Lời nguyền - Biển nhựa sống

kinowars

Thành viên
Tham gia
8/2/2021
Bài viết
3
Tiểu thuyết giả tưởng “Biển nhựa sống - Lời nguyền” của tác giả Lê Xuân Khoa

“Biển nhựa sống - Lời nguyền” là tác phẩm mới nhất của Lê Xuân Khoa, ra mắt bạn đọc vào những ngày cuối cùng của năm 2020. Cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết giả tưởng, phiêu lưu được tác giả hướng tới đối tượng thanh thiếu niên và tất cả những ai đang giữ một tâm hồn thanh xuân. Đây là những trang sách vô cùng trẻ trung, tươi tắn, phù hợp với tâm sinh lý của giới trẻ hiện đại, thế hệ lớn lên cùng với truyện tranh, phim ảnh, trò chơi điện tử, những câu chuyện thần thoại và trào lưu siêu anh hù

Trong một thế giới tràn ngập phép màu và những điều huyền diệu, bạn đọc sẽ theo chân hai bác cháu hát rong Trùm Ngây và Tâm cùng con diều Mắc Cọp bước vào cuộc phiêu lưu từ miền Nam lên miền Bắc lục địa Thân Sên để tìm cách hóa giải một lời nguyền độc địa. Trên hành trình gian truân đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người, chúng ta sẽ được tận hưởng những giai điệu, lắng nghe những câu chuyện, chứng kiến những mảnh đời, để rồi dần dần khám phá ra các bí mật về “nhựa sống” cũng như thân phận của các nhân vật chính.

Nếu như bạn yêu thích dòng văn học giả tưởng như “Harry Potter”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn” hay “Trò chơi vương quyền” thì chắc chắn không thể bỏ qua “Biển nhựa sống - Lời nguyền” bởi những tình tiết ly kỳ, những trận chiến khốc liệt và gay cấn trong tác phẩm đủ sức khiến bạn choáng ngợp. Hành trình đầy lôi cuốn này được Lê Xuân Khoa thể hiện trong một thế giới độc đáo, rực rỡ sắc màu do anh sáng tạo ra với những đặc điểm, qui tắc riêng biệt, tỉ dụ như cách người ta truyền tin cho nhau bằng những đám mây phép thuật, cách họ đặt tên cho những mốc tuổi đánh dấu từng chặng của đời người, những loài sinh vật có một không hai được mô tả vô cùng chi tiế Tác giả đã phát huy rất tốt những yếu tố đặc trưng của thể loại giả tưởng, giống như cách mà J. R. R. Tolkien hay J. K. Rowling đã làm với những tác phẩm nổi tiếng kể trên. Đây có thể là nền móng để Lê Xuân Khoa xây dựng một vũ trụ của riêng mình, mở ra tầm nhìn cho những cuốn sách tiếp theo trong franchise “Biển nhựa sống”.

Ở những bước chân đầu tiên, chúng ta cảm nhận được không khí vui nhộn, mộng mơ đậm chất cổ tích. Để rồi càng đi sâu vào cuộc phiêu lưu, bạn sẽ càng nhận ra câu chuyện là một thiên anh hùng ca bi tráng ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về nhân sinh, về vũ trụ. Những triết lý đó không phô trương, đao to búa lớn mà được tác giả truyền tải cực kỳ mềm mại, tinh tế. Một trong những tinh thần chủ đạo của tác phẩm là hướng tới sự hài hòa của con người với tự nhiên. Điều này càng giá trị hơn sau một năm 2020 cả địa cầu bị bao phủ bởi bóng đen Covid. Không chỉ có thế, thời gian qua, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung còn liên tục phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của thiên tai, địch họa. Nói theo cách nào đó thì chúng là sự đáp trả của tự nhiên đối với con người, là hồi chuông gióng lên cho thái độ, cách hành xử thiếu trách nhiệm của con người với tự nhiên, với hành tinh mình đang sống.

“Biển nhựa sống - Lời nguyền” là bài ca về niềm hy vọng. Ở đó, các nhân vật liên tục phải đối mặt với những thử thách cam go của cuộc sống nhưng vẫn không đầu hàng, không chùn bước. Dẫu rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, dẫu xung quanh là đêm tối bịt bùng, họ vẫn hướng về phía trước để tìm kiếm ánh sáng, tìm kiếm những điều tốt đẹp. Các nhân vật từ chính đến phụ như Trùm Ngây, Tâm, Liên, Mạch Môn, Tê Giác, Ca Tá được khắc họa rõ nét, mỗi người mỗi vẻ, không trùng lặp giẫm chân lên nhau. Việc xây dựng tính cách và tâm lý chân thực cộng với lối kể chuyện tài tình của tác giả khiến người đọc như trực tiếp bước vào thế giới của các nhân vật và đồng cảm với họ. Chúng ta sẽ cười thật nhiều vì những tình huống, lời thoại hóm hỉnh xuyên suốt chặng đường, cũng có khi rớm nước mắt bởi những khoảnh khắc lắng đọng, thăng hoa của tình bạn, tình anh em, tình cảm gia đì

Liên quan đến âm nhạc, Lê Xuân Khoa luôn rất duyên khi đưa chủ đề này vào các trang viết. Nếu bối cảnh tiểu thuyết đầu tay “Lá rơi trong thành phố” là một bức tranh âm nhạc của những người trẻ trong xã hội Việt Nam đương đại thì sang đến “Biển nhựa sống - Lời nguyền”, hoạt động của giới phường trò, những người làm nghề ca xướng kiếm ăn trên lục địa Thân Sên cũng được anh miêu tả vô cùng sinh động và thú vị, tạo ra điểm nhấn cho tác phẩm.

Với 468 trang sách, “Biển nhựa sống - Lời nguyền” là một ấn phẩm khá dày dặn nhưng chẳng hề khiến người đọc mệt mỏi. Trái lại, mỗi trang sách là một trải nghiệm kỳ thú không làm uổng phí của bạn bất cứ phút giây nào. Bên cạnh nội dung ấn tượng và đột phá, những người thực hiện còn trau chuốt ấn phẩm khá tỉ mỉ về mặt hình thức, trình bày. Với tất cả những yếu tố trên, cuốn sách xứng đáng là món quà ý nghĩa cho bạn đọc nhân dịp Giáng sinh và mừng năm mới 2021.

VỀ TÁC GIẢ LÊ XUÂN KHOA

Lê Xuân Khoa là một nhà văn trẻ giàu nội lực và sức sáng tạo. Anh đã xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Lá rơi trong thành phố” (2013), chấp bút cho cuốn tiểu sử “Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du” (2015) và là dịch giả một số đầu sách của những bậc thầy tâm linh nổi tiếng thế giới như Osho, J. K Những tác phẩm anh trình làng đều được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá cao. Với vốn kiến thức phong phú, anh còn được biết đến như một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ, thường xuyên xuất hiện với vai trò host trong các chương trình, sự kiện về văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh là một trong những chủ xướng của phong trào đưa áo dài ngũ thân nam giới trở lại đời sống đương đại. Qua những cuốn sách của mình, anh luôn thể hiện được khả năng truyền tải nhiều thông điệp sâu xa, có sức nặng bằng những áng văn duyên dáng, linh hoạt và đầy cảm xúc.
 

Đính kèm

  • Bìa 3D_02.jpg
    Bìa 3D_02.jpg
    160,3 KB · Lượt xem: 20
Thình thịch... Thình thịch...
“AAAAAAAAAAAAAA...A...A...”
“Nhóc con, gắng lên! Thời gian không còn nhiều nữa.”
“...Ta...là ai?”

Chương 1: Người hát rong

“Ta chẳng qua là khách qua đường
Bập bẹ dăm ba tiếng địa phương
Đâu hiểu chuyện gì người ta nói
Vẫn nhăn răng giả bộ bình thường...”
Lời ca lạ lùng ấy cất lên đâu đó ngoài bãi chợ, những lời ca mà dân thị trấn Vỏ Hến chưa bao giờ được nghe. Một giọng nam trầm rất vang và sắc nét, lồng bên dưới là tiếng đàn tơ réo rắt. Một số người ở trong nhà ban đầu he hé cửa sổ, sau đó mở bung ra nghe cho rõ, rồi không thể kìm nén được trí tò mò, họ lũ lượt dắt nhau ra bãi chợ để nhìn tận mắt và nghe tận tai. Bãi chợ, một khoảng đất không quá vuông vắn, vốn đã nhộn nhịp nhất thị trấn giờ lại thêm phần đông đúc: người lớn, người nhỏ, và cả những con củ chuối đủ màu sắc, kích cỡ.
Củ chuối vốn là một đặc trưng của miền Nam Cò Lả. Chúng là loài động vật ăn cỏ, mình thuôn dài với cái đầu tròn trịa, hai tai lúc cụp lúc vểnh. Chúng đứng bằng hai chân, thích ngoáy mông, chiều cao trung bình cỡ ngang hông một người trưởng thành. Củ chuối hoang sống rất đông trong những cánh rừng kế bên thị trấn. Từ lâu đời, người dân nơi đây đã học được cách đưa chúng về làm bầu bạn trong các gia đình. Chúng chơi với trẻ con và có thể dắt người già đi dạo.
Điểm đặc biệt của thị trấn này là những căn nhà dạng vòm, toàn bộ lớp vỏ nhà được dệt từ một loại tơ màu xám bằng kỹ thuật vô cùng tinh xảo. Ngày xửa ngày xưa, khi thị trấn này mới là một ngôi làng nhỏ không có tên và người dân trong làng cũng chẳng thấy có lí do gì cần đặt tên cho làng của mình, một vị tướng dẫn quân tới đem theo những ân sủng của Hoàng đế. “Từ nay các ngươi là thần dân của vương quốc. Các ngươi sẽ được Hoàng đế bảo hộ. Làng của các ngươi cần một cái tên,” ông ta nói. Và ông ta tập hợp hết thảy già làng lại để đặt tên cho ngôi làng nhưng không thu được ý kiến nào khả dĩ bởi ai ai cũng cho là việc đặt tên làng thật kỳ quặc. “Sao làng chúng tôi phải đặt tên? Và thưa ông, Hoàng đế là gì? Vương quốc là gì?” Họ hỏi ngược lại. Vị tướng chặc lưỡi: “Những người này cần được giáo hóa. Họ phải biết thế giới ngoài kia rộng lớn đến nhường nào chứ không chỉ có những con củ chuối của họ.” Thế rồi một hôm, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, ông thấy những căn nhà vòm màu xám nom như một đống vỏ hến, ông bèn quyết định đặt tên cho ngôi làng là Vỏ Hến. Kể từ đó, ngôi làng mở rộng giao thương với các vùng lân cận, cho đến khi trở thành một thị trấn sầm uất như bây giờ...
Nơi đám đông đang tập trung là miếng đất nằm kế bên tiệm may Củ Chuối Đắm Đuối, một tiệm may có tiếng nhất nhì thị trấn. Dường như cả thị trấn đều kéo ra đây nghe hát. Tất cả những cành cây đủ cao và đủ cứng đã bị lũ choai choai chiếm cứ làm chỗ xem đắc địa. Chính ông chủ tiệm may Củ Chuối Đắm Đuối thì bám trên đỉnh một chồng vải ngất ngưởng, bà vợ ông bên dưới vừa ôm giữ cho chồng vải khỏi đổ vừa luôn mồm hỏi: “Đến lượt tôi chưa mình? Nốt bài này nhé!” Ông bèn gắt: “Bà trật tự lấy một khắc xem nào!” Một bé gái nhỏ xíu được mẹ cõng lên vai, mắt tròn xoe, dãi nhớt lòng thòng, trong khi chị nó thì được con củ chuối loắt choắt dẫn đường, tiến gần hơn bằng cách luồn bò dưới chân những bà con khác. Cuối cùng, nó cũng nhìn được người vừa kéo đàn vừa hát là một ông già tóc hoa râm, râu ria lởm chởm, ngồi cạnh một thanh niên mảnh khảnh tay gõ trống phách. Họ mặc những bộ quần áo làm từ một loại lá hoặc vỏ cây nào đó, đi những đôi giày bện bằng cỏ. Chàng thanh niên đeo một chiếc nón cùng chất liệu với bộ trang phục. Chiếc nón thứ hai, có lẽ của ông già, để ngửa trên mặt đất trước mặt họ. Một con diều được neo chặt vào vành nón, lơ lửng trên không. Cặp mắt con diều không ngừng chớp theo ánh mắt long lanh của những người xem, cái đuôi dài của nó thì phất phơ trong gió.
Giọng ông già lúc khoan lúc nhặt, hòa với tiếng đàn du dương cùng nhịp trống phách rất đỗi rộn ràng. Lời ca có chỗ mông lung, mơ hồ, lại có chỗ mộc mạc, hài hước làm bà con cười ròn rã. Ai nghe cũng thấy vui vẻ, mà được xem thì càng phấn trấn hơn.
“Họ là ai vậy?”
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy họ. Ắt hẳn họ từ nơi khác đến.”
“Hát hay ghê!”
“Tôi chưa bao giờ nghe những bài ca kỳ lạ này.”
Lạ mà lại không lạ. Từ khi chiến tranh xảy ra liên miên, nhiều người ở phương Bắc mất nhà cửa, gia đình li tán, phải tha phương cầu thực. Những người này có khi cũng thế... Ngay như tại Vỏ Hến, trai tráng nếu không ốm yếu bệnh tật thì đều bỏ đi xứ khác kiếm việc hoặc tòng quân, ở nhà chỉ còn lại chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
Ông già vừa hát xong một bài, đám đông hò reo tán thưởng. Con diều buộc trên cái nón không ngừng ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ mỗi khi có người bỏ vào nón vài tấm bánh hay chút ít trái cây.
“Bà đem cho người ta cái gì đi, chứ cứ ở đấy mà thưởng thức suông à?” Ông chủ tiệm may càu nhàu.
“Tôi chưa nấu gì cả, nhà chỉ còn mụp hôm qua thôi mình.” Bà vợ đáp.
“Này đừng! Mụp nguội thiu rồi, người ta đau bụng đấy.”
“Thế để tôi vào vườn trảy mấy quả lê.”
“Thôi, bà cho người ta bộ quần áo đi, những người này còn không có cả quần áo tử tế để mặc đấy.”
“Một bộ hả mình?”
“Cái bà này! Một bộ thì ai mặc ai đừng? Họ có hai người cơ mà. Hai bộ, một cho giai trẻ một cho ông già.”
“Tôi có trông thấy họ đâu mà mình cứ quát? Để tôi vào kho lấy.”
“Ừ, nhanh chân nhanh tay hộ cái!... Nhưng mà khoan! Bà làm tôi ngã bây giờ... Á!”
Bé gái hồi nãy cùng con củ chuối của nó đã bò tới sát trước mặt hai người hát rong. Trong lúc hấp tấp, nó vấp ngã, vô tình hất văng con củ chuối vào cây đàn trên tay ông già làm phát ra một tiếng “tong”.
“Hát nữa đi ạ! Đang hay mà.”
Đám đông giục giã. Ông già nhoẻn miệng cười, tay đỡ con củ chuối đứng dậy, mắt ra hiệu cho người đồng hành của mình. Tiếng đàn lại cất lên, lần này thì đến chàng thanh niên mảnh khảnh cất giọng. Giọng của cậu cao mà hơi đục, chứ không trong. So sánh cách hát chênh vênh của cậu với ông già có thể thấy ngay cậu còn đang trong giai đoạn học nghề.
“Ê cu, bao nhiêu tuổi rồi?” Một bà lão bỏ vài đồng Tiền vào nón và hỏi.
Chàng thanh niên đang hát giữa chừng nên ông già trả lời thay:
“Vừa tròn mười bảy xong bà ạ.”
Mọi người ồ lên:
“Eo ơi! Mười bảy mà còi thế này á?”
“Nhìn thì tưởng mười bốn mười lăm là cùng.”
“Vậy là sắp đủ Tuổi Tự lập rồi còn gì.”
Ở lục địa Thân Sên, người ta quan niệm mười tám là Tuổi Tự lập, hai mươi là Tuổi Trưởng thành, bốn mươi là Tuổi Đứng đắn, sáu mươi là Tuổi Viên mãn, tám mươi là Tuổi Phúc lạc, một trăm là Tuổi Trời đất. Xã hội loạn lạc, nhiều thiếu niên thậm chí thoát li gia đình từ mười hai, mười ba tuổi, còn để đến mười tám mà vẫn phụ thuộc cha mẹ thì là những trường hợp thật... e hèm.
Chàng thanh niên đỏ mặt, tay chân loắng ngoắng đánh lộn nhịp phách, giọng hơi lạc nhưng vẫn cố gắng tiếp tục bài ca dang dở. Sao hồi nãy ông bác già hát thì mọi người chăm chú đến mức chẳng buồn xì xào mà giờ lại nói lắm thế? Cảm tưởng như đám đông bắt đầu xao nhãng và tản ra, cậu lại càng luống cuống, hát câu nọ xọ câu kia, mặc dù chả ai phát hiện ngoại trừ ông bác già ngồi kế bên. Tay ông vẫn kéo đàn, nhìn sang chàng thanh niên mà miệng bật cười thành tiếng,
Hôm nay trời đẹp, gió hiu hiu, mây trắng chan hòa. Chàng thanh niên đang hát thì bỗng đâu một đám mây ngũ sắc là là bay đến đúng chỗ con diều phất phơ trên đầu cậu. Con diều tỏ vẻ ngỡ ngàng. Mây ngũ sắc là những đám mây được phù phép để lan truyền tin tức từ vùng này sang vùng khác, giữa các làng mạc, thị trấn với nhau. Những người thực hiện được phép thuật này thường phải có công phu tu tập, là các bậc hiền nhân, trưởng bối trong vùng. Diễn giải đúng và đầy đủ thông điệp từ các đám mây ngũ sắc cũng cần những người có năng lực tương tự.
“Tin từ Nắp Chai...” Cụ già lưng còng đứng ngoài rìa đám đông ngước nhìn lên đám mây ngũ sắc, đọc to cho mọi người cùng nghe. Cụ vốn là một trong những thành viên cao tuổi nhất của thị trấn, phải dùng một con củ chuối thuôn dài thay gậy chống để đi lại.
“Họ nói gì thưa cụ? Bên đó lại ngập lụt và cần ta tiếp tế hay sao?”
“Tê Giác...” Mặt cụ già biến sắc, giọng run rẩy làm cho con củ chuối cụ đang tì tay lên cũng lẩy bẩy theo. “Sơn tặc Tê Giác... đang đến...”
Vèo... Cụ chưa kịp dứt lời thì một vật gì đó vụt qua đánh tan đám mây ngũ sắc. Một mũi lao cắm phập vào thân cây phía sau khiến mấy thằng nhóc đang đứng trên cành cây hốt hoảng ngã nhào xuống đất. Con diều của hai người hát rong may sao né kịp nếu không nó đã bị mũi lao xé toạc. Ông già buông đàn, khẽ huýt sáo, con diều nhanh chóng hạ xuống và chui tọt vào tay áo ông. Chàng thanh niên bỏ lửng câu hát. Đám đông vây quanh bỗng chốc trở nên nhốn nháo với những tiếng kêu khóc của cả người lớn lẫn trẻ con.
Bao vây họ lúc này là một toán người lăm lăm khí giới, đeo mặt nạ hình đầu tê giác ba sừng. Chúng cưỡi trên lưng những con miêu mã, loài ngựa có đôi chân nhanh nhẹn và móng vuốt sắc nhọn tựa như mèo với khả năng di chuyển thần tốc trên nhiều địa hình, kể cả những mỏm núi hiểm trở hay những ngọn cây khẳng khiu. “Đây đích thị là bọn sơn tặc Tê Giác.” Chàng trai hát rong nhủ thầm. Dọc đường đến thị trấn Vỏ Hến, cậu đã nghe dân tình bàn tán khá nhiều về đảng cướp núi này. Phương Bắc thì chiến sự diễn ra, phương Nam thì người dân khốn đốn bởi lũ trộm cướp hoành hành quấy nhiễu.
Một tên cướp tung mình khỏi yên miêu mã, đá văng con củ chuối trong tay cụ già lưng còng và kề gươm vào cổ cụ:
“Tất cả câm mồm lại và quì xuống nguyên tại chỗ! Đứa nào chạy hoặc la lối, bọn tao giết!”
Người dân ở bãi chợ sợ hãi quì cả xuống. Nhưng trong thời điểm hoảng hốt đó, có những người lúng túng đến nỗi không biết phải quì như thế nào. Một vài đứa trẻ cứ ngoác mồm bù lu bù loa dù người lớn đã ôm chặt, thậm chí bịt miệng chúng lại. Lũ củ chuối thì không ngừng nhảy loi choi, và bọn sơn tặc Tê Giác chẳng ngần ngại vung kiếm chém chúng thành từng khúc như chém chuối. Ông chủ tiệm may Củ Chuối Đắm Đuối vẫn bám trên đỉnh chồng vải. Răng ông cắn chặt vào tấm vải trên cùng, miệng thở hổn hển. Bà vợ ông quì bên dưới, hai tay vẫn gắng giữ cho chồng vải cao ngất ngưởng khỏi đổ ập.
“Làm gì đó đi!” Tận tâm can chàng thanh niên, một ngọn lửa bùng lên hừng hực lan ra khắp th.ân thể. Từng thớ thịt cào xé từ bên trong như thể có một con quái thú muốn lột xác cậu để chui ra ngoài. Ngọn lửa đó cứ mỗi lúc một lớn thêm. Không! Bây giờ, cậu chính là ngọn lửa.
Đưa mắt sang ông già, cậu khẩn cầu một sự chỉ dẫn. Ông đáp lại bằng ánh mắt tinh anh, đặt một tay lên bụng mình và nói khẽ: “Thở!”
Chàng thanh niên nhắm mắt lại. Tất cả các giác quan của cậu dường như mở rộng khỏi những giới hạn của th.ân thể. Bằng cách nào đó, cậu quan sát được toàn cảnh bãi chợ từ trên không trung. Bọn Tê Giác có bảy tên. Chúng buộc miêu mã vào gốc cây. Hai tên đang khống chế đám đông, bao gồm cả tên kề gươm vào cổ cụ già lưng còng, còn năm tên thì lùng sục vào các cửa hàng, cửa hiệu, bắt các chủ tiệm giao Tiền.
“Có thế này thôi à?” Tiếng một tên cướp gầm gừ trong hiệu thuốc Một Củ Hai Chuối nằm kế bên tiệm may Củ Chuối Đắm Đuối.
“Tiệm chúng tôi nhỏ, chúng tôi bán cho bà con chỉ thu Tiền tượng trưng. Các người thấy lấy được gì cứ lấy.” Ông chủ hiệu thuốc đáp lại cứng cỏi.
Tiếng chum vại bị đập vỡ, đồ đạc bị quăng quật. Rồi người ta nghe thấy ông chủ hiệu thuốc chửi vào mặt tên cướp: “Đồ dã thú!”
Tên cướp lôi ông xềnh xệch từ trong nhà ra ngoài. Mặc kệ một nhóm người của hiệu thuốc van xin lạy lục, hắn vung đao lên và nói cho cả bãi chợ nghe thấy:
“Chúng mày nhìn gương thằng già này! Đầu chưa rơi thì cứ tưởng bọn tao nói chơi.”
Vào khoảnh khắc cả bãi chợ kinh hãi đón đợi thảm kịch, người ta bỗng nghe thấy tiếng kêu đinh tai: “Hí miao! Hí miao!...” Tên cướp khựng lại một nhịp, phát hiện ra những con miêu mã vốn bị buộc ở gốc cây đều đã đứt dây và đang phi tán loạn theo nhiều hướng. Chàng trai hát rong như một tia chớp phóng đến giật ông chủ hiệu thuốc khỏi tay tên cướp ngay trước khi một con miêu mã chồm cả hai chân lên ngực hắn.
Tên cướp đang kề gươm vào cổ cụ già lưng còng chưa kịp định thần thì cánh tay cầm gươm của hắn, rồi toàn bộ th.ân thể hắn đã bị quấn tít lấy bởi một sợi dây màu trắng mảnh dẻ. Đến khi hắn bị quăng xuống mặt đất, kêu lên một tiếng đau đớn thì người dân chung quanh mới nhận ra thứ vừa cho hắn đo ván chính là con diều của ông già hát rong.
Một con miêu mã khác vừa “hí miao” liên hồi vừa phi lên tận nóc tiệm bánh Củ Chuối Xinh đối diện hiệu thuốc. Tiệm bánh, giống như mọi ngôi nhà trong thị trấn, có dạng vòm và được dệt từ một loại tơ màu xám tạo ra lớp vỏ chắc chắn, đàn hổi, hất ngược con miêu mã về phía tên cướp đang cầm kiếm đứng trước đám đông. Tên cướp vừa ngoái cổ nhìn thì chàng trai hát rong ập đến, tung một quyền vào giữa mặt. Hắn nằm thẳng cẳng, kiếm tuột khỏi tay, chiếc mặt nạ đầu tê giác ba sừng vỡ làm hai mảnh để lộ ra một khuôn mặt còn khá trẻ. Chàng trai dùng chân gạt thanh kiếm sang bên. Một người đàn ông trung niên nhặt kiếm lên và khống chế lại tên cướp.
Những tên còn lại từ trong các cửa tiệm khác thấy động lần lượt chạy ra. Một tên va vào chồng vải trước cửa tiệm may Củ Chuối Đắm Đuối khiến mọi nỗ lực giữ thăng bằng của hai vợ chồng chủ tiệm trở nên vô nghĩa. Ông chồng từ trên cao rơi xuống, mở bung tấm vải, trùm lên đầu tên cướp, rồi giáng cả bàn tọa làm hắn ngã dúi dụi. Bà vợ thấy vậy bèn bồi thêm một bàn tọa thứ hai.
Tên thứ năm đeo chéo vai một túi Tiền vừa cướp được, thấy tình hình diễn biến bất lợi nên thủ thế phòng ngự, sẵn sàng tìm đường thoát thân. Cụ già lưng còng rút ra một cuộn tơ màu xám, chính là loại tơ dệt nên những ngôi nhà hình vòm đặc trưng của thị trấn Vỏ Hến này. Cụ ném cuộn tơ về phía tên cướp, miệng lẩm nhẩm thần chú. Trong nháy mắt, cuộn tơ biến thành một mạng nhện treo lơ lửng tên cướp giữa hai ngôi nhà. Hắn càng vùng vẫy thì sợi tơ càng thít chặt.
Ở một phía khác, tên cướp thứ sáu và thứ bảy tựa lưng vào nhau, tên thì múa thương, tên thì múa búa. Cụ già lưng còng nói lớn:
“Đầu hàng đi! Các ngươi không thoát được đâu.”
Hai tên cướp nhìn lại thì thấy người dân đã bao vây chúng với đủ thứ gậy gộc, cuốc xẻng, nồi niêu, xoong chảo... Vẻ mặt họ đã thôi sợ sệt mà chuyển sang bừng bừng khí thế. Thấy vậy, hai tên cướp đành buông vũ khí, chịu trói chung với đồng bọn.
Mặt nạ đầu tê giác bị gỡ hết ra. Đằng sau những chiếc mặt nạ là bảy gã đàn ông bằng xương bằng thịt.
“Chờ đã...” Một người thốt lên khi nhìn vào một trong bảy tên cướp. “Chẳng phải là thằng Đôn con bà Chậu đây sao?”
“Ô, quả thực... Bà Chậu ơi, ra đây mà xem!”
Một người đàn bà tóc tai rũ rượi, hớt hải rẽ đám đông đến trước mặt tên cướp:
“Mày... Thế này là sao hả Đôn?”
Hắn không nói gì, hướng ánh nhìn đi chỗ khác.
Cụ già lưng còng bảo mọi người:
“Chúng ta có rất nhiều việc cần làm. Phải chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc viếng thăm thô bạo hơn của chúng. Trước hết, hãy giao những tên này cho quan binh xử lý.”
“Tôi gọi quan binh cho!” Một phụ nữ nhanh nhẹn trèo lên lưng miêu mã phóng đi trong lúc những người khác chia nhau ra canh giữ bọn cướp. Lũ củ chuối thì nhảy nhót xung quanh.
“Quan binh? Thị trấn này có quan binh ư? Nếu thế thì nãy giờ họ ở đâu?” Chàng thanh niên xếp lại trống phách, nhủ thầm.
Ông già hát rong mếu máo bên cái nón đã rách đôi, mọi thứ trong nón đều dập nát:
“Ai chà ôi... Bữa chiều của ta... Nón của ta... Trời đổ mưa ta biết lấy gì che đầu?”
“Bọn Tê Giác này táo tợn quá!” Chàng trai nói trong lúc thu dọn những thứ vương vãi.
“Chúng táo tợn, nhưng ai làm nón của ta hỏng?”
Mặt chàng thanh niên dài thuỗn... Quả thực là trong lúc lao ra giải cứu cho ông chủ hiệu thuốc, cậu đã đạp trúng cái nón.
“Ta mà không nhanh tay thì con phá luôn cả đàn rồi.” Ông già ôm cây đàn tơ vào lòng, dùng vạt áo cẩn thận lau từng góc một.
“Ông bác già, là do con...” Chàng thanh niên tỏ vẻ hối lỗi. “Con sẽ sớm kiếm cho bác cái nón mới. Bác cứ dùng tạm nón của con đã nhé.”
Nói rồi cậu tháo chiếc nón trên lưng mình, đội lên đầu người đồng hành lớn tuổi.
“Chẳng còn thì giờ mà nấn ná ở đây đâu nhóc con.” Ông già cất cây đàn vào trong tay áo.
Hai bác cháu vừa sửa soạn xong xuôi thì cụ già lưng còng, ông chủ hiệu thuốc, vợ chồng chủ tiệm may... cùng một đám đông bước đến.
“Hai vị tráng sĩ...” Cụ già lưng còng đại diện lên tiếng, đám đông nhất loạt cúi mình. “Các vị là ân nhân của chúng tôi. Các vị có những bài ca tuyệt vời mà hôm nay vẫn còn dang dở... Chúng tôi mong được nghe những bài ca đó cất lên ở đây mỗi ngày. Nếu như các vị không còn nhà cửa, và... nếu các vị không chê thị trấn tồi tàn, chúng tôi xin phép dệt cho các vị một căn nhà, một căn nhà Vỏ Hến. Hãy coi chúng tôi là gia đình của các vị. Hãy ở lại đây với chúng tôi.”
Nhìn những gương mặt đôn hậu của người dân thị trấn, ông già hát rong trùng giọng:
“Chúng tôi không thể ở lại.”
Cụ già lưng còng tỏ ra ái ngại:
“À... Hình như tôi hơi đường đột rồi... Nhà trọ của chúng tôi tuy chẳng cao sang, vẫn luôn có một phòng để các vị tá túc đến khi nào các vị muốn. Hãy cứ dọn đồ vào đó đã...”
“Thưa cụ,” ông già hát rong nắm lấy tay cụ già lưng còng, “thật vinh hạnh cho chúng tôi khi được đàn hát phục vụ bà con giữa thị trấn xinh đẹp này. Nhưng mong cụ và bà con hiểu cho, chúng tôi đang có một việc hệ trọng cần phải tranh thủ thời gian...”
“Vậy...”
“Cái này,” ông già hát rong chỉ vào mấy bọc quà người dân đang cầm, “chắc là bà con muốn chúng tôi đem theo. Chúng tôi xin nhận một phần lương thực nhỏ cùng tấm lòng của bà con, còn lại xin bà con cất đi. Chúng tôi chỉ có hai người, lại đi bộ nên không thể mang nhiều.”
“Các vị định đi đâu?” Cụ già lưng còng lại hỏi.
“Thưa cụ, chúng tôi đi về phương Bắc.” Ông già hát rong trả lời.
“Phía Bắc Vỏ Hến là rừng Cóc Cáy trải dài đầy hiểm trở. Nếu muốn đi nhanh, các vị hãy dùng miêu mã.”
“Dạ, không cần đâu ạ.”
Đám đông rộ tiếng xì xào. Dường như ngoài những bài ca, hai người này còn cả tá điều kỳ lạ khác. Cụ già lưng còng ra hiệu cho mọi người trật tự rồi bảo:
“Nếu hai vị tráng sĩ nhất quyết đi ngay, chúng tôi không dám quấy quả. Chúng tôi có thể biết quí danh hai vị được không?”
“Xin gọi tôi là Trùm Ngây.” Ông già hát rong nghiêng mình.
Chàng thanh niên cứ đứng thộn bên cạnh. Ông già phải quay sang nhìn, cậu mới ấp úng:
“Con... tên là Tâm ạ.”
Khi quan binh đến tiếp nhận đám sơn tặc Tê Giác thì bác cháu người hát rong không còn ở đó nữa. Chỉ những lời ca, tiếng đàn của họ vẫn văng vẳng đâu đây bên những ngôi nhà dạng vòm.
 
Chương 2: Giọng nói bên trong

Rừng Cóc Cáy mở ra trước mắt họ sâu thăm thẳm. Rõ ràng là chẳng ai dại dột cuốc bộ xuyên qua khu rừng này. Thậm chí, nếu có phương tiện như xe, ngỗng hay miêu mã, nhiều người vẫn sẽ chọn cách đi vòng bên ngoài bìa rừng theo một tuyến đường rất dài, hơn là đâm thẳng vào khoảng xanh hun hút ấy.
Cây cao um tùm. Vòm lá che phần lớn bầu trời, chỉ để thảng hoặc những vạt nắng chiếu xuống nền cỏ ẩm tạo ra một không gian huyền ảo. Léc kéc... Rột roạt... Một cái bóng cựa quậy trong hốc cây trước khi phóng vút ra. Rồi hai, ba, bốn... Thật nhiều những cái bóng nảy tưng tưng từ gốc cây nọ sang gốc cây kia, từ mặt đất lên cành cao, từ cành cao xuống mặt đất.
“Củ chuối!” Chàng trai reo lên thích thú.
Đích thị là củ chuối chứ chẳng ai vào đây. Củ chuối rừng nhìn chung không béo tốt bằng củ chuối nhà nhưng rắn rỏi và lông xù hơn. Những cặp mắt hiền lành và tinh khôn của chúng thỉnh thoảng lại lóe lên trong bóng tối. Có những con còn non, chỉ bé bằng bàn tay, mặt mũi ngơ ngáo, được củ chuối bố hoặc mẹ đội lên đầu. Lại có những con già, phải nhờ những con trẻ hơn ủn đít cho đỡ chậm chạp... Nhưng sao chúng lại tán loạn lên vậy nhỉ?
“Ông bác già, con lại khiến chúng sợ ạ?” Tâm hoang mang hỏi Trùm Ngây.
“Chắc vậy. Con vẫn luôn làm ta sợ còn gì.” Ông già đáp.
Rồi như phát hiện thấy điều bất thường, ông ra hiệu cho chàng thanh niên núp vào một gốc cây to, im lặng quan sát. Cả khoảng rừng rung lắc tựa như có một cơn địa chấn, lá rụng xuống lả tả. Một đàn cáo lò xo, hơn chục con, với những cái đuôi đàn hồi, bật cực nhanh đuổi theo đám củ chuối.
“Nhóc con,” Trùm Ngây đặt bàn tay lên vai Tâm, “những trường hợp thế này, chúng ta sẽ không can thiệp.”
“Dạ... Đây là chuyện thường ngày của khu rừng.”
“Phải rồi. Con không thể ở đây suốt đời để che chở cho bầy củ chuối. Mà đàn cáo lò xo kia thì có vẻ đã nhịn đói lâu rồi...”
“Vâng, con hiểu.”
Tâm bấu chặt tay vào thân cây, nhìn đàn cáo lò xo vây ráp, vồ lấy những con củ chuối lẻ bầy. Củ chuối vùng vẫy, cất lên những tiếng kêu xé ruột trong lúc bị cáo lò xo xơi tái.
Một cặp củ chuối trẻ khỏe, vì phải thay nhau đội trên đầu đứa con sơ sinh nên mới tụt lại, bị năm con cáo lò xo ép chặt vào từ hai bên theo thế gọng kìm. Biết không thoát được, củ chuối bố dùng hết sức hất đứa con thơ văng đi xa nhất có thể, rồi cùng với bạn đời của nó trở thành thức ăn cho bọn cáo.
Củ chuối non lăn lông lốc trên thảm cỏ mà vẫn chẳng an toàn. Một con cáo sớm nhận ra nó bèn lừ lừ tiến lại. Củ chuối non chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với bố mẹ mình, giương cặp mắt trong veo lên nhìn sinh vật khác loài xa lạ. Con cáo lò xo ấy là một con cái, cũng đã làm mẹ, và nó không kết liễu củ chuối non ngay tức thì. Nó liếm láp củ chuối non, lưỡng lự không biết nên chén con mồi này luôn hay đem về làm quà cho con của nó ở nhà. Củ chuối non được liếm láp lại ra điều thích thú, cứ cọ cọ vào lông con cáo.
Ngay lúc đó, một con cáo lò xo khác, một con đực, to lớn hơn, hung hãn hơn, đã ghé cái mõm đầy nanh nhọn vào bên cạnh chực cướp khẩu phần ăn của con cáo cái. Con cáo cái hơi bị giật mình. Nó gầm ghừ mấy tiếng rồi buộc phải đi đến quyết định ăn con mồi thật nhanh nếu không thì mất trắng. Chỉ một cú đớp duy nhất của nó đủ khiến củ chuối non tắt thở. Và nó tung ra cú đớp chí mạng đó...
Nhưng cú đớp trúng vào thinh không. Con cáo đực kia đã nhanh mồm hơn nó chăng? Nó nhìn sang bên. Không, con cáo đực cũng đang đứng đực ra, lòng thòng dãi nhớt. Con mồi của nó đã biến đi đâu rồi không biết? Nó hít ngửi nền đất khắp xung quanh một cách vô vọng...
“Con xin lỗi.” Chàng thanh niên ôm củ chuối non trong lòng, áy náy nói với ông già.
Trùm Ngây khẽ mỉm cười.
Ra khỏi khoảng rừng rậm, họ đến một khu vực cây thưa hơn. Bầu trời cao lồng lộng gió. Hai người tạm buông hành lý, nghỉ chân.
“Đến giờ ăn rồi, Mắc Cọp.” Ông già giơ cánh tay. Từ trong tay áo ông, con diều thò mặt ra, cặp mắt còn ngái ngủ. Nhìn thấy bầu trời, nó bỗng chốc trở nên tươi tỉnh, bay tít lên cao chao liệng, uống lấy uống để từng ngụm gió, hít lấy hít để những tảng mây.
Trong lúc Trùm Ngây tung tăng thả diều thì Tâm nằm bò ra chơi với người bạn mới. Củ chuối non sau phút đầu rụt rè đã tíu tít ngoáy mông và nhảy loi choi quanh chân chàng thanh niên.
“Nào bé, ta làm quen nhé.” Cậu bế nó lên thủ thỉ. “Tớ là Tâm. Còn cậu, từ nay tớ gọi cậu là...”
“Ai chà,” Trùm Ngây sẵng giọng, “chúng ta không đem nó theo được đâu nhóc con.”
“Nó đã mất cả cha lẫn mẹ, không còn ai chăm sóc nữa mà bác.” Chàng thanh niên ỉu xìu.
“Chúng ta lo cho nó được ư? Ngày mai sẽ ra sao, ta còn chẳng biết. Và tại sao chúng ta phải rong ruổi thế này, con quên rồi à?”
“Dạ...” Tâm lí nhí đáp.
“Nó không phải trường hợp cá biệt. Cho dù không còn cha mẹ, được sống với đồng loại của nó vẫn tốt hơn. Nó phải học để quen với hoàn cảnh của mình.”
“Con hiểu rồi, ông bác già. Bác đợi con một lát.”
Chàng thanh niên vừa định quay gót thì ông bác già tháo cái nón đưa cho cậu:
“Nhanh chân lên. Và cầm lấy cái này của con đi. Nón của người khác ta thấy không quen, nó làm đầu ta ngứa ngáy suốt cả chiều nay rồi đấy.”
Tâm đem con củ chuối mồ côi vào khoảng rừng rậm rạp, mất một lúc để tìm ra chỗ bầy củ chuối đang ẩn náu. Thấy mấy con trưởng thành dáo dác đứng trông ba con non trong một hốc cây, cậu bèn nhẹ nhàng đặt củ chuối mồ côi vào đấy rồi rời đi.
Trời bắt đầu nổi giông. Mưa xuống. Tâm kéo cái nón từ lưng che lên đầu. Về đến chỗ Trùm Ngây, cậu thấy con diều Mắc Cọp bay là là bên trên che mưa cho ông, còn ông thì lẩm bẩm:
“Ai chà... Cái nón thân yêu của ta... May mà còn Mắc Cọp thương ta...”
Tối hôm ấy, sau khi họ hạ trại, nhóm lửa, nướng khoai, ông già sổ mũi và hắt hơi liên tục:
“Ai chà... Ta biết ngay mà...”
Ông thở dài làm cho chàng thanh niên cũng thở dài theo:
“Con sẽ sớm kiếm cho bác một cái nón mới.”
“Nhóc con này...” Đôi mắt ông già đăm chiêu sau đống lửa.
“Dạ?”
“Hôm nay ở thị trấn Vỏ Hến, ta đã rất sợ...”
“Bác sợ con không ngăn được bọn cướp, để chúng hại người dân ạ?”
“Không con ơi. Ta sợ gì chuyện đó đâu.” Trùm Ngây lắc đầu. “Ta sợ... đó không phải là con.”
Chàng thanh niên buông miếng khoai gặm dở, ngước nhìn ông già:
“Con luôn nghe lời bác, quan sát hơi thở từ đầu đến cuối.”
“Nhưng con vẫn chưa làm được. Hãy nhớ xem khi hát giữa bãi chợ, hơi thở của con rối loạn như thế nào? Khi bọn Tê Giác tới, ta chỉ lo chúng bị con ăn tươi nuốt sống...”
Tâm hơi sững lại, chẳng biết phải nói gì. Đúng thế thật, hôm nay cậu đã không giữ nổi bình tĩnh khi hát ở thị trấn Vỏ Hến. Cậu hát sai lời, lạc cả giọng... Xấu hổ quá đi thôi...
Trùm Ngây vươn vai:
“Ai chà, ta nghỉ đây. Phải tống tiễn cơn cảm cúm này trước sáng mai, hậu quả của việc hứng mưa không có nón đội. Con làm sao thì làm, mặt trời mọc là chúng ta lên đường.”
Nói đoạn ông ngồi xếp bằng bên đống lửa, mắt nhắm nghiền, im lặng như một bức tượng. Ông sẽ ngồi nguyên như thế suốt đêm.
“Ông bác già ngủ ngon!”
Chàng thanh niên đứng dậy, hít một hơi sâu, bước ra khỏi vùng sáng của đống lửa. Trong bóng đêm, giữa mênh mông hoang vắng, cậu buông lỏng, cho phép mọi giác quan mở rộng khỏi giới hạn th.ân thể. Cậu bật lên không, lao vun vút trong gió, đạp lên những cành cây, lướt qua nơi voi túi đang nằm, khỉ lốc đang ẵm con, chim hai mỏ đang ấp trứng... Cậu vuốt lưng chim mẹ mà nó chẳng hề hay biết.
Cậu đi tìm cây tai tần. Trong khu rừng này nhất định có cây tai tần... Nghe âm thanh của dòng suối, cậu lần ngược về phía mà chiều nay trên đường đi cậu đã nhìn thấy một con chim tha một xác lá tai tần về làm tổ. Quả không sai, sau một hồi lần mò, cậu đánh hơi thấy mùi của cây tai tần. Nó dẫn cậu leo lên một triền núi.
“Mày đây rồi.”
Vén màn sương mát lạnh, cậu thấy cây tai tần đứng lừng lững giữa lưng chừng núi. Màn sương chính do lớp vỏ cây tiết ra. Ngay từ lúc vừa đâm chồi khỏi một hạt mầm bé mọn, tai tần đã liên tục “vã mồ hôi” để làm mát và tự tạo ra một môi trường tối ưu, cho phép nó sinh trưởng tới kích cỡ ngoại hạng. Lớp “mồ hôi” bảo vệ nó trước lũ sâu bọ cùng một số loài chim, tỉ dụ như chim cơ-tuốc, vốn nghiện ăn lá tai tần non, cho đến khi cây đạt tới một kích thước đủ an toàn. Sâu bọ hít phải hơi sương sẽ trở nên u mê chậm chạp, màn sương đồng thời là một tấm màn ảo ảnh khiến các loài động vật không thể trông thấy cây bằng mắt thường. Thân cây dày đến nỗi nếu rỗng ruột thì bên trong rộng rãi ngang một căn biệt thự, ngọn cây cao tựa một đỉnh tháp chạm chân mây, tán lá có lẽ che phủ toàn bộ ngọn núi ấy. Hầu hết lá tai tần lớn hơn cơ thể người trưởng thành. Đây đó, chàng thanh niên trông thấy những con sâu ngoại cỡ bò lổm ngổm. Cậu nhún từ lá thấp nhảy lên lá cao, cuối cùng cũng lên tới ngọn.
Chao ôi! Trăng đêm nay mê li xiết bao, tròn căng và lung linh. Trăng nhuộm cả cánh rừng trải ra trước mắt cậu thành một thảm xanh ngả sang sắc tím.
“Nhanh nào!”
Chàng thanh niên tự nhắc mình, trước khi bị vẻ quyến rũ của thiên nhiên ru vào mộng mị. Cậu chọn được một cái lá tai tần ưng ý, cái lá non mới nhú chưa bao lâu nên không quá dày và quá to. Cậu cuộn nó thành hình chiếc nón rồi rút kim chỉ trong người ra khâu lại. Xong xuôi, cậu nhủ thầm:
“Ông bác già chắc chắn bất ngờ lắm đấy.”
Tiếp theo là chờ đợi. Sáng sớm mai, khi những giọt sương sớm đọng đầy trong lòng nón là lúc những chỗ cố định tạm thời bằng chỉ sẽ được cây tai tần hàn lại hoàn toàn, cậu sẽ rút chỉ và ngắt nón ra khỏi cây. Giờ thì cậu có thể ngủ ngay tại đây, dưới ánh trăng tím đượm. Ngày đầu tiên trong rừng Cóc Cáy chưa xảy ra chuyện gì bất trắc, thậm chí lại còn thú vị là đằng khác. Thật thư thái, cậu buông mình trên một chiếc lá to và thiếp đi...
Rầm rập...
Có âm thanh gì đó... Tâm ngồi dậy. Âm thanh đó là thật. Cậu không buồn ngủ nữa, và trí tò mò dẫn dắt cậu thử đi khám phá xem âm thanh đó là gì. Trườn xuống những tầng lá thấp hơn, chẳng mấy khó khăn, cậu trông thấy một toán người đốt đuốc, cưỡi miêu mã chạy trên sườn núi. Cậu phóng thị lực tới gần và ngỡ ngàng nhận ra cả toán người này đều nhất loạt đeo mặt nạ tê giác ba sừng.
“Bọn sơn tặc...” Người cậu có dấu hiệu nóng lên, nhưng nhớ lời ông bác già, cậu chậm rãi thở sâu. “Chúng đi đâu vậy? Thôi, dù sao đó cũng không phải việc của mình. Mình không liên quan gì đến chúng nữa.” Chàng thanh niên tự nhủ. “Nhưng... Nhưng nếu có người sắp bị chúng hại thì sao?”
Rốt cục, cậu bám theo bọn cướp.
Qua một đoạn đường ngoằn ngoèo hết xuống lại lên, xuyên qua mấy lần hang tối, đến một vách đá cao chót vót, toán cướp đột nhiên mất dạng. Tâm dụi mắt. Lũ Tê Giác này xuất quỉ nhập thần đến thế ư? Hay chúng đã phát hiện ra bị cậu bám đuôi nên bày trận phục kích? Nếu quả thực như vậy, toán cướp này sẽ khó đối phó hơn nhiều đồng bọn của chúng mà cậu đụng độ sáng nay ở thị trấn Vỏ Hến.
Tâm rón rén bước về phía trước trong trạng thái đề phòng cao độ. Ngón tay cậu chạm vào một màn sương mát lạnh... Không thể tin được, một cây tai tần! Đó đích thị là một cây tai tần nữa. Cái cây hiện ra trước mắt Tâm như một cây nấm khổng lồ. Cây này thấp hơn nhiều so với cây hồi nãy cậu lấy lá làm nón, chỉ có khoảng bốn đến năm tầng lá, nhưng bề ngang thân cây thì phình to gấp mấy lần.
Chui qua một cánh cửa cũng có dạng đầu tê giác ba sừng khoét trên thân cây, cậu lọt vào một không gian sáng choang đèn đuốc, nơi bọn sơn tặc, mấy mươi tên khí giới lăm lăm, đang xếp thành những hàng dài. Mặt nạ tê giác ba sừng được chúng hạ xuống trước ngực để lộ ra những bộ mặt thật. Tất cả đều là đàn ông, từ trẻ đến trung niên.
“Căn phòng” rộng lớn ấy giống như đại sảnh của cả sào huyệt bí mật, có những cánh cửa dẫn sang những không gian khác. Toán cướp mà Tâm bám đuôi sau khi nhốt miêu mã của chúng vào một căn buồng bên cạnh bèn nhanh chóng nhập vào hàng ngũ. Quân số đã đủ, hai tên cướp ở phía sau đóng cửa chính lại. Vậy là chúng có tất thảy bốn mươi hai tên, xếp làm sáu hàng dọc, mỗi hàng vừa đúng bảy tên. Giữa hàng thứ tư và thứ năm từ trái sang có một khoảng trống như để dành chỗ cho một hàng nữa chưa kịp có mặt.
“Đội số 3 đâu? Cả đám ngủ quên chắc?”
“Chúng nó bị tóm rồi.” Tên nào đó nói.
“Gì cơ?” Bọn cướp nhìn nhau dáo dác.
Một tên râu xồm, lực lưỡng gấp ba người bình thường hùng hổ bước ra trước đông đảo bọn cướp. Mình hắn vận giáp, tay chống xuống đất một thanh đao to bản. Cả áo giáp lẫn chuôi đao đều khắc những họa tiết hình tê giác ba sừng. Đám đông lập tức đồng thanh:
“Đại vương vạn tuế!”
“Các anh em...” Tên tướng cướp giơ tay ra hiệu cho đám thuộc hạ lắng lại, cặp mắt long lên sòng sọc. “Đội số 3 ngày hôm nay đã gặp nạn ở Vỏ Hến. Đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Lũ ông già bà cả dám phản kháng lại, với sự trợ giúp của một vài tên lạ mặt.”
Đám lâu la rộ tiếng xì xào:
“Ôi mẹ ơi, đội số 3 là đội thiện chiến nhất kia mà. Sao có thể?”
“Những tên lạ mặt là ai thế? Bọn quan binh ở đó thì củ chuối còn chả dám bắt chứ đời nào dám đụng vào Tê Giác chúng ta?”
Tên tướng cướp gõ chuôi đao xuống đất hai cái, lũ lâu la vội vàng im bặt:
“Theo như thông tin ta mới nhận được, một đạo quân của Mạch Môn đang trên đường đến Vỏ Hến để áp giải những người anh em của chúng ta. Sáng sớm mai chúng sẽ đến nơi. Vì thế,” hắn vung lưỡi đao sắc lẹm lên, “ta cùng các anh em sẽ đi giải cứu họ ngay bây giờ, bằng mọi giá, cho dù phải đánh đổi bằng máu, cho dù phải lậc tung cả cái vỏ hến cuối cùng...”
“Đại vương vạn tuế! Đại vương vạn tuế!” Tất cả đám cướp hò reo hưởng ứng.
Giữa lúc sĩ khí dâng cao, một tên cướp bỗng giơ tay xin ý kiến:
“Nhưng thưa Đại vương, đó là quê hương tôi.”
“Cả tôi nữa ạ. Mẹ và ông tôi vẫn đang sống ở đó.” Một tên khác gãi đầu.
Bọn cướp lúng túng nhìn nhau, Đại vương Tê Giác lớn giọng:
“Ngươi có nhớ lời thề khi xin đứng vào ngọn cờ của ta không?”
“Dạ nhớ, thưa Đại vương.” Tên cướp kia ấp úng.
“Nhắc lại ta nghe!”
“Dạ, tôi xin thề xả thân vì Đại vương, vì những người anh em Tê Giác, chống lại triều đình thối nát. Dù phải chết hay bị thương, dù không có nhà mà phải ra đường, dù không có mụp để ăn cũng không một chút băn khoăn. Nếu như sai lời, tôi sẽ làm mồi cho giao long hoặc hóa thành ngỗng, lợn.”
“Tốt. Vậy các ngươi còn gì băn khoăn nữa không?”
“Dạ hết rồi, thưa Đại vương.”
“Uống một hớp rượu rồi lên đường!”
Tên tướng cướp lệnh cho thuộc hạ mang tới một cái bình lớn. Bắt đầu từ hắn, rồi lần lượt từng tên cướp dốc một ít rượu thẳng từ bình vào mồm.
“Đại vương vạn tuế! Đại vương vạn tuế!” Bọn cướp liên tục hô hào rúng động cả lõi của cây tai tần.
Tâm nấp một góc quan sát, khẽ rùng mình: “Chúng định tàn sát cả thị trấn Vỏ Hến ư? Quân dã thú! Chuyện đến nước này... đều do ta cả. Biển nhựa sống ơi! Lẽ ra có thể chỉ một hay vài người bị chúng hại thôi, chứ không phải là cả thị trấn. Ta tự dưng xen vào chuyện không phải của mình... Giờ thì phải làm sao?”
th.ân thể cậu nóng rực như lò lửa, căng đầu suy tính phương cách. Khí giới của bọn sơn tặc sáng lấp lóa làm lòng cậu thêm rối bời. Chẳng trông cậy được gì vào quan binh của thị trấn Vỏ Hến rồi, dân lành làm sao chống chọi lại được lũ cướp hung hãn? Giờ cậu quay lại gọi ông bác già thì trễ mất.
Chỉ còn một cách...
“Chỉ còn một cách... Nhưng sức ta liệu có đủ để đối chọi với tất cả bọn chúng?” Chàng thanh niên tự vấn.
“Ngươi làm được.” Một giọng nói khác vang lên trong đầu cậu đầy dứt khoát.
“Vậy thì ta ra tay trước.” Chàng thanh niên thét lên, nhựa sống bên trong cậu như núi lửa phun trào.
Tiếng thét làm giật mình cả mấy chục tên cướp. Tên tướng cướp nhìn xuống, thấy một cái bóng thoăn thoắt chạy dích dắc xuyên qua đội ngũ anh em của hắn. Bọn cướp la thất thanh, đổ rạp từ hàng nọ đến hàng kia, binh khí rụng lẻng xẻng. Điểm cuối của liên hoàn đòn là một cú đấm làm cái bình vỡ vụn, rượu vãi tung tóe xuống sàn. Chỉ chớp nhoáng, toàn bộ đội quân Tê Giác, ngoại trừ “Đại vương”, đã nằm gục, rên rỉ sau lưng Tâm.
Đại vương Tê Giác chết sững trong giây lát:
“Ngươi... là ai?”
“Tao là người đã bắt hết bọn quân của mày sáng nay đây. Và băng cướp hèn hạ của mày cũng sẽ bị xóa sổ luôn bây giờ.”
“Mày... muốn... chết... kiểu gì?” Tên tướng cướp gằn từng tiếng một.
Lưỡi đao phạt tới như chớp giật, Tâm gập bụng né kịp nhưng bị kình lực đẩy lui về phía sau mấy chục bước. Đại vương Tê Giác hẳn là khác một trời một vực so với đám lâu la của hắn. Chàng thanh niên vừa kịp nhặt một thanh kiếm dưới đất thì hắn đã sáp lại. Hai vũ khí va chạm nhau được năm lần thì cậu bị hắn hất văng kiếm. Cánh tay cậu tê dại. Lần này, lưỡi đao của tên tướng cướp đã sượt qua yết hầu cậu, Tâm thoát chết trong gang tấc. Ngay khoảnh khắc ấy, cậu tìm thấy một khoảng trống giữa hai cẳng chân hắn, bèn trượt ra phía sau lưng. Cậu gạt trụ, rồi lộn người tung một cước vào chuôi đao làm nó vuột khỏi tay “Đại vương”, cắm phập vào cánh cửa.
Tâm bật dậy cực nhanh, cảm thấy tự tin khi địch thủ không còn vũ khí. Tên tướng cướp liên tiếp giáng những cú đấm như búa bổ nhưng cậu né được hết. Mải mê tấn công, hắn lộ ra sơ hở để cậu tung một quyền trúng ngực. Nhưng hắn chẳng mảy may xê xích còn chàng thanh niên thì bị dội ngược lại phía sau.
“Tao xé xác mày!” Tên tướng cướp tru lên như một con thú.
Tiếng gầm của hắn đã kinh khủng nhưng điều kinh khủng thực sự là khi hắn chụm hai bàn tay vào nhau và bổ một cú trời giáng xuống mặt sàn. Đám lâu la đang nằm dưới sàn đồng loạt thét lớn và nẩy tung lên không. Bầy miêu mã ở căn phòng bên kia “hí miao” inh hỏi. Toàn bộ cây tai tần..., ồ không, phải là toàn bộ ngọn núi mà cây tai tần đứng trên đó, rung chuyển dữ dội. Và chỉ trong một tích tắc mất thăng bằng, chàng thanh niên bị Đại vương Tê Giác vồ lấy, đè xuống sàn bằng đôi tay rắn hơn thép.
Hai nắm đấm của tên tướng cướp không khác gì hai quả chùy liên tiếp thụi vào mặt chàng thanh niên. Máu chảy giàn giụa. Cậu nằm thẳng cẳng, thôi cựa quậy.
“Mày muốn chết kiểu gì?” Đại vương Tê Giác tự nhắc lại câu của hắn khi nãy, nhưng lần này nghe thật điên tiết.
Nên bóp cổ, bẻ đầu hay moi ruột thằng nhãi nhép này đây? Một lựa chọn nữa là đem nó ra tế cờ để lấy sĩ khí cho anh em. Nhưng... Hắn đảo mắt nhìn quanh, nhiều tay chân của hắn có lẽ đã không thể chịu nổi tuyệt chiêu chấn động vừa rồi. Thằng nhãi này chỉ đánh gục chúng tạm thời, còn chính hắn... chính hắn đã tiễn các anh em về với Biển nhựa sống. Bất giác, nước mắt hắn trào ra, hắn tru lên điên dại...
Trong lúc đó, Tâm không còn nghe thấy gì ở bên ngoài. Cậu chới với rơi vào một hố sâu vô tận. Không đau đớn, nhưng có điều gì đó thật tiếc nuối. Rồi gương mặt mẹ cậu hiện ra, trẻ trung và hiền hậu. Bà đỡ lấy cậu bằng vòng tay mềm ấm.
“Mẹ! Mẹ ơi! Con được về với mẹ rồi!” Tâm òa khóc, biến thành hài nhi bé bỏng vùi đầu vào bầu sữa mẹ.
“Con yêu của mẹ!” Người mẹ ghì chặt đứa con như không bao giờ muốn buông ra.
“Hãy nghỉ đi! Để ta lo!” Tâm nghe thấy một giọng đàn ông cất lên, rồi cậu chìm vào bóng tối tuyệt đối... Không hình ảnh, không âm thanh, không cảm xúc, không bất cứ thứ gì...
...Đại vương Tê Giác sau một đợt rống dài, dồn toàn lực nện nắm đấm xuống đầu chàng thanh niên nằm bất động. Cú đấm đủ để cậu nát sọ. Nhưng cậu đã đưa tay chặn nó lại. Tên tướng cướp một lần nữa bị bất ngờ. Cặp mắt của chàng thanh niên giờ như có một ngọn lửa đỏ rực đang cháy trừng trừng nhìn hắn. Chỉ bằng một tay, cậu lăng hắn dính vào bức tường, vốn là lớp vỏ bên trong ruột cây tai tần.
Đại vương Tê Giác lồm cồm bò dậy, giáp trụ xuất hiện nhiều đường nứt:
“Mày... Mày là ai?”
Chàng thanh niên trả lời với một giọng nói hoàn toàn khác trước:
“Ngươi chưa đủ tuổi để biết tên ta.”
Vừa dứt lời, tên tướng cướp lãnh một đòn vào giữa bụng. Đòn duy nhất đó đủ khiến trời đất quay cuồng, th.ân thể hắn nhũn bấy không khác gì một mớ giẻ lau.
Chàng thanh niên xách yết hầu Đại vương Tê Giác, đâm thủng qua cánh cửa đang đóng, rẽ màn sương bên ngoài cây tai tần, bước đến sát miệng vực và nói:
“Đây là kết thúc cho ngươi!”
Đôi mắt tên tướng cướp ngấn lệ. Hắn vừa hoảng hốt, vừa đau đớn, có vẻ muốn van xin nhưng chỉ ấm ứ mà không thốt thành lời.
Chàng thanh niên buông tay thả tên tướng cướp xuống khoảng không. Nhưng hắn vừa rơi một đoạn đã được một thứ gì đó đỡ lấy. Chẳng phải thứ gì xa lạ, đó chính là con diều Mắc Cọp của ông già hát rong. Nó mang Đại vương Tê Giác tới chỗ Trùm Ngây đang từ dưới núi đi lên. Ông bèn đặt tên tướng cướp tựa đầu vào một tảng đá, rồi quay ra chỗ chàng thanh niên.
“Trả Tâm lại cho ta!” Ông nói như ra lệnh.
Tâm không thèm mở miệng, nhìn Trùm Ngây đầy thách thức. Ông già trợn mắt:
“Trả nhóc con lại cho ta! Ngươi đi quá xa rồi.”
Chàng thanh niên khuôn mặt bầm dập, ôm bụng cất một tràng cười vừa khoái trá vừa khó nhọc:
“Không có ta thì nó chết rồi, giờ ngươi đuổi ta đi thì nó sẽ chết vì những vết thương và mất nhiều máu. Ngươi đến trễ còn lấy tư cách gì mà...”
Chưa kịp dứt câu, cậu đã thấy thân mình Trùm Ngây lướt tới như một dải lụa màu xám mềm mại và uyển chuyển. Cậu tung ra một loạt quyền cước nhưng tất cả đều sượt qua “dải lụa”. “Nó” lách qua nách cậu ra phía sau. Và khi bàn tay ông già đặt nhẹ lên vai Tâm, một cảm giác tê liệt từ đó lan ra khắp cơ thể. Chân tay cậu cứng đơ và rã rời. Lập tức, cậu bị con diều Mắc Cọp trói chặt không cựa quậy nổi. Chắc chắn, nếu Tâm không trải qua trận chiến dữ dội với bọn cướp Tê Giác khiến nhựa sống suy yếu trầm trọng thì mọi chuyện ắt chẳng giản đơn đến vậy.
Trùm Ngây dùng ngón tay vẽ bùa lên thinh không, rồi ốp lá bùa vào trán chàng thanh niên.
“Nó sắp... Tự Lập rồi... Các ngươi sẽ... trả giá...”
Tâm thều thào mấy lời trước khi ngọn lửa đỏ rực trong mắt cậu tắt dần. Cậu gục xuống. Con diều buông dây trói, bay nhặng xị xung quanh Tâm hoảng hốt. Trùm Ngây khuỵu gối, nhăn mặt. Màn giao đấu vừa rồi diễn ra chỉ trong chớp mắt, tưởng chừng như chàng thanh niên chưa hề chạm được vào ông già. Song ở trạng thái “không phải là chính mình”, cậu đạt được tốc độ và sức mạnh vô cùng đáng sợ. Hậu quả là ông già vẫn trúng một đòn ngay mạng sườn. Ông ôm lấy chàng thanh niên, thấy cậu thở thoi thóp, người thì lạnh toát. Nắm cổ tay cậu, mặt ông tái mét:
“Mắc Cọp, con đỡ ta một tay!”
Trùm Ngây đặt chàng thanh niên lên con diều, nhưng rồi ông sững lại, vò đầu bứt tai:
“Ai chà... Ta lú lẫn mất rồi!... Mắc Cọp, Để ta!”
Con diều nhìn ông già một cách lo lắng. Trời còn nhập nhoạng, với một bên hông đau buốt, ông cõng Tâm lên lưng, hổn hển vội vàng bước xuống núi.
 
×
Quay lại
Top Bottom