã Khánh Lâm đang mua là nước giếng khoan, bơm trực tiếp lên để uống, không qua khâu xử lý nào.
G.B
 
Bỏ xứ vì nước mặn

Người dân ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt do bị khô hạn và xâm nhập mặn. Ở một số nơi, người dân đã phải bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống.
lua.jpg
Ông Thạch Phal ở xã Lương Hòa B (Châu Thành, Trà Vinh) có 2 thửa ruộng lúa hơn một tháng tuổi bị thiệt hại nặng vì hạn, mặn, phải bơm chuyền hàng trăm mét ống mới lấy được một ít nước cứu lúa Ảnh: Tiến Trình
Lúa chết khô
Hạn mặn đã chụp xuống các cánh đồng ở Trà Vinh khiến lúa chết “vàng đồng”; trong đó H.Trà Cú bị tổn thất nặng nề nhất. Nhiều nơi nhà nông nản lòng bỏ mặc cho lúa chết, bởi có gắng sức cứu chữa thì lúa vẫn cứ chết.
Dọc theo các cánh đồng Ngãi Xuyên, Tập Sơn... chỉ nghe tiếng thở dài của nhà nông. Những trà lúa trổ vàng đồng đã tới ngày gặt nhưng vắng tanh bóng người. Những cánh đồng lúa lép hạt rộng thinh, chim trời không buồn bay đến phá. Một số đám ruộng người ta mặc sức lùa gà vịt vào cho chúng... mót được hột nào hay hột đó.
Trên cánh đồng ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn, nông dân Thạch Na kiên nhẫn gặt từng bó lúa vàng đọt. Thạch Na cho biết anh làm ruộng 10 năm nhưng chưa thấy năm nào lúa chết khô như thế này. Hạt lúa không ngậm sữa, mọc lên thẳng đọt, lúa thấy trĩu bông nhưng rờ vào bông không có hột. Anh Na than cầm bó lúa vầy nhưng kiếm vài hột chắc hạt rất khó. Anh có 6 công đất nhưng vụ này thu được chưa tới 1 công. Trong khi đó chi phí cho mỗi công lúa, gồm phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống... không dưới 1 triệu đồng.
Cánh đồng ở xã Tập Sơn còn buồn hơn. Chị Thạch Thị Thại ôm thau lúa buồn so nói năm này cầm chắc nợ nần. Vụ này chị Thại làm 30 công, tới ngày thu hoạch chị chỉ biết nhìn ruộng lúa mà... thở dài. Trong khi cùng kỳ năm rồi, 1 công lúa thu được 750- 900 kg. Chị kể, lúc lấy nước từ kinh tưới lúa, thấy nước xanh lè, chị phát hoảng, vội tát nước trở ra. Mấy nông dân khác nói chị làm chuyện vô ích, bởi nước mặn đã ngấm vào đất, vào cây lúa thì tát nước ra làm gì uổng công. Năm nay 1 công lúa chị thu được chưa tới 100 kg. “Biết lúa hư nhưng bấm bụng gặt đại, về nhà đem chà ra được hột gạo nào hay hột đó”, chị Thại nói.
Phòng Nông nghiệp H.Trà Cú cho biết, năm nay lúa vụ 3 ở huyện này sạ trên 10 ngàn ha, nhưng do độ mặn tăng nhanh nên hạt lúa bị nhiễm mặn chết trên 70% và con số thiệt hại chưa dừng ở đó.
Rau màu xơ xác
Ông Huỳnh Đông Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh (H.Thạnh Phú, Bến Tre) buồn bã nói rằng nước mặn đã bức tử gần hết diện tích bắp lai của người dân trong xã. “Đến giờ thì toàn bộ diện tích 77 ha bắp bị nước mặn tấn công, thiệt hại từ 30 - 100% năng suất”, ông Hà nói.
Vùng Thới Thạnh không có nước ngầm, nguồn nước chính để nhà máy bơm xử lý đúng theo tiêu chuẩn nước sạch cấp cho dân được lấy từ hệ thống kênh Hương Mỹ - Vàm Đồn. Tuy nhiên, hệ thống kênh trục này chưa hoàn chỉnh nên mặn đã xâm nhập mạnh. Mặt khác, năm nay nước mặn xâm nhập sớm vào nội đồng là do 1 trong 3 cửa cống Cái Bần bị hư nhưng phía đơn vị quản lý chỉ sửa tạm cửa cống bằng gỗ. Mỗi khi đỉnh triều đầu tháng và giữa tháng dâng cao là nước mặn tha hồ theo cửa cống sửa tạm này tràn vào bên trong. Không chỉ rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng, mà gia súc, gia cầm cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong khi đó, những nhà vườn trồng cây cảnh và cây giống ở H.Chợ Lách (Bến Tre) cũng đang đau đầu vì hàng triệu cây cảnh không có nước ngọt để tưới.
Ông Huỳnh Văn Lâm (ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, Kế Sách, Sóc Trăng) cũng đang sốt ruột vì ruộng dưa hấu đã gần 10 ngày nay “khan” nước. Ông Lâm thuê 24 công đất trồng dưa hấu, nhưng gần nửa tháng nay, nước mặn đã có mặt trong con kênh tưới tiêu của nhiều hộ dân ở đây. Do đã có nhiều kinh nghiệm, nên khi thấy có nước đổi màu trong vắt, những hộ trồng dưa hấu ở Nhơn Mỹ đã ngưng không cho nước vào ruộng dưa. Ông Lâm thở dài: “Đà này, nếu nước mặn cứ lấn sâu thêm, không biết đám dưa có chịu thấu không nữa”.
Ông Vũ Bá Quan, Phó phòng Nông nghiệp Kế Sách cho biết, tuy địa phương này cách biển nhiều chục cây số, nhưng nước mặn đã xâm nhập sâu và sớm. Tại Nhơn Mỹ, độ mặn đo được đã 6,7‰, tại Kế Sách 5‰. Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Triều, Giám đốc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh nói rằng, độ mặn đo ngày 29.3 tại 3 cống lớn ở tỉnh này đều cao hơn năm trước nhiều lần. Cụ thể, tại cống Cái Hóp (H.Càng Long) là 6,5‰, cao hơn cùng kỳ hơn 3‰; tại cống Cần Chung (H.Tiểu Cần) lên đến 11,9‰, cao hơn cùng kỳ 5‰; tại Láng Thé (H.Càng Long) là 8,6‰. Theo dự báo trong tháng 4 sẽ là đỉnh điểm của việc xâm thực nước mặn vào nội đồng và độ mặn tại các cống sẽ tăng thêm 3-4‰ nữa...
Đi làm mang theo nước... rửa mặt
Hạn, mặn đã và đang khiến người dân nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL khốn đốn, nhưng có lẽ ở H.Tân Phú Đông (Tiền Giang) chịu nhiều xáo trộn hơn cả.
Là huyện cù lao nằm giáp với cửa biển, Tân Phú Đông có gần 3.000 ha đất trồng lúa hiện đã thu hoạch xong, không bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Chỉ có điều hoa màu ở đây luôn phải “nhập” từ đất liền và nước sinh hoạt thì luôn... thiếu. Mặc dù chỉ có hơn 40.000 dân nhưng đến nay Tân Phú Đông chỉ mới cung cấp nước sinh hoạt được cho khoảng 20% số hộ. Số còn lại thì phải tự cung cấp bằng lu, hồ, bồn chứa và lây lất chịu đựng cho đến mùa mưa. Cũng vì vậy mà mới vào đầu mùa khô nhưng ở một số vùng, người dân phải mua nước sinh hoạt do ghe chở tới bán với giá từ 40-50 ngàn đồng/m3.
Chính vì “tiền nước còn nhiều hơn tiền gạo” nên mỗi năm vào mùa nắng có hơn 10.000 người dân ở đây phải đóng cửa, bỏ nhà đi tha phương kiếm sống. Thậm chí, vì nước mặn nên rất nhiều người phải bỏ xứ đi luôn. Năm ngoái, các công chức trong huyện có nhà ở đất liền, mỗi ngày đến nhiệm sở làm phải mang theo một can nước để rửa mặt!
Theo dự kiến, đến cuối tháng 4 thì 2 ao chứa nước Phú Thạnh và Phú Đông ở huyện này sẽ không còn nước. Hiện tỉnh đã cho thi công đường ống tạm dài 24 km nhằm dẫn nước từ hồ chứa 6 ha ở xã Tân Thới và đưa nước thô về 2 trạm cấp nước Phú Thạnh và Phú Đông để xử lý, cung cấp do dân.
 
