Lễ tốt nghiệp đặc biệt ở vùng tâm động đất Nhật

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
(Dân trí) - Chắc không đâu trên thế giới có lễ tốt nghiệp đặc biệt như lễ tốt nghiệp trung học ở tỉnh Miyagi của Nhật Bản. Buổi lễ không có hoa và những lời chúc mừng hân hoan, mà có những học sinh được gia đình đưa đến nhận bằng tốt nghiệp qua những tấm ảnh.

thao1.jpg
Ngày 23/3, đại diện hội người Việt ở Kitakyusyu đã trao tiền quyên góp cho uỷ ban nhân dân thành phố Kitakyusyu. Sáng 26/3, học sinh Việt Nam ở Kitakyusyu cùng các em học sinh Nhật tiếp tục tham gia các hoạt động quyên góp ủng hộ vùng thiên tai
Đó là buổi lễ tôi chỉ theo dõi qua truyền hình, từ thành phố Kitakyusyu bình yên thuộc tỉnh miền nam Fukuoka, nhưng mắt ước đẫm từ bao giờ không biết.
Hai tuần trôi qua sau khi thảm họa ập vào phía đông bắc Nhật Bản, số người chết và mất tích ngày một tăng lên. Hàng vạn người vẫn đang phải sống trong các trung tâm tạm trú, thiếu thực phẩm, nước và các vận dụng sinh hoạt. Một quốc gia hùng mạnh như Nhật Bản sau thiên tai, cả một vùng chỉ còn sót lại vài ngôi nhà đổ nát, nhiều trường học vẫn tiếp tục đóng cửa.
Ở tỉnh Miyagi (trung tâm hành chính là thành phố Sendai, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của động đất/sóng thần hôm 11/3), các thầy cô giáo một trường trung học đã tìm được những tấm bằng tốt nghiệp của các em học sinh còn sót lại trong đống đổ nát, dù bị dính nhiều bùn đất nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nhà trường quyết định vẫn tổ chức lễ tốt nghiệp cho các em. “Trong đời tôi, chưa bao giờ chứng kiến một lễ tốt nghiệp như vậy”, một thầy giáo lên hình với đôi mắt đỏ hoe.
Lễ tốt nghiệp dành cho các em lẽ ra phải tràn ngập hoa và lời chúc mừng, nhưng lại diễn ra trong rưng rưng nước mắt. Các em lẽ ra đã ào lên, tíu tít; nhưng có những em chỉ im lặng, ánh mắt trong veo nhìn ra từ những bức ảnh. Trong số các học sinh của thầy, có những em đã được xác định thiệt mạng, có em vẫn còn mất tích.
Đễn dự buổi lễ, có những học sinh trong gia đình không còn ai sống sót, và có em có lẽ cũng chẳng còn một mái nhà. Còn có những học sinh, đã mất hoặc vẫn chưa rõ tung tích, gia đình dẫu đau xót, vẫn mang ảnh các em đến dự buổi lễ tốt nghiệp. Một phút tưởng niệm dành cho những người xấu số.
Em học sinh đại diện cho khối học sinh lên đọc bài phát biểu cũng không kìm nổi xúc động. “Vào giây phút này, chúng em được đứng tại đây, chúng em hiểu mình là những người may mắn được sống sót, chúng em hứa sẽ làm cho nước Nhật hồi sinh. ガンバロ 日本! (Nhật Bản cố lên)”.
Tôi cũng vừa tốt nghiệp trung học và chuẩn bị là sinh viên năm nhất một trường đại học trong tỉnh. Tôi cũng chỉ trạc tuổi các bạn ấy, nhưng tôi có một lễ tốt nghiệp hân hoan và cả gia đình đang ngóng đợi nơi quê nhà.

Nhật Bản đang nỗ lực không ngừng. Tôi cảm nhận được điều này qua từng phút, từng giây, qua từng hành động của từ những đứa trẻ đến người già, từ công nhân đến các quan chức, từ những người ngay trong vùng chịu gánh nặng thiên tai nhiều nhất đến những người dân ở miền nam xa xôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào mình…
Ở đường Yamada, người ta phát miễn phí kare-một loại súp, người dân đứng xếp hàng chờ tới lượt mình, bọn trẻ thì vui mừng hò reo. Xung quanh thành phố Sendai, hệ thống ga đã được cung cấp lại, đường sá sạch gọn từng giờ và đang được sửa chữa ngày đêm.
Hay như ở tỉnh Fukushima, nhiều em học sinh trung học tham gia làm tình nguyện, chuẩn bị lương thực cho người già và trẻ em đang lánh nạn ở nhà thể chất của trường. Và nhiều, nhiều nữa những hình ảnh giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau của người dân ở vùng bị thiên tai. Học sinh Việt Nam bên này đang truyền miệng nhau câu chuyện về cậu bé 9 tuổi mà ý thức chia sẻ, biết hy sinh khiến người lớn cũng phải ngưỡng mộ. Dù chỉ là đứa trẻ 9 tuổi cũng đã biết nhận thức cao đến thế, ngẫm lại mới hiểu vì sao có nước Nhật ngày nay.
Nhiều nơi, một số nơi cửa hàng, các sạp buôn bán, nhà hàng đã rục rịch đi vào hoạt động trở lại. Nhưng khó khăn vẫn chồng chất thêm khó khăn, các chuyên gia vẫn chưa khẳng định được chất phóng xạ sẽ còn ảnh hưởng đến những đâu, vì còn phụ thuộc vào gió, mưa và nguồn nước.
Ở tỉnh Fukushima, chính phủ đã chỉ thị cho người dân không được ăn một số thực phẩm bị nhiễm phóng xạ cao như rau bắp cải, dưa chột, súp lơ, sữa bò… Điều này cũng làm cho các nhà hàng đang hoạt động trở lại rất bối rối vì nguyên liệu chế biến thức ăn nhiều loại bị nhiễm xạ. Để giải quyết nhanh vấn đề này, chính phủ Nhật đã nhập rau đông lạnh từ Trung Quốc.
Ngoài ra, những gia đình đang nuôi con nhỏ cũng gặp bất an lớn, họ không thể pha sữa cho trẻ bởi nước nhiễm xạ. Vì vậy, ở Tokyo, các bà mẹ mang sổ tay theo dõi nuôi con đều được ưu tiên bán nước đóng chai. Còn ở Fukushima thì phát sữa và nước cho gia đình có con nhỏ.
Tin tức từ nơi xảy ra thảm hoạ chưa có thông báo về trường hợp người lao động/học sinh Việt Nam nào thương vong hay mất tích. Nhiều bạn ở Tokyo đã tạm về nước.
Cùng với cộng đồng lao động/học sinh Việt Nam trên nhiều vùng của Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam ở Kitakyusyu đã kêu gọi quyên góp để hỗ trợ nhân dân Nhật Bản cũng như giúp đỡ lao động/học sinh Việt Nam trong vùng bị thảm họa. Đợt mới nhất này, ngoài vật dụng sinh hoạt cần thiết như tất, chăn, quần áo…, hội thu được 73.500 yen, trong đó 53.500 yen sẽ được chuyển cho bên thành phố Kitakyusyu để ủng hộ người dân Nhật; Phần còn lại 20.000 yen sẽ chuyển cho bên hội VYSAK (Vietnamese Youth and Student Association in Kitakyusyu) để ủng hộ cho sinh viên Việt Nam.
Đất nước Nhật Bản vẫn ngổn ngang, nhưng đâu đó quanh đây, hoa Anh Đào đang bắt đầu hé nở. Mùa ngắm hoa năm mới của người Nhật đã bắt đầu. Truyền hình chiếu cảnh từ Kakosima, Anh Đào đã vươn mình khoe sắc - mang theo những tia hy vọng của sự sống, sự hồi sinh. Nước Nhật sau đau thương rồi sẽ vươn lên, mạnh mẽ hơn.
Phong Thảo
Sinh viên Đại học Công nghiệp Kyusyu, tỉnh Fukuoka
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom