Liệu Bạn Có Đang Quá Dễ Dãi Với Việc "React" Những Biểu Tượng Trên Facebook?

Try to win

Banned
Tham gia
22/12/2017
Bài viết
25
Từ khi Mark Zuckerberg đưa Facebook lấn sân vào thị trường Việt Nam, chàng tỷ phú trẻ tuổi này đã tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng người Việt và liên tục gây ra những hiệu ứng tích cực với giới trẻ nói chung và những “Facebookers” nói riêng. Sẽ không quá khi nói rằng một bộ phận lớn dân cư đang cư trú chủ yếu trên thế giới ảo và con số này đang không ngừng gia tăng theo thời gian! Có thể nói Facebook đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với cuộc sống thường nhật của đại đa số người. Dường như từ trẻ em, người lớn đến nông dân, kỹ sư,…ai ai cũng đều biết đến Facebook khi được hỏi và thậm chí họ còn dành thời gian cho việc lướt Facebook nhiều hơn bất cứ công việc nào khác! Thế mới thấy Facebook đã gắn liền với cuộc sống hiện đại ngày nay và nó sẽ là một phần “không thể thiếu” đối với rất nhiều người trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

wersm-facebook-reactions-657x360.png

Rõ ràng rằng, không chỉ Facebook mà cả các trang mạng xã hội khác cũng đã và đang góp phần làm nên cuộc sống muôn màu đầy những biến động thú vị này. Vì lẽ đó, chắc chắn không thể phủ nhận rằng Facebook dường như có xu hướng được sử dụng một cách thường xuyên hơn nhằm thay thế phần nào đó cho các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả việc giao tiếp giữa người với người. Nghiên cứu thị trường và kịp thời nắm bắt xu hướng người dùng, ông chủ tập đoàn nổi tiếng này đã không ngần ngại tung ra một số biểu tượng cảm xúc khác bên cạnh nút “Like” đã tồn tại mấy năm nay để đáp ứng nhu cầu biểu đạt cảm xúc của tất thảy mọi người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà nó mang lại, tôi cho rằng nó cũng tiềm tàng một số mặt tiêu cực nhất định. Dễ thấy nhất là việc ngày càng có nhiều người “thả” những biểu tượng đó một cách “bừa bãi” trên mạng xã hội nếu không muốn nói là không được văn minh, lịch sự cho lắm trong một số hoàn cảnh nhất định!

Thậm chí một số người còn lạm dụng những “cung bậc cảm xúc” phi ngôn từ đó để nói hộ nỗi lòng mình với người khác. Thật sự mà nói, nếu bạn đang thường xuyên rê chuột vào góc trái dưới cùng của mỗi bài viết trên Facebook và cố gắng chọn lấy một biểu tượng mà bạn cho là phù hợp nhất để diễn tả cảm xúc của mình lúc đó thì có thể bạn là một người vô tâm đấy! Tôi nói quá và bạn không tin ư? Vậy để tôi hỏi bạn nhé? Từ khi nào bạn không trực tiếp nói những lời yêu thương với người thân, bạn bè? Từ khi nào bạn “không thèm” đến nhà những người bạn cũ để hỏi thăm sức khỏe và công việc của nhau? Từ khi nào bạn cắt giảm thời gian ở bên gia đình, bè bạn chỉ để giành thời gian sống trên Facebook? Từ khi nào bạn lại không dám thổ lộ tình cảm của mình với người ấy khi đứng trước mặt nhau?,…và còn vô vàn những câu hỏi tương tự như thế đang đợi bạn tự khám phá và trả lời. Nhiều người cho rằng, việc gặp nhau ngoài đời thực giờ đây không thực sự cần thiết bởi chẳng phải ngày nào họ cũng tương tác với nhau trên mạng xã hội sao. Họ cứ ngỡ rằng tình cảm, sự quan tâm của mình được thể hiện qua những “icons vô cảm” kia và chắc rằng bất kể ai nhận được những trái tim, những mặt cười ấy cũng đều cảm thấy ấm lòng và vui vẻ. Phải chăng họ đã quá phụ thuộc vào những biểu tượng đó?

feat_cox06__01_sized.jpg

Bản thân tôi cho rằng, không gì có thể thay thế được ý nghĩa và vẻ đẹp của ngôn từ phát ra từ chính sự thành tâm của người nói và được đón nhận một cách chân thành từ người đối diện. Khi giao tiếp, người ta đâu chỉ thể hiện ý mình muốn truyền đạt qua ngôn từ mà hơn hết, đây là dịp để mọi người hiểu nhau hơn, gần gũi hơn và lắng nghe nhiều hơn bởi thành ý giữa họ còn được truyền tải bằng mắt, ngôn ngữ hình thể và cả những hành động phi ngôn từ khác.

Chắc bạn cũng hiểu được cảm giác mừng vui và biết ơn của ai đó khi bạn gặp họ và hỏi han về sức khỏe hay cuộc sống hiện tại. Thay vì “inbox” hay “comment” những câu chào hỏi qua loa đại khái trên mạng, thiết nghĩ bạn nên dành thời đó để cùng nhau tâm sự, kể về những ước mơ, dự định hay hoài bão của mỗi người trong cuộc sống này, hoặc cũng có thể cùng nhau gợi lại những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ - nơi không thể tìm lại ở bất cứ đâu. Nếu bạn có cảm tình với ai đó, hãy tự tin bộc lộ tình cảm của mình với người ấy khi hai người có cơ hội gặp nhau thay vì chỉ dám ẩn danh trên mạng xã hội và “bão Like” tường Facebook của người ấy. Làm được như vậy, tôi tin rằng tình cảm giữa hai người sẽ ngày càng đậm sâu và quan trọng là những phút giây bình yên hai người giành cho nhau sẽ rất tuyệt vời mà không dòng tin nhắn hay nút “Like” nào có thể mang lại. Hãy hạn chế việc lang thang trên các diễn đàn vô bổ, tốn thời gian cho việc lướt Facebook bởi kết quả nó mang lại chắc hẳn sẽ không như bạn mong đợi. Con người ta sống với nhau đâu phải chỉ để “dối lừa” nhau bằng những xúc cảm không thật đó!

pexels-photo-674984.jpeg

Vẻ đẹp của ngôn từ không gì thay thế được!

Có thể các bạn rất quan tâm, rất hứng thú với chủ đề nào đó nhưng tôi nghĩ cách bạn tiếp cận chưa thực sự phù hợp. Ví như ai đó có chuyện buồn hay đang cảm thấy chán nản nên đăng một “status” lên Facebook như để trút hết mọi phiền muộn và hy vọng nhận lại sự chia sẻ, cảm thông từ “Friend list” chẳng hạn. Tôi dám chắc rằng chỉ những ai thân thiết với người ấy mới thả cái mặt buồn kèm theo mấy giọt nước mắt kia, còn phần lớn chỉ lướt qua và nếu thuận tay thì ấn “Like” để lương tâm khỏi “cắn rứt”! Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc nên làm trong trường hợp này là đến hỏi thăm trực tiếp nếu có điều kiện, hoặc có thể gọi điện thoại bày tỏ sự đồng cảm của mình hay cùng lắm là nhắn tin để tìm hiểu về tình hình và hỏi xin được giúp đỡ. Một biểu tượng ấy sẽ chẳng nói lên rằng bạn quan tâm đến họ nhường nào đâu trừ phi người ta thấy được sự quan tâm chân thành qua những việc bạn làm.

Không phủ nhận việc những biểu tượng cảm xúc trên Facebook này sẽ phần nào giải tỏa được sự “bứt rứt” hay khó chịu mỗi khi bạn muốn thể hiện tâm trạng hay quan điểm của mình trước một vấn đề hoặc bài viết nào đó nhưng nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến danh tín hay bộc lộ bản chất của con người bạn nếu sử dụng một cách vô toan tính và thiếu suy xét trước sau! Chẳng hạn, nhiều lúc bạn không đồng tính với ý kiến của ai đó trên mạng xã hội và điều đó làm bạn bực bội, không thoải mái, tôi e rằng bạn sẽ cứ thế mà “thả phẫn nộ”! Vô hình chung, việc này sẽ khiến bạn trở nên “khó tính” trong mắt người khác, thậm chí là bạn bè của bạn. Cứ thấy điều gì “chướng tai gai mắt” là bạn lại thẳng tay “react” biểu tượng khuôn mặt khó ưa ấy mà không hề tìm hiểu kĩ ngọn nguồn và hoàn cảnh sự việc diễn ra. Lâu dần, nó sẽ hình thành nên thói quen tiêu cực khó bỏ và sẽ chẳng bất ngờ gì khi nói nó điều đó bộc lộ tính cách hành sự của bạn trong những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống. Bản chất những nút cảm xúc ấy không có gì xấu nhưng tôi cho rằng mức độ mà nó thể hiện chưa phù hợp trong nhiều hoàn cảnh. Đâu nhất thiết bạn phải “angry” khi gặp chuyện gì đó không thích, bạn có quyền lướt qua nó nếu muốn, hoặc không, bạn có thể trực tiếp góp ý để giúp người khác nhìn nhận lại vấn đề cũng như để họ ngày càng phát triển hơn.

pexels-photo-189449.jpeg

Hạn chế Facebook đi, "Face to Face" thân thiện hơn nhiều!

Trước khi quyết định thái độ của mình trước điều gì đó, hãy giành thời gian nghiên cứu nguồn tin xem nó có đáng tin cậy không và hãy thử tự đặt mình vào vị trí của nhân vật ấy để hỏi bản thân xem nếu là mình trong trường hợp này, liệu mình sẽ làm khác đi. Nếu bạn cũng như vậy, không còn sự lựa chọn nào khác cho quyết định của mình thì tôi nghĩ bạn nên cảm thông với người ta và nếu có thể, hãy mạnh dạn chia sẻ sự quan tâm của mình với người đó vì biết đâu họ đang rất cần một lời động viên, hỏi thăm và điều này đôi khi lại làm nỗi lòng khó nói của họ nhẹ gánh đi rất nhiều.

Dù chỉ đơn giản là những cảm xúc trên Facebook nhưng cách chúng ta thể hiện không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chúng ta mà đôi lúc còn quyết định cả tâm trạng của người khác. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, nếu bạn đăng những tấm hình đẹp nhất lên Facebook nhưng không ai “thả tim” mà chỉ thấy toàn “phẫn nộ”, bạn cảm thấy như thế nào? Tôi không nghĩ bạn sẽ gượng cười để cố gắng vui vẻ nốt ngày hôm đó mà rất có thể bạn sẽ buồn lây đến mấy ngày hôm sau cho đến khi nào những tấm hình này bị trôi đi vào dòng thời gian dĩ vãng! Những gì bạn trải qua cũng chính là tâm trạng của nhiều người khác trong hoàn cảnh tương tự. Họ cũng cần lắm những sự quan tâm, những “react” có tâm bởi hơn ai hết bạn hiểu rằng họ cũng là người như chúng ta, mà đã là con người thì cảm xúc là một điều gì đó rất mãnh liệt và mạnh mẽ, chính cảm xúc sẽ tạo nên động lực nhưng cũng chính nó là nguyên nhân gây nên sự tuyệt vọng trong mỗi con người!

smilies-bank-sit-rest-160731.jpeg

Cảm xúc con người là một thứ gì đó rất nhạy cảm​

Hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh và có văn hóa, đừng tiếc một “Like” cho những gì xứng đáng và vốn dĩ được tôn vinh bởi bạn sẽ không biết được điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với nhiều người đâu và hành động tưởng chừng như nhỏ bé này lắm lúc lại ảnh hưởng đến một cuộc đời!

“Vật cực tất phản”, Facebook đang dần thay thế các phương thức liên lạc truyền thống khác và trong tương lai chắc hẳn nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới đối với cuộc sống loài người. Tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn của nó bởi nếu không nó sẽ đi ngược lại những gì mà chúng ta kỳ vọng. Sẽ luôn có những cạm bẫy, những cám dỗ khó tránh khỏi trên thế giới ảo đầy mông lung này vậy nên một khi đã quyết định dành một phần cuộc sống của mình ở đây thì việc bạn phải luôn tỉnh táo, phải giữ cho mình cái đầu lạnh là điều tối cần thiết để “tồn tại” được trong môi trường khắc nghiệt này. Nếu biết kiềm chế, biết sử dụng một cách “điều độ” thì Facebook cũng là một trang cập nhật thông tin khá thú vị và nhanh chóng. Cũng tại nơi đây, nhiều người đã khai thác lượng người dùng để xây dựng nên những nguồn thu nhập “bị động” cho riêng mình và không sai khi nói rằng Facebook là một cỗ máy khổng lồ, một đế chế lớn mạnh và là nguồn tài nguyên vô tận đối với những ai biết tận dụng và khai thác. Không những thế, nó đang là chiếc cầu nối tuyệt vời trong việc đưa thông tin về mọi lĩnh vực từ bất cứ nơi đâu trên thế giới đến gần hơn với độc giả toàn cầu.

Hãy là một “Facebooker” chân chính!
Nguồn: Ha - li, THTT
 
×
Quay lại
Top Bottom