Lạy trời, tội nghiệp bà con ở đó quá. giờ mình càng thấy nước thật đáng quí. nay phải dùng tiết kiệm nước thôi. trước giờ vẫn còn lãng phí nhìu quá!!
 
Ứng phó với hạn, mặn ở miền Tây
mien-Tay-thieu-nuoc.jpg

Các nhà khoa học cho rằng những công trình giữ nước ngọt ở ĐBSCL cần được xây dựng càng sớm càng tốt - Ảnh: T.Dũng
Hợp tác chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông
Nhiều nhà khoa học đã nhấn mạnh, sự suy kiệt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông do việc gia tăng sử dụng nước và đặc biệt là xây dựng một loạt các hồ thủy điện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạn nước, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL. Vì thế, một trong những giải pháp căn cơ nhất để đối phó với tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất VN, là cần tăng cường hợp tác trong quản lý và chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và hợp lý giữa các nước trên lưu vực sông Mê Kông. TS Tô Vân Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (QHTLMN), lưu ý: “Về lâu dài, VN cần liên kết, quản lý khai thác theo lưu vực sông trong khuôn khổ của hiệp định Mê Kông (MRC) với các nước ở thượng lưu”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện QHTLMN, để đảm bảo nguồn nước ngọt cho tất cả các vùng, ngoài việc phải triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp thì chúng ta rất cần chú trọng đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với các nước vùng thượng lưu trong việc chia sẻ hợp lý nguồn nước.
Xây các công trình trữ nước
Tất cả các nhà khoa học mà chúng tôi tham vấn đều cho rằng, giải pháp công trình chính là chìa khóa cốt tử của bài toán chống mặn xâm nhập, thích ứng với tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất ở ĐBSCL. Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó khoa Môi trường - Tài nguyên (MT-TN) thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), xây dựng các công trình tích trữ nước vốn đã rất dồi dào trong mùa nước nổi để có nước sử dụng trong mùa khô và giảm áp lực lấy nước từ các tuyến sông là việc nên làm và càng sớm càng tốt. Ông Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT Cần Thơ cho rằng trước hết cần phải xây dựng hồ chứa nước ở các địa phương. “Chúng ta không cần thiết và cũng không nên xây dựng những hồ chứa hoành tráng, mà từng phường, xã, ấp, xóm… có thể sử dụng mặt nước hiện có để bao giữ nước. Chỉ cần bao giữ 2,5% diện tích là có thể đủ nước cho địa phương sử dụng trong mùa khô”, ông Vinh hiến kế.
Là người đứng đầu Viện QHTLMN, đơn vị đang thực hiện xây dựng “Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, chúng ta vừa phải củng cố hệ thống đê biển, đê sông và kênh nội đồng vừa phải xây dựng các hệ thống cống để giữ nước cho khu vực này. Theo ông, ĐBSCL hiện chỉ còn 7 cửa sông. Cần nghiên cứu, xem xét những cửa nào lợi nhất về kinh tế, MT và cấp nước ngọt để đề xuất xây dựng công trình. “Hiện chúng ta đang triển khai xây dựng 2 hệ thống cống Cái Lớn và Cái Bé, dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thành. Từ 2015 - 2020 sẽ nghiên cứu xây dựng các cống trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Sau đó, tiếp tục đề xuất xây dựng một vài hệ thống nữa”, ông Anh nói.
Các nhà khoa học thuộc Viện Thủy lợi và MT (ĐH Thủy lợi) nhấn mạnh, tính đến năm 2100, theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ TN-MT, hệ thống công trình kiểm soát lũ đã được Chính phủ phê duyệt vẫn có thể phát huy được hiệu quả nếu được hoàn chỉnh và nâng cấp. Tuy vậy, phía Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và tây nam sông Hậu có thể phải bơm gạn hỗ trợ hoặc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ thích hợp. Cần phải nâng cấp, bổ sung để nối liền hệ thống kiểm soát triều, mặn với hệ thống ngăn, thoát lũ thành một hệ thống thống nhất. Hệ thống này sẽ vận hành theo hướng kiểm soát mặn và triều quanh năm kết hợp kiểm soát đầu và cuối lũ đối với vùng ngập sâu. Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và TGLX cần hoàn thiện các công trình đê, đảm bảo kiểm soát lũ từng phần. Ngoài ra, TGLX phải tăng cường các công trình thoát lũ ra biển Tây trong lũ chính vụ, ĐTM thì tăng cường các công trình điểu khiển nhằm rút lũ qua hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Trong tương lai cần nghiên cứu lấy nước ngọt cho các hệ thống ngọt hóa như nam Mang Thít, bắc Bến Tre, Quản Lộ - Phụng Hiệp từ sâu phía thượng nguồn hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Bán đảo Cà Mau: chuyển nước từ sông Hậu thông qua các kênh từ Ô Môn trở lên, ngăn sông Cái Lớn - Cái Bé. Lợi dụng thế triều cao đưa nước vào vùng bán đảo Cà Mau và từ kênh rạch vào các ô ruộng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm, các địa phương nên nghiên cứu thay đổi cơ cấu mùa vụ để “sống chung với hạn và mặn”. “Nếu trước đây trồng mỗi năm 3 vụ lúa thì bây giờ chúng ta nên tính tới chuyện trồng 2 vụ lúa xen canh với vụ màu. Các địa phương cần ưu tiên chọn những giống chịu được mặn, hạn, lũ... để bố trí trồng cho phù hợp.
TS Tô Vân Trường cho rằng, Bộ TN-MT cùng với Bộ NN-PTNT cần tăng cường công tác dự báo khả năng nguồn nước, xâm nhập mặn, giúp bà con nông dân bố trí, thay đổi thời vụ cây trồng phù hợp với thực tế. “Song song với việc nghiên cứu các giống lúa, cây trồng chịu hạn, chịu mặn, cần khuyến khích, tăng cường lúa vụ 3 ở vùng lũ ĐTM và TGLX để chủ động nguồn nước”, ông Trường nói.

Các địa phương chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất
Từ cuối năm 2010 đến nay Đồng Tháp đã đầu tư hơn 160 tỉ đồng thi công các trạm bơm điện, nhằm giảm thiểu tác hại của khô hạn. Tỉnh An Giang cũng đã đầu tư hơn 114 tỉ đồng để triển khai xây dựng 193 công trình để chủ động chống hạn...
Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, những năm qua địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất, đặc biệt ứng dụng trên cây lúa mang lại hiệu quả. “Khởi đầu từ chương trình “3 giảm - 3 tăng” rồi đến “1 phải - 5 giảm”. Theo đó, ngoài việc giảm lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lần phun xịt thuốc thì vấn đề được đặc biệt chú trọng là giảm nước tưới”, ông Thạnh nói.
Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện 17 cống ngăn mặn ven tuyến biển Tây và vùng TGLX được kiểm soát chặt, ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Ngoài ra, các địa phương ven biển đã triển khai tốt mô hình canh tác lúa - tôm xen canh và cho hiệu quả cao. Sau vụ tôm sẽ xuống giống trồng lúa và cây lúa sẽ cải tạo rửa mặn tốt để đất không bị bạc màu. Ngoài ra cũng tạo được những giống lúa chịu được độ mặn thích hợp với vùng đất này.


Đừng để miền Tây thiếu nước ngọt
Đó là mong mỏi của nhiều bạn đọc trước tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Tây.
Nhà nước cần hỗ trợ các nhà máy nước
Theo tôi được biết, hiện ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền Tây… các nhà máy nước cũng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do địa hình sông nước, việc bắt đường ống và các chi phí lắp đặt đẩy chi phí lên rất cao nên rất nhiều nhà máy bị thua lỗ. Bên cạnh đó, các hộ dân nơi đây có thói quen là sử dụng nước mưa, nước giếng để uống, tắm giặt thì xuống sông, kênh rạch nên rất ít mặn mà với việc sử dụng nước máy. Theo tôi, để tránh tình trạng này, Nhà nước nên bù lỗ cho các nhà máy nước ở khu vực này. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền để bà con thấy được lợi ích của việc sử dụng nước máy.
Ngô Thái Duy
(Q.Cái Răng, TP Cần Thơ)
Làm đê ngăn mặn
Tôi xin đề xuất ý tưởng hãy sớm tiến hành làm đê ngăn mặn và ngăn sự xâm thực của nước biển vào miền Tây. Hà Lan là nước sống và tồn tại được dưới mực nước biển thì tương lai của miền Tây lẽ nào bị ngập trong nước biển khi mà chúng ta hoàn toàn có khả năng thực hiện được việc đắp đê.
Văn Thành Minh
(Rạch Giá, Kiên Giang)
Rất dễ nhiễm bệnh
Tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến cảnh chị em phụ nữ ở các tỉnh bị khô hạn ở miền Tây phải dùng nước kênh rạch bị ô nhiễm để vệ sinh, tắm, giặt… Tôi hay tham gia các chương trình khám bệnh từ thiện về miền Tây và không quá ngạc nhiên khi rất nhiều chị em ở đây mắc các bệnh phụ khoa. Tôi luôn mong ước người dân nơi đây có được nguồn nước sạch, đã qua xử lý để sử dụng như ở các đô thị.
Bác sĩ Lương Thị Thu Nguyệt (Q.6, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
 
Khổ thật ........... nhìn ảnh ông Kim Hel mà thương quá ... da đen hơn cả da bò ...:KSV@17:
 
:KSV@17:Hic... Người miền tây đã nghèo nay còn nghèo hơn... không biết rồi sẽ ra sao........
 

Đừng để miền Tây thiếu nước ngọt
Đó là mong mỏi của nhiều bạn đọc trước tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Tây.
Nhà nước cần hỗ trợ các nhà máy nước
Theo tôi được biết, hiện ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền Tây… các nhà máy nước cũng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do địa hình sông nước, việc bắt đường ống và các chi phí lắp đặt đẩy chi phí lên rất cao nên rất nhiều nhà máy bị thua lỗ. Bên cạnh đó, các hộ dân nơi đây có thói quen là sử dụng nước mưa, nước giếng để uống, tắm giặt thì xuống sông, kênh rạch nên rất ít mặn mà với việc sử dụng nước máy. Theo tôi, để tránh tình trạng này, Nhà nước nên bù lỗ cho các nhà máy nước ở khu vực này. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền để bà con thấy được lợi ích của việc sử dụng nước máy.
Ngô Thái Duy
(Q.Cái Răng, TP Cần Thơ)
Rất dễ nhiễm bệnh
Tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến cảnh chị em phụ nữ ở các tỉnh bị khô hạn ở miền Tây phải dùng nước kênh rạch bị ô nhiễm để vệ sinh, tắm, giặt… Tôi hay tham gia các chương trình khám bệnh từ thiện về miền Tây và không quá ngạc nhiên khi rất nhiều chị em ở đây mắc các bệnh phụ khoa. Tôi luôn mong ước người dân nơi đây có được nguồn nước sạch, đã qua xử lý để sử dụng như ở các đô thị.
Bác sĩ Lương Thị Thu Nguyệt (Q.6, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Niềm mong mỏi lơn nhất có thể,là mong cho mọi người có đủ nước ngọt để dùng và sinh hoạt...:KSV@17:
 
×
Quay lại
Top Bottom