Life of Pi (2012) : Xứng đáng là 1 avatar thứ 2

AngieInWonderland

Thành viên
Tham gia
1/12/2012
Bài viết
43
Chính ra ban đầu Daniel cũng không định xem phim này. Cái gì chứ, phim chuyển thể từ best seller thì thiếu gì, nội dung thì cứ đưa ra thằng bé với một con hổ cố gắng sống sót trên biển. Daniel thấy sao giống "Ông già và biển cả" (The Old Man and the Sea) của Ernest Hemingway quá vậy? Dạng tiểu thuyết tự sự triết lý cuộc sống này không hình dung có thể nào lại làm được một bộ phim hấp dẫn? Thậm chí trước Lý An thì đã có mấy đạo diễn bập vô phim này rồi đều nhả ra bỏ chạy!

382001_10151351696710625_804809241_n.jpg


Ngược lại, Phanxine rất mong chờ bộ phim này, và cho rằng:

Ông già và biển cả là chuyện một ông già chiến đấu sống còn với con cá khổng lồ giữa biển cả, còn Cuộc đời của Pi là câu chuyện của một cậu bé phải chiến đấu để cùng tồn tại với một con hổ giữa biển cả. Ông già chỉ cần giết con cá, còn Pi và con hổ là mối quan hệ kỳ lạ, sự đấu tranh sinh tồn lênh đênh giữa biển trong 227 ngày - làm sao để sống, làm sao để có thức ăn và nước uống, làm sao không bị con hổ ăn thịt, và làm sao để không chết bởi sự cô đơn. Cuộc đời của Pi còn là câu chuyện về tôn giáo, bởi Pi - cậu bé 16 tuổi này - có một tinh thần mộ đạo kỳ lạ. Là người Ấn, Pi theo đạo Hindu. Thế nhưng, cậu bị quyến rũ bởi ngôi nhà thờ Cơ đốc giáo bên kia đồi và sau đó là không cưỡng được sự bí ẩn của ngôi đền Hồi giáo. Cậu tỏ lòng ngưỡng mộ cả ba đạo. Cậu trở thành một tông đồ ngoan đạo và được cả ba thầy cả ba đạo yêu thương. Bạn sẽ học được khối kiến thức về ba đạo, về Brahman và thần Krisma cùng những vị thần linh không bao giờ chết của đạo Hindu, về Jesus Christ và sự hy sinh của Người của Cơ đốc giáo, và về thánh Allah của Hồi giáo. “Mọi tín ngưỡng đều là chân lí. Con chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi” – Pi trả lời như thế khi ba ông thầy cả vô tình cùng gặp cậu và gia đình trong một buổi sáng nọ để rồi họ đều tranh cãi rằng Pi là một tông đồ của họ. Chính vì thế, cả câu chuyện về sự sống sót của Pi mang nhiều ẩn dụ về tín ngưỡng.

Đoạn kết của truyện này - không thể tiết lộ - chính là điều khiến cho câu chuyện này có một sức mạnh chấn động về cảm xúc mạnh mẽ. Lý do mà M. Night Shyamalan từ chối làm là bởi ông thấy sự nổi tiếng của cuốn sách sẽ khiến nhiều người đọc sách trước khi xem phim và không còn bất ngờ khi xem bộ phim nữa. Không biết vì sao Jean Pierre Jaunet từ chối (tui rất tiếc vì điều này, vì tui rất thích ông này và tui nghĩ ông ấy hợp với phim này).


richard-parker-trong-life-of-pi-1-kenh14-2cb33.jpg


Daniel thì chưa đọc Cuộc đời của Pi nên cũng chỉ trang bị kiến thức về bộ phim thông qua tóm lược vắn tắt của Phanxine. Tuy nhiên sau khi xem phim này xong thì phải nhận xét rằng, với cá nhân Daniel thì phim này đáng xem hơn rất nhiều so với một phim nổi đình đám trước đó là Skyfall. Cũng trong một so sánh khác khi James Cameron ví phim này như một Avatar thứ hai, thì cũng xin phải nói rằng Daniel xem Avatar không cảm thấy bị cuốn hút, không thấy gần gũi, không thấy thú vị bằng Life of Pi. Sorry James, dù hai phim của ông đều hút khách nhất nhì, nhưng Daniel chỉ thích mỗi Titanic, còn xem Avatar thực chất chỉ là một sự trải nghiệm công nghệ là chính. Câu chuyện của Avatar chưa chạm được đến tầng cảm xúc của Daniel.

life-of-pi-4-kenh14-2cb33.jpg


Lại một so sánh khác khi mà mới đây nhân một liên hoan phim ở VN, các đạo diễn trả lời phỏng vấn lại đưa ra những lý lẽ ngụy biện cho sự vắng khách trong phim của họ, vì đó là phim "nghệ thuật"! Thật sự cho đến Dòng Máu Anh Hùng và Thiên Mệnh Anh Hùng, các bộ phim Việt trước đó của các đạo diễn thế hệ trước đậm chất nghiệp dư rất rõ. Với những bộ phim chưa sạch nước cản về kỹ thuật thể hiện, thật quá ngông cuồng để tự vinh danh mình như vậy. Cá nhân Daniel mà nói, chỉ có phim hay và phim dở. Nhất là để định nghĩa một bộ phim hay, trước tiên nó phải có khán giả. Thế nhưng nếu miễn cưỡng đi theo lối phân loại giữa phim nghệ thuật và phim thị trường (mà gần đây có phân biệt thêm giữa mì lăn liền và phim siêu thị), thì có thể xếp Life of Pi vào dòng phim nghệ thuật.

life-of-pi-1-kenh14-2cb33.jpg


Riêng về đạo diễn Lý An, bộ phim mà Daniel thích nhất trước đây, chính là Ngọa Hổ Tàng Long. Đoạn thích nhất trong phim đó, chính là đoạn mà Dương Tử Quỳnh đuổi theo tên trộm áo đen bịt mặt Chương Tử Di. Tiếng nhạc réo rắt dồn dập nhưng vẫn thâm trầm tinh tế trong suốt cuộc truy đuổi, chính là cảm giác quay lại trong Life of Pi, cũng là một chất nhạc này. Lần này các phân cảnh chính trên biển của bộ phim, được quay bên trong một bể nước lớn, được cải tạo lại trên nền một sân bay đã ngưng sử dụng ở thành phố nhỏ Đài Trung, Đài Loan, quê hương của Lý An. Cùng với Justin Lin, Đài Loan có quyền tự hào với hai tên tuổi đạo diễn tầm cỡ quốc tế này.

Âm thanh của phim gây ấn tượng chân thực, nhất là trong những cảnh bão tố, và khi nhân vật bị chìm xuống nước. Cảm giác ngồi xem cũng nghẹt thở theo cứ như chính mình rơi vào hiểm cảnh.

life-of-pi-6-kenh14-2cb33.jpg


Trong một bộ phim khác của Lý An là Sắc Giới, ông đã giới thiệu một chân dung tuyệt sắc giai nhân là Thang Duy. Thì trong Life of Pi, mối tình đầu của chàng trai trẻ cũng là một cô gái đẹp mặn mòi, khỏe mạnh, và đậm chất Ấn. Rất tiếc vai trò của cô khá ngắn ngủi, nhường lại màn ảnh cho một đôi nhân vật bá đạo, chàng trai và con hổ.

life-of-pi-2-kenh14-2cb33.jpg



Xem các cảnh BTS thì được biết đây là một con hổ CGI, hoàn toàn là do máy tính tạo nên, theo kỹ thuật bắt điểm chuyển động tương tự như cách mà Peter Jackson tạo ra Gollum, cũng như cách mà James Cameron tạo ra Avatar. Trong phim có một cảnh con hổ từ trên bờ nhảy lên chiếc thuyền cứu hộ, động tác tuyệt đối chuẩn, ngoại trừ một điều là chiếc thuyền không hề bị chao đi chút nào so với lẽ ra nó phải thế dưới trọng lượng của con hổ. Ngoại trừ vài chi tiết nhỏ nhặt này thì con hổ được xây dựng hoàn toàn thuyết phục và sống động.

richard-parker-trong-life-of-pi-2-kenh14-2cb33.jpg


Có thể nói ấn tượng nhất chính là hiệu ứng hình ảnh của phim. Tin chắc Life of Pi là một ứng cử viên nặng ký cho các giải Oscar về hiệu ứng hình ảnh của năm nay. Nếu có điều gì không hài lòng, thì đó chính là cách đạo diễn dùng nhân vật dẫn chuyện, liên tục cắt đứt mạch thời gian tuyến tính.

life-of-pi-5-kenh14-2cb33.jpg


Daniel xem phim này qua màn ảnh Imax digital, có kích thước tầm 20m x 12m, diện tích vào khoảng gấp 4 lần màn ảnh cineplex bình thường. tuy nhiên khi đeo kính 3D vào, không cảm giác màn ảnh quá lớn. Mặc dù vậy bộ phim rất sáng, hình ảnh trong vắt lung linh. Ở các đoạn dẫn chuyện, hiệu ứng 3D gần như biến mất, nhưng trong các đoạn khác, hiệu ứng 3D rất đẹp. Thực sự là riêng điểm này đẹp hơn Avatar nhiều, có lẽ một phần vì đây là thế giới thật của chúng ta đang sống. Tuy nhiên quay phim của phim này cảm giác quỹ đạo ray trong một số phân cảnh còn chưa mượt và có phần tùy hứng, không có những cú máy quá đặc biệt có thể khiến người xem phải xuýt xoa. Góp phần lớn hơn cho cái đẹp của phim có lẽ là các họa sĩ thiết kế bối cảnh, và tất nhiên, đội ngũ kỹ xảo đặc biệt.

Bài review của tác giả Daniel Tran trên HDVN
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom