Loạn lòng

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
“Ai cũng có cha mẹ sinh ra và nuôi lớn chứ không ai được nặn ra từ đất sét, lẽ nào con lại là ngoại lệ? Bon chen, vật lộn, đến khi có tí tiền cho sự phù phiếm xa hoa, mẹ bảo sẽ cho con tất cả trừ cái quyền được ở bên mẹ...

2a2270910-loanlong.jpg


... Mẹ biết không, con đi uống rượu mỗi đêm, con lạc vào chốn bay đêm như một con ma nhỏ lạc loài. Con theo bạn bè chạy xe ra phố lúc nửa đêm và hòa vào hội đua như những cơn lốc xoáy. Con muốn gào thét, rồ ga và phóng tít mặc cho gió cuốn đi nỗi cô đơn lạnh lẽo trong căn phòng có đầy đủ tiện nghi. Mẹ biết không, con chưa kịp lớn để hiểu hết cuộc đời và con cũng chưa được dạy dỗ để trở thành một cô gái ngoan.

Tuy mẹ không phải là một tấm gương sáng cho con noi theo, cũng không phải một người mẹ đoan trang, mẫu mực, nhưng con vẫn thèm được sà vào vòng tay của mẹ, thèm được mẹ vỗ về âu yếm, thậm chí con thèm cả những lời mắng mỏ để con biết mình vẫn còn tồn tại trong lòng mẹ, trong trái tim chai sạn, băng giá của mẹ vẫn còn có con”.

Vô tình đọc được mấy dòng nhật kí nhòe nước mắt của đứa con gái bé bỏng, chị Loan mới giật mình như tỉnh cơn mơ. Bấy lâu nay chị luôn nghĩ: “Bố nó đã không cần nó thì mình sẽ làm cho anh ta thấy, không có hắn, mẹ con mình vẫn sống rất tốt”.

Trước khi họ chia tay, cuộc sống của 3 người đều trông chờ vào mấy đồng lương còm cõi hàng tháng, ngoài ra không có khoản thu nào khác. Ban đầu họ dựa vào nhau cố xoay xở cũng vừa vặn cho cuộc sống đạm bạc, nhưng đến khi con gái đi học thì mọi thứ đều cần đến tiền và mâu thuẫn nảy sinh từ đó.

Mỗi khi không có tiền, chị quay ra chì chiết chồng: “Sao người ta cũng là phụ nữ mà được nâng niu như hoa sen cắm trong bình quý, còn mình chỉ là hoa dại mọc hoang ở triền đê cho thiên hạ xéo lên đến nhàu nát. Chồng người ta thì kiếm tiền như nước, còn chồng mình thì đan lưới quăng chài”. Anh ta nghe mãi cũng chán, thường thì lỉnh đi chỗ khác cho khỏi ầm nhà, nhưng đâu phải cứ tránh là được.

Nhiều lúc bị vợ đeo bám gây sự nên anh ta cũng chọc tức vài câu: “Cô cũng được cái mặt dễ coi sao không đi dụ dỗ kẻ lắm tiền để phát huy “vốn tự có” mà ăn”. Xung đột bị đẩy lên đến đỉnh điểm, chị lao vào cấu xé chồng cho bõ tức, còn anh ta cũng mượn rượu “táng” cho chị một trận nên thân. Thường thì khi họ “đánh nhau” chán sẽ quay sang con bé trút giận.

Lúc đầu bị đánh mắng vô cớ, bé Lê cũng gào thét đòi thanh minh, nhưng lâu dần nó trở nên lì lợm, mặc cho họ muốn đánh, muốn mắng bao nhiêu tùy thích, muốn đổ oan bao nhiêu cũng được vì đâu có ai muốn nghe nỗi lòng của con bé.

Họ đánh nhau buổi trưa đến tối lại khoác tay hú hí như diễn viên hài kịch trước bàn dân thiên hạ và trở thành chủ đề nóng cho người ta xì xào bàn tán. Người khổ nhất trong vở kịch này chính là Lê, tuổi còn non nớt nhưng suy nghĩ thì già dặn gấp mấy lần. Nó rất ít giao tiếp với mọi người và hay nổi cáu vô cớ với các bạn. Nhiều lúc chỉ vì bạn được mẹ thơm một cái nhẹ nhàng lên má là nó cũng có thể chìa chân ra gạt ngã bạn úp mặt xuống sân trường. Có điều lạ là mỗi khi gây gổ với ai đó xong, nó cứ ngửa mặt lên trời mà cười ra vẻ đắc ý lắm.

Lê vừa lên lớp 2 thì bố mẹ nó chia tay trong sự coi thường nhau ra mặt. Vết thương trong lòng con bé càng rộng miệng. Đêm đêm nó lẳng lặng chờ và chứng kiến mẹ trở về khi hàng xóm không còn ai thức giấc, lúc thì ông này đưa về bằng xe máy, lúc ông kia đưa đón bằng ô tô, nhiều lúc lại thân xác tả tơi trở về trên chiếc xe ôm. Chị nghĩ con bé giờ này chắc đã ngủ say nên không biết gì: “Thế cũng tốt. Đời mình khổ trong bóng đêm để nó được hạnh phúc trong ánh sáng, cũng cam lòng”.

Chị thuê riêng một bác xe ôm hàng ngày đưa đón và báo cáo tình hình học tập của bé Lê như một vệ sĩ trung thành. Nó muốn gì cũng được mẹ đáp ứng như một sự bù đắp. Chị không còn mắng mỏ hay đánh đập con bé vì chị đâu có gặp mặt nó. Đêm chị trở về Lê đã ngủ say, sáng ra con bé đi học rồi chị vẫn chưa thể dậy nên có khi cả tuần chẳng thể gặp con. Tất cả mọi việc sinh hoạt, học hành ở nhà của Lê đều do cô giúp việc đảm nhiệm.

Lê đã đi học khiêu vũ thể thao khi bước chân vào lớp 6. Nó phải lòng anh vũ công đẹp trai có thân hình mềm như bún. Hàng ngày bác xe ôm vẫn đều đặn đưa đón Lê đến lớp nhưng không thể biết con bé đã lấy tiền của mẹ và thuê nhà trong một ngõ nhỏ để sống như vợ chồng với bạn trai thứ hai là dân ăn chơi, đua đòi. Nhiều lúc con bé cố tình muốn làm một việc gì đó cho mẹ nó “sáng mắt” ra.

Một hôm vô tình đến trường đón sớm hơn mọi ngày, không nhìn thấy Lê đứng đợi nên bác xe ôm vào nói chuyện phiếm với mấy anh bảo vệ mới giật nảy mình: “Trường nghỉ học cả tháng nay rồi mà bác, làm gì có cháu nào đến lớp”.

Biết bị lộ, con bé thẳng thắn đề nghị và dọa nạt bác xe ôm: “Bác giữ kín chuyện này cho cháu kẻo mẹ cắt viện trợ thì khốn. Bác cứ bảo cháu vẫn đi học bình thường thì có Trời mà biết. Bác mà hé răng thì bạn trai cháu sẽ đến gặp bác để nói chuyện”.

“Tốt nhất là nên kín miệng kẻo mang vạ vào thân” - ông già nghĩ thế nên đành im thin thít mặc cho con bé muốn làm gì thì làm.

Một đêm chị Loan trở về trong ngà ngà hơi men, giật nảy mình khi thấy cô giúp việc vẫn ngồi chờ để thông báo: “Con bé đang cấp cứu trong bệnh viện. Chị làm gì mà tắt máy không cách nào liên lạc được. Chị vào ngay đi kẻo không còn kịp nữa”.

Chị tỉnh hẳn rượu và hớt hải gọi bác xe ôm hàng xóm đưa vào. Con bé đã theo đám bạn đi đua xe, chẳng may mất đà lao lên vỉa hè, văng ra cách đó mấy mét và đập phải cột điện, bất tỉnh tại chỗ. Bác sĩ gặp chị thông báo: “Mạng cô bé coi như tạm giữ được, chờ theo dõi thêm nhưng còn cái thai trong bụng thì hỏng rồi”. Chị chết lặng người nhìn đứa con bé bỏng, tội nghiệp đang mệt mỏi khép hờ đôi mi mọng nước như không bao giờ muốn mở ra nữa.

Theo PNVN
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom